(Nghiên cứu trường hợp Cái tết của mèo con của Nguyễn Đình Thi)
. NGUYỄN THỊ KIM NHẠN
Cái tết của mèo con được xem là tác phẩm viết cho thiếu nhi duy nhất trong sự nghiệp đồ sộ của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Theo ông Nguyễn Đình Chính[1], con trai của nhà văn Nguyễn Đình Thi, tác phẩm ra đời năm 1961, là món quà mà nhà văn Nguyễn Đình Thi viết tặng cho hai người con của mình. Thời điểm đó, nhà văn đang sống và công tác tại Hà Nội, trong khi hai người con là Nguyễn Đình Chính và Nguyễn Thùy Như sống ở Hải Phòng cùng bà nội. Chính trong lần nhà văn về ăn tết năm 1961, bà mẹ nhà văn đã mua một con mèo tam thể, buộc vào chạn bếp để đuổi chuột. Từ một câu chuyện có thật về chú mèo con run lẩy bẩy trước đàn chuột dữ trong đêm đầu tiên xa mẹ, nhà văn đã sáng tạo thêm những chi tiết li kì, hấp dẫn, khiến Cái tết của mèo con trở thành một trong những tác phẩm đồng thoại nổi tiếng nhất viết cho thiếu nhi của nền văn học Việt Nam.
Truyện Cái tết của mèo con được nhà văn Nguyễn Đình Thi gửi in tại Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1961, từ đó liên tục được tái bản nhiều lần. Theo khảo sát của nhà nghiên cứu Trịnh Đặng Nguyên Hương, tác phẩm được Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Văn học tái bản 20 lần suốt từ khi ra đời (1961) cho đến nay[2]. Dù chưa có con số thống kê chính xác về số lượng bản in, song với số lượng xuất/ tái bản như vậy, ước chừng số lượng bản in rất lớn. Điều này cho thấy độ phổ biến và sức hấp dẫn vượt thời gian của câu chuyện này. Đó cũng là lí do khiến tác phẩm nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc, trong đó có ý kiến của các nhà nghiên cứu văn học trẻ em uy tín như: Lê Phương Liên, Lã Thị Bắc Lý và Trịnh Đặng Nguyên Hương. Trong công trình Giáo trình văn học thiếu nhi và đọc, kể diễn cảm, nhà nghiên cứu Lã Thị Bắc Lý xếp Cái tết của mèo con là một tác phẩm đồng thoại tiêu biểu của nền văn học thiếu nhi giai đoạn 1955 - 1975[3]. Còn nhà văn - nhà nghiên cứu Lê Phương Liên, trong bài viết "Cái tết của mèo con: một chú mèo dấn thân" đánh giá cao sức hấp dẫn của câu chuyện, cho rằng "nhân vật chú mèo con tượng trưng cho sức mạnh người hiền” trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Đình Thi[4]. Gần đây nhất, nhà nghiên cứu Trịnh Đặng Nguyên Hương khám phá rất sâu vào nỗi sợ trong tác phẩm, chỉ ra cách thức trẻ em đối diện và vượt qua nỗi sợ để trưởng thành[5]. Điểm lại các công trình trên, người viết nhận thấy các nhà nghiên cứu hoặc nhấn mạnh đến phương diện giáo dục của câu chuyện, hoặc đề cập đến phương diện tâm lí và triết luận về sự trưởng thành đặc thù ở trẻ em, từ đó tìm ra những thông điệp đạo đức/ mĩ học về trẻ em mà nhà văn muốn hướng đến. Tuy nhiên, khi được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn của thời đại, tác phẩm Cái tết của mèo con dường như không chỉ là một câu chuyện đồng thoại về quá trình trưởng thành của chú mèo con cùng nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn mà còn là một nỗ lực lái câu chuyện về chú mèo nhỏ bé vào diễn ngôn “yếu địch mạnh", "nhân nghĩa thắng gian tà”, tinh thần đoàn kết - những diễn ngôn rất phổ biến trong thời đại cách mạng, khi dân tộc Việt Nam phải gồng mình lên kháng chiến chống kẻ thù mạnh hơn mình rất nhiều lần. Cái tết của mèo con, do vậy là một ẩn dụ nghệ thuật cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam trước sứ mệnh giải phóng dân tộc. Tính ý hệ này dù không được bộc lộ trực tiếp trong tác phẩm song vẫn được Nguyễn Đình Thi thể hiện một cách tinh vi, cho thấy những quy luật ngầm ẩn chi phối đến cách thức sáng tạo tác phẩm dành cho thiếu nhi trong bối cảnh thời chiến.
1. Câu chuyện về cuộc đấu tranh “yếu địch mạnh”
Truyện đồng thoại Cái tết của mèo con có cốt truyện rất kịch tính, kể về chú mèo con được bà Bống mua về trong những ngày giáp tết. Lần đầu tiên bị tách khỏi mẹ, tiếp xúc với môi trường lạ lẫm, mèo con chứng kiến cảnh các con vật, đồ vật trong nhà như bác nồi đồng, chị chổi, gà mẹ,... bị những kẻ mạnh hơn như hổ mang, chuột cống “bắt nạt”. Sau cái nhìn non nớt, sợ sệt ban đầu, chú mèo đã học được bài học về lòng dũng cảm. Chú đã dám đứng lên đấu tranh, chẳng những thế, khích lệ tinh thần đoàn kết của các loài vật, đồ vật khác và cuối cùng chiến thắng được cả rắn hổ mang lẫn chuột cống.
Cốt truyện của Cái tết của mèo con gợi đến mô thức truyện phân tuyến và kết thúc có hậu trong thế giới cổ tích, nơi những nhân vật (thường là những kẻ yếu thế trong xã hội như: người nông dân, em út, mồ côi,…) bị kẻ mạnh hơn chà đạp, cưỡng bách, trải qua rất nhiều thử thách, đấu tranh cam go, cuối cùng những người yếu thế đều giành chiến thắng và có cuộc sống yên ấm, hạnh phúc; còn kẻ tham lam, bạc ác thì bị tiêu diệt hoặc bị trừng trị thích đáng. Cách phân chia giới tuyến nhân vật và kết thúc có hậu trong cổ tích thể hiện cái nhìn yêu - ghét rất rõ ràng và mong ước sâu thẳm của những người dân thấp cổ bé họng về lẽ “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”. Sự tương đồng về mô thức truyện kể giữa Cái tết của mèo con với các câu chuyện cổ tích giúp cho câu chuyện đồng thoại của nhà văn Nguyễn Đình Thi gần gũi với tâm thế tiếp nhận của trẻ nhỏ, vốn quen thuộc với thế giới cổ tích thần kì. Nhưng hơn cả vậy, mô hình cốt truyện có sự phân tuyến rõ ràng giống như cổ tích đã góp phần không nhỏ giúp nhà văn tạo ra cục diện đối kháng giữa các nhân vật cũng như khắc sâu thêm cuộc đấu tranh gay gắt, không khoan nhượng giữa kẻ yếu và kẻ mạnh, từ đó tạo nên sự liên đới giữa câu chuyện hư cấu và tình thế của đất nước.
