Chủ tịch Hồ Chí Minh dụng tôn tử binh pháp và tam thập lục kế

Thứ Sáu, 04/01/2019 13:29

(phần 1)

2. Tá thi hoàn hồn (Mượn xác hoàn hồn)

Mượn xác hoàn hồn nguyên chỉ việc khiến cho cái đã chết mượn một hình thức nào đó xuất hiện. Khi vận dụng làm mưu kế thì có nghĩa là mượn cái bất tài hoặc cái không thể có tài lợi dụng nó, khống chế nó.

Trong lịch sử Trung Quốc Trịnh Trang Công mượn vương mệnh tấn công nước Tống; Tào Tháo mượn danh nghĩa phò thiên tử để sai khiến chư hầu; Lưu Bị tự xưng "Hoàng thúc" dựng cờ chính tông nhà Hán chống lại Tào Tháo, Tôn Quyền chia ba thiên hạ...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng Tá thi hoàn hồn như thế nào?

Tháng 6 - 1940, trong cuộc họp với Bộ hải ngoại Đảng cộng sản Đông Dương ở Côn Minh Bác Hồ nhận định: "Việc Pháp mất nước là một cơ hội thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng". Đó là một quyết định hết sức đúng đắn và kịp thời nhưng để có thể về nước một cách dễ dàng phải có một tổ chức "danh chính", hoạt động "Hợp pháp". Lúc đầu ta định dựa vào tổ chức của Trương Bội Công để tìm đường về nước. Thế nhưng qua tìm hiểu thấy rõ Trương Bội Công xưa nay không có tinh thần cách mạng và cũng chưa tham gia tổ chức cách mạng nào. Hắn chỉ dựa vào thế lực của bọn Tưởng để mưu đồ cá nhân. Thực chất đó là một tên tay sai, một tên gián điệp của Tưởng Giới Thạch. Cần cắt đứt quan hệ với hắn. Bác Hồ đặt vấn đề: "Ta tách rời tổ chức của Trương Bội Công lên Quế Lâm thì phải nhân danh một tổ chức gì cho hợp pháp với bọn Tưởng ".

Thật là khó. Qua thảo luận bỗng loé lên một tia sáng. Số là, vào năm 1936, Cụ Hồ Học Lãm, một nhân vật thuộc lớp Đông Du cũ đã thành lập một tổ chức đặt tên là Việt Nam độc lập đồng minh hội, thành viên chính có Lê Thiết Hùng (sau là thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam); Nghiêm Kế Tổ... Hội sinh hoạt ở Nam Kinh, xuất bản tờ Việt Thanh. Khi thành lập có báo cáo lên nhà đương cục Tưởng Giới Thạch. Giấy phép hoạt động hiện vẫn còn nhưng hội cứ tan dần, hầu như không hoạt động nữa, nay ta có thể dựa vào danh nghĩa của hội này để hoạt động. Bác Hồ chỉ thị: "Ta có thể lợi dụng tổ chức này. Nhưng phải nói thế nào để chúng không bắt bẻ được ta. Chúng ta báo cáo lên Biện Công Sảnh Đệ tứ chiến khu là tháng giêng năm 1936, ta thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội. Hội này hoạt động ở Trung Quốc một thời gian rồi chuyển về nước hoạt động. Bây giờ trong nước lại phái cán bộ ra để lập một bộ phận của hội, gọi là Việt Nam độc lập đồng minh hội, Hải ngoại Biện sự xứ. Chúng ta cử Cụ Hồ Học Lãm làm chủ nhiệm và Lâm Bá Kiệt (tức Phạm Văn Đồng) làm Phó chủ nhiệm. Làm như thế không những chúng ta hợp pháp hoá được tổ chức của chúng ta ở đây mà vấn đề quan trọng hơn là chúng ta còn có thể ở đây lâu dài, làm nhiều việc khác. Giữ được mối quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc, nhất là với Đệ tứ chiến khu, đề phòng việc "Hoa quân nhập Việt". Làm thế nào khi chúng "Nhập Việt" chúng ta đã ở ngay trong nước và với danh nghĩa Việt Nam độc lập đồng minh Hội, chúng ta có thể đường hoàng buộc chúng phải nói chuyện với ta". (Vũ Anh - Hồi ký Đầu nguồn, nhà xuất bản văn học - 1975).

Thực hiện đúng chỉ thị và "mưu kế" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thời gian ngắn sau đó Việt Nam độc lập đồng minh hội, hải ngoại biện sự xứ được chính quyền Tưởng Giới Thạch công nhận. Ta có một tổ chức "danh chính" để hoạt động và tìm đường về nước. Tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh hội, Hải ngoại biện sự xứ tồn tại lâu dài giúp ích rất nhiều cho cách mạng Việt Nam. ở trong nước việc thành lập mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) ngày 19 - 5 - 1941 đã được toan tính từ đây.

