Thứ Tư, 02/01/2019 09:24

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tôn tử binh pháp và tam thập lục kế

Tam thập lục kế xuất hiện sớm nhất trong các câu chuyện thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Về sau, nhiều đời, nhiều người đã ghi chép, biên soạn, hiệu đính. Hai cuốn sách đó tập hợp lại thành mưu kế trí tuệ của nhân dân Trung Quốc.

Tôn Tử binh pháp và Tam thập lục kế (36 kế) là những tác phẩm binh thư cổ có giá trị nhất của Trung Quốc, xuất hiện từ thời xuân Thu và truyền đời mãi mãi. Tôn Tử được suy tôn là "Thuỷ tổ binh học phương Đông", "Thuỷ tổ binh học thế giới".

Trước tác chính của Tôn Tử binh pháp là bộ binh pháp 13 thiên (Thuỷ kế, Tác chiến, Mưu công, Quân hình, Binh thế, Hư thực, Quân tranh, Cửu biến, Hành quân, Địa hình, Cửu địa, Hoả công và Dụng gián). Được viết bằng cổ văn tiền Tần, với hơn 5.900 chữ.

Tam thập lục kế xuất hiện sớm nhất trong các câu chuyện thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Về sau, nhiều đời, nhiều người đã ghi chép, biên soạn, hiệu đính. Hai cuốn sách đó tập hợp lại thành mưu kế trí tuệ của nhân dân Trung Quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang, trong suốt cuộc đời đấu tranh cách mạng, giành độc lập tự do cho tổ quốc đã vận dụng Tôn Tử binh pháp và Tam thập lục kế trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao và nhất là quân sự, giành những thắng lợi quan trọng, đúng với điều mà binh pháp Tôn Tử đã nói: "Không đánh mà khuất phục đối phương mới là người giỏi trong những người giỏi vậy".

Để có tài liệu giảng dạy trong các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng trong những năm ở Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng (1941 - 1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biên soạn nhiều tài liệu quân sự như: Chiến thuật du kích (Việt Minh xuất bản tháng 5 - 1944); Kinh nghiệm du kích Tàu, Kinh nghiệm du kích Nga, Phép dùng binh của ông Tôn Tử (Việt Minh xuất bản tháng 2 - 1945)... Không chỉ biên soạn tài liệu mà chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy, chỉ đạo trên thực địa (như đã từng trực tiếp hướng dẫn trong lớp huấn luyện Đội Du kích Pác Bó, cuối năm 1941).

Đọc các bài hồi ký cách mạng của những đồng chí đã từng làm việc lâu năm với Bác Hồ trong những tháng ngày Cháo bẹ, rau măng cực kỳ gian khó ta dễ dàng nhận ra tinh thần lạc quan, kiên trì, bền bỉ trong đấu tranh cách mạng và nhất là sự mưu trí, sáng tạo trong việc chỉ đạo cách mạng của Bác Hồ - Những mưu kế được vận dụng là những sáng tạo tuyệt vời những kiến thức trong Tôn Tử binh pháp và Tam thập lục kế, đem lại những kết quả bất ngờ (và thú vị). Tuy nhiên không phải thắng lợi nào, mưu kế nào cũng quy cả về Tôn Tử binh pháp và Tam thập lục kế mà những "Câu chuyện" được trình bày trong bài viết này chỉ là sự liên tưởng, một sự so sánh trong phạm vi hẹp để có những nhận xét bước đầu về tầm chỉ đạo chiến lược, chiến thuật của chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh cách mạng.

Xin kể đôi điều về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một số kế sách trong Tam thập lục kế.

1. Phản khách vi chủ (biến khách thành chủ)

Nội dung của kế sách này là: Thừa cơ hội chen chân vào, nắm lấy chủ quyền, tiến dần dần. Tranh địa vị chủ động là một nguyên tắc tối cao của đấu tranh. Chủ động có thể khống chế đại cục, bị động luôn bị người khác sai khiến. Trong võ thuật có thuật "Cầm nã" và "Phản cầm nã" chính là tranh đoạt thế chủ khách, tranh thủ quyền khống chế chiếm thượng phong, thay đổi hoàn cảnh theo ý chí của mình.

Trong lịch sử Trung Quốc Lý Uyên thừa cơ khởi nghĩa nông dân, lập ra nhà Đường. Lưu Bang dùng phương châm nhẫn nhịn, đợi thời cơ tiêu diệt Hạng vũ lập nên nhà Hán... đều đã dùng kế sách phản khách vi chủ để giành thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng kế phản khách vi chủ trong trường hợp nào?

