VNQĐ online:Nam tước Munchhausen nói phét thành thần là một nhân vật rất quen thuộc với tất cả chúng ta từ lâu. Nhưng ít người biết rằng nhân vật văn học nổi tiếng này có nguyên mẫu - nam tước Munchhausen thật.
|
Nam tước Munchhausen thật trong quân phục Trung đoàn giáp sắt năm 1752 |
Lịch sử dòng tộc Munchhausen bắt đầu từ thế kỷ XII, khi ông tổ của dòng họ - hiệp sĩ Haino tham gia vào cuộc Thập tự chinh dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Frederick Barbaross. Tất cả con cháu của hiệp sĩ đều tham chiến và chết trận, chỉ có một người còn sống sót, là bởi vì ông ta là thầy tu. Chính vị thầy tu này đã cho dòng tộc một họ mới - Munchhausen tiếng Đức nghĩa là "Nhà thầy tu". Cũng từ đó mà trên gia huy của dòng họ có hình một tu sĩ với cây trượng và cuốn sách. Nam giới dòng họ này nếu không phải là chiến binh thì cũng là những đại danh nhân quyền cao chức trọng. Ví dụ như vào thế kỷ XVII có tướng Hilmar von Munchausen, sang thế kỷ 18 thì Gerlach Adolph von Munchausen cao quý trở thành Đại thần trong triều đình Hanover, cũng chính ông là người có công thành lập trường ĐHTH Göttingen danh tiếng.
Trong dòng họ Munchhausen có một quý ông - nam tước Hieronymus Karl Frederick Munchausen. Ông sinh ngày 11 tháng 5 năm 1720 tại điền trang Bodenwerder gần Hanover. Ngôi nhà nơi ông sinh ra hiện nay vẫn còn, nó đã trở thành viện bảo tàng và là nơi làm việc của Hội đồng thành phố. Ông nổi tiếng bởi đã trở thành nguyên mẫu của nhân vật văn học có một không hai trong văn học Đức và thế giới. Trên bờ sông Weser người ta có thể ngắm nhìn tượng của nhân vật văn học nổi tiếng này.
Khi ông thân sinh mất, cậu bé Karl mới 4 tuổi. Theo truyền thống gia đình, tất cả trai tráng trong nhà đều phục vụ quân đội. Năm 1735 thì Karl trở thành một thiếu niên mang kiếm hầu trong đám tuỳ tùng của công tước xứ Brunswick. Con trai của công tước, hoàng tử Anton Ulrich xứ Brunswick đóng quân ở Nga, là một trong các chàng rể tiềm năng đang lăm le hỏi cưới cô cháu gái yêu của Nữ hoàng Nga Anna Ioanovna. Hoàng tử đã theo đuổi mối lương duyên trong suốt 7 năm, đồng thời trong thời gian đó tham gia vào cuộc chinh phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1737 trong một cuộc chiến giáp lá cà khi tấn công pháo đài Ochakov Hoàng tử bị mất ngựa cùng một trợ thủ và hai thiếu niên mang kiếm. Để thay thế họ, người ta chọn trong số các thiếu niên mang kiếm của công tước, và Karl Munchhausen trẻ tuổi xung phong đến đất nước Nga xa lạ và đầy hiểm nguy. Khi ấy, trong đoàn tuỳ tùng của Hoàng tử, nam tước trẻ tuổi thường xuyên được vào chầu Nữ hoàng Nga Anna Ioanovna, tham gia các cuộc diễu binh và các cuộc chinh phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Tới năm 1739 thì Hoàng tử cuối cùng cũng đã toại nguyện, cưới được người đẹp, còn nam tước Munchhausen thì đưa ra một quyết định hết sức bất ngờ - ông xin ra khỏi đoàn tuỳ tùng và được Hoàng tử miễn cưỡng chấp thuận.
Nam tước gia nhập Trung đoàn giáp sắt Brunswick, đóng quân ở thành phố Riga, và trong giấy tờ của Trung đoàn tên ông được ghi là Gironimus Carl Friedrich von Minihauzin. Nhờ sự đỡ đầu của Hoàng tử, binh nghiệp của nam tước trẻ tuổi thăng tiến khá nhanh chóng và chỉ một năm sau khi nhập ngũ ông đã mang quân hàm porutchik (tương đương trung uý ngày nay), và chỉ huy đại đội tiên phong của Trung đoàn. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, năm 1741 trưởng nữ của Peter Đệ Nhất là Elizaveta chiếm được ngôi báu. Toàn thể gia đình Nữ hoàng Anna bị bắt giam trong lâu đài Riga. Số phận trớ trêu khiến nam tước Munchhausen đóng quân tại Riga lại trở thành người cai ngục giam giữ các ân nhân của mình.
