Từ nguyên mẫu đến nhân vật

NGUYÊN MẪU CỦA TÔI - NHÀ THƠ THANH TỊNH

Thứ Sáu, 09/11/2012 00:02

. Nhà văn VÕ THỊ XUÂN HÀ

“Sư phụ của ông nội tôi sinh được mấy người con nhưng không ai chịu theo nghề cha. Sư phụ hy vọng nhất vào người con trai cả được học hành tử tế. Chính ông cũng không ngờ nghiệp vàng lại sinh ra “nghiệt chủng” thơ văn. Người con trai ấy của sư phụ sau này trở thành một trong những nhà thơ danh tiếng của đất nước, với những vần thơ thanh tịnh…”
- Vàng son thạch thủy khí -

Nhà thơ Thanh Tịnh, xét về ngạch bà con, là ông tôi. Cụ đẻ ra nhà thơ Thanh Tịnh, mà tôi gọi là cố, lại là thầy dạy nghề kim hoàn của ông nội tôi. Thế có nghĩa với các cụ bên đó, ông bà nội tôi phải sống tết chết giỗ, chưa nói đến việc bà nội tôi và chị dâu của nhà thơ Thanh Tịnh là bà Thị Hoành, là đôi bạn thân “con chấy cắn đôi”, không rời nhau từ lúc nhỏ cho tới già tới chết.

Cũng như bao trí thức khác tham gia cách mạng và tập kết ra Bắc, ba mẹ tôi và ông Thanh Tịnh đều nhất trí “giấu biến” hai việc: một là họ không nói tiếng Pháp nữa, kẻo bị quy là tiểu tư sản thành thị; hai là không nên công khai nhận họ nhận hàng. Vì thế chúng tôi chuyển sang gọi “ông” là “bác” - theo mẹ tôi kể lại, đấy là ý của ông Thanh Tịnh, gọi thế cho trẻ.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Khi ba mẹ tôi đã tập kết ra Bắc rồi thì ông nội tôi gửi ông Thanh Tịnh “chút vàng” mang ra sau, vì mẹ tôi làm dâu trưởng mà chưa được hưởng chút của nả gì. Nhưng cầm vàng mà chẳng gặp được người trao.

Mãi sau này gặp lại ở Hà Nội, ông Thanh Tịnh mới bảo cho biết, còn vàng thì đã tứ tán đâu cả. Năm 1968, ông nội tôi bị đạn lạc của lính bắn chết khi chờ ba tôi biết đâu ở trong đoàn quân nào đó ngoài Bắc về; cũng chính ông Thanh Tịnh báo cái tin tang này cho mẹ tôi, mà nhất định giấu ba tôi, những năm ấy ba tôi đang ở Mặt trận Hạ Lào.

Máy bay Mỹ ném bom Miền Bắc, mấy chị em tôi được gửi vào Trại B dành cho những người có hộ khẩu Hà Nội, là con em của những cán bộ đi B (đi vào chiến trường miền Nam), ưu tiên con cháu miền Nam tập kết, do Tổng cục Chính trị tổ chức, sơ tán ở Lập Thạch Vĩnh Phúc. Lúc này ba tôi đang ở chiến trường, còn mẹ tôi đi học Y sĩ ở Trường Y Thái bình, sơ tán tận Hoành Bồ Quảng Ninh. Muốn đi thăm chị em tôi, mẹ phải đạp xe ba ngày ba đêm liền, nên một năm may ra mẹ tôi đi được một lần. Vì vậy, người đến chăm sóc thăm nom chị em tôi nhiều hơn là ông Thanh Tịnh. Ông đi xe com-măng-ca của Văn nghệ Quân đội lên thăm, mang đường sữa, rồi kẹo của Liên Xô hay của Trung Quốc rất ngon, mà ông bảo họ biếu, ông để dành mang lên cho các cháu.

Sau này hết máy bay oanh tạc, hết phải đi sơ tán, tôi hay về ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế để thăm ông. Cái xe đạp không thèm khóa của ông nằm chỏng chơ một góc biệt thự cũ kỹ. Tưởng không ma nào thèm nhấc, thế mà một ngày cái xe rách cũng biến mất. Trong phòng ông ở, cơ man tượng cổ. Tôi móc bằng chỉ trắng những tấm khăn nhỏ cho ông phủ những bức tượng cổ. Thi thoảng tôi làm vài ba bài thơ lăng nhăng, đưa cho ông xem, thường ông ỉm đi không nói năng gì. (Có lẽ những bài thơ ấy kém quá chăng? Hoặc ông không thấy hay ho gì cái trò làm thơ phú lăng nhăng). Nhưng ông lại hay tìm cách đưa tôi đi nghe những cuộc ông nói chuyện, kể cả cuộc nói chuyện cho công nhân nhà đèn ở Huế ngay sau giải phóng.

Sau này khi tôi thi vào trường Viết văn Nguyễn Du (khóa 4), có nộp cả thơ và truyện ngắn. Nhưng cứ nghĩ đến ánh mắt hóm hỉnh của ông Thanh Tịnh, nghĩ đến việc ông ỉm đi không trả lời tôi, rằng thơ tôi có ra gì không, khi dự cuộc phỏng vấn (vòng thi bắt buộc ngoài thi viết), tôi chọn văn xuôi.

Khi tôi về Ban Sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam, lúc đó nhà văn Nguyễn Trí Huân đang là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Trưởng Ban Sáng tác, tôi nói nhỏ với anh Huân rằng tôi là cháu của Thanh Tịnh, “nhưng thôi anh đừng nói ra, sợ mọi người cho là thấy sang bắt quàng làm họ”.

Lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Tịnh do Hội Nhà văn VN tổ chức tháng 12/2011 (Ảnh: Vanvn.net)

Ngày 16.12.2011, Hội Nhà văn VN làm Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Thanh Tịnh, cả hội trường khá đông, chỉ có mỗi tôi là “bà con” của Thanh Tịnh ngồi lặng lẽ ở dưới những hàng ghế cuối cùng, nhưng không mấy ai biết. Anh Nguyễn Trí Huân hỏi tôi: sao Hà không lên phát biểu vài câu? Tôi trả lời anh: Thôi, để các cụ nói, giờ em lại càng không nên nói gì.

Tôi tuy sinh ra lớn lên và ở luôn Hà Nội, nhưng dòng máu trong người vẫn Huế. Vốn người Huế là vậy. Ngại làm phiền mọi người. Cũng ngại làm phiền người đã thiên cổ, vì mình có làm được gì đâu cho người đã đi vào cõi thiên thai. Cứ nghĩ những năm tháng cuối đời Thanh Tịnh, ông vẫn “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân”, lúc đó tôi bận con nhỏ, không ngó ngàng được gì đến ông, trong lòng cảm thấy xót xa…

Nhà thơ Thanh Tịnh

Khi nhà báo Phong Lan ở trang web của Hội Nhà văn VN nhắc: Có lẽ chỉ có mỗi cái truyện ngắn Vàng son thạch thủy khí của chị là có viết một chút về nhà thơ Thanh Tịnh, cho em đưa lên mạng. Tôi suy nghĩ lắm. Truyện ấy tôi viết sau khi ba tôi mất, có nhắc đến hai nhà thơ: một là nhà thơ Thanh Tịnh, hai là nhà thơ Trần Vàng Sao (ông Sao hiện vẫn ở ngay sau khuôn viên vườn nhà ba mẹ tôi ở Vĩ Dạ).

