Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Thứ Năm, 28/12/2023 09:53

. VŨ NGỌC THƯ
 

Những nguyên mẫu nhân vật thơ hay truyện của tôi đa phần từ người lính. Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng.

Tôi điều trị vết thương sọ não ở viện K40. Khi vết thương lành, tôi được đưa về an dưỡng ở trại an dưỡng thương binh nặng C3T6 miền Đông Nam Bộ. Ở đây tôi gặp nhiều đồng đội là thương binh nặng, hầu hết cụt chân cụt tay, vết thương sọ não. Người y tá đưa tôi về một lán đã có năm thương binh ở. Lán có năm người cụt một chân, riêng Nguyễn Văn Tư là nặng nhất. Anh bị thương cụt cả hai tay và cụt một chân, bàn chân còn lại cũng không nguyên vẹn, bị xén cụt ngón chân trỏ và ngón cái. Chúng tôi ở với nhau trong một thời gian dài. Khi vết thương của tôi hồi phục được một phần, tôi xin đi công tác ở tuyến sau. Các anh ở lại rồi ra Bắc.

Đất nước thống nhất, tôi trở về. Sau khi ổn định gia đình, tôi kết nối lại với những người thương binh ngày ở rừng. Người đầu tiên tôi tìm là Thức, nhà Thức ở Hà Nội nên tôi nhanh chóng tìm ra, rồi từ Thức tôi tìm được Hiệp, Tá, Tư, Tửu. Thế là lại đủ sáu thằng như ngày ở một lán trong rừng.

Năm 2007 tôi hay phóng xe đi giao du. Một hôm tôi lên Hà Nội gặp Thức, ngủ một đêm, hôm sau Thức bảo đi lên nhà Tư ở Quốc Oai (Hà Tây cũ). Ở nhà Tư một ngày anh em rủ nhau lên nhà Tửu ở Ba Vì, khi chúng tôi đến Tửu gọi bảo Tá ở Tam Nông qua cầu Trung Hà xuống. Thế là có đủ năm thằng, anh em tay bắt mặt mừng. Những bước chân nhảy lò cò, tiếng nạng gỗ chống xuống nền nhà kêu lốp cốp. Những chiếc đầu gối co lên, ống quần thõng xuống trống rỗng bay phất phơ. Hình ảnh ấy đã giúp tôi nảy lên tứ thơ “năm chúng tôi đi với sáu bàn chân”, và sau đấy bài thơ Năm gương mặt lính được hoàn thiện. Nó được hoàn thiện từ năm nguyên mẫu người lính, năm người thương binh đang gắng gượng sống, gắng gượng với nỗi đau thương tật, với kí ức chiến tranh, với những suy nghĩ về cái thật cái giả của đời thường, cái được cái mất của những con người lính năm nào. Đúng ra bài thơ mới chỉ nói được bề ngoài của năm nguyên mẫu. Còn trên thực tế thì năm nguyên mẫu ấy, năm con người thương binh ấy sống lận đận vất vả hơn nhiều. Tôi xin được sơ qua về năm nguyên mẫu ấy.

Nguyễn Văn Tư trẻ nhất trong năm người, nên tôi viết Đôi tay cụt em út thằng Tư/ Bầm xuống đất quê từng nhát cuốc. Những câu thơ nhẹ nhàng vậy thôi, còn thực tế thì vợ chồng Tư sống vô cùng gian khổ. Người đời bảo “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, vậy mà Tư không còn hai bàn tay và cả không còn một cái chân nữa. Người ta sinh ra có tứ chi để cân bằng cho cơ thể, cân bằng cho cuộc sống, cho sự tồn tại của chính mình. Thế mà Tư đã mất ba chi, chỉ còn một chi, làm sao mà Tư không vất vả lận đận kia chứ. Những năm tháng bao cấp khó khăn, vợ chồng Tư đã xoay đủ nghề, đi buôn, mổ thịt lợn mang ra chợ bán, rồi sau này cho thuê phông bạt bàn ghế hiếu hỉ. Vợ chồng Tư không ngại bất cứ việc gì, để có thể nuôi được ba đứa con khôn lớn trưởng thành.

