Thứ Bảy, 29/12/2018 00:22

"Vị tướng già đầu bạc kể mãi chuyện Nguyên Phong"

Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với các vị tướng từng có mặt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ để bạn đọc có thêm những điểm nhìn về người chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng...

Trung tướng Phạm Hồng Cư
Trung tướng Khuất Duy Tiến
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng

Nhân dịp kỉ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2018), 29 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2018); nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của các lực lượng vũ trang nhân dân, những mốc son lịch sử của Quân đội ta, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với các vị tướng từng có mặt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ để bạn đọc có thêm những điểm nhìn về người chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian, tuổi tác, những mái đầu xanh thuở nào giờ đã bạc trắng, mà câu chuyên chiến trường, chuyện đời thường vẫn mãi tươi non.


Gặp ông nhiều nhưng lần nào trước ông tôi cũng có một cảm giác thanh thản và tự tin đến lạ. Ngay như lần gặp đầu tiên, khi ấy tôi còn trẻ lắm, mới hơn hai mươi tuổi mà ông đã trên bảy mươi, mới nghỉ hưu với quân hàm Trung tướng, từng đảm đương nhiều cương vị quan trọng, từng là thủ trưởng của các thủ trưởng trực tiếp nơi tôi công tác, tôi đã nhận ngay ra điều ấy. Ông rất dễ gần. Ông luôn hiểu người đối thoại là ai và cần gì để ông chia sẻ, bộc bạch, giãi bày một cách tự nhiên, khúc chiết như một nhà nho uyên thâm nhưng lại rất giản dị trong từng lí lẽ, câu chữ. Được hỏi chuyện ông, nhất là những chuyện trong chiến tranh quả là một điều thú vị. Sau những cuộc ấy, tôi thường thấy rất rõ kiến thức của mình được bồi đắp một cách vững chắc không phải qua sách vở mà là từ thực tiễn sinh động, những câu chuyện xúc động, những biểu tượng từ cuộc chiến đấu thật, từ người thật việc thật đã được khái quát, được chưng cất qua lăng kính của một trí thức. Ông từng là người chiến sĩ, người chỉ huy những đơn vị đầu tiên của Đại đoàn Quân Tiên Phong.
Ông là Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.


PV: Thưa Trung tướng Phạm Hồng Cư, có thể khẳng định sâu sắc rằng, chặng đường 74 năm qua là chặng đường trưởng thành toàn diện của Quân đội ta. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu. Điều gì đã làm lên thành tích vẻ vang và phẩm chất đáng tự hào của Quân đội ta?
Trung tướng Phạm Hồng Cư: Cảm ơn các nhà văn quân đội trong dịp này cùng với thế hệ đi trước chúng tôi ôn lại truyền thống vẻ vang của Quân đội ta. Chúng ta ai cũng hết sức tự hào được là người chiến sĩ trong đội hình Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. 74 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, Quân đội ta từng bước trưởng thành vững chắc, có bề dày truyền thống vẻ vang, với nhiều chiến công gắn liền với những mốc son lịch sử rất đáng tự hào. Quân đội cùng với nhân dân làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, đặc biệt là Đại thắng Mùa xuân năm 1975, non sông thu về một mối. Vậy điều gì đã làm nên thành tích vẻ vang và phẩm chất tự hào của Quân đội ta? Trước tiên phải thấy rằng, Quân đội ta có được thành tích vẻ vang như vậy chính là vì mỗi người chiến sĩ đều khắc ghi sâu sắc lời dạy của Bác Hồ. Lời dạy của Người chính là sự khẳng định phẩm chất, bản lĩnh, cũng là truyền thống: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Có thể khẳng định, chính Bác Hồ và nhân dân là người đã rèn luyện để Quân đội ta trưởng thành, có được những chiến công và phẩm chất đáng quý như hôm nay. Đó cũng là bài học đầu tiên của lứa chúng tôi cũng như các thế hệ cán bộ chiến sĩ sau này đang tiếp bước.


