Thứ Năm, 22/07/2021 11:27

Văn xuôi Tây Nguyên, thực trạng và những giải pháp phát triển

Ở Việt Nam, nhà văn Trung Trung Đỉnh “yêu Tây Nguyên như chính quê hương mình”, năm nào, dù bận cũng dành thời gian về với Tây Nguyên để “gội rửa linh hồn”... (NGUYỄN THANH TÚ)

. NGUYỄN THANH TÚ
 

I. Tây Nguyên – xứ sở hấp dẫn bậc nhất

Có một nhà nghiên cứu xã hội học người Pháp tên là Jacques Dournes sống ở Tây Nguyên 20 năm, mê đất này đến mức tuyên bố sẵn sàng từ bỏ tôn giáo của mình đi theo từ nhỏ để đi theo “tôn giáo Tây Nguyên”. Nói là làm, từ Tây Nguyên trở về Paris, ông vẫn cởi trần đóng khố, luôn kể mãi về một làng Sar Luk…

Ở Việt Nam, nhà văn Trung Trung Đỉnh “yêu Tây Nguyên như chính quê hương mình”, năm nào, dù bận cũng dành thời gian về với Tây Nguyên để “gội rửa linh hồn”. Trước đó là Nguyên Ngọc, sống và yêu Tây Nguyên từ hồi chống Pháp, chống Mỹ…Và nhiều nhà văn khác: Vũ Hạnh, Y Điêng, Thu Bồn, Anh Ngọc, Trung Trung Đỉnh, Phạm Kim Anh, Khuất Quang Thụy, H’Linh Niê, Thu Loan, Văn Công Hùng, Đỗ Tiến Thuỵ, Lê Văn Hiến, Đặng Thái Nguyên, Linh Nga Niê Kđam, Đỗ Văn Nhâm… gắn bó với Tây Nguyên, coi đó như là quê hương. Vì sao Tây Nguyên hấp dẫn họ. Chỉ có câu trả lời: vì mảnh đất, văn hoá và con người Tây Nguyên. Ông Jacques Dournes giải thích: “vì Tây Nguyên là nhân chứng về quá khứ của nhân loại, cho chúng ta biết ngày xưa nhân loại như thế nào. Tây Nguyên là bức tranh độc nhất hấp dẫn về chính chúng ta trong quá khứ”(1). Câu nói này đề cao Tây Nguyên đến mức trở thành mẫu số chung của văn hoá nhân loại.

Nguyên Ngọc- cây đại thụ của văn học hiện đại cho rằng: “Nói đến Tây Nguyên người ta thường hay nghĩ, nói ngay đến thiên nhiên, núi non, rừng rú, cảnh quan lạ lùng của nó. Tất nhiên cái đó là đúng và cũng tác động đến người mới bước chân đến đây. Nhưng còn quan trọng hơn nhiều, theo tôi là nền văn hóa của nó. Các dân tộc Tây Nguyên đã “cấy trồng” trên đất đai núi rừng của mình một nền văn hóa lớn, cực kỳ độc đáo và đặc sắc, lâu đời và bền vững” (2).

Đúng vậy, Tây Nguyên hấp dẫn và mê hoặc chúng ta chính là văn hoá. Xứ sở của thế giới sử thi với hàng trăm ngàn tác phẩm còn đang trong quá trình tìm tòi, khám phá và phát hiện. Xứ sở của Đăm Săn “đi bắt nữ thần Mặt Trời”. Xứ sở của vang vọng sử thi cồng chiêng là bản tổng phổ âm thanh vĩ đại đến mức nhân loại phải ngạc nhiên và coi đó là một trong những di sản văn hoá giá trị nhất của loài người.

II. Văn xuôi Tây Nguyên – Bức tranh khái lược

1. Những cây Kơ-nia cổ thụ

Bài hát Bóng cây Kơ-nia (thơ Ngọc Anh, nhạc Phan Huỳnh Điểu) là một trong những bài hát hay nhất về Tây Nguyên bởi trước hết sáng tạo ra một biểu tượng về Tây Nguyên-cây Kơ-nia. Có thể lấy ngay hình tượng này làm biểu tượng cho đội ngũ nhà văn viết về Tây Nguyên “uống nước nguồn miền Bắc” hay uống nước nguồn cách mạng để cây sum suê cành lá, làm bóng che người Tây Nguyên khỏi nắng mưa.

