Từ nguyên mẫu đến nhân vật

PINOCCHIO -CHÚ BÚP BÊ MŨI DÀI VÀ NGUYÊN MẪU

Thứ Năm, 18/10/2012 00:00

. QUỲNH HƯƠNG (sưu tầm và dịch)

Tôi đã minh oan cho nhân vật

Phàm cứ là phụ nữ đều là nguyên mẫu của tôi

Thơ và câu chuyện về nguyên mẫu

Nhân vật Buratino - chú búp bê gỗ có cái mũi dài trong câu chuyện kể của Alexei Tolstoy được sáng tạo trên cơ sở nhân vật Pinocchio của nhà văn Italia Carlo Collodi thì ai cũng biết. Thế nhưng suốt một thời gian dài rất ít người biết rằng Carlo Collodi xây dựng nhân vật của mình từ một nguyên mẫu có thật - một người đàn ông tên là Pinocchio Sanchez, sống cùng thời với nhà văn.

Năm 2001 có một nhóm các nhà khảo cổ Mỹ làm việc ở Florencia (Italia). Trong thời gian rảnh rỗi họ dạo chơi quanh nghĩa địa thuộc một nhà thờ gần địa điểm khai quật, và tình cờ trông thấy bia mộ một người tên là Lorencini (1826 - 1890). Trên bia ghi rõ ông là nhà văn được biết đến với bút danh Carlo Collodi, và là tác giả câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới "Các cuộc phiêu lưu của Pinocchio".

Các nhà khảo cổ Mỹ đứng mặc niệm nhà văn nổi tiếng, và tiếp tục cuộc dạo chơi của mình. Đi thêm độ chục bước nữa thì họ hết sức ngạc nhiên, bởi trên một bia mộ có tên người đã khuất là Pinocchio Sanchez, sinh năm 1790 và mất năm 1834. Có nghĩa là về lý thuyết ông Pinocchio Sanchez đã có thể gặp cậu bé Lorencini trong đời thực.

Khai quật

Carlo Collodi
Nhà văn Carlo Collodi


Những người Mỹ tò mò đặt câu hỏi: Chẳng lẽ chú người gỗ nổi tiếng trong các câu chuyện cổ tích cho trẻ em kia lại có một nguyên mẫu thật sự? Ít có khả năng ấy. Thế nhưng trí tò mò không để các nhà khảo cổ học Mỹ được yên. Họ quyết định hy sinh một phần công việc chính để đi tìm câu trả lời trong thư tịch cổ. Và họ đã không có bất kỳ một chứng cứ nào, dù là mỏng manh nhất, để có thể nắm lấy.

Họ quyết định không lục tìm các tài liệu nữa, mà phải xin cho được giấy phép của nhà chức trách Italia cho việc khai quật phần mộ Sanchez. Phía Italia chỉ quan tâm đến một điều: Bằng cách nào mà di cốt của công dân Pinocchio Sanchez lại có thể giúp các nhà khoa học Mỹ tìm được sự thật nào đó?

Đoàn khảo cổ Mỹ đã không thể trả lời thoả đáng câu hỏi ấy, bởi đối với các quan chức chính quyền thì từ "trực giác" chẳng có nghĩa gì hết. Ở đây ta sẽ bỏ qua câu chuyện dài dòng về những khó khăn mà họ đã phải vượt qua để xin được giấy phép đó, chỉ biết rằng cuối cùng, họ đã nhận được giấy phép cần thiết, việc khai quật mộ ông Pinocchio Sanchez đã được thực hiện. Di cốt của ông được đưa lên khỏi lòng đất và người ta bắt tay vào việc nghiên cứu.

Nguyên mẫu là có thật

Việc khai quật phần mộ Pinocchio Sanchez đưa lại những phát hiện đáng giá.


Trực giác của các nhà khoa học Mỹ đã không lừa họ. Hoá ra, ông Pinocchio đúng là một người gỗ. Ít nhất thì ông có cả hai chân giả bằng gỗ, và một khúc gỗ được gọt đẽo đặt vào vị trí cái mũi. Trên những bộ phận bằng gỗ đã gần hỏng người ta tìm thấy dấu cá nhân cùng hai chữ cái viết tắt - chúng là tác phẩm của người thợ thủ công có tên là Carlo Bestulgi.


Giờ đây công việc của các nhà khảo cổ học trở nên thuận lợi hơn. Họ đã có động cơ để tiếp tục việc đào bới đến sự thật, hơn thế, phía Italia giờ đây cũng đánh giá cao phát hiện của họ, và nhiệt tình hỗ trợ cho việc nghiên cứu.


