Từ nguyên mẫu đến nhân vật

CHỊ TÔI VÀ BÉ THƠM

Thứ Bảy, 25/01/2014 07:50

. ĐỖ BÍCH THÚY

Năm tôi lên 3 tuổi thì chị tôi mất. Năm ấy chị 7 tuổi. Mẹ tôi nói, chị nhặt hết nét đẹp của cha mẹ nên là một bé gái rất xinh xắn, da trắng, tóc dài, mắt đen, môi đỏ, mũm mĩm. Nhưng mẹ cũng nói, chị gánh hết gánh hạn cho mọi người, nên chị dù đã 7 tuổi vẫn hầu như không biết nói. Mặc dù mọi người nói gì chị cũng hiểu, nhưng chị không diễn đạt được cảm xúc. Bây giờ thì tôi nghĩ đến căn bệnh tự kỉ. Có thể, phải rồi, rất có thể chị tôi đã mắc phải căn bệnh đó mà cách đây hơn 30 năm, ở một thung lũng heo hút, hẻo lánh, chưa ai có khái niệm về nó.

Một buổi chiều, hai chị em tôi đang chơi ở sân. Bố và anh đang đóng cọc hàng rào ở tít cuối vườn, và mặc dù đã có một hàng rào ngăn sân với ao, chị tôi vẫn ngã xuống đó. Khi bố và anh tôi trở về, hớt hải tìm chị, thì chị đã nổi lên mặt nước. Chỉ khoảng một giờ đồng hồ gì đó. Hiếm khi người chết đuổi nổi nhanh như vậy, người ta bảo vậy. Tôi chỉ nhớ rất rõ hai chi tiết: Thứ nhất, anh trai thứ hai của tôi, khi đó 12 tuổi, đã đi cả dép nhảy xuống ao để cứu chị, nhưng đã rất muộn. Thứ hai, mọi người đặt chị nằm ở trên chiếu, gương mặt chị thì tôi không hề nhớ, nhưng tôi đặc biệt nhớ mái tóc rất dài, rất đen, chảy tràn trên chiếu.

Không hiểu sao, cho đến giờ tôi vẫn nhớ, và chỉ nhớ rõ nhất mái tóc đen óng của chị. Mái tóc mà mẹ tôi bảo bà thường tết đuôi sam cho chị, và ai cũng khen đẹp. Có lẽ bà hay tết như trong tấm ảnh trên đây.

Và cho đến giờ, khi tôi có con, lúc nó ba tuổi, tôi thường nghĩ: Không biết sau này khi nó lớn lên, nó có nhớ được hình ảnh, chi tiết nào đã từng diễn ra trong cuộc sống của nó không? Không hiểu sao một đứa bé ba tuổi là tôi lại nhớ rõ đến thế 2 chi tiết ấy.

Nhà tôi có 4 anh chị em. Khi tôi đi ra khỏi nhà, thấy anh chị em người ta đánh chửi nhau, tranh giành nhau, tôi lại tự hỏi: Sao họ lại có thể làm thế? Anh cả tôi là người có số vất vả. Vì là con lớn, mẹ tôi lại sinh anh ở quê, nên sau này gia đình di chuyển năm bảy nơi, anh cũng phải di chuyển theo. Khi gia đình nghèo nhất, đói nhất, thì anh cũng hứng trọn. Không như ba anh em sau này. Năm 1979, Tàu đánh ở biên giới phía Bắc, cả nhà sơ tán về Tuyên Quang, chỉ mình anh ở lại, để trông một con lợn gần tạ. Vì áp tết rồi, nhưng đạn pháo lại đì đùng, có mổ ra cũng chả ai mua, nên bố mẹ tôi đành phải để đứa con trai 16 tuổi ở lại trông con lợn. Về sau này, mẹ tôi ân hận mãi, nói dại mồm nhỡ có quả đạn của TQ rơi tõm vào cái thung lũng ấy thì một mình anh tôi ra làm sao?

Anh thứ hai của tôi thì hiền lành. Lúc bé hay khóc. Bị mẹ mắng là ra góc vườn ngồi, dấm dúi khóc. Nhưng dù vậy sau này lại là một người rất cứng cỏi, quan điểm sống rõ ràng, và đặc biệt, lại là người hiểu tôi nhất. Sở dĩ tôi nói như vậy là bởi: khi tôi chọn một cách sống ngược với quy luật, nói đúng ra là ngược với quy luật của bố mẹ, khiến bố mẹ tôi phát ốm, thì anh lại bảo tôi: Em cứ thấy thế nào đúng với em, cần cho em thì làm. Có câu nói của anh, tôi cứng cáp hẳn lên.