Cây Kơ-nia khoẻ khoắn, bền bỉ, dẻo dai và cường tráng đầu tiên có lẽ là Nguyên Ngọc. Tiểu thuyết thành công và quan trọng của ông là Đất nước đứng lên miêu tả quá trình ra đi của dân làng Kông Hoa lên đỉnh Chư Lây. Đó là cuộc ra đi tìm tự do như chính nhà văn phát biểu: “hơn ở đâu hết con người ở đây yêu và khao khát tự do đến thế. Con người tự do như chính thiên nhiên vô tận, vĩnh cửu trong sự vận động tự do không cùng của nó. Tinh thần tự do tận trong máu con người ở đây…”. Không ngẫu nhiên nhà văn miêu tả nhân vật Núp đêm đêm hay ngẩng lên trời tìm chòm sao nơi có Bok Hồ vùng Việt Bắc. Đó cũng là một quá trình đi tìm tự do.

Đó còn là bản lĩnh, là sức sống Tây Nguyên. Không thế, dân làng Kông Hoa không thể ăn tro tranh thay muối mười bốn năm ròng. Pháp đốt làng. Dân làng lên núi Chư Lây tổ chức kháng chiến chống Pháp. Pháp lấy hết rìu rựa. Dân làng dùng đá chặt cây.

Tiếp cái mạch huyền thoại về con người Tây Nguyên, trong Rừng xà nu, Nguyên Ngọc xây dựng biểu tượng Tây Nguyên với cụ Mết, với Tnú một lòng với cách mạng, kiên trung, bất khuất. Biểu tượng các thế hệ cây xà nu lớn lên, thay thế nhau đón ánh mặt trời chính là biểu tượng các thế hệ con người Tây Nguyên đón ánh sáng cách mạng.

Sau này, với tình yêu sâu nặng, Nguyên Ngọc là một trong những người đầu tiên tâm huyết thiết tha trong việc cảnh tỉnh sự xâm hại đời sống tinh thần văn hoá Tây Nguyên, nhất là tình trạng rừng đang dần xa con người (Rừng và cộng đồng làng). Nhà văn phân tích tính cộng đồng rất đáng suy ngẫm khi nêu ra hình tượng ngôi nhà dài là sản phẩm văn hoá tiêu biểu. Tất cả đều một nhà, mỗi hộ một cái bếp. Đó là “cộng đồng thông thương và khăng khít, cái riêng nằm chan hoà giữa cái chung” (Tháng Ning Nông). Con người ở đây trong sáng, thánh thiện như chính tự nhiên “tắm gội toàn bộ con người trong suối sông cội nguồn” (Tháng Ning Nông).

Từ năm 1964 Vũ Hạnh đã có Mùa xuân trên đỉnh non cao, Chuyện nàng Y Kla. Năm 1971 ông cho in tiểu thuyết Cô gái Xà niêng. Đặc điểm văn xuôi Vũ Hạnh là xây dựng những bức tranh tương phản xuôi ngược để làm bật ra cái tốt đẹp, trong lành đến thánh thiện của đất và người Tây Nguyên, qua đó lên án cái xấu xí tầm thường của con người. Con người Tây Nguyên trong văn xuôi Vũ Hạnh nhất quán như một khối lim, khối đá. Cha mẹ có thể giết con. Vợ có thể giết chồng nếu họ phản bội đi theo giặc (Lửa rừng).

Y Điêng người Êđê biết tiếng Pháp, Lào, giỏi tiếng Ba Na, Gia Rai, Tày,…Ông viết truyện bằng song ngữ Êđê - Việt, để“cái tiếng Êđê của mình vang xa”. Năm 1976 Y Điêng viết tiểu thuyết Hơ Giang. Năm 1994 có tiếp Chuyện bên bờ sông Hinh. Y Điêng còn viết sâu về phong tục nêu bật ra cái lạc hậu tăm tối của mê tín kìm hãm sự phát triển. Nhà văn cực lực phản đối quan niệm làm lúa nước là trái ý Yang, sẽ bị trừng phạt (Gia đình ma H’Bai).