Và tôi đồng ý với Phong Lan, đưa truyện ngắn của tôi lên (dù trong truyện, nhà thơ Thanh Tịnh chỉ xuất hiện thoảng qua).

Lời tâm sự của tôi, thay nén tâm nhang thắp lên trời cho những người con xứ Huế đã từng góp mặt trên cõi này, cũng như những nhân vật có thật trong truyện của tôi, như nhà thơ Thanh Tịnh…



Truyện ngắn VÀNG SON THẠCH THỦY KHÍ


Những tên người, địa danh trong câu chuyện này đều do tôi tự nghĩ ra.
Những câu chuyện tôi kể dưới đây có thể chưa bao giờ có ở trên thế gian này…


1. Cuối tháng mười ta, xứ Huế mưa than lê thê buồn. Mới vừa lụt khắp kinh thành. Nước mới rút. Ngang chân tường nhà tôi vẫn còn ngấn bùn. Tôi đi vào buồng mẹ, mùi khăm khẳm của bùn sông Hương lảng vảng. Đấy là cái mùi của chợ đọng dưới đáy sông, đôi ba năm được dịp trào lên mặt phố, đôi ba năm bốc cao giữa lưng chừng, vón lại, bị mặt trời thiêu thành luồng khí mang màu cầu vồng.

Hôm lụt, nước dâng lên nhanh chóng mặt. Em trai kê cái giường to lên chiếc sập lim. Chiếc sập này dài hai mét hai, rộng một mét tám, đủ rộng để kê cái giường của mẹ lên. Em trai nhấc bổng cha lên đặt nằm xuống giường đã được kê cao. Cha tôi mới ốm nặng, nhưng chưa đến độ nằm một chỗ, nếu không có nước lụt, cha vẫn chống gậy đi cà nhắc được trong nhà. Mẹ tôi leo lên giường, đưa lên theo cái bếp ga du lịch và thùng mì tôm để bên cạnh mép giường. Phía buồng bên kia, thằng cu con em trai mới lên 5 tuổi chổng mông trên chiếc bàn rộng làm giường ngủ đang lấy que chọc nước. Nó nhìn mặt nước dâng cao dần, cười ré lên thích thú.

Cha tôi không hiểu nghĩ ngợi gì, lẩm bẩm: Trong nước có khí. Trong khí có nước.
Trước đó mấy ngày, chú Út tôi gọi điện ra Hà Nội bảo, cháu thu xếp về Huế mấy hôm, họ nhà ta có việc. Tôi hỏi có việc gì quan trọng không chú? Chú nói luôn, quan trọng thì tau mới gọi mi về. Nhớ mang theo cái máy ảnh tốt. Nếu có ủng mang theo luôn, vô đây đỡ phải đi mua. Ủng? Tôi thấy lạ. Nhưng không hỏi thêm. Biết tính chú Út, tôi lẳng lặng thu xếp. Ra cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động ở Yết Kiêu mua đôi ủng màu đỏ tươi rói. Bà chủ bán ủng bảo, ủng này lội bùn leo núi rất bền. Tôi chợt nghĩ, thì ra chú Út dặn mang ủng vào để lội bùn leo núi sao? Việc gì vậy?

Tôi ở trên chiếc bàn em trai kê sát bên cửa sổ, nhìn mưa rơi ào ạt ngoài cửa sổ, nhìn nước dâng lên nhanh đến chóng mặt, nhìn mẹ còng người lọc nước mưa bằng cái lọc nước Hàn, lấy nước dầm mì bón cho cha.
Ba ngày sau nước rút. Chú Út phóng xe xuống nhà:
- Sáng mai đi với chú xuống miệt Tam Giang.
Sáng mai sớm, tôi lên chiếc xe mười hai chỗ cà tàng chú Út thuê, trên xe có mấy người cả trẻ và già, có lẽ là bà con mà tôi chưa gặp bao giờ. Chào nhau mấy câu chiếu lệ, rồi xe chạy. Chúng tôi cùng đi xuống phá Tam Giang. Đôi lần tôi tính hỏi chú Út, đi đâu vậy chú? Nhưng làm báo lâu năm, tôi đã quen với những sự cố và những bất ngờ chợt đến. Chú Út im lặng suốt quãng đường từ Vĩ Dạ xuống phá.

Xe ngoặt qua nhiều khúc, rồi dừng lại trước một bờ phá nhỏ có những búi cây lúp súp mà tôi không biết đó là loài cây gì. Phá Tam Giang được chia làm nhiều khúc, nhiều khoảnh, rộng mênh mông tít tắp. Những luồng tôm, cua được ngăn bằng những bờ đắp bằng bùn dưới đáy phá. Đôi chỗ lại gặp những cái gò cát hay gò đất cát pha. Đôi chỗ có những lạch nước riêng rẽ. Người đi câu tôm, lùa cua loáng thoáng trong sương mờ. Người đôi chỗ ngập tới ngực, chỉ còn hở hai con mắt nhìn khách lạ đỗ xe và lôi những chiếc ủng ra.
Bấy giờ chú Út mới chịu hả miệng:
“Thằng Bảo Quốc gửi tiền về đủ cho họ nhà ta làm lại khu mộ tổ con à. Nó bảo chú đứng ra lo vụ này…”
“Ra vậy, ra chúng ta đang đi quy tập mộ ở dưới phá này đưa về mộ tổ sao? Sao chú không nói sớm cho cháu biết?”

“Năm xưa ông nội con đã mua cả khu đồi rộng quanh khu mộ tổ trên núi Phượng Tây. Nay vật đổi sao rời, giấy tờ ngày Pháp thuộc không còn giữ lại được. Chiến tranh đến người còn ly tán mất mát huống chi cái mảnh giấy. Giờ nhiều người lấn chiếm. Cánh lâm trường thì bảo đất đó là của nhà nước, họ cùng bên trông coi nghĩa trang thành phố cho phép ai vào mới được vào. Nhưng chú biết họ ngầm bán lấy tiền riêng. Mỗi mảnh cỡ năm mươi thước họ lấy chục triệu đó con”
“Trời, vậy sao?”
“Chú đã làm việc với thằng cha Động rồi. Hắn nói gia đình ta thì chỉ cần vài ba triệu đặt trước, rồi hắn sẽ cho làm sẵn huyệt mộ. Mấy mươi cái mộ quy tập là mấy mươi cái huyệt sẽ được đào và xây sẵn. Chỉ phải trả tiền xây mộ. Không phải trả tiền đất. Ba con có đi thì cũng lên đó thôi. Hôm trước chú có hỏi ba con kỹ càng lắm rồi”
“Ba con nói sao?”
“Trước ba mi bảo nếu có đi thì lên nằm ở nghĩa trang liệt sĩ của thành phố. Cả đời đi theo cách mạng Cụ Hồ, lúc chết cũng nằm cùng anh em đồng đội. Hôm rồi ba con bảo lại chú, ông nghĩ kỹ rồi. Mẹ con cả đời hy sinh nuôi dạy con cái cho ông đi chiến trường, giờ lại bên ông không rời giây phút nào. Nếu chết mà không nằm bên nhau thì bao nhiêu kiếp ly tán”
“Ba cháu sau nằm đâu thì mẹ cháu sẽ theo đó”
“Nhưng ba mi có thành tích trong quân đội, sĩ quan, tuổi đảng, được nằm ở hàng đặc biệt trên nghĩa trang thành phố. Còn mẹ mi chỉ là một y sĩ, nằm ở hàng dưới, đâu có được gần nhau. Thế nên ba bảo với chú là cho ông về khu mộ tổ rồi. Ở đó vui vẻ đầm ấm, có anh có em, có chú Hai, có chú Năm, bà con tổ tiên…”
“Vậy sao chú đưa cháu ra đây?”
“Chuyện là thế này…”


