Thứ Ba, 01/10/2019 09:07

Văn hóa truyền thống trong diện mạo mới

Ngày nay, di sản văn hóa không chỉ nằm im trong bảo tàng mà được khai thác, đưa lên các thiết kế đương đại, tạo nên sự độc đáo, đẳng cấp cao cho sản phẩm.

Ngày nay, di sản văn hóa không chỉ nằm im trong bảo tàng mà được khai thác, đưa lên các thiết kế đương đại, tạo nên sự độc đáo, đẳng cấp cao cho sản phẩm. Ngoài phục vụ sản xuất, kinh doanh, điều này cũng góp phần phát triển giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện nay.

Khai thác chiều sâu văn hóa

Gắn với văn hóa nghệ thuật, từ lâu, doanh nghiệp thường có các hình thức như bảo trợ hoặc tài trợ. Nhờ đó, các buổi biểu diễn nghệ thuật, hòa nhạc, bảo tồn nghệ thuật dân gian, thủ công truyền thống... đã góp phần gìn giữ, phát triển văn hóa nghệ thuật. Đồng thời, điều này cũng giúp xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp khi nhiều sự kiện được tổ chức thường niên, với chất lượng nghệ thuật cao.

Cùng với bảo trợ và tài trợ, văn hóa còn gắn bó mật thiết với sản xuất, kinh doanh ở khía cạnh khác. Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, văn hóa là những gì được lặp đi lặp lại, được tạo ra, chắt lọc, trong quá trình con người tương tác với nhau, tương tác với tự nhiên. Trải qua thời gian dài, cái đọng lại thường rất quen thuộc, do đó những sản phẩm hàm chứa các giá trị văn hóa có cơ hội ghi dấu ấn với người tiếp nhận.


Văn hóa truyền thông góp phần tạo nên sự khác biệt và giá trị cho sản phẩm đương đại
Nguồn: ITN

Không thiếu ví dụ về việc lấy văn hóa nghệ thuật để tạo nên các sản phẩm ấn tượng, như tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng thế giới Wassily Kandinsky, Picasso xuất hiện trên mẫu quần áo và phụ kiện của các hãng thời trang cao cấp; nhiều hãng ô tô, xe máy hợp tác với các nghệ sĩ đương đại để hình thành dòng sản phẩm mang tính mỹ thuật cao... Hay hãng đồng hồ Speake-Marin đã cho ra đời dòng sản phẩm đặc biệt là chiếc đồng hồ được chính nghệ nhân Peter Speake-Marin khắc tay, sử dụng các mô típ trang trí trên trống đồng Đông Sơn, với phiên bản giới hạn là 18, tượng trưng cho các đời vua Hùng của nước ta. Hãng sản xuất hộp nhạc Reuge của Thụy Sỹ cũng cho ra đời phiên bản độc đáo là những hộp nhạc chơi quốc ca Việt Nam, có in thủ bút của cố nhạc sĩ Văn Cao. Chiếc hộp sử dụng kỹ thuật sơn truyền thống của Việt Nam và in mô típ trống đồng…

Điều đó cho thấy các thành tựu nghệ thuật nổi tiếng của thế giới cũng như những biểu tượng gắn với lịch sử của các quốc gia đã được các nhà sản xuất tìm hiểu cặn kẽ và thể hiện một cách tinh tế trên các mẫu thiết kế sản phẩm, cộng thêm với sự kỳ công chế tác, chất liệu hiếm có, phiên bản giới hạn... để tạo nên sự khác biệt và giá trị. Theo ông Nguyễn Đình Thành: Với hàm lượng văn hóa ngày càng cao, ngành hàng xa xỉ cho thấy, không phải tự nhiên mà họ có thể làm tan chảy trái tim của những khách hàng cao cấp ngày càng tinh tế và khó tính. Chiều sâu văn hóa chính là yếu tố mà những thương hiệu nổi tiếng luôn nghiên cứu khai thác.

Sử dụng văn hóa để tạo ra thiết kế, kể được những câu chuyện riêng ấn tượng, sản phẩm có cơ hội dễ đi vào trái tim của mọi người hơn. Do đó, văn hóa và biểu tượng của văn hóa được sử dụng nhiều. Nhưng đưa văn hóa vào sản phẩm không phải là chìa khóa luôn mở được cánh cửa thành công, mà đòi hỏi người sử dụng nó cần có sự hiểu biết sâu sắc về tập quán bản địa, lịch sử, xã hội đương thời và nhu cầu, tâm lý khách hàng.

Không “tự trói” mình

Ở Việt Nam, vai trò của văn hóa sớm được nhìn nhận, nhưng việc khai thác các giá trị văn hóa trong đời sống đương đại, đặc biệt trong sản xuất, kinh doanh, vẫn còn nhiều hạn chế. Gần đây, một số bạn trẻ và nhóm bạn trẻ đã bắt đầu dự án sáng tạo trên cơ sở văn hóa Việt, như: Họa sắc Việt lấy họa tiết từ tranh dân gian để tạo nên các thiết kế sản phẩm mang đậm chất truyền thống; Ỷ Vân Hiên lưu giữ cốt cách truyền thống Việt qua các trang sức, cổ phục; một số bộ phim, video ca nhạc dựa trên lịch sử, văn hóa dân gian thu hút sự chú ý của khán giả…

Tuy nhiên, văn hóa vừa hữu hình, vừa vô hình; có cái nổi trội, nhưng cũng có nhiều điều ẩn khuất bởi thời gian; có những điều tồn tại dài lâu, cũng có cái mới hình thành dù vô cùng phổ biến... Thời gian qua, khai thác giá trị văn hóa trong đời sống đương đại, chuyện thuần Việt hay không thuần Việt, đúng hay không đúng lịch sử, phù hợp hay không phù hợp về văn hóa... còn gây nhiều tranh cãi. Theo các chuyên gia, từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến hiện tại, nhiều phong tục, biểu tượng... khó nói cái gì thuần Việt, bởi văn hóa luôn có sự tiếp biến cho phù hợp với sự phát triển, nhiều điều nay được coi là truyền thống, từng có thời bị cho là lai căng... Và chừng nào con người đặt ra giới hạn cho mình thì họ không thoát khỏi điều đó. Do vậy, người sáng tạo nếu chỉ chăm chăm đi tìm những gì thuần Việt thì sẽ tự trói mình.

Cách để khai thác và phát huy giá trị văn hóa Việt phục vụ cuộc sống đương đại là hãy cổ vũ tất cả sáng tạo trên nền tảng văn hóa, và thời gian, xã hội sẽ tự sàng lọc những gì phù hợp nhất, có giá trị nhất. Chất Việt có thể hiển hiện ở cả những gì vô hình và hữu hình, như truyền cảm hứng sáng tạo, thiết kế sản phẩm, công nghệ sản xuất, cách truyền thông điệp... Ông Nguyễn Đình Thành cho rằng, ngoài việc khai thác truyền thống theo cách mới mẻ, người sản xuất, kinh doanh cần nhạy cảm trước các vấn đề, nhu cầu của cuộc sống hiện tại, để có cách kể câu chuyện với ngôn ngữ phù hợp trong từng sản phẩm. Hình dáng, phom mẫu, thông điệp độc đáo... đó vừa là chuyện kinh doanh vừa là gìn giữ và phát huy truyền thống, giới thiệu văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế trong diện mạo của thế kỷ XXI.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Thảo Nguyên)