Thứ Tư, 25/05/2022 15:32

'Văn học tuổi 20' dừng lại để tiếp tục

Sự dừng lại là cần thiết, để kết thúc bước chuyển giao, và tiến tới những điều mới mẻ hơn, một cách trọn vẹn và độc đáo. Hi vọng, Văn học tuổi 20 khi trở lại sẽ đáp ứng được những kì vọng đó.

Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 vừa chính thức khép lại với buổi trao giải vào ngày 24/5 tại Nhà xuất bản Trẻ . Cũng như lần 6, năm nay không tìm được tác phẩm xuất sắc nhất, và có hai giải nhì đồng hạng. Mùa 7 cũng đánh dấu quãng thời gian giải thưởng này tạm nghỉ sau hơn 30 năm tìm kiếm các cây bút trẻ và độc đáo cho văn chương nước nhà.

Là mùa giải có số lượng bài dự thi nhiều nhất so với các năm trước đó (511 tác phẩm dự thi), Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 được phát động từ ngày 1/1/2019 và kết thúc nhận bài vào ngày 30/10/2021. Với chủ đề “Tuổi 20 hôm nay - Cuộc sống và góc nhìn”, 6 tác phẩm vào vòng chung khảo năm nay đã cho thấy các góc nhìn mạnh mẽ, trực diện và nhiều suy tư của những người trẻ với các vấn đề cá nhân và đương thời. Cùng với thời đại, đó là những cái nhìn sâu rộng và đầy học thức, để khao khát trả lời câu hỏi tôi là ai. Xuyên suốt 6 tác phẩm này, những ám ảnh về nguồn cội, tâm linh, kí ức, kì vọng, tổn thương tinh thần, trách nhiệm cá nhân… trong những chất liệu khác nhau đã được khai thác; từ đó tái tạo và hình thành một phong cách của những người viết trẻ.

TIẾP TỤC KHÔNG CÓ GIẢI NHẤT

Giải 4 năm nay thuộc về ba tác phẩm: Chopin biến mất (Hiền Trang), Bảy bảy bốn chín (Hoàng Công Danh) và Có thú dữ trong thành phố (Nguyên Nguyên). Theo đó đây đều là các tác giả đã từng dự thi những mùa trước đây, và cũng từng có tác phẩm đoạt giải. Hoàng Công Danh - cây viết quen thuộc với độc giả trong nước, trở lại với truyện dài đầu tay nói về mối quan hệ vợ chồng phức tạp. Nhà văn Hồ Anh Thái cho rằng “Dù nhân vật chính có nhiều trăn trở thì thông điệp của anh ta chỉ giản đơn rằng cuộc đời là vậy, con người là vậy, chỉ có thể nhận thức mà khó luận bàn”.

7 tác phẩm vào Chung khảo Văn học tuổi 20 lần VII.

Sử dụng âm nhạc, văn học, triết học được sắp xếp một cách khéo léo thành một tác phẩm liên văn bản, Chopin biến mất là tác phẩm truyện dài đầu tay đoạt giải của Hiền Trang, và cũng là tác phẩm thứ hai sau tập truyện ngắn Giấc mơ lang thang trên đồng cỏ úa đoạt giải 3 của Văn học tuổi 20 lần 6. Ban giám khảo đánh giá Chopin biến mất là một cách viết văn mới, có sự tổng hòa của vốn kiến thức cũng như trải nghiệm của thế hệ những cây bút mới. Còn với tập truyện Có thú dữ trong thành phố, với cách viết ảo - thật đan xen, Nguyên Nguyên đã thể hiện được khát khao thoát khỏi nghịch cảnh đi tìm bản ngã của chính mình.

Giải 3 được trao đồng thời cho hai tác phẩm Chuồng cọp trên cao (Nguyễn Thu Hằng) và Vệt sáng của bụi (Lê Quang Trạng). Điểm chung của hai tác phẩm là đều mang đậm phong cách địa phương, khi Chuồng cọp trên cao đậm đặc không gian miền quê Bắc Bộ với cách kể chuyện mượt mà, bay bổng; còn Vệt sáng của bụi thì lặn sâu vào những đen - trắng, thật - giả phân tranh, của vùng sông nước An Giang quê hương tác giả.

Đồng hạng hai, và cũng là cao nhất, thuộc về Vụn ký ức (Yang Phan) và Nửa lời chưa nói (Duy Ân). Nếu Yang Phan là một tác giả vốn đã quen thuộc từ trước với các truyện ngắn trinh thám, giật gân như Bẫy, Đánh đổi (dưới bút danh Phạm Anh Tuấn) thì Duy Ân là một tác giả hoàn toàn mới, và là một nhà khoa học hiện đang sinh sống tại Mĩ.

Với Vụn ký ức, đây là sự chuyển mình với những chủ để dịu dàng và văn chương hơn, trong sự kết hợp vốn rất quen thuộc của các yếu tố: kí ức, căn cước và các câu chuyện hiện sinh. Nhà văn Phan Hồn Nhiên đánh giá đây là tác phẩm vượt trội, trong khi Nửa lời chưa nói thì được cho là thú vị, sâu sắc và tạo được không ít bất ngờ. Vốn nghiên cứu về bản chất trí tuệ với ngành học khoa học nhận thức (Cognitive sciene), Duy Ân đã mở ra được một thế giới mới rộng lớn, một đời sống bận rộn và những mối bận tâm rất đương thời.

