. HỒ ANH THÁI
Làng văn Việt ít có ai chưa từng đọc nhà văn Nga Konstantin Paustovsky (1892-1968). Ông từng được đọc rất nhiều từ cuối thập kỉ năm mươi cho đến cuối thập kỉ tám mươi của thế kỉ trước. Một hiện tượng đặc biệt của văn học thời ấy. Nhiều nhà văn Việt vô tình và chủ ý chịu ảnh hưởng của ông, đã viết ra những tác phẩm mơ màng lãng mạn, nhưng không thành Pau mà dừng ở mức theo kiểu tác phẩm tuổi xanh.
Paustovsky đem đến một thứ văn chương thật là lãng mạn, lãng mạn theo phong cách nửa cuối thế kỉ hai mươi. Cái lãng mạn của ông đã cất cánh bay qua chủ nghĩa cổ điển châu Âu để đỗ xuống với một thế giới ngổn ngang trong và sau hai cuộc đại chiến. Nhiều người đã viết về những trận chiến, những hành động quả cảm và hèn nhát, những bom rơi đạn nổ máu chảy đầu rơi. Nhiều người đã viết về cuộc sống hậu chiến ở công trường và nông trang tập thể. Nhiều. Rất nhiều.
Một mình Paustovsky chọn lối viết khác. Cũng là không khí trong chiến tranh, nhưng trong truyện Bình minh mưa, ông kể câu chuyện thời chiến tranh thế giới thứ hai, một sĩ quan trẻ, sau đợt điều trị ở quân y viện, được nghỉ phép mấy ngày. Một người bạn nằm cùng quân y viện nhờ chàng chuyển bức thư cho vợ anh ta, nếu tàu dừng ở một bến cảng nhỏ. Nửa đêm tàu đến bến, trời lại mưa, chàng sĩ quan phải đi xe ngựa lên dốc núi, tìm đến gõ cửa nhà thiếu phụ. Thiếu phụ nhận thư, không đọc, để sang một bên, lại còn nói bưu điện có, anh ấy phiền anh chuyển thư làm gì. Xem thế thì biết có thể đúng như lời đồn, rằng họ đã li dị, rằng người chồng tuy thế vẫn còn yêu tha thiết và muốn có bạn chiến trường đến trực tiếp gặp vợ cũ của mình như tín hiệu thiện chí. Nhưng trong truyện của Paustovsky, không một điều gì được khẳng định. Chàng sĩ quan chuyển thư bất chợt cảm thấy mình có thể ở lại mãi nơi này, nhưng rốt cục vẫn phải chia tay thiếu phụ, được nàng đi bộ tiễn một đoạn đường ra đến bến tàu. “Con tàu dưới sông đã gầm lên, than thở vì buổi bình minh ẩm ướt, vì cuộc sống lang thang của nó trong những ngày mưa và trong những buổi sương mù”.
Đọc những truyện ngắn của Paustovsky, người ta bâng khuâng và tiếc nuối như vừa bỏ lỡ một cái gì, đánh mất một cái gì. Tuyết, Chuyến xe đêm, Bụi quý, Chuyến tàu nhanh xuyên Simferopol, Một mình với mùa thu... đều để lại cảm tưởng ngẩn ngơ luyến tiếc như thế. Tiếng con ngựa khua móng lóc cóc thật ấn tượng khi chiếc xe ngựa đi trên con đường lát đá dẫn lên núi trong một đêm mưa ẩm ướt. Một cảm tưởng thương mến muốn ở lại mãi nơi này, nơi tỉnh lị có thiếu phụ này, nhưng rồi cuối cùng không có gì bất thường diễn ra, chàng sĩ quan lại trở ra bến tàu để đi tiếp. Rồi trong những câu chuyện khác, nhân vật ngồi bên cửa sổ toa tàu nhìn thấy một ánh mạng nhện lóe lên trong nắng ở cánh rừng bạch dương vừa lướt qua. Hoặc nằm thao thức trong phòng, thấy phản chiếu một ngôi sao cứ long lanh suốt đêm trong cốc nước đặt trên mặt bàn.
Người viết ra những câu chuyện lãng mạn tuyệt vời như vậy lại có một cuộc sống thật trái ngược. Ông từng trải qua những nghề như công nhân luyện kim, đánh cá, quét tuyết, hộ lí, bán vé tàu điện... Nghề cho ông vốn hiểu biết phong phú về đời sống. Nhưng đời sống lao động ấy không vào thẳng văn ông mà chỉ được chắt lọc thành những chi tiết nhỏ trong những tác phẩm thật là lãng mạn.
Đấy là sự cưỡng lại hoàn cảnh. Rất nhiều khi đời sống trần trụi thô nhám lại sinh ra những sản phẩm lãng mạn nhất. Mầm cây mọc dưới bóng nhiều tầng nguyên sinh lại càng tìm lối chen lách qua những cây khác để vươn đến nơi có ánh sáng mặt trời, cho dù có phải uốn vặn cả thân mình. Đấy là khát vọng tất yếu vươn tới đời sống. Ở Paustovsky và những nhà văn muốn làm khác với cuộc sống thường ngày, đấy là khao khát được tránh những lối đi quá quen thuộc nhàm chán.