Trước hết, câu chuyện Cái tết của mèo con thể hiện sự dụng công rất lớn của tác giả Nguyễn Đình Thi trong việc dàn dựng bối cảnh và không khí truyện. Ngay những trang đầu, nhà văn đã để mèo con đối diện với thế giới thực tế mà nó vừa mới chân ướt chân ráo bước vào. Trong thế giới đó có sự phân cực và đụng độ nhau giữa những kẻ mạnh và kẻ yếu.
Đêm đầu tiên sống ở gian bếp, trong lúc mèo con ngơ ngác làm quen với bóng tối thì bác nồi đồng, chị chổi, những thành viên cũ cất tiếng làm quen với thành viên mới, tranh thủ trêu chọc, chế giễu nhau. Đằng sau những lời nói bông đùa, mèo con nhận ra nỗi sợ hãi ngấm ngầm của cả bác nồi đồng lẫn chị chổi: “Thôi khéo chị, cứ cười đi, rồi chốc nữa tôi mách ông Chuột Cống ông ấy nhay cho nát ra mới biết thân”. Chỉ nghe đến thế thôi, chị Chổi trước đó còn chua ngoa, bỗng dưng “nín thít”, “thở dài, không nói gì nữa”. Trong khi mèo gặng hỏi “Chuột Cống là đứa nào mà ác thế?”, bác nồi đồng không dám nhắc đến “chú đừng hỏi nữa, lúc nữa khắc biết”. Sau màn đối đáp đó, “cả gian bếp im phăng phắc". Như vậy, ngay từ đầu, thái độ dè chừng, né tránh, sự im lặng đáng sợ của bác nồi đồng và chị chổi cho mèo con thấy sự hiện hữu của một kẻ thù vô hình, quái ác, tàn nhẫn, là chúa tể của bóng đêm, khiến ai nấy đều khiếp nhược. Cảm nhận ấy ngày càng được chứng thực khi đàn chuột xuất hiện lúc nửa đêm. Mèo chứng kiến cảnh bác nồi đồng bị năm sáu thằng chuột nhắt “xúm lại”, “húc mõm vào”, “lật vung nồi ra”, đánh chén hết cả cơm lẫn cá; còn chị chổi bị chuột cống “cắn”, “giật ngã xuống”, “vừa nhay” vừa “kéo đi xềnh xệch”, “dìm chị xuống” cái rãnh bẩn sau bếp chỉ vì hắn ngứa mắt khi trống thấy chị. Dù là lần đầu chứng kiến, nhưng những biểu hiện của bác nồi đồng và chị chổi mách cho mèo biết rằng cảnh hà hiếp, bắt nạt này diễn ra thường xuyên, ngang nhiên trong bóng tối. Lũ chuột hung ác tới mức chẳng gì làm chúng lùi bước, thậm chí, như lời bác nồi đồng tiết lộ: mấy con mèo trước đó đều bị chúng xé xác. Điều tương tự xảy ra vào sáng hôm sau, khi mèo con chứng kiến rắn hổ mang ức hiếp gà mẹ. Nó “bạnh to cổ, lắc lư cất cao cái đầu, trườn mình lên ổ trứng gà đang ấp” khiến gà mẹ “kêu thất thanh, xòa cánh nhảy tót ra ngoài, kêu te tái”.
Nhìn vào các tình tiết của cốt truyện, có thể thấy nhà văn đã phân tuyến triệt để cho các nhân vật: bác nồi đồng, chị chổi, chị gà mái là những con vật đại diện cho phe yếu thế; trong khi đó, đàn chuột nhắt và con chuột cống to sụ, con rắn hổ mang hung hãn chính là đại diện cho kẻ mạnh hung ác. Thế giới bị chia tách làm hai chiến tuyến: trong khi kẻ mạnh dựa vào uy lực của mình để lấn át, bắt nạt, đàn áp kẻ yếu hơn thì những kẻ yếu thế lòng đầy căm tức nhưng chỉ biết chịu đựng, coi đó như những tai họa trời giáng mà không có cách nào phản kháng được. Đó chính là một đời sống dựa trên luật của kẻ mạnh.