Trở lại với chị tôi. Sau này, khi đã biết nghĩ chút ít, tôi luôn cảm thấy chị ở bên cạnh tôi. Nhưng không nhìn thấy được chị, không nghe được chị, chỉ cảm thấy như vậy thôi. Cho nên, mỗi khi không có ai hiểu được mình, tôi lại nghĩ, giá như còn chị, hẳn chị sẽ hiểu được tôi, cho tôi một chỗ dựa. Vâng, tôi cần một chỗ dựa biết mấy những khi chênh chao, những khi tuyệt vọng, những khi hoang mang không biết mình đúng hay sai, những khi đứng trước hai ngả rẽ… Rồi khi tôi rời quê hương, rời bố mẹ già ra đi, tôi lại ước, giá như tôi còn chị, thì chị sẽ thay tôi chăm sóc bố mẹ. Và khi tôi ôm cái bụng to vào bệnh viện tôi lại nghĩ, nếu có chị, hẳn chị đã ngồi ngoài hành lang, với một cái làn đầy quần áo trẻ con và một phích nước nóng, chờ tôi…

Chừng 10 năm trước đây, khi tôi đang học đại học, thì một buổi chiều mẹ tôi gọi điện xuống, giọng khản đặc: Mẹ vừa đưa chị con lên đồi số 6. Thì ra, ngọn đồi mà trước đây cha mẹ tôi đặt chị nằm xuống bị người ta san phẳng làm trang trại. Khi máy ủi gần tiến tới nơi chị tôi nằm thì mẹ tôi tới kịp. Cũng chẳng còn gì nữa, ngoài một nắm đất và mảnh vải hoa tím năm nào mẹ dùng để bọc chị lại. Chị đã hòa vào đất đai, cây cỏ. Mẹ tôi mang nắm đất ấy và mảnh vải hoa ấy lên một ngọn đồi khác. Ở quê tôi, người chết thường được chôn trên đồi.

Chị tôi giờ nằm dưới bóng những cây thông quanh năm rì rào. Mỗi năm, về thăm quê đôi lần, vợ chồng con cái tôi lại lên thăm chị. Gần đấy mà xa xôi biết bao. Và xa xôi thế, nhưng lại cảm thấy ngay cạnh bên mình. Rốt cuộc thì, tôi thường nghĩ, con người khi đã tan vào đất đai, không còn hình hài đâu nữa, hơi thở mong manh cũng bị gió cuốn đi, thì cái duy nhất còn lại là nỗi nhớ nhung và niềm yêu thương da diết ngự trong những người còn sống dành cho họ. Chẳng phải như thế sao?

Và có một điều này tôi muốn chia sẻ với bạn đọc: Chị tôi chính là nguyên mẫu của nhân vật bé Thơm trong truyện vừa Những buổi chiều ngang qua cuộc đời. Khi viết truyện ấy, lúc viết tới những dòng dành riêng cho bé Thơm, tôi nhớ chị biết mấy. Mặc dù chị trong tôi chỉ còn lại hình ảnh mái tóc dài, ướt đẫm, chảy tràn trên manh chiếu cói. Chưa bao giờ, chưa một ai, từng đi vào văn chương của tôi trong một nỗi nhớ thương yêu dấu thiết tha như chị.

Đ.B.T

Trích truyện vừa NHỮNG BUỔI CHIỀU NGANG QUA CUỘC ĐỜI

Nhập nhoạng tối không thấy hai chị em con Thơm về tôi bảo con Thuần chạy ra tìm ngoài mương.

- Em đâu?

- Chơi ở đâu đấy thôi, lúc nãy nó còn chạy trên bờ ngay cạnh con mà…

- Nhưng bây giờ nó đâu?

- Để con đi tìm. Thơm ơi, Thơm… Em ở đâu thế? Chị đã dặn ở nguyên trên bờ đợi chị cơ mà. Chị Thuần ơi, hay là Thơm về nhà rồi?

- Chị vừa ở nhà ra…

Cái giếng hoang. Làng có một cái giếng hoang bỏ không từ bao giờ không rõ. Nó nằm dưới tán cây đa cổ thụ, người làng hay mang hương ra cắm đầy mép giếng ngày rằm mồng một. Một cô gái làng đã nhảy xuống đấy vì không chịu hiến thân cho quan Tây, người ta bảo thế. Lúc nào cái giếng ấy cũng đầy ăm ắp. mặc cho có lúc tất cả các giếng ở trong làng đều cạn trơ đáy. Mặt nước đen, hoa thài lài tím ngắt nở đầy nổi lềnh phềnh. Từ trong nhà tôi nghe con Thuần lạc giọng:

- Thao! Dép! Cái dép… cái dép… dép của…

Có một cái dép nhựa tím rơi bên mép giếng, cả vạt thài lài gẫy gập, hoa thài lài tím nhúng hẳn xuống mặt nước đen ngòm…