PV: Tôi còn nhớ khi đến làm việc với ông về lễ kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã nói: “Đối với tôi, ấn tượng sâu sắc nhất về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên đến tận bây giờ, đó là: Nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp không có một quyết định khó khăn, tức câu chuyện “Kéo pháo vào, kéo pháo ra” thì thế hệ chúng tôi đã nằm lại tại cánh đồng Mường Thanh, chứ không thể có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mĩ”. Xin ông hãy chia sẻ những ngày chiến đấu gian khổ ở Điện Biên và kỉ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Trung tướng Phạm Hồng Cư: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là Phó chính ủy của Trung đoàn 36 - Trung đoàn Bắc Bắc - Đại đoàn Quân Tiên Phong. Lịch sử Trung đoàn Bắc Bắc rất hào hùng. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Trung đoàn được thành lập. Cái tên Bắc Bắc đã như một nét son đậm không riêng gì trong Đại đoàn Quân Tiên Phong. Bắc Bắc là sự hợp nhất của các đơn vị quân sự vùng Bắc Ninh, Bắc Giang. Trong chiến dịch Biên Giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, dấu chân người lính Trung đoàn Bắc Bắc đã có mặt khắp các chiến trường. Gian khổ hi sinh kể sao cho xiết. Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, Đại đoàn Quân Tiên Phong thực hiện mũi nghi binh chiến lược đánh sang Lào để ta tạo thế bất ngờ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những người lính Quân Tiên Phong luôn có mặt ở những vị trí nóng bỏng nhất, chiến đấu anh dũng và chịu nhiều mất mát, hi sinh. Đối với tôi, những người lính Điện Biên Phủ, nhất là những người đã hi sinh, ai cũng xứng đáng là anh hùng.
Với mỗi người chiến sĩ chúng ta, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn hiện lên hết sức giản dị mà vô cùng sâu sắc. Từng việc làm của Đại tướng, suốt cuộc đời Đại tướng luôn thể hiện đạo đức cách mạng sáng trong, theo đúng như lời dạy của Bác Hồ. Đại tướng được các thế hệ cán bộ chiến sĩ tôn vinh là người Anh cả của các LLVTND. Tôn vinh rất tự nhiên, ăn sâu bám rễ vào trong trái tim mỗi người chiến sĩ giống như danh xưng Bộ đội Cụ Hồ là do dân phong vậy. Khi Đại tướng mất, chỉ nhìn vào đám tang thôi, đã thấy được tấm lòng trời biển của nhân dân, của chiến sĩ với người con ưu tú Quảng Bình. Cũng như Bác Hồ, Đại tướng mãi mãi ở trong lòng dân, nhất là đối với mỗi cán bộ chiến sĩ chúng ta.


PV: Chiến tranh có những việc là sự thật mà như huyền thoại. Không phải ai cũng biết, ông là anh trai của nguyên mẫu nhân vật “nàng” trong bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan. Ông còn có một người anh trai hi sinh tại Điện Biên Phủ chỉ trước vài giờ khi lá cờ chiến thắng cắm trên nóc hầm Đờ Cát. Những câu chuyện như thế đã nói nên tất cả những gì sâu sắc, hi sinh lớn lao trong chiến tranh. Bạn đọc Văn nghệ Quân đội mong muốn được ông chia sẻ về hai câu chuyện có thật đó?
Trung tướng Phạm Hồng Cư: Có lẽ rất nhiều người thuộc bài thơ Màu tím hoa sim nhưng không phải ai cũng biết tường tận về những nhân vật trong thi phẩm đó. Nàng có ba người anh đi bộ đội/ Những em nàng/ Có em chưa biết nói/ Khi tóc nàng xanh xanh/ Tôi người Vệ quốc quân/ Xa gia đình/ Yêu nàng như tình yêu em gái… Vậy ba người anh ấy là ai? Xin thưa, một trong ba người đó chính là tôi. Khi ấy, tôi cùng các anh đi bộ đội ở chiến trường Đông Bắc, đang đêm ngày quần nhau với giặc nào biết được em mình đã có chồng, chồng lại là một nhà thơ? Từ trước đó, Hữu Loan vốn văn hay chữ tốt, được cụ Lê Đỗ Kỳ (thân sinh của tôi, tên khai sinh của tôi là Lê Đỗ Nguyên) vốn từng làm Tổng thanh tra Nông nghiệp xứ Đông Dương mời về làm gia sư cho các con. Năm 1939, khi Hữu Loan hai mươi tư tuổi thì Lê Đỗ Thị Ninh mới tám tuổi. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Hữu Loan lên đường đánh giặc khắp các chiến trường. Nhiều năm sau, nhà thơ mới trở về và kết duyên với Lê Đỗ Thị Ninh, nhưng cũng chỉ ở với nhau được vài ngày rồi lại hành quân trong đội hình Sư đoàn 304. Lúc này, Hữu Loan làm chủ bút tờ báo Chiến sĩ của Sư đoàn. Ba tháng sau, vợ Hữu Loan - em gái tôi mất. Ngay như việc em mất cũng phải đến một năm sau, trong một hội nghị của Bộ Quốc phòng về công tác chính trị, khi tôi gặp Võ Trí Sơn, bạn của nhà thơ Hữu Loan kể cho mới biết. Khi Võ Trí Sơn nói nhỏ: “Em Ninh mất rồi!” tôi đã lặng người đi rất lâu. Cũng đến lúc này tôi mới biết em mình đã lấy nhà thơ Hữu Loan.
Gia đình tôi còn có một người con hi sinh tại Điện Biên Phủ trước chỉ vài giờ khi lá cờ chiến thắng cắm trên nóc hầm Đờ Cát. Đó là anh trai tôi, liệt sĩ Lê Đỗ Khôi, khi ấy là Chính trị viên Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 hi sinh tại Điểm cao 506 phía bắc hầm Đờ Cát. Trước khi hi sinh vài ngày, khi đơn vị tôi vây đánh địch ở phía tây Điện Biên Phủ, hai anh em còn hẹn sẽ gặp nhau tại hầm Đờ Cát giờ chiến thắng. Đúng hẹn, tôi cùng các đồng đội vào hầm của viên bại tướng ngồi chờ cả đêm không thấy anh đến. Hôm sau tôi lập tức đi tìm, đến khi gặp các đồng đội cùng đơn vị của anh mới biết Lê Đỗ Khôi đã hi sinh.
Nói đến đó, vị tướng ngồi yên lặng.