Tranh minh họa của QUỐC THẮNG

Chú Út tôi kể, phải mất hàng tháng trời thuyết phục, cả mấy chục người anh em bà con của tôi ở nhà thờ họ dưới Nam Phổ mới chịu quyết định một việc hệ trọng: quy tập và xây dựng lại phần mộ tổ họ Võ Công. Đây là mơ ước của ông nội tôi từ ngày ông mới lập nghiệp thời Pháp thuộc. Khi làm ăn có tiền, ông mua cả một quả đồi nằm trong quần thể núi Phượng Tây, bởi trên quả đồi rộng hàng trăm hecta này từ bao đời đã là nơi thác về của dòng họ. Ông đưa dần từng người từ hàng cố của cố nội của ông cho đến hàng những người tôi gọi bằng cố nội về quây quần.

Chiến tranh ly tán. Quả đồi rộng xơ xác và hoang vắng. Những cái bia liêu xiêu không còn đọc được rõ chữ. Nhiều người bà con trong họ không còn sống trên đời và nằm rải rác khắp nơi, ngay cả ông nội tôi cũng không nằm trên khu mộ tổ mà khi còn sống ông cố công chăm chút. Nay Bảo Quốc con chú Năm tôi làm ăn phát đạt bên Mỹ có ý thực hiện mơ ước của chú trước khi mất. Muốn chú nằm trên quả đồi khu mộ tổ được an ủi vui vẻ. Vì thế cậu gửi tiền về và mong muốn ở nhà quy tập được hết những cái mộ nằm rải rác khắp nơi về. Một kế hoạch được vạch ra. Mọi người phân công nhau, người lo cùng đám thợ trên khu mộ xây lại từng hàng từng hàng mộ theo vai vế. Người lo gọi thợ đá dựng chín bức trướng trên đỉnh đồi. Người lo đi quy tập mộ bà con còn nằm rải rác ở khắp nơi suốt những năm tháng chiến tranh đưa về. Bà con bàn, chú Út tôi giỏi môn huyệt đạo, lại hay ngao du với mấy người bạn có tài bấm độn và xem thiên văn với phong thủy, nên lo phụ trách phần quy tập mộ.

Chú Út tôi đề nghị cho gọi tôi về, là con gái lấy chồng xa nhưng lại là nhà văn được nhiều bạn đọc biết đến, nên tôi có thể ghi chép tương đối chuẩn xác những biến cố trọng đại của dòng tộc, sau này có thể làm tư liệu viết những tác phẩm để lưu giữ cho dòng tộc.
Thế nên tôi đã có mặt trong cái đoàn lặng lẽ đi trong sương gió về phá Tam Giang buổi sớm mai mờ đục này.
Mới lụt nên phá Tam Giang lở lói, chân bước đi chồi sụt thấp thểu. Tôi theo mọi người bước xuống một khoảnh phá nằm phía bờ nam. May cái ủng tốt không bị cát và bùn níu chân. Chúng tôi lội bùn và nước dò dẫm từng bước. Thi thoảng chú Út tôi dừng lại hỏi người đi ngay sau:
- Chỗ có lối ngoặt này đúng chứ ông Bầu?
Ông tên Bầu một tay xách cái giỏ đựng đầy đồ cúng, một tay che mắt nhìn ra xa, không có mặt trời hé ra chút nào trên cái phá mù sương khói này vậy mà ông ta cứ che mắt. Rồi chậm rãi nói:
- Để tui nhớ lại. Khi đó tui chôn cố cách cái cồn cát này chừng hai trăm mét lựng.
Cố? Tôi không biết đó là cố bên nhà nào, im lặng nghĩ, chắc cố có họ gần với nhà nội mình. Thế nên chú Út mới tốn công thế. Mà không phải là chú Út quyết định, đây là quyết định của cả họ.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng tới được cái nơi mà ông Bầu nói đã đặt bà cố nội của ông nằm xuống, nơi nước mênh mông, nhưng cái ngày xa xưa đó đây là một cái gò. Ngày ấy Huế lụt to, xung quanh trắng nước, người cố ngã bệnh đành đặt xuống lòng cồn cát. Đã mấy đời trôi qua rồi. Nước phá Tam Giang đã tràn qua cồn xóa nhòa cái cồn nhỏ.

Lúc ấy tôi mới biết đi cùng đoàn có một người bạn của chú Út từ Đà Lạt ra. Ông ta mở cái xắc vẫn nắm chắc trong tay khi lội nước, lấy ra một cuốn sổ nhỏ ghi chi chít bằng chữ Hán. Ông đọc lẩm nhẩm gì đó rồi chỉ tay:
- Đây kia.
Mũi xẻng nhỏ xắn xuống nền cát ẩm.

Bìa tập truyện ngắn cùng tên của nhà văn Võ Thị Xuân Hà

2. Chú Năm tôi sinh ra lớn lên ở đất Vĩ Dạ, Huế. Nhưng đời chú chia làm ba khúc. Khúc 1: Vĩ Dạ. Khúc 2: Hoa Kỳ. Khúc 3: anh Năm Sài Gòn.

Khúc 1:
Chú Năm không cao, cũng không giống ông nội mấy. Chú da ngăm đen, cả ngày chạy dưới nắng. Bến sông Hương khúc chợ Vĩ Dạ thường xuyên có thuyền cá về buổi sớm, hạ cá xuống chợ. Chú Năm rình lúc không ai để ý dưới lòng thuyền, vốc một vốc cá cơm hay cá long hội (lôi họng) ôm vào vạt áo chạy phắt lên bờ. Nhưng chú không mang cá về nhà. Chú chạy qua cửa nhà, vòng ra phía sau vườn đến cạnh một khu vườn trồng đầy hoa, phía trước là cả một dãy cau nặng trĩu quả, gọi bà mụ Cau, tiếng gọi miễn cưỡng cau có:
- Mụ* nấu canh thơm cho thằng Ba Đính.

