Thứ Sáu, 11/04/2025 05:00

Theo dòng kháng chiến - nhìn lại sự phát triển của văn học

Viết cho thiếu nhi trong những năm 1955 - 1975

Ở Việt Nam, chiến tranh đã lùi xa gần năm mươi năm. Lớp thiếu nhi hôm nay lớn lên trong bầu không khí êm đềm không có tiếng bom rơi, đạn nổ... (Nhà phê bình TRỊNH ĐẶNG NGUYÊN HƯƠNG)

. Nhà phê bình TRỊNH ĐẶNG NGUYÊN HƯƠNG

Ở Việt Nam, chiến tranh đã lùi xa gần năm mươi năm. Lớp thiếu nhi hôm nay lớn lên trong bầu không khí êm đềm không có tiếng bom rơi, đạn nổ, không bị đe doạ bởi những tai hoạ và cái chết bất ngờ, cũng không phải đối mặt với những vết thương sâu về thể xác và tinh thần. Nhưng chiến tranh không phải là điều xa lạ với thế hệ trẻ hôm nay. Tin tức về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, những cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới của Triều Tiên xuất hiện hàng ngày, hàng giờ trên các chương trình thời sự, trên báo chí khiến bất cứ thiếu nhi nào cũng có thể tiếp cận. Hình ảnh những em bé Ukraine phải xuống hầm trú ẩn, không được đi học, những ngôi nhà cháy, những khu phố bị phá huỷ, những người dân bị thiệt mạng hay thương tích hoàn toàn có thể gây chấn động và phát khởi những cú sốc với trẻ em. Vì thế giới hiện đại luôn là một ngôi nhà chung, nên nguy cơ chiến tranh hạt nhân hiện nay cao hơn bao giờ hết. Theo một nghiên cứu, “xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng Ấn Độ - Pakistan và việc Triều Tiên đạt các bước tiến về hạt nhân… đã khiến xác suất nổ ra chiến tranh hạt nhân tăng 10 lần, với hậu quả gần 7 tỷ người tử vong trực tiếp và gián tiếp”[1]. Việt Nam hiện không có chiến tranh nhưng xung đột leo thang giữa nhiều cường quốc trên thế giới hiện nay khiến “Giới chính trị quốc tế cảnh báo về nguy cơ xảy ra Thế chiến III, chiến tranh hạt nhân, sẽ hủy diệt Trái đất”[2]. Rõ ràng, chiến tranh hiện không có mặt ở Việt Nam nhưng bóng đen hắc ám của nó có thể đổ bóng lên bất cứ quốc gia nào trong thế kỉ XXI.

Từ nguy cơ chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra giữa các cường quốc về quân sự và vũ khí hiện nay, việc nhìn lại sức mạnh huỷ diệt và những tàn phá thảm khốc của chiến tranh ở Việt Nam trong thế kỉ XX là một việc làm cần thiết. Bài viết đặt ra vấn đề nhìn lại sự vận động và phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ giành độc lập cho dân tộc. Trong hoàn cảnh đặc biệt này, văn học thiếu nhi có phát triển hay không, tiếp nối hay đứt gãy với văn học thiếu nhi giai đoạn chống thực dân Pháp, đã đạt được những thành tựu gì và để lại những dấu ấn nào đậm nét trong việc tái hiện gương mặt chiến tranh từ góc nhìn trẻ em.

1. Truyện thiếu nhi - tiếp nối và phát triển truyện thiếu nhi trong kháng chiến chống Pháp

Theo nhà nghiên cứu Vân Thanh, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945): “Đảng tuy bận nhiều việc nhưng vẫn hết sức chăm lo việc giáo dục thế hệ trẻ của đất nước. Một hình thức mà Đảng, Bác luôn luôn chú ý là việc xây dựng và phát triển văn học phục vụ thiếu nhi”[3] (tr. 21). Đặc biệt Bác Hồ tuy bộn bề việc nước nhưng mỗi năm vào ngày 1/6 hoặc tết Trung thu, ngày khai giảng, Bác thường viết thư, làm thơ tặng hoặc gửi quà cho các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước. Nội dung của những bức thư Bác viết trở thành một trong những phương châm, đường hướng, mục đích sáng tác của văn học thiếu nhi. Năm 1946, tờ báo Thiếu sinh ra đời, đánh dấu vai trò quan trọng của bạn đọc trẻ em. Dù vậy, hoàn cảnh chiến tranh với nhiều gian khó trong kháng chiến chống Pháp ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của văn học thiếu nhi sau buổi đầu đất nước giành được độc lập. Những thành tựu ở giai đoạn này không thật nhiều. Đáng chú ý là một số tác phẩm như Thiếu niên anh dũng (Phong Nhã), Chú Giao làng Seo (Nguyễn Tuân), Chiến sĩ ca nô (Nguyễn Huy Tưởng), Dưới chân Cầu Mây (Nguyên Hồng), Hoa Sơn (Tô Hoài)… Những tác phẩm này chủ yếu xoay quanh đề tài kháng chiến, ngợi ca sự dũng cảm, mưu trí, gan dạ của thiếu nhi Việt Nam, sẵn sàng góp sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc kháng chiến chung của đất nước và dân tộc.

