Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Tiếng gọi Chư Tan Kra

Thứ Ba, 03/08/2021 09:25

. LỮ MAI

 

Trường ca Chư Tan Kra mây trắng (Nxb Hội Nhà văn, 2021) của tôi lấy cảm hứng từ câu chuyện về Trung đoàn mũ sắt - tên gọi quen thuộc của Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Trong trận giao tranh ác liệt với quân đội Mĩ ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày 26/3/1968, hơn 200 người lính Hà Nội của Trung đoàn đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hi sinh tại điểm cao 995.

Hơn nửa thế kỉ trôi qua, những người lính may mắn được trở về sau cuộc chiến đã bước sang tuổi thất thập, vẫn trăn trở khôn nguôi về đồng đội còn nằm lại chiến trường. Bắt đầu từ năm 2009, các cựu chiến binh đã mang theo nhiều tư liệu, quân trang, lương thực… để đi tìm đồng đội. Hành trình thầm lặng ấy giúp cho “đường về nhà” của các liệt sĩ gần hơn, nhiều gia đình đã tìm thấy hài cốt người thân, và đặc biệt, nhiều ngôi mộ tập thể của chiến sĩ Trung đoàn mũ sắt được phát hiện. Đồng hành với các cựu chiến binh là nhiều thân nhân liệt sĩ, những bạn trẻ tình nguyện viên và cả đoàn cựu binh Mĩ từng tham chiến tại Chư Tan Kra…

Tác phẩm của tôi bắt đầu từ chương Giấc mơ vụn tái hiện những giấc mơ lặp đi lặp lại, không theo trật tự tuyến tính của một cô gái trẻ là biên tập viên chương trình “Đi tìm đồng đội” - Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Xuyên suốt tác phẩm, thỉnh thoảng lại xuất hiện đoạn dẫn chương trình, hình ảnh, giọng nói của cô gái này, cả lời gửi gắm của những người lính trẻ trong mơ: chim Phí thấu lòng người đi/ chim Tia Chôm thấu lòng người ở lại/ ngày mai/ khi đồng đội anh ba lô tăng võng/ em nhớ lên đường… Nguyên mẫu nhân vật nữ biên tập viên là người bạn thân của tôi - Tiểu Thúy. Chị từng tham gia thực hiện chương trình “Đi tìm đồng đội”, gắn bó với câu chuyện chiến tranh, anh hùng liệt sĩ, hậu phương người lính… trên dưới chục năm. Đã nhiều lần tôi chứng kiến chị rút những đồng tiền cuối cùng trong túi để chuẩn bị đồ lễ bày lên ban thờ liệt sĩ, thăm nom gia đình các anh… Nghề báo vốn nhọc nhằn, với các phóng viên, biên tập viên một chương trình đặc thù như thế lại càng nhiều nỗi niềm, trăn trở. Bạn tôi đã hạnh phúc biết nhường nào mỗi lần nghe tin một gia đình tìm được hài cốt thân nhân. Chị cũng từng khuỵu xuống như sụp đổ trước nỗi đau thương, buồn tủi xung quanh những câu chuyện của người ở - người về từ các cuộc chiến tranh. Chuyển công tác sang cơ quan khác, bạn tôi vẫn đau đáu, thao thức với các hồ sơ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Chị gần như thuộc lòng từng cái tên, năm sinh, đơn vị và hoàn cảnh cụ thể. Chị không thoát khỏi câu chuyện đó. Mà nói cho chính xác hơn, chị chưa bao giờ muốn bước ra ngoài. Những ngày bạn bè bên nhau, từng chi tiết ngấm dần vào tôi, đến mức tôi tin câu chuyện đó thuộc về chính mình.

