Từ nguyên mẫu đến nhân vật

TÔI ĐÃ MINH OAN CHO NHÂN VẬT (*)

Thứ Tư, 17/10/2012 00:00

. Nhà văn NGUYỄN BẢO

Trong chuyến đi về nguồn mới đây, đoàn văn nghệ sĩ kháng chiến Khu 5 có đến Huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam và lên xem chi khu Quận lỵ Thượng Đức cũ, Trong đêm giao lưu văn nghệ giữa đoàn và bà con Đại Lộc, tôi có nhận được một vài câu hỏi của một số người, xoay quanh cuốn tiểu thuyết Thượng Đức do Nhà xuất bản Quân đội ấn hành năm 2005. Những câu hỏi tập trung vào vấn đề nhân vật nguyên mẫu và hư cấu trong tác phẩm. Cụ thể muốn tác giả trình bày rõ hơn về một số nhân vật trong cuốn sách. Nhân vật nào là nhân vật có thật, nhân vật nào vừa là thật vừa hư cấu và cả những nhân vật được hư cấu hoàn toàn.

Tôi xin trình bày lại những gì đã nói trong buổi giao lưu tối hôm ấy.

Trước hết đây là một sáng tác tiểu thuyết sử thi nên tôi trung thành tuyệt đối với diễn biến của các trận đánh. Một số nhân vật: Bí thư khu ủy, Tư lệnh Quân khu 5, Bí thư đặc khu ủy Quảng Đà, Phó tư lệnh Quân đoàn 2, Sư trưởng, Chính ủy sư đoàn 304, tôi đưa vào cuốn sách đúng như nguyên mẫu. Những nhân vật có thật này tất nhiên không y sì như ngoài đời nhưng nếu có hư cấu cũng không nhiều. Trước khi bản thảo tới nhà in tôi có đưa họ đọc, ít nhất cũng ở phần viết về họ. Và tôi nhận được câu trả lời: Thượng Đức đúng là như vậy. Sau này khi cuốn sách ra đời nhiều bạn đọc hỏi tôi những chuyện tôi viết về họ có bị rắc rối gì không? Tất nhiên là không, ngược lại tôi cảm như họ rất bằng lòng với những gì tôi đã “ thêm thắt “ cho họ, kể cả phần khiếm khuyết trong tính cách mỗi người.

Nhà văn Nguyễn Bảo


Loại nhân vật thứ hai trong Thượng Đức là những cán bộ chiến sĩ từ cấp trung đoàn trở xuống. Đây là những nhân vật tôi không khai thác ở một nguyên mẫu nào, nhưng cũng có thể nói rất nhiều nguyên mẫu tôi đã gặp đã sống đã trò chuyện với họ ròng rã hơn 40 năm trong cuộc đời làm lính của mình. Đặc biệt là những năm 1971 cho đến kết thúc chiến tranh chống Mỹ. Những năm tháng đó, tôi theo bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực tham gia rất nhiều trận đánh. Những năm tháng đó, tôi cũng được sống nhiều với du kích với nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ, hàng trăm các mẹ các chị, các nam nữ du kích đã cưu mang giúp đỡ tôi trong những hoàn cảnh khó khăn, éo le do địch gây nên. Mỗi người một vẻ đọng lại trong tôi những ảnh hình, những suy ngẩm để sau này hiên lên​ trang viết. Thật khó có thể phân ra rành rẽ đâu là thực đâu là hư cấu ở các nhân vật này.

Về nhân vật bí thư Huyện ủy Đại Lộc năm 1974, có những câu hỏi thú vị. Vâng! Thời điểm quân chủ lực và quân dân khu 5 tấn công giải phóng Chi khu Quận lỵ Thượng Đức có một người được bà con rất ngưỡng mộ. Người này có tên là Phan Thanh Thủ. Trong cuốn Thượng Đức có tên là Hoàng Thủy. Khả dĩ tôi phải đổi tên như vậy vì đó là một nguyên mẫu giữ một vị trí rất quan trọng trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù ở vùng đất Đại Lộc. Đây cũng là người đang là trung tâm “eo xèo” của cán bộ chiến sĩ trên toàn mặt trận lúc bấy giờ.

