Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Nhân vật Anna Karenina và sự soi chiếu từ nguyên mẫu đời thực

Thứ Tư, 21/12/2016 00:56
. NGUYỄN THỊ HỒNG​ HOA

Lev Tolstoy - “con sư tử” của văn học Nga thế kỉ XIX - đã tạo ra những tác phẩm vĩ đại từ chất liệu tươi ròng của đời sống. Mỗi nhân vật được ông khắc họa luôn trở thành những điển hình nghệ thuật bất diệt, có tác động sâu đậm đến mọi tầng lớp xã hội. Trong số này, Anna Karenina được coi là một tiểu thuyết hiện thực xuất sắc, phản chiếu xã hội Nga sau cải cách nông nô vào giữa những năm 70 của thế kỉ XIX, vừa lột trần bản chất mục ruỗng của giai tầng phong kiến, vừa bóc mẽ sự huênh hoang rởm đời của giai cấp tư sản đang lên. Nhân vật chính của tiểu thuyết là điển hình cho số phận người phụ nữ Nga thế kỉ này, những người dám yêu, dám sống hết mình nhưng rốt cục vẫn không quẫy đạp thoát ra nổi thế giới tàn nhẫn, đầy những giả dối, lọc lừa.
 
15823480
Nàng Anna Karenina trong minh hoạ  tác phẩm của nhà văn Lev Tolstoy

Xây dựng nhân vật Anna Karenina, Lev Tolstoy đã lấy nguyên mẫu từ một người phụ nữ có thật là bà Maria Alexandrovna Gatun - người con gái đầu lòng được thi sĩ Pushkin hết mực yêu thương. Điều này lí giải vì sao khi đến tham quan bảo tàng quốc gia về nhà văn vĩ đại ở Moskva, người ta có thể được ngắm chân dung của bà Maria trong phần giới thiệu cuốn tiểu thuyết Anna Karenina. Có thể nói, nàng Anna trong tiểu thuyết của Tolstoy đã “mượn” những nét ngoại hình nổi bật của bà Maria Gatun và đại văn hào của chúng ta vô cùng thích thú khi sử dụng những chi tiết miêu tả lấy chất liệu từ hiện thực.

Đây là lời kể của bà Tachiana - em vợ nhà văn - trong cuốn sách Cuộc sống của tôi ở Iaxnaya Poliana:
“Cửa ra vào ở phòng đệm mở ra, một bà khách lạ mặc áo nhung đen có viền đăngten bước vào. (…) Người ta giới thiệu tôi với bà. Lev Nikolaievic còn ngồi bên bàn. Tôi nhận thấy ông chăm chú nhìn bà khách như thế nào. Đi đến bên tôi ông hỏi:
Ai đấy?
Bà Gatun, con gái nhà thơ Pushkin.
Chà, ra là thế - ông dài giọng - bây giờ thì tôi hiểu… cô hãy nhìn xem bà ấy có những búp tóc Arap sau gáy đó. Những búp tóc thuần chủng lạ lùng”.

Những ấn tượng về người phụ nữ quý phái, quyến rũ trong cuộc gặp gỡ tình cờ ấy đã trở thành những hồi ức mãnh liệt, khơi gợi cảm hứng sáng tác cho Tolstoy - như chính ông từng tâm sự:
“Ngày ấy, cũng vào giờ này đây, sau bữa cơm trưa trên chiếc đivăng, tôi nằm thiu thiu đang cố đấu tranh với cơn ngủ trưa, không hiểu sao bỗng nhiên xuất hiện trước mặt tôi cái khuỷu tay để trần xinh đẹp của một người phụ nữ quý tộc. Bất giác, tôi bắt đầu ngắm nhìn. Thế là đôi vai, cái cổ và cuối cùng toàn thân người đàn bà kiều diễm trong bộ quần áo vũ hội hiện ra, hình như cứ nhìn chằm chằm vào tôi, với đôi mắt buồn thảm như van nài. Thế rồi đôi mắt tuy đã biến mất, nhưng tôi không thể nào quên được cái ấn tượng ấy, nó cứ bám chặt lấy tôi suốt ngày đêm và để thoát khỏi cái nhìn ấy tôi phải tìm cách thể hiện nó. Đấy là điểm khởi đầu của Anna Karenina”.