Trương Bội Công là người Việt, trước làm quan cho Tưởng, đã về hưu. Trương Phát Khuê - Tư lệnh đệ tứ chiến khu đưa Trương Bội Công ra thành lập một tổ chức tập hợp một số thanh niên Việt Nam ở Trung Quốc và những người Trung Quốc ở lâu năm tại Việt Nam để chuẩn bị cho "Hoa quân nhập Việt" nhưng chưa thành lập được thì đã bị điều về Tĩnh Tây lập ra Việt Nam giải phóng uỷ viên hội và "Đội công tác biên khu Trung Việt", được sự ủng hộ mọi mặt của Quốc dân Đảng Trung Quốc. Dưới sức ép của Trương Phát Khuê yêu cầu hợp nhất Việt Nam độc lập đồng minh hội với Việt Nam giải phóng uỷ viên hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định hợp tác với Trương Bội Công ở Tĩnh Tây để kiềm chế hoạt động phản cách mạng và lợi dụng mối quan hệ giữa ông ta với Quốc dân Đảng Trung Quốc để thuận lợi hơn trong hoạt động công khai ở vùng biên giới Trung Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp lên Tĩnh Tây "bàn kế hoạch" với Trương Bội Công để lập ra "Hội giải phóng dân tộc Việt Nam". Cuối năm 1940 hội đã thành lập ở Tĩnh Tây. Về danh nghĩa Trương Bội Công là người lãnh đạo cao nhất của hội này, nghĩa là Trương Bội Công là chủ còn ta chỉ là khách nhưng khi ta đã nhập hội với Trương Bội Công ta tiến hành phân hoá hàng ngũ của chúng, lôi kéo một số thanh niên yêu nước về với hàng ngũ cách mạng, lấy danh nghĩa "Đội công tác biên khu Trung Việt" để mở lớp huấn luyện cán bộ, được quốc dân Đảng Trung Quốc cấp kinh phí. Trên danh nghĩa những hoạt động này do Trương Bội Công chỉ đạo nhưng trên thực tế lại do những người cộng sản chi phối. Với việc làm này ta đã biến khách thành chủ, chủ động, khống chế mọi hành động của Hội giải phóng dân tộc Việt Nam, có lợi cho cách mạng Việt Nam.

Kế sách phản khách vi chủ còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách linh hoạt, giành thắng lợi to lớn ở Liễu Châu năm 1944.

Tháng 10 - 1942 một tổ chức có tên là Việt Nam cách mạng đồng minh hội được Bộ tư lệnh Đệ tứ chiến khu đứng ra thành lập, gồm một số nhân sĩ các đảng phái người Việt hoạt động ở Liễu Châu, người đứng đầu ban chấp hành là Nguyễn Hải Thần. (Nguyễn Hải Thần tên thật là Vũ Hải Thu, năm 1905 theo cụ Phan Bội Châu sang Trung Quốc, đã theo học các trường võ bị Hoàng Phố, Hồ Nam, Thiều Quan, vốn là thanh niên Việt Nam Quang phục hội sau là đảng viên Đại Việt, tham gia quân đội Quốc dân Đảng được cử làm liên trưởng, kiêm tri huyện. Được bọn Tưởng tin dùng. Năm 1931 mở cửa hàng xem số tử vi ở Quảng Châu. Năm 1942, cùng Vũ Hồng Khanh và một số người có tư tưởng chống cộng lập ra Việt Nam cách mạng đồng minh hội). Hội được thành lập nhưng trong nội bộ có nhiều đảng phái phức tạp, chia rẽ sâu sắc. Nguyễn Hải Thần không có uy tín, không có năng lực tổ chức, lãnh đạo nên thành lập đã lâu mà hội không triển khai hoạt động được, bởi vậy Trương Phát Khuê quyết định cải tổ hội này.

