Thứ Sáu, 17/07/2020 16:21

Văn hóa đọc đang xuống cấp, một nhận định hàm hồ

Tôi không lí giải được quan điểm văn hóa đọc xuống cấp được bắt nguồn từ dữ liệu và kiểm kê, đánh giá đáng tin cậy nào. Nó căn cứ vào một quy chiếu cao hơn nào đã có trong quá khứ của văn hóa đọc ở Việt Nam? (PHONG CA)

.PHONG CA

Bàn về văn hóa đọc, dường như người ta thường không đắn đo nêu lên thực trạng văn hóa đọc đang xuống cấp. Tuy nhiên, quan điểm đó hoặc được phát biểu từ khá lâu, hoặc theo thói quen không được kiểm chứng một cách đầy đủ từ chính môi trường đọc hiện nay. Bởi vậy, câu hỏi được đặt ra là: Có đúng là văn hóa đọc đang xuống cấp hay không? Căn cứ vào đâu để chúng ta có thể đưa ra lời chất vấn cho quan điểm văn hóa đọc đang xuống cấp?

Sự thực, tôi không lí giải được quan điểm văn hóa đọc xuống cấp được bắt nguồn từ dữ liệu và kiểm kê, đánh giá đáng tin cậy nào. Nó căn cứ vào một quy chiếu cao hơn nào đã có trong quá khứ của văn hóa đọc ở Việt Nam? Trong hầu hết những phân tích nhắc đến quan điểm này, người ta thường nhấn mạnh rằng, truyền thông đa phương tiện lên ngôi, internet, máy tính, smartphone, truyền hình, các loại hình giải trí nghe nhìn… đã lôi kéo hết công chúng của sách. Đây đó, một vài bài viết nêu lên con số khá thấp về tỉ lệ sách bình quân người Việt Nam đọc trong một năm (không đầy hai cuốn). Dù đánh giá này được nêu lên từ nguồn khảo sát quốc tế (không được công bố chi tiết) và so sánh với các nước khác, nhưng sai số có thể được chỉ ra ngay dựa trên các phạm vi, khu vực, số lượng người được khảo sát của các nước. Như thế, việc đưa ra quan điểm văn hóa đọc xuống cấp cũng bấp bênh như chính số liệu kết quả của nó khi biến số khảo sát dao động.

Vấn đề thực sự cần quan tâm ở đây là văn hóa đọc của người Việt trước hết cần đặt dưới cái nhìn từ bên trong, từ lịch sử. Cứ thử so sánh từ khi có sách xuất hiện đến nay, xem xét sự vận động của nhu cầu, số lượng, chất lượng đọc, người ta hẳn sẽ không vội vàng đưa ra quan điểm văn hóa đọc ở Việt Nam xuống cấp. Nó đã cao vào lúc nào? Sự thực, với hoàn cảnh Việt Nam, văn hóa đọc vẫn đi lên với nhiều tín hiệu tích cực.