Đưa nguyên mẫu này vào cuốn sách của mình, tôi muốn giữ lại một phần những sự thực về ông, những sự thực hầu hết được mọi người trong cuộc biết đến. Mặt khác, tôi lại muốn khoác lên nhân vật của mình một màu sắc lãng mạn của những quan hệ tình cảm mà có thể ngoài đời Phan Thanh Thủ không có. Cũng như thế tôi đã khai cho nhân vật của mình một bản lý lịch do tôi nghĩ ra. Bởi thế nếu để tên thật của nguyên mẫu e rằng khó tránh khỏi những lời đàm tiếu. Vấn đề khiến tôi băn khoăn là dù có đổi tên nhưng chức bí thư huyện ủy lúc đó chỉ một người mà thôi. Nếu thay cương vị bí thư bằng một cương vị khác thì tính cách , công việc của nhân vật sẽ phải thay đổi rất nhiều. Tôi không muốn có sự thay đổi đó nên vẫn giữ cho Hoàng Thủy chức bí thư. Từ đó mà suy, nhân vật này dù có hư cấu bằng giời người ta vẫn cứ nhận ra ông là Phan Thanh Thủ. Ấy là chưa nói chuyện quân khu, quân đoàn và cán bộ của Tỉnh Quảng Đà nghi người làm lộ bí mật để trận đánh trầy da tróc vảy, thương vong quá nhiều là do Bí thư Huyện ủy Phan Thanh Thủ. Ông có đứa cháu ruột vừa bị bắt quân dịch đang phục vụ cho quân lực Việt Nam cộng hòa đóng ở Thượng Đức. Ông viết thư dặn cháu trót vào lính rồi thì đừng bắn giết một ai, làm hại một ai… Tất nhiên, những người có trách nhiệm của mặt trận vì nhiều lý do khác nhau đã không thể tin.

Sự thực diễn ra là thế… Có thể coi những gì đã dựng lại trong tiểu thuyết Thượng Đức là trùng khớp với hiện thực ngoài đời. Nhưng nếu chỉ vậy thì đã không sao? Thú thật trong những ngày giông bão của chiến tranh ở Thượng Đức và cả hàng chục năm sau này tôi vẫn chưa gặp Bí thư Phan Thanh Thủ. Không phải không có điều kiện mà là tôi muốn có một Phan Thanh Thủ của riêng tôi. Tôi nuôi mộng biến nguyên mẫu này thành nhân vật tiểu thuyết được dắt dẫn dưới ngòi bút của mình. Và vì vậy nếu gặp ông, nhân vật của tôi biết đâu sẽ rẽ đi một lối khác. Đã thế không gặp ông vẫn tốt hơn.

Về hoàn cảnh gia đình và mối quan hệ của ông với cô du kích Cẩm Linh là tôi dựng lên. Tôi nghĩ rằng đây là nhân vật trong tiểu thuyết của tôi. Hoàn cảnh gia đình của Phan Thanh Thủ chắc không giống như trong tiểu thuyết Thượng Đức và tôi yên trí nếu có trục trặc gì đó tôi vẫn có cái để nói: “Đây là sáng tác văn học.” Mặc dù vậy tôi vẫn hồi hộp chờ đợi nhưng từ 2005 đến nay, Thượng Đức đã được in lại lần thứ 3 mà vẫn không thấy có gì bất ổn. Chẳng những thế trước cuộc giao lưu, Anh Nguyễn A trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc còn nói với tôi : “ Cuốn Thượng Đức đã minh oan cho Phan Thanh Thủ” góp phần vào việc ông được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tôi vui và xúc động ứa nước mắt.

Cần phải nói rõ thêm việc minh oan cho Phan Thanh Thủ trước tiên phải là chủ tich Phạm Đức Nam ( Sáu Nam). Ngay trong những ngày máu lửa ở Thượng Đức khi có rất nhiều ý kiến của lãnh đạo mặt trận muốn kỷ luật Phan Thanh Thủ ông Sáu Nam đã nói “ Đụng đến sinh mệnh chính trị của một con người là vô cùng hệ trọng. Khi chưa có chứng cứ thật rõ ràng thì chưa nên vội vàng. Cần theo dõi và cần thời gian xem xét. Các đồng chí hãy giao việc này cho tôi.” Hơn 30 năm sau, đến thăm ông Sáu Nam ở bệnh viên đa khoa Đà Nẵng, tôi hỏi lại chuyện này. Ông nói: “ Anh ấy bị oan nhưng gỡ cho được nỗi oan ấy đâu có dể.” Hơn ai hết, tôi tin và ngưỡng mộ chủ tịch Sáu Nam. Chỉ một tháng sau khi kể cho tôi nghe nhiều điều về trận đánh Thượng Đức, ông Sáu Nam qua đời. Tôi bắt tay viết cuốn Thượng Đức.

Bằng con đường sáng tác văn học và minh oan cho nhân vật theo cách của mình, tôi đã để Hoàng Thủy lọt vào Ấp Hà Tân khi chiến sự đang ở hồi cao trào. Hoàng Thủy của tôi đã gặp ấp trưởng Nguyễn Bá và ở đây chính Nguyễn Bá thú nhận: tất cả chuyện oan nghiệt của Hoàng Thủy là do đối phương bày ra và người thực hiện chủ mưu đó chính là y. Tôi cũng đã cho lực lượng cách mạng gặp lại người cháu của Hoàng Thủy để chứng tỏ lá thư của Hoàng Thủy không liên quan gì đến chuyện làm lộ bí mật cuộc tấn công của quân ta vào Thượng Đức. Sự thực có diễn ra đúng như vậy không? Tôi không biết, và tôi cũng không tìm hiểu việc đó nữa? Điều tôi quan tâm là cuốn sách của mình ra đời sẽ được đón nhận như thế nào. Nghe anh Nguyễn A thông tin về phần thưởng cao quý mà ông Phan Thanh Thủ vừa nhận được, có sự đóng góp của cuốn Thượng Đức tôi thật sự bất ngờ.


