Thứ Tư, 04/08/2021 16:18

Vua Hàm Nghi là họa sĩ, từng tổ chức 3 triển lãm tại Pháp trong thời gian bị lưu đày

Chính trong những năm tháng lưu đày tại Algérie Vua Hàm Nghi đã bén duyên với hội họa, để lại cho hậu thế những tác phẩm mĩ thuật được đánh giá cao.

1 năm làm vua, 4 năm kháng Pháp, 55 năm lưu đày tại Algérie, ít ai biết rằng nghệ thuật hội họa đã từng là cứu cánh để Vua Hàm Nghi vượt qua những năm tháng lưu vong nơi xứ người. Với nghệ danh Tử Xuân, ông đã từng tổ chức 3 triển lãm tại Pháp. Tọa đàm khoa học "Hàm Nghi - Nhà vua bị lưu đày, Nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân ở Alger" diễn ra tại Huế sáng 3/8 đã hé mở nhiều thông tin mới về cuộc đời bi hùng của vị vua thứ 8 của triều Nguyễn. Hội thảo do Hội nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế phối hợp với Phân viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế tổ chức, diễn ra đúng dịp kỉ niệm 150 năm ngày sinh Vua Hàm Nghi (3/8/1871 - 3/8/2021).

Chỉ một năm ngồi trên ngai vàng, sau đó là 4 năm rút lên vùng núi giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh phát động phong trào Cần Vương chống Pháp, cuộc đời của Vua Hàm Nghi sau đó là 55 năm lưu đày đằng đẵng vời xa cố quốc tại một đất nước Bắc phi xa xôi. Nhưng cũng chính trong những năm tháng lưu đày tại Algérie ông đã bén duyên với hội họa, để lại cho hậu thế những tác phẩm mĩ thuật được đánh giá cao, và được các nhà nghiên cứu nhìn nhận như người Việt Nam đầu tiên tiếp cận với mĩ thuật hiện đại.

Bức ảnh chân dung Vua Hàm Nghi do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đang giữ. Ảnh: TL

Vua Hàm Nghi (1871 - 1944) đã trải qua nhiều biến cố lịch sử diễn ra trong nhiều thời kì trong nước và ngoài nước. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thời gian vua Hàm Nghi ngồi trên ngai vàng (1884 - 1885) cũng như thời gian kháng chiến chống Pháp (phong trào Cần Vương 1885 - 1889) đã được sử sách, các hội nghị khoa học trong nước đề cập tương đối đầy đủ nhưng phần lớn cuộc đời ông với 55 năm bị lưu đày vẫn thiếu tài liệu cũng như chưa được nghiên cứu thấu đáo nên nhiều người Việt Nam chưa được hiểu rõ.

Trang sử bi hùng của vua Hàm Nghi bắt đầu từ ngày 1/11/1888, khi Trương Quang Ngọc phản bội Cần Vương đã cùng đồng bọn vào mật khu bắt vua Hàm Nghi nộp cho giặc Pháp. Sau đó nhà vua bị đưa xuống tàu Comète từ Đà Nẵng vào Sài Gòn rồi chuyển qua tàu Biên Hòa - một tàu vận tải binh sĩ, khởi đầu cuộc hành trình lưu đày sang đất nước Algérie xa xôi, vốn là thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ. Sau đúng một tháng vượt đại dương, ngày 13/1/1889 Vua Hàm Nghi đặt chân lên cảng Alger. Nhà vua được đưa đến ở một ngôi nhà thuộc làng El- Bial, trên dãy đồi Mustapha Supérieur, cách trung tâm thủ đô Alger chừng vài cây số. Đó là những ngày bắt đầu 55 năm cuộc đời bị lưu đày cho đến hết đời của vị vua yêu nước. Ông mất ngày 14/1/1944 tại ở Alger, hưởng thọ 72 tuổi.

Buổi tọa đàm về Vua Hàm Nghi những năm tháng lưu đày diễn ra tại Huế. Ảnh: Minh Hiền

Theo nhiều tài liệu ghi chép cũng như phát biểu của các nhà nghiên cứu tại tọa đàm, khi đến Algérie, trải qua những tháng ngày buồn chán và bất hợp tác, Vua Hàm Nghi đã thay đổi cách sống tích cực. Ông đã học tiếng Pháp, giao tiếp với nhiều tri thức người Pháp. Ông cũng học đi xe đạp, thứ mà chưa một người An Nam nào ngày ấy biết. Vua Hàm Nghi cũng học chụp ảnh, tìm hiểu về văn học và đặc biệt là làm quen với việc vẽ tranh. Nhiều tác phẩm của ông cho thấy thời gian vẽ vào năm 1900, tức 12 năm sau khi ông được đưa tới Algérie.

