Từ nguyên mẫu đến nhân vật

DÒNG SÔNG, HOA TÍM VÀ CÁNH RỪNG NĂM ẤY

Thứ Sáu, 21/12/2012 00:01

. Nhà thơ LÊ THÀNH NGHỊ

Đầu năm 1972 tôi cùng một số chiến sỹ mới thuộc Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc được điều về đơn vị A57, Trung đoàn 134 bảo vệ tuyến đường dây Lạng Sơn – Hà Nội.Tuyến đường dây hàng trăm cây số, Đại đội được chia thành nhiều tổ, mỗi tổ có ba người, đóng quân cách nhau chừng 20 cây số. Đường dây thông tin thời chiến thường len lỏi qua những nơi đèo cao, vực sâu rất hiểm trở, tránh xa sự phá hoại nếu có của kẻ xấu. Tổ đường dây của chúng tôi tìm được một hang đá khuất sau rừng rậm để làm nơi đặt trạm liên lạc với nhiệm vụ chính trị là đảm bảo thông tin thông suốt 24/24 trong bất cứ mọi tình huống, có nghĩa là bất cứ ngày hay đêm, mưa hay nắng, bão gió hay lũ quét...không một phút để đường dây bị mất liên lạc.

Ai đã từng ở những tổ lẻ bảo vệ đường dây trần, hẳn không bao giờ quên nỗi lo những mùa mưa bão. Có những đêm lặn ngòi ngoi hóp mệt như muốn đứt hơi trong cái rét tê dại, nối lại đường dây bị gió giật đứt tung, dựng lại những cột, những xà bị gió quật đổ hàng loạt. Tôi chỉ sống với đường dây khoảng một năm thôi mà cho đến mãi tận sau này, vẫn còn thảng thốt, khi đêm xuống phố phường chợt gió lớn nổi lên, trong tâm trí mình lại phải hình dung thật nhanh chỗ để con dao, đôi giày cao cổ, chiếc đèn pin, cuộn dây, cây súng...để sẳn sàng lao ra cánh rừng tối om sống chết với đường dây.

Nhưng ai đã từng gắn bó với đường dây những năm gian lao kia hẳn cũng sẽ không bao giờ quên cái cảm giác yên lành với những buổi chiều nắng đẹp, đi kiểm tra đường dây, qua những ngọn đồi lúp xúp hoa cỏ, ngắm nhìn hàng cột điện với những làn dây sóng đôi trên kia như đang lên dây đàn tấu trình một khúc nhạc tình yêu nào đó. Bao năm rồi tôi vẫn nhớ như in cảm giác này.

Đó là cảm giác day dứt về con sông Kỳ Cùng thật đẹp, thật trong, len lỏi qua những rặng tràm lá đỏ về mùa thu, xanh về mùa hạ, bướng bỉnh một mình một kiểu chảy ngược về phương bắc, mặc sự đời với bao nhiêu những câu ca dao thắm thiết nói về những ai đến xứ Lạng, mải vui với bầu rượu, nắm nem rồi quên đường về.

Hang đá nơi chúng tôi đóng quân cách xa bản làng, vì vậy bốn mùa chỉ có ba anh em. Nhiều khi buồn vắng, chỉ muốn leo lên mỏm núi nhìn người đi lại dưới đường cái. Một tuần vài ba lần thay nhau xuống chợ Đồng Mỏ, cách đó chừng non một chục cây số mua thực phẩm. Chợ Đồng Mỏ thời chiến bị bom đánh nhiều lần nhưng vẫn đông đúc. Cạnh chợ là một cửa hàng bán sách khá lớn. Những lần xuống chợ mua sắm xong những thứ cần thiết, tôi thường ghé vào hiệu sách, mất hàng giờ để chọn mua một vài cuốn. Cô gái bán sách là một thiếu nữ sơ tán từ thị xã Lạng Sơn xuống, nhỏ nhẹ, thanh lịch, đi lại nhẹ nhàng, duyên dáng, ân cần đưa sách cho khách bằng hai tay với nụ cười luôn ẩn hiện trên môi. Biết tôi là lính binh nhì, phụ cấp ít ỏi chỉ đủ mua kem đánh răng hàng tháng, cô gái thường ưu tiên cho mượn sách, lúc đầu đọc tại chỗ, thời gian sau được mang về nhà, như kiểu mượn sách của thư viện, đọc xong lại mang tới trả lại cửa hàng, với một điều kiện là không làm bẩn sách để còn bán cho người khác. Với cách đó, chẳng bao lâu tôi đọc gần hết số sách bày trong cửa hàng và tất nhiên chàng trai trẻ không chỉ biết có mê sách. Thật tình cô gái đã dần dần thu hút hết tâm trí tôi, đến mức hễ có chút thời gian rỗi nào là lại cuốc bộ non mười cây số đến cửa hàng sách. Quà mang đến thường là những thứ hoa rừng kiếm được trên đường đi kiểm tra đường dây, thứ hoa mà cô gái có vẻ rất thích. Trên giá cửa hàng sách vì vậy thường ít khi vắng những lọ hoa rừng!

Cuối năm 1972, mặt trận phía nam đánh lớn, trung đoàn điều một số chiến sỹ tham gia chiến dịch. Lệnh đi trong đêm. Chúng tôi xa cửa hàng sách mà không kịp gửi một lời chào. Mãi cho đến một thời gian sau đó báo chí đưa tin trấn Đồng Mỏ lại bị quân Mỹ đánh bom. Rất nhiều người trong thị trấn bị bom vùi. Cô gái cửa hàng sách mất tin từ đó, cũng không biết còn hay đã hy sinh trong trận bom ngày nào. Bài thơ nhỏ Trong suốt sông Kỳ Cùng là kỷ niệm từ những gì mãi mãi không gặp lại của những năm tháng không bao giờ quên đó.



TRONG SUỐT SÔNG KỲ CÙNG
Ai lên xứ Lạng...


Cả rừng hoa hái chờ em ngày ấy
Biết bao mùa còn trôi tím trong anh

Đường xứ Lạng bến mê sau bóng núi
Sông Kỳ Cùng nguyên một sắc chàm xanh

Anh vẫn biết, rằng sông chảy ngược*
Thế nghĩa là hoa tím chẳng về xuôi

Anh vẫn biết, mềm không riêng gì nước
Thế nghĩa là núi cũng phải trôi thôi

Thế nghĩa là sẽ cùng trời cuối đất
Sẽ theo sông cho đến tận kỳ cùng!

Nhưng từ thuở xa em xuống núi
Bụi phố phường càng xa xót nhớ sông

Em từ thuở với đá ngầm ở lại
Giấu nỗi buồn trong suốt chảy trăm năm.


------------------
* Sông Kỳ Cùng chảy ngược về biên giới phía bắc
trước khi đổ ra biển

Tranh minh họa của họa sĩ NGÔ XUÂN KHÔI

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)