Tôi viết về nguyên mẫu Đoàn Văn Tá: Mõ lốc cốc đi làm thầy cúng/ Cầu mình qua được mắt bão trời. Khoác ba lô về Tá lấy vợ, hai vợ chồng ôm một quả đồi, lăn lộn với quả đồi hoang để cho ba đứa con khôn lớn thành người. Việc Tá đi làm thầy cúng là thật. Tôi cũng không hiểu vì sao mà từ người lính trinh sát của sư đoàn 9 ngày xưa từng bò vào sào huyệt địch để điều nghiên từng cứ điểm, từng ụ đại liên của địch để cho bộ đội ta tiến công..., vậy mà hòa bình, khi bát cơm đã đủ ăn, tấm áo đã đủ mặc lại đi làm thầy cúng. Chỉ có điều anh cúng mà không lấy tiền của ai. Đã có lần tôi hỏi nhưng anh lảng tránh không nói gì. Nhìn khuôn mặt từ bi của anh, tôi nghĩ ngoài kia cái thật giả vẫn còn đang tồn tại, cái giả có lúc lấn át cái thật, cái dòng xoáy của cuộc đời đang cuộn xoắn, cái mắt bão ấy đang cuộn hút tất cả vào vòng xoáy ấy nên anh muốn bày tỏ lòng mình trong tiếng mõ tiếng chuông, cố gắng sống cho chân thiện hơn.

Còn đây là những dòng thơ viết về nguyên mẫu Nguyễn Hữu Hiệp: Thằng Hiệp giờ ở đất quê người/ Một bàn chân chôn lòng đất mẹ. Thực tế thì Hiệp đang ở Cộng hòa liên bang Đức. Hiệp ở Đức đã bốn mươi năm, từ một lần anh đi công chuyện rồi ở lại hẳn. Cứ nghĩ cuộc sống ở một nước tư bản, không phải lo cơm áo gạo tiền như chúng tôi ở quê, chắc Hiệp trẻ lắm. Không đâu. Hiệp già nhất trong số năm thằng, già hơn cả Tá mặc dù Hiệp còn ít hơn Tá hai tuổi. Đã có lúc Hiệp tâm sự: “Không phải lo cơm áo gạo tiền, nhưng nhớ nhà nhớ quê, nhớ làng xóm nơi mình đã sinh ra và lớn lên, rồi ra trận. Nhớ da diết Thư ạ.” Tôi hỏi, liệu có bao giờ anh quay trở về những nơi anh nhớ ấy hay không, anh ngồi trầm ngâm một lát rồi bảo: “Nhất định sẽ về. Nhất định sẽ về.”

Nguyên mẫu Hoàng Xuân Thức có phần đặc biệt hơn, khi chúng tôi phải chứng kiến nỗi đau của anh. Anh là giảng viên trường Đại học Mĩ thuật công nghiệp Hà Nội nghỉ hưu. Anh vẫn vẽ và vẫn dạy cho các học sinh chuẩn bị thi vào trường. Nhưng rồi anh mắc bệnh nan y. Ung thư vòm họng. Khi nhận được kết quả bệnh cũng là lúc vợ anh đệ đơn ra tòa đòi li hôn. Cũng may cho anh còn có hai cháu (cũng theo nghề của bố) hiếu thảo chăm lo đến ngày anh về với đồng đội. (Khi tôi viết bài này thì hai nguyên mẫu nhân vật của bài thơ đã ra đi, đó là anh Hoàng Xuân Thức và anh Nguyễn Văn Tư, cả hai cùng mất vì ung thư.) Câu thơ tôi viết Tờ li hôn đặt dưới bàn chân gỗ/ Nó lang thang theo số mệnh trời thật nhưng mà đau đến xé lòng.

Năm nguyên mẫu đi vào bài thơ nhẹ nhàng, nhưng thực tế đời thường của những nguyên mẫu ấy thì mỗi người một số phận, số phận đưa đẩy họ vào đúng vị trí đời thực của mình: Năm chúng tôi đi với sáu bàn chân/ Năm cái đầu một cái không lành lặn/ Tám bàn tay bới trong đời lận đận/ Năm con người thập thễnh gắng mà đi/ Đôi tay cụt em út thằng Tư/ Bầm xuống đất quê từng nhát cuốc/ Theo đất bới là đồng máu tướp/ Tưới xuống đồng đổi hạt đất xuân/ Thằng Tá giờ đi với một bàn chân/ Ôm trận đánh bắn đỏ nòng khẩu súng/ Mõ lốc cốc đi làm thầy cúng/ Cầu mình qua được mắt bão trời/ Thằng Hiệp giờ ở đất quê người/ Một bàn chân chôn lòng đất mẹ/ Ngỡ sung sướng nó còn rất trẻ/ Nào ngờ tóc bạc như sương/ Chúng tôi ôm thằng Thức mà thương/ Căn bệnh nặng trời đày bể khổ/ Tờ li hôn đặt dưới bàn chân gỗ/ Nó lang thang theo số mệnh trời/ Bao năm rồi cơn choáng hành hạ tôi/ Mảnh đầu vỡ không đủ che mưa nắng/ Năm chúng tôi năm trái tim lành lặn/ Đi trên đường chỉ với sáu bàn chân.