Chính quyền thành phố Florencia tỏ ra rất quan tâm đến khía cạnh thực tế của phát hiện này: Trên bản đồ du lịch của họ xuất hiện một điểm tham quan mới, rất khác thường và hứa hẹn đầy hấp dẫn. Vậy là bằng những nỗ lực của cả hai phía, cuối cùng người ta đã tìm thấy những ghi chép của nhà thờ có liên quan đến Pinocchio.
Số phận người lính


Nghiên cứu di cốt cho thấy Pinocchio là một người lùn. Nhưng người ta vẫn gọi ông đăng lính khi ông đủ 18 tuổi, và tầm vóc nhỏ bé không ảnh hưởng gì đến việc ông đã phục vụ quân ngũ suốt 15 năm.

Phần mộ Pinocchio Sanchez


Dù tầm vóc nhỏ bé, Pinocchio không hề được hưởng bất kỳ sự ưu ái nào. Ông vẫn phải hoàn thành mọi nhiệm vụ nặng nhọc của một người lính. Một lần, trong khi tập trận ở vùng núi non hiểm trở, trong khi những người đồng đội tầm vóc bình thường dễ dàng vượt qua chướng ngại vật thì chú lùn Sanchez bị ngã xuống vực. Cú ngã làm ông gẫy cả hai chân, và vỡ mũi.

Pinocchio kiên cường sống sót sau tai nạn, nhưng bị mất cả hai chân, xương mũi bị vỡ vụn. Những phần cơ thể bị thiếu đã được người thợ tài hoa Carlo Bestulgi thay thế bằng gỗ. Chính Carlo Bestulgi đã biến ông thành một người-gỗ. Sau này, trong câu chuyện, chú Pinocchio được ông Carlo gọt từ một khúc gỗ, và nó gọi người thợ thủ công ấy là cha. Cha Carlo.

Giải ngũ vì tình trạng thương tật, về lại quê nhà Pinocchio Sanchez không còn người thân thích nào. Ông mau chóng học được cách di chuyển nhanh nhẹn trên đôi chân gỗ, thế nhưng vẫn không đủ sức khoẻ để làm việc. Tiền trợ cấp khi giải ngũ đã cạn, và giờ đây người phế binh chỉ còn sống nhờ vào những người hàng xóm hảo tâm. Thế nhưng chính họ cũng rất nghèo, vì thế việc Pinocchio đi ngủ với cái bụng rỗng xảy ra thường xuyên.

Một lần Sanchez ra chợ xin ăn như thường lệ thì tình cờ gặp một gánh xiếc rong. Tay chủ ranh mãnh mau chóng nhận ra anh lùn có hai chân gỗ có thể là một thành viên rất hữu ích trong đoàn xiếc, còn Pinocchio cũng vui mừng với đề nghị này. Pinocchio gia nhập đoàn xiếc, học vài tiết mục đơn giản, biểu diễn cùng gánh xiếc rong tại các hội chợ, các điểm vui chơi và không còn bị đói nữa.

Ông đã sống khá lâu, rất khoẻ mạnh và qua đời vì một nguyên nhân hoàn toàn không liên quan gì đến tình trạng thương tật của mình. Ông chết vì bị ngã khi đang thực hiện một động tác nhào lộn nguy hiểm.

Tuy thế, dù trùng tên và đúng là "bằng gỗ" nhưng người ta vẫn chưa thể khẳng định một cách chắc chắn Pinocchio Sanchez là nguyên mẫu của nhân vật chú bé gỗ trong các câu chuyện của Carlo Collodi. Vẫn còn thiếu một mắt xích cần thiết. Thế nhưng các nhà khoa học không tìm thấy thêm bất kỳ một thư tịch cổ nào có nhắc đến Pinocchio nữa.

/uploads/news/2012/pinocchio2.jpg
Phim hoạt hình về Pinocchio


Một cha cố hụt


Tới khi đó, các nhà khoa học chuyển hướng sang tiểu sử và nhân thân nhà văn - Carlo Lorencini-Collodi.


Cả cha và mẹ Carlo đều là người hầu trong một gia đình quyền quý ở Florencia. Họ phải làm việc nặng nhọc để nuôi mười đứa con nhỏ. Carlo, con trai lớn trong nhà, được đi học ở trường dòng, tuy nhiên sau khi tốt nghiệp, ông đã không trở thành cha cố, mà bắt đầu viết văn. Các tác phẩm đầu tay của nhà văn trẻ xuất hiện trong các báo và tạp chí địa phương, và ông mau chóng hiểu ra rằng bằng cách đó ông có thể kiếm được nhiều tiền. Khi đó, ông quyết định đầu tư cho một tạp chí châm biếm của riêng mình. Năm 1850 ông xuất bản một tiểu thuyết, và bị phê phán tả tơi. Để tránh cái dớp cũ và cái họ đã khiến các nhà phê bình đương thời dị ứng, Lorencini quyết định đổi bút danh thành Collodi, theo tên làng quê của người mẹ. Ông trở nên nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết "Hơi nước", xuất bản năm 1856, nhưng vinh quang thật sự chỉ đến với ông sau sự ra đời của chuyện cổ tích dành cho thiếu nhi "Các cuộc phiêu lưu của Pinocchio".


