. NGUYỄN XUÂN THỦY
Có thể nói tình yêu bầu trời đã chi phối cả cuộc đời của Trung tướng, anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát. Trong tình yêu lớn lao ấy của ông có tình yêu đôi lứa, có tình cảm gia đình, có tình đồng chí đồng đội. Cũng trong tình yêu lớn lao với bầu trời luôn hiện hữu nơi tâm tưởng ấy ông đã được tận hiến cho đất nước trên những cương vị khác nhau, và gia đình luôn là tổ ấm, là đường băng cuối cùng của người phi công quả cảm.

Đoàn Anh hùng LLVTND Việt Nam tham dự Festival Thanh niên, Sinh viên thế giới tại Berlin, CHDC Đức năm 1973.
Phi công Nguyễn Đức Soát đứng thứ hai từ trái sang
Tình yêu xanh như bầu trời xanh
Trung tướng, anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát đã có một tình yêu đẹp, dù cho đến nay người vợ tri âm tri kỉ của ông đã đi xa. Người con gái ấy vốn là bạn gái của một phi công khác, anh hùng, liệt sĩ Vũ Xuân Thiều. Sau khi phi công Vũ Xuân Thiều có hành động dũng cảm lao máy bay vào máy bay địch và hi sinh trên vùng trời Sơn La, người bạn gái mới quen đang học tại Liên Xô đã gửi thư về đơn vị cho thủ trưởng và những đồng đội của bạn trai cô. Lá thư được Chính ủy Trung đoàn 927 Trần Ưng chuyển cho Đại đội trưởng Đại đội 3 Nguyễn Đức Soát, vì Đại đội 3 là đơn vị của phi công Vũ Xuân Thiều, nơi anh là trung đội trưởng của trung đội đánh đêm, và Nguyễn Đức Soát là thủ trưởng.
Ngay từ giây phút ấy chàng phi công trẻ cảm thấy cần có trách nhiệm với người đồng đội thân thiết đã hi sinh, có trách nhiệm động viên an ủi và bù đắp cho người bạn gái của anh trước những mất mát thiệt thòi. Mọi thứ như một cơ duyên khi từ chỗ mỗi người ở một phương trời, họ đã có cơ hội gặp gỡ tại Moskva khi Nguyễn Đức Soát được đi dự Đại hội liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 10 tại Berlin, Cộng hòa dân chủ Đức. Đoàn Việt Nam đi tàu hỏa từ Hà Nội qua Trung Quốc sang Nga. Điều kì diệu là trong chuyến trở về, cô sinh viên hóa Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Kishinev Lê Hoàng Hoa cũng có chuyến nghỉ hè về nước và xin được đi cùng chuyến tàu với đoàn đại biểu Việt Nam. Thời gian đi tàu hơn chục ngày từ Nga về Việt Nam đã khiến tình cảm giữa họ nảy nở và gắn bó. Sau đó, trong những ngày ít ỏi về nước của Hoa, tại Việt Nam, cả hai đã có những cuộc gặp dù ngắn ngủi vội vàng nhưng cũng đủ thắp lửa trái tim phập phồng tuy còn nhiều e dè, giữ kẽ.
Chàng phi công với tình cảm âm thầm nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Anh đã làm một bài thơ tặng Lê Hoàng Hoa vào tháng 9 năm 1973 có tên Lại nghĩ về em với những câu mở đầu:
Em biết không?
