Thứ Ba, 21/08/2018 00:50

Về hai nguyên mẫu và ba nhân vật của "Vương quốc mộng mơ"

Hầu hết truyện ngắn có nhân vật là người; nếu là con vật, đồ vật thì phải có tính cách và chính tính cách làm chúng trở thành nhân vật. Ông già và biển cả của Hemingway có hai nhân vật: ông già đánh cá và con cá kiếm. Có những truyện ngắn xuất hiện đến hàng chục nhân vật. (NGUYỄN TRƯỜNG)

. NGUYỄN TRƯỜNG

Xây dựng hình tượng nhân vật luôn là sự quan tâm hàng đầu của nhà văn.

Hầu hết truyện ngắn có nhân vật là người; nếu là con vật, đồ vật thì phải có tính cách và chính tính cách làm chúng trở thành nhân vật. Ông già và biển cả của Hemingway có hai nhân vật: ông già đánh cá và con cá kiếm. Có những truyện ngắn xuất hiện đến hàng chục nhân vật.

Truyện ngắn Vương quốc mộng mơ của tôi có nhiều nhân vật, điều này không phải do tôi muốn mà là do truyện phải dùng mật độ của truyện ép nén, và ép nén quá nên trở thành phức điệu - như một nhà phê bình nhận định. Trong các nhân vật đó, tôi muốn nói về hai nhân vật đứng trên đỉnh chóp quyền lực của xứ Đạo lúc thịnh.

Trước những năm 1990, tôi may mắn được gặp và đàm đạo với ông Đạo Dừa nhiều lần. Lúc ấy ông đã về sống ở quê xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Mọi quyền hành đã tan thành mây khói, ông thành người ở ẩn, đang tập tễnh hòa vào cuộc sống đời thường, nhưng vẫn tìm cách để xa lánh mọi cám dỗ của tục lụy. Ông hiền lành, dễ thương và tốt bụng. Vốn đã gầy, dáng người nhỏ bé lại tu khổ hạnh bằng cách không bao giờ nằm ngủ, chỉ ngồi thiền, rồi ngủ ngồi nên bộ khung xương của ông như sụp xuống làm ông bé quắt lại. Ông tu theo cái hạnh đầu đà nên sống kham khổ, không ăn cơm (dĩ nhiên không ăn thịt cá), chỉ uống nước dừa xiêm, ngày ăn một bữa vào giờ ngọ. Ông để tóc dài đến hơn hai mét, mỗi năm chỉ tắm một lần vào dịp Phật Đản, mà cũng chỉ dội vài gáo nước từ phần cổ trở xuống, không kì cọ, không đi giày dép vì sợ làm chết những con vi khuẩn, vi trùng tội nghiệp… Tóm lại là một nhân vật rất dị kì, đến mức người giàu óc tưởng tượng nhất cũng khó tưởng tượng ra được.

Cái may của tôi là gặp được “kì hoa dị thảo” này. Và tôi muốn biến ông thành nhân vật truyện ngắn.

Càng trò chuyện với ông Đạo Dừa, càng nghe ông nói về một mớ lí thuyết lẩm cẩm, hoang đường, xa rời cuộc sống, tôi càng hình dung một cách sinh động nhân vật của mình hành động ra sao, nói năng như thế nào trong truyện. Ông hay so sánh mình với đức Phật thuở xưa. Thái tử Tất-đạt-đa đang đứng trước tương lai xán lạn, sẽ trở thành đại đế, nhưng thái tử lại suy tư về nỗi khổ của kiếp người, quyết rũ bỏ tất cả để đi tìm chân lí cứu khổ cho chúng sinh. Nguyễn Thành Nam (tên khai sinh của ông Đạo Dừa) cũng sinh ra trong một gia đình đại điền chủ, từng du học bên Pháp, có vợ con, nhưng một ngày đã noi gương thái tử Tất-đạt-đa, từ bỏ tất cả để tầm sư học đạo, với tâm nguyện mang về chân lí cứu dân tộc Việt Nam đang chìm đắm trong lửa đạn chiến tranh. Nhưng khác với đức Phật, ngài tìm đến giác ngộ, còn Nguyễn Thành Nam tìm đến ngôi vua, lại ra tranh cử Tổng thống Việt Nam Cộng hòa với Nguyễn Văn Thiệu. Rõ ràng, Nguyễn Thành Nam là một người có hai nửa đối lập: thần thánh và trần tục. Có lẽ, chính vì không chuyên tâm hoàn toàn cho thần quyền nên khác với đức Phật, ông lên nhanh và tàn lụi cũng nhanh.

Kì lạ thay, mớ lí thuyết lẩm cẩm hoang đường của ông Đạo Dừa lại gợi cho tôi ý tưởng viết Vương quốc mộng mơ. Vấn đề là tôi phải tìm cách triển khai như thế nào để truyện hấp dẫn nhưng không làm biến dạng nguyên mẫu rất nổi tiếng một thời.