Báo cáo của Trung uý Munchhausen nộp cho Văn phòng Trung đoàn (Do thư ký viết, và Trung uý von Munchhausen ký) ngày 26 tháng 2 năm 1741
Năm 1744 nam tước cưới một tiểu thư người Đức tên là Jakobina Von Dunten, con gái một quan toà ở Riga. Năm 1750 ông được thăng cấp rotmistr (tương đương đại uý), và xin nghỉ phép, quay về Đức để thu xếp việc nhận thừa kế. Ông buộc phải xin kéo dài kỳ nghỉ tới hai lần, nên rốt cuộc bị khai trừ khỏi Trung đoàn. Thế nhưng bù lại ông đã trở thành người thừa kế hợp pháp trang ấp Boderverder của dòng họ. Nam tước Munchhausen cùng phu nhân trở về sống tại nhà mình, nhưng họ đã không thể xây dựng được quan hệ hữu hảo với hàng xóm láng giềng. Ông cho xây trong trang ấp của mình một phòng tiếp khách sang trọng, thế nhưng phòng khách đó bị chết tên "Phòng dối trá", bởi khách khứa cho rằng chính tại đó ông chủ kể cho họ nghe những câu chuyện "bịa đặt không thể tưởng tượng nổi". Đó là những câu chuyện về bộ binh Nga, về quãng đời quân ngũ của ông trên đất Nga mà ông sẽ chẳng thể nào quên. Những câu chuyện ấy mau chóng nổi tiếng không chỉ ở nước Đức, và Nam tước bị gán cho một biệt hiệu chẳng mấy hay ho, là "Lugenbaron" - Nam tước nói dối. Người nghe chuyện không còn nhận ra vị Nam tước có thật trong nhân vật Nam tước của các câu chuyện này nữa. Năm 1790 phu nhân qua đời, ông để tang vợ trong suốt bốn năm ròng, cho tới khi kiều nữ Bernadina Von Brun xuất hiện. Nam tước tục huyền, nhưng cuộc hôn nhân với người đẹp chỉ mang lại toàn phiền nhiễu. Thủ tục ly hôn rắc rối kéo dài khiến Nam tước phá sản, và ông qua đời trong nghèo khó ngày 22 tháng 2 năm 1797. Theo truyền thuyết, khi ông hấp hối thì người hầu gái trung thành duy nhất đã hỏi tại sao ông mất hai ngón chân, ông trả lời gấu trắng ở Nga đã cắn đứt hai ngón chân ấy, mặc dù trên thực tế ông mất hai ngón chân ấy là do bị hoại tử vì lạnh!
Nam tước Hieronymus Karl Frederick Munchausen yên nghỉ dưới mái vòm nhà thờ làng Kemnade gần Boderverder.
Đám cưới Munchhausen trên một bưu thiếp của Latvia. Hậu cảnh là nhà thờ Pernigele ở ngoại thành Riga, nơi vợ chồng Munchhausen làm lễ cưới.
Những câu chuyện kể của Nam tước (như việc bắt chó sói thắng vào xe thay ngựa kéo để vào thành Peterburg, con ngựa bị xẻ làm đôi ở Ochakov, con ngựa trèo tháp chuông, những cái áo lông nổi giận, hay cây anh đào mọc trên đầu con hươu...) mau chóng được truyền miệng trong dân gian, và thậm chí được in ấn và xuất bản. Nhằm bảo vệ thanh danh của Nam tước, ba câu chuyện đầu tiên xuất hiện trong cuốn sách "Der Sonderling" (Những câu chuyện kỳ quặc - năm 1761) của bá tước Rocks Frederick Linara được in nặc danh, tuy nhiên bạn đọc dễ dàng nhận ra tác giả của chúng. Năm 1781 tuyển tập 16 câu chuyện, bao gồm ba chuyện đã in trong sách của Linara, được xuất bản trong bằng tiếng Anh trong tập Almanach "Chỉ dẫn cho những người vui tính", trong đó có ghi tác giả của chúng là "Quý ông M-n sống ở G-r". Năm 1783 hai câu chuyện nữa được bổ xung vào tuyển tập. Năm 1785 tác giả Rudolf Raspe xuất bản cuốn sách "Những câu chuyện kể của Nam tước Munchhausen về những cuộc phiêu lưu và các chiến dịch đáng kinh ngạc của ông tại Nga" bằng tiếng Anh ở London. Nội dung bao gồm các câu chuyện trong Almanach và nhiều chuyện khác nữa, nhưng tên người kể chuyện được giữ nặc danh. Năm 1786 Gottfried August Burger xuất bản ở Đức bản dịch cuốn sách này, nhưng có bổ xung thêm nhiều câu chuyện khác nữa, dưới nhan đề "Những chuyến đi đáng kinh ngạc trên mặt đất, trên mặt biển, trong quân ngũ và những cuộc phiêu lưu vui vẻ của Nam tước Munchhausen mà ông thường kể cho bạn bè nghe bên chai rượu". Burger chia cuốn sách của mình làm hai phần: "Những chuyến đi biển của Munchhausen" Và "Các cuộc phiêu lưu của Munchhausen ở nước Nga". Cuốn sách trở thành một tuyển tập kinh điển, thành công vang dội trên toàn châu Âu, và đóng vai trò quyết định để Nam tước Munchhausen trở thành một nhân vật văn học độc đáo.