“Thằng” Ba Đính mặt nhem nhuốc đi từ vườn vào. Vườn nhà mụ Cau trồng hoa kiểng. Cha chú Ba Đính làm quan xa nhà. Nhà không nghèo tới nỗi chú Năm phải trộm cá dưới bến mang cho. Nhưng chú Năm tôi thua trận tình với chú Ba Đính. Khi tung quyền cước đánh ráp lá cà lấy được thua, trong lòng chú Năm và chú Ba Đính nghĩ tới cô Út Liên. Nghĩ nhiều thua đậm. Ai thua phải phục vụ người thắng cả tháng. Chú Năm nghĩ ra kế phục vụ chú Ba Đính bằng món canh cá vượt vườn kiểng nhào lộn với thơm.

Đêm hai người rủ nhau la cà dưới bóng những cây cau Vĩ Dạ, thầm ngó cô Út Liên bên thềm Phủ Dạ Vương. Cô Út Liên kiêu kỳ đi qua đi lại bên thềm Phủ, lòng không mong không đợi chàng trai nào của thôn Vĩ. Cha cô Út Liên làm quan trong triều. Tuy triều trong Đại Nội sắp rã, nhưng bóng quan về mỗi buổi chiều tà trên chiếc xe tay vẫn gây nên cảm giác uy nghiêm và cung kính trong mắt mọi người.
Chú Năm tôi tuy thua trận, mà có thắng thì cũng chỉ là hai chàng trai tự ăn thua với nhau về một cô gái, nhưng chú được ân sủng của cô Út Liên một lần. Lần này thì chú Ba Đính không biết chút nào.

Lần đó là một buổi sớm mai, khi mặt trời chưa ló rạng, khi nước sông Hương cạn kiệt, thuyền cá không cập nổi bến chợ thôn Vĩ. Cô Út Liên tuy con quan nhưng cô cũng là gái thôn Vĩ. Năm ấy hạn hán kéo dài, nước nguồn hiếm hoi. Con trai con gái thôn Vĩ đều phải kéo nhau ra sông tắm giặt. Cô Út Liên ra sông sớm hơn chúng bạn. Cô lội ra phía có nguồn nước trong, bỗng tụt chân vào xoáy cát. Cô chới với. Chú Năm đang chuẩn bị chạy le lên một mạn thuyền cá chơi với đám bạn chài đã quen nhiều ngày, bỗng nhìn thấy cánh tay áo Út Liên chới với. Chú dĩ nhiên là lao xuống sông, mặc cho cát xoáy, mặc cho bùn và rong rêu quẩn chân níu lại. Chú bám chân vào một gờ sỏi, bấm sâu chân vào đó rồi ôm được cô Út Liên kéo dần lên.

Cô Út Liên được cứu, mặt tái xanh nhìn chú Năm. Chú Năm thì chỉ nghĩ tới cái lúc ôm cô Út Liên kéo dần lên, ngực cô Út Liên chạm vào ngực chú ấm nóng như có luồng sức mạnh kỳ ảo giúp chú không bị tụt xuống xoáy cát.

Chuyện vậy nhưng chỉ có hai người biết. Sau này khi cả ba người đều đi học chung đường, cô Út Liên chỉ dám lén nhìn chú Năm, mặt ửng lên màu nắng vườn Vĩ Dạ.

Chú Năm thua chú Ba Đính, nên không dám tranh phần bạn. Chú xin tiền ông nội tôi vào Sài Gòn học, học mãi. Chiến tranh nổ ra khắp hai miền. Chú lên tàu sang Hoa Kỳ học tiếp.

Chú Ba Đính ở nhà cũng học lên. Chú thắng nhưng chưa một lần biết ngực cô Út Liên ấm nóng ra sao, vì cô cứ mãi nhớ người đi xa.
Chú Ba Đính bỏ học lên chiến khu. Chú không biết cô Út Liên sau đó cũng lên chiến khu. Sau này chú thành nhà thơ nổi tiếng, với một bút danh nổi tiếng, viết bài thơ của “một người yêu nước mình”.

Tôi bước đi
Mưa mỗi lúc mỗi to
Sao hôm nay lòng thấy chật
Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc…


Khúc 2:
Chú Năm sang Hoa Kỳ học, thành một công tử Việt được ưu ái trong các sảnh đường. Chú ôm trong tay nhiều bộ ngực ấm nóng và phồn thực, trắng đen nhiều bề nhiều kích cỡ. Nhưng chú không bao giờ tìm thấy được cái cảm giác ấm nóng, xa xót và trìu mến như ngày xưa ôm cô Út Liên trong tay dưới dòng sông Hương.

Khúc này của chú, tôi không biết lắm, cũng có nghe thím tôi kể lại, nhưng không mấy khi nhớ nổi.
Khúc này của chú khi ấy, tôi phải đội mũ rơm đi học, chui dưới hầm tránh máy bay Mỹ thả bom ở miền Bắc. Tôi ăn mì bo bo để lớn. Còn chú món mì Ý và những đồ bơ sữa Hoa Kỳ tràn trề.
Khúc này khiến chú suýt trở thành kẻ lưu vong.

Khúc 3:
Giải phóng Miền Nam sắp tới gần. Chú tôi mặc kệ những can ngăn, lên máy bay trở về cố quốc. Chú giấu trong người một bức thư, sau bao lưu lạc đã đến tay chú một ngày trên đất Hoa Kỳ.

Ông nội tôi đã mất. Chú Ba Đính và cô Út Liên đi lên chiến khu đã lâu, không tin tức. Chú Năm không muốn về Vĩ Dạ nữa. Chú chọn Sài Gòn làm nơi định cư. Chú mua miếng đất ở quận Tân Bình, cưới thím tôi, một cô gái miệt vườn Sài Gòn, chú quên những đêm nhảy đầm, quên những ánh hào quang tây phương xa xôi, chuyên tâm làm vườn cùng thím. Chú tìm hiểu về Việt Cộng, cố gắng ngóng tìm người anh cả theo cách mạng là cha tôi, mong có ngày anh em đoàn tụ. Chú nghiền ngẫm rất kỹ bộ Tư bản, cố ghép tư tưởng của chủ thuyết này với Việt Cộng, với Hồ Chí Minh. Chú bình thản khi Việt Cộng tràn vào khắp thành phố Sài Gòn hoa lệ đang héo hon trong những cơn nắng quái.

Toản bộ những sự kiện này chỉ khi chú mất đi do căn bệnh ung thư, tôi mới được biết. Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu lý do gì khiến chú bỏ tất cả để trở về quê hương vào đúng lúc chiến tranh đang khốc liệt và phía đối phương của những người đã nuôi chú ăn học, những người đã rót vào chú những chủ thuyết tây phương, phía đối phương đó đang sắp nắm được chính quyền và nền độc lập dân tộc.
Trước khi chú Năm tôi mất, chú có dặn lại cho thím tôi và mấy em con chú nhiều điều, điều cuối cùng nhỏ xíu chỉ thím nghe thấy:
“Con bé Hai nhà anh Cả, nó có tài, nếu giúp được nó cái gì thì nên giúp. Con bé có đôi mắt giống…”

Thím tôi hỏi:
“Giống ai? Ba nó nói đi”.