Mặc dù tương đồng về kết cấu phân tuyến, Cái tết của mèo con vẫn thể hiện yếu tố khác biệt căn bản so với cổ tích. Nếu như sức mạnh của các nhân vật chính diện trong truyện cổ tích thường đến từ sự giúp đỡ của lực lượng siêu nhiên (ông Bụt, bà Tiên,...) thì các nhân vật yếu thế trong Cái tết của mèo con lại phải tự mình đối diện với khó khăn để cứu lấy mình. Phe yếu thế trong câu chuyện có kết quả ngoạn mục khi chú mèo con non nớt lần đầu xa mẹ, chỉ sau một thời gian ngắn có thể đánh lại và chiến thắng hai kẻ thù gian ác và lão luyện là rắn hổ mang và chuột cống. Vậy điều gì khiến cho mèo con có thể chiến thắng được những kẻ mạnh hơn mình nhiều lần? Theo người viết, vấn đề mấu chốt này được nhà văn Nguyễn Đình Thi giải quyết qua việc tạo dựng tính tự chủ cho nhân vật. Các nhân vật trong Cái tết của mèo con đều trải qua những biến động tâm lí và sự trưởng thành về nhận thức, nhất là nhận thức về sức mạnh của chính mình trong tương quan với kẻ khác. Hành trình này bắt đầu từ sự ý thức về bối cảnh bất công như đã phân tích ở phía trên. Đặt chú mèo con vào bối cảnh sống nơi cái ác hoành hành ngang ngược, kẻ mạnh ỉ thế hiếp đáp kẻ yếu, nhà văn đã tạo ra một phép thử cho ý chí và lòng can đảm cho nhân vật của mình. Đêm đầu tiên chứng kiến cảnh chuột bắt nạt, chú mèo sợ hãi do còn quá non nớt và nhất là khi xung quanh nó, những sinh vật lớn hơn, dày dạn với đời sống hơn (bác nồi đồng, chị chổi) đều khiếp nhược, run sợ. Dù sống trong một môi trường mà lối ứng xử chung là sự khiếp nhược, mèo con không đồng nhất mình với cách ứng xử đó, cho dù chú cũng có những nỗi sợ tương tự. Nhà văn đã cấy ghép một tiềm năng đề kháng trong lòng mèo con qua rất nhiều phản ứng, trước hết là câu hỏi thẳng thắn dành cho bác nồi đồng: “Chuột cống là đứa nào mà ác thế?”, tiếp đó là việc chú nhận ra chị chổi không yếu đuối như mình nghĩ sau khi chú trải nghiệm cảm giác “đau điếng” từ cú đập của chị. Câu trách móc của mèo: “Gớm, chị khỏe thế, sao hôm qua không đập cho thằng Chuột Cống một cái?” là một lời phản tỉnh trước thái độ nín nhịn của chị dành cho chuột cống. Từ đây, một ý nghĩ nhen lên trong mèo: “Tại chị Chổi chị ấy sợ thằng Chuột Cống quá đấy thôi, cũng như mình yếu bóng vía thành ra cứ rúm cả người, đến nỗi không kêu được nữa”. Những câu hỏi và mối băn khoăn này là những biểu hiện của sự tỉnh thức, giúp chú mèo con lấy lại được lòng can đảm, mà biểu hiện đầu tiên là nhận diện ra “nỗi sợ”, điều đã được nhà nghiên cứu Trịnh Đặng Nguyên Hương chỉ ra trong bài viết của mình[6]. Song những câu hỏi trên của chú mèo sau đêm nín thít trước lời đe dọa của chuột cống còn giúp chú nhìn rõ sự bạc nhược của kẻ yếu thế trong mình, đồng thời giúp chú phát hiện ra sức mạnh có thật tiềm ẩn bên trong những kẻ luôn tự mặc định cho là mình “yếu” và từ đó khơi dậy một khả năng kháng cự mà kẻ yếu có thể đứng lên để đấu tranh chống lại kẻ mạnh. Đây đều là những tiền đề quan trọng cho việc thay đổi nhận thức, từ đó lật đổ cán cân mạnh - yếu vốn bị nỗi sợ biến thành điều bất di bất dịch.
Các bài phân tích trước nay về câu chuyện Cái tết của mèo con thường nhấn mạnh đến lòng can đảm, sự dũng cảm và sự khám phá, học hỏi như những yếu tố mang tính quyết định, giúp mèo con vượt qua nỗi sợ hãi để từ đó chiến thắng hổ mang và chuột cống. Chẳng hạn, nhà văn Lê Phương Liên cho rằng: “Mèo con đã dám đối đầu đánh lại chuột cống. Sự dũng cảm của mèo con đã khiến chị chổi và bác nồi đồng vùng dậy góp sức, ra tay!”[7]. Hay, nhà nghiên cứu Trịnh Đặng Nguyên Hương nhấn mạnh: “Việc khám phá không gian sống, tìm cách trò chuyện, học hỏi với tất cả mọi người xung quanh đã giúp Mèo con có thêm vốn sống, thêm kinh nghiệm và từng bước đi qua nỗi sợ, dám đối mặt với nỗi sợ”[8]. Tất cả những lí giải trên đều hợp lí và được trình bày hết sức thuyết phục song theo tôi không thể bỏ qua yếu tố cốt lõi là sự chuyển hóa trong thế giới quan của chú mèo. Không có sự chuyển biến về cách nhìn nhận bản thân và những người xung quanh, chú mèo sẽ không thể khởi phát lòng dũng cảm để chiến đấu chống lại kẻ ác.
Một điều có ý nghĩa quyết định đến sự thay đổi thế giới quan của chú mèo là sự việc mèo gặp gián đất và bác cóc. Cuộc gặp này có ý nghĩa bước ngoặt trong hành trình thay đổi nhận thức và thái độ sống của chú. Hai nhân vật: Gián đất và Cóc tuy cùng sinh sống trong khu vườn nhưng có cách cư xử và cách sống khác hẳn nhau. Trong khi gián lúc nào cũng “lấm lét”, “nhìn trước nhìn sau”chừng như sợ sệt điều gì, thì bác cóc đường hoàng, “ung dung”, dám nhìn “trân trân” không sợ hãi khi thấy chú mèo to lớn hơn hỏi đến mình. Gián đất giải thích cho thái độ lấm lét giữa ban ngày của mình: “Cái thân phận vừa nhỏ vừa yếu như tôi mà không lủi khéo thì sống yên thân thế nào được” và bày tỏ phương trâm sống: “Mình bé thì phải sợ kẻ nào lớn hơn mình” như một cách bảo toàn tính mệnh. Lối sống và suy nghĩ của gián đất là lối sống và suy nghĩ của kẻ nô lệ. Trong khi đó, bác cóc lại đưa cho chú mèo một góc nhìn hoàn toàn khác: “cái thằng ấy [gián đất] nó chỉ rúc vào các xó xỉnh mà ăn bẩn cho nên gặp ai nó cũng khiếp! Còn như ta, ngày ngày ta đi bắt muỗi, trừ sâu, ta sống ngay thẳng việc gì mà sợ ai. Vả lại cứ sợ thì ngồi mà nhịn đói. Như trong vườn này có thằng Hổ Mang rất ác, chả lẽ ta không dám vào vườn bắt sâu à? Nó gian ác, nó mới phải sợ ta”. Như vậy, theo bác cóc, hình dáng cơ thể và sức lực không phải yếu tố quyết định đến sự nhỏ hay lớn, yếu hay mạnh ở các sinh vật mà hành động, việc làm, tư cách, phẩm giá mới là thước đo giá trị mỗi sinh thể. Chẳng hạn: “ăn bẩn”, “rúc vào xó xỉnh” (ở gián đất), làm điều “ác” (ở rắn hổ mang) là những việc làm trái đạo lí tự nhiên, mất tư cách, do vậy không thể đường đường chính chính nhìn mặt người khác, “nó gian ác, nó mới phải sợ ta”; ngược lại, ăn ở ngay thẳng, thiện lương, làm điều chính nghĩa, “bắt muỗi, trừ sâu”, “sống ngay thẳng việc gì mà sợ ai”. Lời bác cóc cho thấy sự phân định tốt - xấu rạch ròi giữa một bên là kẻ ác ôn với một bên là sự lương thiện. Lời dạy đó, cùng với cách ứng xử cứng cỏi, đầy khí phách của bác cóc khiến mèo con thay đổi hoàn toàn cách nhìn thế giới, đồng thời củng cố sức mạnh nội tâm và xây dựng sự tự tin trong tâm thức chú mèo.