Tượng Nam tước Munchhausen
Không rõ Nam tước Munchhausen thật có đóng vai trò gì trong việc biên soạn và xuất bản cuốn sách này không, chỉ biết rằng ông đã rất phẫn nộ khi cuốn sách ra năm 1786 ở Đức in rõ họ tên đầy đủ của ông. Ông đã tính đến việc kiện Burger, và theo một số tư liệu thì ông đã đưa đơn, nhưng không được chấp nhận vì lý do cuốn sách nói trên là bản dịch từ tiếng Anh của một nhà xuất bản nặc danh nào đó. Cuốn sách mau chóng nổi tiếng đến mức những kẻ vô công rồi nghề và tò mò ùn ùn đổ về Boderverder để xem mặt vị Nam tước nói dối lừng danh, và Nam tước buộc phải cắt cử người hầu đứng quanh nhà để đuổi chúng.
Trong cuốn sách này chưa hề có câu chuyện nào liên quan đến nước Đức, cho nên chẳng mấy chốc người ta phải thêm vào. Trong cuốn sách xuất bản sau đó của Henry Schnorr (1794-1800) nhiều chuyến phiêu lưu của Nam tước đã xảy ra ở Đức. Và đến năm 1839 xuất hiện một cuốn sách nữa của Carl Lebrecht, trong đó người kể chuyện đã là cháu nội của Nam tước.
NGUYỄN QUỲNH HƯƠNG (dịch)
| Một trong những minh họa của bản in gốc |
Muynkhaoden - một nam tước trẻ tuổi, dũng cảm, thông minh... luôn luôn thích đi du lịch bằng ngựa khắp nước Nga xinh đẹp. Trong chuyến hành trình đó, ngài nam tước đã trải qua rất nhiều cuộc phiêu lưu thú vị: Cuộc phiêu lưu thứ nhất: Muynkhaoden du lịch đến vùng đất Sri Lanka. Ở đó, nam tước chứng kiến những cây sồi kỳ lạ bị bật gốc trong cơn bão khủng khiếp nhưng lại có thể trở về vị trí ban đầu, rễ lại có thể cắm sâu vào đất như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nỗi sợ hãi khi rơi vào nguy hiểm phải đối mặt với cá sấu và sư tử, rồi thoát chết kỳ diệu trong gang tấc sẽ cuốn hút bạn đọc. Cuộc phiêu lưu thứ hai: Muynkhaoden cùng các binh sĩ tiến quân về vùng đất Bắc Mỹ bằng đường biển. Chiếc thuyền của họ không may bị một con cá voi khổng lồ tấn công, suýt bị đắm thuyền. Nhưng cuối cùng cùng họ vẫn bình an vượt qua nguy hiểm. Cuộc phiêu lưu thứ ba: Muykhaoden lại một lần nữa suýt phải bỏ mạng trong bụng cá lớn trên vùng biển Marseille. Ngài nhảy nhót, la hét, tìm mọi cách thoát khỏi bụng cá. Và cuối cùng đã may mắn được các thuỷ thủ tốt bụng cứu thoát. Cuộc phiêu lưu thứ tư: Trên biển Marmara, Muynkhaoden đã phát hiện và bắn rơi một vật thể lạ. Đó là một chiếc xe ôtô bằng vàng nguyên chất, trên xe có người đàn ông và con cừu. Chiếc xe gặp nạn khi quả khinh khí cầu bay nhanh theo gió, ông không thể kiểm soát được. Cuộc phiêu lưu thứ năm: Thực hiện uỷ thác của Dasudan đi làm nhiệm vụ ở một thành phố khác, trong chuyến phiêu lưu này Muynkhaoden gặp và kết bạn với: Tai thần, Người bay, Gió thần, Xạ thủ bắn súng. Bốn người bạn đã trợ giúp rất đắc lực Muynkhaoden trong những chuyến phiêu lưu sau này. Nguồn:xbook.com.vn |