Từ nguyên mẫu đến nhân vật

PHÀM CỨ LÀ PHỤ NỮ ĐỀU LÀ NGUYÊN MẪU CỦA TÔI

Thứ Ba, 16/10/2012 16:39

. Nhà văn CHU LAI

Vâng, nói như vậy có tham lam và phũ miệng quá không một khi thực chất nó là như thế.

Bởi trong bất kỳ một trang văn, một sản phẩm nghệ thuật nào mà không có hình bóng người phụ nữ dính vào, tức là không có tình yêu đôi lứa thì bất thành văn, thì ai đọc. Và cũng bởi vì tôi hoặc bất kỳ một người cầm bút nào bao giờ cũng lấy cái đa tình đa cảm làm trục chính cho mọi hành vi sáng tạo.

Nhưng kiếm đâu ra trên thế gian này một người đàn bà hội đủ tất cả sự phong phú của số phận, nỗi niềm, trắc trở, giằng xé, thăng trầm, trồi sụt, bươn chải đặng làm nguyên mẫu, trừ phi là ở thể loại hồi ký hay sách viết về danh nhân. Và may mắn nếu có thì đâu cần đến khả năng hư cấu của nhà văn mà chỉ cần một anh chụp ảnh hay vẽ truyền thần hoặc cùng lắm là một anh nhà báo chuyên viết chân dung là đủ.

Có lẽ bởi vậy mà cái anh nhà văn, nhất là cái anh viết tiểu thuyết, khác rất nhiều với người làm thơ, làm nhạc, làm họa là dứt khoát phải sống nhiều, đi nhiều, vui buồn sướng hả khổ đau nhiều, tức là phải dạn dày phải sầy da tróc vảy với cuộc đời đến nơi đến chốn mới mong may ra có được những con chữ ra hồn.

Ở tôi cũng thế thôi. Nếu không có những năm tháng tham gia chiến tranh đến tận cùng, nếu không có dịp được trở về vùng ven sống với bà con, cô bác, với những cô gái trận mạc trong những cánh rừng lá thấp ven sông Sài Gòn âm ẩm tiếng bìm bịp kêu trong lòng nước thì có khi chưa chắc tôi đã làm cái nghề “ sáng sáng múc óc cho vào mồm nhai tóp tép” thế này. Và như vậy hết thảy những cô gái đó đều là cảm hứng, là nguồn sữa ngọt ngào và khét đắng nuôi dưỡng tâm hồn vừa lính chiến vừa mộng mơ trong tôi. Họ là cô giao liên dẫn bộ đội vào ấp có bắp chân sáng nôn nao cả đêm bưng biền, là cô y tá vừa nhét ruột trở lại bụng anh thương binh vừa khóc, là cô pháo thủ sáng nay còn dướn căng bộ ngực thanh xuân dộng cối vào đồn địch như một nữ lưu anh hào nhưng tối về chạnh nghĩ đến cuộc đời con gái xuân sắc có thì mà bỗng trở thành một kẻ đào ngũ, là chị cấp ủy dắt súng ngắn ngang hông cứ yêu người nào là người ấy lại ngã xuống, là bà má cơ sở thức suốt đêm trong ấp đón những đứa con chinh chiến từ ngoài rừng đột vào và là cô gái đặc công khi bò rào dẫn lối cho bộ đội cũng ở trần bôi đen toàn thân để khi trở về phải ngâm mình kỳ cọ rất lâu trong lòng suối mới gột đi được những vết đen rớm máu trên da thịt con gái…mà nếu thiếu vắng họ với bộ bà ba có chiếc khăn rằn vắt vai hay tấm dù bay lượn trên đôi vai tròn con gái thì cuộc chiến tranh sẽ buồn và nghèo đi biết chừng nào. Chínhhình ảnh phiêu bồng kiêu hãnh và tội tình của họ đã làm mềm đi những cánh rừng bom đạn, những cái chết hãi hùng, tức tưởi.

Vâng, tôi thường nói:” Chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình” và sau cuộc chiến mình vẫn còn sống thì những hình ảnh kia sẽ bay vào tâm hồn, vào nỗi nhớ, vào trang viết của mình như một lẽ mặc nhiên không thể khác. Vì đó là cái đẹp, là động lực, là cứu cánh nhân tình cho một thời khốc liệt.

Chính vì thế mà hầu hết các tác phẩm của tôi, kể cả văn học, sân khấu, điện ảnh, tạp văn hay tùy bút, họ đều là nhân vật chính, là hình tượng trung tâm. Đến nỗi có một lần đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh mời tôi bay 2000 cây số vào chỉ để định nghĩa một câu đàn bà là gì rồi lại bay ra. Câu đó là, nhắc lại chút cho vui chứ nhiều khi ngượng chết: ” Thưa… nói về ai, nói về cái gì có thể ngồi nhưng nói về đàn bà, về phụ nữ thì tôi buộc phải đứng dậy nghiêng mình kính cẩn rồi mới được mở mồm. Vâng, đàn bà là gì? Là đêm hôm, là tăm tối, là bí hiểm khôn lường để cho phái mày râu chống gậy lọc cọc, rị mọ đi tìm suốt đời nhưng …không tìm được. Nếu một ngày nàođó bỗng tìm được, bỗng định nghĩa được họ là gì thì loài người sẽ có một hiểm họa kinh hoàng tương đương với ngày tận thế xảy ra, đó là hành tinh này sẽ không còn hội họa thi ca. Còn tôi, cả đời viết về họ, có hàng ngàn trang viết về họ nhưng có thể quả quyết cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu gì về họ hết, nên hy vọng tôi còn viết được”

Vậy là để có một hình tượng phụ nữ tôi phải xâu chuỗi, thâu tóm, cộng vào, ngào trộn cả chục cả trăm người phụ nữ khác. Tuy nhiên nói là nói thế cho oai chứ thật ra vẫn có người phụ nữ tạo cho tôi những ấn tượng mạnh nhất đủ để cho tôi tựa vào đó mà tạm gọi là một phần nguyên mẫu.