Nguyên mẫu thứ hai của Chư Tan Kra mây trắng là cựu chiến binh Hồ Đại Đồng - nhân vật mà nhiều năm nữ biên tập viên Tiểu Thúy gắn bó. Cựu chiến binh đã 70 tuổi, vẻ mặt nghiêm nghị quắc thước nhưng ánh mắt và nụ cười mủm mỉm ẩn giấu sự dí dỏm. Kí ức về trận giao tranh với Mĩ trên dãy núi Chư Tan Kra không bao giờ ông và những đồng đội may mắn được trở về có thể quên… Đôi mắt cựu chiến binh ngấn nước khi nhắc tới những ngôi mộ tập thể mà đồng chí của mình lúc ngã xuống đã bị quân địch thu gom, đốt và vùi lấp. Hơn 10 năm qua, ông cùng các đồng đội có tên trong trường ca như Chúc, Ngọc, Lục, Vĩnh, Linh… về lại chiến trường xưa để tìm hài cốt những người lính mũ sắt còn nằm lại. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận… nhưng đã lên đường thì lương khô, nước suối, rau rừng cũng chia nhau. Mọi kinh phí trong những chuyến đi đều do các cựu chiến binh tiết kiệm từ lương hưu, chế độ thương binh, tiền trà nước, quà sáng… Tuổi tác cao, sức khỏe yếu, đường xa, rừng thẳm… nhưng họ chưa bao giờ nói về nỗi vất vả của mình cũng như chưa bao giờ tìm nguồn tài trợ. Đó là hành trình đầy tự nguyện, thiết tha và tự trọng. Cách đây vài năm, khi đạo diễn Vũ Minh Phương (Điện ảnh Quân đội nhân dân) xin theo đoàn cựu chiến binh để làm phim tài liệu thì “bố” Đồng đã nhắc ngay trước lúc lên đường: “Con muốn quay gì thì quay, tuyệt đối không làm ảnh hưởng tới việc của các bố. Các bố vào Chư Tan Kra không phải để làm diễn viên, để trả lời phỏng vấn.” Sau nhiều nỗ lực, thành quả mà nam đạo diễn nhận được là giải Bông sen bạc cho hạng mục phim tài liệu tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 diễn ra vào cuối năm 2019.

Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ các cựu chiến binh đi tìm đồng đội dựa vào kí ức đánh trận. Nhưng điều khiến tôi bất ngờ là trong phương pháp tìm kiếm của những cựu chiến binh như ông Hồ Đại Đồng thì kí ức chỉ là một phần. Những người lính già ở độ tuổi thất thập vẫn rất minh mẫn, thông tuệ. Mỗi ngày, họ dành nhiều giờ đồng hồ làm việc với công nghệ thông tin, cập nhật, khai thác tư liệu phía Mĩ giải mật, rồi tư liệu của quân đội ta, kết hợp cả nguồn dữ liệu từ địa phương nơi xảy ra trận đánh, từ gia đình thân nhân liệt sĩ… Các phương pháp mới cho độ chính xác cao như chọn tọa độ chuẩn tìm dung sai, tọa độ bản đồ quân sự, tọa độ thiết bị định vị GPS… đều được áp dụng. Các “bố” trong nhóm cựu chiến binh tìm hài cốt đồng đội còn có một đàn “con”. Toàn những kĩ sư, chuyên gia công nghệ, bản đồ “ẩn danh”. Họ đến từ nhiều vùng miền, mỗi người một công việc riêng, nhưng không ai lên mặt báo, sóng truyền hình, phát thanh... Hễ khi nào có việc, các “bố” chỉ cần gọi một tiếng, lập tức đàn “con” có mặt, triển khai công việc nhanh chóng, chuẩn xác, hăm hở ba lô tăng võng lên đường. Khi cả đoàn vào đến Tây Nguyên, sẽ có thêm một đàn “con” khác trẻ trung, sôi nổi, nhiệt tình nhập cuộc. Đó là các chiến sĩ của những đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn từng diễn ra trận đánh. Hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thường được tiến hành vào mùa khô, gió cao nguyên thổi bạt người, nắng như rót lửa xuống đỉnh đầu cháy khét, ai lạ nước vừa ngả lưng xuống võng đã sốt sôi sùng sục lên ngay. Không phải chuyến đi nào cũng may mắn tìm được đồng đội. Và cũng không phải cứ tìm được là có thể mang hài cốt trở về… Những cựu chiến binh quay mặt hướng khác và khóc. Ở những ngôi mộ tập thể, đất đen đã quyện vào nhau. Nhiều hài cốt đồng đội đã hoàn thổ. Khối đất đen dựng đứng hình người, dưới cùng lưỡi xẻng mòn sắp tan vào đất là liệt sĩ Tản, bị bom vùi trong hầm cá nhân. “Tản đã đứng hơn bốn mươi năm, chắc mỏi chân lắm đấy!” - cựu chiến binh già nói ngắt quãng và im lặng rất lâu.