*
* *


Khi rời nhà Trung tướng Phạm Hồng Cư, những hình ảnh, câu nói của ông vẫn in đậm, lung linh trong trí óc tôi. Mái tóc phong sương phơ phất của ông sao nói quá nhiều điều. Nếu không có chiến tranh, cá nhân ông, những người thuộc thế hệ ông, hẳn không ít sẽ trở thành những nhà khoa học, trí thức lừng danh. Chia tay vị tướng năm nay đã bước sang tuổi 92 mà vẫn còn tinh anh, theo lời hẹn, chúng tôi đến nhà Trung tướng Khuất Duy Tiến, người con quê Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội. Từng tham gia Cách mạng từ năm 13 tuổi, bị địch bắt đưa vào nhà tù Hỏa Lò, sớm vượt ngục năm 1950, tiếp đó có mặt trong đội hình Đại đoàn Đồng Bằng chiến đấu ở Sơn Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Đông, Thái Bình… dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng. Vị tướng họ Khuất năm nay cũng đã bước sang tuổi 87 tươi cười chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện thú vị về cuộc đời quân ngũ của ông.


PV: Thưa Trung tướng Khuất Duy Tiến! Đối với các thế hệ cán bộ chiến sĩ hôm nay, khi tìm hiểu về thế hệ cha anh trong các cuộc chiến tranh đều vừa khâm phục vừa có những điều hết sức ngạc nhiên. Như việc đến với Cách mạng chẳng hạn? Việc tham gia nhập ngũ vào Quân đội cũng mỗi người mỗi vẻ. Với ông thì như thế nào?
Trung tướng Khuất Duy Tiến: Thế hệ chúng tôi đúng là mỗi người mỗi vẻ đi theo Cách mạng. Ngay sau nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu (1945), gia đình tôi gạt nước mắt cho em gái tôi Khuất Thị Đạt mới 13 tuổi đi ở đợ cho người. Tôi là người được cha mẹ sai dẫn em đi đến nhà bà Tư Triệu ở thôn Hương Lam. Do biết chữ nên mọi người cử tôi viết văn tự bán em mình. Tôi nghẹn lòng cầm bút. Em gái tôi mím chặt môi tuôn hai dòng lệ. Hình ảnh đó cứa vào tim tôi đến tận bây giờ. Tiếp đó, Cách mạng tháng Tám như luồng gió mạnh thổi sinh khí vào những thiếu niên chúng tôi. Tôi hăm hở cầm dao cầm gậy cùng các cậu ruột tham gia vào đoàn người cướp chính quyền. Tôi được phân vào tổ tự vệ chiến đấu ở xã Đại Đồng trong tiếng trống đình ầm ầm và lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa nắng thu. Tiếp đó, là những tháng ngày bảo vệ chính quyền Việt Minh sôi động. Năm 1949, khi vừa bắt liên lạc được với bộ đội Trung đoàn 48 thì chúng tôi gồm Kiều Bá Trung, Kiều Văn Chỉ, Vũ Văn Hữu, Khuất Bá Lạo, Khuất Duy Luyện, Khuất Văn Học, Khuất Văn Bồi, Khuất Văn Hiều và tôi bị địch bắt, sau đó chúng chuyển chúng tôi vào nhà tù Hỏa Lò tra tấn rất dã man. Ngày 19 tháng 5 năm 1950, tôi cùng một số đồng chí tổ chức vượt ngục Hỏa Lò trở về và xin cha đi bộ đội vào Trung đoàn 48. Năm đó tôi vừa tròn 19 tuổi.