Chính vì được bác cóc khai sáng, mèo con không còn sợ hãi hay do dự nữa bởi chú đã lấy chính nghĩa làm điểm tựa cho hành động của mình. Từ đây, mèo con biến đổi về chất: giọng nói dứt khoát, thái độ cứng cỏi, hành động quyết liệt, thái độ chủ động, tích cực. Thấy hổ mang sà đến ổ trứng của gà mẹ, Mèo con “không kịp suy nghĩ gì, nhảy chồm lên giữa mình Hổ Mang”. Sự ý thức cao độ và thấm nhuần khiến hành động của nó trở nên tự động, giản đơn, như “không kịp suy nghĩ gì”. Cũng với khí thế như vậy, nó dõng dạc tuyên bố với bác nồi đồng và chị chổi: “Lần này chúng nó đến, tôi sẽ không để yên”. Khi trực tiếp đối đầu với chuột cống, mèo con chẳng chút sợ hãi, chỉ thẳng mặt bản chất xấu xa của chuột: “Ngoao, thằng ăn cắp, mày dám dụ dỗ ta làm cái việc bẩn thỉu của mày à? Mày hối lỗi đi, rồi tao cho mày về chầu ông vải”. Việc gọi chuột cống là "thằng ăn cắp“ chính là cách mèo định vị chuột như một đối tượng phi nghĩa xấu xa, trái ngược với bản chất chính nghĩa của mình. Đây không chỉ là sự phân biệt tốt xấu mà còn là việc xác định thế đứng và lập trường. Điều này đã được đạo diễn Ngô Mạnh Lân tiếp nối và đẩy mạnh thêm lần nữa trong phiên bản chuyển thể điện ảnh năm 1965 của mình. Trong bộ phim, chú mèo con nhắc đi nhắc lại hai lần cách đánh giá của mình đối với chuột. Lần thứ nhất, mèo trả lời bác nồi đồng: "Đánh chứ! Chuột cống là quân ác, nó phải sợ mình chứ!” và lần thứ hai, khi đối diện với chuột cống, mèo dõng dạc gọi chuột là "Quân gian ác!”. Hai lần mèo gọi chuột là “quân gian ác“ bằng giọng điệu căm thù, điều này đẩy câu chuyện trưởng thành của chú mèo thành câu chuyện đấu tranh và câu chuyện lập trường.
Tuy nhiên, dũng cảm dám đứng lên chống lại cái ác chưa đủ, trong cả hai cuộc đấu tranh, mèo con đều không thể tự mình chiến thắng. Trước kẻ thù to lớn hơn, hung hiểm hơn, nó cần sự hỗ trợ và đồng tâm hiệp lực của đồng đội, như chị gà mái, bác nồi đồng, chị chổi. Bản thân mèo con đã chủ động “giác ngộ” và kêu gọi sự hiệp lực của tập thể: “Nhưng mà cả bác, cả chị Chổi cũng phải đánh nhau với chúng nó chứ. Bác to nặng thế, đánh được đấy, còn chị Chổi thì hôm nọ chị giáng cho tôi một đòn đau khiếp ấy. Tại mình cứ sợ, nó mới làm ngang ngược vậy”. Nhờ sự dũng cảm của mèo, các con vật đều hiểu rằng chỉ có đấu tranh không khoan nhượng mới giúp chúng tiêu diệt được kẻ thù chung, lập lại được trật tự trong căn nhà này. Cuối cùng, sự hiệp sức của những kẻ yếu thế đã đem đến sức mạnh tập thể giúp những kẻ yếu thế chiến thắng kẻ thù mạnh hơn nhiều lần. Kết thúc có hậu của thiên truyện là kết quả của sự nhận thức về chính nghĩa và sự đồng lòng nhất trí giữa những kẻ yếu thế. Tất cả những điều này khiến cho câu chuyện mang sức ám chỉ rất lớn đối với những vấn đề của thế giới loài người nói chung, của vận mệnh quốc gia dân tộc Việt Nam thời điểm năm 1961 nói riêng. Đây có lẽ là một trong những lí do khiến câu chuyện tạo ra sự lan tỏa rất lớn. Trong khi truyện ngắn của Nguyễn Đình Thi được in đi in lại nhiều lần từ thời điểm ra đời đến nay thì bộ phim hoạt hình chuyển thể từ truyện ngắn này của Ngô Mạnh Lân đoạt rất nhiều giải thưởng: giải Bồ nông bạc - Liên hoan phim hoạt hình quốc tế I tại Mamaia (Romani, 1966), Bằng khen tại Liên hoan phim quốc tế Frankfurt (1967), giải Bông sen vàng (Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất, 1970).
