Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Ơi cô gái "Thì Thương"

Thứ Bảy, 04/07/2020 10:41

CHÂU LA VIỆT

(Về nguyên mẫu cô gái mở đường trong bài hát Đường Trường Sơn xe anh qua của nhạc sĩ Văn Dung)

Ngày ấy chiến tranh đã vào hồi quyết liệt. Cả đất nước như cùng lên đường hành quân vào Trường Sơn, ra chiến trường. Trong những đoàn quân ấy, có những đoàn quân nghệ thuật. Nhạc sĩ Văn Dung cùng một đoàn bảy nhạc sĩ từ Hà Nội cũng khoác ba lô vào chiến trường. Có buổi họ đến một tiểu đoàn công binh ở một trọng điểm được mệnh danh là “túi bom”. Đón họ trong căn hầm nửa chìm nửa nổi của ban chỉ huy giữa rừng, Tiểu đoàn trưởng với dáng người vạm vỡ, bộ râu tua tủa chứng tỏ nhiều đêm không ngủ, xiết chặt tay từng nhạc sĩ, giọng nói trầm vang hết sức hoan hỉ: “Nói thật chứ cả đời tôi cũng chửa bao giờ nằm mơ được gặp những nhạc sĩ lừng danh thế này. Xin chào các anh Lê Lôi, Tân Huyền, Hồng Đăng, Chu Minh, Tô Hải, Văn Dung… Chúng tôi được hát các bài hát của các anh từ bé, trưởng thành cùng những bài ca ấy… Hôm nay lại được đón các anh giữa Trường Sơn đạn lửa thế này, vinh dự và xúc động lắm…”. Ông tự tay rót nước mời từng người. Rồi giục giã bộ phận nuôi quân mang ngay cháo nóng lên thết đãi. Các nhạc sĩ của chúng ta vừa trải qua một chặng đường dài và những đêm thức trắng trên đường, có vẻ mệt mỏi. Nhưng trước thịnh tình ấy của người mặt trận, ánh mắt ai cũng tươi vui và trìu mến. Họ cũng không nghĩ rằng có một ngày họ đứng giữa Trường Sơn thế này. “Bây giờ xin phép các anh tôi phải ra mặt đường. Đồng chí Thắng, Chính trị viên sẽ giới thiệu với các anh về thành tích đơn vị, về cuộc sống chiến đấu của những chiến sĩ Binh đoàn Trường Sơn… Báo cáo với các anh tinh thần của Bộ chỉ huy mặt trận là tạo mọi điều kiện để các nhạc sĩ có những sáng tác tốt. Nhưng cũng phải đảm bảo đến mức cao nhất sự an toàn cho các nhạc sĩ. Là người lính, tôi hiểu các nhạc sĩ từ giờ phút này kể như cũng đang bước vào một cuộc chiến đấu…”. Chiều hôm ấy, theo đề nghị của các nhạc sĩ, tiểu đoàn đưa các anh xuống đại đội của các cô gái thanh niên xung phong (TNXP) chốt giữ tại đèo Mây, một trong những trọng điểm ác liệt nhất của tuyến đường. Khỏi phải nói các cô gái TNXP ở đây đã vui thế nào khi có những người khách quý, lại là những văn nghệ sĩ họ hằng yêu thích đến với họ nơi mặt trận. Một bữa tiệc được tổ chức ngay trong lòng hang ẩm ướt và có phần lạnh lẽo vì thiếu ánh nắng mặt trời. Một ngọn lửa được nhóm lên, những ca nước nóng lá rừng được rót mời khách, và chuyện trò, đàn hát vô cùng rôm rả… Ngồi bên cạnh nhạc sĩ Văn Dung là một cô gái trẻ, rất xinh, mắt lấp lánh như sao trời (cũng có thể vì trong hang ánh sáng lờ mờ nên nhạc sĩ nhìn thấy vậy). Cô gái mời nhạc sĩ uống nước bằng một chiếc ca được gò bằng ống pháo sáng. Nhấp ngụm nước lá

