Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Xẹt ngang cơn sét

Thứ Năm, 28/09/2023 16:05

. BẢO THƯƠNG

Nhà văn viết có cần nguyên mẫu không?

Văn chương là sự sáng tạo, nói rằng có nguyên mẫu thì cũng hơi kì, nhưng có ai viết mà không xẹt qua đầu một dấu ấn, hình hài nào đó của con người ta đã gặp, đã thấy, đã in dấu, mà vô thức tưởng chẳng có gì, chỉ đến khi đội quân tổng hợp của chữ nghĩa, cảm xúc, tư tưởng, niềm khát khao giãi bày xô đến, thì những hình ảnh kia mới chợt tề tựu, sắp đặt ngay ngắn, mà trước đó xô bồ, lộn xộn, hoặc thảng ta đã quên, giờ về trong trật tự, ai có phận người đó, ngân nga những ý nghĩa, chính nhà văn cũng không khỏi bất ngờ về giá trị của họ.

Bà tôi là người bỏm bẻm nhai trầu, cả tuổi thơ tôi lớn lên với cơi trầu của bà, quả cau non, cái cối giã, vỏ chay hồng, hay vị nồng vôi tôi. Bà tôi sắc sảo, vận những từ thường ngày thành câu ca vần nhịp.

Khi tôi viết truyện Nỗi đau của mẹ, kể về người phụ nữ có chồng đi chinh chiến, phải chịu bao nỗi khổ cực, lúc viết đến nhân vật người mẹ chồng, thì ở đâu xô về thấp thoáng hình ảnh của bà bên con trâu, cánh đồng, bên những luật lệ, mà tôi tin, không phải bác dâu tôi, mẹ tôi không có lúc thấy khó chịu, tuy nhiên thì, bà tôi khác người đàn bà trong truyện. Còn người con dâu nhẫn nhịn chịu đựng, chỉ biết cúi đầu gánh gồng, quanh năm đầu tắt mặt tối bên luống rau, chuồng trâu, ruộng mạ, thì tôi thấy ở nhân vật này phần nào bóng dáng của mẹ tôi.

Hay trong cuốn tiểu thuyết vừa xuất bản Vân đời xếp nếp, khi viết đến nhân vật người ông nội của San, người đàn ông có tâm sự bất đắc chí, tôi thấy hiện về ông tôi, người đàn ông trí thức, nét bút tài hoa, hay thảo những nét tiên trên nền giấy bản, bàn tay như đang vẽ chữ, bay bướm, mềm mại, đung đưa. Những mùa đông rồi hè, ông hay ngồi ở hiên gió, trông ra ngoài cánh đồng hợp tác đang lên xanh lá lúa, hoặc chàng mạng kéo mặt ruộng như nhện chăng tơ, vào độ tháng mười sương muối, đất khô. Ông cứ ngồi đó, nghĩ về thời vận, nghĩ về cuộc đời, về bao thế sự, và lúc nào cũng có tôi bên cạnh, nặn từng mụn ghẻ nước tay ông, hoặc mài giúp ông thỏi mực vào nghiên, để ông mặc sức sáng tạo.

Và tôi đưa hình ảnh ông tôi vào cuốn tiểu thuyết, làm thành nhân vật người ông của San. San trong truyện là cô gái viết văn nhiều mộng mơ nhưng cũng lắm suy tư, nhiều day dứt trăn trở về cuộc đời. San sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước vừa thống nhất, bao cấp, nhiều khó khăn. Thời thế, cộng với nỗi buồn riêng của gia đình làm San càng nhiều ưu tư hơn.

San là ai? Khi viết về San, tôi thấy bóng dáng của tôi, lũn cũn đeo chiếc bị cói mà mẹ sắm cho anh em tôi mỗi đứa một chiếc, đi mót thóc khắp các cánh đồng. Tôi đến trường bằng chiếc quần “bích kê” mông, đôi dép nhựa Tiền Phong chằng đụp những miếng vá (vá bằng cách nung chiếc liềm đỏ rồi dí vào chỗ rách). Nỗi buồn của tôi kéo từ đông sang hè. Khi gia đình tôi thuộc thành phần địa chủ, bố tôi đỗ đại học song không được theo học, ông tôi hoạt động bóng tối, tiễu phỉ, trừ gian, kháng Pháp, ủng hộ bao lương thực cho chính quyền, nhưng đến cải cách ruộng đất vẫn bị quy tội, gia đình rơi vào khánh kiệt.

Nỗi buồn chung - riêng của San, hay chính là nỗi buồn của tôi? Là San, hay là tôi, là ông của San, hay chính là ông tôi? Mọi thứ nhuần nhuyễn đi vào văn từ những “hiện thực” ngoài đời, mọi thứ tuần tự từ ngoài đời một lúc nào đó chuyển hóa vào văn chương, đâu là văn, đâu là đời, nhiều khi cũng khó phân định…

Truyện ngắn Người trở về của tôi kể về người liệt sĩ trở về sau 40 năm. Gia đình đã lập bát hương, chính quyền đã truy điệu, thì một ngày anh trở về. Việc anh về không ngờ gây bao bi kịch, éo le. Nhân vật chính của truyện có nguyên mẫu là chiến sĩ Nguyễn Chánh Nhường ở Quỳnh Lâm - Quỳnh Lưu - Nghệ An, trở về sau 40 năm. Khi trí nhớ khôi phục, ông nương theo kí ức mà tìm về quê. Tuy nhiên, nhân vật “liệt sĩ” trong truyện ngắn Người trở về của tôi còn hạnh phúc hơn ông Nhường, còn có một gia đình đúng nghĩa, có những đứa cháu nuôi “ruột thịt”, người anh nuôi “ruột thịt”. Ông được thằng Tráng cháu nuôi yêu thương, tìm mọi cách xác minh quê quán cho mình. Còn ông Nhường, ăn lá cây uống nước suối, mấy chục năm sống một mình trong rừng sâu không ai biết.

