Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Người đàn ông của li cà phê buổi sáng

Chủ Nhật, 02/07/2023 00:14

. LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
 

Thế hệ tôi 8x sinh sau năm 1975, không biết chiến tranh là gì, bom đạn là gì, chưa cảm được mất mát, chia li, đau khổ của cảnh binh đao, khói lửa một thời mà các thế hệ trước đã phải trải qua. Chúng tôi hít thở không khí của cuộc sống hôm nay, không khí hòa bình vốn dĩ như đã thuộc về mà không hề biết rằng để có được bình an này bao thế hệ người Việt đã đứng lên, ngã xuống để bảo vệ, gìn giữ hòa bình. Chiến tranh còn lại là những vết đạn trên tường thành, những bia mộ trùng trùng trong nghĩa trang liệt sĩ và những câu chuyện sống động, chân thật, đầy máu và nước mắt của những người trong cuộc. Một trong số đó là người bạn vong niên của tôi với những sáng cà phê văn nghệ trong khuôn viên Tạp chí Sông Hương, nơi tôi từng công tác. Anh tên Quy, sinh năm 1952, một mốc lớn trong lịch sử hiện đại của dân tộc. Lớn lên anh học tập, sinh sống tại Huế và dường như đã chứng kiến tất cả những sự kiện lịch sử lớn nhỏ về Huế trong chiến tranh Việt Nam. Anh cao ráo, tướng mạo thư sinh và gương mặt lúc nào cũng phảng phất chút phong lãm xa xưa và một nỗi u ẩn giấu kín. Anh kể nhiều về chiến tranh, về những chuyện ở Huế trước năm 1975 mà tôi được nghe lần đầu. Anh Quy có một tình yêu đẹp với một người con gái Huế. Nhà cô gái đó ở ngay cửa Thượng Tứ, cô học trường Đồng Khánh. Dạo đó, anh ham chơi, không lo học hành. Ấy vậy mà khi thấy cô hằng ngày vào buổi sáng tinh mơ đạp xe đi học giữa con đường đầy lá rụng và sương mù, anh đi theo, đi mãi cho tới tận cổng trường. Từ dạo đó, anh cứ theo cô như hình với bóng không nói lời nào. Những cánh thư anh viết nhờ bạn bè gửi đến tận hộc bàn của cô. Thấy cô chăm học anh cũng chăm học theo cô, khi thư viện, khi nhà sách, và tuyệt nhiên có một khoảng cách và không có một lời nói nào. Bởi anh ngại, ngại vì xuất thân của mình, bên kia con nhà khuê các. Nhưng rồi một hôm cô ra bờ sông Hương, bên bến Thương Bạc, anh cũng đi theo và đứng đằng xa quan sát. Cô mỉm cười và nói:

- Sao anh đi theo em hoài vậy? Em có gì hay ho đâu!

Như được mở lời, anh đỏ mặt, lại gần và hai người bắt đầu hỏi han, trò chuyện. Tình yêu nảy mầm từ đó. Vài tháng sau thì chiến sự nổ ra vào đầu xuân 1968. Nhà cô gái tản cư vào Đà Nẵng và anh mất biệt thông tin của cô cho đến ngày giải phóng...

Câu chuyện dừng ngang đó vì anh có việc đột xuất nên hẹn tôi buổi khác.

Ảnh: Ngô Thanh Minh

Lúc bấy giờ, nguồn cảm hứng trong tôi trỗi dậy. Tôi muốn viết điều gì đó cho những cuộc tình đẹp của xứ Huế. Và khi viết truyện ngắn Quẩn mãi bóng người, tôi đã lấy cuộc đời và chuyện tình của anh ở Huế làm “chất liệu” sáng tác. Trong truyện, dấu ấn tang thương của chiến tranh hằn lại trên đất Huế được tôi “cài cắm” qua một vài chi tiết như Thanh mồ côi do cha mẹ chết trong chiến tranh, núi Ngự Bình bị đạn bom phá hủy nên các học sinh phải đi trồng lại cây thông. Trên cái nền không khí chiến tranh bảng lảng ấy là mối tình đẹp và buồn giữa Thanh và Vân. Thay vì đề cập, đào sâu đến sự không “môn đăng hộ đối” giữa gia cảnh hai nguyên mẫu, tôi lái câu chuyện theo hướng sự khác biệt giữa hai tâm hồn, tính cách. Thanh lầm lì, ít nói; Vân hồn nhiên, nhí nhảnh yêu đời. Thanh bảng lảng, mây trời, là con người “của gia đình, của bổn phận”; còn Vân là một người phụ nữ Huế truyền thống. Hai người, hai tính cách khác biệt như vậy sẽ mãi yêu nhau, đắm đuối với nhau chứ không thể trọn đời chung sống với nhau. Những địa danh Thanh và Vân từng lui tới như núi Ngự Bình, chùa Tra Am nơi có lời đồn về cặp rắn thiêng ngày ngày đến nghe sư chùa tụng kinh được tôi “nhặt lại” từ những hồi ức tươi đẹp của anh Quy khi anh và người yêu đi chơi Huế.