Nhạc sĩ Văn Dung

rừng tuy có ngai ngái, nhưng nhạc sĩ của chúng ta vẫn thốt lên: “Thơm quá, uống ngọt lịm như trà Thái Nguyên ấy nhỉ”. “Vậy à anh?”. Cô gái hồn nhiên nói: “Em thì chưa được uống trà Thái Nguyên bao giờ. Chỉ chè xanh quê nhà thôi”. “Thế quê em ở đâu?”. “Ở Quảng Bình anh nờ. Đơn vị em đây đều là người quê bọ Quảng Bình”. Như một phản ứng, nhạc sĩ Văn Dung cười cười nhìn vào mắt cô gái, và se sẽ cất lên khúc hát của một nhạc sĩ đàn anh cũng công tác ở Đài: Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới/ Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi/ Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt/ Có nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa… “Trời ơi, anh hát hay quá. Đúng là nghệ sĩ trung ương” - cô gái thốt lên. Nhạc sĩ thừa hiểu giọng mình cũng chỉ thuộc loại giọng thuốc lào thôi, nhưng có lẽ bởi hát trong bối cảnh như thế cho nên nó làm xôn xao tâm hồn cô gái, và được cô ngợi ca. Anh vui vẻ tiếp chuyện: “Thế ở Quảng Bình, em ở huyện nào?”. “Dạ! Chị em chúng em đây đều là cùng huyện Lệ Thủy cả anh nờ. Rồi cùng tình nguyện đi TNXP lên ni. Chúng em đã gắn bó với con đường này ba năm nay rồi. Đêm mô cũng ở trên mặt đường” - cô gái xúc động tâm sự. “Thế tên em là gì nhỉ?”. “Thi, em tên là Thi, Nguyễn Thị Thi”. Nhạc sĩ lại cười cười: “Cho anh gọi em là Thường Thi nhé”. “Răng mà anh gọi em rứa? Em là Nguyễn Thị Thi thôi mà. Chắc cha em yêu thơ ca nên đặt em rứa đó”. Rồi một lúc như ngẫm nghĩ điều gì, cô gái bỗng thốt lên: “Cái tên Thường Thi anh đặt cũng hay đó”. Nhạc sĩ được khen, bỗng bạo dạn hơn: “Em có biết vì sao anh gọi em là Thường Thi không? Thường Thi là “Thì Thương” em ạ…”. Cô gái phá lên cười: “Đúng đúng đó anh. Em xấu như ri có ai thương em mô. Hai mươi tuổi mà chưa một lần được yêu. Có khi anh gọi em là “Thường Thi” may lại có anh mô “thì thương” em đó…|”. Tiếng cười cô gái lanh lảnh, hệt như câu thơ của một nhà thơ Trường Sơn: Không có tiếng cười nào/ Vang hơn tiếng cười trong hang đá… Thế rồi buổi giao lưu kết thúc, tất cả vác cuốc xẻng và choòng lên mặt đường. Trời đã sẩm chiều. Mặc dù biết hiểm nguy, nhưng các nhạc sĩ cứ nằng nặc đòi lên mặt đường, chứng kiến con đường đèo Mây và cuộc chiến đấu của các cô gái. Họ lặng lẽ đi phía sau theo con đường lên đỉnh núi. Còn ở phía trước, là các cô gái tóc bay bay trong gió, và không hiểu do thói quen hay niềm phấn hứng nào đó, các cô vừa đi vừa hát, ngược lên đỉnh núi mà vẫn hát. Tiếng hát cứ lanh lảnh theo gió cuốn bay xa… Nhìn theo bóng Thường Thi đi cùng các bạn và đang hòa giọng hát, một câu hát cũng vang lên trong nhạc sĩ Văn Dung: Ơi cô gái Thì Thương/ Bao đêm em đi mở đường/ Cho từng chuyến xe qua/ Ngân giọng hát em bay xa… Bóng đêm ập xuống từ lúc nào. Bỗng có tiếng máy bay từ xa vọng lại. Rồi tiếng súng cao xạ và những luồng đạn vút lên từ trận địa cao xạ dưới chân núi. Các nhạc sĩ chỉ kịp nghe tiếng “Chạy đi”, rồi có những bàn tay kéo họ vào những căn hầm đã đào sẵn ở hai bên đường. Văn Dung cũng có một bàn tay rất nhanh kéo anh đi, rồi bàn tay ấy đẩy anh vào căn hầm, và khi nghe tiếng bom rầm rầm bên ngoài, căn hầm rung chuyển, thì cũng chính cái bóng hình mảnh mai ấy đã che ngay nơi cửa hầm, phòng mảnh bom bay vào để che chở cho các anh. Nhờ ánh lửa của bom đạn dội vào, anh nhận ra người con gái ấy chính là Thi, là Thường Thi. “Các anh cứ yên tâm. Đêm mô chúng em cũng như vậy. Nhưng không sao đâu”. Cô gái bình tĩnh nói như để trấn an các anh... Ở