Đó là nhân vật Ba Sương trong ĂN MÀY DĨ VÃNG. Tên thật của nàng cũng là thứ ba nhưng là ba… khác kia. Đợt chồm lên chiếm đất giành thế thượng phong trong hội nghị Paris năm 1973, đơn vị tôi được tăng cường thêm một nữ y sĩ có vẻ đẹp mặn mòi, thôi thì cứ cho là đẹp đi vì giữa chết chóc tang thương, một phụ nữ dễ nhìn, dễ ưa một chút đã là đẹp, là bỗng thành hoa hậu rừng xanh, một vẻ đẹp ảo, thứ vẻ đẹp do trận mạc dệt nên chứ chưa hẳn do giá trị thật của nhan sắc. Đêm đó, sau khi bị kẻ thù phản bội hiệp định ngừng bắn hai bên dồn đuổi đơn vị đặc công chúng tôi tức tưởi trở lại rừng, tôi có dịp được nằm cùng với nàng trong một căn hầm mật. Thứ hầm chật chội phải nằm tráo trở đầu đuôi chứ không thì kệnh lắm, không xoay xỏa được. Trai chưa vợ gái chưa chồng, đều còn rất trẻ lại nằm áp vào nhau cả đêm thì đúng là điều thật khó chịu. Nhưng lại có một quy luật chiến tranh khiến cho nó trở thành dễ chịu. Ấy là lúc nào cũng có thể chết, đêm nay, lát nữa, nửa đêm, cùng lắm là sáng mai khi cả cục rừng mỏng tang này sẽ quặn lên dưới những mũi thuốn xăm hầm lạnh buốt khí tử thần của đối phương nên thương nhau quá, trọng nhau quá mà không nỡ làm gì tổn hại đến nhau. Nhưng một chiều khác cũng vì thế mà chả tiếc gì mà không dâng hiến cho nhau. Hai cảm xúc giằng giật, hai đại lượng chuyển động cồn cào nhưng thường là cái đại lượng thứ nhất chiếm địa vị độc tôn. Hoặc cả hai cùng trào lên, ập xuống một lúc. Đêm đó, sau những khoảnh khắc kìm nén, chúng tôi bỗng là của nhau. Để rồi hôm sau đơn vị tôi được lệnh xuống sâu hơn nữa, sâu đến tận cửa ngõ Sài gòn trong giờ phút linh thiêng ca khúc khải hoàn đẫm máu và nước mắt. Gặp người quen, hỏi, mới biết nàng đã hy sinh, hy sinh ngay trước ngưỡng cửa bình minh có ba ngày. Rồi cuộc sống hậu chiến nhọc nhằn mưu sinh cứ cuốn đi, cuốn theo cả những kỷ niệm ngọt ngào và nhức nhối tưởng như không bao giờ quên được. Thế rồi gần mười lăm năm sau mới có dịp tha thẩn tìm về cánh rừng cũ, giữa văn phòng tỉnh ủy trong câu chuyện làm quà tôi có hỏi về nàng và chết lặng người khi có ai đó thông báo nàng có để lại một đứa con gái hiện đang làm thợ may ở Sài Gòn. Tôi kéo anh Sáu Phong (Nguyễn Minh Triết), bí thư tỉnh lúc đó ra một góc riêng bảo:” Có khi nó là giọt máu của tôi đấy. Nếu quả đúng như vậy, tôi sẽ đem nó về Hà Nội nuôi, mặc cho thái độ bà xã thế nào mà chắc bà ấy cũng gật đầu thôi, vì cũng là một thời con gái đi qua cánh rừng cả.” Anh Sáu gật gật và ngay hôm sau cử một cán bộ văn phòng xuống địa bàn tìm hiểu. Buổi chiều, gặp lại nhau, anh cười, cái cười rõ ra là thông cảm : ” Không phải rồi nhà văn ơi! Đứa con này cô ấy sinh trước Bảy Ba hai năm…” Hẫng hụt cả người. Vừa nhẹ lòng lại vừa tiếc nuối.

Câu chuyện ấy, đêm nằm hầm ấy, sự hy sinh ấy đã thúc mạnh vào ngực tôi như một sự ám ảnh day dứt khiến cho ngòi bút của tôi không thể bình yên. Và thế là một Ba Sương dần dần hiện hình, các mối quan hệ, các nhân vật cùng sống chết một thời dần hiện hình trong một triết lý khắc khoải về quá khứ và hiện tại: Tại sao tôi chôn em rồi, đã lia một tràng AK lên bàu trời vùng ven tiễn biệt em rồi mà lại gặp em ở đây, sang trọng, đẹp huy hoàng trong vai trò một vị quan đầu tỉnh? Tại sao em vẫn sống, tại sao em không nhận ra tôi hay cố tình không nhận, cố tình lãng quên dĩ vãng? Tại sao? Cứ tại sao, tại sao một chập như thế là hết nhõn 500 trang sách lúc nào không hay.

