Từ nguyên mẫu đến nhân vật

NHÂN VẬT ĐÃ CHẾT?

Thứ Năm, 04/09/2014 07:44

.Nhà văn, họa sĩ ĐỖ PHẤN

Nhà văn Đỗ Phấn (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)Bàn luận về những chuyện bếp núc của nghề văn là việc tôi không thể. Đơn giản vì chẳng được học hành gì. Nhưng Tạp chí Văn nghệ Quân đội có nhã ý dành cho tôi một ý kiến nhỏ trong chuyên đề khảo sát hành trình nhân vật có thực ngoài đời đã đi vào tác phẩm văn học như thế nào, tôi sẽ kể lể như thế này:

Tất cả những người cầm bút ở thế hệ chúng tôi kể cả bút sắt và bút lông đều được học những bài vỡ lòng về chức năng của văn học nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Đại khái có 5 chức năng gì đó. Lâu quá rồi tôi không thể nhớ hết. Nhưng có một nguyên lí cơ bản của việc sáng tác là chỉ phản ánh những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình ở xu thế tiến bộ. Tranh đấu vì sự tiến bộ và hạnh phúc của con người. Thực ra về sau tôi thấy nguyên lí này có mặt ở hầu hết các nền nghệ thuật không phải xã hội chủ nghĩa. Hoặc ít ra cũng làm gì có văn học nghệ thuật nào chống lại hạnh phúc con người. Vì thế không cần phải thuộc bài lắm thì cũng khó mắc sai lầm khi tâm tư tình cảm của mình dành cho tác phẩm chưa bao giờ xa rời mục đích nghệ thuật và nhân văn.

Với người học vẽ, cách thức tìm đến nhân vật của mình dĩ nhiên không thể thông qua lời nói, câu chữ. Họ buộc phải đọc được từ nhân vật trước mắt những đặc điểm, hình dáng, biểu cảm, từ đó ghi chép bằng hình ảnh để thể hiện vào tác phẩm. Tôi có 40 năm cầm bút vẽ, quan sát và ghi nhớ là công việc hàng ngày. Giờ có thêm nhiều phương tiện kĩ thuật ngoài chiếc bút chì ra thì tư liệu có phần phong phú hơn. Nhưng để dùng nó thì vẫn còn phải trải qua nhiều công đoạn lao động vất vả nữa.

Nhân vật của nghệ thuật tạo hình nếu được diễn tả đến một chuẩn mực nào đó bằng ngôn ngữ hội họa có lẽ cũng sinh động không kém gì nhân vật văn học. Tuy nhiên, hội họa gặp trở ngại nhất là nhận thức của người thưởng ngoạn. Số người biết và có đủ kiến thức để thưởng ngoạn hội họa luôn ít hơn độc giả văn học. Biết làm sao được. Đặc thù bí ẩn của hội họa là thế. Nó luôn thôi thúc người xem tìm kiếm thâm nhập nhưng cũng luôn làm nản lòng những ai ít hiểu biết và kém kiên nhẫn.

Do đặc thù nghề nghiệp lâu ngày tạo dựng cho tôi thói quen quan sát và ghi chép bằng hình ảnh như thế nên việc tiếp cận của tôi với nhân vật luôn có một khoảng cách lớn. Rất hiếm khi có điều kiện trò chuyện, hỏi han hoặc thậm chí lắng nghe theo cách các nhà văn vẫn làm. Tuy nhiên, hình ảnh bao quát được bằng con mắt của họa sĩ lại luôn có dung lượng gợi nhớ lớn hơn. Nếu chỉ dùng cho việc vẽ là hơi thừa thãi.

Nhà văn phải dùng nhiều trang giấy và văn từ để tả chỉ một khoảnh khắc xảy ra sự việc trong vài giây đồng hồ với một nhân vật. Trong khi đó họa sĩ chỉ cần vài nét vẽ thôi. Có muốn vẽ hơn nữa cũng không được. Cái phần cảm nhận về mặt ngôn từ văn học của họa sĩ hình như chưa được dùng đến.