Nhưng chú ra đi trong yên lặng, với một nụ cười mãn nguyện trên môi.
Một lần thím tôi dọn đồ, nhặt được một bức thư đã hoen ố qua nhiều năm, không rõ của ai:
“Tui đi lên núi đây. Nếu là người yêu nước mình thì hãy trở về…”

Thím tôi, bằng nhiều cách, đã quyết đưa di hài chú ra Huế để nằm núi. Khi bốc mộ, sau mười niên, thi thể chú Năm tôi không rã mà cứng đanh lại thành một khối kết thạch.


3. Mùa lụt ở Huế năm đó, chú Hai tôi mới sinh được 4 tháng. Chú nằm toèn hoen trong cái nôi đan bằng nan tre, được ken dày như chiếc thuyền thúng và láng vài nước sơn đen bóng. Ý chừng mọi người đã có sự chuẩn bị sẵn cho trận lụt được báo hiệu trước bằng những cơn gió quấy vào quá canh hai, canh ba.

Ông bà nội tôi khi ấy mới lập nghiệp vàng.

Ông tôi cả thời trai trẻ cắp tráp theo học thầy dạy chế kim hoàn. Người thầy dạy cho ông tôi không chỉ việc chế tác, mà còn dạy những bí kíp làm chủ một cửa hiệu kim hoàn. Ông tôi coi thầy không chỉ là sư phụ mà còn coi như một nghĩa phụ. Sư phụ-nghĩa phụ của ông có người con gái khá duyên dáng và thông minh. Bà thường giúp ông tôi vào những lúc bất ngờ nhất. Chẳng hạn như khi tay ông lóng ngóng với một hột ngọc phải rũa, hoặc khi ông luyện thoi vàng quá lửa.

Nhưng ông tôi lại để ý đến người bạn gái của bà. Người này hay đến vào buổi sáng rủ bạn đi học. Họ học ở trường nữ dành riêng cho con cháu nội ngoại hoàng tộc, mé gần bên kia đại nội, từ đó có thể nhìn thấu cảnh vui chơi trong giờ chơi của trường Đồng Khánh. Người bạn gái ấy thoạt nhìn không có vẻ gì đài các kiêu sa. Nhỏ nhẹ, khiêm nhường. Đến như làn gió thoảng. Đi như vương lại chút hương của bến bãi bắp non dịu mát bên dòng sông Hương.

Ông nội tôi có vóc dáng nhảnh nhảnh thư sinh, gương mặt ông thanh thoát, trán cao. Nếu gia cảnh không vất vả từ nhỏ, ông chắc chắn đỗ cao làm quan. Không được học lên quan, ông tu chí làm thương nhân. Cũng tại bởi đất Huế thuyền nhân cập bến Đông Ba và bến Gia Hội khá nhiều. Ông tôi đi khắp lượt phố thị, suy nghĩ con đường tương lai của mình. Đang lúc mải nghĩ trên đường phố Hưng Đạo, chân dẫm nát những cánh hoa phượng rụng đầu hè, ông đụng phải một ông già làm lăn cái gậy trúc ra xa. Ông vội vã nhặt gậy, cúi đầu tạ lỗi. Ông già không giận, lại cười ha hả:
“Chàng trai, con không nên học làm quan. Mệnh của con khắc trên nhân trung con chữ VÀNG”.

Ông già nhận ông nội tôi về truyền nghề chế tác kim hoàn thủ công gia truyền.
Sư phụ của ông nội tôi sinh được mấy người con nhưng không ai chịu theo nghề cha. Sư phụ hy vọng nhất vào người con trai thứ được học hành tử tế. Chính ông cũng không ngờ nghiệp vàng lại sinh ra “nghiệt chủng” thơ văn. Người con trai ấy của sư phụ sau này trở thành một trong những nhà thơ danh tiếng của đất nước, với những vần thơ thanh tịnh. Sư phụ của ông tôi cũng sẽ chẳng bao giờ ngờ, số phận của gia tộc tôi cũng sẽ lụn bại theo ánh vàng hoàng kim, bừng lên rực rỡ trước bình minh rồi tắt dần khi hoàng hôn xuống, và từ đó sẽ nảy sinh ra một thế hệ “nghiệt chủng” thơ văn y như gia cảnh sư phụ.

Ông đã dạy ông tôi bắt đầu bài học đầu tiên của một thương nhân. Chính sư phụ của ông nội tôi khuyên người học trò nom còn quá mơ mộng: “Phải biết chọn người vợ để mai sau làm chủ một thương hiệu”.

Ông tôi đã chọn người bạn gái của con sư phụ. Và chuẩn bị tâm thế cũngnhư vốn liếng tích cóp để gây dựng thương hiệu vàng Tài Nguyên sau này trên đất Huế.

Bà nội tôi người nhỏ nhắn, da trắng hồng. Bà không phải hàng đẹp đài các kiêu sa, nhưng thần thái của bà ánh lên hào quang của một hoàng nương. Một tay bà quản lý toàn bộ gia sản do chồng gây dựng suốt từ thời son trẻ bần hàn cho tới khi gia sản ấy dày lên lấp lánh muôn ngàn ánh vàng, ngọc, kim cương, xa phia, ru bi…

Nhưng cái năm ấy, khi nước ngập lên tận mái nhà, ông bà nội tôi mới sinh được cha tôi với chú Hai, và vốn liếng chưa có bao nhiêu. Ông tôi đưa vợ con trèo lên ngồi chắc trên mái nhà. Căn nhà ngói ba gian mới xây trên miếng đất ông tôi mua được bằng tiền thầy xuất cho lập vốn. Cha tôi ngồi im trong cái ghế được buộc trên xà ngang. Ông nội dỡ mái ngói ra buộc ghế vào xà bằng dây thừng, rồi đặt cha tôi ngồi vào ghế vòng chặt lại. Chú tôi bị sốt cao, khóc không thành tiếng. Bà nội tôi ôm chú vào lòng nhìn mặt nước ngầu đục dâng cao. Chú sốt ba ngày thì mất. Ông bà nội ngơ ngác nhìn đứa con trai như thiên thần bay đi trên dòng nước lạnh. Ông bà tôi táng chú trong cái nôi thuyền buộc trên cành cây mai tứ mùa trước cửa. Không có hương, không có chút gì thắp hương. Chỉ có gió và nước. Đôi mắt bà nội tôi vô hồn nhìn cơn nước tứ phía tràn về Vĩ Dạ.

Sau khi lụt đi, ông bà nội tôi đưa chú lên chôn trên sườn núi Ngự Bình. Ở đó chú có thể nhìn về được Vĩ Dạ, nhìn được sông Hương, và có thể rướn mắt mà nhìn ra xa phía biển Thuận An.

Ông bà nội tôi khấn “con vàng của ta, mong con được vui vẻ trên cao”.

Gần năm mươi năm sau, khi đất nước thống nhất, cha tôi trở về, đã đồng ý cho các cô chú tôi đưa chú Hai về khu mộ tổ. Khi mộ chú Hai mở ra, một ánh hào quang rực rỡ tỏa rạng, cơ thể hài nhi của chú Hai còn nguyên vẹn một khối trên núi Ngự Bình. Điều kỳ lạ đó là một khối màu vàng kim loại.

