Thứ Sáu, 09/07/2021 16:38

“Vụ án ba cây dừa”

Mùa khô năm 1994 Thắng vừa nhận chức Phó chính trị đại đội súng máy 12,7mm, chưa nhớ hết tên chiến sĩ, thì trung đoàn đi làm nhiệm vụ tại đường biên... (NGUYỄN THÀNH DŨNG)

. NGUYỄN THÀNH DŨNG

 

Mùa khô năm 1994 Thắng vừa nhận chức Phó chính trị đại đội súng máy 12,7mm, chưa nhớ hết tên chiến sĩ, thì trung đoàn đi làm nhiệm vụ tại đường biên. Bốn giờ sáng mồng tám tết, hành quân từ thị xã Hà Tiên tới Đầm Chít, Giang Thành với cự li trên 40km. Đường đi bụi đỏ mù mịt, hai bên kênh cạn, phèn đỏ ngầu, cá cua chết thối bốc mùi khó chịu, cỏ cây khô ròn hơn bánh đa Kế. Cả một vùng rộng lớn hàng trăm km2 tràm đước ngập mặn giờ khô kiệt. Lửa cháy ngầm cả dưới đất và leo lét trên các lô tràm.

Chỉ huy bộ đội hành quân trong khô khát, Thắng không thể tưởng tượng Tam giác Long Châu Hà lại là cánh đồng cháy, còn sót vũng nước nào thì đặc phèn. Một trung đội phó sống vùng này đã lâu cho biết, nước phèn ở đây đặc cứng đến mức không ngấm nổi vào quần áo. Thắng không tin. Để chứng minh, cậu ta mặc nguyên cả quân phục nhảy xuống kênh và điềm nhiên leo lên bờ, xoay một vòng để Thắng thấy rõ bộ quần áo không ướt, chỉ dính sình phèn lem nhem:

- Anh thấy chưa. Kể cả cởi đồ ra vùi xuống phèn, nước cứng cũng không chịu ngấm. Vào chỗ tập kết mình phải đào hố lót tăng bạt, nống phèn để lấy nước ăn. Tắm giặt thì phải đi xa ra tận kênh Vĩnh Tế, ở đó mới có nước ngọt.

Những gì mắt thấy tai nghe thật quá mức tưởng tượng với một sĩ quan chính trị 24 tuổi đời, quê tận Hưng Yên. Cái bí bách của phèn mặn nơi đây bám vào da thịt như sơn. Chà sát toác máu nó cũng thây kệ. Để xổ phèn trên da, người ta phải chạy tuốt lên Sài Gòn, ăn ở dầm dề mấy ngày, tắm nước ngọt xịn xò nó mới nhả từ từ, vài tháng sau vẫn chưa hết. Ở quê Thắng, tháng năm tháng mười vùng chiêm trũng cũng có phèn bám vàng móng chân móng tay, nhưng chỉ cần đắp tro bếp hoặc ngồi chà xà bông là hết. Đằng này, muốn làm sạch phèn mặn Long Châu Hà thì... cứ ngồi đấy mà mơ. Mà không chỉ da thịt đâu nhé, tóc dính phèn cứng ngắc dựng lên như vây kì đà, ngả màu hung đỏ trông ngộ lắm.

Trên đường đi, lâu lâu lại thấy chiếc Honda 67 hay chiếc xe đạp cà tàng không phanh không chuông chở hai can nước đỏ quạch qua phà Hà Giang về hướng Giang Thành. Dân ở đây cho biết chỗ họ ở nước phèn mặn đặc quánh không dùng được, phải đạp xe 20 đến 25km về Hà Tiên mua từng can nước như vậy với giá 1 ngàn 1 lít về nấu ăn. Chao ôi, nước ngọt đắt gấp đôi xăng chạy xe máy. Một chỉ vàng 9999 thời giá lúc đó 400.000đ, vậy là 1 khối nước ngọt trị giá 2,5 chỉ vàng. Chẳng thế mà trung đoàn của Thắng mấy năm nay đã bỏ ra cả trăm triệu đồng khoan giếng mà bao phường thợ đều bó tay. Thủa nhỏ Thắng nghe những câu hát miền Tây nước lũ, miền Tây nước lớn, miền Tây nước nổi… cứ tưởng tượng ra cảnh mênh mang, nhưng vào đây mới biết miền Tây đang khát.

