Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Thị trấn của tôi

Thứ Năm, 14/04/2022 12:14

. ĐINH PHƯƠNG
 

Lúc tôi còn bé lắm mẹ vẫn thường kể cho nghe về những lần gặp ma ở quê ngoại - làng Buộm, Hải Dương. Những con ma ấy khi là hồn đứa bé chết đuối không có người chơi khỏa lẫn vào lũ trẻ tắm ao để nghe tiếng cười đùa khanh khách hồn nhiên. Khi là cụ ông vừa chết tháng trước về thăm con cháu. Lúc khác là bà cô ông mãnh nào đó lâu lắc trong quá khứ dòng họ vô tình đi ngang nhìn qua màn đứa cháu đang thiu thiu ngủ khiến nó giật bắn mình thảng thốt... Tôi nghe và nuốt lấy từng lời, nép chặt bên mẹ, đêm căng cứng bụng chẳng dám mò dậy đi vệ sinh. Cảm giác mọi vật quanh mình, từ cánh cửa sổ bên cạnh, cây bàng trước cửa, con thạch sùng tặc lưỡi, con dế mèn kêu hay cái chạn bát, mấy lọ đựng gia vị dưới bếp..., đều có linh hồn. Cảm giác trời đất khi ấy là một vùng trời đất nào xa lạ lắm, chẳng phải cái chỗ mình vẫn chơi đùa khi còn sáng ngày.

Dần dà, những câu chuyện ở quê ngoại của mẹ cũng hết. Mẹ kể sang chuyện ma thị trấn lúc mẹ mới từ quê ra làm kế toán ở trường đào tạo công nhân mỏ. Những con ma bây giờ xa lạ và đáng sợ hơn. Là hồn ma mẹ con người ăn xin cứ nửa đêm lại hiện về giữa phòng, tiếng khóc của đứa trẻ lanh lảnh mụ mị mà chỉ mình cô Xuyến nghe thấy. Từ nghe thấy đến nhìn thấy, cô cam đoan với mẹ là đứa bé gái tóc tết hai bên đang bò trên trần nhà, còn người đàn bà mẹ nó rách rưới đứng ngoài cửa kia. Nhưng mà mẹ cùng mấy người trong phòng có thấy gì đâu, tưởng cô bị trúng gió nên xúm lại bóp đầu, đánh cảm, an ủi dỗ dành. Một đêm, hai đêm… cô Xuyến mất ngủ dài, vẫn cam đoan nhìn thấy người đàn bà “nhẫn nại” cùng đứa bé khóc lóc. Đến đây thì đành mời thầy cúng đến, thầy bảo hồn ma mẹ con kia đói quá chỉ muốn xin ăn, cúng gạo muối là tự động đi chẳng quấy quả nữa. Nghe thế làm thế, nhưng cô Xuyến bảo trông hai mẹ con rách lắm, lại quấy quả, nên nhờ thầy thắp thêm tuần hương nữa, chờ mấy chị em đèo nhau ra chợ mua lấy đôi ngựa, quần áo mũ dép để về hóa chung.

Rồi mẹ kể chuyện ma người Tàu gạ cô Khá cùng phòng mẹ đổi đứa con trong bụng lấy vàng. Cô không đồng ý. Đêm gạ vài lần, số vàng tăng từ một nắm lên hai nắm, ba nắm… cô vẫn nhất quyết không. Gần sáng vừa sợ vừa bực cô đem cả hũ muối ném vung ra ngoài cửa thì tiếng thều thào giật cục gạ đổi mới thôi.

Lớn hơn chút nữa những câu chuyện ma của mẹ không còn đủ cho tôi. Tôi sà vào cắt ngang các cuộc nói chuyện của mẹ với mấy bà hàng xóm để hóng đòi nghe chuyện ma. Những con ma đường tàu gặp ai cũng hỏi “Nhà tôi ở đâu?” Những con ma tóc dài quẩn quanh bám lấy hình bóng người yêu phản bội từ đời nảo đời nào không ngừng được thêm thắt thêu dệt vào mỗi cuộc chuyện đến nỗi chẳng ai còn nhớ chuyện gốc thế nào và do ai kể ra. Những con ma giấu người sau cánh cửa hay bụi tre hốc đất mấy ngày mới thả cũng được xây dựng một lí lịch rõ ràng, tạo mối liên hệ với người bị giấu. Cuối cùng, đến những cái bóng nhập nhòa âm dương trong đời sống thường nhật chẳng biết ma hay người cũng xuất hiện trong câu chuyện của mẹ và các bà…

Đến khi biết ập ọa tẩy xóa theo đuổi việc chữ nghĩa tôi hiểu chuyện ma của mẹ và các bà nơi thị trấn năm xưa phần nhiều là bịa cả. Mọi người bịa trên nền sự hứng thú dành riêng cho tôi, cũng như phần nào thỏa mãn sự nhớ lại của mình. Ai kể rùng rợn nhất, có nhân vật, bối cảnh cụ thể thì được tán thưởng nhiều hơn.