Dù sống xa quê nhà, hầu như không có tin tức gì về đất nước nhưng ông vẫn giữ nếp sinh hoạt truyền thống, búi tó và mặc áo dài đen theo phong cách của người Việt. Ông cũng cho sửa lại ngôi biệt thự, xây thêm căn gác mô phỏng Phu Văn Lâu là nơi thờ Vua Gia Long ở Kinh thành Huế. Năm 1904 ông lập gia đình với bà Marcelle Laloe, con gái Chánh án Tòa Thượng thẩm Alger - ông Francis Laloe. Vua Hàm Nghi và bà Marcelle Laloe sau đó có ba người con là Công chúa Như Mai, Công chúa Như Lý và Hoàng tử Minh Đức.

Bức tranh sơn dầu "Không đề", Vua Hàm Nghi vẽ năm 1900 rất gần với đời sống hội họa hôm nay. Ảnh: TL

Vua Hàm Nghi đặc biệt bén duyên với hội họa. Ông đã học vẽ ở xưởng chuyên nghiệp của họa sĩ Maurius Reynaud, sau này ông qua Pháp học điêu khắc với nghệ sĩ danh tiếng Rodin và tự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Trong 55 năm lưu vong, vua Hàm Nghi đã trở thành một họa sĩ và nhà điêu khắc, lấy bút danh Tử Xuân, có giao du với nhiều họa sĩ thời bấy giờ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã có dịp sang Pháp, đến thăm lăng mộ Vua Hàm Nghi và trò chuyện với Công chúa Như Lý, con gái nhà vua. Công chúa Như Lý cho ông biết, tài sản vua Hàm Nghi để lại quý giá nhất là tranh. Vua Hàm Nghi vẽ rất nhiều tranh. Gia đình chưa bao giờ bán tranh của Vua Hàm Nghi, tuy nhiên, Công chúa Như Mai khi còn sống, gặp lại những người đã từng yêu mến vua Hàm Nghi, bà thường lấy tranh của vua cha tặng cho họ để kỉ niệm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tại buổi tọa đàm. Ảnh chụp màn hình livestream.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng là người có nhiều đóng góp và khởi xướng việc tổ chức buổi tọa đàm. Ông cho biết, đề tài Vua Hàm Nghi, những năm tháng ở chốn lưu đày - nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân được các nhà nghiên cứu, những người cầm bút rất quan tâm. Ngoài những nhà nghiên cứu trong nước, nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi ở Pháp đã có bài viết, những công bố riêng gửi tham gia tọa đàm, như TS Võ Quang Yến, TS Phạm Trọng Chánh, TS Nguyễn Ngọc Giao, TS Đặng Văn Giáp, BS Gérard Chapuis...

Buổi tọa đàm khoa học diễn ra sáng ngày 3/8/2021, tại Trung tâm văn hóa Thông tin và Thể thao Thành phố Huế. Do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên Ban tổ chức chỉ hạn chế số khách mời 20 người, đó là những người có trình bày tham luận, phát biểu ý kiến. Buổi tọa đàm được livestream trực tiếp qua facebooks để người xem có thể theo dõi trực tuyến nhưng chất lượng âm thanh không được tốt, công tác truyền thông cũng chưa thực sự lan tỏa nên đáng tiếc là sự kiện đáng quan tâm này chưa có sức ảnh hưởng đúng mức.

Hiện phần mộ Vua Hàm Nghi và những người thân được an táng tại Pháp. Hậu duệ của Vua Hàm Nghi và Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc tại Việt Nam mong muốn phần mộ của ông được đưa về Việt Nam theo di nguyện của nhà vua trước khi qua đời tại Algérie.

Một số hình ảnh về Vua Hàm Nghi những năm tháng lưu đày và tác phẩm của ông: 

Vua Hàm Nghi là một người yêu thiên nhiên, những bức tranh của ông chủ yếu là vẽ phong cảnh thiên nhiên. 
Bức tranh "Không đề" của họa sĩ Tử Xuân (tức Vua Hàm Nghi) vẽ năm 1900 theo trường phái bán trừu tượng. 
Vua Hàm Nghi bên một bức tranh mới vẽ, năm 1905.

Bức tranh có tên "Cây ô liu cổ". 
Dù phải li hương nhưng Vua Hàm Nghi vẫn có tính tự tôn dân tộc rất cao. Bức ảnh ông với áo dài, khăn xếp, búi tó khi tiếp họa sĩ Nhật Bản Foujita.
Ngoài vẽ tranh, ông còn là nghệ sĩ tạo hình. Những bức tượng Eva do Tử Xuân - Hàm Nghi làm bằng chất liệu đồng năm 1925.

 PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế nhận xét về tranh của Vua Hàm Nghi: Bên trong những bức tranh phong cảnh hiện thực đầy tình cảm là một dấu ấn tâm hồn phương Đông. Trong nhiều tác phẩm thiên nhiên hùng vĩ của một đất nước xa xôi vẫn ẩn giấu, chứa đựng tình cảm và nét văn hóa riêng biệt, gợi nhớ quê hương nước Việt của ông.
Ảnh: Bức tranh "Chiều tà" của Vua Hàm Nghi. 
Lăng mộ vua Hàm Nghi và một số người thân của ông được táng chung ở Dordogne, Pháp.

Ảnh tư liệu từ trang thông tin của Hội nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế.

P.V