Tiếp nối những thành tựu đã có trong kháng chiến chống Pháp, giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1955 - 1975), văn học thiếu nhi Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước chia hai nửa, trong tình thế bom rơi, đạn nổ vẫn không ngừng vận động và phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu nổi bật so với giai đoạn trước. Ngày 17/6/1957, Nhà xuất bản Kim Đồng ra đời dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đoàn đã tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ phong trào sáng tác cho thiếu nhi. Từ đây, nhiều tác phẩm đặc sắc đã ra đời như Em bé bên bờ sông Lai Vu (Vũ Cao), Hai làng Tả Phình và Động Hía (Bắc Thôn), Tổ tâm giao (Trần Thanh Địch), Cái Thăng (Võ Quảng), Bí mật ở miếu Ba cô (Văn Trọng)…

Văn học thiếu nhi trong những năm 1955 - 1975 có sự phát triển mạnh mẽ về mặt số lượng và thể loại so với giai đoạn trước. Đặc biệt, “truyện là thể loại phát triển hết sức mạnh mẽ với sự có mặt của nhiều đề tài lớn”[4]. Theo nhà nghiên cứu Vân Thanh các đề tài giai đoạn này gồm có đề tài lịch sử, đề tài kháng chiến, đề tài sinh hoạt… Đề tài kháng chiến trở thành đề tài nổi bật thu hút nhiều nhà văn sáng tác trong giai đoạn này. Đây cũng là đề tài mang tính thời sự, có sức hút lớn với cả trẻ em và người lớn trong hoàn cảnh đất nước cam go trong cuộc kháng chiến giành độc lập. Hơn nữa, bản thân hiện thực khốc liệt, nhiều diễn biến bất ngờ của cuộc kháng chiến hàng ngày, hàng giờ đang diễn ra cũng chứa đựng sự hấp dẫn, lay động đặc biệt bạn đọc nhỏ tuổi vốn hết sức nhạy cảm. Những câu chuyện về trẻ em góp sức cùng người lớn trong kháng chiến làm giao liên, liên lạc, du kích đã mang lại những nét mới cho hình tượng trẻ em trong văn học nói chung. Có thể kể đến những tác phẩm nổi bật như: Em bé bên bờ sông Lai Vu (Vũ Cao), Đội thiếu niên du kích Đình Bảng (Xuân Sách), Đội thiếu niên du kích thành Huế (Xuân Tùng), Chú bé Cả Xên (Minh Khoa), Út Tám (Ngô Thông). Trong đó, truyện Đội thiếu niên du kích Đình Bảng đến nay vẫn liên tiếp được tái bản và được bạn đọc thiếu nhi yêu thích dù chiến tranh đã lùi xa cả nửa thế kỉ. Bên cạnh đề tài kháng chiến, đề tài trẻ em tham gia lao động sản xuất cũng được tái hiện trong các tác phẩm như Xã viên mới (Minh Giang), Kể chuyện nông thôn (Nguyễn Kiên), Cơn bão số 4 (Nguyễn Quỳnh), Ngày công đầu tiên của cu Tí (Bùi Hiển)… Trong đó, truyện Ngày công đầu tiên của cu Tí mang đến một hiện thực mới mẻ, lạ lẫm với đời sống trẻ thơ, chuyện cu Tí lần đầu tiên đi chăn nghé được tính công như người lớn. Hai đề tài chiến đấu và lao động sản xuất là hai đề tài chính của văn học thiếu nhi giai đoạn này. Điều đó cũng phản ánh, văn học thiếu nhi đã bắt vào dòng chảy chung của lịch sử đất nước cũng như dòng văn học chung của dân tộc.

Sự đa dạng trong đề tài viết cho thiếu nhi thể hiện qua truyện người tốt việc tốt như Những năm tháng không quên (Nguyễn Ngọc Ký), Hoa Xuân Tứ (Quang Huy); truyện khoa học của Viết Linh với Ông than đáQuả trứng vuông, Vũ Kim Dũng với Kiến trinh sát, Hoàng Bình Trọng với Bí mật một khu rừng; truyện về tình hữu nghị quốc tế với Gia đình thân yêu (Nguyễn Kiên), Chim hải âu (Tô Hoài) hay đề tài vẻ đẹp đất nước có Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Mùa săn trên núi (Vũ Hùng)… Ngoài ra, còn có truyện về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, truyện về những anh hùng, truyện về đề tài lịch sử, truyện đồng thoại với Hai bàn tay người chiến sĩ (Nguyễn Huy Tưởng), Thuyền sắp đắm (Bùi Đức Ái), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng), Kể chuyện Lam Sơn (Hoàng Đạo Thuý), Trăng nước Chương Dương (Hà Ân), Cuộc đời chìm nổi của chú kíp lê (Vũ Cận), Chú đất nung (Nguyễn Kiên), Trăng rơi xuống giếng (Đào Vũ), Cái tết của Mèo con (Nguyễn Đình Thi)…

