. Nhà thơ VƯƠNG TRỌNG
Năm 1985, nhà văn Lê Lựu ly thân vợ, đưa hai cháu về sống trong một căn phòng hẹp mà dài, nằm ở góc cơ quan, sát với tường số 2 Lý Nam Đế. Dạo ấy Lê Lựu đang sáng tác tiểu thuyết Thời xa vắng, thông thường thì anh về khu an dưỡng Đồ Sơn có sự bảo trợ của Quân khu Ba, không những có nới ăn chốn nghỉ, mà Quân khu còn “cấp” cho nhà văn một người đánh máy chữ. Nhưng do hoàn cảnh gia đình như vậy, anh vướng hai cháu, nên đành phải ở tại cơ quan.
Sáng hôm đó tôi có việc đến phòng tìm anh, không ngờ anh đi vắng, mà chỉ gặp hai cháu đang chơi nhảy lò cò trên nền gạch. Đứa chị tên là Lê, 9 tuổi, thằng em tên Chiến, 6 tuổi. Nghe tôi hỏi “Bố cháu đi đâu?” thì cháu Lê trả lời hết sức hồn nhiên: “ Bố mẹ cháu đang ra toà”, rồi lại tiếp tục chơi với em, dường như chuyện “ra toà” kia chẳng liên can gì đến chị em nó! Tôi sững người ra, và một tứ thơ hình thành: Đó sự hồn nhiên, ngây thơ của những đứa trẻ với nguy cơ của việc bố mẹ ra toà mang lại. Trong bài thơ, tôi không hoàn toàn viết đúng cảnh thực tế mình chứng kiến, mà có thay đổi ít nhiều. Sự khác nhau giữa “thực tế trong đời” và “thực tế trong thơ” là vậy. Tôi đã hạ tuổi của cả hai chị em, và dựng cảnh em đói khóc, chị không dỗ nổi, nên dùng hai chữ “ra toà” như một món quà để dỗ em, vì bản thân nó cũng không hiểu “ra toà” là gì!
|
Nhà thơ Vương Trọng tại liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương 2012 (Ảnh: X.T) |
Bài thơ này sau khi đăng lên tuần báo Văn nghệ năm 1986 và sau đó các báo khác cũng như các tập sách đăng lại nhiều lần, được nhiều cặp bố mẹ quan tâm, đặc biệt đối với những cặp vợ chồng phải sống xa nhau, thì người này đọc được thường chép gửi cho người kia, như mượn lời thơ để khuyên nhau cố giữ vẹn tròn tình vợ chồng, trước nhất vì hạnh phúc của những đứa con. Bạn tôi làm toà án có kể rằng, trong phòng hoà giải của huyện nọ, người ta cắt bài thơ này dán lên tường, để mỗi khi có những cặp vợ chồng đưa đơn ly hôn, người ta khuyên họ nên đọc bài thơ rồi về nhà suy nghĩ nếu không có gì thay đổi thì hôm sau lại nạp đơn cũng không sao. Nghe nói bài thơ đã có tác dụng làm nhiều cặp bố mẹ nghĩ lại và trở lại chung sống với nhau. Tôi nghĩ rằng, không phải mọi cặp bố mẹ đưa nhau ra toà để ly hôn đều có nguyên nhân chính đáng; mà ít nhất có tới 50% số vụ đưa nhau ra toà đó không phải do quá xung khắc không thể sống được với nhau, mà chẳng qua vì tự ái vặt, có khi chỉ vì không ai muốn xin lỗi trước. Đối với những cặp vợ chồng như thế, bài thơ là thông điệp nhắc nhở: hãy vì những đứa con mà làm lành với nhau.
Khoảng năm 1990, một hôm tôi thấy một cặp vợ chồng dắt theo một đứa con chừng dăm tuổi đến phòng làm việc để cám ơn tôi vì bài thơ đó đã gắn kết hai anh chị khi họ sắp ra toà, và nhờ vậy mới có được cháu trai kháu khỉnh đó. Có một tập sách viết về hôn nhân và gia đình do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 1993 hay 1994 gì đó có in bài thơ này nhưng với đầu đề là Dỗ em và tác giả là…Khuyết danh! Điều này chứng tỏ người biên soạn sách đã chép bài thơ này theo dòng " văn học truyền miệng". Điều đó càng chứng tỏ bài thơ đã truyền từ người nọ sang người kia, nhất là đối với các bậc bố mẹ trẻ.
Chúng ta cùng đọc lại bài thơ Hai chị em, và tin chắc, đối với nhiều bạn đọc, đây không phải là lần đầu tiếp xúc bài thơ này. Tác giả mong mọi gia đình hạnh phúc, vì suy cho cùng, khi vợ chồng ly tán, bi kịch lớn nhất sẽ giáng xuống những đứa trẻ vô tội.
V.T
|
Tranh: truongthinhart.com.vn |
Hai chị em
- Nín đi em, bố mẹ bận ra toà!
Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi
Thằng bé khóc, bụng chưa quen chịu đói
Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.
Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm
Không nấu nướng và không hề trò chuyện
Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm
Cùng một đường, sao chẳng thể chờ nhau?
Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu
Ngoài hai tiếng ra toà vừa nghe nói
Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi
Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về.
Mẹ bế em âu yếm, vuốt ve
Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp
Nó sung sướng vào ra tíu tít
Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra.
Nó biết đâu bố mẹ nó ra toà
Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý
Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký
Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa.
Nó biết đâu bố mẹ nó ra toà
Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
Đứa còn mẹ thì thôi, không còn bố
Hai chị em rồi sẽ mất nhau.
- Nín đi em… em khản giọng khóc gào
Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt.
Những bố mẹ bên bờ chia cắt
Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình.
1985