Chiến sĩ trẻ tham gia diễn tập - Ảnh: Thành Duy


PV: Những ngày kháng chiến thiếu thốn trăm bề, nhất là vùng địch hậu nơi các đơn vị của Đại đoàn Đồng Bằng bám dân chiến đấu thì sự hi sinh gian khổ là không ít. Xin ông chia sẻ những kỉ niệm đáng nhớ nhất?
Trung tướng Khuất Duy Tiến: Tôi nhớ nhất là trong trận đánh đầu tiên tháng 10 năm 1950 tôi đã bị thương. Sau này tôi còn nhiều lần bị thương nhưng dường như bom đạn chưa hạ gục được. Kể cũng lạ, bởi các chiến trường tôi trải qua đều vô cùng ác liệt. Trận đầu tiên ấy, khi đồng chí Tiểu đội phó tên là Thức hỏi: Tiến đã thấy địch chưa? Tôi báo cáo đã nhìn thấy địch và nhận được mệnh lệnh bắn thẳng vào đội hình chúng. Đang bắn, bỗng thấy bên đùi trái mát lạnh, ống quần rách toang, máu chảy đầm đìa. Biết tôi bị thương, anh Thức lập tức lệnh giao súng lui về phía sau điều trị vết thương. Mấy tuần sau, vết thương còn chưa lành tôi lại nằng nặc xin trở về Trung đoàn tham gia chiến dịch Sơn Tây. Tiếp đó, đầu năm 1954, trong trận chiến đấu tiêu diệt cứ điểm Chùa Ông, tôi lại bị thương vào cổ tay vẫn tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu. Một năm sau đó, sau giải phóng Điện Biên, nhân dịp tết được đơn vị cho về quê thăm gia đình, họ mạc, tôi gặp cô thôn nữ Vũ Thị Hồng Vân, sau này trở thành người bạn đời thân thiết của mình. Mấy năm sau chúng tôi cưới nhau. Cũng chỉ ở bên nhau vẻn vẹn ba ngày phép. Thời chiến là như vậy. Rồi lại khoác ba lô trở về đơn vị. Ngày ấy chúng tôi cái gì cũng đơn giản, ngay cả hạnh phúc riêng tư của mình cũng sẵn sàng hi sinh rất tự nhiên.


PV: Phải chăng đó chính là những điều tiên quyết để làm nên chiến thắng? Trong cuộc đời quân ngũ của mình, có người chiến sĩ nào đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất với ông?
Trung tướng Khuất Duy Tiến: Trong chiến đấu, càng nơi gian khổ ác liệt bộ đội ta càng vô cùng anh dũng. Nhiều tấm gương hi sinh tôi không thể quên được. Nhưng người để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với tôi chính là đồng chí Phùng Quang Thanh, người sau này trở thành Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Lúc đó, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 trực tiếp chỉ huy bộ đội trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đánh địch tại điểm cao 543 - căn cứ 31 của Lữ đoàn dù số 3 - Lực lượng thiện chiến nhất của Ngụy quân Sài Gòn. Đây là chiến dịch đặc biệt quan trọng bởi Đường 9 - Nam Lào là đường vận chuyến chiến lược đảm bảo hậu cần cho chiến trường miền Nam. Khi ấy, Phùng Quang Thanh với cương vị Trung đội trưởng trong đội hình của Tiểu đoàn 9 đã chiến đấu hết sức dũng cảm trên Đồi Không Tên, nhiều lần đẩy lui các trận tiến công của địch, tiêu diệt và làm bị thương rất nhiều địch khiến chúng phải rút lui. Khi bị thương, mặc dù cấp trên điều Thanh về tuyến sau nhưng đồng chí đã xin ở lại chiến đấu, nhờ đồng đội tháo nắp mười bảy quả lựu đạn đeo quanh người, nhờ y tá băng treo cánh tay trái cho đỡ vướng rồi xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp tiêu diệt gọn một Đại đội địch. Chiến dịch này, quân ta đã tiêu diệt Lữ đoàn dù số 3, bắt sống toàn bộ sĩ quan chỉ huy trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ trưởng. Chiến thắng đã góp phần quyết định bẻ gãy xương sống của kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mĩ. Phùng Quang Thanh được phong Anh hùng trong chiến dịch này. Tôi đã chứng kiến tận mắt sự anh hùng của người Trung đội trưởng mà sau này mới biết tường tận họ tên và cuộc sống quá khứ của đồng chí đó.