Một trong những tín hiệu khá mạnh đến từ không gian đọc của người Việt chính là sự nở rộ các diễn đàn đọc sách, bàn luận, chia sẻ, giới thiệu sách trên mạng internet cũng như trong thực tế đời sống xã hội. Từ một facebook cá nhân hay một nhóm riêng tư, từ một trang web hay một blog, từ nhà xuất bản tới các công ti truyền thông văn hóa, từ các trường đại học đến các hội văn học nghệ thuật, từ các tòa báo đến đài truyền hình, từ người bán đến người mua, tìm kiếm sách… đã cho thấy đời sống sách vở ở Việt Nam không hẳn u ám như quan điểm đã nêu. Điểm qua, chúng ta có thể thấy những diễn đàn đọc sách trên mạng đang thu hút được nhiều công chúng. Cùng với đó, những nhóm - xóm đọc, bình, chia sẻ việc đọc cũng thu hút hàng chục ngàn thành viên tham gia, theo dõi. Vẫn chưa hết, hiện tại, các nhà xuất bản và các công ti truyền thông (Nhã Nam, Tao đàn, alphabooks, thaihabooks, dinhtibooks, Song Thủy, Sao Bắc, Nxb Tri thức, Nxb Trẻ, Nxb Phụ nữ, Nxb Văn học, Nxb Hội Nhà văn…) cũng đẩy mạnh việc quảng bá, kích thích nhu cầu, cảm hứng của người đọc thông qua chiến dịch giới thiệu sách, giảm giá, cho ra mắt các dòng sách đẹp, hay, hấp dẫn. Từ phía các đơn vị truyền thông lớn như VTV, VTC, VOV cùng các đài địa phương cũng có các diễn đàn Văn học nghệ thuật, Sách và cuộc sống, Tác phẩm mới… tích cực tham gia vào việc lan tỏa văn hóa đọc. Cùng với đó, sự hoạt động ngày càng đều đặn, chuyên nghiệp hơn của các tờ báo, tạp chí, hội văn học nghệ thuật trong cả nước và việc liên kết giữa xuất bản báo, tạp chí giấy với phát hành điện tử đã đưa sách đến với người đọc bằng nhiều ngả. Các trường đại học, nhất là khối các trường văn hóa nghệ thuật, sư phạm, khoa học xã hội nhân văn cũng đều có website liên quan đến sách vở, đọc và chia sẻ sách. Hệ thống thư viện các cấp, dù có vẻ trầm lắng hơn nhưng vẫn có lượng người đọc nhất định. Chưa hết, nhìn vào đời sống đọc và chia sẻ việc đọc hiện nay, có thể thấy hầu hết những nhà nghiên cứu, phê bình, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội, giáo dục, các chuyên gia… đều có tài khoản mạng xã hội. Họ tham gia vào đời sống đọc bằng việc giới thiệu chính kinh nghiệm, trải nghiệm đọc của mình, qua đó truyền cảm hứng, lan tỏa đến bạn bè, công chúng (Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Mạnh Hùng, Phan Đăng, Lê Thiếu Nhơn, Trần Ngọc Hiếu, Uông Triều, Nguyễn Hoài Nam, Quyên Nguyễn, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, Hiền Đỗ, Kiều Mai Sơn, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh, Phan Tuấn Anh, Văn Thành Lê, Từ Hồng Sơn…). Chưa kể, có một lượng người đọc tinh anh, “siêu độc giả”, không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nhưng năng lực đọc cũng như tiếng nói của họ đối với giới đọc sách vẫn đầy sức nặng. Thêm vào đó, cũng cần nhắc ở đây những blog cá nhân có lượt truy cập cao cũng như ảnh hưởng khá lớn đến cộng đồng đọc như: haingoc, nhilinh, cậu ấm thơ ngây, khải đơn, chiecnon, dotchuoinon, tầng trệt, tây bụi, hoanghannom… Các salon - coffee sách văn học văn hóa như Cà phê Trung Nguyên, Manzi, Heritage Space, Tổ chim xanh; các nhà sách (Cá chép, Đông Tây); Trung tâm văn hóa Pháp, Viện Goethe, Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ, Viện Văn học, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, các trường đại học… cũng có những chương trình giới thiệu, tọa đàm ra mắt sách. Ở một góc lặng lẽ hơn, những nhà sưu tầm, buôn bán sách đã (vô tình hay hữu ý) tạo ra xung năng kích cầu đối với người đọc (Lê Văn Hợp, Nguyễn Bình Phương, Vũ Hà Tuệ, Hoàng Minh Ggx, Cường Vespa, AnNam Thư quán, Ve chai sách xưa…). Thời gian gần đây, sự xuất hiện của diễn đàn Đọc sách cùng con, và quan điểm mừng tuổi, tặng quà bằng sách thay cho tặng phẩm khác cũng có tác động đến nhận thức của cộng đồng đối với sách vở. Sự ra đời của Ngày sách Việt Nam (21/4) cùng nhiều hội chợ sách, các đợt giảm giá sâu của hệ thống trực tuyến, nhà sách, công ti văn hóa truyền thông… cũng tác động khá lớn đến hứng thú tham dự, tìm kiếm và mua sách của công chúng. Không chỉ như vậy, các giải thưởng dành cho việc đọc, viết review sách, sách hay… cũng kích thích tinh thần mua, đọc - viết của công chúng.