Đám bốc mộ la lớn:
“Mộ kết. Mộ kết vàng mấy o chú ơi”
Nhưng thi thể hài nhi khi gặp khí đất khí trời, bỗng sạm dần. Mộ đã mở ra không tài nào kìm giữ được nữa, đành bốc lên đưa về.
Những năm 1976 cho đến 1980, các tiệm vàng của mấy cô chú tôi ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn liên tiếp bị vỡ. Ban đầu là cuộc đánh đổ công thương trên toàn quốc, cấm buôn bán vàng, đô la; tài sản của cô chú tôi cộng lại bị tịch thu hàng mấy chục hòm vàng, kim cương, đá quý. Tiếp theo là chuyện vượt biên của cả họ mấy chục con người. Mỗi người ra đi, đều phải trả vàng, và vàng được dắt kín để phòng thân nơi xứ người. (Chuyện này riêng gia đình tôi không được biết. Mọi người kính nhi viễn chi ông anh bà chị cả mới ở Bắc về).
Vàng cũng được làm chứng cho những dặn dò của người trên với người dưới khi chuyến vượt biên đang được chuẩn bị âm thầm riết ráo. “Sang đó, nếu mở được tiệm vàng thì hãy mở để nối nghiệp cha ông nghe con”.

Tiếng dạ nhẹ mà mạnh mẽ trong bầu trời đêm.
Tất cả đều vượt biển an toàn.

Nhưng mấy chục năm trôi qua, không ai trong dòng họ ra xứ người mở được tiệm vàng. Nghề kim hoàn của ông bà nội tôi mai một dần.

Huế mưa Ảnh: Internet

4. Chú Ba tôi hiền từ nho nhã nhất trong mấy anh em trai. Chú lấy thím tôi cũng do ông bà nội sắp đặt. Ngày cưới dâu về, khi đêm buông xuống, vào phòng cô dâu, chú mới ngộ mặt vợ mình.

Thím tôi được chọn nhờ gương mặt đẹp quý phái của gái miệt vườn Ngọc Mai, nhưng phần nhiều là nhờ bàn tay trái của thím có 6 ngón. Cái ngón thứ 6 áp ngón út, nhỏ xinh như ngón tay tiểu thiên thần. Bà nội tôi đưa chú Ba đeo nhẫn đeo vòng dẫn cưới, không quên đưa chú tôi đeo một cái nhẫn có mặt ngọc hình trái tim vào ngón thứ 6 của thím. Thím Ba tôi thói quen thường giấu bàn tay trái vào ống tay áo, hệt gái tàu, nên bà nội tôi tin thím sẽ giữ được chặt gia sản của dòng họ.
Chú Ba tôi đích thị là một tay tư sản. Mặc dù chú ít nói và hay cười mủm mỉm. Có lần chú nói với tôi:
“Con có biết tâm lý khách hàng là như thế nào không?”
“Dạ con nghĩ họ cần mua thứ họ thiếu”
“Con nhầm đó. Thiên hạ thường hay mua mọi thứ về để bỏ đi”
“???”
Tôi thật sự ngạc nhiên. Nhưng tôi không hỏi lại chú. Tôi ngẫm nghĩ và tôi thực hiện theo lời chú nói. Dĩ nhiên là sau này, khi tôi thích nhúng tay vào kinh doanh.

Toàn bộ gia sản ông bà nội tôi gây dựng được trao vào tay chú, là con trai lớn trong nhà, chú phải làm thay anh cả là cha tôi đã bỏ nhà đi biền biệt. Cửa hiệu kim hoàn Tài Nguyên mọc lên ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Mở tiệm nào thành công tiệm nấy.
Chú Ba cứ mủm mỉm cười như vậy, nhưng thím và cả đàn con sợ chú như cọp.
Tuy thế ông nội tôi rất khắt khe với con cọp này. Có năm tết đến nơi rồi, chú vẫn mải với cửa hàng vàng trên phố chợ Đông Ba, quên sắm tết đưa về Vĩ Dạ. Ông nội tôi cho gọi chú về.
Ông nội hỏi:
“Biết hôm nay ngày mấy ta không?”
“Dạ biết, ngày 20 ta”
“23 tết ông táo, nhà chưa có một chút gì trên bàn thờ. Vậy mi nằm xuống, 23 roi cho nhớ nghe chưa”.
Chú ngoan ngoãn nằm xuống sập cho ông nội quất 23 roi tre xuống mông. Chú năm đó đã có vợ và 3 con.
Chú thím bị bỏ mất người con trai thứ khi nó lên bốn tuổi. Khi đó ông nội tôi chưa quyết định giao toàn bộ gia sản cho chú. Ông nội cố ngóng đợi cha tôi trong vô vọng. Người con trai thứ của chú thím Ba tên Việt, khi sinh nó ra, chú bảo nó khôi ngô tuấn tú, sẽ là một chàng trai Việt tử tế, không bướng bỉnh khó gần như cậu cả Trung. Việt bị thương hàn mà bỏ đi. Chú thím tôi đưa em Việt lên núi. Sau đó thì chú bắt đầu phát triển thương hiệu vàng Tài Nguyên, và sau đó nữa thì chú trở thành chủ nhân của thương hiệu này thay anh Cả.

Nghe chú Út kể, bữa quy tập mộ của Việt, trước khi chú thím Ba đi Mỹ theo giấy bảo lãnh của con cả Trung, mở ra thấy cả một khối đỏ như son. Bọn thợ mộ thì thào: Ông Ba ơi, lại một cái mộ kết. Mộ này là mộ kết son. Chú Ba ôm khối kết son đó đặt lại vào quan tài gỗ đàn hương sơn đỏ. Tóc chú bỗng nhiên chuyển sang màu bạc nhờ nhờ.

Chú thím Ba sang Mỹ định cư, chẳng ở cùng người con nào. Hóa ra mấy người em tôi cho chú thím tiêu chuẩn ở khu của người già. Không phải làm gì. Ngày ngày ngồi ngắm mặt trời mọc rồi lại lặn. Lúc lặn cũng như lúc mọc, đều rực màu đỏ. Chú Ba tôi phí phạm cả một tài năng tư bản. Lặng lẽ lùa đi hết một thời vàng son nơi quê nhà.

Nhưng năm nào cũng vậy, cứ gần tết là gia đình tôi lại nhận được một vài trăm đô chú Ba gửi về. Chú gửi về địa chỉ căn nhà ở Vĩ Dạ, nơi có bàn thờ tổ tiên và ông bà nội. Chú không quên trận đòn nhắc nhở trách nhiệm người chủ gia đình của ông nội năm xưa.
Chú không thể quên, dù cái gia tài ấy đã theo gió theo mây tứ tán.


5. Vốn liếng của ông bà nội tôi ban đầu chỉ là vài chỉ vàng sư phụ bỏ vốn. Cộng thêm vài thứ đồ dụng luyện vàng và một cậu bé thò lò mũi.

