(phần 1)
(phần 2)
(phần cuối)
4. Man Thiên Quá Hải (Dối trời qua biển). Nội dung của kế này là nhân lúc kẻ địch sơ hở, không phòng bị mà mau lẹ hành động đạt lấy kết quả. Câu chuyện Bác Hồ về nước từ làng Nặm Quang ngày 28/1/1941 (tức ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ) là một dẫn chứng sinh động cho việc dùng kế sách này.
Hãy trở lại lịch sử những ngày trước 28/1 ít ngày. Ấy là những ngày tháng Chạp năm Canh Thìn, sau khi đưa được 40 thanh niên Cao Bằng đang “nương nhờ” Trương Bội công về làng Nặm Quang, Bác Hồ đã mở lớp huấn luyện quân sự tại đây.
Nặm Quang là một ngôi làng nhỏ, nghèo khó và heo hút có mười mấy ngôi nhà – cách biên giới Việt Trung 7km, cách chợ Cọt Mà 5km. 40 thanh niên Cao Bằng được “rút” về đây chia ra ở nhờ nhà dân của hai làng Nặm Quang, Ngàm Tảy (cách nhau 1km) đã được Bác Hồ và các đồng chí Lâm Bá Kiệt (tức Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp), đồng chí Nhã (Phùng Chí Kiên) tổ chức giảng dạy, huấn luyện trong một khoá học ngắn ngày (khoảng 7, 8 ngày). Sau này, 40 học viên này được ví là 40 con đại bàng tung cánh bay trong bão tố cách mạng, lập được nhiều chiến công, góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Lớp huấn luyện kết thúc vào ngày 28 tháng Chạp âm lịch (đầu năm dương lịch 1941). Hôm sau các đồng chí Lâm Bá Kiệt và Dương Hoài Nam trở về Tịnh Tây để giữ liên lạc với các lực lượng cách mạng ở ngoài nước. Một số anh em người Hoà An chia thành từng nhóm nhỏ về nước ăn tết với gia đình. Bác Hồ chỉ giữ lại vài đồng chí ở lại với mình ở làng Nặm Quang. Ngày 30 tết Thế An được giao nhiệm vụ về Pác Bó nắm tình hình. Ngày mùng 1 tết Bác Hồ ăn tết với gia đình trưởng bản Hứa Gia Khởi. Trong hồi ký NHỮNG NGÀY SỐNG GẦN BÁC đồng chí Vũ Anh đã kể rất rõ ngày mùng 1 tết Tân Tỵ: “theo phong tục ở địa phương, chúng tôi chia nhau đi ăn tết khắp mọi nhà trong bản. Nhân dân sẵn có cảm tình với cách mạng Việt Nam, thấy chúng tôi nghiêm chỉnh, đứng đắn, thái độ hoà nhã, tôn trọng họ nên họ càng quý mến.
Bác đi thăm các gia đình với chúng tôi. Trông Bác mặc bộ quần áo người Nùng màu chàm, đầu vấn khăn, nhanh nhẹn đi vào các nhà trong bản, tôi bỗng nhớ hình ảnh của Bác ngày nào đóng vai một ông khách sang trọng mặc complet, cổ cồn, cà vạt, giày da vào hiệu Vĩnh An Đường. Sự hoà hợp của Bác với mọi hoàn cảnh thật mau lẹ, nhẹ nhàng.
Đến mỗi nhà Bác đều tặng cho một phong bao màu hồng điều viết chữ Trung Quốc thật to: Cung chúc tân xuân (Chúc mừng năm mới). Tuy Bác chỉ vào mỗi nhà một lát, nhưng nhà nào cũng lưu luyến, cũng muốn giữ Bác ở lại”.
Ngày mùng 1 tết qua đi. Thế An từ Pác Bó trở về báo cáo tình hình Pác Bó và các làng bản quanh vùng mọi người đang “say sưa” ăn tết, lính tráng các đồn phần đông được về nhà. Số còn lại canh giữ đồn thì say sưa rượu chè. Bác bảo: “cứ ở lại ăn tết xong đã.”. Buổi tối nghe tin lính Tưởng sẽ vào Nặm Quang kiểm tra, Bác vẫn rất bình tĩnh.