Điểm qua những chỉ dấu ở trên (thực tế là còn nhiều hơn nữa), người quan sát sẽ thấy được đời sống đọc đang diễn biến khá sôi nổi, sinh động. Cũng tại đây, các chỉ dấu này lập tức chất vấn trở lại: Đã có lúc nào môi trường đọc ở Việt Nam sôi động đến thế? Ở giai đoạn trước, khi một cuốn sách được in với số lượng hàng vạn bản không phải là con số quyết định văn hóa đọc cao. Bởi lẽ, một đầu sách in hàng vạn bản nhưng tổng số các đầu sách lại không nhiều. Thực tế, ngày xưa người ta nhớ một cuốn sách bởi vì họ không có nhiều sách để đọc. Hiện nay, ở một diễn đàn đọc như gacsach.com, chỉ riêng ở thể loại ngôn tình (chưa kể các thể loại khác: xuyên không, viễn tưởng, trinh thám, kinh dị, huyền huyễn, khoa huyễn, lịch sử, tâm lí giới tính, kĩ năng sống, kinh điển, khoa học kĩ thuật…) đã có hàng vạn, chục vạn người đọc, theo dõi (Ví dụ: truyện Chồng yêu là quỷ - ngôn tình Trung Quốc, có tới 2.748.850 lượt đọc, gần 9000 người thích, hơn 7000 bình luận. Truyện Lấy nhầm Tổng tài - ngôn tình Trung Quốc, 3.049.700 lượt đọc). Ở dòng sách kinh điển, Tiếng chim hót trong bụi mận gai - 122.904 lượt đọc, Suối nguồn - 114.706 lượt, Những người khốn khổ - 102.174 lượt, Kiêu hãnh và định kiến - 64660 lượt, Bắt trẻ đồng xanh - 40.043 lượt... Các số liệu thống kê này hiển thị trên hệ thống đã từ hơn một đến bốn năm về trước. Nghĩa là, hiện tại có thể con số đã hơn thế. Nếu làm phép tính nhân số lượng người đọc ở tất cả các diễn đàn đã nêu, số lượng người đọc sách quả là không nhỏ. Nó thuyết phục ta tin rằng, văn hóa đọc đang phát triển theo chiều hướng khả quan, không hề suy giảm hay u ám như quan điểm khá mơ hồ nêu trên.