PV: Và chính ông, người Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 Anh hùng năm 2013 đã được Chủ tịch nước kí phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đại tướng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cùng các đồng đội tới chúc mừng có lẽ là hình ảnh không thể nào quên. Khi đó, ông nghĩ tới điều gì?
Trung tướng Khuất Duy Tiến: Ngày tôi được phong Anh hùng, hơn tám trăm anh em Sư đoàn 320 trong đó có các chiến sĩ Trung đoàn 64 từ 26 tỉnh miền Bắc đã về để chúc mừng. Tôi đã nói với anh em: Khi đeo chiếc huy hiệu này, tôi vừa tự hào, vừa cảm thấy nặng nề. 14.000 người lính của Sư đoàn 320 đã hi sinh trong chiến tranh, trong đó có hơn 3.000 chiến sĩ hi sinh ở chiến trường Campuchia. Danh hiệu này không phải của riêng tôi, mà của tất cả anh em ngồi đây và những anh em đã nằm xuống.
Khi tôi nói xong, hội trường im phăng phắc. Có những giọt nước mắt đã chảy. Nước mắt tôi cùng đã trào ra trong sắc hoa đỏ thắm. Đời người chiến sĩ là vậy, nào ai nghĩ được ngày mình trở thành Anh hùng. Nhưng sự tiếc xót máu xương đồng đội thì không thể nguôi quên. Chính những người lính đã hi sinh mới xứng đáng được ca ngợi nhất, được tôn vinh nhất, không chỉ riêng ở những ngày lễ kỉ niệm, mà là trong tất cả mọi ngày thanh bình của cuộc sống hôm nay. Đã hơn bảy mươi năm, những trang vàng lịch sử của Quân đội ta đều được viết bằng máu xương của biết bao chiến sĩ.
Nói đến đó, giọt nước mắt của vị tướng trận lại rịn ra. Ở trong đó, như có cả sắc máu của những người đồng đội chưa trở về.

*
* *


Đối với các nhà văn Quân đội, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng luôn là người gần gũi. Ông sinh năm 1949, nhập ngũ năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt và có nhiều hi sinh. Ông quê gốc xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nơi địa đầu đất nước. Đoàn Sinh Hưởng được phong Anh hùng năm 1975 lúc 26 tuổi khi mang quân hàm thiếu úy. Bên ấm trà xanh bốc khói, vị tướng bình dị như một lão nông.


PV: Thưa Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng! Những khoảnh khắc đẹp nhất, đáng nhớ nhất của người lính buổi đầu nhập ngũ đối với ông là gì?
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Đối với tôi, mái đình làng Trà Cổ rêu phong được dựng từ trên sáu trăm năm trước ghi dấu ấn những thanh niên ưu tú Bình Ngọc trong đó có tôi buổi lên đường nhập ngũ là đáng nhớ nhất. Tấm ảnh chụp buổi lên đường theo thời gian đã không còn, nhưng tôi vẫn nhớ từng ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay, lời hẹn ước của dân làng, họ mạc dành cho người ra tuyền tuyến. Những chiến sĩ trẻ măng hôm đó đã cất cao lời thề: “Là con Rồng, cháu Tiên, nòi giống Việt, chúng con quyết lên đường đánh giặc để xứng đáng với tổ tiên”. Mấy chục năm đã qua, lời thề hôm ấy vẫn như còn phảng phất trên mái vòm đình cổ mỗi khi tôi trở lại. Những người lính lên đường. chúng tôi đi về nơi đang rộ lên tiếng súng. Nơi đó, đồng đội đang đợi chúng tôi, Tổ quốc đang gọi tên chúng tôi.