Hành quân từ sớm tinh mơ đến 18h mới tới nơi tập kết. Sở dĩ đi lâu vậy là do bộ đội mang vác nặng mỗi người hơn 40kg cả vũ khí giữa nắng nóng 39 - 400C. Thiếu nước, bộ đội cởi cả khuy ngực mà cứ há hốc miệng thở, nói không ra tiếng, cứ khào khào. Mặc dù mỗi tiểu đội đều gùi theo 40 lít nước nhưng không đủ uống một phần ba quãng đường. Tội nhất là bộ phận khênh bệ nòng súng 12,7mm đi lặc lè, loạng choạng như người say. Tuyến hành quân có qua một số nhà dân ven đường, nhưng không thể xin nước vì dân còn khát hơn, người họ đen bóng, loang lổ sình lầy do cả tháng chưa được tắm.

Đến vị trí tập kết, đội hình nằm trải dài theo bờ sông Giang Thành. Bên kia sông là nước bạn Campuchia. Nói là sông nhưng mùa khô cũng chẳng khác gì kênh, phèn mặn đỏ lòm cạn sát đáy. Thời gian này, tàn quân Pol Pot vẫn trà trộn với dân thường, ban đêm xâm nhập quấy phá ta, nhất là trước và sau Tết Nguyên Đán. Có lần chúng đưa cả tiểu đội trang bị súng B41, lùa trộm trâu bò của bà con Khmer tại Đầm Chít. Phía cầu Rạch Ngỗng trên sông Giang Thành thỉnh thoảng vọng tiếng súng, lựu đạn nổ. Trinh sát ta báo về, lực lượng tàn quân Pol Pot rất hung hãn cướp bóc dọc đường biên sẵn sàng xả súng vào dân cả hai bên.

Đêm đó toàn đơn vị phải nằm trong công sự đào vội, các chốt gác đều có hố cá nhân. Đêm mùa khô, sao trời thăm thẳm nhưng tuyệt nhiên không một ngọn gió. Không gian nín lặng oi nồng. Tiếng chim đêm khắc khoải, âm u, thỉnh thoảng tiếng hú của đàn vượn xa xa từ chân núi Nham vọng lại làm cho đêm Giang Thành càng thêm tịch mịch. Đi một vòng kiểm tra các công sự chiến đấu, căn dặn chiến sĩ tuân thủ quy định nổ súng, tránh bắn nhầm đồng đội, Thắng yên tâm quay về vị trí chỉ huy. Mệt quá rồi Thắng cũng thiếp đi trong cơn mơ được tắm mát trên dòng sông Bắc Hưng Hải quê nhà…

Sáng hôm sau, đi kiểm tra nhà bếp, Thắng rất hài lòng với tổ nuôi quân. Trong điều kiện dã ngoại, thiếu thốn thực phẩm vậy mà họ nấu ăn rất ngon. Y tá, kiêm tổ trưởng bếp Thạch Ngọc Son giải thích:

- Sáng sớm một số đồng chí ra các vũng nước còn sót lại xung quanh khu trú quân lựa những chú cá lóc, trê, rô loại bự về mần thịt. Anh em thắng đường, kho nước dừa tươi. Lấy bông súng, rau mác, rau cù lèo nấu canh chua cá lóc.

Mùi cá nướng, cá kho, canh chua, cơm nóng bốc khói thơm ngào ngạt góc rừng. Mọi người tíu tít dọn mâm, dọn chén gọi nhau í ới thì đột nhiên lặng phắc. Thắng ngước nhìn lên, chột dạ. Một cụ ông tầm bảy mươi tuổi, dáng vẻ quắc thước, mình trần, mặc quần xà lỏn, đầu chít khắn rằn vai vác con phảng lóe sáng, miệng ngậm tẩu thuốc rê to xụ đang đi vào giữa đội hình. Ông cụ tiến thẳng tới Thượng úy Bình, Phó Đại đội trưởng chính trị C20 đang ngồi gấp tăng võng, mắt rực lửa, giọng sang sảng:

- Ông chỉ huy! Sao ông để lính tráng chặt dừa của tui?

Cụ già vừa nói vừa chém phập cái phảng xuông đất. Anh Bình người Bến Tre, to cao hơn phi công Mĩ, nặng tới 110kg, trắng hồng, mọi người thường gọi là Bình mập, vẫn ngồi tại vị trí từ tốn:

- Tía cứ ngồi xuống đã.

- Không tía má cái chi. Tôi không chịu, ông trả lời đi!

- Tía bình tĩnh đã, có chuyện gì vậy?

- Là lính của ông chặt dừa của tui. - Ông cụ cáu - Chặt cả ba cây lận.

- Sao? Tía nói sao?

- Sao giăng gì, ông ra mà coi. Các ông phải thường. Tui gầy mãi mới được ba cây dừa nơi phèn mặn. Các ông tới phá liền, tui không chịu. Các ông chờ đó!