Đây thực sự là việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời mưu kế Tá thi Hoàn hồn - mượn cái danh của tổ chức đã không hoạt động (xác), nhập "hồn" cách mạng vào để hoạt động công khai, "danh chính ngôn thuận", theo chủ đích của ta và đã đạt được những kết quả to lớn, mỹ mãn. Việc vận dụng này hết sức mau lẹ, hoàn chỉnh, với những diễn giải rất có lý làm cho các nhà chức trách của Tưởng Giới Thạch không thể bắt bẻ, không thể từ chối. Vĩ đại là ở đấy, thiên tài là ở đấy.

3. Giả si bất điên (Giả ngốc mà không điên)

Nội dung kế này là: Thà giả vờ hồ đồ mà không làm, không tự cho là thông minh mà làm bậy. Phải trầm tĩnh không lộ hình sắc, như mây mù, sấm sét mùa đông mà vẫn ẩn tàng.

Giả vờ không biết nhưng thực tế lại biết rõ ràng, giả vờ không muốn làm, thực tế không thể làm được.

Trong lịch sử việc vận dụng kế giả si bất điên rất phong phú, sinh động. Thời Tam Quốc, Tư Mã Ý giả vờ bệnh ốm để giết Tào Sảng. Thời Tống, Địch Thanh đem quân đánh Nùng Trí Cao, vờ xin quỷ thần, gieo 100 đồng tiền xin âm dương, khích lệ tinh thần binh sĩ mà phá được Nùng Trí Cao. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, một ký giả Mỹ đã đăng tải lên một tờ báo ở Chi ca gô toàn bộ kế hoạch tác chiến của Mỹ trước chiến dịch đảo Midway. Tổng thống Rossevelt lại làm ra vẻ hồ đồ không biết gì cả. Kết quả sự tình nhanh chóng bị dập tắt, tình báo Nhật không chú ý nên không có biện pháp gì đối phó. Quân Mỹ tiến hành chiến dịch đảo Midway một cách thuận lợi.

Trong những ví dụ về vận dụng kế sách Giả si bất điên thì ví dụ về Tôn Tẫn giả điên là nổi tiếng nhất.

Trong thời Chiến quốc Tôn Tẫn và Bàng Quyên đều là học trò của Quỷ Cốc Tử, cùng học binh pháp, bái nhau làm huynh đệ. Tôn Tẫn là người trung thành, đôn hậu còn Bàng Quyên là kẻ khắc bạc, vô ơn.

Khi đã học thành tài Bàng Quyên xin sư phụ xuống núi đến nước Nguỵ, được Nguỵ Huệ Vương bái làm quân sư, cầm quân đánh Đông dẹp Bắc, lập nhiều công lớn.

Về sau Tôn Tẫn cũng đến nước Nguỵ. Bàng Quyên biết Tôn Tẫn đến nước Nguỵ tất được vua sủng ái bèn tìm cách kiềm chế, nói với vua rằng tạm phong cho Tôn Tẫn làm khách Khanh, khi nào lập công to thì Bàng Quyên sẽ nhường chức.

Trong thời gian Tôn Tẫn làm khác Khanh, Bàng Quên lập mưu hãm hại Tôn Tẫn. Vua nghe lời Bàng Quyên cho rằng Tôn Tẫn phản bội Nguỵ theo Tề, đáng tội chết. Bàng Quyên "rủ lòng thương" xin vua chỉ chặt xương bách chè Tôn Tẫn và thích vào mặt bốn chữ "Tư thông ngoại quốc". Hạ độc xong, Bàng Quyên diễn trò mèo khóc chuột, sai người đem Tôn Tẫn về thư phòng bó thuốc. Tôn Tẫn mắc bẫy, cảm kích Bàng Quyên và đồng ý chép lại Tôn Tử binh pháp cho Bàng Quyên.

Về sau, tình cờ Tôn Tẫn biết được sự thực vấn đề, bèn nghĩ cách thoát thân, bỗng nhớ chiếc túi gấm thầy Quỷ Cốc trao, liền mở ra xem, thấy trên mảnh lụa vàng biết ba chữ "Trá Phong Quỉ" (Vờ điên). Tôn Tẫn đã diễn vở kịch vờ điên đạt đến mức Bàng Quyên không cần phải lo nghĩ, đề phòng, giám sát nữa, do đó mà Tôn Tẫn đã trốn thoát về nước Tề. Về sau khi hai nước Triệu và Ngụy đánh nhau, Tôn Tẫn dùng kế "Vây Nguỵ, cứu Triệu" đánh bại Bàng Quyên. Trong chiến dịch Hàn - Nguỵ, Tôn Tẫn lại dùng kế "Tăng binh, giảm táo" lừa cho Bàng Quyên vào Mã Lăng rồi bắn chết.

