Thứ Tư, 28/04/2021 00:36

Vạch ra những mâu thuẫn không thể giải quyết của chủ nghĩa thực dân, đế quốc – Tầm nhìn của thiên tài Hồ Chí Minh

Tính chất phi nghĩa của đế quốc Mỹ khi tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam đã chia đôi hai thái cực, một bên là bè lũ đế quốc hiếu chiến, một bên là nhân dân tiến bộ và các lực lượng yêu hoà bình trên thế giới... (NGUYỄN VIỆT ĐỨC)

.NGUYỄN VIỆT ĐỨC

 

Trong bài báo “Bình đẳng, bác ái kiểu Mỹ (Báo Nhân dân, số 3120, ngày 10-10-1962), tác giả đưa ra hiện tượng là lời của các quan chức cấp cao nhất của chính quyền Mỹ: “27-8-1962, R. Kennơđi (em ruột Tổng Ken, làm Bộ trưởng Tư pháp) nói: “Nên để học sinh và các đoàn thể nước ngoài đến thăm Mỹ, họ sẽ thấy rõ chế độ và nếp sống Mỹ là tốt đẹp nhường nào…”.

18-9-1962, nhân kỷ niệm 175 năm của Hiến pháp Hoa Kỳ, Tổng Ken nói: “Hiến pháp này là một văn kiện cách mạng nhất trong lịch sử loài người. Nó là sự hy vọng của nhân dân thế giới, là kiểu mẫu chói lọi cho các nhà nước khác…”. Thật là hào nhoáng “chói lọi”! Nhưng bản chất thực tế trên ngay chính nước Mỹ thì là thế này: “trước mặt trường đại học Ocpho, quang cảnh rất náo nhiệt: Một bên là độ 6000 binh lính, súng ống sẵn sàng và độ 600 nhân viên của toà án. Một bên là độ 2000công nhân Mỹ da trắng, mặt mũi hung hăng “sẵn sàng chiến đấu”, liền miệng chửi rủa: Đồ da đen bẩn thỉu! Cút đi!”. Giữa hai đám người đó, một thanh niên Mỹ da đen, tay ôm cặp sách, chân bước khoan thai, có mấy tên hiến binh bảo vệ. Đằng xa, có 20 người bị thương và hai xác chết (một phóng viên thông tấn xã Pháp AFP đã chết oan... Đó là cảnh thường thấy trong những vụ người da trắng đàn áp, chém giết, hành hình người da đen, càng bất công hơn là người da trắng lại được toà án và cảnh sát bảo vệ hoặc làm ngơ, còn người da đen thì không”. Thế là lời của Tổng Ken và Bộ trưởng Tư pháp hoàn toàn bị lật tẩy trơ ra là những lời nói dối đáng nguyền rủa.

Tác giả dẫn báo Mỹ Công chúng (Public Forum): “Bọn lợi dụng chiến tranh là hung ác hơn cả mọi loài thú dữ. So với chúng, thì Mọi ăn thịt người còn lương thiện lắm, vì họ chỉ ăn thịt kẻ thù và ăn cho đỡ đói. Còn bọn kia thì xui dân mình đi chết (như chiến tranh ở Triều Tiên) để làm giàu”. Và bổ sung thêm vào một lời bình:“Dân khổ mặc dân, đế quốc Mỹ, mỗi năm cứ khoét dân hàng vạn triệu để chuẩn bị thế giới chiến tranh. Than ôi, Mỹ mà không đẹp!”[1]. Trong đoạn văn này hai lời bình luận đồng hướng làm nổi bật bản chất “văn minh” của xã hội Mỹ là bất công, hung ác và giết người!

Người giễu cả một Quốc hội Mỹ: “Quốc hội Mỹ đã thừa nhận rằng những tổ chức chính trị, kinh tế, tài chính, pháp luật, báo chí của Mỹ thông đồng với lũ trộm cướp để ăn hối lộ và để trị những công nhân và công chức giác ngộ. Và vì vậy nên Mỹ không tẩy bọn trộm cướp đó”[2].

Tính chất phi nghĩa của đế quốc Mỹ khi tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam đã chia đôi hai thái cực, một bên là bè lũ đế quốc hiếu chiến, một bên là nhân dân tiến bộ và các lực lượng yêu hoà bình trên thế giới và ngay cả trong lòng nước Mỹ. Ngày 19 -2-1967, với bút danh Chiến Sĩ, Bác Hồ cho in bài báo Một triệu tín đồ, một vạn phụ nữ, năm nghìn trí thức và một bé gái Hoa Kỳ, ngay cái tít bài đã gợi nên một hình thức tương phản, nội dung bài báo cho thấy cả thế giới này đứng về phía nhân dân Việt Nam chính nghĩa để đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh phi nghĩa:

“Một triệu tín đồ các đạo Giatô, Tin lành và Do Thái ở 412 thành phố trong 37 bang ở Hoa Kỳ, tức là khắp cả nước Mỹ, đã nhịn đói suốt ba ngày để chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam (9 đến 11-2-1967).