Ở sân bay trời như rộng hơn
Mây cũng thưa hơn nhuộm vàng
màu nắng
Và trên cả những vầng mây trắng
Bầu trời xanh trong
Anh trở về từ những ước mong
Niềm vui mới ùa vào kỉ niệm
Trời xanh xôn xao nghe anh
kể chuyện
Anh yêu bầu trời bằng tình yêu
nhân đôi
Tình yêu lứa đôi đã được hòa quyện, được nhân lên trong tâm hồn chàng phi công trẻ như thế để anh nhờ những vần thơ nói hộ những tâm tư thầm kín, những khát khao hẹn ước:
Gần đến ngày hai đứa hai nơi
Xa xa lắm tận hai đầu trái đất
Em sẽ thấy ta như trong gần nhất
Bởi tình yêu xanh như bầu trời xanh
Dù tình cảm đã gửi vào thơ nhưng Nguyễn Đức Soát lại chưa đủ can đảm thổ lộ bằng lời với cô gái thầm thương. Tuy thế thì cả hai như đã ngầm hẹn ước. Tình cảm ấy đã được khẳng định khi Lê Hoàng Hoa, cô gái phố Nguyễn Biểu, Hà Nội, con nhà gia giáo, ở phút cuối cùng lúc chia tay chàng phi công quả cảm từng bắn rơi 6 máy bay Mĩ để tiếp tục sang Liên Xô học tập đã tự tin, chân thành và cũng đầy lãng mạn nói: “Em mong là hai năm nữa học xong em sẽ được gặp lại anh trong chiếc áo quân phục pha màu gió này nhé”. Câu nói đó đã neo giữ tình cảm của họ trong hai năm xa cách với một niềm tin hội ngộ.

Phi công Nguyễn Đức Soát và vợ Lê Hoàng Hoa trong ngày cưới
Đám cưới không khác gì thời chiến
Nguyễn Đức Soát và Lê Hoàng Hoa cưới nhau trong sự vội vã của thời đất nước vừa giải phóng, tháng 3 năm 1976. Khi đó ông vừa tròn 30 tuổi, đã được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó Trung đoàn Không quân 927.
Công việc trực chiến của chỉ huy trung đoàn bay rất ngặt nghèo, như một thử thách cuối cùng, theo lệnh của chỉ huy sư đoàn, ông phải chỉ huy một ban bay chống giãn cách cho các phi công trước khi đi tranh thủ cưới vợ, vì nếu không sẽ không còn phi công đủ điều kiện trực chiến.
Ban bay đã diễn ra trong điều kiện khí tượng xấu với những tình huống khó khăn phải xử lí. Ở chuyến bay cuối do phi công Trần Thông Hào bay kèm phi công giãn cách, máy bay cất cánh xong trời đã mù càng mù hơn, mưa nặng hạt, khi bay về phi công không xác định chính xác được đường băng để hạ cánh, phi công Trần Thông Hào lượn hai vòng vẫn không hạ cánh được, Nguyễn Đức Soát phải tính đến phương án báo cáo sở chỉ huy sư đoàn cho máy bay về hạ cánh ở sân bay dự bị là sân bay Nội Bài. Nhưng nếu như vậy sẽ rất rầy rà, việc cưới vợ chắc chắn phải hoãn, vì sau đó ông sẽ phải cho đội ngũ thợ kĩ thuật cơ động từ sân bay Kép, Bắc Giang là nơi trung đoàn đóng quân về sân bay Nội Bài để làm công tác bảo đảm, chuẩn bị máy bay trước khi cho máy bay bay về lại sân bay của đơn vị những ngày sau, khi điều kiện khí tượng đã đảm bảo.
Lúc này phi công Trần Thông Hào vẫn quyết tâm xin vào hạ cánh lần thứ ba. Sau phút cân não, vị Trung đoàn phó, chỉ huy bay, sắp làm chú rể quyết định vừa bật đèn chiếu mặt đất vừa nhắc phi công Trần Thông Hào bật đèn pha hạ cánh của máy bay ở lần vào hạ cánh thứ ba để chỉ huy bay hỗ trợ chỉnh hướng từ mặt đất. Nhờ vậy phi công đã quan sát được đường băng, việc hạ cánh đã diễn ra suôn sẻ trong sự thót tim của cả kíp trực. Sau khi máy bay hạ cánh thành công, tất cả anh em trên đài chỉ huy bay đã chạy lại ôm Nguyễn Đức Soát để chúc mừng.

