Chủ Nhật, 28/02/2021 01:05

“Vườn địa đàng” ở Đắk Nông

Một trong những sự kiện nổi bật về địa chất năm 2020 của Việt Nam đó là Công viên Địa chất Đăk Nông được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu, vượt lên 160 ứng viên khác khắp thế giới. 
Công viên Địa chất Đắk Nông có diện tích 4.760km², trải dài trên địa phận 6 huyện, thị xã (Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G'long và TX.Gia Nghĩa). Lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm trước. Do các vận động kiến tạo của lớp vỏ trái đất, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan. Đáng ngạc nhiên là cách đây khoảng 10.000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động, tạo nên hệ thống hang động độc đáo, đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là điểm nổi bật nhất của di sản này. Hệ thống hang động núi lửa phân bố khu vực dọc sông Krông Nô được phát hiện từ năm 2007, hoàn toàn hoang sơ, chưa có sự tác động của con người. với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau, với tổng chiều dài 25km. Bên trong các hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm.
Bên cạnh đó, thắng cảnh hồ Tà Đùng nằm trong công viên này thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk G'Long (ảnh) với trên 40 ngọn đồi nổi trên mặt nước được ví như "vịnh Hạ Long" trên cao nguyên, khiến cho vườn địa chất này thêm thơ mộng cũng như mang dáng dấp của một "vườn địa đàng". Đứng ở nơi đây có thể nhìn thấy ngọn Tà Đùng, ngọn núi cao nhất Đắk Nông với độ cao 1982m, là ranh giới tự nhiên giữa cao nguyên Đắk Nông và cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng. 

Phương Linh tổng hợp