2. Nỗ lực chính trị hóa câu chuyện đồng thoại
Trong bài viết tổng kết văn học thiếu nhi Việt Nam năm 1962, nhà nghiên cứu Vân Thanh nhận định về sức mạnh của truyện đồng thoại ở "khả năng phản ánh hiện thực không bị hạn chế bởi không gian và thời gian"[9]. Đặc điểm này khiến cho tác phẩm đồng thoại gợi nhiều chiều liên tưởng. Đặt tác phẩm viết về thế giới loài vật của Nguyễn Đình Thi vào trong diễn ngôn thời đại, có thể thấy những ý tưởng mà tác giả trình bày trong câu chuyện rất gần với những diễn ngôn chủ lưu của thời đại cách mạng. Cuộc chiến của mèo con với rắn hổ mang và chuột cống mà tác giả gợi ra có dáng dấp của cuộc đấu tranh lấy yếu địch mạnh, lấy chính nghĩa để thắng gian tà của nhân dân Việt Nam theo quan điểm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chẳng hạn, nhận định về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam trước thế lực ngoại xâm năm 1946, Hồ Chí Minh viết: “Chỉ phe nào vì chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có đủ điều kiện nhân hòa”[10]. Tính chính nghĩa được coi là yếu tố tiên quyết giúp có được sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng quốc tế. Tương tự như vậy, cuộc chiến đấu của chú mèo con non nớt trước kẻ mạnh hơn trong truyện của Nguyễn Đình Thi cũng gợi nhắc cuộc đấu tranh lấy “yếu địch mạnh” vốn được thể hiện rất rõ trong các phát biểu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong đó nổi tiếng nhất là bài báo “Con voi với con muỗi” của Hồ Chí Minh (ký tên C.B) đăng trên báo Nhân Dân số 104, từ ngày 1 đến ngày 5/4/1953. Bài báo mở đầu bằng lời phê phán ý kiến của một nghị sĩ Pháp vào giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, cho rằng cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam giống như cuộc chiến tranh giữa con muỗi với con voi. Phản bác ý kiến đó, bài viết thuật lại: "đầu năm 1951, trong bản Báo cáo chính trị đọc trước Đại hội Đảng, Hồ Chủ tịch tuyên bố: “Khi ta bắt đầu kháng chiến, có người nhút nhát cho rằng: cuộc kháng chiến của ta là “châu chấu đá voi”. Nhưng chúng ta đã cả quyết trả lời những người lừng chừng và bi quan kia rằng: “Nay tuy châu chấu đấu voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”. Sự thật đã chứng tỏ rằng “voi” thực dân đã bắt đầu lòi ruột...”. Bài báo kết thúc bằng bình luận: "Nói tóm lại, tên đại biểu Quốc hội Pháp phải thừa nhận rằng: Dù là voi hay là sư tử, giặc Pháp cũng nhất định sẽ thua, mà kháng chiến của ta nhất định sẽ toàn thắng”[11]. Quan điểm về cuộc đấu tranh “yếu địch mạnh” sau đó tiếp tục được thể hiện tại văn kiện của Đảng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chẳng hạn: “Cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam vẫn là cuộc chiến tranh lấy yếu đánh mạnh. […] Quá trình chiến đấu là quá trình ta mạnh lên địch yếu đi; ta càng đánh càng thắng, địch càng đánh càng bại. Cuối cùng ta tiêu diệt địch hoặc đè bẹp ý chí xâm lược và nô dịch của chúng”[12].
Trong bối cảnh địa hạt nghệ thuật bị chi phối rất mạnh mẽ bởi diễn ngôn chính trị, các văn nghệ sĩ chính là những điểm mút quan trọng trong việc thấm nhuần và chuyển giao viễn tượng của diễn ngôn chính thống vào sáng tác của mình[13]. Như Fredric Jameson chỉ ra rằng “người trí thức" trong văn học của các nước thế giới thứ ba "dù thế nào chăng nữa, luôn là trí thức chính trị”[14]. Câu nói nổi tiếng của chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn học nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy” trong bức thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951[15] đã nói lên sự liên đới không thể tách rời giữa chính trị và nghệ thuật trong bối cảnh nền nghệ thuật toàn trị ở Việt Nam những năm kháng chiến.
Trở lại câu chuyện “yếu địch mạnh”, diễn ngôn chính trị thực tế đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách thức các văn nghệ sĩ nhìn nhận mối tương quan giữa dân tộc Việt Nam và kẻ địch, chẳng hạn, năm 1965, nhà báo Phan Thoan chụp được bức ảnh nổi tiếng về o du kích Nguyễn Thị Kim Lai (xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) khi cô áp giải người phi công Mỹ William Andrew Robinson. Hình ảnh o du kích nhỏ bé, ánh nhìn thẳng đầy cương nghị bên cạnh tên phi công to lớn, cúi đầu lầm lũi bước đi đã đem lại xúc động lớn cho người dân Việt Nam lúc bấy giờ[16]. Tính biểu tượng của bức ảnh tiếp tục được nhân lên khi nó trở thành tâm điểm trong cuộc triển lãm ảnh toàn quốc năm 1966 và một lần nữa, được tô đậm và lan tỏa rộng rãi cho cả những người không có cơ hội tham dự cuộc triển lãm qua sự thể hiện của nhà thơ Tố Hữu. Nhìn vào bức ảnh, nhà thơ đã viết những vần thơ nổi tiếng: O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu. Vai trò quan trọng và độ ảnh hưởng của Tố Hữu càng khiến hình ảnh về sự đối nghịch giữa người Việt Nam bé nhỏ kiên cường và kẻ thù xâm lược to lớn nhưng cúi đầu được lan rộng, tiếp tục củng cố cho diễn ngôn về "yếu địch mạnh", "chính nghĩa thắng gian tà” trong giai đoạn cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt.
Đặt vào bối cảnh rộng lớn (trước và sau năm 1961, mốc nhà văn Nguyễn Đình Thi viết truyện đồng thoại) để thấy, Cái tết của mèo con không nằm ngoài tầm ảnh hưởng và sự thống soát của diễn ngôn chính trị trong bối cảnh chiến tranh cách mạng, cho dù nhà văn đã hư cấu một câu chuyện về loài vật cho thiếu nhi. Sự liên đới giữa những ý tưởng mà Nguyễn Đình Thi trình bày trong tác phẩm rõ ràng gợi nhắc đến tình thế của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XX, khi đất nước nhỏ bé và thiếu nhiều nguồn lực như Việt Nam phải đương đầu với thế lực ngoại xâm lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Trong bối cảnh đó, chú mèo con của Nguyễn Đình Thi như một ẩn dụ cho quá trình vươn lên kiên cường của chủ thể Việt Nam trước nhiệm vụ cách mạng. Việc khơi dậy tính chính nghĩa của hành động đánh đuổi ngoại xâm và tinh thần đoàn kết, hợp sức đồng lòng của những kẻ yếu thế chính là những yếu tố then chốt đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng.
Đây hoàn toàn không phải là suy diễn khi đặt câu chuyện trong hệ thống các chi tiết trong tác phẩm. Từ một cách đọc kĩ, có thể thấy bên cạnh các chi tiết hư cấu biểu lộ khát vọng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù của chú mèo, câu chuyện Cái tết của mèo con còn ẩn dấu, điểm xuyết rất nhiều chi tiết gợi nhắc đến những dấu vết của lịch sử dân tộc mà ở sự kiện nào cũng cho thấy mong mỏi dựng xây và đổi đời của nhân dân Việt Nam.
