Thứ Năm, 09/09/2021 16:48

Về những ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”

Trong hàng trăm bài hát viết về Bác Hồ, chúng ta phải kể đến ba ca khúc cùng mang tên Ca ngợi Hồ Chủ tịch của các nhạc sĩ nổi tiếng... (NGUYỄN ĐỨC SƠN)

.NGUYỄN ĐỨC SƠN

 

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là mẫu hình, là biểu tượng lớn lao và thiêng liêng không chỉ trong đời sống của dân tộc Việt, mà trong văn học nghệ thuật, hình ảnh người cũng là niềm cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ. Hồ Chí Minh đã chinh phục lòng người không chỉ bằng tư tưởng, đạo đức, phong cách vĩ nhân ngời sáng của Người mà còn bằng từng lời nói, cử chỉ hết sức giản dị, ân cần, gần gũi nhưng đã toát lên khí chất lãnh tụ của Người.

Trong các loại hình nghệ thuật thì âm nhạc dường như là loại hình gần gũi và dễ mang đến sự đồng cảm, đồng điệu nhất đối với công chúng. Âm nhạc cũng là loại hình nghệ thuật lan toả được nhiều nhất hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với một số lượng rất lớn những ca khúc ca ngợi vẻ đẹp trong nhân cách giản dị mà lớn lao của Người, ca ngợi những giá trị nhân văn mà Người mang đến cho dân tộc, nhân loại; bày tỏ tình cảm, sự biết ơn đối với Người bởi những hi sinh, cống hiến thầm lặng của cuộc đời Người.

Trong hàng trăm bài hát viết về Bác Hồ, chúng ta phải kể đến ba ca khúc cùng mang tên Ca ngợi Hồ Chủ tịch của các nhạc sĩ nổi tiếng: Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận.

  1. Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Văn Cao

Bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Văn Cao được giới chuyên môn cũng như công chúng nhìn nhận là một trong những bài hát hay nhất về Bác Hồ. Được công bố vào năm 1949, bài hát bắt đầu bằng giai điệu, ca từ vừa sang trọng, hào sảng, vừa ngân nga, tha thiết: Người về đem tới ngày vui/ Mùa thu nắng toả Ba Đình/ Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời/ Người về đem tới xuân đời/ Từ đất nước cằn, từ bùn lầy cả cuộc đời bừng lên. Ta thấy cả một không gian hùng tráng đã như được nâng lên bằng giai điệu vút cao - vừa bay bổng lại vừa lắng đọng. Thật thiêng liêng và xúc động biết bao khi đây chính là những ca từ được người nhạc sĩ thiên tài Văn Cao viết nên khi nhớ lại cảm xúc và bối cảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình sáng 2/9/1945, thời khắc Việt Nam trở thành một đất nước tự do, độc lập. Đây là ca khúc duy nhất nhạc sĩ Văn Cao viết về Bác Hồ và ca khúc này đã trở thành tuyệt phẩm bất hủ theo thời gian. Ca từ sâu lắng, tình cảm, mạnh mẽ; giai điệu trữ tình mà hào hùng đã làm nên dấu ấn của ca khúc này trong lòng công chúng cả nước và thế giới. Đó là những câu hát được bật lên từ một tấm lòng mang sự ngưỡng mộ, biết ơn sâu sắc; từ một tài năng âm nhạc. Sự cộng hưởng ấy đã đam đến cho chúng ta ca khúc mang nhiều xao xuyến, lắng đọng, rung động này.

Người về đem tới xuân đời/ Từ đất nước cằn, từ bùn lầy cả cuộc đời bừng lên/ Bao công nhân tiền phong đưa nhân dân vùng lên/ Nhân dân theo từng bước cha già, giành tự do ngàn năm. Để viết được những ca từ ấy là cả một quá trình nhạc sĩ Văn Cao đã tìm hiểu về Bác Hồ qua những năm tháng đấu tranh gian khổ. Khi viết ca khúc này nhạc sĩ Văn Cao chưa có cơ hội gặp Bác, mà mới chỉ nhìn thấy Bác nhưng những tình cảm lớn lao nhạc sĩ dành cho Bác Hồ đáng kính đã được nuôi dưỡng và lớn dần lên khi nhạc sĩ được chứng kiến những tình cảm mà nhân dân, bộ đội cả nước dành cho Người. Chữ “Người” mà về sau chúng ta dùng để gọi Bác Hồ một cách gần gũi và thiêng liêng này chính là cách mà Văn Cao đã gọi Bác bắt đầu từ bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch. Nhạc sĩ Văn Thao, con trai của nhạc sĩ Văn Cao đã chia sẻ với báo chí và bạn đọc những điều quý giá ấy về một ca khúc bất hủ.