Ngày mùng 2 tết, Bác cùng anh em đi chúc tết. Thế An được lệnh mang tất cả đồ đạc tư trang của mọi người ra đầu làng. Đến nhà nào, chủ nhà cũng mời đoàn ở lại ăn cơm, nhưng Bác đều thoái thác, nói rằng đã hẹn với nhà kia rồi. Đoàn người đi chúc tết dềnh dàng đến trưa, đúng vào giờ ăn trưa thì rời nhà cuối cùng ở lẻ ngoài bìa rừng. Bác Hồ phát lệnh: Lên đường! Đoàn trở về có 6 người: Đồng chí Lê Quảng Ba đi trước, tiếp theo là đồng chí Phùng Chí Kiên rồi đến Bác. Sau Bác là đồng chí Hoàng Văn Lộc và Thế An, sau cùng là đồng chí Đặng Văn Cáp (còn mải hái lá rừng về làm thuốc). Tất cả đi trong lặng lẽ, vừa đi vừa quan sát, canh chừng. Đi khoảng 2 tiếng đồng hồ thì đến cột mốc 108 an toàn, không bị ai “tra xét”, “thăm hỏi”. Lúc đó mặt trời đã ngả về Tây. Nhà thơ Tố Hữu sau này “tưởng tượng” phút giây ấy thật sinh động:
Ôi! Sáng xuân nay, xuân bốn mốt
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về, im lặng... con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ!
Như vậy, xét về thời gian thì giữa thơ và lịch sử có độ vênh (buổi sáng - buổi trưa). Nhưng có sao, không phải đòi hỏi thơ phải chính xác như máy chụp ảnh!
Ôi! Sáng xuân đẹp làm sao!
Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, tính toán chính xác nên Bác Hồ đã chọn đúng thời điểm mọi người vui vẻ, say sưa ăn tết, ít ai để ý nhất để rời Nặm Quang trở về, sau khi đã tạo ra một vài động tác giả, hiện trường giả. Nguyên tắc bí mật buộc phải thế. Cứ phải hư hư, thực thực. Chọn đúng thời điểm để Man Thiên Quá Hải. Bác đã về đến Pác Bó an toàn và cũng từ đó Pác Bó trở nên Thơ hơn. Linh thiêng hơn. Ngày 28/1/1941 (tức ngày mùng 2 tết Tân Tỵ) được ghi vào lịch sử như thế.
* * *
Bàn về chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng Tôn Tử binh pháp và tam thập lục kế không chỉ có vậy. Còn nhiều câu chuyện hay tôi mong có dịp sẽ được tiếp tục trình bày (như các kế Rút củi đáy nồi, Vây Nguỵ cứu Triệu, Hoa nở trên cây, Tẩu Vi Thượng,...). Có thể viết hẳn một chuyên luận cũng không có gì là quá. Những thu hoạch mà tôi trình bày ở đây chỉ là những nhận xét rất sơ lược, những nhận xét bước đầu, hướng tới một nhận định: Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là nhà lý luận vừa là nhà thực hành, đã dịch, tóm tắt trước tác Tôn Tử binh pháp, không chỉ để dùng vào mục đích quân sự mà dùng trong rất nhiều lĩnh vực khác như ngoại giao, kinh tế, chính trị, văn hóa... chính vì thế khi vừa từ Liễu Châu trở về Pác Bó Người đã tặng cho cháu gái nuôi yêu quý của mình - Cháu Nông Thị Trưng bản dịch Cách dùng binh của ông Tôn Tử chép trong một quyển vở học sinh với lời đề tặng yêu thương và đầy ý nghĩa:
Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai sau cháu giúp nước non nhà
"Mai sau cháu giúp nước non nhà" - Lòng mong mỏi của lãnh tụ thật sâu sắc - không chỉ lo cho trước mắt để đánh địch mà chủ yếu để mai sau, khi nước nhà độc lập, những kiến thức của Tôn Tử binh pháp sẽ giúp rất nhiều cho việc xây dựng tổ quốc. Và dường như không quên lời nhắn đó nên sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng Trường Ba Đình, chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho đồng chí Đặng Văn Cáp từ Hà Nội lên Cao Bằng đón cháu gái Nông Thị Trưng về Hà Nội. Đời và cách mạng huyền bí làm sao.
Thêm một lần chúng ta nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian nguy, biến động với một tinh thần yêu nước, yêu dân nồng nàn, lòng quyết tâm sắt đá của một bậc vĩ nhân, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chúng ta đã nói nhiều tới chữ Nhân trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chúng ta cũng đã nói tới chữ Dũng khi kể về những tháng năm cam go nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có thể chiến thắng số phận và hoàn cảnh nhưng còn chữ Trí - một chữ Trí hiểu theo nghĩa rộng, lấp lánh và sâu sắc thì dường như vẫn đang còn là môt vùng đất, một miền sáng mà chúng ta vừa mới như bắt đầu nhập vào... "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không..." vẫn là điều chúng ta luôn tự hỏi với nỗi ám ảnh để hướng tới tương lai mà điều kiện quan trọng để đạt được điều đó là ở chữ Trí. Kể một vài mẩu chuyện về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh Dụng Tôn Tử Binh pháp và Tam thập lục kế như là một cách đặt vấn đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với những nội dung mới để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tạo dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
HOÀNG QUẢNG UYÊN
VNQD