Bức tranh tự sự của văn học thiếu nhi trong những năm chống Mỹ khá đa dạng, phong phú, phản ánh nhu cầu đọc và khao khát tìm hiểu, khám phá cuộc sống mãnh liệt ở bạn đọc tuổi thơ. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của truyện viết cho thiếu nhi cũng cho thấy một nghịch lý: bom rơi, đạn nổ, đời sống ngặt nghèo gian khó nhưng hiện thực ấy, khó có thể cầm giữ trí tưởng tượng bay bổng cũng như tinh thần sáng tạo mãnh liệt của các nhà văn sáng tác và bạn đọc thiếu nhi Việt Nam. Nhiều tác phẩm đã trở thành những kết tinh nghệ thuật đặc sắc, có sức chinh phục bạn đọc mãnh liệt, vượt thời gian như Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Cái tết của Mèo con (Nguyễn Đình Thi)…

2. Thơ viết cho thiếu nhi trong những năm chống Mỹ của đất nước

Đội ngũ người làm thơ viết thơ cho trẻ em giai đoạn này tăng lên nhanh chóng và thơ trở thành một bộ phận quan trọng, phát triển mạnh mẽ không kém văn xuôi trong kháng chiến chống Mỹ. Mượn cách nói của một nhà văn thế giới: đại bác gầm nhưng không thể làm tắt những tiếng hót hoạ mi chính là hiện thực sống động của thơ viết cho trẻ em trong những năm tháng đặc biệt này. Nhiều tập thơ có giá trị ra đời như Võ Quảng với Anh đom đóm, Gà mái hoa, Thấy cái hoa nở; Phạm Hổ với Chú bò tìm bạn, Những người bạn nhỏ, Bạn trong vườn; Vũ Ngọc Bình với Tiếng hát, đặc biệt là thần đồng thơ Trần Đăng Khoa với tập thơ Góc sân và khoảng trời.

Đề tài thơ đa dạng, gắn với những vấn đề giản dị, quen thuộc, gần gũi với đời sống của trẻ thơ. Đó là thiên nhiên tươi đẹp của đất nước, tình cảm với Bác Hồ, với bạn bè, thầy cô, những cảm xúc mãnh liệt với cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Chuyện em Hoà của Tố Hữu là một ví dụ về đề tài trẻ em tham gia kháng chiến. Nhà thơ kể chuyện em Hoà, mười lăm tuổi, quê ở Thừa Thiên đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ như thế nào. Em lên chiến khu, tham gia chiến đấu và hồn nhiên nếm trải mọi hiểm nguy: Sớm hôm củ sắn củ khoai/ Khi đi trinh sát khi gài mìn chông/ Khi ra xung trận giữa đồng/ Khi lăn dưới lửa, thoát vòng giặc vây. Nhà thơ cũng ghi lại sự hồn nhiên của một thiếu nhi tham gia chiến đấu vừa anh hùng, bất khuất lại vừa giản dị, đơn sơ: Súng này càng bắn càng hay/ Một tay em chấp mười tay quân thù. Hoàn cảnh đất nước không bình yên đã khiến trẻ em Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớn lên với những trải nghiệm sớm về chiến tranh, về việc tham chiến và thấm đậm trong mỗi cô bé, cậu bé là hình ảnh anh bộ đội đánh giặc cứu nước. Như bài thơ Con bộ đội của Trần Đình Tuấn có ghi lại một trò chơi của em bé ngây thơ: Đội mũ sắt của bố/ Chụp lấy cả mang tai/ Choàng vai súng đu đủ/ Bé đi đều… một - hai. Từ những cô bé, cậu bé đã sớm mơ ngựa sắt theo cách nói của nhà thơ Chế Lan Viên: Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hoá Bạch Đằng, chiến tranh và tình thế đất nước đã đi vào nhận thức, tâm hồn của trẻ thơ và tình yêu đất nước, trách nhiệm với đất nước quê hương trở nên thiêng liêng, máu thịt. Trần Đăng Khoa có viết: Thầy giáo ơi, xin thầy đừng trách em/ Em chẳng có đầu óc nào để nhớ/ Những định luật này, những công thức nọ/ Khi đoàn tàu đi rung chuyển phố phường/ Tổ quốc ơi, hãy trao tôi cây súng/ Thân tôi đã cao, vai tôi đã rộng/ Trận đánh cuối cùng này không thể thiếu tên tôi. Những câu thơ ghi lại sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của một học trò trước tình thế rung chuyển của dân tộc. Không thể tiếp tục cầm bút, người học trò nay đã trưởng thành về thể chất và được hun đúc về tinh thần đã quyết tâm từ giã mái trường để gia nhập đội quân đánh giặc. Có thể thấy, quan niệm về trẻ em trong thơ đã có nhiều thay đổi so với thời bình. Trẻ em không chỉ là Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan (Hồ Chí Minh), mà giờ đây đã nhanh chóng trưởng thành, góp sức vào công cuộc chiến đấu, giải phóng dân tộc cùng cha anh. Vì thế, âm hưởng hào hùng, tráng ca từ những vần thơ có lửa viết cho người lớn không biết tự khi nào đã thấm vào trong nhiều tập thơ viết cho thiếu nhi trong kháng chiến chống Mỹ.