Nhìn về lịch sử xuất bản cũng như đời sống sách vở Việt Nam, với sự có mặt một cách sôi động của các diễn đàn, cơ sở, tổ chức, cá nhân tham gia vào việc sáng tác - xuất bản - phát hành - phân phối - tiêu thụ - quảng bá sách, chúng ta không ngần ngại khi nói rằng, văn hóa đọc ở Việt Nam đang có những tiến triển tích cực. Bên trong những diễn đàn đọc sách, sự phân hóa theo thị hiếu cũng khá rõ. Các dòng sách đại chúng có lượng người đọc cao hơn dòng sách tinh hoa. Ở từng thể loại cũng có những bộ phận người đọc riêng. Kèm với đó là bình luận, chia sẻ, giới thiệu sách giữa các thành viên tham gia. Dĩ nhiên, văn hóa đọc không chỉ được quyết định ở số lượng người đọc. Người ta có thể vin vào thị trường sách tinh hoa hay đại chúng để nhận định về chất lượng đọc. Tuy vậy, xét trong tính toàn thể của văn hóa đọc như là một hiện tượng xã hội, công chúng phổ thông với diện đọc phong phú của mình đôi khi lại làm ngạc nhiên chính những người được cho là tinh hoa trong giới đọc sách. Sự mất dần hay lu mờ vai trò của trí thức và các tổ chức hàn lâm liên quan tới sách vở trong thời đại công nghệ số và tài nguyên tri thức mở đã khiến cho việc phân định đâu là người đọc hàn lâm/ phổ thông trở nên hết sức mơ hồ. Có thể, một người đọc chẳng liên quan gì đến nghiên cứu lại là một tay trùm sò trong dòng sách kinh điển. Ngược lại, một tiến sĩ văn chương hàn lâm lại có thể say sưa và tường tận mọi ngóc ngách của thể loại ngôn tình (vốn bị/ được xem là dòng văn học đại chúng). Xem xét các diễn đàn đọc sách trên mạng (như đã nêu), chúng ta sẽ hiểu hơn về nhu cầu đọc hay phẩm chất của người đọc hiện nay. Từ những tác giả, tác phẩm kinh điển, nổi tiếng khó đọc, đến những cuốn sách bé nhỏ, giản dị; từ sách chuyên ngành đến sách thường thức phổ thông; từ sách Việt văn đến ngoại văn, từ sách in đến e-book, audio book… đây đó đều có người chạm đến, đều đi vào đời sống theo những cách khác nhau. Sự thực là, trong tình thế hiện nay, không một ai dám quả quyết rằng mình có thể bao quát toàn bộ đời sống sách vở ở Việt Nam. Đặt vào lịch sử xuất bản và in ấn cũng như diễn biến đọc của công chúng Việt Nam, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, hiện tại, số sách nhiều hơn, số người đọc nhiều hơn bất kì giai đoạn nào trước đó (từ Ngày sách Việt Nam ra đời - 2014, số cuốn sách đến nay đã tăng hơn 22%, số bản sách tăng hơn 55%). Vậy thì, tại sao có thể dễ dàng nói văn hóa đọc đang xuống cấp?

Có lẽ, quan điểm văn hóa đọc xuống cấp được hình thành trên cái nhìn có phần chọn lọc bởi bộ phận công chúng tinh hoa. Khi có 102.174 lượt đọc Victor Hugo (Những người khốn khổ) và hơn 3 triệu người đọc Phân Hoa Phất Liễu (Lấy nhầm Tổng tài) phải chăng là văn hóa đọc xuống cấp? Đành rằng, về mặt chất lượng, các tác phẩm văn học mạng chưa thực sự cao, nhưng bản thân việc đọc, chia sẻ, bình luận, trao đổi của đông đảo người đọc đã nói lên khía cạnh hấp dẫn nào đó của tác phẩm. Điều đó cũng cảnh báo đến những tác giả “chính thống” về con đường tiếp cận độc giả của họ. Mặt khác, hãy nhìn lại một lần nữa các diễn đàn đọc sách đã giới thiệu ở trên, đa phần những cuốn sách được review đều là những cuốn đáng đọc (từ quan điểm độc giả). Không chỉ là dòng văn học kinh điển được tái bản, mà các tác giả đương đại đang được chú ý trên văn đàn, các tác giả trẻ, các hiện tượng văn học (đoạt giải thưởng) cũng lần lượt được điểm danh.

Một vấn đề thiết tưởng cũng cần được nêu lên để có cái nhìn thỏa đáng hơn, thậm chí chất vấn lại quan điểm văn hóa đọc xuống cấp, đó là: Trước đây, chúng ta chỉ có sách báo in, bây giờ công chúng có rất nhiều lựa chọn đọc khác nhau. Chính các lựa chọn này đã phản biện lại việc cho rằng ngày nay ít người mua sách. Chúng ta không cần phải bỏ tiền ra để mua cuốn sách (ngoại trừ việc muốn sở hữu bản in giấy) khi tác phẩm đó hoàn toàn có bản điện tử trên các ứng dụng đọc. Cũng có người cho rằng, giới trẻ ít đọc, vốn kiến thức chữ nghĩa có vẻ ít. Sự thực là, cái họ đọc có thể không nằm trong khu vực mà chúng ta biết.