Hồ Đại Đồng quê gốc miền Trung, hai tuổi đã mồ côi mẹ, theo bố ra Hà Nội định cư. Khi tôi hỏi “Ở chiến trường, ông hay nghĩ về điều gì nhất?”, ông đáp “Tôi nghĩ về lời ru. Lời ru tôi chưa bao giờ được nghe từ mẹ. Đồng đội tôi cũng chẳng kịp nghe khi ngã xuống chiến trường…” Trận đánh Chư Tan Kra quá khốc liệt. Chỉ trong chớp nhoáng, máy bay trực thăng, phản lực của Mĩ đã đồng loạt dội bom. Súng phóng lựu, súng máy, pháo… đua nhau nã. Bộ đội hi sinh khi chưa kịp nghĩ gì, chỉ xông pha như lần cuối. Hết nghĩ về lời ru, cựu binh lại ước, giá mà đồng đội của ông có thể thốt lên được hai tiếng “Mẹ ơi!” - tiếng gọi đầu tiên, tiếng gọi cuối cùng, ngọn nguồn của hi sinh và sức mạnh. Tôi thực sự ám ảnh chi tiết này, nên chương cuối cùng của trường ca tôi đặt tên là Mẹ. Chương cuối như khúc vĩ thanh, không đánh số khúc đoạn, và kết thúc lại bằng hai tiếng “Mẹ ơi!”

Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng đọc bản thảo cho tôi tới năm lần. Lần cuối, khi ông gửi lại bản thảo, tôi mang tặng ông những loài cây được bộ đội Trường Sa gửi về từ ngoài đảo, mới cao chừng hơn một gang tay: bàng quả vuông, bão táp, tra, mù u… Mỗi lần qua nhà ông, nhìn ra ban công nhỏ xinh toàn màu xanh cây lá, tôi hiểu ông rất giống bố tôi và bao người lính khác: trở về từ chiến trường rất thích chăm sóc những mầm xanh. Ông vui lắm, rưng rưng xúc động, nhưng ngay sau đó đã ôn tồn đề nghị: “Chú nhận tấm lòng của cháu, nhưng cho chú được tặng đồng đội những cây này được không? Cây ngoài đảo xa quý lắm, chú cần chia sẻ…” Mấy ngày sau, một trong số các “con” của nhóm cựu chiến binh tiết lộ với tôi: “Bố Đồng giao cho mấy đứa con chăm cây thật khỏe, thật tốt, để mùa khô này vào Chư Tan Kra ông sẽ trồng trên đỉnh gió cho những ai nằm lại được ngắm nhìn. Ông tin rằng cây của biển vẫn vươn xanh nơi núi rừng.”