Một vạn chị em thuộc “Hội Phụ nữ đấu tranh cho hòa bình” đã rầm rộ tổ chức biểu tình, xông vào Bộ Quốc phòng Mỹ. Chị em biểu tình đã mang theo những bức ảnh trẻ em Việt Nam bị bom napan Mỹ đốt cháy và những khẩu hiệu kịch liệt chống chiến tranh (15-2-1967).

Hơn 5.000 vị khoa học nổi tiếng ở Mỹ viết thư đòi tổng Giôn phải chấm dứt việc dùng các loại hơi độc ở Việt Nam. Trong các vị đó, có 17 người đã được giải thưởng quốc tế Nôben và 129 người là Hàn lâm khoa học, tức là những người khoa học có danh vọng nhất ở Mỹ (15-2-1967). Vì tờ báo ấy đã đăng một bài thơ của em gái Bacbara Bếtlơ, 12 tuổi, viết về tội ác máy bay Mỹ ném bom xuống các làng mạc gần Hải Phòng và giết chết nhiều trẻ em. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng thơ của em Bacbara Bếtlơ sẽ gây rối ren cho vấn đề Việt Nam.

Kết luận: Tóm tắt mấy việc trên đây chứng tỏ rằng: một là, nhân dân Mỹ, các tổ chức công giáo và các đoàn thể khoa học, đàn ông, đàn bà và trẻ em đều chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Hai là, bọn đế quốc hung hăng như bè lũ Giônxơn mà phải run sợ trước một bài thơ chính nghĩa của một cô bé 12 tuổi, như thế đủ thấy tinh thần của chúng hèn yếu đến mức nào! Cho nên chúng ta nói: chính nghĩa nhất định thắng, nhân dân ta nhất định thắng. Đế quốc Mỹ nhất định thua”[3].

Ba mảnh đoạn trên là sự liệt kê các con số để gây ấn tượng nơi bạn đọc về các lực lượng chống chiến tranh của nhân dân Mỹ, phần Kết luận là sự bình luận nhấn mạnh tới sự tương phản chính nghĩa và phi nghĩa, đặc biệt tác giả bình luận sâu vào sự tương phản giữa một bên là cả một “bọn đế quốc hung hăng” mà lại “phải run sợ trước một bài thơ chính nghĩa của một cô bé 12 tuổi”.

Con đường thất bại tất yếu của kẻ xâm lược phi nghĩa.

Lịch sử ghi nhận cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta không chỉ là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà còn là cuộc chiến tranh bảo vệ lương tri, nhân phẩm, hoà bình của nhân loại tiến bộ trước kẻ thù hung ác. Vì thế chúng ta được sự ủng hộ nhiệt thành của nhân dân tiến bộ, của các lực lượng yêu dân chủ, hoà bình trên khắp thế giới, trong đó có cả trên đất Mỹ.Trong ví dụ sau tác giả đồng tình với bình luận của chính một tờ báo lớn của Mỹ, trên cơ sở lời bình luận này tác giả khái quát bản chất lừa bịp của chủ nghĩa đế quốc:

“Hãng AP Mỹ đã viết: Tổng Giôn phải “nói đến hoà bình và viện trợ là để đối phó với sự khiển trách nghiêm khắc của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đối với cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam”. Đúng như thế. Hơn nữa, bằng cách rêu rao như vậy, tổng Giôn còn lừa bịp thiên hạ rằng: “Bà con xem đây, Mỹ muốn thương lượng, Mỹ muốn hoà bình. Nhưng bọn Việt Nam không muốn. Chiến tranh kéo dài là lỗi tại người Việt Nam!”[4]. Không chỉ là báo chí tiến bộ Mỹ mà còn là các nước, trong đó có báo chí tiến bộ ở các nước trung lập như Nhật Bản. Tác giả mượn sự phân tích tình hình về chiến tranh mà Mỹ gây ra ở Việt Nam của một tờ báo có uy tín của Nhật: “Tạp chí Nhật Bản Thế giới (số tháng 7) đã đăng lại một bài của tạp chí Mỹ Ký giả dưới đầu đề “Tổng Giôn không phải là con chim hoà bình”. Xin lược dịch như sau:

“Hiện nay, rõ ràng là cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã trở nên cuộc chiến tranh riêng của tổng Giôn. Ông ta tự vạch ra chiến lược, tự thảo ra những lời thanh minh cho Bộ Ngoại giao. Ngày nào ông ta cũng giải thích chính sách Mỹ ở Việt Nam và tình hình chiến sự cho các nghị sĩ... và các ký giả nghe.