Chú ngựa bay[5] là một tập thơ viết trong giai đoạn này bởi nhiều tác giả khác nhau, mang đến cái nhìn chiến tranh khá thú vị cho bạn đọc, nhất là bạn đọc ở thế kỉ XXI hôm nay, khi đất nước không có bom rơi, đạn nổ, trẻ em không hề biết đến những lớp học đặc biệt trong chiến tranh. Lớp học mà ở đó Hầm đào dưới gầm bàn/ Động vào hang chị dế/ Chị đừng ti tỉ nhé/ Cho chúng em học bài (Lớp học phòng không - Nghiêm Văn Đa). Đi học nhưng tinh thần “trực chiến”, đối phó với bom đạn luôn sẵn sàng với mỗi cô cậu học trò. Dù vậy, tuổi thơ vẫn hồn nhiên đón nhận vẻ đẹp của cuộc sống như hương lúa thơm mùa gặt trên đường đi học bất chấp những hiểm nguy chờ trực sẵn: Mũ rơm mùa gặt lá chen thơm lừng/ Thơm quanh quyển vở vỡ lòng/ Thơm bay vào tận góc hầm sâu sâu… (Buổi sáng - Nghiêm Văn Đa). Trong tập thơ này, hình ảnh thiên nhiên qua đôi mắt trẻ thơ cũng có thêm nhiều phát hiện mới khác với thời bình. Như khi viết về đàn chim én chao liệng trên cánh đồng, nhà thơ phát hiện ra đàn chim còn bay qua công sự và không quên nghiêng cánh chào những người lính gác: Chào anh pháo binh/ Bên nòng súng thép/ Giữ bầu trời xanh (Chim én trên đồng - Nguyễn Bao). Hay chú nghé con ngơ ngác cũng đã biết nghe kẻng báo động sẽ phải xuống hầm Miệng còn ngậm cỏ/ Nghé vểnh đôi tai/ Sợ khi bom nổ/ Nằm yên nghé nhai (Nghé ngoan - Trần Đình Tuấn). Chú nghé trong bài thơ cảnh giác, thận trọng nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên, ngây thơ như những cô bé, cậu bé trong kháng chiến buộc phải lớn nhanh để thích nghi với hoàn cảnh đất nước nhưng vẫn giữ được những nét hồn nhiên, ngây thơ là vốn quý của tuổi thơ. Tác giả Trần Hoạt ghi lại câu hỏi hồn nhiên của trẻ em trong bài thơ Quả: Quả na ăn mát/ Quả thị ăn thơm/ Sao thằng Mỹ ác/ Lại làm quả bom. Hay Vũ Quần Phương viết về trò chơi trẻ em đã cho thấy tình hình chiến sự và khát vọng hoà bình của cả dân tộc cũng tự nhiên thấm vào những câu hát đồng dao trong trò chơi của trẻ em: Thung thăng thung thăng/ Một đàn con trẻ/ Dung dăng dung dẻ/ Ờ thằng Mỹ thua/ Thua/ Thua/ Thua/ Thua! (Dung dăng dung dẻ). Tập thơ Chú ngựa bay đã tái hiện sinh động cuộc sống, sinh hoạt và cảm xúc, suy tư của tuổi thơ trong những năm giặc Mỹ đánh phá miền Bắc nước ta. Tập thơ bên cạnh việc ghi lại dấu ấn của một thời đại anh hùng, trẻ em cũng mang những phẩm chất anh hùng của cha anh còn phản ánh những tình cảm trong sáng, ngây thơ, đẹp đẽ của các em trong quan hệ gia đình và xã hội. Đóng góp nổi bật của tập thơ này, theo đánh giá của Vân Thanh là “cho ta thấy được hình ảnh con người mới của thiếu nhi, hình ảnh thế hệ trẻ của chúng ta, lớp người trong tương lai nhất định sẽ gánh vác được nhiệm vụ mà cha anh giao phó”[6].

Nhìn chung, thơ thiếu nhi trong những năm kháng chiến chống Mỹ đặc biệt ở chỗ mang theo không khí chiến trường, tinh thần thời đại hoà cùng niềm vui và sự hồn nhiên trẻ thơ. Mà tiêu biểu cho điều này chính là tập thơ Từ góc sân nhà em của Trần Đăng Khoa với những bài thơ như Ảnh Bác, Góc sân và khoảng trời, Đánh tam cúc, Hạt gạo làng ta, Gửi bạn Chi-lê, Em dâng cô một vòng hoa, Thả diều. Trong đó, bài thơ Hạt gạo làng ta đã được phổ nhạc và tới nay vẫn được nhiều trẻ em yêu thích. Những câu thơ như: Hạt gạo làng ta/ Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà/ Những năm khẩu súng theo người đi xa/ Những năm băng đạn vàng như lúa đồng/ Bát cơm mùa gặt thơm hào giao thông đã ghi lại vẻ đẹp đặc biệt một đi khó trở lại của tuổi thơ lớn lên trong bom rơi, đạn nổ những năm chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của nhà nghiên cứu Vân Thanh thì hạn chế của thơ thiếu nhi giai đoạn này là “vẫn còn thiếu nhiều bài thơ nói về lao động kiến thiết, về con người mới, cuộc sống mới; thiếu những bài thơ nói lên được chân thực suy nghĩ, nguyện vọng của các em”[7].