Cũng như các “bố”, mỗi người “con” trong câu chuyện đi tìm liệt sĩ có một hoàn cảnh riêng. Nguyên mẫu của đoạn thơ vang lên bao câu hỏi các chú có gặp nhau không?/ có trò chuyện nhiều không?/ có nhớ đường về nhà mình?... là anh Trương Đức Bình. Anh có hai người chú là liệt sĩ Trương Đức Chính (sinh năm 1948) và Trương Văn Khánh (sinh năm 1950), đã hi sinh trên đỉnh gió Chư Tan Kra. Một người chú khác chiến đấu tại đây, trở về là thương binh. Liệt sĩ Trương Văn Khánh nhập ngũ năm 17 tuổi và hi sinh năm 18 tuổi. Câu cuối “Hẹn ngày trở về khi Tổ quốc đã thống nhất” trong một bức thư của liệt sĩ gửi về luôn khiến anh Bình và gia đình rơi nước mắt. Người nhận được bức thư gửi từ mặt trận từng nói với bố anh Bình trước lúc Trương Văn Khánh nhập ngũ: “Khánh đi là sẽ khó trở về. Hãy suy nghĩ thật kĩ... vì hai anh ruột của Khánh đang trong quân ngũ rồi...” Những năm qua, người cháu ấy đã cùng các cựu chiến binh tìm hài cốt liệt sĩ. Anh Bình vẫn chưa tìm được hai chú của mình, nhưng trong hành trình đầy yêu thương và trắc ẩn, anh dần nhận ra rằng, tất cả liệt sĩ đều như ruột thịt.

Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh những người lính già và các “con” bần thần nhìn cốc bia sủi bọt trào ra như gợn sóng. Họ giữ trên tay cuốn sách của tôi, tự nhủ, mình vẫn còn may mắn hơn bao người nằm xuống, cũng lại may mắn hơn bao người trở về mà toàn bộ phần hồn gửi mãi vào đất cao nguyên. Vì một vài lí do, những nguyên mẫu đó không có tên cụ thể trong trường ca, nhưng được khắc họa đầy chân thực: người lính một mình một bóng/ lâu lâu ú ớ mơ màng/ ngả từng khúc cây khô đẽo gọt/ rồi gục đầu bất giác gọi tên/ - chúng mày về cả đây đi/ tao không đủ sức sống thay ai được nữa… Những người lính ám ảnh từng trận đánh, từng tư thế đồng đội hi sinh bên gốc cây săng lẻ trắng toát, rồi cứ ôm mãi từng gốc cây, bới từng cụm cỏ. Đồi săng lẻ ngày xưa nay lan rộng cả vạt rừng lớn, nên đôi chân mòn mỏi già nua phải bước đi nhiều hơn. Cứ nơi nào có săng lẻ, họ tin nơi đó bạn đang nằm.

“Có khi nào cuộc tìm kiếm chỉ diễn ra bằng cảm giác, bằng những giấc mơ mà có kết quả không?” Câu hỏi này của tôi kéo các cựu chiến binh về thực tại. Họ cùng đáp: “Có, mà không chỉ một lần…” Đó là khi đã dò hết bản đồ, tọa độ, khử dung sai, đối chiếu tài liệu… mà cánh lính trẻ đào lên chẳng có dấu hiệu gì. Một ngày, hai ngày… Rồi một đêm, các cựu chiến binh mơ có đoàn quân đầu đội mũ sắt, mặc áo Tô Châu hành quân ngược chiều nước chảy, từ suối lên dần lưng núi thì dừng lại và mất hút. Nửa đêm cứ tỉnh giấc, chợp mắt, giấc mơ lặp lại ba lần. Sáng hôm sau, họ tập hợp lại, mỗi người giữ trên tay một lá cờ Tổ quốc và cũng bắt đầu hành quân ngược chiều nước chảy. Từ đoạn suối gần mình nhất lên dần lưng núi. Những người lính năm xưa dừng lại ở một điểm, bằng cảm xúc chung đang trào dâng. Nơi đó, bộ đội đào xới, gặp ngay những khối đất đen xen lẫn mạch xương trắng. Từng đôi bàn tay gầy gò run run nâng giữ. Tất cả đồng thanh thốt lên: “Đồng đội ơi!”.

L.M

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)