Cho đến nhiều năm sau tôi không sao quên được đôi môi trắng bợt he hé cười, trên gương mặt còn trắng hơn thế nhiều lần của con bé Thơm. Người làng phải tát vơi nước giếng đi mới đưa nó lên được, lúc trăng đã lưng lửng trời. Mái tóc đen sẫm, dài mượt loang loáng ướt chảy thành dòng trên manh chiếu con. Tay con bé vẫn nắm chặt mớ hoa thài lài tím ngắt, không sao gỡ ra được. Tôi quỳ bên con đến lúc trăng tàn, ngay bên bờ giếng. Lệ làng không cho mang người chết ngoài làng về qua cổng mà phải đưa luôn ra nghĩa địa. Con Thao bị cuốn trong chăn, hai con chị giữ chặt để nó không nhao xuống giếng lúc người ta đang tát nước. Đồng đêm hoang vắng, lạnh lẽo. Tiếng chim lợn kêu chói tai. Không còn khóc được nữa, cả ba đứa con tôi đã kiệt sức, chúng nằm chồng lên nhau ngay bên cạnh em. Tôi không cho người ta đắp kín mặt con. Gương mặt nó vẫn còn đây, rất gần. Hai vết răng con Thao một lần yêu quá đã cắn em để lại sẹo trên má như đánh dấu. Sau lưng, chồng tôi ngồi xoay lại để tôi có dựa. Anh im lặng rất lâu. Gió đêm mỗi lúc một mạnh mà không khí vẫn bức bối vô cùng. Thà anh, thà các con cứ mở miệng trách tôi một lời, có phải tôi đã nhẹ lòng đi không. Tôi đã không để ý gì đến con cả, thậm chí tôi đã từng định bỏ nó. Định chạy trốn nó. Có phải vì thế mà ông trời mang con tôi đi không?

Tiếng dòng sông rì rào gọi tôi. Chỉ có dòng sông là thấu hiểu. Chỉ có nó chứng kiến tất cả những gì đã xảy ra với tôi. Tôi tin là có những điều chồng tôi, ba đứa con tôi cũng không được biết, thì chỉ dòng sông là nhìn thấu hết thảy, thậm chí cả mớ ý nghĩ mờ mịt trong đầu tôi. Tôi đứng dậy, đi ra sông. Chồng tôi vẫn gục đầu trên hai đầu gối, anh cũng kiệt sức rồi. Tôi đã nhìn thấy anh khóc. Tiếng khóc đàn ông bị ép chặt trong lồng ngực, đau tức, vắt kiệt ý chí lẫn thể xác. Bao nhiêu khốn khó đến rồi đi, rồi lại đến, chưa lần nào anh để tôi và các con nhìn thấy anh yếu mềm. Vậy mà sự ra đi của đứa út ít, đứa gánh nợ đời cho cả nhà, đã quật ngã anh thế này đây.

Người ta đã đào cho con tôi một cái huyệt bé, vừa với người nó, ở giữa hai ngôi mộ lớn. Sáng mai nó sẽ nằm ở đây. Chỗ cho người sống còn chẳng đủ huống hồ cho người chết, mà người chết lại là một đứa trẻ, không mấy khi thể hiện buồn vui ra với mọi người. Cái huyệt của con tôi nằm ngoài cùng của nghĩa địa dành cho những người chết lang bạt, sát với bờ sông, có một bụi lau rất rậm, đang mùa ra lá. Tôi ngồi xuống mép huyệt, nhìn xuống dòng nước đang trôi đi lấp lánh dưới ánh trăng. Chỉ cần vài bước chân thôi, là tôi sẽ trượt theo triền dốc thoai thoải mọc đầy dây sắn dại, dưới kia là dòng nước đã từng tiễn biệt tôi lên bờ… Giá như có thể dầm mình dưới đó, như ngày còn bé, cha tôi đã dạy tôi bơi như một con rái cá. Tôi không còn là con của sông nước nữa rồi…

Một ngày, hai ngày, ba ngày… con bé Thao không ăn uống gì. Tôi cũng phó mặc cả mấy đứa cho chồng, đến lúc ngoảnh lại thì con đã rụng từng mảng tóc, trơ cả da đầu, hai con mắt lồi ra, bạc đi. Hai cánh tay con vắt lên cổ tôi như mảnh giẻ ướt. Đêm nào nó cũng mê sảng, giãy giụa, gào thét. Có đêm chợt tỉnh không thấy con đâu, tôi nhao ra ngoài. Con Thao đang mộng du đi đi lại lại trên mép giếng hoang. Hoa thài lài đã tàn, mặt giếng lộ ra đen ngòm, hun hút. Đừng có động vào người mộng du nếu không hồn họ sẽ lìa khỏi xác, ngày xưa cha đã dặn tôi thế, trong lần nhìn thấy một người đàn bà đi lại trên thành một cây cầu bắc ngang con sông lớn. Tôi không dám gọi con. Con bé bất chợt cười lên khanh khách: “Mẹ, con nhìn thấy em ở dưới này. Con xuống với em được không? Kìa mẹ, mẹ đồng ý đi. Con xuống nhé! Tại con, tại con mà… Nếu con không mải bắt cá với bọn thằng Hinh thì em đã không ngã xuống dưới này”. “Thao, con đang tỉnh đấy phải không? Nghe mẹ nói này, con… con xuống đi, đứng trên đấy nguy hiểm lắm. Xuống đi rồi hai mẹ con mình ra chỗ em, đêm hôm ngoài ấy một mình tội nó lắm. Xuống đi con…” Hai đầu gối tôi run bần bật. Con Thao mỏng như tờ giấy đứng chênh vênh trên mép giếng, ngửa mặt lên trời cười, nói, khóc… Đêm đầy sao, những mảnh sao băng xé ngang bầu trời…

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)