Ông tôi lên phố tìm đến những tiệm vàng còn nhỏ lẻ sơ sài, nhận làm chế tác chỉnh sửa lại những chiếc nhẫn và dây chuyền cho khách của tiệm.

Ba năm sau ông mở được một tiệm nhỏ trong chợ Đông Ba, lấy tên Tài Nguyên. Căn nhà nhỏ dưới Vĩ Dạ là nơi làm xưởng. Ông tôi nuôi hàng chục thợ lành nghề. Họ cần mẫn và đáng trọng vì sự trung thành. Cậu bé thò lò mũi năm xưa giờ làm quản đốc cho ông nội.

Bà nội tôi làm chủ cửa hiệu, hàng ngày mặc áo dài may bằng thứ lụa Hà Đông đặt tận ngoài Bắc Kỳ, thoa phấn nụ, tô chút son môi, ngồi xe tay lên tiệm vàng Tài Nguyên lớn nhất phố chợ Đông Ba sắp đặt và chào mời. Hàng tháng bà nội tôi phải đi giao dịch xa ít nhất một lần. Đó là phúc phận của đàn bà xứ Huế. Phúc phận của đàn ông xứ Huế là ông nội tôi thường dành thời gian ngồi đánh cờ mỗi ngày mỗi thêm dài mà chỉ đạo được cả nhà ai vào việc nấy. Vàng cứ nảy nở như có phép lạ.

Nhiều năm sau đó, tiệm vàng Tài Nguyên nổi tiếng khắp vùng. Xưởng chế tác dưới Vĩ Dạ vàng cám lẫn lộn đất vườn.

Vốn biết người xưa thường nói được bạc thời sang được vàng thời lụn, ông bà nội tôi công đức xây chùa; tuần rằm mùng một người làm trong nhà mở hết những cánh cửa gỗ suốt dọc mặt tiền nhà trước cửa chợ Vĩ Dạ, phát chẩn gạo cho dân nghèo.

Trong số những người ở giúp việc cho gia đình, có bà Lương người nhỏ thó, mặt khó đăm đăm cả ngày, nhưng nấu ăn rất ngon lại khéo chăm ông nội tôi. Bà đã có 3 đứa con với người chồng trốn đi lên chiến khu biệt tăm tích nhiều năm. Để nuôi con, bà tận tình với chủ để có được đồng công xứng đáng. Bà nội tôi đôi lúc nghe bà bạn con sư phụ của chồng nhắc nhở: đừng để ông ấy mặc sức một mình ở nhà với đám ở. Nhưng bà nội mỉm cười, nụ cười nhẹ như tơ: Nếu có chuyện chi thì cũng là phận số.

Bà Lương người nhỏ thó nhưng thân hình rắn đen, thứ nước da người vùng biển. Bà đấm bóp cho ông nội tôi, rồi cởi hết đồ tự nguyện nằm xuống cho ông đỡ nhớ mỗi khi bà nội tôi đi giao dịch xa.

Khi chú Út Thêm tôi ra đời, bà nội đón tay chăm nuôi như con đẻ. Bà nội tôi gọi người xông hơ cho bà Lương đủ hai mươi mốt ngày như gái đẻ con so xứ Huế.
Bà Lương hai hàng nước mắt quỳ xuống trước bà nội:
- Chị chủ tha lỗi cho tui. Mong chị chủ thương đàn con tui…
Bà nội tôi không cười không khóc:
- Tui phải cảm ơn chị ở mới đúng. Ông nhà tui sẽ không lấy vợ thêm. Mà tui lại có thằng con thêm. Như thế cơ nghiệp nhà này mới không bị tán phát.


6. Cái xẻng xắn xuống. Bùn đất tóe lên tứ phía. Một cái quan tài dần hiện ra trong nước phá Tam Giang.
Tôi im bặt. Cả đoàn người im bặt. Không thể tin nổi. Trong lòng nước là nguyên một cái quan tài. Nếu tính ra cái quan tài này đã được nằm dưới lòng nước gần năm mươi năm. Đếm thời gian không ai nghĩ có thể tìm thấy một cái quan tài nguyên vẹn, dường như mới được đưa xuống đôi năm.
Ông Bầu và chú Út hỏi thầy:
- Tính sao đây thầy?
- Tính sao nữa. Đi lên hết. Lên Phượng Tây. Đã mở huyệt ra rồi.
Chú Út tôi hô:
- Mấy đứa, chuẩn bị đeo găng, gỡ nắp.
Chú Út tôi lại hỏi ý kiến ông thầy:
- Nên hất nắp hướng nào?
Ông thầy bấm độn một bấm, rồi chỉ tay:
- Hướng Đông.
Quan tài bật nắp. Cả đoàn ai nấy như dừng thở mở trừng mắt nhìn vào lòng quan tài.
Trong quan, một người đàn bà còn nguyên vẹn cả quần áo, áo dài nguyên nếp một loại lụa màu đỏ, thứ lụa có từ thời Bảo Đại. Gương mặt bà bình thản nhẹ nhõm như đang trong giấc ngủ say.
Ông thầy la khẽ:
- Kết thủy.
Kết? Gia tộc nhà tôi đã có kết son, kết vàng, kết thạch. Giờ lại có kết thủy. Nhưng tất cả đã bị phá kết. Đành phải phá kết.
Chú Út tôi tái mặt hỏi thầy:
- Vậy làm sao đây, bác?
- Phải đưa lên thôi. Châm hương thêm xung quanh đi, đưa tôi tập sớ. Tôi viết thêm. Rồi tôi sẽ làm cái lễ cúng thủy khi lên khu mộ tổ.
Hương được thắp bao quanh. Tất cả thành kính nâng cái quan tài lên cao khỏi mặt nước. Mặt trời bắt đầu chiếu rọi xuống phá. Mặt trời rót những tia nắng xuống người bà cố choàng áo dài lụa đỏ. Từng tia nắng chấp chới vói theo cái thân xác đang tan dần tan dần trong sự thành kính. Khi quan tài lên cao hẳn, cả thân hình bà cố chỉ còn lại là một cỗ xương lấp lánh ánh nước như ánh lân tinh chỉ có thể nhìn thấy vào ban đêm. Xung quanh như mờ đi, đục đi.