Tôi đã suy nghĩ gì khi chọn nguyên mẫu đó?

Bốn mươi năm mọi thứ đã đổi thay, từ con người đến xã hội, thì người liệt sĩ kia trở về. Không phải cuộc trở về nào cũng vui. Và trí nhớ trở lại tốt hơn, hay mất trí nhớ vĩnh viễn thì tốt hơn? Ở lại là hay, hay trở về là hay? Mọi thứ đều có thể xảy ra, bởi chuẩn mực xã hội thay đổi rồi. Tôi nghĩ về điều đó, và nhân vật ông Tê của tôi ra đời.

Có nguyên mẫu ngoài đời rõ nét lắm khi đi vào văn chương, có nguyên mẫu chỉ là một ấn tượng xẹt ngang qua đầu ta trong khoảnh khắc nhưng đủ lưu dấu vào nhân vật, thậm chí nhân vật còn “bắt chết” nghệ danh một đời văn.

Người đàn ông hiền từ buồn buồn nhìn tôi bảo, con ạ, ngày đó chú còn trẻ quá, bên này và bên kia đôi khi chỉ cách một khúc sông, cây cầu, và phân định bằng ngày đêm, ngày Quốc gia, đêm Giải phóng... Tôi nhìn ra dòng Hàm Luông, cơn gió chướng thổi dạt một luồng, làm nước sông chao gợn, thổi dọc trên cành thủy liễu - cái tên thật mĩ miều, mà người dân nơi đây vẫn kể, vua Gia Long đã đặt tên cho loài cây hèn mọn đó bằng cái tên thật thanh cao, bần biến thành thủy liễu, để tạ ơn tấm lòng nghèo của những con người khổ nơi vùng Bến Tre rạch nước này chăng?

Đó là chú Hai - người mà tôi gặp ở khách sạn Hàm Luông, ngày vào Bến Tre tham gia trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội - nguyên mẫu của truyện ngắn Bông điên điển hồng. Khuôn mặt chú hiền, dáng chú cao dong dỏng, vẻ đẹp lãng tử trong từng ánh mắt, để tôi nghĩ về cuộc đời chú dằng dặc phía xa, bao tao loạn thời cuộc: từng là người lính phía bên kia, đi cải tạo, rồi trở về làm người công dân xứ sở phía này. Tình yêu nào nơi chú, nỗi buồn nào nơi chú, những trú ngụ của cả mối tình đơn côi và thao thiết ấy…

Bà Năm trong truyện là ai?

Là người đàn bà tôi gặp ở bến Mĩ Lồng, nhân một ngày chạy xe mải miết, dọc đường bưng, con đường trải dài rừng dừa, cảm giác chạy đến tuyệt mù cõi mở đất xưa của chúa Nguyễn. Bà Năm ngực nở, nụ cười hiền, có đứa cháu nhí nhảnh, bê cho khách những bát tầu hũ bà làm, bằng bàn tay to bè vốn được dùng để đào đất làm hầm hào công sự bên kia sông, những năm “ngày Quốc gia, đêm Giải phóng”. Bà cũng trót lấy một người cách mạng, người đi mãi chẳng về.

Bà Năm ơi, mấy năm rồi, bà còn không? Khoảng sông trước nhà, tôi nghĩ, vẫn còn đó. Những người khách nước ngoài vẫn tấp nập ở bến sông đó, chờ con thuyền đưa họ ra cù lao, mà người con bà chở lái. Mặt nước mênh mông, nắng chiếu vào lấp lóa, làm mắt bà nheo nheo. Bà nhìn thấy gì phía ấy, người chồng đi hoạt động cách mạng đã mất tích ư? “Chết trôi sông mất xác ở đâu, bao năm rồi, tui đâu biết!” Thế mà bà vẫn chờ ư?

Bà Năm ơi, bà đã già lắm. Năm đó, câu chuyện bà kể hụt theo hơi gió, cùng hơi thở của người già đứt đoạn. Giờ bà còn không?

Tôi đưa bà vào trang văn, làm nên một Bông điên điển hồng, mà chưa lần về lại nơi đó, để tìm bà, trao cho bà trang truyện, để nói rằng, bà đã đi vào trang văn tôi đây, mạnh mẽ, nhiều tâm tư, và gói trọn cả nỗi đau thời vận.

Nguyên mẫu đi vào trang văn tôi như thế nào ư? Họ xẹt qua, như tia sét qua bầu trời, để lại dư chấn, nhưng mạnh lắm. Nó bùng lóe lên trong tôi bao cảm thức, bao xúc động, bao hình tượng ngồn ngộn hiện về, từ gọi câu, câu gọi đoạn, ấn tượng gọi hình tượng, hình tượng làm nên tác phẩm.

Cảm ơn những dư chấn, những nguyên mẫu có hồn, những con người mang nhiều thân phận, mang cả hình hài đất nước, để đi vào những trang văn thật buồn của tôi. Phải, nó thật buồn. Tôi ít có văn vui, cả quãng đường sáng tác trước nay.

Tôi buồn cùng nguyên mẫu, nối dài cuộc đời họ trên văn tôi, hoặc vẽ thêm cho cuộc đời họ, mà ở một khúc đoạn nào đó tưởng đã đứt quãng ngoài kia.

B.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)