Thật thú vị là khi đọc tác phẩm, người đọc không khó nhận ra những đường nét đặc trưng về “chiếc áo viền đăng ten” và “búp tóc thuần chủng” của Maria trong những dòng miêu tả sắc nét về Anna:
“Anna không mặc màu hoa cà như Kitty muốn, nàng mặc áo nhung đen cổ hở rất nhiều, để lộ đôi vai, bộ ngực tuyệt đẹp như tạc trên ngà voi, cổ và đôi cánh tay tròn với cổ tay nhỏ nhắn. Áo nàng đính toàn ren Vonido. Trên mớ tóc đen không chút cầu kì, gài dải hoa păngxe nhỏ, cùng một dải hoa như vậy chạy trên nền nhung đen chiếc thắt lưng, giữa hàng đăngten trắng. Tóc nàng chải rất giản dị, chỉ trang điểm mấy búp nhỏ xõa xuống thái dương và gáy. Chuỗi hạt trai quấn quanh cổ nàng rắn chắc và tuyệt đẹp”.

Tolstoy đã tạc lại chân dung của Anna trên trang viết giống hệt như họa sĩ Nakaro đã từng vẽ Maria Gatun ở thời điểm năm 1860 khi bà đã lấy chồng được vài năm.

Nhưng cần phải nhấn mạnh một điều, tài năng của Tolstoy là ở chỗ ông đã không bê nguyên xi hiện thực đời sống thô ráp vào tác phẩm mà luôn có sự tìm tòi, tưởng tượng, tái hiện và khắc họa nhân vật theo  điển hình nghệ thuật đúng nghĩa. Anna có thể giống Maria về ngoại hình nhưng tuyệt nhiên không giống về tính cách và số phận. Maria lấy chồng, hạnh phúc trong sự lựa chọn của mình còn Anna thì không. Maria chỉ bất hạnh khi người chồng của cô tự sát oan uổng nhưng Anna thì đau khổ kiệt cùng khi không có được tiếng nói chung với người chồng vô cảm, vô tâm. Sức tưởng tượng vô hạn và tấm lòng vĩ đại của Tolstoy đã tạo nên một nhân vật là hợp thể của những nguyên mẫu khác nhau nhằm chuyển tải những ý đồ mà nhà văn muốn thể hiện. Như sau này vợ ông kể lại:
“Tối hôm qua, anh ấy nói với tôi rằng anh đã hình dung ra một người đàn bà có chồng thuộc xã hội thượng lưu nhưng bị sa ngã. Anh nói rằng nhiệm vụ của anh là làm cho người đàn bà ấy chỉ đáng thương mà không đáng tội và khi anh vừa hình dung được ra như thế thì tất cả những nhân vật và những loại đàn ông mà anh hình dung trước kia đều tìm được vị trí của họ và tập trung quanh người đàn bà ấy”.

Vậy đó, chính trí tưởng tượng kì diệu đã dẫn dắt thiên tài Lev Tolstoy sáng tạo nên cuốn tiểu thuyêt xuất sắc này. Cùng với sự trải nghiệm của mình, từ những điều trăn trở trong tâm trí, ông đã tưởng tượng trên cơ sở những điều có thật. Từ  “vẻ dịu dàng thùy mị lạ lùng trên bộ mặt yêu kiều, cặp mắt xám long lanh nhưng xẫm lại dưới bóng đôi hàng mi dày, sức quyến rũ kì lạ đến ma quái” của nàng Anna đến “đôi tay đầy mồ hôi” của bá tước Karênin, sự vô tư của ông Oblônxki... tất cả đều là những chi tiết thật đã được tổ chức và tái hiện lại qua trí tưởng tượng sống động của nhà văn.