Cụ Hồ Chí Minh ánh dương vào trong ngục tù/ Tay công nhân của thế giới mới lên/ Cụ Hồ Chí Minh, ánh đuốc soi đường sáng/ Đế quốc tan tành hết trước sức dân trào cuốn/ Vinh Quang nhân dân Việt Nam. Âm hưởng ngợi ca xuyên suốt ca khúc như muốn bày tỏ sự biết ơn không nguôi mà người nhạc sĩ tài hoa muốn gửi đến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mình. Những gian khổ mà Bác Hồ đã trải qua trong những năm tháng bôn ba xứ người với mong ước tột cùng là giúp cho đất nước mình được độc lập, tự do đã được nhạc sĩ lắng lại trong những ca từ hàm súc.

Bao đau thương miền Nam trong con tim Việt Nam/ Đang dâng lên làn sóng căm hờn và niềm tin thành công/ Cụ Hồ Chí Minh, ý muôn người trong một người/ Tên quê hương hồn đất nước Bắc Nam/ Cụ Hồ Chí Minh, ánh đuốc soi đường sáng/ Đế quốc tan tành hết hết trước sức dân trào cuốn/ Vinh quang nhân dân Việt Nam. Những ca từ khép lại bài hát nhưng những rung động, ngân vang thì như không có điểm dừng mà cứ mãi xoáy sâu, bay bổng, vang dội trong tâm hồn người nghe. Nhưng đau thương mà đất nước, dân tộc trải qua, những gian khổ của chặng đường đấu tranh ấy đều được nhạc sĩ khắc hoạ lại. Và rồi hình tượng Hồ Chí Minh xuất hiện như ánh sáng, hào quang toa lan trên quê hương Việt Nam. Người đã mang ánh sáng của cách mạng để giải phóng nhân dân mình thoát khỏi những lầm than. Nhạc sĩ Văn Cao đã rất thành công cả về mặt ca từ và giai điệu, để đến hôm nay mỗi khi Ca ngợi Hồ Chủ tịch vang lên chúng ta lại bồi hồi, xúc động.

  1. Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Lãnh tụ ca) của Lưu Hữu Phước

Với âm hưởng dân gian sâu lắng, những giai điệu của bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vang lên mang đậm hào khí dân tộc: Sao vàng phấp phới, ánh hồng sáng tươi/ Toàn Việt Nam đón chào ngày mới/ Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta/ Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta. Trong một lần trò chuyện với anh em cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã chia sẻ câu chuyện xung quanh bài hát nổi tiếng này. Theo đó, nhạc sĩ đã luôn ấp ủ việc viết một ca khúc ca ngợi Bác Hồ từ những năm 1945, sau thành công của Cách mạng tháng Tám. Cho đến năm 1947 nhạc sĩ bắt đầu viết những dòng nhạc đầu tiên cho ca khúc này bởi ấn tượng sâu sắc sau những lần được gặp Bác. Sau khi ca khúc hoàn thành đã nhanh chóng phổ biến trong các vùng kháng chiến bởi giai điệu đẹp và dễ hát, dễ thuộc, tình cảm… đã chinh phục độc giả. Sau này, vào năm 1951, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết lại lời cho ca khúc này.

Ca ngợi Hồ Chủ tịch đã nhanh chóng trở thành ca khúc nổi tiếng và quen thuộc với quân và dân cả nước. Trong Đại hội liên hoan Thanh niên - Sinh viên thế giới lần thứ ba, tại thủ đô Berlin (Đức) ca khúc đã được vang lên trang trọng do đoàn đại biểu Việt Nam trình diễn. Hồ Chí Minh muôn năm giải phóng cho nhân dân/ Xây dựng non nước Việt Nam/ Tiếng Người tha thiết kêu gọi bốn phương/ Cờ vùng lên quân thù gục xuống// Hồ Chí Minh sáng ngời gương đấu tranh/ Vững bền đưa chúng ta vượt khó khăn/ Hồ Chí Minh muôn năm chỉ lối cho nhân dân/ Đến ngày chiến thắng vẻ vang. Những giai điệu ngợi ca ấy đã thể hiện được sâu sắc tinh thần cách mạng mà Bác Hồ đã đem đến để đất nước ta, nhân dân ta tìm thấy lối đi trong đêm đen tối. Không phải ngẫu nhiên mà ca khúc này còn được gọi là Lãnh tụ ca. Sự gần gũi trong giai điệu mang đậm chất dân gian; những lời ngợi ca Bác Hồ mà ai cũng cảm nhận được sự chân thực, tình cảm; bài hát ngắn nhưng lại trở nên hoành tráng khi được hát đồng ca… Trong những ngày lễ trọng đại, bài hát luôn được vang lên, mang lại cảm giác như Bác Hồ luôn đồng hành, soi sáng cho dân tộc ta vậy.