3. Chiến tranh qua đôi mắt trẻ thơ, nhìn từ một số tác phẩm đặc sắc giai đoạn 1955 - 1975

Ảnh minh hoạ.

Đất rừng phương Nam - chiến tranh và sự huỷ diệt tự nhiên

Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam. Ra mắt bạn đọc năm 1957, tác phẩm nhanh chóng nhận được sự yêu thích nồng nhiệt của bạn đọc tuổi hoa. Đến nay, tác phẩm vẫn tiếp tục được tái bản nhiều lần, được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Đức, Trung Quốc, Cuba, Hungary, Ba Lan… Tác phẩm cũng được chuyển thể thành phim truyền hình Đất phương Nam và gần đây nhất tác phẩm trở thành cảm hứng của bộ phim điện ảnh cùng tên của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, công chiếu năm 2023 và gây nhiều dư luận khác nhau trên báo chí[8]. Một đoạn trích của cuốn tiểu thuyết này cũng được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 hiện hành[9]. Điều đó, cho thấy giá trị cũng như ảnh hưởng vượt thời gian của Đất rừng phương Nam. Tác phẩm kể về hành trình lưu lạc của cậu bé An trong kháng chiến chống Pháp. Đi tản cư cùng bố mẹ nhưng An bị lạc mất gia đình, sau đó trôi dạt qua nhiều vùng đất khác nhau, cuối cùng ở lại trong rừng U Minh làm con nuôi của người bắt rắn. Cùng với hành trình lưu lạc của cậu bé An, tiểu thuyết còn giống như một bộ phim sống động ghi lại vẻ đẹp của đất và rừng U Minh thượng, U Minh hạ. Tuy nhiên, tác phẩm cũng trình hiện chiến tranh như một thứ hạt nhân kích nổ mang tính huỷ diệt khốc liệt qua đôi mắt quan sát của An. Từ góc nhìn của nhân vật thiếu niên này, chiến tranh hiện ra trong tác phẩm mang một trình hiện độc đáo so với những tác phẩm viết về chiến tranh của người lớn.

Tác phẩm mở đầu với một tình huống bất ngờ: thực dân Pháp quay trở lại chiếm đóng Nam Bộ (năm 1946). Cuộc sống êm đềm bên bờ sông Tiền của gia đình An không còn nữa, thay vào đó là súng nổ, lửa cháy, đạn bay đầy trời. An cùng bố mẹ hoà vào dòng người tản cư rời khỏi thành phố. Cậu bé nhận ra, phía sau đoàn người là hàng loạt cây cối bị chặt đổ để chặn đường tiến của giặc Pháp. Từ Mỹ Tho, An và bố mẹ chạy tới Cai Lậy, Cái Bè rồi Đồng Tháp. Đâu đâu cậu cũng nhận thấy “Tất cả những nơi mắt tôi nhìn thấy, chân tôi bước qua đều đã mất đi sự bình yên phẳng lặng của nó, không khí chiến tranh đã tràn về các thôn ổ xa xôi nhất…”[10]. Dù không phải nhận bất cứ mảnh bom rơi, đạn lạc nào nhưng niềm vui trẻ thơ của An hoàn toàn bị phá nát, cuộc sống bình yên không còn, thay vào đó là những tháng ngày thấp thỏm đầy lo âu và căng thẳng. Như vậy, từ góc nhìn của một cậu bé chứng kiến, An nhận ra sức mạnh tàn phá, huỷ diệt khủng khiếp của chiến tranh lên đời sống vật chất và tinh thần của con người.