Thứ nhất, chi tiết con chuột cống kể lại cho đàn em nghe quá trình đi ăn vụng của mình, nhân đó nhận xét về sự thay đổi của xã hội là một chi tiết đắt giá gợi công cuộc cải tạo xã hội từ năm 1953 đến đầu năm 1960: “Cái nhà này, ngày xưa không bao giờ tao thèm mò đến. Nhà nó nghèo lắm. Thế mà mấy năm nay, có Nồi Đồng, cơm trắng, cá kho, thóc lúc nào cũng lưng lửng cót. Mà tao xem trong làng hầu hết nhà nào cũng khá lên, nhất là từ ngày họ đi làm chung với nhau. Chẳng bù với cái nhà giàu ở đầu làng, chỗ hai cây thông, trước đây là nhà gạch hai tầng, không biết bao nhiêu thóc lúa. Cái bếp nhà ấy thì… chậc chậc… cứ nghĩ lại cũng đủ rỏ dãi ra. Thế mà rồi chỉ còn có đống gạch vụn.” Câu nói của chuột cống gợi ra sự thay đổi ngược nhau của hai đối tượng: những hộ nghèo rớt mồng tơi, khi xưa chuột không thèm bén mảng thì nay đổi đời, có “cơm trắng, cá kho, thóc lúc nào cũng lưng lửng cót”; ngược lại, hộ giàu có đầu làng, trước “nhà gạch hai tầng”, mà nay “chỉ còn có đống gạch vụn”. Đây chính là hình ảnh ẩn dụ cho thành quả của công cuộc cải cách ruộng đất năm 1953 - 1954, sự kiện có ý nghĩa đổi đời đối với giai cấp bần cố nông, đồng thời lật đổ giai cấp địa chủ giàu có. Đây chính là những bằng chứng thực tế rõ nét cho công cuộc đấu tranh giai cấp nhằm đảo ngược vị thế của các lực lượng xã hội, trong đó kẻ yếu (bần cố nông) đứng lên chống lại kẻ mạnh (phú nông). Tính chất của sự kiện này tương đồng với cuộc đấu tranh đổi đời mà tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đã gợi ra.
Cũng trong đoạn trích trên (câu nói của chuột cống), chi tiết “hầu hết nhà nào cũng khá lên, nhất là từ ngày họ đi làm chung với nhau” gợi nhắc đến phong trào lao động sản xuất tập thể đặc thù trong thời đại kiến thiết, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Bên cạnh đó, chi tiết “cạnh chỗ ấy bây giờ người làng họ lại xây một cái nhà gì mà chỉ toàn bàn dài, ghế dài, cho trẻ con cả làng cắp sách đến ngồi” gợi ra công cuộc xây dựng hạ tầng, trong đó, nhiều trường học, nhà máy được dựng lên. Hai chi tiết này phản ánh bộ mặt mới và khí thế của nhân dân trong giai đoạn chính phủ áp dụng chính sách “Kế hoạch năm năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân từ năm 1961 - 1965”. Các tình tiết này kín đáo minh chứng cho tinh thần đoàn kết tập thể của người Việt Nam trong lao động và học tập nhằm dựng xây cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc đầu những năm 1960s.
Cuối tác phẩm, nhà văn gợi ra khung cảnh cả gia đình Bống “đi viếng mộ bố ở nghĩa trang liệt sĩ”: “Mẹ Bống dắt tay Bống ra đường. Gió thổi, bướm bay hoa nở. Những bụi tre xào xạc. Lúa non dưới ruộng phấp phới vẫy. Một đám người đi giữa đồng theo một lá cờ đỏ có ngôi sao vàng bay phần phật”. Đoạn kết hé lộ đây là một gia đình liệt sĩ. Sự ngã xuống của bố Bống gợi ra nỗi mất mát - đây chính là một tình thế tạm thời của dân tộc nhỏ hơn khi buộc phải đối diện với kẻ thù xâm lược mạnh hơn. Tuy nhiên, cái chết của bố Bống lại được đặt trong một khung cảnh mùa xuân nô nức, hoa nở, bướm bay, lá cờ phấp phới, khiến cho nỗi buồn bị chìm khuất, thay vào đó là một âm hưởng vui tươi, sống động, tràn đầy niềm tin và hi vọng. Hình ảnh trung tâm của khung cảnh: “lá cờ đỏ có ngôi sao vàng bay phần phật” giữa cánh đồng mùa xuân hiện lên như một biểu tượng cho cách mạng và linh hồn của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh tươi sáng này đã biến cái chết bi thương ngậm ngùi của bố Bống trở thành sự hi sinh cao cả cho lí tưởng bảo vệ tổ quốc của dân tộc, đồng thời thắp sáng quyết tâm và hi vọng đối với tiền đồ dân tộc.
Tất cả các chi tiết được cài cắm rất tinh vi này khiến cho câu chuyện của Nguyễn Đình Thi dường như vượt ra tính chất của một tác phẩm đồng thoại. Nhà văn như cố tình đan cài vào câu chuyện về loài vật những vấn đề của chính trị - xã hội những năm miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa trong khi miền Nam vẫn đang tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ. Các dấu hiệu ngầm ẩn của câu chuyện cho thấy tác phẩm là một nỗ lực hướng thiếu nhi đến với các vấn đề có tính chất “nghiêm trọng” hơn của thời cuộc: công đổi đời, lao động tập thể, sự hi sinh cho tổ quốc,… Những tình tiết của câu chuyện hé lộ những hi sinh mất mát có thật của con người Việt Nam trước kẻ thù dân tộc, nhưng đồng thời cũng lí tưởng hóa sự hi sinh để uốn nắn những mất mát thành câu chuyện dựng xây và bảo vệ tổ quốc. Bên cạnh việc ngợi ca sự hi sinh vì chính nghĩa dân tộc, câu chuyện của Nguyễn Đình Thi còn bóng gió khẳng định sức mạnh tập thể đã giúp những người dân thấp cổ bé họng giành được vị thế và quyền lực, đánh bại thế lực áp bức bóc lột, bất kể đó là kẻ thù giai cấp hay kẻ thù dân tộc.