Cảm hứng văn hoá trong tiểu thuyết Y Điêng là cảm hứng phân tích về phong tục mẫu hệ. Nhà gái đến nhà trai cầu hôn: “Nếu đêm nay Y Soa chưa cầm chiếc vòng này chúng tôi cũng ở đây đến sáng mai. Nếu sáng mai chưa xong chúng tôi vẫn ngồi đây…Khách đến mua trâu phải có trâu dắt về” (Hơ Giang). Y Điêng say mê miêu tả cảnh phụ nữ Êđê già trẻ uống rượu theo kiểu “ăn năm uống tháng” tức có thể liên miên (Chuyện bên bờ sông Hinh)…

Với Nguyễn Chí Trung, tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út là đỉnh cao sự nghiệp văn học cũng đồng thời là tác phẩm nói rõ nhất về con người văn hóa của chủ thể tác giả. Vượt lên trên sự mô tả chiến tranh đơn thuần tác phẩm vươn tới tầm triết học lí giải sự thắng thua trong chiến tranh bằng chiều sâu văn hóa. Các huyền thoại hiện dần lên vừa linh thiêng vừa huyền bí, xa xăm: “Ngày đi mở đất của ông cha còn đào thấy những bãi sỏi rộng và dài…”. Lời kể quay về quá khứ làm sống lại lịch sử các vùng đất và đặc điểm tập quán của các bộ tộc Ê Đê, Xơ Đăng, Chăm Roi…. Rồi chuyện đi lấy Nước Thần, Nước Xu Đỏ của đồng bào: “Năm nào? Hồi đó, không ai nói năm… Hừ! Đi cả dân tộc Kor, dân tộc Ca Dong, dân tộc Cơ Tu, dân tộc Xơ Đăng, dân tộc Ba Na…Người dài như kiến kéo nhau đi tìm mồi, nhiều như lau lách…”.Thời gian sự kiện ở Tiếng khóc của nàng Út là thời gian của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng từ 20/7/1954 đến 3/9/1959: “Năm nào? Hồi đó, không ai nói năm… Hừ! Đi cả dân tộc Kor, dân tộc Ca Dong, dân tộc Cơ Tu, dân tộc Xơ Đăng, dân tộc Ba Na…Người dài như kiến kéo nhau đi tìm mồi, nhiều như lau lách…”. Được nghe những câu chuyện ấy, chúng ta mới rõ hơn rằng con người ta không chỉ xả thân mình để giành độc lập tự do cho ngày hôm nay mà còn vì cả một nền văn hóa đã ăn sâu vào máu thịt, để rồi nếu có kẻ thù nào đến xâm lược, như một lẽ của bản năng tự nhiên, mỗi người dân đều có thể sẵn sàng hi sinh để giữ gìn non nước này, văn hóa này.

2. Những cây Kơ-nia tráng niên, vạm vỡ

Trong lĩnh vực tiểu thuyết, Trung Trung Đỉnh đã từng có Những người không chịu sống thiệt thòi (1982), Ngược chiều cái chết (1989), Tiễn biệt những ngày buồn (1990), Ngõ lỗ thủng (1990), Lạc rừng (1999). Viết về Tây Nguyên, năm 1982 Trung Trung Đỉnh có tập truyện ngắn Đêm nguyệt thực, riêng truyện cùng tên với tập này được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông. Tây Nguyên trong văn anh như là một cơ thể máu thịt, thống nhất: “vừa hát vừa múa, đùi sát đùi, tay nắm tay, ngực sát ngực, như thể cả lũ chúng tôi là một cơ thể” (Chớp trên đỉnh Kon Từng).