Muôn lòng sung sướng muôn lời hát ca/ Trời Việt Nam hoà bình nở hoa/ Hồ Chí Minh muốn toàn dân sướng vui/ Vững bền xây đắp nên đời thắm tươi// Hồ Chí Minh muôn năm ngời sáng soi tương lai/ Ơn này ghi nhớ nào phai. Những câu hát không chỉ tô đậm hình tượng Bác Hồ vĩ đại trong lòng nhân dân, sự biết ơn to lớn đối với Người, mà qua đó nhạc sĩ còn tái hiện lại những giai đoạn lịch sử gian khổ, ác liệt, sục sôi, hào hùng.

Là một người con Nam Bộ, là một người chiến sĩ cách mạng, và sau này giữ những vị chí then chốt khác, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã sáng tác rất nhiều ca khúc hay về quê hương, đất nước nhưng Ca ngợi Hồ Chủ tịch vẫn luôn song hành cùng ông và cùng quân dân cả nước bởi tinh thần thời đại Hồ Chí Minh đã được âm nhạc nhen lên và vang vọng mãi.

  1. Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Đỗ Nhuận

Cũng như nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ Đỗ Nhuận được biết đến với những ca khúc mang đậm tình yêu quê hương đất nước. Ca ngợi Hồ Chủ tịch được nhạc sĩ viết vào năm 1951: Bừng sáng ánh sao vàng trên bóng cờ, Hồ Chí Minh thân yêu của ta/ Người đấu tranh lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kì/ Mưu ấm no cho dân Việt Nam/ Dắt dìu chúng ta vùng lên, Hồ Chí Minh vì sao sáng ngời/ Hồ Chí Minh muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm/ Ngời ánh vinh quang của giống nòi.

Vẫn với âm hưởng ngợi ca là chủ đạo nhưng Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Đỗ Nhuận mang nhiều hình ảnh tượng trưng, điều đó làm cho ca từ có sức bay bổng hơn, gợi sự liên tưởng lớn lao hơn. Bên cạnh sự tôn nghiêm thì âm hưởng của ca khúc còn toát lên sự hùng tráng, điệp trùng.

Cách mạng tháng Tám đã thay đổi cuộc đời của nhân dân, thay đổi vận mệnh của đất nước. Người làm nên sự kì vĩ ấy chính là Bác Hồ, người đã dành cả cuộc đời mình vì đất nước dân tộc. Vẻ đẹp, tình yêu của người đã khiến triệu triệu trái tim thổn thức. Vì nước ra đi sục sôi mối thù, vì cứu dân nô lệ lầm than/ Thề sắt son nhân dân đoàn kết hướng theo Người/ Quyết chống xâm lược giành tự do/ Suốt đời đấu tranh vì dân, Hồ Chí Minh vì sao sáng ngời/ Hồ Chí Minh muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm/ Ngời ánh vinh quang của giống nòi. Đỗ Nhuận đã viết trong sự xúc cảm dâng trào, xúc cảm ấy làm nên sự thăng hoa cho âm nhạc bay lên. Hình tượng Hồ Chí Minh đã được khắc hoạ chân thực mà vẫn cao siêu như một vị Thánh của dân tộc ta. Trong bối cảnh những năm sau 1945, hình tượng ấy đã gắn bó, ăn sâu trong tâm trí mỗi người.

Bừng sáng áo nâu đẹp sao bóng Người, Hồ Chí Minh thân yêu của ta/ Hồ Chí Minh đấu tranh vì thế giới hòa bình, vì nước non độc lập tự do. Bên cạnh sự ngợi ca, ở ca khúc này Bác Hồ đã hiện lên với hình ảnh giản dị “áo nâu” - hình ảnh này về sau đã gắn bó với hình tượng Bác rất nhiều trong văn học nghệ thuật.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta chưa từng nói về mình. Nhưng trong lịch sử dân tộc Việt Nam và cả thế giới, có lẽ chưa từng có vị lãnh tụ nào được yêu mến và ca ngợi nhiều như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ba ca khúc cùng mang tên Ca ngợi Hồ Chủ tịch của ba nhạc sĩ tài danh trong nền âm nhạc nước nhà đã làm nên dấu ấn của cả một thời kì âm nhạc cách mạng Việt Nam. Bên cạnh cảm hứng ngợi ca hình tượng Hồ Chí Minh, chúng ta còn thấy được cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước. Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua nhưng đến hôm nay, mỗi khi mỗi giai điệu ấy vang lên chúng ta lại bồi bồi, xúc động và tự nhắc mình về những thành tựu mà cha anh đã để lại.

N.Đ.S