Carlo Collodi qua đời ngày 26 tháng 10 năm 1890, và được an táng ở nghĩa trang thuộc nhà thờ San-Miniato-Al-Monte, gần như ngay bên cạnh Pinocchio Sanchez, người đã mất trước đó khá lâu. Chính tại đây các nhà khảo cổ Mỹ đã tình cờ nhìn thấy hai ngôi mộ bắt đầu cho câu chuyện này.
Phát hiện bất ngờ

Các nhà khoa học Mỹ bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về cuộc đời và tác phẩm của Collodi. Họ xem xét toàn bộ di cảo, thư từ và tất cả mọi thứ giấy tờ mà nhà văn để lại trên đời, nhưng vẫn không tìm ra bất kỳ chứng cứ nào về sự quen biết trực tiếp, hoặc thậm chí chỉ là bằng chứng về việc nhà văn có biết đến số phận của chú lùn Pinocchio.

Họ quyết định phải tìm gặp hậu duệ của những người mà nhà văn đã từng trao đổi thư từ. Ai mà biết được, có thể lắm chứ, trong những bức thư ấy nhà văn có thể đã kể cho ai đó nghe những thông tin mà họ đang quan tâm.

Một nhà báo địa phương đã tìm tới họ với đề nghị viết một bài báo nhỏ về nguyên mẫu của nhân vật Pinocchio. Các nhà khoa học đồng ý tiếp anh chàng phóng viên, nhưng đề nghị tạm thời không công bố gì cả. Anh ta hứa, nhưng chỉ ba ngày sau thì bài báo đã xuất hiện. Các nhà khoa học Mỹ hết sức bực tức, thế nhưng anh chàng Italia kia vẫn tới gặp họ, lại còn ngoác miệng cười: Anh ta mang đến cho họ một phản hồi bất ngờ sau khi bài báo được công bố.


Đó là thư từ một người họ hàng của cô em họ nhà văn Carlo Lorencini. Thư viết:


"Tôi là họ hàng của một người em họ của ông Carlo Lorencini. Trong họ chúng tôi không chấp nhận việc tiêu hủy thư tín, bởi chúng tôi coi chúng là những văn kiện lịch sử thật sự. Chúng tôi giữ được toàn bộ thư mà Collodi gửi cho chúng tôi. Khi đọc bài báo, tôi hiểu ra chúng tôi đang giữ thứ mà các nhà khoa học tìm kiếm. Tôi đã nhiều tuổi, có khó khăn khi ra khỏi nhà, vì vậy tôi mời họ đến gặp tôi. Xin hãy chuyển cho họ bức thư này".


Những bằng chứng


Các nhà khoa học nhận lời mời ngay lập tức. Bức thư đó thật ra cũng chỉ còn sót lại một mảnh đã nhàu nát ngả vàng. Bù lại, nội dung của nó chứa đựng tất cả những gì họ cần. ...Em họ thân yêu, em có hỏi anh về các kế hoạch trong tương lai. Thư trước anh đã kể với em về ông Pinocchio Sanchez bất hạnh nhưng dũng cảm vô song ấy. Anh rất muốn viết về ông ấy. Đầu tiên anh định viết một cuốn tiểu thuyết nghiêm chỉnh. Nhưng sau đó chẳng hiểu tại sao lại bắt đầu một câu chuyện cổ tích cho trẻ nhỏ. Tại sao lại là chuyện cổ tích thì anh cũng chẳng hiểu nữa. Cuộc đời Pinocchio đầy bi thương chứ không hề là cổ tích. Nhưng câu chuyện cổ tích cứ trào ra, anh cũng không biết phải làm sao. Nhân tiện, em có hứa...


Các nhà khoa học đã không thể tìm ra cô em họ hứa điều gì với nhà văn. Nhưng trong tay họ đã có bằng chứng chứng minh cho giả thiết của họ. Việc cuối cùng phải làm là xét nghiệm mẫu giấy và so sánh nét chữ với những di cảo viết tay của nhà văn.