Lạc rừng là một tiểu thuyết sử thi - văn hóa. Gọi thế vì tác phẩm này mượn cái nền chiến tranh để khai thác rất hiệu quả các yếu tố văn hóa của vùng đất Tây Nguyên vốn giàu trữ lượng folklore dân gian cổ xưa. Câu chuyện xoay quanh một tình huống độc đáo: nhân vật chính Bình - một anh lính mới 18 tuổi, đánh trận đầu đã lạc đơn vị, hoang mang đói khát giữa núi rừng Tây Nguyên. Bình bị một nhóm người Ba Na bắt trói khi đang đào một khóm sắn giữa rừng. Cuộc đời anh lính miền Bắc có một bước ngoặt bất ngờ: từ chỗ luôn luôn mơ thành dũng sỹ diệt Mỹ trong những trận đánh lớn của quân chủ lực, nay buộc phải sống trong hang đá với những người dân tộc, không biết tiếng, hoàn toàn xa lạ với tập quán cũng như nếp sinh hoạt hết sức kham khổ, thiếu thốn... Và thế là những phong tục lạ, tập quán lạ được Bình ngỡ ngàng chứng kiến: đàn ông ngực trần, đóng khố, ăn nhái, ăn chuột nướng; đàn bà ngực trần…Đặc biệt là những âm vang của văn hóa núi rừng Tây Nguyên không chỉ vọng vào tâm hồn nhân vật mà còn vọng vào lòng độc giả hôm nay:“Đâu đó rất xa như có tiếng ai hát. Giọng hát êm đến nỗi, tôi tưởng như mình được bay lên. Đầu tôi đã gối lên đùi người đàn bà. Chị ta đang thổi đinh-yơng... Âm thanh bập bùng thoáng nhẹ như lời tâm sự phát ra từ tít sâu trong tâm tưởng con người. Nó rung lên, chập chờn phía sau giọng hát rất êm với giai điệu mềm đến nao lòng”. Và những khung cảnh chỉ có thể bắt gặp trong các sử thi của Tây Nguyên hoang sơ: “Con trai con gái trộn lẫn vào nhau. Ai ưng uống nữa thì cứ ôm lấy ghè rượu mà uống. Ai ưng múa hát với ai thì thả sức đưa đẩy, mời chào, lôi kéo. Còn ai thích đùa giỡn thì cứ đùa giỡn”.

Lạc rừng thể hiện một bản lĩnh nghệ thuật khá vững vàng, không chỉ ở khả năng sử dụng ngôn ngữ đậm đà bản sắc mà còn ở các thủ pháp nghệ thuật của tiểu thuyết hiện đại như mờ hoá cốt truyện, thủ pháp đồng hiện, cố tình làm mất ý niệm thời gian…

Có thể coi Trung Trung Đỉnh là nhà văn của Tây Nguyên. Anh như con ong chăm chỉ hút mật nguồn từ nền văn hoá các dân tộc nơi cao nguyên nhiều nắng và nhiều gió để cho ra đời những tiểu thuyết vừa nồng mùi khói súng vừa lóng lánh những sắc màu phong tục rất riêng về vùng đất của sử thi vĩ đại. Ngược chiều cái chếtLạc rừng được cấu trúc song hành của hai không gian, chiến tranh và văn hoá dân gian. Người kể chuyện thường ở ngôi thứ nhất cũng luôn ở hai tư cách, là người miền Bắc nhưng lại là con nuôi hoặc sống với gia đình, bạn bè đồng chí Tây Nguyên. Tư cách lưỡng hoá này đã bảo đảm cho lối kể chuyện vừa thật vừa mới mẻ, lạ lẫm cuốn hút người đọc. Một Tây Nguyên anh dũng quật cường, một Tây Nguyên đậm đà bản sắc hiện lên trong tác phẩm như một sự cắt nghĩa: đuổi giặc không chỉ giành độc lập tự do mà còn vì cả một nền văn hóa quý giá vô ngần.

Linh Nga Niê Kđăm (Hlinh Niê) người Êđê từ 1997 đã cóCon rắn màu xanh da trời, đến 1999 là tập ký Trăng Xí Thoại. Nhà văn như cái gạch nối hai thế kỷ cũng là gạch nối hai đội ngũ viết về Tây Nguyên, thế hệ cổ thụ và thế hệ đang tiếp bước. Còn những tác phẩmkhác đi vào lòng người đọc như: Gió đỏ, Pơ Thi mênh mang mùa gió, Đi tìm hồn chiêng, Nhân danh ai?...

Đặc trưng trong văn xuôi H’Linh Niê là tạo ra một không khí âm nhạc đọc lên nhận ra ngay hình bóng con người và núi rừng Tây Nguyên với tiếng cồng chiêng, với những giọng kể Khan trầm hùng, với những tiếng hát say sưa, sôi nổi mà da diết. Với cách tiếp cận đa diện, từ kinh tế, xã hội, văn hoá rồi đặt chúng dưới cái nhìn của người Tây Nguyên để làm bật ra bản sắc một Tây Nguyên rất riêng với những lễ hội, màu sắc, đường nét thổ cẩm đến folklore. Họ sống chết với rừng mà tục “bỏ mả” là một biểu hiện vì bản chất tâm linh của tục này là sau một năm gắn bó với người sống người chết sẽ về với rừng, rừng sẽ tái sinh họ làm người (Đêm Dliê Ya ngàn xanh). Có lẽ Hlinh Niê là một trong những nhà văn miêu tả sống động nhất về lễ hội “xoay cột đâm trâu cầu mùa”, sâu thẳm bên trong đó là triết lý nhân văn, là khát vọng bình yên: “con trâu chắc biết vui, dù bị bỏ đói, để được thanh sạch mà mang lòng thành của buôn, plơi về cõi các Yang Atâo, chốn thiêng liêng của mọi linh hồn” (Trăng Xí Thoại).