Tôi viết bằng kí ức hình ảnh như thế. Một tập hợp của rất nhiều hình ảnh cho một sự việc. Gần như không bao giờ có một nhân vật cụ thể nào làm nguyên mẫu cho sự viết của mình. Cứ khi cần đến một nhân vật nào đó cho câu chuyện đang viết thì lập tức hình ảnh của những nhân vật tương tự lại tìm đến cho tôi toàn quyền chọn lựa, cân nhắc, tổng hợp và phân tích. Ví như trong ba cuốn tiểu thuyết “Vắng mặt”, “Gần như là sống”, “Con mắt rỗng” tôi có ba nhân vật chính đều là họa sĩ nhưng họ là ba người khác hẳn nhau. Tôi vận dụng những hiểu biết có tính bếp núc nghề nghiệp để dựng nên ba nhân vật ấy. Họ là ba loại họa sĩ dễ thấy trong hội họa Việt bây giờ dù không hẳn là ai. Đó là những họa sĩ không có quá trình đào tạo gần với hội họa cho lắm. Họ được đào tạo để trở thành cán bộ mĩ thuật thì đúng hơn. Họ phải trải qua khá nhiều nghề phụ để tồn tại kể cả việc mang bán những “tác phẩm” của mình. Đã có người đặt vấn đề tôi hình như đem mình ra làm nhân vật tiểu thuyết theo kiểu tự truyện? Xin đính chính ngay, cả ba nhân vật ấy đều không có dính dáng tẹo nào với tôi. Ít nhất thì cũng ở chi tiết cả ba nhân vật họa sĩ trong tiểu thuyết dù chẳng gặt hái được thành công gì đáng kể về hội họa thì cũng chưa đến nỗi chuyển sang viết văn như tôi.

Cuốn truyện dài “Dằng dặc triền sông mưa” hình như được bạn đọc nghi ngờ rằng nhân vật chính gần với tôi hơn cả cũng không hẳn là thế. Kí ức trong veo của tôi về Hà Nội đầu thập kỉ ‘6o là như vậy. Cái khoái cảm của lũ trẻ Hà Nội những năm sơ tán 1965-1968 được về nông thôn sống là có thật. Cái vô tư với bom đạn chiến tranh của lũ trẻ ngày ấy là có thật. Nhưng làng quê cùng với những nhân vật của làng là hư cấu hoàn toàn. Tôi viết ra câu chuyện ấy bằng kí ức cảnh vật và nhân vật của nhiều làng quê cộng lại. Và đó cũng chính là kí ức chiến tranh của thế hệ chúng tôi. Các nhân vật hầu như chỉ đóng vai trò dẫn chuyện. Họ có thể là bất cứ ai và đều không hề làm ảnh hưởng đến mạch truyện.

Viết về đô thị nói chung và nhất là Hà Nội hình như là thử thách lớn với tôi. Ngồn ngộn đời sống cùng với những sinh hoạt khi thầm lặng, lúc bùng phát đỏng đảnh thất thường. Con người đô thị là tổng hòa của rất nhiều cá tính, thói quen vùng miền. Cũng là mối quan hệ giữa những người thành đạt và thất bại. Tôi quan sát và lần lượt viết ra những dạng nhân vật đô thị ấy. Nhiều khi cũng không phải là nhân vật điển hình cho một tầng lớp, trình độ hay xuất xứ nào cả. Trong cuốn tiểu thuyết “Chảy qua bóng tối”, những nhân vật của tôi thuộc về một xóm nhỏ ven sông có khá nhiều xuất xứ. Họ phải nương tựa, phải tranh đấu với nhau. Họ yêu thương và hắt hủi nhau. Tất cả cần phải được nhìn nhận bằng con mắt vô tư nhất để tiếp cận được với cốt lõi của cuộc sống đầy biến động nơi này. Có thể gọi là “lắng nghe cuộc sống” cũng được. Và như thế, nhân vật chính muốn lắng nghe được kĩ càng trọn vẹn nhất hình như phải là một người khuyết tật về thị lực để dành “cái nhìn” cho những giác quan khác? Nhân vật chính của tôi là một người như thế. Nó ra đời vì yêu cầu của cuốn sách chứ không phải nó có thật trên đời. Sự thật duy nhất ở đây chỉ là đã từng có những ông già mù lang thang trên phố Hà Nội bán lồng chim.