Đại gia đình của Trung tướng, anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát
Hoàn thành ban bay có một không hai xong vị Trung đoàn phó mới được về cưới vợ. Nhưng chưa hết. Cưới được bốn ngày thì đơn vị cho xe đến tận ngôi nhà ở số 25, Nguyễn Biểu, là nơi hai vợ chồng đang ở tạm để gọi chú rể về nhận nhiệm vụ đột xuất. Nhiệm vụ đột xuất ấy là… đi công tác miền Nam. Tổ công tác của Trung đoàn 927 có nhiệm vụ vào sân bay Phan Rang thành lập một sở chỉ huy tiền phương để chỉ huy các lực lượng bay đang tập trung tại đây có nhiệm vụ bảo vệ một tàu đổ bộ làm nhiệm vụ đặc biệt. Con tàu LST này do Mĩ sản xuất, là chiến lợi phẩm ta thu được của hải quân Ngụy. Nhiệm vụ đặc biệt mà tàu thực hiện ở vùng biển ngoài khơi xa, trên tàu, ngoài thủy thủ đoàn còn có một chiếc trực thăng UH-1. Trong suốt một tháng, tàu cập từng đảo nhỏ, từng bãi cạn của Quần đảo Trường Sa, sử dụng trực thăng UH-1 bay lên để đặt những cột mốc bằng đá nhằm xác lập chủ quyền. Dù các máy bay của ta khi đó chưa vươn ra tới được vùng trời Trường Sa nhưng vẫn có nhiệm vụ ngày ngày từ sân bay Phan Rang bay ra biển, vừa huấn luyện vừa sẵn sàng yểm hộ tàu LST khi tàu trở về.
Sau một tháng rưỡi làm nhiệm vụ tại sân bay Phan Rang, nhiệm vụ trên đã hoàn thành trước ngày Tổng tuyển cử trên cả nước vào 25/4/1976. Nhưng tổ công tác vẫn chưa được về, họ lại tiếp tục được Quân chủng giao nhiệm vụ ra sân bay Đà Nẵng để tiếp thu các máy bay MIG-21 của ta từ Biên Hòa bay ra. Đây là số máy bay của Sư đoàn Không quân 371 từ sân bay Kép bay vào sân bay Biên Hòa làm nhiệm vụ sau khi giải phóng miền Nam, tháng 4 năm 1975, nay được lệnh chuyển ra miền Trung.
Thế là mất đứt 2 tháng sau ngày cưới, Nguyễn Đức Soát mới được về với vợ. Khi tổ công tác hoàn thành nhiệm vụ, từ Phan Rang vào TP. Hồ Chí Minh để báo cáo Tư lệnh Đào Đình Luyện về kết quả làm việc và đợi giao nhiệm vụ tiếp theo, gặp chàng phi công trẻ, Tư lệnh Đào Đình Luyện hỏi ngay: “Có nhớ vợ không?”. Nguyễn Đức Soát không chần chừ trả lời ngay: “Cồn cào ạ!”.
Dù đất nước đã hòa bình thì đám cưới của chàng phi công và cô học viên du học về làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội vẫn chẳng khác gì thời chiến. Thời gian ông bà được gần nhau tính ra chẳng được bao nhiêu.
Bầu trời đã gắn bó với chàng trai Hà Tây Nguyễn Đức Soát bằng tất cả những chung riêng, bằng cả tình cảm và sự nghiệp, trách nhiệm của một người lính, một phi công, một vị chỉ huy, trên những cương vị khác nhau, ở những năm tháng khác nhau, trước những nhiệm vụ khác nhau nhưng đều là một sự tận hiến. Tình yêu bầu trời ấy đã bao trùm tất cả, ông đã yêu bầu trời bằng tình yêu nhân đôi, nhân ba, và nhân lên n lần như thế.
N.X.T
-------------------
[1] Lời bài hát “Em vẫn đợi anh về” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.