Văn xuôi Hlinh Niê tiềm ẩn cả kho tàng folklore độc đáo với những ngôi nhà Rông, những hình hoa văn, hình ảnh chim thú, nhà mồ, về nghệ thuật ẩm thực…. Ai chưa biết nhiều Tây Nguyên đọc văn sẽ biết thêm, như hoa văn thổ cẩm Tây Nguyên đi các gam xanh, vàng, đỏ làm nổi hai màu chủ đạo đen và trắng (Về đâu hỡi thổ cẩm Tây Nguyên). Tác giả vẽ ra bức tranh cuộc sống mới đang chuyển mình vươn lên làm kinh tế, xoá đói, giảm nghèo khổ, hưởng thụ văn minh, có điện, đường, trường, trạm (Du xuân Tây Nguyên, Làng mặt trời, Buôn Yung mùa hoa trắng…).Tác giả cũng đả phá những tập tục phi nhân văn phá nát hạnh phúc những cặp đôi: “Luật tục từ đời ông bà nào xa lắc. Có gan bằng ông trời cũng không dám phá” (Nối dòng). Cái tâm huyết của nhà văn ở chỗ gióng lên hồi chuông báo động về một Tây Nguyên đang bị “chảy máu” văn hoá, cồng chiêng ngày một hiếm đi, tiếng nói ngày một quên đi… Điều quan tâm hơn cả của nhà văn là văn hoá làng - rừng (gắn liền, hữu cơ) hiện đang bị phá vỡ bởi các quy hoạch nông lâm trường (Lại thức cùng Ia Sao). Đây là giọng văn tâm huyết đầy trăn trở đáng quý trước thực trạng cái bản sắc văn hóa đang có nguy cơ mất mát, mai một, trong khi đó cái lạc hậu chưa gột rửa hết còn cái tốt đẹp, mới mẻ đang định hình thì quá lâu…

Kim Nhất (người Bahnar) có tập Động rừng (1999), Hồn ma núi (2002) phác thảo một thực trạng Tây Nguyên còn chìm đắm trong hoang dại với các mê tín, các tập tục lạc hậu, cổ hủ. Toát lên từ các trang viếtmang tinh thần phản biện là mong muốn đòi một sự cân bằng văn hoá giữa tập quán cổ xưa và khoa học, pháp luật văn minh hôm nay. Trang văn của Kim Nhất đạt đến độ ám ảnh khi miêu tả cảnh chôn sống những người mắc bệnh phong (Hồn ma núi) hay cảnh xử “ma lai” rùng rợn (Vụ xử ma lai). Kim Nhất viết hay và qua đó, phản biện sắc sảo tục “nối dây” (cuê nuê): “Hơ Giang vừa đau khổ vừa buồn cười khi nhìn thấy một số cặp vợ chồng vì nối dây mà thằng con nít chùi mũi chưa sạch lại sống chung với một bà già hơn nó những hai, ba chục tuổi…” (Nối dây).

Thu Loan là tác giả tiểu thuyết Cuốn trong dòng lũ (2001) gây ấn tượng. Tuy nói về cuộc di chuyển của dòng người từ Tây Nguyên về đồng bằng đầu năm 1975 nhưng con người và phong tục Tây Nguyên hiện lên khá rõ. Chương cuối Trăng của một thời đậm chất thơ về phong tục, về tình yêu. Sau này tác giả cóLàng Mô, Vật tế thần cuối cùng…lên án những luật tục bóp nghẹt quyền sống, quyền yêu đương như các thanh nữ có bầu hoang liền bị xử như con vật, đội lốt heo, ăn cám heo, thả trôi sông...