Buồn cười! Chả biết nhân vật Ba Sương này tôi đắp điếm, rút tỉa, cộng trừ thế nào mà ối người nhầm là nữ giám đốc, anh hùng lao động cũng tên là Ba Sương ở nông trường sông Hậu, có tờ báo còn viết:” Với một con người như thế thì không bao giờ là kẻ phạm tội”

Còn tôi, cũng chả biết tôi mượn chính tôi để tả cái nhân vật Hai Hùng, anh chàng đội trưởng đặc nhiệm rái cá người yêu thống khổ của Ba Sương thế nào mà một thời gian sau khi sách ra, tôi nhận được một cú phone giọng nữ đầy thương cảm:” Anh đang sống khổ lắm, bệnh tật lắm phải không? Em muốn ra chăm sóc anh có được không?” Tôi choáng người, cãi phăng:” Không, tôi khỏe, rất khỏe và chả có bệnh tật gì cả. Xin lỗi, em đừng ra, em ra là tôi tan nát gia đình” Giọng nữ kia vẫn ngậm ngùi:” Anh đừng nói xạo, em biết anh không có hạnh phúc, anh đang sống một mình” Về sau, khi mọi việc dẹp xuống rồi, tôi mới vỡ lẽ là người ấy hiểu lầm trang đầu cuốn sách của tôi. Trang đó viết thế này:” Tôi cao một thước bảy mươi nhưng chỉ nặng có 45 kilogram, răng rụng quá nửa, tóc bạc lam nham, khốn nạn, chỉ có việc làm con vợ nằm dưới nó cong lên mà không mà không làm được thì tốt nhất là bay mẹ nó vào phương nam như một cánh chim trốn rét muộn màng…”

Thì ra với văn chương, nguyên mẫu hay không nguyên mẫu nó đều có những dịu dàng và rắc rối riêng của nó cả. Vấn đề còn lại là mình sử dụng nó như thế nào, nồng độ là bao nhiêu để nó trở thành gan ruột, hồn vía, cốt nhục của mình.

Và để có được một chút văn chương gọi là tạm đọc được hôm nay, một lần nữa tôi không thể không nghiêng mình biết ơn trước những cánh rừng, dòng sông, gò đồi và những cô gái thắt khăn rằn phiêu linh như nữ thần trạn mạc năm ấy. Dẫu rằng có những kỷ niệm, những nguyên mẫu không bao giờ nên gặp lại, hãy cứ để nó tươi xanh nồng nàn mãi trong ký ức, gặp lại là có cơ vỡ vụn tan tành nhưng, oái oăm làm sao, lại không thể không gặp lại. Còn nhớ lần đó, vẫn anh Sáu Phong có nhã ý tổ chức một buổi gặp mặt với các cô gái rừng xanh năm xưa, hớn hở bay vào hớn hở tìm đến, chiếc xe vừa đỗ bỗng có gần chục cánh áo bà ba lao ra, ôm hôn chát chúa hai bên má và than ôi, khi mở được mắt ra thì trước mặt toàn… bà nội bà ngoại. Vậy mà nước mắt vẫn chảy ra. Đằng sau những cái bóng khẳng khiu ấy, cả một lịch sử hào hùng, đau thương và lãng mạn dồn về.

Lịch sử cũng là nguyên mẫu. Các em, nhân cách nhân tình của một thời con gái xông pha cũng là nguyên mẫu để cho kẻ cầm bút này khơi đến suốt đời cũng không bao giờ cạn./.

C.L

Trích đoạn tiểu thuyết ĂN MÀY DĨ VÃNG

Tôi chợt thấy một bên lưng ấm sực lên rồi từ từ mát lạnh như có một chiếc khăn ướt vừa dấp vào... Không cần nhìn lại tôi cũng biết đó là em. Em đã lén nằm xuống bên tôi theo lối nằm tráo trở đầu đuôi quen thuộc. Tức là chân tôi ở phía đầu em và chân em chạm nhẹ vào vai tôi. Cái ấm sực rồi lại mát lạnh ấy chính là nơi bắp đùi của em kê khẽ vào. Tôi nằm cứng người và để em có thể chợp mắt được một chút lấy sức lực dự trữ cho cả ngày nay nếu tình huống xấu xảy ra, tôi giả vờ ngáy nhè nhẹ... Em cũng thở đều đều dù rằng tôi thừa biết em chưa hề ngủ.

Thường trong một căn hầm ngột ngạt và chật chội như thế này, làm thằng đàn ông nhiều bề dễ xử hơn. Hắn ta cứ việc cởi trần, vận quần đùi thoải mái. Còn đàn bà con gái ư? Thật trăm sự rườm rà. Nằm cạnh thằng đàn ông xa lạ không phải là chồng mình, đâu có thể hở hang thoải mái được dù có bức sốt như thế nào. Chỉ còn một cách là nén chờ anh bạn cùng hầm ngủ say đi cái đã rồi mới dám từ từ rón rén vén bớt quần áo lên. Nhưng quần cũng chỉ dám vén lên đến trên đầu gối, còn áo thì hất lên đến ngang bụng, thế thôi, miễn là cho dịu thoáng hơn một chút.