bên ngoài, bom đạn vẫn dữ dội. Căn hầm vẫn rung lên bởi những loạt bom nổ cận kề. Tiếng máy bay vẫn gầm rít. Những trận địa pháo bắn lên quyết liệt. Cho tới rất lâu sau, bốn bề mới dần yên tĩnh. Lũ máy bay giặc đã cút, để lại đất đá ngổn ngang, những hố bom sâu hoắm, và những đám lửa cháy bập bùng hai bên đường. Từ lúc nào, Thi và các cô gái TNXP đã lao ra mặt đường, tay cuốc, tay choòng, phá đá, lấp những hố bom để kịp cho những đoàn xe đã nối dài dưới chân đèo vượt qua. Mặt đường đêm hối hả. Bình minh đã rạng từ lúc nào, đôi chim chóp bóp từ cánh rừng xa thôi gọi nhau và những tia nắng ban mai đã bắt đầu hừng lên. Sáng hôm ấy, đoàn nhạc sĩ phải lưu luyến chia tay các cô gái TNXP để hành quân sang một trung đoàn xe vận tải. Trước lúc chia tay, không hiểu sao Thi biết nhạc sĩ Văn Dung rất yêu thích phong lan, nên tự lúc nào đã vào rừng hái một giò phong lan nở hoa tím rất đẹp tặng anh. Nhạc sĩ đón giò hoa, quá xúc động, bỗng nói với cô gái rằng: “Em nhắm mắt lại đi”. Cô gái không hiểu vì sao nhạc sĩ lại đề nghị như vậy, nhưng vì quý trọng anh, cô vẫn nhắm mắt lại. Nhạc sĩ đặt lên trán cô một nụ hôn… Cả cô, cả nhạc sĩ khi ấy đều không hay biết rằng: Đấy là nụ hôn đầu tiên của cuộc đời cô, và cũng là nụ hôn cuối cùng của người nữ TNXP này… Bởi ít ngày sau, khi đoàn nhạc sĩ đang ở một trung đoàn vận tải gần đó, có một đêm họ như nghe tiếng bom dữ dội vọng về từ đèo Mây. Linh tính cho họ hay, quân thù lại đánh phá quyết liệt đỉnh đèo này. Và chỉ ít phút sau, tin về cho các anh hay: Những trận bom B52 dã man của quân thù đã cướp đi tất cả đại đội TNXP ấy… Trái tim nhạc sĩ nhói lên đau đớn. Đã nửa đêm, cánh rừng nơi anh ở bàng bạc ánh trăng. Anh lặng lẽ như người mộng du đi ra cửa rừng. Nơi ấy có thể nhìn lên đèo Mây, nơi ấy có thể nhìn thấy Thi và những đồng đội của em. Câu hát dang dở hôm nao bỗng vang lên trong anh: Ơi cô gái Thì Thương/ Bao đêm em đi mở đường/ Cho từng chuyến xe anh qua/ Vang giọng hát em ngân xa… Trong niềm đau xót tiếc thương vô hạn ấy, những câu hát tiếp nối cứ vang lên trong anh, vì anh muốn có một bài ca ngợi ca Thi và những đồng đội của em: Tuổi thanh xuân đến với núi rừng/ Dù bom rơi mưa giông nắng lửa/ Vượt hiểm nguy em băng băng qua/ Mở đường xe anh ra tiền tuyến và lồng vào đấy là tâm sự của chính anh: Anh qua bao núi cao/ Anh qua bao dốc đèo/ Đường anh đi mang tình em/ Như tình quê hương nâng bước ta đi/ Đường in trong tim anh/ Đường in dấu chân em… Khi đến câu ấy, anh bỗng sững lại, rồi khóc nấc lên, nước mắt thấm đầy ánh trăng ướt đầm hai má. Anh không thể viết được nữa, dù anh rất muốn viết, tha thiết muốn viết, vì đó không chỉ là tình cảm, mà còn là sứ mệnh của người nhạc sĩ trong anh… Phải rất lâu sau, anh mới trấn tĩnh lại để viết cho xong câu cuối của bài hát, có một chút chỉnh lí, thay vì Ơi cô gái Thì Thương, bao đêm em đi mở đường, anh sửa lại là Ơi cô gái Trường Sơn, bao đêm em đi mở đường. Bởi vì trong những cô gái Trường Sơn ấy, đã có Thì Thương của anh. Rồi anh nằm xuống bãi cỏ ngay chính nơi cửa rừng bàng bạc ánh trăng, chỗ có thể nhìn lên con đường đèo Mây xa vời kia, nơi Thì Thương và các bạn em vừa nằm xuống, để hát cho em và những đồng đội của em nghe. Anh úp mặt xuống bãi cỏ và hát. Khẽ khàng, tinh tế, xúc cảm. Nhạc sĩ hi vọng Thường Thi và các bạn em đang nằm trong lòng đất sẽ nghe rõ tiếng hát của anh vọng tới. Ơi cô gái Trường Sơn/ Bao đêm em đi mở đường…

 

C.L.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)