Sự tàn khốc của chiến tranh gây ra cuộc chia cắt giữa An và gia đình, khiến cậu phải tự bươn chải để tồn tại. Bước chân đưa đẩy khiến An lạc sâu vào rừng U Minh và trở thành con nuôi ông lão bán rắn. Sống cùng gia đình tía nuôi, An nhận ra, không chỉ thành phố bị tàn phá mà chiến tranh cũng không hề buông tha những cánh rừng hoang dã. Một ngày nọ, khi đi vào rừng lấy mật ong cùng tía nuôi, An bỗng thấy “Ba chiếc tàu bay của giặc Pháp bay vút qua bên trên khu rừng chúng tôi đang lấy mật. (…) Lửa chớp chớp. Súng liên thanh nã đạn xuống rừng nghe inh tai, chát óc. Rồi hàng loạt bom nổ ầm ầm, chuyển động cả một vùng rừng ban nãy còn lặng phắc như tờ”[11]. Giặc đốt rừng để bộ đội và du kích địa phương không có nơi ẩn náu. Rừng cháy suốt ba hôm và khi lửa tắt An nhận ra “Chung quanh tôi, đen hắc một màu cây cối đã cháy thành than.”[12]. Mọi sinh vật trên cạn, dưới nước, động vật, thực vật, to nhỏ, lớn bé… không trừ bất cứ loại nào đều đã trở thành mồi cho ngọn lửa. Rừng già hàng trăm năm, với sức sống mãnh liệt, dồi dào đã “chết” từng góc không thể phục hồi chỉ trong một thời khắc của chiến tranh. Việc miêu tả tỉ mỉ, chi tiết, cận cảnh với rất ít cảm xúc, nhà văn gợi ra đôi mắt mở to, bàng hoàng của An khi chứng kiến tai hoạ. Chính ở đây, tội ác của chiến tranh “bị” soi vào đôi mắt trong sáng của trẻ thơ để hiện lên tất cả sự vô lý, phi nhân của ngọn lửa bạo tàn giáng xuống cánh rừng vô tội.

Đất rừng phương Nam trình hiện sự giàu có, trù phú của rừng U Minh như một bà mẹ thiên nhiên lớn giang tay bảo vệ, che chở con người nhưng cũng đồng thời tái hiện tội ác của chiến tranh. Lựa chọn điểm nhìn của một nhân vật thiếu niên, tác phẩm vì thế phản ánh khách quan, trung thực những tổn thương không gì bù đắp và việc hệ sinh thái rừng bị huỷ diệt. Dưới góc nhìn của một cậu bé không thuộc bên ta hay địch, tác phẩm như một bản luận tội công bằng, minh bạch về tội ác huỷ diệt tự nhiên không thể tha thứ và không được phép tái diễn dù ở bất cứ nơi nào của chiến tranh.

Sức mạnh phá huỷ của chiến tranh qua Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

Chiếc lược ngà được viết năm 1966 khi nhà văn Nguyễn Quang Sáng đang công tác ở chiến trường Nam Bộ, tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9[13] và trở thành tác phẩm xúc động về tình cảm cha con trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh. Câu chuyện kể về cuộc đoàn tụ éo le của cha con anh Sáu sau nhiều năm xa cách. Người cha đi kháng chiến khi con gái còn nhỏ, chừng một tuổi. Anh được về thăm nhà khi bé Thu, con gái anh giờ đã lên tám. Một cách gián tiếp, tình huống truyện cho thấy chiến tranh đã phá huỷ những mái ấm, tạo nên sự chia lìa giữa cha và con, vợ và chồng trong nhiều năm đằng đẵng.

Khi anh Sáu về nhà, anh chờ đợi “con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh”[14]. Nhưng đáp lại là một hiện thực hoàn toàn khác “Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn”, rồi “mặt nó bỗng tái đi, nó vụt chạy và kêu thét lên: “Má! Má!”. Người cha đau đớn vô cùng. Suốt ba ngày được ở nhà anh chẳng dám đi đâu xa, lúc nào cũng tìm cách vỗ về con nhưng trớ trêu thay “càng vỗ về con bé càng đẩy ra. Anh mong nghe một tiếng ba, nhưng con bé chẳng bao giờ chịu gọi”[15]. Tình cảnh éo le của hai cha con bé Thu cho thấy chiến tranh cũng là nguyên nhân tạo nên những tổn thương sâu nặng trong tình cảm gia đình. Anh Sáu đi kháng chiến và khi về thăm nhà, trên mặt anh có một vết thẹo dài bên má phải, vết thẹo ấy khi anh xúc động thường “đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ” (tr. 195). Dung mạo người cha đã bị chiến tranh tàn phá, và chính vết thẹo ấy là nguyên nhân khiến bé Thu không nhận ra ba, nhất định không chịu gọi ba. Câu chuyện của cha con anh Sáu cho thấy, chiến tranh không chỉ huỷ diệt tự nhiên, huỷ diệt sự sống nó còn tàn phá tâm hồn cả người lớn và trẻ em, gây ra những khoảng cách sâu khó có thể nhanh chóng hàn gắn. Nhất là với trẻ em, đôi mắt ngây thơ, tình cảm trong sáng, suy nghĩ của các em thật giản dị, các em khó có thể nhận ra những uẩn khúc, phức tạp của chiến tranh. Bé Thu không thể nhận người đàn ông có cái thẹo “dễ sợ” là cha mình. Hoá ra, trong đôi mắt ngây thơ, hồn nhiên, em không thể nào chấp nhận cha mình lại có gương mặt như vậy. Khi em hiểu chuyện, biết thương ba cũng là lúc anh Sáu phải lên đường. Tác phẩm Chiếc lược ngà, hết sức độc đáo khi miêu tả sự tương phản gay gắt giữa sức mạnh huỷ diệt, tàn phá của chiến tranh và sức vóc nhỏ bé nhưng tình yêu thương cha thật lớn lao của một cô bé tám tuổi. Quả nhiên, đây là lần cuối cùng bé Thu gặp cha em. Người cha sau này hi sinh, trước khi mất ông gửi lại cho con gái chiếc lược ngà mà ông đã tự tay làm và nâng niu, gìn giữ.