Tuy đã gí cái mũi vào thật sát vách đất nhưng nghe tiếng sột soạt thật nhẹ đằng lưng, nhẹ như gió lùa ngọn tóc, tôi cũng đoán được em đang thực hiện cái động tác thông thường và muôn thủơ của những người ít nhất trong đời cũng có đôi lần chui hầm mật đó... Kỳ lạ! Trong mùi đất mốc mác bị bỏ quên lâu ngày dường như tôi ngửi thấy cả cái mùi ngai ngái của phần da thịt đàn bà để hở. Chao! Cái phần da thịt ấy chắc là trắng lắm, tròn lắm, mát lắm và... gần xiết bao nếu tôi chỉ quờ tay qua một chút, một chút thôi... Nhưng tôi vẫn nín thở nằm yên. Hơn lúc nào hết tôi hiểu rằng nếu giờ đây tôi chỉ vô tình hay cố tình đụng chạm em thêm một lần nữa hoặc giả cựa mình quay lại là chiếc cầu dao điện dòng cao thế sẽ được bung nổ ngay mà thực lòng tôi lại chưa muốn bung nổ gì cả hay chí ít cũng là vào lúc này. Hãy để cho nó êm trôi qua cái giờ tử này đã. Sau đó chúng tôi còn cả một buổi trưa và một buổi chiều kia mà. Khi đó, cái gì cần xảy ra nó sẽ xảy ra, đừng ép.

Minh họa trong bài của họa sĩ NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Có lẽ đã nắm bắt được cái mạch nghĩ xốn xang trong đầu tôi hay là chính trong đầu em cũng cùng chung mạch nghĩ đó, Sương khẽ thở dài rồi nắm nhẹ lấy tay tôi, giống như một tín hiệu ma-níp:

- Ngủ đi!... Ngủ đi anh! Chóng ngoan.

Không ngờ cái tín hiệu buồn buồn giống như một lời ru đó đã khiến cho tôi tĩnh lặng và thiếp đi một chút thật. Khi chợt tỉnh hoặc tôi buộc mình phải tỉnh vì kẻ thù đang còn ở phía trên, thời gian được thức bên em là quý giá khôn cùng, tôi vô tình đạp phải cái ống lon để ở đằng chân kêu cái reng!... Đây chính là ống sắt tây dung tích chừng một lít dùng để chứa nước tiểu trong trường hợp cần thiết mà chưa thể lên được.

Chết thôi! Tiếng lon kêu kích thích cái bụng đang óc ách của tôi đòi giải toả dữ dội. Khẽ liếc nhìn sang, tôi thấy hai mắt em đang nhắm hờ, nhịp thở đều đều, thỉnh thoảng lại vấp nhẹ trong thanh quản hệt một đứa bé lăn ra sau khi đã bú no sữa mẹ. Đoán chừng mệt quá em đã thiếp đi, bằng những động tác hết sức gượng nhẹ, tôi chống tay rón rén ngồi dậy. Em vẫn thở sâu. Tốt rồi! Tôi hơi quỳ xuống, kê nhẹ... cái của mình lên thành lon rồi nín thở... Dòng nước thải do được kê kích, được định hướng đàng hoàng nên dẫu rằng không gian ắng lặng đến mấy, nó cũng chỉ phát ra những âm thanh ri ri rất nhỏ không nhận biết được loang thành lon rồi tản dần xuống đáy. Tuy vậy tôi vẫn chỉ có thể cho ra cầm chừng. Thả rồi bóp... Bóp rồi thả... Trong đầu xốn lên cái ý nghĩ hài hước: Đúng là vừa... đái vừa run! Đâu có, dĩ nhiên là đâu có dám thoải mái phóng ra hết, tôi lại làm động tác mèo vờn chuột trên mái nhà hạ lưng... không, hạ cánh sườn xuống cho trở về trạng thái ban đầu, bụng dạ nhẹ tênh tang như cả thế kỷ nay chưa hề nhồi nhét một thứ gì vào đó cả.

Em vẫn nằm nguyên trong tư thế cũ, phần da thịt để trống miết vào lưng tôi rờn rợn. Tôi nằm im để cho cái rờn rợn đó lan chảy khắp người, rôn rốt xuống tới tận đầu ngón chân... Và con mắt cay xè của tôi không thể không dừng lại ở mấy cái rẻ xương sườn mỏng mảnh đang nhô lên, đôi bắp chân một bé gái mới chớm bước vào tuổi dậy thì đang duỗi thẳng của em. Tim tôi thắt lại! Tội tình và bé bỏng làm sao một dáng nằm con gái thời chiến tranh như thế! Đoán rằng em chưa ngủ, em không ngủ, ngủ thế nào được khi Hai Hợi đã có lần nói rằng em thường mắc bệnh mất ngủ cả đêm. Nhưng tôi không muốn, không nỡ đánh động em dậy chỉ vì những cử chỉ, những lời nói yêu thương đang từng đợt, từng đợt dội lên trong lòng mình. Tôi hôn nhẹ vào mấy cái rẻ xương đó và ngả đầu xuống.

Trên kia vẫn lặng tờ. Một sự lặng tờ khác lạ mà kinh nghiệm bám trụ vùng ven lâu ngày đã cho tôi biết nó đang chứa đựng những hiểm nguy không thể lường trước được.