3. Lớp cây Kơ-nia đang trưởng thành, nhiều hứa hẹn

Lớp nhà văn trẻ Tây Nguyên có nhiều hứa hẹn với Đặng Minh Sáng, Hoàng Việt, Nguyễn Phúc Đoan, Đinh Su Giăng (Kon Tum); miên di, Hoàng Thanh Hương, Vũ Thu Huế (Gia Lai); Nguyễn Văn Thiện (Đắc Lắc); Nguyễn Minh Hạnh, Trần Hoàng Vũ Nguyên (Lâm Đồng), Võ Thủy (Đak Nông) là lứa sinh năm 70. Là Niê Thanh Mai, H Siêu Bỹa, H’Xíu Hmok, H’ Phila Niê, H’Wêra, Nguyễn Anh Đào (Đắc Lắc), Y Việt Sa, Phạm Doãn Thị Mãi, Hồng Thủy Tiên (Kon Tum), Đào An Duyên, Lê Vi Thủy, Lê Kim Sơn, Tạ Ngọc Điệp, Trương Thị Chung, Trần Hồng Vân và tôi (Gia Lai), Cát Miên, Lê Miên Ca, Lê Hòa (Lâm Đồng), Nguyễn Kiên Nhẫn (Đak Nông)… thuộc thế hệ sinh năm 80. Ngoài ra là Lê Thị Kim Sơn, Ngô Thanh Vân, Trương Thị Chung, Lữ Hồng, Hà Công Trường, Trần Đăng Khuê, Lâm Hạ,Cát Miên, Trần Hoàng Vũ Nguyên, Lê Hòa…

Hoàng Thanh Hương có tập truyện ngắn Phía trước là bầu trời. Vi Thủy có tập truyệnBảng lảng sương đêm. Nguyễn Văn Thiện hứa hẹn giàu có với tập truyện Chơi trò đồng xanh và tiểu thuyết Nước mắt màu xanh thẫm. Nguyễn Anh Đào với tập truyện Đom đóm lập lòe. Niê Thanh Mai với tập Ngày mai sáng rỡ và tập truyện in chungBốn cây kơnia...

Nhiều người đặt sự hy vọng vào 4 cây bút trẻ nữ ở Đắc Lắc: H Siêu Bỹa, H’Xíu Hmok, H’ Phila Niê, H’Wêra cùng xuất hiện chung trong Nhánh cỏ dưới chân Đăm Sannhư là một biểu hiện đáng mừng.

Phần lớn những cây bút trẻ là người Kinh. Mà như một quy luật nghệ thuật, phải từ thấu hiểu mới có thể thấu cảm, phải trở thành máu thịt, phải trở thành nỗi lòng, kết hợp với tài năng mới có thể truyền cảm đến bạn đọc. Không ai hiểu mình bằng người khác. Không ai nói thay được tiếng lòng mình. Do vậy, phải là người con của dân tộc ấy mới nói được rõ nhất, đúng nhất, trung thực nhất về dân tộc ấy.

Chúng ta vui mừng có Niê Thanh Mai (người Êđê) với Giữa cơn mưa trắng xoáVề bên kia núi (2007). Văn chị nhiều băn khoăn, suy nghĩ, tâm trạng của thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc Tây Nguyên trước sự xâm lăng của văn minh đô thị, nhắc nhở nhắn nhủ quay về cái truyền thống ngàn xưa của những Đăm Săn, Xing Nhã... Nhà văn thường xây dựng những xung đột mất/còn, mới/cũ, hôm nay/hôm qua, ngàn xưa/mai sau...làm bật ra cái ẩn ý nghệ thuật khá tinh tế.Chúng ta hy vọng vềNguyễn Anh Đào viết có văn, có ý, có phát hiện.Gần đây có âm vang Tiếng rừng của Nguyễn Ngọc Hinh (Đắk Nông) gây ấn tượng, nhẹ nhàng tha thiết, trong sáng mà không kém phần quyết liệt thể hiện một tâm huyết với văn hoá, với con người Tây Nguyên.

III. Một khái quát đặc điểm cơ bản về văn xuôi Tây Nguyên

Từ những phân tích trên cho thấy văn xuôi Tây Nguyên tập trung vào hình tượng con người ở phương diện quyền sống. Xét đến cùng, văn hoá chính là con người, thì ở đây văn xuôi đã nói đến vấn đề trung tâm, cơ bản của văn hoá là quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự quyết, quyền tự do. Có thể nghe thấy những tiếng nói bật toát lên từ những trang văn xuôi Tây Nguyên:

Hãy cứu lấy con người! Hãy làm cho con người đúng được là người! Hãy làm con người hạnh phúc hơn! Hãy cắt những dây trói luật tục lạc hậu để con người tự do.