Sau này, người kể chuyện gặp lại bé Thu - giờ đã trở thành cô giao liên xinh đẹp, thông minh, bản lĩnh, em đưa đoàn cán bộ qua sông mà trong đó có người bạn của cha năm nào. Cuộc gặp gỡ sau này giữa hai bác cháu cũng góp phần trình hiện chiến tranh với những hoá chất độc hại tàn phá tự nhiên: “Đoàn tập hợp lại trong một đám dừa bị chất độc hóa học, tàu lá lơ thơ, trống trải”[16]. Giặc Pháp đã rải chất độc hoá học để giết chết rừng tràm vào năm 1966. Khi bác ba, người kể chuyện, chia tay Thu, ông nhận ra: “Sau lưng cháu là đám dừa bị chất độc hóa học mà tàu lá chỉ còn những cọng khô như những chiếc xương cá khổng lồ treo lủng lẳng, đọt non vừa mới đâm lên, xa trông như một rừng gươm”[17]. Hình ảnh rừng dừa xanh mát của mảnh đất Nam Bộ không còn nữa, thay vào đó là hình ảnh vừa hiện thực vừa mang tính biểu tượng, tàu dừa khô như “những chiếc xương cá khổng lồ” - biểu tượng của chết chóc và tang thương; đọt dừa non mới đâm lên nhìn từ xa”như một rừng gươm” có thể là biểu tượng của ý chí, của quyết tâm đánh giặc đến cùng để bảo vệ quê hương, đất nước.

Người mẹ cầm súng - chiến tranh như một “sự thường”

Người mẹ cầm súng là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của Nguyễn Thi và cũng là tác phẩm viết về chiến tranh với điểm nhìn độc đáo từ đôi mắt trẻ thơ. Tác phẩm đã được Hội đồng văn học nghệ thuật của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng giải chính thức Giải thưởng văn học, nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965). Nội dung chính của truyện kí này kể về cuộc đời và sự nghiệp chiến đấu của chị Út Tịch - một nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975). Chị Út có chín đứa con, dù đông con nhưng chị vẫn gánh vác cả việc nhà và việc nước. Sau mỗi lần sinh con, nghỉ vài ngày, chị lại cầm súng ra mặt trận chiến đấu. Đàn con ở nhà, lớn nhất là con Bé biết chăm sóc, bảo ban nhau để mẹ yên tâm chiến đấu.

Người mẹ cầm súng là một trong những tác phẩm có giọng kể tươi mát, hồn nhiên, thấm đẫm niềm vui và sự háo hức trẻ thơ. Vì vậy mà tác phẩm “lạc” ra ngoài những câu chuyện về chiến tranh thường mang âm hưởng hoặc hào hùng hoặc trầm buồn, bi thương. Chiến tranh hiện ra trong tác phẩm như một “sự thường”. Việc đàn con vắng mẹ cũng trở thành “sự thường” với bọn trẻ. Chị em con Bé vui vẻ trông nhau, cùng nấu cơm, tắm rửa, học hành dù không có cha mẹ ở nhà. Không đứa nào thấy buồn, cũng không có đứa nào khóc vì nhớ mẹ hay vắng mẹ. Khi miêu tả sự “bất thường” - chiến tranh như một “sự thường” nhà văn cho thấy với trẻ em đã quen với nhịp điệu của bom đạn hàng ngày, quen tới mức thích nghi, thích ứng và có thể giữ được sự hồn nhiên, ngây thơ trong hoàn cảnh thiếu thốn, khắc nghiệt. Tuy nhiên, việc những đứa trẻ vui vẻ trong hoàn cảnh bất thường, quen với bom rơi, đạn nổ, quen cả với việc dùng vỏ đạn thay cho đồ chơi lại là sự “kết tội” chiến tranh hết sức sâu sắc, khách quan. Chiến tranh đã “xoá đi” nhịp sống và quyền sống của những đứa trẻ bình thường. Lẽ ra, được yêu thương, chăm sóc, che chở trong vòng tay cha mẹ thì chín đứa con chị Út sớm phải lo toan, gánh vác như người lớn. Hình ảnh con Bé, nhỏ người nhưng đảm đang, tháo vát, thu vén hệt một người lớn khiến người đọc cảm phục nhưng không khỏi xúc động trước việc trẻ em phải “chín sớm” để phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh. Trình hiện chiến tranh như một “sự thường”, Người mẹ cầm súng còn cho thấy tấm lòng yêu thương lớn lao, vô điều kiện, đầy cảm thông của trẻ em đối với người lớn trong hoàn cảnh khói lửa và bom đạn. Tác phẩm, vì thế, không chỉ là một truyện kí về một người nữ anh hùng miền Nam trung hậu, đảm đang, bất khuất mà còn là câu chuyện khiến mỗi người trưởng thành thấy mình cần cúi xuống trước tấm lòng vị tha, trong sáng đẹp đẽ của trẻ thơ trong chiến tranh. Hoà bình hôm nay, không chỉ được tạo dựng từ những hi sinh, gánh vác lớn lao của người lớn mà còn được tạo thành bởi những yêu thương, vị tha trong sáng vô ngần của lớp lớp những em bé tuổi hoa.