Qua những trang viết, chúng ta như được thả mình vào dòng đời của nàng Anna. Anna là người đàn bà không được hưởng hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Vì hoàn cảnh bố mẹ mất sớm, nàng buộc phải lấy bá tước Karênin, “lấy chồng không phải vì tình yêu hoặc không hề biết đến tình yêu”, đành chấp nhận một nếp sống “yên ổn nhưng buồn tẻ, sang trọng nhưng u uất”. Tám năm trời đằng đẵng bên người chồng vô vị, chưa lúc nào ngọn lửa sống nhiệt thành có thể lụi tắt trong tâm hồn nàng. Tận đáy lòng, nàng đã tự nhủ về quyền được hưởng hạnh phúc của mình: “Sống không phải là tội ác, rằng Chúa đã tạo ra cho mình là người như vậy, mình cần phải sống và yêu”. Nên ngay sau cuộc khiêu vũ với Vrônxki ở Moskva, trái tim nàng đã xao động và nhen nhóm một khát vọng yêu đương. Buổi đầu nàng cố cưỡng lại những xao động này. Vì chính nàng cũng đang bị ràng buộc bởi biết bao quy ước khắt khe của lễ giáo phong kiến và nhà thờ. Anna do dự, đã từng tìm gặp Vrônxki để yêu cầu chấm dứt, từng “cảm thấy mình có lỗi”. Nhưng rốt cục, niềm khao khát tiềm ẩn trong “người đàn bà trẻ trung, có ánh sáng ma quỷ trong tâm hồn” ấy đã bùng lên và tình yêu đã giành phần thắng. Kể từ đây, nàng chấp nhận hi sinh cho tình yêu, gạt bỏ hết mọi ràng buộc lễ giáo và “kiên quyết không dừng lại trước bất cứ một cái gì trên con đường tội lỗi của mình”.

Tất cả những chi tiết trên đây đều là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú nhưng bất kể ai khi đọc tiểu thuyết này đều có thể tìm ra một mảnh tâm hồn mình trong bóng dáng Anna. Những khao khát sống của nàng, những hình dung và ước vọng của nàng về tình yêu dường như cũng thật như chính bản thể của ta. Đó là vì khi tưởng tượng và xây dựng ra các nhân vật, nhà văn Tolstoy đã nhập thân và đặt mình vào logic phát triển tâm lí của họ một cách trọn vẹn.

Nói như nhà văn: “Các tính cách con người luôn luôn vận động, những người bình thường không hề chú ý đến sự phân tán riêng biệt của họ, còn nhà nghệ sĩ thì phải biết nắm được những nét điển hình và giúp chúng ta phân tích các tính cách con người. Điều này có ý nghĩa lớn lao về nghệ thuật”. Thật không phải ngẫu nhiên mà nhân vật Anna giàu sức biểu trưng và ám ảnh như thế. Phép biện chứng tâm hồn đã dựng nên nét chân dung bên trong của nhân vật, khiến cho ta không thể nào quên được những diễn biến tâm lí tinh tế, những suy nghĩ phức tạp, những đoạn độc thoại nội tâm mang đầy tâm trạng.

Như vậy, với mỗi nhà văn, việc tìm được cho mình một nguyên mẫu để đưa vào tác phẩm đều thật cần thiết và đáng quý. Nhưng nguyên mẫu chỉ là điểm gợi hứng, điểm bắt đầu cho sự sáng tạo, nó không thể trùng khít với nhân vật trong tác phẩm. Một nhà văn tài năng luôn biết gạn lọc, tìm tòi những nguyên mẫu khác nhau từ đời sống để xây dựng nên những nhân vật điển hình có giá trị bền vững với nhân loại. Và Tolstoy chính là một thiên tài như thế.

T.T.H.H

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)