Nhà văn Tô Hoài kể, mười tám tuổi ông viết truyện Một đêm sáng trăng suông, một cô gái quê ra phố tìm việc làm, lớ ngớ thế nào cuối cùng bị lừa bán vào nhà thổ. Mười tám tuổi, biết gì mà đã viết những truyện bi thương dữ dội như vậy. Không chỉ thế, lần đầu cầm bút, mười sáu tuổi, ông đã cho nhân vật phiêu du sang tận Paris, Marseille. Đọc được bài báo kể tỉ mỉ về những nơi ấy, bèn cứ thế mà tưởng tượng, chẳng còn giới hạn nào.
Bác Tô Hoài lần đầu gặp tôi cứ tủm tỉm cười, bảo sao trông hiền lành thư sinh thế mà viết dữ dội thế. Lại kể tiếp, đàn anh của bác, nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan, lần đầu gặp Tô Hoài hai mươi tuổi cũng nói một câu đúng như vậy, sao hiền lành thư sinh mà viết như thế.
Nhà văn Paustovsky
Nhà văn có cùng tâm lí của diễn viên. Diễn viên hầu như chỉ đóng một vai trong một vở kịch hoặc một bộ phim. Còn nhà văn cùng lúc đóng nhiều vai trong một tác phẩm, trẻ già trai gái thì cũng chỉ một mình mà diễn. Bao nhiêu tâm trạng bao nhiêu hành động thì cũng chỉ một mình thể hiện. Hàng chục hàng trăm nhân vật ấy, cuối cùng đều chỉ để thể hiện một nhân vật: đấy là tác giả. Tác phẩm và nhân vật bộc lộ đúng nhất về con người nhà văn.
Có nhà văn viết đúng như mình.
Có nhà văn viết khác mình, thậm chí trái ngược con người mình ở ngoài đời.
Thực ra thì không khác. Cái con người mực thước nghiêm trang thanh lịch ấy là ông ta, và cái tác phẩm dữ dội thô nhám mạnh mẽ ấy cũng chính là ông ta. Phải kết hợp cả hai con người ấy, thậm chí là ba bốn năm con người ấy, thì mới thành một con người thực của ông ta ở ngoài đời. Đừng có băn khoăn Paustovsky là ai, là người khổ ải lặn lội trong đời, hay là người lãng mạn chỉ hướng về cái đẹp thanh cao kia? Phải là cả hai con người ấy mới đúng là ông.
Yesenin viết: Nếu tôi không nhà thơ/ Tôi đã thành trộm cướp. Bao nhiêu ẩn ức nỗi niềm, nếu không được trút xả vào trang giấy, chắc đã bị đè nén mà bung phá thành bạo lực. Thật là hai cực đối nghịch.
Chuyện bản thân, tôi từng kể hơn một lần: có thời kì cả năm tôi không có đồng hương, rồi đến khi nghe tin có người trong nước mới sang ở nơi ấy nơi nọ, bèn tìm đến chỉ để được nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt cho thỏa. Trong tình cảnh ấy, bảo làm sao tôi không thể nghe được nữa thứ nhạc Âu - Mĩ sẵn có ở xung quanh, mà chỉ mở những băng nhạc Việt Nam hiếm hoi mang theo, ca khúc mới và những bài hát chèo hát xẩm mà tôi mê mẩn đến tận bây giờ. Viết, tôi vẫn thích cách nói của ca dao dân ca: Đôi bên bác mẹ cùng già/ Lấy anh hay chữ để mà cậy trông. Một lối cấu trúc câu như thế này thì chỉ có ở văn thuần Việt: Nói năng như thế ai người ta cho nói mà nói. Hoặc lời một bà mẹ đồng bằng Bắc Bộ gọi con: Chúng may đâu rồi. Chúng may, không phải chúng mày.
Tôi cũng thích những tư tưởng theo kiểu: “Ask not what your country can do for you; ask what you can do for your country” (đừng hỏi đất nước làm được gì cho bạn, hãy hỏi bạn làm được gì cho đất nước - John F.Kennedy) hoặc: “This nation, under God, shall have a new birth of freedom, and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth” (quốc gia này, dưới quyền năng của Chúa, sẽ lại sản sinh ra một nền tự do mới, và một chính phủ của dân, do dân, vì dân sẽ không hề lụi tàn khỏi trái đất này - Abraham Lincoln). Tôi cũng thích cách nói: “All roads lead to Rome” (mọi con đường đều dẫn đến thành Rome).
Nhưng, như đã nói, sở thích của tôi cũng nghiêng về những cách diễn đạt theo lối: Những cô béo trục béo tròn/ Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày. Càng già càng dẻo càng dai/ Bế cháu kêu nặng cõng trai vượt tường... Từ khi sinh ra, chỉ sống ở đô thị, không biết nhiều về nông thôn, có thể vì thế mà tôi luôn ngạc nhiên và thích thú với cách sử dụng tiếng Việt của ca dao dân ca. Có thể vì thế mà tôi luôn dành mọi cơ hội để vận dụng ca dao dân ca.