Sương khẽ cựa mình... Lại cựa mình nữa... Em muốn nói chuyện với tôi chăng? Hay em cũng đang cùng một dự cảm kinh hoàng về hiểm hoạ như tôi?... Không phải! Cái cựa mình của em không hàm chứa một sự giao cảm tâm lý. Nó là một thứ cựa mình hoàn toàn mang tính chất sinh học, bất an, bồn chồn... Tôi chợt hiểu: cái hậu quả của cà phê và bánh tráng mặn cũng đang làm tình làm tội em, có thể làm tội từ lúc đầu nhưng vì là đàn bà con gái nên em không thể tuỳ tiện hành động như tôi được. Thế là tôi chỉ còn một cách lại giả vờ ngủ, ngủ thật say. Và tôi bắt đầu cất tiếng ngáy. Ngáy to dần, ngáy cả bằng mũi lẫn bằng mồm, ngáy thật sâu, ngáy nhọc nhằn như thật, ngáy sao cho ra cái phường uý tử phàm phu càng tốt, thỉnh thoảng lại đệm một tiếng è è trong cổ, vài tiếng hự hự trong mồm...

Đúng như tôi dự đoán. Chỉ một lát sau, tôi bỗng thấy lưng mình trống trếnh, dường như có cả hơi mát thổi vào. Tôi biết rằng em đã ngồi dậy. Tiếp liền là một chút sột soạt của vải, một chút lục cục của khớp xương va nhau, một chút dừng lại... Và sau đó là im lặng. Im lặng giả tạo đến nỗi gai người. Rồi giữa cái im lặng mênh mông đó, một tiếng xoè bật ra hân hoan, nới mở nhưng lại tắt ngay. Im lặng sâu hơn. Như vĩnh cửu. Như không cùng... Rồi lại xoè. Tiếng xoè dài hơn một chút. Rồi lại tắt... Lại xoè... Tắt... Xoè... Xoè... Tắt! Khốn khổ! Có ai hiểu thấu cho người đàn bà trong chiến tranh phải chịu cơ cực như thế. Một cái ống lon trong hầm mật? Chuyện thật đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp đối với họ. Đã vậy, cái âm u huyền bí trong lòng sâu lại cứ đùa dai, khuyếch đại lên ngàn lần thứ âm thanh quỷ quái đáng lẽ phải xoá chìm đi ấy. Tắt xoè, tắt xoè... Thử hỏi trên hành tinh này, trong mọi cuộc chiến tranh của mọi quốc gia, của mọi thời kỳ lịch sử, đã có nơi nào xuất hiện và tồn tại những âm thanh tức tưởi và nao lòng đến rã rời tâm can như thế không? Không, chắc chắn là không! Tôi có thể quả quyết như vậy.

Tôi không ngáy được nữa. Chẳng phải vì cái cổ đang có chiều hướng rát bỏng lên mà chính vì sự nhọc nhằn mang tính chất trẻ thơ của âm thanh ấy vừa làm tôi thương cảm lại chút nữa thì khiến tôi phì cười.

Càng nhịn cùng với tiếng tắt xoè mỗi lúc mỗi dồn dập hơn kia, tiếng cười càng muốn bùng ra. Và cuối cùng, không nhịn nổi nữa, tôi đã để mặc cho tiếng cười phì ra khỏi miệng. Phì rung cả người... Tiếng xoè đột ngột ắng lại như từ nãy đến giờ, từ ngàn xưa đến nay, chưa hề có thứ tiếng động nào như thế. Một cái véo vào đùi tôi đau điếng, tiếp liền là một cú phát vào lưng rát bỏng... “Đồ quỷ! Vậy mà làm người ta...” Em nói và mặc dầu không nhìn lại, tôi cũng biết chắc mặt em đang đỏ rần lên.

Tôi không cười nữa:

- Trời! Làm thì làm đại đi mà! Cứ tắt xoè, tắt xoè mãi, nghe như tiếng rút chốt tạc đạn, ớn cái xương sống lắm!

- Kỳ! Ai bảo nghe? Ngáy ngủ mà nghe tinh thế? Dơ!

Lại một cái véo chết người nữa. Lại đỏ mặt. Thế là cười xoà.

Chẳng ngờ cái âm thanh đó, cái phát, nhéo, câu chữa ngượng đồ quỷ và cái cười xoà đó đã xoá nhoà đi cả mọi lằn ranh giới tính, đã đốt cháy mọi đắn đo sau trước, đã xích hai đứa lại gần nhau trong một sự cuồng nhiệt đợi chờ có sẵn trong tâm tưỏng. Tôi ngồi nhanh dậy, không cần biết cái gì sẽ xảy ra trên kia. Cái gì sẽ xảy ra sau đó, cồn cào ghì siết em vào người, hối hả đỡ em nằm xuống và lấy băng đạn kê đầu cho em khỏi lấm tóc. Em chỉ kêu rên khẽ lên một tiếng sâu thẳm trong lồng ngực rồi duỗi dài chân ra, nhắm mắt lại... Hàng khuy áo được bong dần từng cái. Chao ôi! Dưới ánh sáng huyền ảo mơ màng của ba giọt thông hơi, tôi hoàn toàn không thể ngờ ngực em lại đẹp thế! Nhỏ nhắn, no tròn và trắng đến loá mắt. Dường như toàn bộ sức sống tuổi hai mươi nơi em đều dồn tụ vào cả khuôn ngực trinh nữ này? Tôi gục mặt vào đó, nghẹt thở, yên bình, ngào ngạt hương thơm cây trái và tan rã... Gục mặt vào màu trắng tươi nguyên, màu trắng khổ đau và màu trắng của sự thanh cao tuyệt đỉnh. Tôi khóc...

