Đọc cuốn sách của tác giả Phạm Hồng Tuyến, tôi liên tục rơi vào trạng thái kì lạ: mắt vừa rưng rưng miệng lại khe khẽ cười. Tiếng cười khúc khích vọng từ xa xưa, từ tuổi thơ của tôi, bay bổng khắp trời, lan trên mặt nước, vọng vào vách núi, râm ran trên đường… Dường như cả vũ trụ này được làm từ tiếng cười thơ bé ấy!
Câu chuyện cuộc đời
Với con gái của nhạc sĩ Phạm Tuyên, các tác phẩm của ông viết cho thiếu nhi chính là câu chuyện cuộc đời của chị. Thế nhưng, hoá ra, đó cũng lại là câu chuyện cuộc đời của mỗi chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra vào cuối chiến tranh và lớn lên qua thời bao cấp. Những ca khúc thân thương cứ tự nhiên mà xuất hiện, mà ở bên, suốt cả quá trình lớn - chẳng đứa bé nào thắc mắc chúng từ đâu đến, ai đã làm ra chúng… Khi bé bỏng học mẫu giáo, hát “Cô và mẹ”, “Trường của cháu đây là trường… Bách Khoa" (mẫu giáo Bách Khoa). Đến lúc bước chân đến trường đầu tiên học thì hát “Chúng em là học sinh lớp Một. Vào Đội, được đi dự Đại hội cháu ngoan bác Hồ, lại hát “Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội”. Chuẩn bị kết nạp Đoàn, hát “Tiến lên đoàn viên”. Những năm ở tuổi mới lớn thì hiền dịu mộng mơ cùng “Cánh én tuổi thơ”… Tôi còn nhớ như in cả những khoảnh khắc liên quan đến từng bài hát. Chẳng hạn, chúng tôi phải múa trên nền bài hát “Tiếng chuông và ngọn cờ” mà cả bọn cứ gọi là bài “Boong bính boong”. Bọn con gái con trai phải kết đôi và nắm tay nhau … qua chiếc khăn bông bay vì xấu hổ. Cứ mỗi khi đến đoạn “Boong bính boong” lại dậm chân và vung tay như đánh chuông. Tuổi thơ ơi, nhớ thế! Trong 140 trang sách, tác giả kể lịch sử ra đời của các ca khúc mà đắm đuối trong ký ức thơ ngây. Cuốn sách thú vị cũng ở điểm này. Hồng Tuyến như đang ở giữa một nhóm bạn, tranh nhau kể chuyện “Hồi xưa, tớ và ấy…”. Những trò chơi thơ ấu của bọn trẻ khu tập thể cũ (chơi ù, nhảy ngựa, nhảy dây, song phi…), những món ăn đạm bạc mà mang lại vị ngon khó hiểu, vị mỡ cừu gây gây mùa đông… - chẳng phải câu chuyện của tôi hay sao?!! Tôi nhớ một câu tục ngữ nghe nghệ sĩ Xuân Mùi đọc trong chuyến đi Bắc Ninh vừa rồi: “Cơm nuôi xác, hát nuôi hồn”, diễn đạt theo cách nói của Nguyễn Duy là “Cơm nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Với chúng tôi, ở cái thời mà “cơm” không đủ thì “hát” - những tác phẩm văn chương, âm nhạc, trong đó có các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên- có thể nói là yếu tố quan trọng (nhất) để chúng tôi được nuôi dưỡng đủ đầy về tâm hồn.
“Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”
Trong buổi giao lưu ra mắt sách, bài hát “Tiễn thầy giáo đi bộ đội” vang lên, rất nhiều người, trong đó có tôi, đã trào nước mắt, càng cố kìm nén càng muốn nức nở vì nó như một dấu mốc trưởng thành lên một bước của đứa trẻ, đồng thời sau này tôi hiểu, bài hát đã nhắc đến một dấu mốc bi tráng trong lịch sử dân tộc dù lời ca rất giản dị, nhẹ nhàng. Khi chúng tôi học bài hát này ở trường Lê Văn Tám, tôi nhớ, là quãng năm 1982-1983. Bấy giờ, những thông tin về cuộc chiến tranh rập rình đâu đó vẫn chưa lắng xuống. Những đứa trẻ lớp 1, 2 chúng tôi cũng hát say sưa “Ngày ra đi, hướng biên cương, gió bấc tràn về, lòng anh lạnh buốt”. Rồi: “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh”; “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới…”, chỉ mang máng thấy bất an và cảm nhận cảm xúc hùng tráng của những lời hiệu triệu mà các ca khúc “người lớn” đó mang lại. Chỉ khi hát bài ca tiễn thầy giáo đi bộ đội, thấy lời ca sao mà tha thiết, có gì như bóp nghẹt trái tim còn non nớt, thấy một nỗi buồn kỳ diệu xâm chiếm tâm hồn. Chỉ sau này tôi mới hiểu, đó chính là “nỗi buồn trong sáng” mà văn chương hay nói đến. Và tôi bắt đầu mơ hồ cảm nhận những khái niệm “chiến tranh”, “hoà bình”, “Tổ quốc”, “biên cương”…
Buổi giao lưu giới thiệu những bài hát về tuổi thơ của nhạc sĩ Phạm Tuyên qua hồi ức của người con gái Phạm Hồng Tuyến. Ảnh: NXBKĐ
Văn thơ, âm nhạc - tất cả cứ dần bồi đắp trong đứa trẻ một phông nền cảm xúc và tri thức như vậy, để nó lớn lên. Nếu với nhà thơ Evtushenko, “mỗi số phận chứa một phần lịch sử” thì những tác phẩm âm nhạc của Phạm Tuyên, câu chuyện riêng của gia đình nhạc sĩ đã ôm trọn một chiều dài lịch sử dân tộc. Qua mất mát, đau thương, nhạc sĩ đã lựa chọn một cách rất riêng để tiếp cận với câu chuyện lịch sử ấy bằng âm nhạc: đồng cảm, thấu hiểu, nhân hậu. Tôi thấy nụ cười hồn hậu của ông hiện lên trong mọi ca khúc, nụ cười hoá giải mọi nỗi niềm. Nhà báo Ta Bich Loan đã rất có lý khi trích dẫn câu thơ của Phạm Tiến Duật để nói về ông: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”…
Nhà thơ Phạm Tuyên
Tôi xin mạn phép được gọi Phạm Tuyên là nhà thơ vì ở phương diện ca từ, ông thực sự là một người viết đầy sáng tạo, thấu hiểu tâm lý trẻ thơ. Cũng có thể, ông có ảnh hưởng vô thức từ người vợ là tiến sĩ tâm lý giáo dục của mình mà lời thơ của ông phù hợp với từng lứa tuổi. Ngắn gọn, đơn giản, có chi tiết xinh xinh như “tay không dây mực, vở không quăn” hay rất … hợp ý trẻ con như “Sao không thế này mà lại là thế kia?”, hoặc lãng mạn, bay bổng dành cho các bạn trẻ đang lớn dần “gặp nhau dưới trời thu Hà Nội”, “Rủ nhau én về trong làn mây nắng ấm dần…”.
Bài hát "Tiễn thầy giáo đi bộ đội" được thể hiện lại bởi thế hệ học sinh hôm nay. Ảnh: NXBKĐ
Tôi còn nhớ, năm tôi học lớp 11, tôi và mấy đứa bạn đã bình bầu “Cánh én tuổi thơ” là ca khúc thiếu nhi đẹp nhất cả về giai điệu lẫn ca từ. Nếu không phải là nhà thơ, người sử dụng tiếng Việt tinh tế, linh hoạt và điêu luyện, Phạm Tuyên đã không thể dịch lời các bài hát Nga vừa sát nghĩa vừa uyển chuyển đến thế, như thể một phiên bản riêng bằng tiếng Việt: “Khi tháng Tư mang theo làn gió đưa Khi tuyết tan trong khu vườn xưa Và niềm vui tràn dâng khắp đó đây…” (Theo cánh đu bay) “Từng nét chữ xinh xinh thẳng hàng Ngòi bút viết theo tay nhịp nhàng Điều hay ấy chúng em được biết chính cô dạy em thế… Học phép tính biết cách nhân chia Chẳng đánh mắng những bé em thơ Điều hay ấy chính cô dạy em ở mái trường mến yêu” (Ở trường cô dạy em thế) Chỉ còn biết cảm ơn NXB Kim Đồng đã động viên nhà báo Phạm Hồng Tuyến chắp bút cuốn sách đầu tay này. Những câu chuyện xung quanh sự ra đời của một tác phẩm, kể cả là văn hay là nhạc, đều mang lại cho ta những phát hiện nho nhỏ không ngờ về thời đại ta đã sống, về số phận những con người. Cũng xin cảm ơn… sự nhõng nhẽo của cô con gái đối với ông bố chiều con để nhiều thế hệ trẻ em được lớn lên cùng những giai điệu đầy yêu thương, như sự chăm chút nâng niu của người lớn đối với từng đứa trẻ, như lời vỗ về của người cha, như cái ôm mà đứa bé đã mất cha như tôi chỉ còn nương vào kỉ niệm mà nhớ lại…
THỤY ANH
VNQD