. BÙI TUẤN MINH
Tôi luôn bị ám ảnh bởi những mảnh xước của chiến tranh, đó là sự khốc liệt nơi chiến trường, là người lính trở về với cuộc sống đời thường và nỗi niềm nơi hậu phương. Truyện ngắn Trở lại Nongchan là tác phẩm đầu tiên của tôi viết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, kể về một người đàn ông ở làng tôi đã từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia.
Quê tôi trải dọc theo dãy núi Trung Lương kéo dài từ Miếu Môn đến Chợ Bến, dưới chân núi là hồ Tuy Lai. Mùa nước đầy, hồ trong xanh, đẹp đến thao thiết bởi màu xanh của núi và nét cổ kính của ngôi chùa Hàm Long có từ thời Lý in bóng mặt hồ. Cách hồ không xa là nghĩa trang của làng Giáp Bốn, tôi ở làng Trù, họ Bùi của tôi cứ ra tết là giỗ họ, thanh niên trai tráng cùng các bác cao tuổi đi tảo mộ các nơi chôn cất thành viên họ Bùi ở các nghĩa trang và khu chôn cất trong vùng. Năm nào tôi cũng cùng mọi người đến nghĩa trang này, bởi có nhiều người họ Bùi lấy chồng, lấy vợ làng Giáp Bốn và được chôn cất ở đây. Tôi nhớ lần tảo mộ cách đây 3 năm, sau khi thắp hương xong, tôi đi bộ ra ngoài cổng nghĩa trang và để ý một trang trại hoa màu, nuôi cá đối diện. Giữa trời rét căm căm, dưới ao là người đàn ông cởi trần đang hì hục với chiếc máy bơm. Bác trong họ tôi bảo đó là chú Bạch Văn Hải, người làng tôi, lấy vợ và ở rể làng này. Tôi thấy tò mò muốn tìm hiểu khi biết chú Hải là cựu binh chiến trường K. Lòng tôi phấn chấn, bởi cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam đã để lại trong tôi những điều lớn lao về lí tưởng của những người lính quân tình nguyện và cả những đau xót.
Tôi quay trở lại trang trại của chú Hải ngay buổi sáng hôm sau. Chiếc ao đã cạn sau một đêm bơm nước, trời hửng nắng nhưng vẫn còn rét lắm, cái lạnh căm căm như mũi kim găm vào da thịt nhưng gãy vụn khi chạm vào người đàn ông đang lăn lộn vét những xô bùn đổ ụp lên những bụi chuối quanh bờ. Ở góc khác, một người phụ nữ trung tuổi, có lẽ là vợ chú, đang vục tay xuống bùn bắt những con chạch nhỏ. Giữa những lấm lem bùn đất, vẻ sạch sẽ của tôi như một sự lạc lõng. Thấy người lạ, người đàn ông dừng tay. Tôi nói mình ở làng Trù, muốn đến gặp chú để hỏi chuyện về đánh nhau ở Campuchia.
“Cháu con anh Thông phải không?” Tôi ngạc nhiên gật đầu. Nói rồi chú vứt chiếc xô đất, leo lên bờ, đoạn hứng người dưới chiếc vòi nước, bùn trên người gột sạch để lộ màu da ngăm ngăm vẫn còn săn chắc lắm. Tôi thấy một vết sẹo lồi dài trên bả vai phải. Chú chỉ tôi ngồi chiếc ghế nhựa ngoài hiên, chỗ chiếc điếu cày đặt trong một chiếc xô nhựa, cạnh đó con chó nằm phủ phục từ lúc tôi đến, thi thoảng nghểnh đầu ngoe nguẩy đuôi.
“Mua con chó không biết sủa, cứ lằng lặng thế thôi, rõ chán, may gần chùa chả có trộm cắp bao giờ.” Chú nói, một tay kéo chiếc ghế đặt mông, một tay với chiếc điếu cày, vê thuốc, châm đóm rít một hơi òng ọc.
“Giống bố không lẫn vào đâu được.” Nói xong, chú vào nhà lấy chai rượu trắng, rồi rót đầy hai cái chén Liên Xô.