Thế rồi chính trong khoảnh khắc đôi mắt được rửa sạch bằng những giọt nước mắt chân thành đó, bất thần tôi đã nhìn thấy đôi nốt ruồi đen, nhỏ, nằm e ấp trên khuôn ngực trái của em như hai con mắt hiền lành, nhỏ xíu của con chim câu đang sắp vỗ đôi cánh trắng bay vút lên khỏi hầm.

Tôi phủ nhanh người xuống cái màu trắng đó, để ràng níu, để giữ buộc, để không cho nó bay tan đi mất, bắt nó phải là sự thật chứ không thể là ảo ảnh trong lòng sâu. Lặng lẽ và mềm mại, bằng một cử chỉ vị tha khắc khoải, em hơi rướn người lên, thẳng căng cái độ căng của dây cung sắp cho mũi tên rời khỏi ná rồi liền ngay đó lại chùng xuống... chùng xuống nữa, chìm nghỉm, vô hình... Buổi sáng hôm đó, với tất cả sức lực của tuổi trẻ, của mười năm dồn nén, của hết thảy những khổ đau, mất mát và dịu ngọt đã trải qua, sắp trải qua hay không bao giờ còn dịp được trải qua nữa, chúng tôi, hai sinh vật của thời loạn đi vào nhau trọn vẹn, đam mê tột cùng và cũng ngậm ngùi tột độ... Một giọt sáng hay một chút màu hồng tươi vương dính vào góc chiếc khăn rằn rải dưới đất đã thúc mạnh vào mặt tôi sự chói gắt của trinh tiết và lòng biết ơn sâu thẳm không thể nói ra được. Em khóc... Những giọt nước mắt cũng rơi ra lặng lẽ, âm thầm.

- Sương ơi!... Cầu mong cho mọi việc qua đi, chiến tranh rồi sẽ tới ngày cùng, khi ấy dù thế nào, ở đâu, anh cũng sẽ tìm đến em để xin cưới em làm vợ.

Tôi hôn cạn những giọt nước mát trên má em mằn mặn rồi cúi xuống, rên trên ngực em lời nguyện cầu chắt ra từ máu.

- Em chết mất! - Em thốt lên rồi cắn vào bả vai tôi đến rớm máu.

Phải chăng đó chính là câu trả lời tuyệt diệu nhất của người đàn bà trong những trường hợp như thế này? Không nói gì nữa, cả hai ngồi im lặng, trần truồng, nhơm nhớp mồ hôi, lắng nghe hơi thở và nhịp tim đập thật mệt mỏi nhưng cũng thật êm ả nơi ngực nhau...

Thời khắc bồng bềnh lãng quên đi tất cả đó, ai dè đôi cánh nghiệt ngã của số phận đã qua lỗ thông hơi để lạnh lẽo đậu xuống bờ vai của cả hai đứa chúng tôi! Sau một loạt những tiếng xăm hầm sột sột như thuốn vào chính màng tai mình, là một tiếng nói âm âm khoái trá vang lên từ loa điện trên mặt đất: “Lên đi các bạn Việt Cộng! Chúng tôi đã biết các bạn đang ở dưới đó rồi. Tốt nhất là tự mở nắp hầm chui lên đầu hàng để tránh cho chúng tôi khỏi phải dùng đến những biện pháp cứng rắn. Lời hứa danh dự của người lính quân lực Việt Nam cộng hoà sẽ bảo đảm an toàn tính mạng cho hết thảy mọi người, cả nam lẫn nữ, cả địa phương lẫn chủ lực, cả Việt Cộng lẫn cộng sản Bắc Việt, hết thảy! Trung uý đồn trưởng đang kêu gọi các bạn đây...”.

Giống như bị quẳng từ trên độ cao ngàn mét xuống nước, chúng tôi sững sờ nhìn nhau... Vậy là cái điềm báo xấu nhất đã xảy ra, xảy ra ngay sau khi, bằng cánh tay thần bí của mình, thần phật đã đẩy chúng tôi nhập vào với nhau! Đểu thật! Nhưng tại sao chúng lại tìm ra? Ai chỉ điểm? Hay đã có một hầm nào bị lộ rồi?... Trời đất! Thì ra chính cái lúc chúng tôi đang cuộn chặt lấy nhau để mơ những giấc mơ vĩnh cửu thì thần chết đã ngồi chồm hỗm ở ngay trên miệng hầm rồi! Sao đây? Tôi siết chặt bàn tay của em đang run run mặc lại quần áo vào người. Cái lãng mạn đang vón cục lại thành cái nặng nề quá tải. Sự chơi vơi từ bên trong đã thoát ra thành sự hoảng loạn ụp từ bên ngoài vào...

“...- A lô! Các bạn còn chần chừ gì nữa? - Vẫn cái tiếng nói khoái trá và hãi hùng lọt xuống từng chập như tiếng gào của ma quỷ dưới địa ngục - Dù muốn hay không, các bạn cũng chỉ có một con đường đầu hàng hay tan xác? Ba trái mìn cực mạnh đã được đặt trên nắp hầm, dây đã ròng xong, chỉ còn chờ thái độ của mấy người là phát nổ...”.