Hãy cứu lấy Rừng! Hãy làm giàu có hơn bản sắc văn hoá Tây Nguyên! Hãy nhổ đi những cái gai nhọn hủ tục trên tấm thảm văn hoá lóng lánh sắc màu để nó toả sáng!

Trong bài toán quan hệ giữa văn hoá và kinh tế thì hãy ưu tiên hơn cho văn hoá vì còn văn hoá là còn tất cả. Mất văn hoá là mất hết!

Văn xuôi Tây Nguyên hôm nay (sau 1986) mới chủ yếu cho người đọc nhận thức về xã hội và con người Tây Nguyên, chủ yếu là về văn hoá với sự biến đổi của các gam màu chứ chưa làm người thoả mãn người đọc về chức năng thẩm mỹ. Vĩ lẽ ấy chức năng giáo dục cũng chưa thuyết phục. Muốn giáo dục tốt phải chinh phục ở cả hai phương diện nội dung (nhận thức) và hình thức (hình thức, cách viết, lối viết…).

Về hình thức, văn xuôi Tây Nguyên nghiêng về truyền thống hơn là hiện đại. Điều này là phù hợp với văn hoá và con người Tây Nguyên đậm bản sắc.

Không nói nhiều về tích cực, xin mạnh dạn nói những điều cần đổi mới. Hạn chế nằm ở chính đặc điểm (thành tựu) này, ở chỗ ít có sự đổi mới, ít mang tính đột biến, đột khởi. Như người trèo núi, văn xuôi Tây Nguyên chắc, chậm, đều, các bước giống nhau, gắng sức (có tác phẩm phải “nên gân”). Miêu tả ước lệ có khi mòn sáo. Nhân vật phát triển trong công thức của văn hoá Tây Nguyên. Nghĩa là có trang phục ấy, ngôn ngữ ấy, hành động ấy... Mãi thế thành mòn. Quá nữa thành sáo rỗng, có thể có hình hài mà không có nội dung, cá tính. Bản sắc văn hoá không phải là hoa văn mà là nền móng của ngôi nhà. Cái móng ấy quy định ngôi nhà to nhỏ, theo hướng truyền thống hay hiện đại…Có những tác phẩm minh hoạ cho các khái niệm văn hoá mà chưa chú trọng tới giá trị nội dung của bản sắc ẩn chìm trong nét vẻ bề ngoài.

IV. Những giải pháp phát triển

1. Về đội ngũ

Ở đây bàn về đội ngũ nhà văn viết về Tây Nguyên. Chỉ có họ mới có thể lột tả được cái bản sắc, hồn vía Tây Nguyên. Không cứ phải là người dân tộc Tây Nguyên mới có thể viết được vậy, cơ bản nhất là hiểu và yêu. Cơ sở của đối thoại văn hoá trên thế giới cũng yêu cầu phải có hai yếu tố đầu tiên là hiểu (tri thức đầy đủ, sâu sắc), yêu (đồng cảm, tôn trọng và trân trọng, lắng nghe). Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh là người Kinh nhưng trang viết về Tây Nguyên có hồn vía Tây Nguyên, phần lớn là nhờ tác giả đảm bảo được các yêu cầu trên. Dĩ nhiên là người dân tộc Tây Nguyên viết về chính mảnh đất văn hoá mình sinh ra và lớn lên thì thuận lợi hơn nhiều. Vì là nói những điều gan ruột, trong máu, trong tâm can mình.

Văn học Tây Nguyên trông đợi vào những người trẻ. Do vậy phải có kế hoạch tập hợp, bồi dưỡng, ưu tiên (tác phẩm đầu ra được Nhà nước đặt hàng chẳng hạn). Trước mắt là các hình thức trại viết kết hợp đi điền dã, nghiên cứu, thảo luận. Văn chương là câu chuyện tích luỹ. Là thu nhận chất sống, chất đời. Là khảo nghiệm và thử nghiệm…

Viết về văn hoá nào phải tư duy bằng ngôn ngữ (nói/ viết) đó. Các nhà văn phải có kế hoạch học tiếng dân tộc (nói và chữ viết). Vì ngôn ngữ là ký hiệu, là mã cơ bản, nổi bật nhất của văn hoá. Có chìa khoá, hiểu được công năng mới có thể mở được mã, tức mở được cánh cửa ngôn từ để có thể đi vào thế giới muôn ngàn hình vẻ và thật sự giàu có của văn hoá Tây Nguyên.