VĂN HỌC TRẺ ĐANG CHUYỂN HƯỚNG

Qua 7 mùa tổ chức, Văn học tuổi 20 là nơi cho những tác giả trẻ định danh mình để bước vào văn đàn Việt. Có thể kể đến những Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Phong Điệp, Dương Thụy, Võ Diệu Thanh… Tuy nhiên nếu đến bây giờ các tên tuổi trên mới được đa số độc giả biết đến và đón nhận, thì hẳn phải chờ rất lâu nữa để biết các tác giả - tác phẩm đoạt giải lần 7 có đi đường dài được không.

Tuy nhiên qua bước đầu này, có thể thấy rằng văn học trẻ vẫn đang chuyển động, khi ban giám khảo không ngại chọn lựa những tác phẩm đặt ra nhiều thách thức mới. Hai giải đồng hạng hai đều là các tác phẩm lạ, khi xoáy sâu vào các đề tài mà chỉ những người trẻ ở thế hệ này mới viết ra được.

Yang Phan viết trong tác phẩm của mình muôn mặt về tình dục, nghiện ngập, trầm cảm, tự sát, rối loạn tâm thần, tinh thần nổi loạn, ngoại tình, các mối quan hệ độc hại, sự vỡ mộng, ám ảnh tuổi thơ, chữa lành… trong khi từ trước đến nay, tất cả những vấn đề này dường như luôn luôn bị coi là “phạm húy” đến thuần phong mĩ tục.

Xu hướng văn chương mà tác giả sử dụng khá gần với trào lưu linglei hơn hai thập kỉ trước ở Trung Quốc, khi người trẻ khát khao cất lên tiếng nói, và sẽ rất có thể là một lãnh địa màu mỡ cho các nhà văn trẻ khác khai thác, trước sự mở cửa, toàn cầu hóa và hội nhập, một nền văn hóa mở. Ngoài ra, với sự xóa mờ ranh giới, mang thêm tri thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, khoa học… vào văn chương cũng là một hướng đi mới rất đáng ghi nhận, mà Duy Ân như một đại diện đã được chú ý.

Bên cạnh đó, như ban giám khảo đánh giá, phần lớn các tác phẩm này đã không còn nghiêng về định hướng phê phán, với motif chung là mượn nhân vật, bối cảnh để bày tỏ quan điểm, lí tưởng của mình. Chính việc chấp nhận sự đa dạng, mở rộng không gian kết nối… cũng là một điểm thúc đẩy văn chương của thế hệ trẻ, ngày càng mở ra những góc nhìn thú vị, cũng như tôn vinh trải nghiệm, chiêm nghiệm về những thách thức trong đời sống.

Từ những điều trên có thể thấy rằng, tuy vẫn là những bước chập chững để quan sát, tiếp thu và tái tạo lại một nền văn chương mới; thế nhưng việc đánh giá cao những thể nghiệm (có thể còn nhiều thiếu sót) là rất đáng ghi nhận. Tuy thông tin mới nhất về việc tạm ngưng Giải thưởng Văn học tuổi 20 kể từ lần 7 là một nốt trầm, nhưng đó hoàn toàn là điều cần thiết. Bởi qua 30 năm đồng hành cùng văn trẻ, giờ đây văn chương đang dần thay đổi, và có thể nói giới trẻ cầm bút vẫn đang khát khao một đời sống mới. Sự dừng lại là cần thiết, để kết thúc bước chuyển giao, và tiến tới những điều mới mẻ hơn, một cách trọn vẹn và độc đáo. Hi vọng, Văn học tuổi 20 khi trở lại sẽ đáp ứng được những kì vọng đó.

CÁC TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI VĂN HỌC TUỔI 20 LẦN VII:

Giải Nhì:
- Vụn ký ức - Tác giả Yang Phan
- Nửa lời chưa nói - Tác giả Duy Ân
Giải Ba:
- Vệt sáng của bụi - Tác giả Lê Quang Trạng
- Chuồng cọp trên cao - Tác giả Nguyễn Thu Hằng
Giải Tư:
- Có thú dữ trong thành phố - Tác giả Nguyên Nguyên
- Bảy bảy bốn chín - Tác giả Hoàng Công Danh
- Chopin biến mất - Tác giả Hiền Trang

 

Giải thưởng Văn học tuổi 20 do Nhà xuất bản Trẻ, Báo Tuổi Trẻ cùng Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức, diễn ra lần đầu vào năm 1994. Qua 7 lần tổ chức, đã có hơn 2 nghìn tác phẩm dự thi được gửi về dự giải. Giải thưởng đã vinh danh rất nhiều tác giả sau này trở thành những tên tuổi trên văn đàn Việt Nam, và trở thành một hàn thử biểu cho dòng chảy văn học trẻ nước nhà. Các khôi nguyên của Văn học tuổi 20 từ lần I đến lần V lần lượt là: Nguyên Hương; Nguyễn Ngọc Tư; Trần Thị Hồng Hạnh; Trương Anh Quốc; Nhật Phi. 

Một số hình ảnh tại lễ trao giải Văn học tuổi 20 lần VII:

Ba tác giả giành Giải Tư: Hiền Trang, Nguyên Nguyên và Hoàng Công Danh.
Hai tác giả giành Giải Ba, Nguyễn Thu Hằng và Lê Quạng Trạng.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - Giải Nhất Văn học tuổi 20 lần thứ II và là thành viên Ban Giám khảo Văn học tuổi 20 trao Giải Nhì cho tác giả Yan Phan.
Ban giám khảo và các tác giả đoạt giải.

NGÔ MINH