Lửa bừng lên trong đầu cùng với hình dạng những trái mìn clâymo bay lãng đãng như những chiếc quan tài màu xanh. Giơ thử tay đẩy nhẹ nắp hầm thấy nặng trịch, tôi biết chúng không đùa. Thế là cùng đường. Chỉ cần một chứ không cả ba trái mìn hình cong như viên gạch kia thổi vào cửa hầm là chúng tôi cũng đủ vỡ óc, giập ngực, lòi con ngươi chết ngay. Đã bao phen chúng tôi đánh vào giữa giấc ngủ của kẻ thù để đến bây giờ, kẻ thù lại đánh vào chính cuộc tình của chúng tôi. Như một luật chơi sòng phẳng, lại như một sự báo oán khắc nghiệt. Chỉ buồn một nỗi, nếu như trước kia phải đánh cho chủ thuyết, đánh vì lý tưởng thì tôi lại hoàn toàn ở trong thế chủ động, lúc này tôi mới có dịp đánh cho em, cho tình yêu của tôi, thì lại phải đánh trong tư thế thúc thủ.

Bất giác tôi nhếch mép cười. Mẹ mày! Con ạ! Chết đối với tao nào có nghĩa gì mà mày dậm doạ thế? Đáng lẽ thằng cha mày phải chết rồi, chết từ lâu rồi kia, bây giờ mới tới lượt là hơi chậm, quá chậm, quá lãi rồi các con ạ! Nhưng còn Sương?... Mặt tôi nhăn quắt lại. Tôi không đành lòng để em cùng tan biến vào cái thế giới hư vô nhọc nhằn tất yếu của tôi được, nhất là sau mọi chuyện đã xảy ra vừa rồi.

“...Đù mẹ bọn mọi ăn đất cát! - Bây giờ là tiếng chửi tục tằn vọng xuống - Nhẹ không ưa, ưa nặng. Cơm không muốn ăn, ăn cứt! Thân con lừa! Vậy tao cho bọn bay chết mẹ luôn. Lính đâu? Tao đếm từ ba đến một, không lên, bấm!".

Gấp rồi, không thể chần chừ được nữa, tôi rút chốt sẵn hai trái da láng USA cầm ra hai tay rồi nói nhanh với Sương:

- Lên nhé! Đằng nào cũng chết, thử lên xem. Anh bật nắp hầm tung tạc đạn xong, em nhảy lên ngay, cứ hướng suối mà chạy, anh sẽ lần sau... Không! Anh phải lên trước dẹp đường, em lên sau, hết sức nhanh.

(Thế là cái sai lầm thứ nhất đã xảy ra ở ngay cái cách phân công sau trước như thế! Trời ơi! Nếu như tôi nói ngược lại thì kết cục đâu đã đến nỗi bi thảm như vậy?)

Không rõ em nghe có hiểu thấu lời tôi dặn không mà chỉ thấy đôi mắt to nhìn lên tôi vời vợi như tách thoát ra khỏi hoàn cảnh, như là em đang đứng với tôi trong một bầu trời lộng gió giữa đồi trăng. Em hỏi:

- Thế... Thế chúng mình gặp nhau ở đâu?

- Anh chờ bên kia suối, chỗ ruộng khổ qua. Nhớ rằng bằng giá nào anh cũng chờ. Cầm lấy cây súng này, vừa chạy vừa bắn thật mạnh. Nào, chuẩn bị nhé! Thật bình tĩnh nhé! - Tôi đặt vào tay em khẩu K.54 mát lạnh rồi đặt vội một cái hôn vào môi em - Em là sự sống của anh. Em không được chết. Vĩnh biệt!

Đến lúc này thân thể em mới run lên như đã cảm nhận thấy hết tầm nguy hiểm của sự việc. Em cuống quýt kéo tôi lại, vừa khóc vừa hôn lên khắp mặt tôi. Một giọt nước mắt chảy vào miệng tôi mặn như máu.

- Nhớ chờ em với nhé! Em sẽ chạy kịp anh, không chết đâu! - Em nói.

Nhớ chờ em với... Tôi sẽ suốt đời mang theo lời nói non nớt này vào trong ký ức buồn đau của mình mà không tài nào dứt ra được.

“... Bắt đầu! - Tiếng loa trên kia rền lên như bão - Ba!... Hai!...”

Con mẹ mày! Nữa đi! Tôi nghiến chặt răng để nuốt đi sự bất lực gần như tuyệt vọng... Một! Không để cho thằng đồ tể kia đếm tiếp đến tiếng sau cùng, vẫn với hai trái daláng nắm chặt, tôi vận sức dùng cả hai tay đấm mạnh nắp hầm lên. Một vuông sáng táp vào mắt chói loà. Chỉ chờ có thế, tôi vươn tay tung mạnh hai trái tạc đạn có sức công phá dữ dội sang hai bên, về phía những thằng người có lẽ đang đứng ngồi lố nhố trong cảm nhận trực giác rồi tung người vọt lên theo...

Tôi chạy giữa đất trời nắng gió chan hoà... Trong cái trạng thái cuồng nhiệt đó, tôi vẫn còn kịp nhìn thấy những thằng người màu xám chì hoảng loạn giạt ra, rẽ ngược, kêu thét, lăn lông lốc, bẹp xuống... để tránh xa cái chết từ hai khối tròn lành hiền đang lọc cọc lăn tới. Lựa cái thế thông thoáng nhất thời đó, tôi phóng giò chạy thêm được mươi bước nữa rồi mới chịu nằm xuống, để mặc cho thân thể gần như tung lên khỏi mặt đất trong một sự hứng khoái khác lạ do hai tiếng nổ chát chúa vừa tạo ra. Đất đá bay như ngày tận thế, không gian mù mịt khói vàng, khói xanh, khắp mọi nơi khét lẹt mùi pháo đêm giao thừa. Ngon rồi! Ít nhất cũng đốn gọn dăm con. Tôi hét lạc giọng trở lại: "Lên lẹ đi Sương ơi!...” rồi lao người ra khỏi chỗ trống, nơi rất dễ hứng đủ đạn của đối phương một khi chúng tỉnh lại. Trước lúc chạm được bìa suối, kỳ lạ, cái tôi nhìn thấy cuối cùng không phải là em mà lại là một khuôn mặt quen quen, trẻ trung đeo kính trắng trong đội hình chúng nó đang la hét nhau lồm cồm chồm dậy. Anh ta là người duy nhất đủ điều kiện để kịp rê mũi súng bám theo tôi nhưng không hiểu sao, do khói đạn hay đất đá bay lên che chắn, khi bốn mắt đụng nhau, cái họng súng toang hoác đen ngòm kia lại từ từ hạ xuống?...