PV: Và cuộc hành quân đầu tiên, ông còn nhớ chứ? Lời dặn gì trong chiến tranh của cha mẹ, hậu phương khiến ông nhớ nhất?
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Vừa nhập ngũ tôi đã được chọn làm Tiểu đội trưởng trong một đơn vị của Đại đoàn 308. Cuộc hành quân từ Móng Cái về Phú Thọ là thử thách đầu tiên. Từ Trà Cổ, đơn vị hành quân theo đường vòng cung, men theo biên giới Việt - Trung, qua Hà Cối, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, sang Hoành Bồ, theo đường số 4, vượt đèo Họa Mỹ, vòng xuống Lục Ngạn, Bắc Giang, sang Tam Dương về Yên Lạc, Vĩnh Tường, Phù Ninh, Phú Thọ. Từ khi chỉ biết đến Bình Ngọc, Móng Cái, có xa hơn nữa cũng chỉ mươi mười lăm cây số, nay ở chặng đầu đôi bàn chân trần đã phải vượt qua hàng trăm ki lô mét với ba lô súng đạn trên lưng. Đường càng đi càng hun hút nhưng niềm vui càng lúc chất đầy. Chân những cậu trai làng chúng tôi phồng rộp. Bát nước trà xanh ven đường của người mẹ, người chị, người em dọc các xóm làng thôn bản còn ấm mãi. Và lạ lắm, ánh mắt mọi người nhìn chúng tôi đầy tin tưởng, ấm áp, thân thiết biết chừng nào. Chúng tôi vừa đi vừa tự lớn lên.
Trước khi nhập ngũ, bố tôi, vốn là một nông dân chất phác trong làng gọi tôi đến dặn: “Con nhớ lấy. Phải biết yêu thương anh em, đồng đội như những người ruột thịt của mình. Sau này, nếu có làm chỉ huy cũng phải biết san sẻ, gánh vác với anh em”. Điều giản dị ấy, tôi đã mang theo suốt đời, lặng lẽ thực hiện trong thời chiến cũng như thời bình, từ khi còn là binh nhì đến khi đã trở thành vị tướng.


PV: Đối với mỗi người lính trong chiến tranh, việc cầm súng trực tiếp nơi chiến trường vừa là khát khao vừa để lại rất nhiều cảm xúc. Lần đầu tiên nổ súng ở chiến trường, lần đầu tiên được phong Dũng sĩ đã để lại trong ông suy nghĩ và hình ảnh như thế nào?
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Tôi được phong Dũng sĩ diệt Mĩ và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa khi mới mười chín tuổi. Đó là trận đánh Khe Sanh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Trận đó, lính thủy đánh bộ Mĩ tuyên bố sẽ cho cộng quân đo ván. Vốn dũng mãnh, thiện chiến và có phần khát máu, lính thủy đánh bộ Mĩ lúc đó rất huênh hoang. Bộ đội ta quyết tâm dạy cho chúng một bài học. Trận đánh vô cùng ác liệt. Những cái bóng vằn vện của thủy quân lục chiến Mĩ đổ sầm sập trước những đường đạn, nhát lê của các chiến sĩ rực chí căm thù. Kẻ khát máu đã kinh hoàng tháo chạy để lại vô số xác chết. Những người lính quả cảm trong đó có không ít người đã ngã xuống… Đó là trận đánh ác liệt nhất cũng là những hình ảnh sâu đậm nhất mà tôi trải qua.