“Uống đi mới nói chuyện được. Chúc mừng năm mới.” Chú làm một hơi đánh khà, hết sạch.
Tôi như bị dẫn dắt, chẳng thắc mắc, chạm chén và đưa lên miệng hớp chèm chẹp. Tôi phải uống rón rén vậy vì cái rượu quê tôi nặng nổi tiếng. Rượu chảy trong người đến đâu biết đến đấy, nóng như nham thạch. Ai không quen, ngửa cổ mà uống hết chỉ có sốc. Nhưng được cái dù nặng nhưng uống sâu mấy cũng chẳng bao giờ đau đầu, ngủ một giấc là tỉnh như thường.
Dường như lâu rồi chú chưa nói chuyện chiến đấu, lại thêm tôi khéo gợi mở nên vô tư kể. Trong câu chuyện, tôi biết chú kém bố tôi 4 tuổi, bố tôi lính 75, hành quân đến Thanh Hoá thì miền Nam giải phóng lại hành quân ra. Ngày bố tôi nhập ngũ vui như hội, chẳng u ám như vài năm trước đó, chú Hải và đám bạn mới lớn nhìn bố tôi ngưỡng mộ lắm, ai cũng muốn được cầm súng vào Nam chiến đấu.
Chú nhập ngũ 4 năm sau, cũng vào Nam, nhưng là lính quân tình nguyện chiến đấu ở Campuchia. Cuộc nói chuyện giữa tôi và chú Hải kéo dài đến quá trưa. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe từ nhân chứng sống kể về cuộc chiến khốc liệt, chết chóc, nhất là sự ám ảnh bởi mìn, mìn có khắp mọi nơi, bộ đội thương vong vì đạn pháo thì ít mà vì mìn thì nhiều, đồng đội chú người cụt chân, người mất tay, cứ dính phải mìn là thành phế nhân. Trong câu chuyện, chú Hải có kể về một người đồng đội khiến tôi ấn tượng và nhớ mãi. Câu chuyện về tình đồng đội, đồng chí của hai người là chất liệu rõ ràng và quý báu để tôi viết nên truyện ngắn Trở lại Nongchan. Đến bây giờ đó vẫn là một trong những tác phẩm tâm đắc nhất của tôi. Sau này, tôi cũng viết nhiều truyện khác, nhưng suy cho cùng, những tác phẩm được sáng tác dựa trên những nguyên mẫu, những câu chuyện có thật vẫn luôn khiến con người ta dễ dàng cảm nhận và ấn tượng nhất. Chẳng cần ngôn từ thêu hoa dệt gấm, chỉ cần sự thật thôi là đủ.
Truyện ngắn Trở lại Nongchan kể về hai người bạn chơi thân với nhau từ thuở nhỏ, lớn lên cùng thích một người con gái. Năm 1979, họ nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Cô gái hẹn ai trở về trước sẽ lấy người đó. Cả hai được biên chế về cùng đơn vị và tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt với quân Pol Pot. Một lần, hai người được giao nhiệm vụ đặc biệt đến một địa danh có tên là Nongchan trinh sát căn cứ đối phương. Sau đó, chỉ có một người quay về.
Người quay về ấy chính là chú Hải, nguyên mẫu của nhân vật chính trong tác phẩm. Chú Hải kể rằng, sau này khi Campuchia yên bình, bọn Pol Pot bị ra toà án quốc tế, chẳng còn nguy hại, chú đã quay lại chính nơi chú đã thất lạc để tìm thông tin về người đồng đội cũ nhưng tuyệt nhiên không thấy. Chú đã ở Nongchan đến hơn một tháng, cho đến khi không còn đồng nào trong túi mới tìm về Việt Nam, không còn tiền nhưng chú bắt nhờ những chiếc xe chạy trên đường và cứ thế về đến nhà.