Từ hầm đến suối chỉ ước chừng hai trăm mét. Chạm suối rồi, lợi dụng một bụi tre gai xoắn bện đạn bắn cũng không lọt qua, tôi thảng thốt đôi mắt lại tìm em... Trời! Em kia rồi! Sương của tôi kia rồi! Em mới vừa lên khỏi hầm và đang cố gắng lao về phía tôi.

Cái dáng người nhỏ nhắn trong bộ bà ba đen lúc ẩn lúc hiện trong đám khói đang tan loãng như bay như lượn, tóc xoã tung, hai ống quần giạt về sau đập phần phật... Và khẩu súng nhỏ xíu trên tay em thỉnh thoảng lại nảy lên một phát đi đâu đó như cô nữ sinh tinh nghịch đang bày trò chơi trận giả với đám con trai. Lồng ngực tôi muốn vỡ tung trong nỗi vui sướng và lo sợ đến tột cùng. Đội hình chúng chưa hoàn hồn, em còn có thể chạy được nhưng mà nhanh, nhanh nữa, thật nhanh lên mới được! Và bắn, bắn mạnh vào, cứ nhác thấy thằng nào đang chĩa súng vào em mà bắn! Trời ơi!...Kìa! Phải chạy dích dắc chữ chi chứ ai lại cứ lao thẳng thế! Hay lắm! Cố lên! Ráng lên! Sắp tới rồi. Năm chục thước... bốn chục thước... ba mươi lăm thước... Ba mươi... Còn một đoạn nữa thôi. Nào, sắp tới rồi. Anh đang ở đây. Sang được bên kia bờ, lẩn vào ruộng mướp đắng bạt ngàn thì có mà trời tìm...

Nhưng tất cả đều đã không kịp! Chính cái gấu quần bà ba gợi một nét lãng mạn ấy đã hại em. Em đã không kịp xắn lên, dưới đó tôi đã quên không nhắc em xắn lên, để bây giờ sức lực con gái yếu mềm, em đã không kịp nhảy tránh cái gốc tầm vông tệ hại chìa ra cản đường, đã không kịp làm gì cả... Sau một tiếng soạt não nùng, thân thể em đang bay là là đến cõi sống bỗng đập mạnh người xuống đất, khẩu súng văng bắn sang bên... Khi em trở dậy được thì hàng chục mũi AR15 và đế giày bốt-đờ-sô đen trũi đã bao quanh mất rồi!...

Hộc lên một tiếng đau đớn, tôi dằn mạnh trán xuống đá sỏi để biết rằng đó là sự thật, là mình đã hoàn toàn bất lực. Cái sai lầm thứ hai của tôi lại nằm chính ở chỗ đó. Giá như cái lúc vừa nhìn thấy em vật xuống, tôi phải bung ra, phải la hét, phải ào tới đỡ em dậy, nhặt lấy cây súng của em, phải bắn chí chạp về mọi phía, thậm chí phải chạy ngược lại để thu hút hoả lực của chúng, làm chậm bước xung phong của chúng và như vậy biết đâu sẽ kịp cho em vọt qua được bờ suối bên này, rồi cùng lắm có hy sinh thì hy sinh cả hai. Vậy mà tôi vẫn nằm im, mắt mở thô lố, lầm rầm tin ở một phép lạ nào đó sẽ đến cứu giúp em, sẽ sà xuống đỡ nâng em ra khỏi cái vòng tục luỵ. Khốn nạn!... Khi tôi mở được mi mắt nhức bỏng ra thì em đã bị trói giật cánh khuỷu lại rồi. Những báng súng, những đế giày, những tiếng gầm rít hận thù cứ nhằm cái thể xác mảnh mai của em mà đổ ập xuống, nghiêng ngả... Lần này thì trái tim rách nát của tôi không còn chịu nổi nữa, không thể tin vào một cái gì khác ngoài mình nữa, tôi quyết định lao ra đấm đá, phanh đập, cắn xé bằng bất kể thứ gì, sẽ trả lại vào thể xác chúng tất cả những gì em đã phải nhận nhưng... từ khuôn mặt sưng húp, đầm đìa những máu, một tia sáng còn sót lại trong mắt em hướng về tôi, ngăn cản tôi, vừa khắc khoải van nài, vừa nghiêm nghị đến rợn người. Chính cái tia sáng thôi miên đượm vẻ đau buồn đó đã làm tôi tê dại hoàn toàn. “Anh không được ra, không có quyền ra, nếu thật lòng thương em, anh hãy chạy đi, hãy trả thù cho em! Em yêu anh! Xin vĩnh biệt anh!...”.

Vừa lúc các làn đạn nhọn, đạn cầu vồng và cả những bóng xám nhằm thẳng vào tôi phóng đến...

VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)