PV: Thế còn kỉ niệm đáng nhớ nhất ở chiến trường?
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Đó là kỉ niệm trên đất Tây Nguyên. Khi đó, với cương vị Đại đội trưởng Đại đội 9 xe tăng, tôi chỉ huy Đại đội tham gia đánh trận Đắc Pét trên đường số 14. Trận này là một trận nhớ đời. Đội hình tăng ta gầm vang xung trận. Tiếng đạn pháo tăng át những tiếng nổ khác trong trận đánh đã tạo ra uy lực lớn để bộ đội xung phong làm chủ từng cụm cứ điểm. Trận này, quân ta tiêu diệt gọn Tiểu đoàn biệt động 88 Ngụy thuộc cụm cứ điểm liên hoàn. Đây là trận đánh hợp đồng binh chủng xuất sắc và cũng là trận đầu tiên tôi chỉ huy Đại đội xe tăng bắt sống tên Thiếu tá Võ Đắc Di. Thắng lợi thì giòn giã nhưng tôi suýt bị kỉ luật vì một chuyện nghĩ bây giờ ai cũng phải bật cười. Đó là khi xông vào Sở chỉ huy địch, tôi nhảy khỏi xe chỉ huy tiêu diệt mấy tên địch đang chống cự thấy hai cái chảo nấu ăn bèn đem về cho anh em Đại đội. Trên quyết định kỉ luật vì nguyên tắc Đại đội trưởng không được rời xe chỉ huy mà tôi đã rời xe mười phút để mang chảo về cho anh em. Sau này có người nói vui: Đoàn Sinh Hưởng huân chương không nhận lại nhận hai cái chảo. Chuyện lính tráng một thời đúng là có những lúc cười ra nước mắt như thế.