2. Nâng cao vai trò chất lượng nội dung

Câu chuyện nội dung là viết về cái gì. Xét kỹ, tầm vóc văn chương là tầm vóc của tư tưởng. Có tư tưởng riêng mới có thể đối thoại. Với Tây Nguyên thì cái vỏ bên ngoài, cái màu sắc hoa văn bên ngoài, ai cũng đã biết. Cần hơn là tầm triết học, tức cội nguồn, ý nghĩa triết lý, giá trị nhân loại…trong sự đối sánh với mẫu số chung.

Hãy tìm ra tiếng nói người xưa trao gửi với hôm nay. Hãy nói thay người hôm nay hiểu, tiếp nhận và ứng xử với quá khứ.

Mỗi con chữ là một ký tự văn hoá. Tìm ra những con chữ đích đáng nhất gói được cái hồn cốt của hình tượng.

3. Đổi mới hình thức, cách viết, lối viết

Một “hằng số” cần phải thay đổi là tính trữ tình của văn xuôi Tây Nguyên. Hầu như nhà văn nào cũng tả núi, tả rừng, mây bay, gió lượn, con người mộc mạc, chân chất…Có trang văn như được viết bằng thơ, du dương êm ái. Đọc ít, thấy hay nhưng đọc nhiều thấy nhàm. Nhất là nhiều nhà văn chung “phong cách” ấy. Nghệ thuật tạo hình, tượng thanh được sử dụng đúng mực sẽ mang hiệu ứng nghệ thuật nhưng bị lạm dụng quá đà sẽ ngược lại. Một so sánh tạo hình là khám phá, phát hiện: “buôn làng vẫn còn nặng nề như những rừng cây sau một cơn mưa” (Y Điêng – Hơ Giang), nhưng có 2, 3 so sánh theo cấu trúc ấy, mô hình ấy là lười, bắt chước.

Một xu hướng viết về văn hoá hiện nay trên thế giới là phân tích, cắt nghĩa, lý giải. Tức không chỉ là miêu tả, kiến tạo hình tượng mà còn phải lý giải cội nguồn, bản chất, ý nghĩa và tiếp nhận hình tượng.

Một vài tác giả có xu hướng viết theo lối “hậu hiện đại” với các “mảnh vỡ”, “cắt dán”, miêu tả những “thầm kín” bản năng…Điều này sẽ không hợp với văn hoá Tây Nguyên giàu trầm tích, vững vàng như núi đá. Tây Nguyên nguyên sơ chứ không hoang dã; thuần khiết trong trẻo chứ không phàm tục; giàu có bản năng nhưng trong khuôn khổ luật tục…

Nhưng tiếp nhận cách viết mới phù hợp với nhân vật thì cần khuyến khích. Tác giả Dòng sông tóc vận dụng khá thành công thủ pháp đồng hiện quá khứ thần thoại (con trai thần sông Srêpôk và hai người con gái của thần Đất, Rừng) với câu chuyện tình hiện tại. Câu chuyện xen kẽ, đan bện các không gian, thời gian, các hình ảnh, các tâm trạng…tạo ra sự đối thoại của nhiều tiếng nói, nhiều quan niệm để bật ra chủ đề chính: tình yêu chân chính ở bất kỳ thời nào, ở đâu cũng như cảnh cửa mở ra những chân trời hy vọng mới, vào tình người, tình đời, vào thiên nhiên, vào quá khứ lịch sử…

Nhân vật là yếu tố cơ bản của văn xuôi. Hạn chế dễ thấy ở văn xuôi Tây Nguyên là thiếu nhân vật có cá tính, thường được xây dựng theo lối cũ, tuyến tính, một chiều, có phần đơn giản. Cần hướng tới những cốt truyện linh hoạt và đa dạng. Phối hợp nhiều điểm nhìn thuật kể và phân tích. Vận dụng thêm các thủ pháp hiện đại: huyền ảo, cổ mẫu, dòng ý thức, phê bình sinh thái…

N.T.T

---------------

1. Jacques Dournes – Mảnh đất huyền ảo (Nguyên Ngọc dịch). Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.

2. Nguyên Ngọc – Mấy suy nghĩ về tình hình văn học các dân tộc thiểu số hiện nay (1994). Tạp chí Văn học số 9.