*

Tiếp nối những thành tựu đã có của văn học thiếu nhi trong kháng chiến chống Pháp, văn học thiếu nhi trong kháng chiến chống Mỹ tiếp tục vận động và phát triển mạnh mẽ với những thành tựu đáng ghi nhận về cả số lượng, chất lượng cũng như sự đa dạng, phong phú ở nhiều thể loại khác nhau.

Mặc dù vận động và phát triển trong hoàn cảnh khắc nghiệt, văn học thiếu nhi những năm 1955 - 1975 vẫn để lại nhiều tác phẩm có giá trị vượt thời gian như tập thơ Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), những tác phẩm này đã góp phần trình hiện chiến tranh qua đôi mắt trẻ thơ với những màu sắc riêng độc đáo trong tương quan với văn học viết về đề tài chiến tranh của người lớn.

Đặc biệt, hoàn cảnh chiến tranh đã mang đến cho văn học thiếu nhi giai đoạn này một diện mạo đặc biệt. Những sáng tác cho thiếu nhi in đậm không khí chiến sự, âm hưởng chiến tranh cũng như tinh thần bất khuất, quật cường của cả dân tộc sẵn sàng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Hình tượng trẻ em ngây thơ, là đối tượng của sự quan tâm, chăm sóc dường như vắng bóng. Thay vào đó là hình ảnh trẻ em tuổi nhỏ chí lớn, sát cánh cùng cha anh trong cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Điều đó cho thấy sự chuyển dịch lớn trong nhận thức và quan niệm về trẻ em dưới tác động của những biến cố lịch sử và thời đại.

T.Đ.N.H

------------

 

[1] Trung Hiếu. VOV Việt Nam. 2022. Xác suất nổ ra chiến tranh hạt nhân đã tăng gấp 10 lần. https://vov.vn/the-gioi/ho-so/xac-suat-no-ra-chien-tranh-hat-nhan-da-tang-gap-10-lan-post989970.vov. Truy cập ngày 12/12/2022.

[2] Hà Ngọc. 2024. Cảnh báo nguy cơ Thế chiến III, khủng hoảng hạt nhân. http://quocphongthudo.vn/quoc-te/binh-luan-quoc-te/canh-bao-nguy-co-the-chien-iii-khung-hoang-hat-nhan.html. Truy cập ngày 27/2/2024.

[3] Vân Thanh (2019), “Đại cương văn học thiếu nhi Việt Nam”, rút từ cuốn Văn học thiếu nhi Việt Nam - Một số vấn đề về tác phẩm và thể loại, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 21.

[4] Nhiều tác giả (1984), Từ điển văn học, Nxb Khoa học Xã hội, tập 2, tr. 97.

[5] Nhiều tác giả (1968), Chú ngựa bay, Nxb Kim Đồng.

[6] Vân Thanh (2019), “Chú ngựa bay - thơ cho thiếu nhi trong chống Mỹ”, rút từ cuốn Văn học thiếu nhi Việt Nam - Một số vấn đề về tác phẩm và thể loại, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 164.

[7] Vân Thanh (2019), “Đại cương văn học thiếu nhi Việt Nam”, rút từ cuốn Văn học thiếu nhi Việt Nam - Một số vấn đề về tác phẩm và thể loại, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 36.

[8] Phim Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đạt doanh thu hơn 100 tỉ đồng. Hào Hoa. 2023. https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/dat-rung-phuong-nam-can-moc-doanh-thu-100-ti-dao-dien-nguyen-quang-dung-cang-kho-khan-toi-cang-co-gang-1258765.ldo. Truy cập ngày 25/10/2023.

[9] Nguyễn Thành Thi (chủ biên), Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo, Nxb Giáo dục, H. 2021, tr. 62.

[10] Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam, Nxb Kim Đồng, H.,2020, tr. 101

[11] Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam, Nxb Kim Đồng, H.,2020, tr. 177.

[12] Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam, Nxb Kim Đồng, H.,2020, tr. 191.

[13] Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, trong Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập 1. Nguyễn Khắc Phi (tổng chủ biên), Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội: 2021.

[14] Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, trong Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập 1. Nguyễn Khắc Phi (tổng chủ biên), Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội: 2021, tr. 195.

[15] Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, trong Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập 1. Nguyễn Khắc Phi (tổng chủ biên), Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội: 2021, tr. 196.

[16] Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà (tập truyện ngắn), Nxb Văn học, H., 1982, tr. 48.

[17] Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà (tập truyện ngắn), Nxb Văn học, H., 1982, tr.460.