Nhân vật thứ hai mà tôi muốn nói đến là cô Diệu Ứng, cháu ruột gọi ông Đạo Dừa bằng cậu, vừa đẹp gái vừa thông minh và trung hậu. Do cảm công đức của cậu Hai, cô quyết ăn chay trường, tu theo cái hạnh đầu đà của cậu. Cũng vào khoảng năm 1990 ấy, tôi đã cất công tìm kiếm và được gặp, được trò chuyện với nguyên mẫu, để rồi nhận ra cô là người sâu sắc, hiểu cặn kẽ những sấp ngửa của cuộc đời này. Nếu như cậu Hai có đầu óc viển vông, lẩm cẩm thì cô là người thực tế, tỉnh táo, làm cố vấn cho cậu, cân bằng lại những gì khiếm khuyết của cậu. Nhờ thế mà ông Đạo Dừa mới có thể trị vì chừng ấy năm trên ngai vàng. Diệu Ứng cũng là người ở trong cơn mê nhưng xử lí những việc mê một cách rất tỉnh, thông minh và vô cùng xuất sắc. Ở đời, sống đến cả trăm năm, đi khắp thế gian chắc gì gặp được một người đầy mâu thuẫn, kì lạ và có khả năng làm được những điều vừa phi lí vừa phi thường trong thời loạn lạc như cô Diệu Ứng.

Thời thế tạo con người. Ông Đạo Dừa và cô Diệu Ứng quả là song kiếm hợp bích, làm nên một cặp đôi hoàn hảo vừa khác biệt vừa bổ sung cho nhau.

Nguyên mẫu chỉ là những mảnh đời thực. Nếu không tạo dựng được tình huống truyện có vấn đề, nếu không bắt được linh hồn cho nhân vật, nếu không tìm ra tư tưởng cho truyện thì có viết cũng thành ghi chép; có kiến thức lịch sử thì chưa chắc viết được truyện ngắn lịch sử mang chở vấn đề của thì hiện tại.

Nguyên mẫu ông Đạo Dừa và cô Diệu Ứng cứ lởn vởn nhảy múa trong tôi. Như một nhà văn đã nói, nó tựa một đám mây cứ trĩu nặng dần, đến một lúc nào đó, gặp một cái cớ gì đó, tiếng sét sẽ xé toạc bầu trời, và mưa trút xuống.

Đến năm 2016 thì mưa chữ Vương quốc mộng mơ đã trút xuống. Tôi đón hứng, chụp bắt, sợ mọi thứ bay tan.

Nguyên mẫu ông Đạo Dừa có nhiều cái lẩn thẩn, những việc làm theo cảm tính như dạy đạo bất tạo con và các việc có tính dị đoan khác, nhưng chủ đề của truyện, như tên của truyện, là Vương quốc mộng mơ, nên tác giả xây dựng nhân vật như một tiên ông: hiền lành, cao đẹp, nhân văn, không nỡ hại đến con vi khuẩn, vi trùng tội nghiệp, điều hành quốc gia bằng lòng nhân ái, vương quốc không có nhà tù, mọi người đều bình đẳng. Tuy vậy ông điều hành, cai trị quốc gia theo cảm tính, không khoa học, để cho quan tể tướng và quan lại dưới quyền lợi dụng đạo của ông đục khoét, làm giàu, người dân sống nghẹt thở trong quốc gia như trong nhà tù lớn thì ông lại không biết. Còn nguyên mẫu cô Diệu Ứng là đứa cháu gái bình thường, ăn chay trường, tu theo đạo của cậu Hai, nhưng truyện cần một nhân vật là quân sư sắc sảo, khôn ngoan, cứu cậu nhiều phen tưởng ngàn cân treo sợi tóc nên tác giả đã xây dựng cô thành một nhân vật tài giỏi, mưu mẹo hơn người. Cô trở thành người đối trọng với ông Lý, nhân vật giống như một quan tể tướng đang tác oai tác quái tại vương quốc Cồn Phụng. Cô không có quân đội, không có vây cánh cài cắm ở các bộ như ông Lý, cô chỉ chiến đấu và chiến thắng nhờ trí thông minh. Có cảm tưởng như cô là Khổng Minh thời nay, rất mực trung thành với cậu Hai. Chính cô đã giúp cậu Hai cân bằng lại thế lực của ông Lý, giúp vương quốc Cồn Phụng trụ vững đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Tham gia vào mọi công việc tranh đấu với ông Lý, chính là tranh đấu với cái xấu, cái ác, cô một mình tả xung hữu đột, dẫn dắt nhân vật ông Đạo Dừa cùng hoạt động, cùng chiến đấu và bộc lộ tính cách.

Nhân vật ông Lý - quan tể tướng là hoàn toàn do tác giả dựng nên, không có nguyên mẫu ở ngoài đời. Nhân vật này tồn tại nhằm phục vụ cho chủ đề của truyện. Nếu không có ông Lý thì ông Đạo Dừa và cô Diệu Ứng không có đất dụng võ, và chắc là không thành truyện Vương quốc mộng mơ.

N.T