Sự nở rộ của các diễn đàn đọc sách trên mạng và trong đời sống xã hội là hệ quả tất yếu của những diễn tiến về nền tảng văn minh, và khả năng kiến tạo văn hóa của cộng đồng. Khoa học kĩ thuật, công nghệ đã làm thay đổi lớn lao đời sống con người, mở ra nhiều không gian sống, nới giãn hay xóa bỏ các đường biên, ranh giới. Toàn cầu hóa là phối cảnh đặc trưng của hiện tại. Ở Việt Nam, với 64 triệu người dùng internet, thực sự là một môi trường rộng lớn, tiềm năng để tiến hành các hoạt động quảng bá, giới thiệu, lan tỏa nhu cầu đọc sách. Về mặt động cơ xã hội, đọc sách liên quan đến hai vấn đề quan trọng, có tính cốt lõi, đó là giáo dục và thị hiếu. Hai trụ cột này lại có mối quan hệ nhân quả với nhau. Giáo dục hình thành thị hiếu, thị hiếu chi phối trở lại, có thể góp ý và điều chỉnh giáo dục. Chu Vĩnh Tân (một nhà giáo dục lớn, một trong thập đại tài nhân của Trung Hoa) đã nhấn mạnh: “Một cá nhân bước vào trường học chưa chắc đã được giáo dục. Chỉ khi nào anh ta thực sự đọc sách thì anh ta mới thực sự được giáo dục” (Triết lý giáo dục của Chu Vĩnh Tân, Nxb Hội Nhà văn, 2019, tr.56). Chúng ta không thể yêu cầu người khác phải đọc cái gì, nhưng nền tảng giáo dục sẽ tạo nên thị hiếu, ảnh hưởng đến xu hướng chọn sách của công chúng. Với những gì đang diễn ra trên không gian mạng và trong thực tiễn xã hội, đọc sách là một hoạt lực kiến tạo văn hóa khá nổi bật hiện nay. Đơn giản như, việc bày tỏ cảm nhận sau khi đọc một cuốn sách lên trang facebook cá nhân được đánh giá như một trong những hành động có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng.

So với thế giới, có thể tỉ lệ đọc sách của người Việt Nam còn thấp. Điều này không hoàn toàn do lỗi của công chúng. Nền tảng kinh tế xã hội của một đất nước thường xuyên đối mặt với chiến tranh, thiên tai, hiện tại vẫn trong nhóm các nước đang phát triển, dân số khá đông, thu nhập bình quân đầu người chưa cao,… nhu cầu đọc sách (dù có) nhưng có lẽ luôn bị đặt trong tình thế phải cân nhắc trước áp lực của các nhu cầu khác. Dẫu vậy, với những gì đã nói tới ở trên, đặt vào hệ quy chiếu của Việt Nam (nội quan và lịch sử), chúng ta có được cái nhìn khách quan, tươi sáng hơn về nhu cầu đọc, văn hóa đọc của Việt Nam. Sự phát triển đồng bộ của kinh tế - chính trị - văn hóa - giáo dục - xã hội cùng với khoa học, kĩ thuật, công nghệ sẽ từng bước kiến tạo văn hóa đọc ở Việt Nam trong một nền tảng vững chắc hơn. Bởi, chúng ta hiểu rằng, “đọc sách là cách để vô hạn hóa thế giới tinh thần một cách nhẹ nhõm”; “lịch sử phát triển tinh thần của một cá nhân chính là lịch sử đọc của họ”; “năng lực đọc của quốc gia quyết định sức cạnh tranh của dân tộc đó” (Chu Vĩnh Tân).

P.C