PV: Các nhà văn và bạn đọc tò mò muốn biết chuyến xuất ngoại đầu tiên của người Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng? Những năm tháng học tập tại Liên Xô? Kỉ niệm hẳn là nhiều lắm?
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Mùa hè năm 1978, tôi vinh dự có mặt trong Đoàn Đại biểu Thanh niên Việt Nam tham dự Festival thanh niên thế giới tại Cu Ba. Trong đoàn có 12 Anh hùng, Dũng sĩ là: Phạm Tuân, Đinh Tía, Trịnh Tố Tâm, Bùi Quang Thận, Hoàng Kim Nông, Vũ Trung Thướng, Nguyễn Minh Chữ, Đoàn Ánh Tuyết, Phan Văn Quý, Võ Thị Thắng. Đó cũng là chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi.
Một điều rất đặc biệt và thú vị là, mỗi khi giao lưu, ở các diễn đàn thường đông nghịt người hoan hô các anh hùng dũng sĩ Việt Nam. Khi ấy, Việt Nam vừa đánh thắng Mĩ nên dường như toàn thế giới hướng ánh mắt về những người Việt Nam nhỏ bé bằng xương bằng thịt đang hiện hữu. Những tiếng hô: Viva Việt Nam! Viva Hồ Chí Minh!... vang lên như sóng. Tôi bước lên sân khấu kể chuyện chiến đấu. Đến trận Cầu Bông, trận tôi chỉ huy bốn chiếc xe tăng đánh thắng và tiêu diệt 24 xe tăng, xe thiết giáp địch khiến bạn bè rất khâm phục. Xen lẫn tiếng hô, bạn bè Cu Ba trong đó có rất nhiều cô gái công kênh tôi tung lên. Huân huy chương đeo trên người đều bị người hâm mộ vặt sạch. Đã được dự báo từ trước, tôi mang bốn bộ huân - huy chương nhưng đến ngày cuối chẳng còn một chiếc nào. Hết huân, huy chương, bạn xin mũ, xin bút, xin bất cứ thứ gì có thể và đặc biệt là xin chữ kí. Có một trường hợp rất oái oăm, một cô gái da màu cứ nằng nặc xin chữ kí của tôi. Khốn nỗi chị chàng lại mặc bộ váy đen nên không sao kí được. Loay hoay một lúc, bất ngờ cô gái vạch bụng ra hiệu kí lên đó. Tôi đỏ mặt lúng túng. Đồng chí phiên dịch dịch rằng cô gái rất thiết tha đề nghị người Anh hùng kí lên bụng cô. Cực chẳng đã, tôi nhắm mắt nhắm mũi kí lên. Bút bi mài trên da bụng rất khó ra mực. Phải mất mấy phút mới kí xong. Người tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhận một nụ hôn của cô gái da màu.
Chính những khoảnh khắc giao lưu với bạn bè thế giới đã để lại ấn tượng thật đẹp, đủ đầy, trọn vẹn của tinh thần quốc tế cao cả của những tấm lòng năm châu bốn biển hướng về Việt Nam. Điều này đã cho nhãn quan và tri thức của chúng tôi thêm rộng mở.
Năm 1979, tôi được cử sang học ở Liên Xô. Chương trình học khi ấy rất nghiêm khắc nhưng những người lính chúng tôi vẫn hoàn thành xuất sắc. Cuối khóa học, tôi vinh dự được đại diện học viên các nước gặp mặt Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô - Nguyên soái Úttinốp. Trong bữa tiệc liên hoan, Nguyên soái Úttinốp bước tới chạm cốc của ông vào tấm Huy hiệu Anh hùng trên ngực áo tôi, chúc tôi sẽ trở thành tướng lĩnh. Đó cũng là sự tinh tế của vị Nguyên soái Liên Xô mà tôi nhớ mãi.
Trong những năm học, ngoài những cô giáo người Nga, có một cô gái Nga rất dễ thương, tên là Vragôvôi Natasa, tình cờ quen biết đã có một tình cảm rất sâu sắc với tôi. Ngày đó, tôi rất mê ảnh, luôn tự mày mò chụp cho các học viên cùng khóa. Tôi từng có ảnh đoạt giải tại một triển lãm nhỏ tại Mátxcơva, bức ảnh có tên Cô gái bên bờ biển. Một hôm, đang cùng với chiếc máy ảnh Zenit quen thuộc chụp phong cảnh thì bắt gặp một cô gái Nga đang loay hoay với chiếc máy ảnh của mình. Tôi tiến đến bên cô gái có nhã ý giúp đỡ. Cô bạo dạn hỏi tôi có còn phim dự trữ không? Nhìn chiếc máy ảnh Zenit trong tay người đẹp, tôi đưa luôn cuốn phim dự trữ của mình tặng cô gái. Cô gái chớp chớp mắt cảm động và xin số điện thoại. Khi tôi còn bần thần trước sắc đẹp của cô gái thì cô đã như cơn gió thoảng đi xa tự lúc nào.
Thật không ngờ, ngay đêm hôm đó, khi đang hồi nhớ cuộc gặp gỡ, bỗng có tiếng chuông điện thoại. Phía bên kia đầu dây, giọng rụt rè ấm áp của Natasa khẽ vang lên. Đêm ấy tôi thao thức suốt. Cũng từ ấy, chủ nhật, ngày nghỉ nào Natasa cũng đến kí túc xá rủ tôi đi chơi, hôm thì đi công viên, hôm vào rừng trượt tuyết. Khi ấy, Natasa đang học năm cuối phổ thông. Đến năm sau, khi tôi học năm thứ hai thì Natasa vào đại học. Vốn tính thẳng thắn, nhận biết tình cảm của Natasa dành cho mình, tôi nói thẳng đã có vợ con ở Việt Nam. Natasa im lặng. Tình yêu của những người con gái Nga đặc biệt lắm. Natasa cương quyết không tin. Natasa chỉ tin vào tình yêu của mình, mong muốn mọi sự tốt lành sẽ đến.
Không thể làm tổn thương tình yêu của người con gái dành cho mình, tôi đưa ảnh vợ và con cho Natasa xem. Thật lạ kì, Natasa bảo cho dù thế vẫn cứ yêu, vẫn dành tình cảm của mình với người yêu. Biết thế, tôi càng giữ mình, không bao giờ cho phép đi quá giới hạn. Bố mẹ Natasa cũng biết chuyện của hai đứa nhưng vẫn đặc biệt quý tôi. Ngày lễ, ngày tết, bố mẹ đều mời tôi đến nhà chơi. Ngay như bạn bè đồng đội cũng đã có người bàn tán Đoàn Sinh Hưởng rất có thể làm rể Liên Xô. Riêng tôi xác định phải kiên quyết nhưng cũng không thể quá phũ phàng, đột ngột. Khi lễ tốt nghiệp trang trọng vừa kết thúc, cả nhà Natasa đón tôi ở cổng học viện mời về nhà để liên hoan. Nụ cười và nước mắt, cả những tình cảm nén chặt hôm ấy đã trào ra. Cuộc đời tôi có những kỉ niệm thật không thể nào quên đầy thử thách như thế.


Cảm ơn các vị tướng, bằng những câu chuyện có thật của mình, đã cho bạn đọc Văn nghệ Quân đội, thế hệ trẻ hôm nay có cái nhìn chân thực, sinh động, rất khốc liệt nhưng cũng rất nhân văn, đời thường của người chiến sĩ, của những vị tướng trong chiến tranh và cả trong thời bình. Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng đang viết tiếp trang sử mới. Trong trang sử mới đó, sẽ không thể nào thiếu được, những đóng góp trí tuệ, máu xương của các thế hệ cha anh.

P.V