Cửa sổ văn nghệ

Một tác phẩm tiêu biểu của văn học Phần Lan

Chủ Nhật, 20/07/2025 09:09

 Nàng tiên cá cuối cùng mang đến một hành trình xuyên thời gian và không gian, nơi số phận con người và tự nhiên đan xen trong những trang sử đầy day dứt. Cuốn sách dẫn từ chân dung của loài bò biển Steller để mở ra chuyến phiêu lưu choáng ngợp xuyên suốt ba thế kỉ, kể lại những tác động của con người lên thế giới tự nhiên, khắc họa những mộng ước lớn lao của con người về khoa học, nghệ thuật và khao khát phục sinh những gì chính tay nhân loại đã hủy diệt.

Chiều 19/7/2025, Nhà xuất bản Kim Đồng (số 55 phố Quang Trung, phường Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Nàng tiên cá cuối cùng của nữ nhà văn Phần Lan lida Turpeinen.

Buổi toạ đàm có sự dẫn dắt của nhà văn Di Li.

Câu chuyện khởi đầu với cột mốc năm 1741, Georg Wilhelm Steller, một nhà tự nhiên học người Đức, đã thực hiện chuyến thám hiểm Bắc Thái Bình Dương cùng thuyền trưởng Vitus Bering với mục tiêu tìm tuyến đường biển từ châu Á sang châu Mĩ. Tuy không chạm tới một lục địa mới, nhưng họ đã có một phát hiện bất ngờ khác: bò biển Steller, một loài động vật có vú khổng lồ - “nàng tiên cá” trong truyền thuyết. Cho đến nay, Steller vẫn là người duy nhất có những ghi chép chi tiết về loài vật này khi chúng còn sống.

Hòn đảo nơi loài bò biển sinh sống nhanh chóng trở thành điểm dừng chân của hàng loạt chuyến hải trình săn “vàng” từ lông thú. Những con bò biển hiền lành không ngờ rằng, sự xuất hiện của loài người tại nơi đây đã gióng lên điềm báo tử thần cho chúng. Những người săn lông thú, ban đầu đến vì rái cá và cáo, đã phát hiện ra hương vị thơm ngon và lượng mỡ dồi dào của thịt bò biển. Chưa đầy 30 năm kể từ khi được Steller phát hiện, loài bò biển này đã bị tuyệt diệt.

Năm 1861, thống đốc người Phần Lan tại Alaska thuộc Nga cử người tìm kiếm bộ xương của loài động vật biển có vú khổng lồ trên, với mong muốn tái hiện một truyền thuyết đã biến mất từ trăm năm trước. Sau đó vào năm 1952, chuyên gia phục chế John Grönvall tại Bảo tàng Helsinki (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Phần Lan) đã nhận nhiệm vụ phục chế bộ xương bò biển Steller hiếm hoi còn nguyên vẹn được gửi về đây.

Ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam chia sẻ tại buổi giới thiệu sách: Nàng tiên cá cuối cùng là một tác phẩm giàu chất thơ, mang văn phong tao nhã và chiều sâu tri thức, thể hiện rõ thế giới phong phú và giàu tưởng tượng của văn học Phần Lan. Nhà văn Iida Turpeinen là một gương mặt nổi bật của nền văn học Phần Lan được chú ý từ năm 2014, và với cuốn sách này, bà đã nhận được sự hưởng ứng vang dội từ cả công chúng lẫn giới phê bình. Như nhiều tác phẩm khác của bà, cuốn sách đào sâu mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, khơi gợi những góc nhìn mới, những khát vọng lưu giữ những gì đang dần biến mất dưới tác động của thời gian, khí hậu và sinh thái. Đây là một tác phẩm giữ vị trí đặc biệt trong văn học Phần Lan đương đại, đồng thời cũng đại diện cho một hướng đi mới, sâu sắc, tinh tế và đầy nhân bản.

Khéo léo lồng ghép những chi tiết khoa học tỉ mỉ, từ giải phẫu học của các loài động vật đến các khái niệm về địa chất và tiến hóa, vào một mạch truyện đầy tính nhân văn, Nàng tiên cá cuối cùng của Iida Turpeinen mang âm hưởng của một bản giao hưởng bi tráng về sự mất mát và những thay đổi trong nhận thức của con người về thế giới tự nhiên. Tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự đan cài tài tình giữa các yếu tố khoa học và văn chương, tạo nên một không khí day dứt, đầy chiêm nghiệm xuyên suốt tác phẩm.

Nhà văn Di Li chia sẻ: Nàng tiên cá cuối cùng là một cuốn sách rất đặc biệt, không chỉ là lịch sử Phần Lan mà còn mở rộng tới lịch sử nhân loại. Tác phẩm khắc họa rõ nét thân phận người phụ nữ Phần Lan qua các thời kì, đồng thời là một hành trình tiến bộ đầy cảm hứng của nữ giới nói chung. Với giọng văn trìu mến, dễ hiểu, nhà văn Iida Turpeinen đã viết nên một câu chuyện khiến người đọc ngạc nhiên vì một đề tài tưởng như khô khan lại có thể cuốn hút và giàu cảm xúc đến vậy. Không chỉ truyền cảm hứng về chân trời, về phiêu lưu, đặc biệt là thế giới kì diệu của sinh vật biển, tác phẩm còn đem đến tri thức, nuôi dưỡng đam mê và ý thức bảo tồn thiên nhiên trong những người trẻ. Bản dịch tiếng Việt trung thành với nguyên tác nhưng vẫn giữ được dấu ấn cá nhân của người chuyển ngữ, góp phần truyền tải trọn vẹn tinh thần và vẻ đẹp của tác phẩm.

Nàng tiên cá cuối cùng là một tác phẩm thấm đượm tính nhân văn, khơi gợi cảm xúc, buộc người đọc phải đối mặt với những câu hỏi lớn về trách nhiệm của con người đối với thế giới tự nhiên và những di sản mà chúng ta để lại. Dưới ngòi bút của Iida Turpeinen, lịch sử không chỉ là những sự kiện vĩ đại mà còn là tổng hòa của những câu chuyện cá nhân, những cuộc đời đã góp phần định hình thế giới của chúng ta.

Với Nàng tiên cá cuối cùng, nữ nhà văn Iida Turpeinen đã vinh dự nhận Giải thưởng Văn học Helsingin Sanomat dành cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất và lọt vào danh sách đề cử của Giải thưởng Finlandia - giải thưởng văn học lớn nhất tại Phần Lan và Giải thưởng Torch-Bearer - giải thưởng nhằm tôn vinh các tác phẩm văn học Phần Lan nổi bật trong năm có triển vọng thành công trên thế giới. Tính đến nay, cuốn sách đã được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên thế giới như Đan Mạch, Vương quốc Anh, Pháp, Hi Lạp, Italia, Hungary, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kì…

HỮU SƠN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Người cựu binh chiến trường K

Người cựu binh chiến trường K

Tôi luôn bị ám ảnh bởi những mảnh xước của chiến tranh, đó là sự khốc liệt nơi chiến trường, là người lính trở về với cuộc sống đời thường và nỗi niềm nơi hậu phương. (BÙI TUẤN MINH)

Truy tìm Nadja

Truy tìm Nadja

Là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của André Breton, suốt nhiều thập kỉ, danh tính của nàng Nadja - người cũng được chọn là tựa đề sách - vô cùng bí ẩn.

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)