Tiểu thuyết Nắng Thổ Tang xuất bản cuối năm 2021 của tôi cũng bắt đầu mọi sự từ thị trấn nơi tôi sinh ra - Mạo Khê, từ các câu chuyện ma quái tôi đã nghe khi nhỏ. Những con ngựa giấy, hình nhân, người chết sập lò, tiếng kèn đám ma u uẩn quẩn quanh bốn bề thị trấn được gió xới tung lên đức tin u ám tàn bạo của đám người ngụ cư. Bởi Mạo Khê không có dân gốc, từ khi thực dân Pháp tiến hành khai thác mỏ than đầu thế kỉ XX mới có dân tứ xứ tụ đến. Dân tứ xứ đến rồi lại đi, người có quê tìm về quê, người không quê tìm đến nơi có khí hậu trong lành, dễ làm ăn buôn bán hơn. Mạo Khê ở giữa cái lưng chừng của ở và đi. Luôn luôn tiếp nhận thêm các kí ức mới đồng thời bồi lấp đi các kí ức cũ.

Với tôi Mạo Khê là một thực thể sống. Nó sống lầm lũi bao năm nay, hiện diện bằng những tầng bụi mù mịt chẳng mấy ngày tan loãng, bằng con đường mòn quanh co dẫn lên xa xa núi sẫm, bằng mái nhà ngói rêu đen xỉn xếp lớp cạnh nhau, hàng bàng hai bên đổ ngầu lá đỏ mùa đông, bằng tiếng cành cạch đạp xe của người đi làm ca về khuya... Mạo Khê của tôi dường như đang cố giấu điều gì đó trong chính khung cảnh mà nó tạo ra. Mọi góc thị trấn đều chật ứ các hình bóng người, kí ức tốt xấu, cả tội ác nữa.

Tìm về thị trấn là tìm về lịch sử kí ức, lịch sử nhỏ lẻ của những thân phận người mà tôi nghĩ họ từng tồn tại. Không khí kể chuyện ma của mẹ giúp tôi viết mọi thứ ở trong mức thật nhất có thể. Ví dụ câu chuyện về mười ba người theo chủ nghĩa Tam dân mưu đồ làm loạn bị chủ Tây chôn sống trong hầm mỏ xuất hiện từ lần mẹ kể cho tôi nghe về những tiếng kêu cứu trong lòng đất. Số là có người xóm bên tên Nhẫn đi kiếm củi, gần trưa đầy gánh ngồi nghỉ bỗng nghe có tiếng kêu: “Cứu tôi với… cứu với…” Người này hét to lên “Ai đấy?”, vạch bờ bụi tìm bốn phía không thấy ai. Tưởng mình nghe nhầm, lúc quảy gánh củi về lại nghe thấy tiếng kêu âm âm vọng lên từ lòng đất. Nghĩ là sập lò vội chạy vào công ti than báo, được trả lời nếu có sập lò thì bên an toàn đã báo về rồi. Quay về nhà nhưng lòng chẳng yên, chiều cùng con lên núi tìm chỉ thấy cây cỏ, tiếng kêu bặt vô tăm tích trong gió núi. Tiếng kêu có hay không? Hay là ảo tượng nhất thời của người tên Nhẫn kia? Nếu có thật thì tiếng kêu của người còn sống hay của kẻ chết trong quá khứ hiện về?