Nhưng nhân dân Mỹ vẫn phê bình quân đội Mỹ dùng hơi độc và ném bom bừa bãi ở Việt Nam...

Vả lại, cuộc chiến tranh ở Việt Nam tốn tiền rất nhiều. Nếu chiến tranh kéo dài, thì chắc nó sẽ đe doạ đời sống cái “xã hội vĩ đại” ở Mỹ. Trong luồng không khí ấy, tổng Giôn ngày càng lo lắng và không yên”[5].

Tên bài báo văn chương và hấp dẫn. Văn chương ở chỗ dùng ẩn dụ, ai cũng biết hình ảnh con chim bồ câu của hoạ sĩ Picatxô là biểu tượng cho hoà bình, “Tổng Giôn không phải là con chim hoà bình” nghĩa là Tổng Giôn không yêu hoà bình. Hấp dẫn mời gọi bạn đọc ở chỗ vì Tổng Giôn luôn múa mép là người của hoà bình mà nay có tờ báo nói ra sự thật thì ai cũng muốn xem thực hư thế nào. Nội dung bài báo lại nói lên tính chất hiếu chiến, cực đoan về chiến tranh Việt Nam của chính Tổng Giôn đã bị phản ứng bởi các trí thức và báo chí Mỹ càng củng cố cho cái tít bài báo đã thâu tóm được tinh thần của nội dung.

Phản đối đế quốc Mỹ xâm lược, phản đối chế độ tay sai của Mỹ ở miền Nam có cả tôn giáo, nhất là Phật giáo vì sự tàn bạo mất hết nhân tính của Mỹ nguỵ hoàn toàn đi ngược lại quan niệm về từ bi, hỉ xả của nhà Phật. Chúng đàn áp Phật giáo nhưng lại tuyên bố “chống lại tất cả mọi sự áp bức”. Tác giả lấy ngay một tấm gương tuẫn tiết vì sự an lành của chúng sinh - Hoà thượng Thích Quảng Đức: “Ngay trong lúc thầy trò Mỹ - Diệm ba hoa tuyên bố như thế, thì hoà thượng Thích Quảng Hương đã tự thiêu mình. Trước khi hy sinh, hoà thượng Quảng Hương đã viết thư cho Diệm, nói rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi giải quyết những yêu cầu chính đáng của chúng tôi”. Và viết thư cho ông Tổng thư ký Liên hợp quốc U Than, nói rằng: “Tôi chết để phản đối chính quyền bạo ngược của Ngô Đình Diệm”[6]. Là lời của một vị Hoà thượng lấy thân mình để bảo vệ lẽ phải thì ai cũng tin, ai cũng cảm động.

Đầu những năm 1950 quân ta thắng nhiều trận lớn, quân Pháp có dấu hiệu xuống sức hụt hơi, thế mà chúng còn rêu rao khoe khoang là “bộ đội Pháp đánh hăng như cọp”. Bác Hồ có ngay một ngụ ngôn Cọp, Nai, Thỏ (Báo Cứu quốc, số 1868, ngày 25-7-1951), sau khi thuật lại lời khai của một tù binh Pháp - hạ sỹ quan Ghiông (Guillon), tác giả đưa ra lời bình luận: “Lời khai của Ghiông có Nai, có Thỏ, có Cọp, như một vườn bách thú nhỏ. Song con cọp Pháp chỉ là cọp giấy”[7]. Một tiếng cười trào phúng vui vẻ mà sâu sắc qua so sánh “như một vườn bách thú nhỏ” đã hạ bệ thảm hại những kẻ đi xâm lược giờ đây cũng chỉ như những con thú bị “giam hãm” trong “vườn bách thú” để cho du khách tham quan ngắm nghía mà thôi. Quân Pháp có tự cho mình là cọp thì chẳng qua cũng chỉ là cọp giấy. Ý nghĩa của câu nói càng có giá trị khi người nói là một vị Tổng tư lệnh quân đội kháng chiến - Chủ tịch Hồ Chí Minh, khích lệ tinh thần đánh giặc của quân ta bao nhiêu thì càng khiến cho sự hoảng loạn của lính Pháp tăng lên bấy nhiêu.