Có một ví dụ về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng kế Giả Si bất điên mà nhiều người hay kể.

"Một ngày giữa tháng 8 - 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khu căn cứ địa Lam Sơn (huyện Hoà An) trở lại Pác Bó để đi Trung Quốc. Lần này người không đi đường mòn, đường rừng mà công khai đi trên đường cái giữa ban ngày. Người đóng vai một ông thầy cúng vừa ngớ ngẩn, bẩn, điếc, người dẫn đường là Phù Sấn, người Nùng, quê Đào Ngạn (Hà Quảng) đóng vai người đi đón thầy cúng về cúng cho mẹ vợ bị ốm. Khi đến ngã ba Đôn Chương (cách Pác Bó chừng 7 km), hai người lững thững đi qua trước trạm gác của địch. Bất ngờ một tên lính xô ra chặn lại:

- Bọn này đi đâu?

"Ông thày cúng" chỉ vào tai, lắc đầu. "Anh người nhà" mau miệng trả lời:

- Mời thày cúng về cúng cho mẹ vợ ốm đây mà.

- Cúng với bái. Đưa tao xem trong gánh có những gì nào hay là lại toàn truyền đơn cộng sản.

Nó giằng lấy cái gánh trên vai Phù Sấn lục soát. Đã có sự chuẩn bị trước nên hành lý hôm ấy được sắp xếp hoàn toàn giống của một ông thày cúng: Một bên là khẩu mạ, có cụm thóc nếp, một bên là khẩu hương, có một bát đựng gạo làm bát hương với một con gà chích bằng nắm tay. Ngoài ra là sách cúng với đồ lễ lặt vặt.

Thấy không có gì khả nghi, tên lính gác cho hai người qua trạm, nhưng thằng xã đoàn Tòng nghe nói có thầy cúng, bèn gọi giật lại.

- Thầy cúng hả? vợ tao đang ốm ở nhà, may quá lại cúng cho vợ tao cái đã rồi hãy đi.

Thật là tiến thoái lưỡng nan. Phù Sấn quay lại nhìn "Ông thầy cúng" như xin chỉ thị. Ông thầy cúng vẫn không có gì hốt hoảng, tiến lại gần xã đoàn Tòng, loạng choạng va cả vào người hắn, nhe hai hàm răng đen, bẩn cười nhăn nhở - dáng vẻ của một người vừa câm, vừa điếc, vừa bẩn.

Phù Sấn nhanh trí, biết vai kịch đã bắt đầu biến hoá, tự nhiên nhập vai, quay lại nhìn ông thầy cúng lầu bà, lầu bầu:

- Gớm cái ông thầy vừa điếc, vừa ngớ ngẩn này uống chưa hết hai chén rượu mà đã say điên, say đảo như thế.

Xã đoàn Tòng nhìn dáng điệu của ông thầy cúng điếc tai, say rượu như thế quá ngán, chả thiết nhờ cúng bái làm gì nữa, cho phép đi. Hai người lại rảo bước trên đường về Pác Bó.

Về đến địa điểm an toàn, trong khi phù Sấn đang toát mồ hôi diễn lại vở kịch cho mọi người xem thì "Ông thầy cúng" có hai hàm răng đen, bẩn dùng một ngón tay vuốt mạnh vào răng, cơm nếp nát trộn với bột than củi miết vào răng giờ đã khô, bong ra". (Dương Đại Lâm: Bác Hồ đến bản tôi - Hồi ký, Đầu nguồn - Nhà xuất bản văn học - 1975).

Đây thực ra chỉ là một tình huống Giả si bất điên để thoát khỏi tay giặc - một tình huống đã được chuẩn bị, trù tính kỹ càng. Đó là việc: giả vờ không muốn làm, thực tế không thể làm được. Thật vậy việc cúng bái, "Ông thày cúng giả" không thể làm được (nhất là phải cúng bằng tiếng Tày - Nùng), nên ông thày cúng phải giả làm người điếc, ngớ ngẩn, bẩn thỉu, không muốn làm (cúng). Do có sự chuẩn bị kỹ và bình tĩnh nên việc "vào vai" rất đạt, Thoát hiểm trong gang tấc.

(phần cuối)

HOÀNG QUẢNG UYÊN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)