Nói rồi cụ già nóng giận vác phảng sáng loáng lên vai tìm đường lên nơi Trung đoàn bộ đóng quân. Cả đơn vị đứng chết trân. Sự việc đường đột quá. Thắng cùng Bình mập liền đi kiểm tra. Tới nơi thì được anh em chiến sĩ giải thích:

- Báo cáo, không phải lính mình chặt. Là do đêm qua hai tiểu đoàn bộ binh hành quân qua đây. Cả ngàn quân đều vịn, bám vào ba cây dừa khiến chúng tả tơi, gãy gục và bị cụt ngọn. Tại đêm tối không để ý, cứ thấy cây là bám chứ không biết đó là dừa của dân trồng ạ.

Bình mập cùng Thắng về chỗ đóng quân. Vừa hay có trợ lí bảo vệ, dân vận, tác chiến cùng Trung đoàn phó Ba Cư cũng tới. Bình và Thắng giải trình trước thủ trưởng và đại diện cơ quan những gì đã biết. Nghe xong, Trung đoàn phó Ba Cư chốt luôn:

- Trước khi hành quân trung đoàn đã quán triệt, các đơn vị phải chịu trách nhiệm trong khu vực đóng quân của mình. Ba cây dừa thuộc phạm vi đại đội thông tin, nên chỉ huy đại đội sẽ cùng các trợ lí cơ quan tới xin lỗi gia đình và khắc phục hậu quả. Trung đoàn sẽ có hỗ trợ. Tôi yêu cầu các đơn vị trong trung đoàn quán triệt lại cho bộ đội câu chuyện này. Đây là kỉ luật dân vận, dù thế nào cũng không được làm ảnh hưởng tới tài sản của dân.

Liền mấy ngày các đơn vị phải sinh hoạt, kiểm điểm, phải ôn lại mười hai điều kỉ luật dân vận của quân đội, mười lời thề danh dự của quân nhân.

Đây quả là công việc khó khăn đối với Thắng. Bộ đội trong đơn vị toàn người miền Tây, quen tự do, phóng khoáng, nói năng bộc trực, nóng nảy, dễ tự ái và cực đoan. Vậy mà Thắng phải gò họ vào học tập trong điều kiện ở rừng. Một số đồng chí mới học hết lớp hai lớp ba, chưa đọc thông viết thạo nên cảm thấy bức xúc, kêu lên: “Báo cáo chỉ huy, em đọc báo chữ nó không chạy!”

Thắng chưa quen với phương ngữ và tính cách con người miền Tây. Nhưng Thắng đã kịp hiểu, bộ đội của mình thích sống tình cảm. Trong thực hiện nhiệm vụ hàng ngày, nếu kêu “mấy đứa lên anh nói nè” thì họ sẽ vui vẻ chấp hành ngay. Còn nói mệnh lệnh cứng nhắc, họ rất dễ phản ứng.

Qua đợt hành quân dã ngoại, Thắng đã vận dụng sự hiểu biết này để từng bước xây dựng được tình cảm, niềm tin của chiến sĩ với mình. Anh nói với bộ đội “Mấy đứa đọc anh nghe lời thề thứ 9 ra sao”... Lính cười ran: “Dễ ợt! Này nhé, khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng ba điều răn: Không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân; và ba điều nên: Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân”... Thắng lại tiếp: “Mấy đứa có thuộc 12 điều kỉ luật dân vận không?” Lính lại cười vui: “Khó gì! Này nhé: điều một, không lấy cái kim, sợi chỉ của nhân dân; điều hai, mua bán phải công bằng, sòng phẳng; điều 3, mượn cái gì của nhân dân phải hỏi, dùng xong phải trả, làm hỏng, làm mất phải đền....” Cứ thế, cứ thế, bằng phương pháp khơi gợi tình cảm, Thắng đã khiến bộ đội tự giác và hứng thú tham gia đợt sinh hoạt chính trị trên đường dã ngoại cực kì hiệu quả. Suốt những ngày đóng quân ở địa bàn, đơn vị không để xảy ra vụ việc vi phạm kỉ luật dân vận. Bà con nơi biên giới sau khi thấy đơn vị công khai xin lỗi và đền bù ba cây dừa thì càng thêm tin tưởng, yêu quý bộ đội.

Bài học thực tiễn đầu tiên về quán triệt, xử lí các vụ việc liên quan tới công tác dân vận nơi biên giới Tây Nam năm ấy đã giúp ích cho Thắng rất nhiều trong quá trình công tác sau này. Đây là thực tiễn, không phải chung chung như môi trường giảng đường Thắng đã qua. Thắng gọi sự kiện trên là “Vụ án ba cây dừa” để rút kinh nghiệm cho đơn vị và cũng là nhắc nhở chính mình, nhắc nhở những cán bộ mới ra trường cầm quân đi công tác trong lòng dân.

Long Thành 8/11/2020
N.T.D