Diễn tả thế thua của Mỹ được tác giả hình dung trong thế cùng của một con vật (chó): “Mỹ thua thì nó xấu hổ lắm. Nó tức mình lắm. Bởi vì nó đã thua ở Trung Quốc, thua ở Triều Tiên, bây giờ mà thua ở Việt Nam nữa, nó mất mặt, xấu hổ. Vì thế cho đến phút cuối cùng nó cắn, nó cố cắn rồi nó thua nữa.

Bây giờ nhân dân tiến bộ Mỹ đối với ta tốt. Chính trong bọn thống trị Mỹ, khi ta chưa đánh lớn thì nó êm thấm cả. Quốc hội nó năm ngoái thông qua một nghị quyết cho Giônxơn tha hồ muốn làm gì thì làm. Muốn bao nhiêu quân đội, bao nhiêu tiền, chúng cho hết. Nhưng vừa rồi đây chúng cắn nhau, cãi nhau lung tung. Vì chúng nó thua. Tuy vậy mình không nên chủ quan khinh địch.

Ta càng gần thắng lợi, địch càng gần thất bại. Mà càng gần thất bại nó càng cố hết sức cắn một miếng thật đau rồi mới chịu nhả”[8].

Diễn tả thế thua của Pháp, khó tìm được dẫn chứng nào sinh động, dễ hiểu cũng đầy sự lạc quan tin tưởng hơn ví dụ này: “Ta như con voi non càng đánh càng mạnh. Địch như con trâu điên càng đánh càng kiệt sức. Đến một lúc nào đó thì nhất định con voi non sẽ quật ngã con trâu điên”[9]. Không chỉ chế giễu cái thế đi xuống của Pháp mà còn là sự động viên, khích lệ, cổ vũ cái thế phát triển, tất thắng của quân ta.

“Bị thua to và sa lầy ở miền Nam, chúng muốn mở rộng chiến tranh đến miền Bắc hòng gỡ thế bí. Như thế khác nào con chó sói hai chân sau đã bị kẹt vào cạm bẫy, muốn thò cả hai chân trước vào cạm bẫy nữa để giải thoát cho hai chân sau! Thật là ngu xuẩn!”[10]. So sánh này không chỉ đúng với tính cách mà còn đúng với cả hoàn cảnh giữa cái so sánh và cái được so sánh. So sánh bọn xâm lược Mỹ với chó sói là chính xác về bản chất: hống hách, hung dữ, hiểm độc, sẵn sàng ăn thịt cả đồng loại… Nhưng so sánh này còn là sự mỉa mai cay độc về tình cảnh của đế quốc Mỹ lúc này: “đã điên cuồng lại thêm ngu ngốc, luống cuống”. Không thể tìm ra một ví dụ nào diễn đạt đúng hơn hoàn cảnh của đế quốc Mỹ như ngụ ngôn về con sói: “khác nào con chó sói hai chân sau đã bị kẹt vào cạm bẫy, muốn thò cả hai chân trước vào cạm bẫy nữa để giải thoát cho hai chân sau!”.

Gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã làm nước Pháp suy yếu nghiêm trọng về mọi mặt, kinh tế suy thoái, chính trị mất ổn định “Vì tình hình khó khăn ấy, mà sau 55 ngày tổng tuyển cử, Pháp mới ỳ ạch lập được chính phủ, một chính phủ bấp bênh, do 3 đảng yếu nhất trong Quốc hội hùn lại. Người ta mỉa rằng: Chính phủ ấy cũng như 3 con đĩ đồng sàng, dị mộng (chung một giường mà khác mộng)”[11]. Từ “con đĩ” đã làm nổi rõ tính chất cơ hội, trơ trẽn, lăng nhăng, vô nhân phẩm của các đảng nọ, và cũng chính các đảng này đồng sàng, dị mộng, nghĩa là cũng chẳng hề thân thiện, thiếu gắn kết, không quyền lợi chung. Trên chiến trường Việt Nam thì lính Pháp đang chết mòn chết mỏi[12] bị sa vào thế trận chiến tranh nhân dân như là “một thứ thiên la, địa võng mà địch không tài gì thoát ra được. Địch đi đến đâu cũng bị chặn đánh. Địch làm cái gì cũng bị phá hoại. Du kích làm cho địch có mắt cũng như mù, có tai cũng như điếc, có chân tay cũng như què. Một bộ phận địch thì bị du kích tỉa dần tỉa mòn. Bộ phận địch còn sống sót, thì ăn không yên, ở không yên, nghe gió thổi chim kêu cũng hoảng sợ, rồi cũng bị du kích tiêu diệt nốt”[13], sa vào tình trạng chết dở sống dở[14]. Do vây mà “giặc Pháp sẽ hết ngõ, cùng đường[15].