Nhân vật đã chết. Đúng ra là nó luôn được sinh ra để chết trong câu chuyện của tôi. Những nhân vật mang tầm “tiểu thuyết” theo quan niệm truyền thống tôi không bao giờ bắt gặp ngoài đời thực. Và cũng không muốn gặp. Vì sợ rằng thành tích hay số phận thăng trầm của họ sẽ chi phối câu chuyện của tôi và lái nó sang hướng không mong muốn. Tuy nhiên, tôi cũng biết mặt hạn chế của lối viết này. Đó là nhân vật của mình chỉ bằng những hình ảnh và hành động biểu cảm thôi thì hình như chưa đủ. Nó cũng sẽ giống như nhân vật của hội họa. Vẫn cần phải có một vận động ý thức về mặt hình ảnh của người đọc để cảm nhận được nó. Nói cách khác, tôi đã gây khó khăn cho độc giả văn học cũng như đã từng gây khó khăn cho khán giả xem tranh. Đành phải chịu thôi. Tôi đã kể rất chân thật về những nhân vật giả tưởng của mình. Và tôi tin bạn đọc sẽ không khó để nhìn thấy một nhân vật xuyên suốt qua gần chục cuốn tiểu thuyết của tôi…

Đ.P

Trích tiểu thuyết "Rụng xuống ngày hư ảo" của ĐỖ PHẤN

Những chiếc xe tải bịt vải bạt một cách rất chiếu lệ chở đất cát bụi mù. Tấm vải bạt trên thùng xe ngáp cái miệng rộng hoác như một con trai khổng lồ phun ra từng nhịp bụi đỏ. Đúng theo nhịp thở. Vừa hết bùng binh, anh không còn thấy bóng dáng cô gái đâu. Vì sao một hình hài sống động tươi tắn đến thế lại biến mất không dấu vết trước mặt anh? Cô ấy là một phần thành phố có thật hay chỉ như một ảo ảnh quen thuộc trên đường? Những hình ảnh có đầy trên các biển quảng cáo to bằng người thật. Đã có lần anh suýt gật đầu chào cô tiếp viên hàng không bằng bìa mặc đồng phục to đúng bằng người thật đứng trước cửa phòng bán vé máy bay của Vietnam Airlines.

Chợt nhớ ra cũng chưa biết nên rẽ vào con đường nào trong số ba con đường trước mặt. Làm gì với những chỗ rẽ là điều anh luôn gặp khó khăn không chỉ vào lúc đi đường.

Dừng xe, Đức lưỡng lự nhìn ba ngã rẽ trước mặt. Một con đường hun hút bụi. Những chiếc xe tải nối đuôi nhau chở đất cát mất biến vào màn bụi ấy. Những người đi xe máy mất biến vào màn bụi ấy. Tất cả như hóa thành bụi trong một đường ống đỏ ngầu dài đến vô tận. Không thể chui vào cái đường ống ấy. Đỏ và vô vọng.

Cô gái nhường đường cho xe mình chạy lên trước. Ý định chiêm ngưỡng mặt sau bốc lửa của nàng bị tắt phụt, mình nhích ga cho xe chầm chậm vào con đường bên phải. Chẳng cần lời dặn dò của thằng Khánh thì hết trăm mét cũng buộc phải rẽ trái. Một nghĩa địa thoi thóp vài chục ngôi mộ ốp gạch men kính đã án ngữ góc đường trước mặt. Chưa thấy ở đâu khoảng cách giữa người sống và người chết gần nhau thế này. Người chết đang sống cuộc đời vênh vang bia mộ. Người sống thì chui vào những căn hộ im lìm vuông. Cô gái theo sát mình đúng bằng khoảng cách lúc ở vòng xuyến cửa ô mình bám theo cô ấy. Chẳng biết cô ấy nghĩ gì. Nhưng chắc chắn không phải là chiêm ngưỡng cái mặt sau khốn khổ của mình. Nó chỉ là chiếc áo phông màu đen bạc phếch đặt lên mặt yên xe rúm ró. Tình cờ, màu áo của mình có thể lẫn vào màu yên xe. Mình và yên xe? Cái gì sang trọng hơn cái gì? Hay cả hai đều là thứ để ngồi lên? Một công chức hợp đồng xếp hạng cuối cùng ở cơ quan. Tất cả mọi người đều ở trên mình ít nhất một bậc. Cái yên xe máy cũng không cam phận dưới. Nó muốn ngang hàng với mình.

Chiếc mũ bảo hiểm nham nhở vết xước như vệt móng tay sắc cào lên lớp sơn màu mận chín trùm lên đuôi tóc ướt nhẹp. Mình chẳng bao giờ nhìn thấy mặt sau của mình nhưng chắc chắn nó không khác với tưởng tượng bao xa. Cái mặt sau bơ phờ dân phố tuổi mình đầy rẫy trên đường.

Tòa nhà K7 không khó tìm. Cứ theo thứ tự đánh số trước sảnh cầu thang máy là đến. Mình và cô gái gửi xe dưới tầng hầm đi bộ ngược lên…

_______________________________________

(Ảnh chân dung tác giả: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)