Tôi đã đến gia đình anh Nguyễn Văn Tư nhiều lần, có ý định viết về anh từ lâu. Nhưng cứ mỗi lần cầm bút của ngày xưa, hay sau này ngồi trước bàn phím là tôi lại không sao viết được. Với một nguyên mẫu như anh thì có viết cả bộ tiểu thuyết cũng chưa hết. Thế mà tôi đành chịu. Tôi đặt câu hỏi: Mình sẽ viết gì đây? Viết về nỗi đau của anh ấy á? Nỗi đau của một người cụt cả hai tay, không còn chủ động làm được việc gì. Ngay cả đêm tân hôn, nằm bên người vợ xinh đẹp, cái bản năng của thằng đàn ông đánh thức, mà anh vẫn chịu nằm căng cứng. Hai cùi tay cụt anh không làm gì được với bộ gabadin mới, cái thắt lưng bó chặt. Chỉ khi vợ anh phát hiện ra rồi ”giúp đỡ” thì anh mới thực hiện nghĩa vụ làm chồng. Viết vậy thì “ác” với đồng đội mình quá. Cái đau nhất của người đàn ông là cái nỗi đau ấy. Mãi sau này khi anh Tư mắc bệnh nan y ra đi, trong tiếng gào thét vật vã của chị Giang “vợ anh Tư” tôi mới nhận ra. Nỗi đau về thân xác của anh Tư, với nỗi đau cam chịu của chị Giang, chắc gì anh Tư đã đau hơn chị Giang? Và tôi tự hỏi sao mình không viết về chị Giang nhi. Rồi tôi đã viết truyện ngắn Vợ thương binh. Tôi viết về nỗi cam chịu của chị, của người vợ thương binh, người thương binh mang trên mình 95% thương tật. Chính vì thương tật của anh nặng như thế mà chị đã cam chịu tất cả. Ngay đêm tân hôn chị đã cam chịu “hạ mình” chủ động làm cái việc vợ chồng “...hạnh phúc đến và tủi nhục cũng đến. Có lẽ trên đời này chỉ có chị là người phụ nữ duy nhất, phải chủ động tự mình làm cái việc cho mình, từ con gái trở thành đàn bà trong đêm tân hôn.” Rồi nỗi cam chịu từ việc nhà, việc đồng ruộng, tất tật do chị gánh vác.

Tất cả những chi tiết về công việc của anh Tư chị Giang kiếm miếng cơm manh áo cho các con, cho cái gia đình ấy tồn tại là thật. Tôi chỉ thay đổi thời gian cho phù hợp với truyện mà thôi. Từ hai nguyên mẫu anh Tư và chị Giang, tôi có được một cốt truyện chân thực, và tôi cũng cố gắng viết cho thật chân thực. Khi truyện viết xong, nhiều lần ngồi đọc lại, tôi thấy mắt mình có dòng nước chảy, nhất là đoạn dân làng đưa anh Tư ra đồng. “Trên đầu xe tang hai chiếc nạng gỗ cứ lủng lẳng đung đưa. Khi chiếc xe tang lăn bánh, có ai đó đã khoác nó lên đấy, vừa khoác vừa bảo: Mang cho anh ấy đi, chứ không xuống đấy anh ấy đi bằng gì?” Có thể người đọc biết sơ sơ về nguyên mẫu trong truyện này của tôi. Còn với tôi, nguyên mẫu Nguyễn Văn Tư đã ăn vào máu thịt, từ ngày ở rừng cho đến những năm tháng sống trong hòa bình. Không có bom đạn nhưng có đầy mồ hôi và nước mắt, vì vậy mà hai nguyên mẫu Tư - Giang của hai nhân vật Tứ - Giáng trong truyện ngắn Vợ thương binh còn găm mãi trong đầu tôi, dù sau đấy đã có nhiều nguyên mẫu thành nhân vật trong các truyện tôi viết.

V.N.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)