Một chuyện đùa, cũng xin được kể lại lần nữa: hai nhà văn tranh luận đến hồi gay gắt, quá lời cũng là chuyện thường. Một ông bảo: Tôi viết vì lương tâm, còn ông viết chỉ vì tiền. Ông kia đáp lại: Đúng, chúng ta viết vì cái mà chúng ta thiếu.
Tán thành. Nhiều người viết bằng cái mà họ thừa, họ quá hiểu, họ có thể chi dùng hào phóng. Nhưng cũng nhiều người viết bằng cái mà họ thiếu, họ khao khát có, họ mơ ước hướng tới. Sự khao khát về cái thiếu hụt kia nhiều khi đem lại thành quả bất ngờ, thành quả lớn, ít ra thì cũng là những tác phẩm độc đáo, khác lạ, truyền hứng thú cho công chúng. Com lê ca vát mãi, người ta chỉ mong chóng được tháo bỏ chúng, được đổi sang mặc những thường phục dễ dàng thuận tiện. Ở lâu trong một môi trường cái gì cũng nghiêm nghị nghiêm trang nghiêm cẩn, người ta dễ nhìn ra những điều tức cười, vừa tức vừa cười.
Vẫn mạch này, xin kể tiếp. Trong kho tàng tư tưởng Ấn Độ có câu chuyện về một giáo sĩ và một cô gái làng chơi. Cô này hàng ngày thành tâm tới đền cúng tế, nhưng bị giáo sĩ kì thị. Ông ta mang cả địa ngục và những hình phạt ghê rợn ra để khủng bố tinh thần kĩ nữ. Sợ quá, kĩ nữ lăn ra chết. Ngay lập tức, cô ta được đưa lên thiên đường. Cũng ngay lập tức, giáo sĩ bị ném xuống địa ngục.
Sao lại thế? Các nhà tư tưởng Ấn Độ lí giải: Như hoa sen rễ ở trong bùn nhưng luôn vươn ra nơi thơm mát, kĩ nữ luôn thành tâm hướng thiện. Trong khi ấy giáo sĩ ở giữa nơi thánh thiện nhưng tâm trí lúc nào cũng ám ảnh quẩn quanh hướng về những điều xấu xa tội lỗi.
Tôi từng biết một ông nhà văn, nói một câu là đệm một câu, xô bồ thô tục, khiến mình cứ ngơ ngác, thế mà cũng là nhà văn đấy. Tuy vậy ông ta viết thì chỉ toàn viết những điều cao cả, còn xa mới là Paustovsky, nhưng đúng là chỉ toàn điều cao quý dạy đời. Ban đầu thì nghĩ đấy là giả dối, cái giả dối rất nhiều khi là đa số bao trùm khắp nơi, nhưng rồi sau có nghĩ lại. Biết đâu ông cũng như kĩ nữ kia, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, gần bùn mà lúc nào cũng tâm niệm hướng về cái cao quý.
Hướng về những điều ta không có hoặc ta còn thiếu, đấy cũng là mục tiêu cao nhất và mục tiêu cuối cùng của nhiều nghệ sĩ. Viết về những điều mình biết mình thuộc mới chỉ là bước một. Tất nhiên ở đấy dễ thành công cho người khởi đầu. Viết về những điều ở bên ngoài mình, những điều đòi hỏi huy động trí tưởng tượng và khả năng hư cấu nhiều hơn, đấy mới là thử thách đích thực và nếu thành công thì đấy là thành công đích thực.
Người vốn liếng kiến thức không nhiều, quanh quẩn trong làng quê và góc phố của mình, có khi lại viết về một thế giới xa xôi đầy màu sắc, giọng văn thì chỉnh đốn lịch thiệp, văn rất Tây.
Cũng vậy, có người có kiến thức Tây học, đi qua nhiều đại dương, sống qua nhiều vùng đất, thì khi viết lại đầy ắp thứ tiếng Việt đích thực, tràn đầy thành ngữ tục ngữ, tràn đầy nói lái nói lóng nói trạng.
Người ở làng quê viết văn như Tây vì thấy quá nhàm chán với đời sống hiện tại của họ.
Người Tây học viết văn như Việt vì mệt mỏi với những gì mình sẵn có.
Đấy là cảm hứng thường xuyên liên tục không ngừng nghỉ, hướng đến cái khác lạ, muốn được ngập chìm trong không khí khác lạ, vừa lao động văn chương vừa tự thưởng thức cái khác lạ.
Đấy cũng là sự cưỡng lại hoàn cảnh. Lại xin nhắc thêm câu nói của triết gia Ấn Độ hiện đại Vivekananda: Thế giới này nhỏ bé lắm, cho nên người ta phải thêm vào đấy một chút tưởng tượng.
H.A.T
VNQD