Sau này chú Út bảo nhỏ với tôi:
“Hèn chi cả họ mình mấy đứa con o Tư, con chú Ba, chú Năm, cả mấy đứa nhà chú với chú Bảy nữa, vượt biển đi đều an toàn. Thầy bảo có mộ kết thủy thì đi biển đi sông không chết nước…”
Tôi thì thào:
“Chú nói chuyện vượt biển của dòng tộc mình như nói chuyện chơi. Mấy chục năm trước, Trung con chú Ba chẳng bị bắt đi bắt lại mấy lần rồi ở tù đấy sao? Ba cháu cứ phải bảo lãnh cho mới ra được”
“Bị bắt nhưng không chết biển chết nước. Vẫn sống sờ sờ đó. Vượt lần cuối thì thoát. Rồi nó bảo lãnh cho chú thím Ba đi Mỹ. Mấy ổng chỉ bắt để bảo đừng đi chứ có đánh đập chi đâu. Ngay như chú Bảy con, cả nhà dọn đi êm ru. Sang đến Nam Dương thì thím Bảy con sinh em bé đặt luôn tên Nam Dương. Chú thím Bảy sống ở Canada yên lành, giờ về nước được đón tiếp như thượng khách, lại được làm một nhà thơ yêu nước mình”.
Tôi cười:
“Thì vậy”
Chú tôi thở dài:
“Nhưng mộ kết mấy cái đều phá kết. Giờ đi sông đi biển chắc khó được phù. Giờ vàng cũng hết. Tiệm vàng trong Đà Nẵng của o Sáu con là cái cuối cùng bị sập sau khi o Sáu con mất. Tiệm vàng đã là giấc mộng. Vàng son là mộng. Chú từ nhỏ đã không làm nên trò trống gì, chỉ thích bỏ nhà lang bạt. Không thể gầy dựng lại được một thời vàng son mà ông bà nội con chắt mồ hôi nước mắt và cả máu dựng nên. Vàng son thạch thủy…”
Tôi an ủi:
“Giờ còn ai muốn vượt biển nữa đâu chú. Giờ người ta lại muốn về quê mua nhà, lập công ty, đầu tư, công đức… O Tư vẫn về để làm việc công đức như ông bà mình xưa. Họ nhà ta đã làm được một việc lớn là quy tập được hầu hết các ngôi mộ về quy tụ bên nhau. Rồi trang sử mới của dòng họ ta sẽ lại tươi đẹp. Một trang sử đầy nhọc nhằn và cũng rất đáng tự hào đã đi qua rồi, bằng lòng đi chú ơi…”.
Chú Út tôi lặng lẽ ngồi vào bàn. Chú gõ gõ mấy câu thơ buồn lai láng vào cái máy tính được mua bằng nhuận bút của một-trăm-năm-mươi bài thơ in rải rác trên các báo trong nước.

(Sau khi thím Út tôi, một người đàn bà Việt gốc Tàu đẹp nhất đường Chi Lăng phía bên kia cầu Gia Hội bị bệnh mất, chú mới cho công bố thơ với bút danh V.T. Khi đó tôi mới ngộ ra gia tộc tôi, vàng son thời dứt, “nghiệt chủng” thơ văn đã ngự trị, chí ít là có tới hai chú và một tôi).

7. Nhưng câu chuyện này mới chỉ bắt đầu.

Tôi còn chưa nói gì mấy về cha tôi.

Câu chuyện này cha tôi chỉ hiện diện như luồng khí nhẹ nhàng phả trên thế gian. Luồng khí ấy phát lộ như ánh hào quang, quần tụ trên đỉnh Phượng Tây, tụ với luồng khí thổi dạt từ mộ phần ông bà nội tôi, kết với luồng khí đến từ ngôi mộ chú Năm, o Sáu và thím Út tôi, và từ ngàn vạn sinh linh đã chết ngày Huế thất thủ, từ ngàn vạn sinh linh đã chết suốt chiều dài mấy cuộc chiến tranh.

Hôm đó, chuyến xe tua từ Hà Nội vào đi nhanh không dừng lại điểm nào. Cả đêm tôi không biết rằng chỉ sớm mai thôi tôi sẽ không còn cha. Tôi ngồi trên xe nhìn ra màn đêm đen suốt chiều dài chặng đường. Tôi không hồi hộp không nóng ruột. Tôi trơ lỳ và lạnh lùng. Không biết rằng cha tôi đang vật lộn với thần chết để chờ tôi về.

Huế hôm đó thời tiết không đẹp. Sông Hương lờ đờ chảy. Cây cối ủ rũ và xấu xí một màu xám. Cầu Tràng Tiền sáng sớm không có ánh đèn không có mặt trời chiếu rọi nom thô kệch không lãng mạn không yêu kiều.
Tôi bước những bước về nhà như trong giấc mộng du.

Cha tôi bảo với thần chết:
“Hãy đợi tôi chút xíu thôi. Đứa con gái thứ hai của tôi đang về”
Thần chết bảo:
“Con gái thứ hai thì cũng như con thứ ba thứ tư thứ năm, đều đi vắng cả. Đã có con cả của ông ngồi đây rồi. Ông định nấn ná sao? Cha mẹ ông đang chờ đón ông bên sông Đoạn Hà. Ông có biết cha ông chết vì đạn lính cộng hòa năm xưa?”
Cha tôi thở dài:
“Tôi biết, tết Mậu Thân năm sáu tám…Cha tôi bị tụi lính cộng hòa lia chết ngoài đường. Ông chờ tôi trở về. Ông không chạy theo gia đình, vì ông sợ tôi về không gặp được ai. Lính cộng hòa nghi ông nuôi cán bộ cách mạng như tôi. Chúng đã muốn kiếm cớ với ông từ lâu…”
Thần chết tỏ ra thông cảm và lịch thiệp hơn:
“Ở dưới kia ông ấy thường tiếp cờ tôi. Tôi đỡ buồn chán hơn nhiều. Một linh hồn cương nghị. Con gái thứ hai của… ngài, sao phải chờ nó?”
Cha tôi bảo:
“Con gái thứ hai của tôi cả đời thiệt thòi, ít được tôi chiều chuộng nhất. Đứa con gái cả được nâng niu như bông hoa hồng ân. Đứa con gái thứ ba giống bên nội nhất, được cả họ đắp lên mình nó đôi cánh chim hải yến. Đứa con gái thứ tư là con gái út trong bốn con gái, là nàng tiên bồng lai đáng yêu nhất. Đứa thứ năm là con trai duy nhất hòa hợp cả gia đình. Còn đứa thứ hai, từ khi sinh ra bề ngoài đã mang vẻ băng giá khác biệt, khi vợ tôi mang thai, tôi đã có lúc không muốn nó ra đời… Nhưng nó sẽ giúp gia tộc này sống mãi. Tôi có một quyển gia phả, chưa kịp đưa cho nó…”
Thần chết mủi lòng đồng ý:
“Chỉ một giây thôi đấy. Khi nó bước vào cửa, lao đến bên ngài, ngài chỉ có một giây thôi. Nhưng ngài phải đổi một giây này để chịu một niên đứng bên cầu Đoạn Hà chờ uống nước quên”
“Tôi không muốn uống nước quên. Tôi muốn nhìn thấy vợ tôi, các con tôi ở nơi này, mãi mãi…”
“Không uống nước quên, ngài sẽ chẳng bao giờ được quay lại”

Tôi lao vào nhà. Bấy giờ mọi cảm giác trong con người của tôi mới trở lại, hồi sinh. Tôi thấy chị, thấy mẹ. Thấy rõ từng người đang xúm quanh giường cha tôi.
“Ba ơi… con về đây rồi…”
Cha tôi cười.
Một giọt nước mắt lăn ra từ khóe mắt người…

Huế, 22.8.2009
Thái Hà, 31.3.2010

V.T.X.H
_________

* Mụ: từ gọi cô, bà ở Huế

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)