Học đại học, đi làm, lấy vợ sinh con..., tôi dần xa thị trấn. Một năm đếm lần trở về chỉ trên đầu ngón tay, song không vì thế mà ám ảnh về thị trấn phai đi trong tôi. Có lần đang đi giữa phố chợt nghe một tiếng còi tàu bỗng ngơ ngác giật mình nhìn quanh. Tôi thấy như mình đang đứng trên sân ga Mạo Khê chờ đón chuyến tàu khách từ Yên Viên về Hạ Long. Tiếng còi đẩy tôi vào một khung cảnh kí ức nào đó đã quên. Về người tuần đường không biết tên vẫn đi qua mảnh vườn nhỏ sau nhà của bố mẹ mỗi sáng sớm, cần mẫn nhìn từng thanh tà vẹt xem có bị cạy trộm, lấy chân gạt xuống đám đá bọn trẻ con nghịch ngợm xếp lên thanh ray, kiểm tra xem đèn tín hiệu xanh đỏ có còn nguyên vẹn... Người tuần đường trong thị trấn ấy cần có kí ức để sống một đời sống riêng trong cuốn sách của tôi. Tiếng còi vô tình phát ra từ điện thoại hay loa đặt trên ngọn cây nào đó giúp tôi tiến thêm một bước trong việc tìm kiếm nhân vật của mình. Những tìm kiếm tuồng như vô định mà rồi tất cả cứ xuôi mãi về thị trấn.

Chợt nhớ ở tiểu thuyết Nhụy khúc tôi cũng đưa phần lớn bối cảnh của thị trấn vào, như cái bàn, tờ giấy li hôn, cốc chén, khe cửa nhìn lén, rồi ngọn núi trên có ngôi mộ đá vô danh, cỏ nhụy khúc hư cấu từ chính loài mào gà trắng mọc đầy ở đường ray sau nhà. Và hơn hết trong tiểu thuyết đó tôi đã nói được phần nào câu chuyện của bố với người vợ trước, những day dứt thế hệ vương vấn rơi lại được gom vào rồi bày biện ra. Hai người yêu nhau lấy nhau nhưng rồi vì áp lực từ hai phía gia đình mà chia tay. Ngày đưa nhau lên tòa trên huyện li dị, hai người chở nhau đi, xong thủ tục trưa về còn bịn rịn vào quán ăn cơm. Bố ghi rõ bữa trưa ấy có cá kho riềng, thịt rang và canh rau cải. Rồi một người vào tận Rạch Giá - Kiên Giang lúc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, một người ở lại thị trấn bám lưng trên những vỉa than lộ thiên nằm chênh vênh lưng núi. Mười năm sau hai người vẫn thư từ qua lại. Mười năm sau lúc người trong Nam quyết định đi thêm bước nữa thì bố mới lấy mẹ tôi bây giờ. Trong mười năm ấy bố từ một người không uống được rượu những năm đi lính trở thành thần tửu của thị trấn. Ông uống rượu thay nước, uống bằng bát, đặc biệt thích loại rượu khê nồng vị đậm. Mười năm ấy ngoài thời gian đi làm, uống rượu, ông đọc sách và ghi nhật kí, cộng thêm việc chép lại những lá thư nhận được vì sợ mất thư gốc. Ông sống ở hai vùng trời khác nhau, vùng trời của hiện tại đời sống bao cấp khó khăn nặng nhọc và vùng trời của mơ tưởng lãng mạn sách vở. Ông dành phần ba tháng lương mua sách chứ không dành tiền cho một chuyến vào Nam. Ông sống lơ lửng trong vùng khí quyển của mình chẳng muốn thoát ra. Cho đến khi lấy mẹ rồi sinh tôi thì cái cảm giác dùng dằng trong ông mới dần mất. Ông đem tất cả sách mình có ra cuốn pháo đốt. Những Chiến tranh và hòa bình, Thép đã tôi thế đấy, Con trai người đánh cá, Jăng Krixtốp, Thủy hử, Ván bài lật ngửa… nổ giòn tiễn biệt ngày tháng cũ. Cuốn nhật kí mẹ nhanh tay giấu đi. Ngày tôi đi học đại học mẹ lén đưa tôi. Mẹ bảo: “Con còn anh cùng bố nữa, máu mủ chẳng bỏ được nhau.” Tôi ngỡ ngàng, hóa ra bố cùng vợ cũ năm xưa đã có với nhau mặt con. Bỗng nhận ra điều mình biết về quá khứ của người thân thôi mà nhiều khi cũng chẳng thấm tháp gì…

Tiểu thuyết, truyện ngắn của tôi từ lúc bắt đầu đến giờ đều dựa trên cái khung nền thị trấn, nguyên mẫu là những người tôi quen cùng những câu chuyện đã nghe. Tôi sợ nhỡ một ngày thị trấn biến mất, thì khi đó chẳng biết cái sự viết của tôi sẽ thế nào...

Đ.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)