Trong thời gian đó, chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được trả tự do (10 - 9 - 1943), nhưng vẫn ở trong cơ quan Bộ tư lệnh Đệ tứ chiến khu để "xem xét và cảm hoá" (thực chất là Quản thúc). Trương Phát Khuê biết rằng Hồ Chí Minh và mặt trận Việt Minh do Người lãnh đạo có cơ sở rộng rãi và uy tín rất cao trong quần chúng ở Việt Nam nên đã quyết định mời Hồ Chí Minh tham gia cải tổ Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy đây là một cơ hội tốt để thực hiện kế sách phản khách vi chủ nên đã nhận lời. Trước khi chính thức cải tổ, Trương Phát Khuê yêu cầu Hồ Chí Minh hợp tác với Nguyễn Hải Thần với cương vị phó chủ tịch Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Tại hội nghị trù bị đại hội đại biểu toàn quốc Việt Nam cách mạng đồng minh hội do Trương Phát Khuê triệu tập cuối tháng 2 - 1944 chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất ý kiến: "Thành phần đại hội ngoài Ban chấp hành Việt Nam cách mạng đồng minh hội, đại biểu quốc dân Đảng (Việt Nam) và Đảng Đại Việt ra nên có đại biểu của Việt Minh và các tổ chức thuộc Việt Minh cùng đại biểu các tổ chức khác trong nước như hội phật giáo, hội truyền bá quốc ngữ, hội ánh sáng". Nhưng khi thảo luận, một số người không đồng ý cho các tổ chức Việt Minh cử đại biểu tham dự. Hồ Chí Minh lại đưa ra ý kiến đổi tên đại hội đại biểu toàn quốc thành đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng hải ngoại. ý kiến này được trình lên Trương Phát Khuê. Trương Phát khuê đã đồng ý và uỷ thác cho Hồ Chí Minh khởi thảo kế hoạch triệu tập đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng hải ngoại thuộc Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Thẻ đại biểu trưng bày tại Viện bảo tàng cách mạng Việt Nam hiện nay chính là thẻ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh được cấp khi dựa Đại hội này).

Có thể thấy rằng, ngay từ đầu, chủ tịch Hồ Chí Minh đã có kế hoạch, chủ trương làm thế nào để số lượng Khách đông hơn Chủ trong Việt Nam cách mạng đồng minh hội, để nắm quyền chủ động biến khách thành chủ. Đại hội Việt Nam cách mạng đồng minh hội tổ chức vào tháng 3 - 1944 đã diễn ra theo đúng kế hoạch của chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt phân hội Việt Nam chống xâm lược đọc báo cáo tại đại hội: Phong trào giải phóng dân tộc và tình hình các đảng phái trong nước và được bầu vào ban chấp hành Việt Nam cách mạng đồng minh hội.

Việc chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia cải tổ Việt Nam cách mạng đồng minh hội đã đem lại kết quả là hội này hoạt động rất có lợi cho cách mạng Việt Nam và với uy tín cùng những hoạt động rất có hiệu quả của chủ tịch Hồ Chí Minh, Trương Phát Khuê ngày càng tin tưởng và nể trọng Người, tạo điều kiện để Người về nước (thoát khỏi sự quản thúc).

Tháng 7 - 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động gửi Đệ tứ chiến khu "kế hoạch về Việt Nam công tác" với những mục đích: Một là, truyền đạt quyết tâm của chính phủ Trung Quốc ủng hộ nhân dân Việt Nam giải phóng dân tộc. Hai là: phát triển tổ chức Việt Nam cách mạng Đồng Minh hội. Ba là: chuẩn bị để đón quân đội Trung Quốc và quân đội Đồng Minh vào Việt Nam. Bốn là: giành độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. Người còn đề xuất một số việc cần chuẩn bị kỹ trước khi đại quân của quân đồng minh kéo vào Việt Nam. Một trong những việc cần làm đó, trước hết là dẫn một số đội viên cốt cán bí mật về nước để thăm dò tình hình thực tế, triển khai công tác, rút kinh nghiệm. Yêu cầu được cấp một số kinh phí thích đáng.

Kế hoạch về Việt Nam là một kế hoạch hoàn chỉnh, không thiếu sót, sơ hở một điều gì lại "Trúng ý" hoàn toàn với ý đồ "Hoa quân nhập việt" của Tưởng Giới Thạch, buộc Trương Phát Khuê phải chấp nhận, thỉnh thị cấp trên đồng ý cho Hồ Chí Minh về nước trước để đón "Hoa quân nhập việt".

Thế là ngày 9 - 8 - 1944 Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn 18 thanh niên đã qua lớp huấn luyện đặc biệt, rời Liễu Châu về nước, qua Long Châu, Na Pha qua cửa khẩu Bình Mãng vào Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo tổng khởi nghĩa tháng tám, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Có thể thấy rằng việc thực hiện kế sách phản khách vị chủ lần này khó khăn hơn rất nhiều lần thực hiện ở Tĩnh Tây với Trương Bội Công nhưng nhờ nắm vững "địch tình", "biết người, biết ta" mà tiến hành dần dần kế sách để đạt được kết quả cuối cùng: Việt Nam cách mạng đồng minh hội hoạt động theo hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa vào Việt Nam cách mạng đồng minh hội để trở về nước ở vào thời điểm rất cần có người để chèo lái cho con thuyền cách mạng Việt Nam vượt phong ba bão táp, đi tới thắng lợi cuối cùng.

(phần 2)

(phần cuối)

HOÀNG QUẢNG UYÊN