Vẫn biết điều gì cũng có thể xảy ra trong chiến tranh, nhưng việc mất tích kì lạ của người bạn trong một nhiệm vụ trinh sát chỉ có hai người là điều khó có thể chấp nhận. Chú Hải luôn bị day dứt, ám ảnh. Nếu chết thì phải tìm thấy xác. Chú bảo rằng chỉ cần nghe ngóng có thông tin thấy hài cốt từ mấy đội quy tập (chú đã liên hệ) là chú sẵn sàng khoác ba lô lên đường để tìm bạn.
Một chi tiết thú vị khác trong cuộc nói chuyện của hai chú cháu, đó là tiếng chuông chùa Hàm Long gần đó thi thoảng lại vọng đến như muốn xoa dịu nguôi ngoai những day dứt đang giày vò tâm can người cựu chiến binh. Sau cuộc trò chuyện, tôi và chú Hải dạo bước trên con đường lên chùa. Chú kể cho tôi vết sẹo trên vai là lần đi trinh sát với người bạn, mìn nổ, chú bị thương, người bạn cũng bị thương nặng. Chú dìu người bạn vào một nơi kín đáo để đi tìm thuốc nhưng khi quay lại thì chẳng thấy người đâu. Những chi tiết này tôi đã bê nguyên vào tác phẩm của mình.
Chú Hải từ chiến trường về, không lấy người con gái mà chú và người bạn cùng thích như trong truyện tôi viết. Cô Thơm trong truyện không phải là người phụ nữ tôi thấy dưới ao cùng chú. Cô Thơm đã đi lấy chồng ở xa, chẳng mấy khi về làng. Tôi đã viết mở đầu tác phẩm của mình như thế này: “Vừa đi ăn giỗ về, tôi vơ vội mấy bộ quần áo nhét vào chiếc ba lô sờn bạc. Thơm tất tả chạy tới. “Mình định đi thật đấy à?” Năm nào cũng vào ngày này vợ tôi đều hỏi như thế. Tôi gật đầu vì lần này tôi đi thật. Không ai khác, chính tôi là người giải quyết, phải tự gỡ những sợi dây mỗi ngày một chằng chịt và lớp lang thít chặt mình. Tôi đã sống những tháng ngày dằn vặt, bứt rứt, cảm giác nếu không đi bây giờ, tôi sẽ chết ngay trong chính ngôi nhà của mình. Bước ra khỏi làng, khi ấy đã quá trưa, nắng như rang tóc, bóng tôi xiêu vẹo trên đường. Tôi bắt xe ra Hàng Cỏ, đi tàu vào Nam, rồi đi tiếp lên Mộc Bài, đến ngày thứ ba thì sang đất Campuchia. Nhẽ phải 15 năm, không, chính xác là 13 năm 8 tháng, tôi mới quay trở lại nơi này, cái nơi đeo bám tôi dai dẳng. Kí ức như một thứ bùa mê dính chặt vào hiện tại, định đoạt phần số cuộc đời. Người ta có thể vì quá khứ để sống tốt, nhưng cũng có người bị ám ảnh mà chết dần, chết mòn…”
Tôi và chú Hải ngồi trên đê, ngôi chùa Hàm Long lẩn khuất bên kia hồ, thấp thoáng mái chùa cổ kính vút lên giữa những rặng cây. Thi thoảng tôi bắt gặp trong sâu thẳm đôi mắt chú Hải sự u uất đến tuyệt vọng, đôi lúc loé lên hi vọng. Hồn chú như bị lạc bởi những cơn gió núi đang bay theo nhịp reo của những tiếng chuông chùa. Trong câu chuyện ấy, tôi đã để chú tìm thấy người bạn của mình. Họ gặp lại nhau cũng trong một ngôi chùa, giữa những điệu chuông ngân. Để hai người đồng đội gặp lại nhau sẽ là cái kết nhân văn. Tôi có nói với chú điều ấy khi tác phẩm được in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số đầu tháng 7/2023. Chú lặng người nhìn tôi. Đến giờ tôi vẫn không thể giải thích được tại sao chú lại nhìn tôi như thế, chú đang nghĩ điều gì...
B.T.M
VNQD