Viết một câu chuyện đồng thoại về thế giới loài vật cho thiếu nhi nhưng đan cài vào đó các chi tiết ám chỉ những vấn đề của cách mạng Việt Nam, nhà văn không chỉ đưa thiếu nhi đến gần hơn với các nhiệm vụ chính trị, mà còn chuẩn bị trước cho độc giả nhỏ tuổi tâm thế của một chủ thể nhỏ bé nhưng kiên cường, không sợ hãi và dám đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù. Điều này được chính nhà văn Nguyễn Đình Thi bộc lộ trong một cuộc giao lưu với thiếu nhi tại Cung thiếu nhi Hà Nội vào những năm 1980. Theo hồi ức của nhà văn Lê Phương Liên, khi đó là người trực tiếp tham dự, tại buổi nói chuyện, sau khi chia sẻ về việc học văn, “nhà văn hỏi một câu rất ý nhị: Các cháu cố gắng học tập cho giỏi, rèn luyện thân thể tốt để làm gì nhỉ?”. Ông dừng lời nhìn các cháu để chờ đợi một câu trả lời, thế rồi trong không khí im lặng trước trăm ánh mắt háo hức nhìn ông, nhà văn đã tự trả lời “Để mà… đánh Chuột!”[17]. Câu chuyện này rất thú vị bởi nó tiết lộ một cách trực tiếp cho người đọc về những tầng liên tưởng và nỗ lực khơi dậy trách nhiệm, tinh thần dân tộc ở độc giả nhỏ tuổi của nhà văn. Việc nhà văn đề cập đến con "Chuột” trong cuộc nói chuyện năm 1980 gợi nhắc hình ảnh con chuột cống hung ác, ngang ngược trong tác phẩm Cái tết của mèo con viết năm 1961. Điều đó một lần nữa cho thấy nhà văn không chỉ nhìn nhận chuột như một con vật đơn thuần mà là một biểu tượng mang tính ẩn dụ, tượng trưng cho kẻ thù của nhân dân Việt Nam mà thiếu nhi cũng có trách nhiệm phải "đánh”. Lời kể của nhà văn Lê Phương Liên cho thấy bản thân tác giả Nguyễn Đình Thi rất có ý thức trong việc gửi gắm tính chất ý hệ vào trong phát ngôn của mình, bất kể Cái tết của mèo con là một món quà riêng tư mà ông dành tặng cho các con mình, và bất kể câu chuyện được viết ra với ngòi bút nhân cách hóa thế giới loài vật. Là một “trí thức chính trị“, thậm chí, theo nghiên cứu của Hoàng Phong Tuấn[18], Nguyễn Đình Thi đóng vai trò là trí thức tiên phong cổ vũ cho nền văn học cách mạng ở giai đoạn chuyển tiếp, bản lề những năm 1945 - 1946, chưa kể đến việc vào thời điểm viết Cái tết của mèo con, nhà văn Nguyễn Đình Thi đang đảm nhiệm vai trò Tổng Thư kí Hội Nhà văn Việt Nam, ở trong cương vị ấy, chắc hẳn, ông ý thức rõ hơn ai hết đường lối, mục tiêu và nhiệm vụ chính trị, trong đó có nhiệm vụ của người cầm bút. Do vậy, việc nhà văn truyền tải không khí chính trị và diễn ngôn chính thống vào văn bản như một thực hành của người trí thức trong bối cảnh chiến tranh cách mạng.
3. Viết cho thiếu nhi như một thực hành mang tính ý hệ
Khi điểm lại văn học Marxist, nhà nghiên cứu Peter Barry nhận định: “bản chất của văn học bị ảnh hưởng bởi các hoàn cảnh chính trị và xã hội nơi mà nó được sinh ra”[19], trong bối cảnh đó, các nhà văn cũng “được tạo nên nhờ các bối cảnh xã hội”[20]. Còn Fredric Jameson, trong tiểu luận “Văn học các nước thế giới thứ ba trong kỉ nguyên chủ nghĩa tư bản đa quốc gia”, cho rằng: “tất cả các văn bản của thế giới thứ ba tất yếu có tính chất ẩn dụ, cụ thể là: chúng được đọc như những thứ tôi sẽ gọi là những ngụ ngôn/phúng dụ dân tộc (national allegories), ngay cả khi những hình thức của chúng vượt ra ngoài các thể loại chủ yếu đại diện cho phương Tây”[21]. Từ cách đọc đó, người đọc có thể thấy Cái tết của mèo con của nhà văn Nguyễn Đình Thi chính là một phúng dụ về sức mạnh vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đặt câu chuyện Cái tết của mèo con trong dòng chảy văn học thiếu nhi Việt Nam, có thể thấy, việc tác phẩm thiếu nhi truyền tải tính chất ý hệ không hoàn toàn mới. Ngay từ năm 1941, những bài thơ cổ động cách mạng của Hồ Chí Minh đã nhắc đến thiếu nhi như một lực lượng tiềm năng của cách mạng, chẳng hạn:
Thiếu niên ta rất vẻ vang,
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời.
Tuổi tuy chưa đến chín mười,
Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương.
(Lịch sử nước ta)
Hay:
“Nhi đồng cứu quốc” Hội ta,
Ấy là lực lượng, ấy là cứu sinh.
Ấy là bộ phận Việt Minh,
Dân mình khắc cứu dân mình mới xong.