Về đối nội “Chiến tranh ở Việt Nam đã làm cho Pháp ngày càng dân cùng tài tận, ngày càng bị phụ thuộc vào đế quốc Mỹ”[16]. “Lời của Phó Thủ tướng Pháp thật là: “Một lời cay đắng, đôi giòng lệ rơi”. Nó đã chứng tỏ tình hình vô cùng khốn đốn của Pháp. Nó lại chứng tỏ cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam đã làm cho Pháp “người chết của hết, tiền mất tật mang[17]. Chưa hết, sau khi thua trận đau đớn ở Việt nam, năm 1956 nước Pháp tổ chức bầu cử Quốc hội, cuộc bầu cử năm 1951 các đảng phái phản động và Chính phủ Pháp câu kết gian dối với nhau làm cho Đảng Cộng sản Pháp dù được nhiều phiếu nhưng kết quả lại được ít ghế đại biểu trong Quốc hội, lần này “Chúng ăn quen bén mùi, lại dùng luật ấy trong cuộc tổng tuyển cử này. Nhưng lần này, Đảng Cộng sản lấy gậy mày, đập lưng mày. Kết quả Đảng đã thắng to, chúng đã thất bại”[18]. Pháp thua, phải nhục nhã cuốn cờ đầu hàng rút khỏi miền Bắc, nhưng ở miền Nam “đế quốc Mỹ ráo riết tiến hành việc hất cẳng Pháp. Dụ dỗ Pháp ký Hiệp ước Mani, đế quốc Mỹ đã nắm được đằng chân thì không ngại ngùng gì mà không lân đằng đầu[19].

Cả dân tộc lại bước vào cuộc trường chinh đánh giặc giữ nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chỉ bằng hai câu ca dao mà Bác làm nổi bật bản chất thâm hiểm đểu giả của Tổng thống Mỹ Kennơđi: “Ngoài miệng thì tụng “nam mô”/ Trong lòng thì đựng cả bồ dao găm”[20].

Bác vạch ra sự giả dối lừa gạt đê tiện của một vị Tổng thống: “Trong những lời tuyên bố trước thiên hạ, tổng Ken thường ba hoa dùng những danh từ như “tự do, hợp tác, chân lý, hoà bình”, v.v.. Song những cuộc xâm lược ở Cuba, ở Cônggô, ở Lào... đã chứng tỏ Ken chỉ là một tên bợm “treo đầu dê, bán thịt chó[21]. Mặc dù “Ken nói những lời ngon ngọt như mật rót vào tai. Ví dụ: “Mỹ kiên trì phấn đấu cho hoà bình...”[22], nhưng “Chó sói học nói giọng cừu”. Lời đường mật của tổng Ken chẳng những không lừa bịp được nhân dân nước ngoài, mà cũng không lừa bịp được đồng bào Mỹ của y”[23]. Bởi “bọn trùm đế quốc như tổng Ken đều là: “Khẩu Phật tâm xà; miệng là Bồ Tát, bụng là Xatăng!”[24]. Những thành ngữ Bác dùng đã hạ bệ Tổng Ken, từ địa vị sang trọng xuống hàng những kẻ đểu cáng nhất, tráo trở, giả dối, thâm độc…!

N.V.Đ


[1] Báo Nhân dân, số 3120, ngày 10-10-1962.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, tập7. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 155.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15. Sđd, tr 304.

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, tập14. Sđd, tr 538.

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, tập14. Sđd, tr 652.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, tập14. Sđd, tr 176.

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, tập7. Sđd, tr 133.

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, tập15. Sđd, tr 72.

[9]Bác Hồ với Tuyên Quang - NXB Chính trị Quốc gia, 2007, tr 198, 199.

[10]Hồ Chí Minh toàn tập, tập14. Sđd, tr 501.

[11]Hồ Chí Minh toàn tập, tập7. Sđd, tr 203.

[12]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 411.

[13]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 236.

[14]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 430.

[15]Hồ Chí Minh toàn tập, tập7. Sđd, tr 260.

[16]Hồ Chí Minh toàn tập, tập8. Sđd, tr 226.

[17]Hồ Chí Minh toàn tập, tập7. Sđd, tr 210.

[18]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10. Sđd, tr 242.

[19]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9. Sđd, tr 248.

[20]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13. Sđd, tr 33.

[21]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13. Sđd, tr 141.

[22]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 131.

[23]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 132.

[24]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 133.