Một buổi chiều năm 2017, tôi ra công viên, đứng lặng thinh bên sông Hương. Tôi nghĩ về thời gian, về cuộc tồn tại của một đời sống con người. Trời dần chạng vạng. Lòng trống rỗng, tôi gọi điện thoại cho anh Quy. Anh bảo sang nhà chơi thay vì gặp nhau mỗi buổi sáng. Tôi hỏi thêm về câu chuyện tình dang dở của anh:

- Vậy người yêu của anh sau đó thế nào? Hai người có gặp lại nhau không? Anh vẫn chưa kể hết cho em.

Anh lẳng lặng bày ấm trà dưới tán hương mai và từ tốn kể tiếp. Anh và nữ sinh Đồng Khánh gặp lại nhau trong một hoàn cảnh trớ trêu. Sau năm 1975, núi Ngự Bình thông cháy và chết cả. Thành phố có chính sách vận động thanh niên, học sinh, sinh viên đi trồng thông. Và anh gặp lại cô ở đó. Hai đôi mắt buồn gặp nhau. Anh vẫn đơn thân, làm cán bộ Đoàn phường. Còn cô bây giờ đã là cô giáo dẫn học sinh đi trồng thông. Và nữa, cô đã lấy chồng. Anh nghẹn ngào. Hôm đó, núi Ngự Bình nắng nóng và lòng anh như đã đóng băng. Sau bao năm chờ đợi, kiếm tìm, giờ anh hụt hẫng, dường như anh mất tất cả những niềm tin vào tình yêu.

Rồi anh nhận được thư cô, những lá thư xếp dài như những tấm thẻ bài. Cô hẹn gặp anh khi thông bắt đầu xanh lá. Họ hẹn gặp nhau trên núi Ngự Bình mỗi cuối tuần để nói về ngày cũ. Tình yêu không có lối thoát. Chỉ còn biết trân trọng những gì đang có của nhau. Anh không muốn cô bất hạnh. Họ uống rượu một lần cuối để giã từ trên núi Ngự Bình. Bên này núi là thành phố đẹp và thơ, bên kia là nghĩa trang, là mộ địa. Ranh giới này đặt dấu chấm cho sự kết thúc của một tình yêu đẹp. Những chi tiết này đã được tôi khai thác đưa vào Quẩn mãi bóng người.

Đêm đó, tôi nằm nghe Hà Thanh hát, tiếng hát của dòng sông xanh. Và nằm mộng. Trong cơn mộng, tôi thổi sáo cho một ca nhi nghe. Cô ca nhi bé nhỏ đứng bên bờ mặc gió sông lồng lộng thổi xòa tóc mun và cất cao Tương tư khúc. Chớp mắt hòa mình trong dòng sông mát, nàng vẩy nước, cười nhoe trong nắng chiều. Mở mắt ra, mặt trời đã xuống núi tự bao giờ, bao quanh một màu đen đặc dòng Hương. Giấc mơ đã cho tôi một ý tưởng để khai thác đề tài truyện ngắn, dùng giấc mơ, dùng tưởng tượng, những ví von để lồng vào câu chuyện tình trên núi Ngự Bình trong truyện. Bầu không khí bảng lảng như khói, như sương, như hư, như ảo trong tác phẩm được gợi lên chính từ giấc mộng đêm ấy.

Albert Camus, một nhà văn nổi tiếng của Pháp, nói rằng: “Hãy luôn đi xa quá mức, bởi đó là nơi bạn sẽ tìm thấy sự thật.” Và rằng, con người luôn tồn tại thế giới tinh thần và sự kiến thiết bên trong ấy luôn hoạt chuyển, tràn trề sức mạnh nội giới. Tôi đã sống qua những năm tháng đầy hoài nghi, cật vấn trước muôn nỗi cuộc đời... Câu chuyện của anh Quy ấp ủ và hoài thai truyện ngắn Quẩn mãi bóng người như vậy.

Chiều đi qua dòng sông, gió đượm hương ngô thổi tràn bến bãi. Có những thứ tinh thần khuất bóng luôn hiện hữu như một chồi sống bất diệt trong kí ức. Núi còn nguyên màu xanh. Sông còn in mây biếc. Và người đàn ông cùng li cà phê buổi sáng của tôi không còn ở Huế nữa. Trong truyện Thanh đã đi xa, rất xa và vĩnh viễn nằm lại ở nước Pháp xa xôi, còn nguyên mẫu của tôi thì vào Nam ở cùng cậu con trai. Tiếng chim kêu thảng thốt một thời. Mỗi buổi sáng chỉ còn tôi ngồi đây với câu chuyện hoài niệm của anh đã xa dần theo năm tháng.

L.V.T.G

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)