Kết quả cho thấy mẫu giấy đúng là được sản xuất trong thời nhà văn sống, ông đã từng sử dụng, và nét chữ đúng là do chính tay ông viết. Không còn nghi ngờ gì nữa, Pinocchio Sanchez đúng là nguyên mẫu của một trong những nhân vật văn học nổi tiếng nhất thế giới.

Q.H

Trích tác phẩm Cuộc phiêu lưu của Pinocchio

/uploads/news/2012/cau-be-nguoi-go-pinocchio.jpg

Trước kia, có một khúc gỗ tầm thường được mang đến xưởng mộc. Nói nó là khúc gỗ tầm thường vì nó chỉ là một khúc gỗ bình thường dung để đốt lò mà thôi, hình thức cũng không có gì đặc biệt đáng chú ý. Không ai biết vì sao khúc gỗ này lại có mặt ở xưởng mộc, nhưng xung quanh khúc gỗ đã có rất nhiều chuyện lạ.

Ông chủ của xưởng mộc tên là Lok Antonio. Tuy nhiên, mọi người đều gọi bác là Anh Đào vì mũi của bác lúc nào cũng vừa tím vừa sấng, trông giống như một quả anh đào chin vậy. Bác Anh Đào nhìn thấy khúc gỗ thì vô cùng vu I mừng, bác vừa mân mê khúc gỗ vừa tự nói: “Ta đang muốn làm một chiếc chân ghế, khúc gỗ này xem ra rất phù hợp, đúng là cầu được ước thấy”.

Nói rồi bác Anh Đào không chút do dự cầm chiếc rìu để bổ đôi khúc gỗ. Nhưng khi giơ rìu lên, bác kinh ngạc sững sờ, chiếc búa cũng dừng lại ở giữa không trung vì bác nghe thấy một lời thỉnh cầu rất nhỏ: “Xin bác nhẹ nhàng hơn, đừng chém tôi mạnh như thế có được không?”.

Bác Anh Đào sững người rất lâu. Bác nhìn xung quanh nhưng không phát hiện ra điều gì.

Bác xem ở dưới gầm ghees, lật đi lật lại chiếc tủ, bác giơ chiếc cưa và chiếc bào lên, nhìn khắp xung quanh, bác tìm cả bên ngoài cũng không phát hiện thấy có ai.

“Lạ quá, âm thanh đó rốt cuộc là từ đâu đến? Có thể là tai ta đã nghe nhầm chăng?” – Bác Anh Đào lắc đầu và cầm rìu bổ liên tục vào khúc gỗ.

“Ái, bác làm tôi đâu quá!”, tiếng trách móc vang lên.

Lần này thì bác Anh Đào sợ chết khiếp. Hai mắt bác trợn tròn, miệng thì há hốc. Mãi một lúc lâu sau bác mới ngậm miệng lại được, bác lắp bắp: “Rốt cuộc… âm thanh đó… từ đâu đến? Lẽ nào là… là khúc gỗ đó…”.

Thế là bác cầm khúc gỗ lên, xem kỹ tuổi của khúc gỗ và nói: “Đây không phải là khúc gỗ bình thường sao? Nhìn bề ngoài không có gì đặc biệt cả, trừ khi có người ở trong đó, vậy ta phải thử xem sao”.

Nghĩ sao làm vậy, bác Anh Đào liền dùng hai tay cầm chắc khúc gỗ và dung hết sức phi thật mạnh khúc gỗ đó vào tường, sau khi làm như vậy vài lần, bác dừng lại để thở và nghe xem có âm thanh gì không. Nhưng bác đợi rất lâu mà vẫn không thấy khúc gỗ có động tĩnh gì.

“Ta đã nhầm rồi sao, chắc chỉ là ta tưởng tượng ra mà thôi”. Bác Anh Đào tự an ủi mình.

Mặc dù nói như vậy, nhưng trong long bác vẫn còn chút sợ hãi. Để lấy can đảm, bác cỗ quên đi âm thanh nhỏ kia. Lần này, bác không dùng rìu nữa mà dung bào để bào cho khúc gỗ nhẵn nhụi và sáng bóng. Khi bác bào đi bào lại thì nghe thấy tiếng nói: “Bác nhanh dừng tay, bác làm tôi nhột muốn chết đây này”.

Lần này, bác Anh Đào sợ đến nỗi như bị điện giật, bác thấy tòan thân mềm nhũn, tê dại, bất động. Mãi lâu sau bác mới từ từ mở mắt và thấy mình đang ngồi dưới đất. Mặt của bác dường như biến dạng, chiếc mũi vừa tím vừa sáng của bác cũng trở nên xanh nhợt nhạt...


VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)