(Trẻ chăn trâu)
Trong cái nhìn của nhà cách mạng, thiếu niên nhi đồng không chỉ là nạn nhân của tình thế đất nước bị xâm lăng, là đối tượng cần được chăm sóc hay nâng đỡ mà còn là một lực lượng cách mạng thực sự. Bài thơ vận động của Hồ Chí Minh trên đây nhắc đến hội “Nhi đồng cứu quốc”, một tổ chức được thành lập trong Mặt trận Việt Minh năm 1941 như một ví dụ tiêu biểu cho việc chính trị hóa thiếu nhi nhằm tranh thủ sức mạnh của mọi tầng lớp, đảng phái, lực lượng, từ già đến trẻ tham gia đóng góp cho cách mạng. Tính ý hệ trong văn học thiếu nhi càng được đẩy mạnh sau khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Không phải ngẫu nhiên khi từ năm 1946, loại sách thiếu nhi của Hội văn hóa cứu quốc được đặt tên là “Gương chiến đấu”. Năm 1957, nhà xuất bản Kim Đồng, với vai trò là một thiết chế, một bệ đỡ lớn nhất của nhà nước dành cho sáng tác văn học thiếu nhi - được thành lập, tên của nhà xuất bản được đặt theo tên của một thiếu niên Việt Nam dũng cảm đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong bài viết nhân dịp kỉ niệm 20 năm ngày thành lập nhà xuất bản, tác giả Văn Hồng đã chỉ ra rằng: “nội dung tư tưởng của sách Kim Đồng là Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi. Đấy là một nội dung cô đọng, súc tích, một sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố: dân tộc và giai cấp, truyền thống và hiện đại, khái quát và cụ thể. Quán triệt Năm điều Bác Hồ dạy là quán triệt nội dung giáo dục toàn diện, trong đó hai bộ phận cấu thành cơ bản là giáo dục yêu nước và giáo dục chủ nghĩa xã hội”[22]. Như vậy, trong những yếu tố trọng tâm làm nên nội dung tư tưởng của các sách do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, tính dân tộc và tính giai cấp được đặt ra như những yếu tố hàng đầu. Tôn chỉ, mục đích này có tác dụng điều hướng hoạt động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi để đưa thiếu nhi gần hơn với các nhiệm vụ cách mạng. Trong thực tiễn sáng tác của các văn nghệ sĩ, các nội dung yêu nước, cổ vũ thiếu nhi tham gia cách mạng thấm đẫm trong rất nhiều tác phẩm của một loạt các nhà thơ, nhà văn thời kì đó, chẳng hạn: Lượm của Tố Hữu, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Vừ A Dính, Kim Đồng của Tô Hoài, Đội du kích thiếu niên Đình Bảng của Xuân Sách, Quê nội của Võ Quảng...
Tóm lại, toàn bộ bài viết là một nỗ lực bối cảnh hóa, đặt truyện đồng thoại Cái tết của mèo con của Nguyễn Đình Thi vào diễn biến rộng lớn của thời cuộc, từ đó chỉ ra rằng nhà văn đã đan cài các chi tiết nói lên công cuộc lao động, sản xuất của nhân dân miền Bắc cũng như thể hiện khao khát của dân tộc Việt Nam trong việc chiến đấu và chiến thắng kẻ thù mạnh hơn nhiều lần. Xuyên suốt tất cả, sự trưởng thành của chủ thể khi ý thức về tính chính nghĩa và lẽ phải là một yếu tố then chốt khiến cho câu chuyện rất gần với các diễn ngôn chính trị đương thời. Viết, mà ở đây là viết cho thiếu nhi, bởi vậy là một thực hành mang tính chính trị nhằm củng cố và tạo dựng sức mạnh cho dân tộc Việt Nam, một ý tưởng mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong bối cảnh thời chiến.
N.T.K.N
[1] Hoàng Nguyên (2011): “Từ “Cái tết của mèo con” đến… cái tết của Nguyễn Đình Thi”. Nguồn:https://thethaovanhoa.vn/tu-cai-tet-cua-meo-con-toi-cai-tet-cua-nguyen-dinh-thi-20110119171721453.htm
[2] Trịnh Đặng Nguyên Hương (2025): “Đi qua nỗi sợ: Đảo chiều trong cái nhìn trẻ em và những đóng góp của Nguyễn Đình Thi cho văn học thiếu nhi”, in trong Trình hiện tuổi hoa: một số thể nghiệm tiếp cận văn học thiếu nhi. Nxb. Văn học, H.
[3] Lã Thị Bắc Lý (2012), Giáo trình văn học thiếu nhi và đọc, kể diễn cảm (dành cho hệ cao đẳng sư phạm mầm non). Nxb Giáo dục Việt Nam, H, tr.14.
[4] Lê Phương Liên (2017), “Cái tết của mèo con: một chú mèo dấn thân". Nguồn: https://znews.vn/cai-tet-cua-meo-con-mot-chu-meo-dan-than-post732480.html
[5] Trịnh Đặng Nguyên Hương (2025): “Đi qua nỗi sợ…”. Tlđd.
[6] Trịnh Đặng Nguyên Hương (2025): “Đi qua nỗi sợ…”. Tlđd.
[7] Lê Phương Liên (2017), “Cái tết của mèo con: một chú mèo dấn thân". Tlđd.
[8] Trịnh Đặng Nguyên Hương (2025): “Đi qua nỗi sợ…”. Tlđd.
[9] Vân Thanh (1962), “Văn học thiếu nhi Việt Nam”. Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 6, tr.28.
[10] Hồ Chí Minh (1946):“Chiến đấu vì chính nghĩa”, Báo Cứu quốc, số 427, ngày 6-12-1946. In trong Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, tr.516.
[11] C.B. (1953): “Con voi với con muỗi”, Nhân Dân số 104, từ ngày 1 đến ngày 5/4/1953, tr.2. Nguồn: https://hochiminh.nhandan.vn/con-voi-voi-con-muoi-1051.html
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (1963): “Nghị quyết của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 12 năm 1963: Ra sức phấn đấu, tiến lên giành những thắng lợi mới ở miền Nam”, in trong Văn kiện Đảng toàn tập, tập 24, tr.827.
[13] Xem: Hoàng Phong Tuấn (2023), “Sự hình thành của viễn tượng lịch sử và quy định diễn ngôn văn học ở Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945-1946”, Hiểu Việt Nam (số 1), H.
[14] Fredric Jameson (2015), “Văn học các nước thế giới thứ ba trong kỉ nguyên chủ nghĩa tư bản đa quốc gia”, Nghiên cứu văn học, số 7, tr.14.
[15] Hồ Chí Minh (1952), “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa”, Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5-1.
[16] Thiện Thành (2019), “O du kích nhỏ: cổ tích từ một tấm hình”, Công an nhân dân, ra ngày 20/6. Nguồn: https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/DDB-O-du-kich-nho-Co-tich-tu-mot-tam-hinh-i525624/
[17] Lê Phương Liên (2017). Tlđd.
[18] Hoàng Phong Tuấn (2023), “Sự hình thành của viễn tượng lịch sử...”. Tlđd.
[19] Peter Barry (2023), Nhập môn Lý thuyết văn học và văn hóa (Hoàng Tố Mai chủ biên dịch). Nxb Hội Nhà văn, H, tr.213.
[20] Peter Barry (2023), Sđd, tr.203.
[21] Fredric Jameson (2015), Tlđd.
[22] Văn Hồng (1987), “Nhà xuất bản Kim Đồng và nền văn học viết cho thiếu nhi của Việt Nam”, Tạp chí Văn học, số 3, tr.105-106.