Thứ Bảy, 06/07/2019 12:25

Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - truyền thống và tiếp nối

Đó là tên Hội thảo diễn ra sáng ngày 6/7/2019, tại thành phố Huế, do Liên hiệp các hội VHNT Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội VHNT Quảng Bình và Hội VHNT Quảng Trị tổ chức 

Đó là tên Hội thảo diễn ra sáng ngày 6/7/2019, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật (VHNT) Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội VHNT Quảng Bình và Hội VHNT Quảng Trị tổ chức.

Sự kiện diễn ra tại khách sạn Duy Tân, thành phố Huế

Hội thảo cũng là dịp gặp mặt thân mật đại diện văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên thế hệ trước đây và thế hệ tiếp nối sau 30 năm tách tỉnh (1989-2019).

Dải đất hẹp Bình Trị Thiên thường được ví như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước, không nhiều tài nguyên, không ruộng đất thẳng cánh cò bay, không sân bay, cảng biển lớn dễ thu hút giới đầu tư quốc tế nên chịu nhiều thua thiệt trong phát triển kinh tế là điều đương nhiên. Nhưng văn nghệ Bình Trị Thiên lại có một chỗ đứng đáng kể trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam, kể từ sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Bình Trị Thiên - vùng đất chứng kiến sự chia cắt đất nước trong chiến tranh chống Mĩ, ngoài giá trị biểu tượng cho sự thống nhất đất nước, còn là một vùng đất mà toàn thể nhân dân, trong đó có văn nghệ sĩ đã chung vai sát cánh xây dựng quê hương, hàn gắn vết thương sau chiến tranh. Năm 1976, tỉnh Bình Trị Thiên được hợp nhất từ 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Thanh Hải, nhà thơ Xuân Hoàng và nhiều văn nghệ sĩ khác đã tích cực vận động, hợp nhất lực lượng văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên, thành lập Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, đóng góp đắc lực cho nền VHNT nước nhà. Tháng 6/1983, Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng biên tập. Đến ngày 30/6/1989, tỉnh Bình Trị Thiên lại tách thành 3 tỉnh như cũ; văn nghệ sĩ từ đó tuy sinh hoạt ở các hội VHNT địa phương khác nhau song vẫn tiếp tục cống hiến cho nền VHNT nước nhà, tiếp tục quan tâm nhau trong cuộc sống cũng như trong lao động sáng tạo với tình gắn bó keo sơn, anh em một nhà.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các VHNT Thừa Thiên Huế, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương - nhấn mạnh: “Từ năm 1976, mảnh đất Bình Trị Thiên quy tụ một đội ngũ văn nghệ sĩ vừa đông đảo vừa chất lượng từ 3 tỉnh sát nhập. Cái đáng nói là chất lượng để làm nên thương hiệu văn nghệ Bình Trị Thiên danh tiếng một thời. Chỉ nói riêng chuyên ngành văn học, thành phố Huế là điểm hội tụ của một loạt nhà văn, nhà thơ tên tuổi được cả nước biết đến và rất kính nể. Từ sau chia tỉnh năm 1989, cả 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đều đã nhanh chóng ổn định không khí sinh hoạt, sáng tạo cho anh chị em văn nghệ sĩ. Và hôm nay là cuộc gặp mặt, là ngày hội nhiều cảm xúc, nhiều ý nghĩa của các đại diện văn nghệ sĩ 3 tỉnh sau 30 năm tách tỉnh”.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê phát biểu: “Đến hôm nay, sau tròn 30 năm ra ở riêng, khó mà thống kê hết gia tài văn nghệ của mỗi tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Chỉ riêng các tác phẩm được đăng trên 3 tạp chí Nhật Lệ, Cửa ViệtSông Hương, nếu có điều kiện tuyển chọn, chúng ta sẽ có một bộ sách văn nghệ Bình Trị Thiên bề thế. Đã đành, đánh giá văn nghệ không phải nhìn vào sản lượng như với cánh đồng trồng khoai, trồng lúa - tác giả có tài năng, tác phẩm có chất lượng bao giờ cũng là số ít; nhưng một phong trào văn nghệ có bề dày truyền thống là cái nền, là cơ hội cho các đỉnh cao xuất hiện và phát triển. Không khó để kể ra đây những tên tuổi văn nghệ sĩ 30 năm qua đã làm rạng danh đất và người Bình Trị Thiên, trong đó có một thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hùng hậu, sung sức, giàu nội lực sáng tạo đang tiếp nối xứng đáng lớp cha anh. Chúng ta hãy cùng mừng với những thành quả đã có của văn nghệ Bình Trị Thiên và chung tay vun xới, quảng bá cho cây văn nghệ Bình Trị Thiên ngày càng sum suê, đầy hoa trái và có sức lan tỏa trong cả nước”.

Thuộc thế hệ sinh ra và trưởng thành sau 1975, nhà thơ Đông Hà chia sẻ: “Mỗi thế hệ có một vai trò lịch sử khác nhau, thế hệ các nhà văn nhà thơ đi trước đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Thế hệ mới hôm nay vẫn đang nỗ lực để đi tiếp con đường đang có và khai phá thêm những cung đường mới mẻ như một khám phá kì thú trên hành trình của nghệ thuật. Với cốt cách trầm tĩnh sâu lắng của con người Bình Trị Thiên, đặc biệt là con người cố đô, tôi nghĩ rằng sẽ đến một lúc nào đó, văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên sẽ đột khởi bất ngờ mà không cần ầm ĩ khua khoắng phô trương”.

Hội thảo “Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - truyền thống và tiếp nối” là sự kiện có ý nghĩa biểu hiện tình đoàn kết, gắn bó keo sơn của anh em văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên; cũng là dịp để văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên xốc lại hành trang quá khứ và hiện tại, từ đó có thể tiếp bước và bước tiếp những bước chân vững chãi trên con đường phía trước.

NGỰ HƯƠNG