Có người muốn được biết thêm về nhân vật Nguyễn Quốc Hùng, quận trưởng quận lỵ Thượng Đức và nhân vật Hà văn Lầu, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 79 biệt động quân đóng tại Thượng Đức. Hai nhân vật Hùng và Lầu cũng là nguyên mẫu tôi đưa vào cuốn sách của mình. Nhân vật Nguyễn quốc Hùng, tôi không gặp nhưng những gì tôi miêu tả về y, về gia đình y là dựa vào những lời kể của dân trong ấp Hà Tân. Dứt điểm Thượng Đức, tôi đã theo bộ đội vào ngay trung tâm quận lỵ Tôi lẻn lách vào mọi ngõ ngách, sợ sau đó địch sẽ phản công chiếm lại Thượng Đức, và sẽ không còn cơ hội chứng kiến phần hậu của trận đánh khốc liệt này. Máy bay và pháo tầm xa bắt đầu nã vào quận lỵ nhưng khu ấp thì vẫn tương đối an toàn. Tôi vào ấp và chứng kiến một vài người dân trong ấp khóc lóc vì không còn “Anh Hùng” của họ. Lần một, lần hai tấn công Thượng Đức không thành, tôi cũng nghe bộ đội và cả du kích địa phương ca cẩm về Hùng. Cho cùng đấy là những lời “ khen” cay đắng, hậm hực về tài mẫn cán, sự kiên cường và khéo léo của một chỉ huy đối phương. Sự thực là thế. Tôi đã dựng nhân vật Hùng theo những thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau. Khi cuốn sách ra đời cũng có người nói: “Viết về thằng địch sao sạch sẽ quá” Tôi nghĩ: chả lẽ nó sạch sẽ mà lại cứ phải viết nó bẩn thỉu. Nhân vật này và cả gia đình y tôi không phải hư cấu nhiều. Nguyễn Trung Chính nguyên phó bí thư huyện ủy, lúc đó là Huyện đội phó Huyện Đại Lộc kể: Hùng đã tự sát bằng súng AR15. Tôi là một trong những người đầu tiên vào căn nhà hầm của Hùng và chứng kiến mọi sự diễn ra…”

Còn Hà Văn Lầu dù bê nguyên tên tuổi chức vụ vào cuốn sách, tôi vẫn không có nhiều tư liệu về y. Trong 3 vị trí chỉ huy ở chi khu quân lỵ thượng Đức, Lầu là nhân vật cứng đầu nhất, bụi nhất. Cứng đầu như thế nào, bụi tới đâu là do tôi hình dung ra. Tiểu sử của anh ta tôi không nắm được như Nguyễn Quốc Hùng nên tôi đã lập một bản lý lịch theo tưởng tượng của tôi. Bởi thế tôi giật thót, lúng túng khi bà vợ của Lầu đang sống ở Sóc Trăng đánh tiếng muốn tôi giúp chỉ chỗ chết của Lầu để gia đình tìm mộ. Tôi ngờ bà đã đọc cuốn Thượng Đức và chắc bà sẽ giận tôi lắm. Thật ra có thể chồng bà không đến nổi xấu như tôi miêu tả. Trước tiên tôi phải nói với bà rằng nhân vật Hà Văn Lầu trong Thượng Đức tôi đã bịa ra, là nhân vật văn học nên có gì không phải bà bỏ qua. Thứ nữa tôi biết chắc chắn là Lầu cắn lưỡi tự tử ngoài chi khu Quận lỵ,ngoài khu ấp Hà Tân. Tìm riết xung quanh hai khu vực ấy thể nào cũng thấy. Một thời gian sau người bà con của vợ Lầu ở Đà Nẵng có báo cho tôi hay đã tìm thấy hài cốt của Lầu.


Tiện đây xin kể thêm một chuyện tìm mộ khác. Anh Phạm Nguyên Nhung ở Vĩnh phú có người chú của vợ là liệt sĩ. Người chú hy sinh ở chiến trường Quảng Nam. Gia đình đã mấy năm liền đi tìm nhưng đều thất vọng. Đọc Thượng Đức, anh chợt nhân ra có một nhân vật bộ đội rất giống với tính cách của người chú hồi còn sống. Và như có thần linh trợ giúp, anh tin một cách chắc chắn rằng người chú vợ đã hy sinh trong chiến dịch Thượng Đức. Anh quyết đinh cầm cuốn tiểu thuyết như một la bàn lên đường vào Thượng Đức đi tìm mộ người chú. Chuyến đi đó anh và gia đình đã hoàn toàn toại nguyện. Mộ của người chú đã tìm được trong nghĩa trang Thượng Đức. Hiện nay thi hài của người chú đã được chuyển về quê nhà. Báo Quảng Nam và Báo Quân đội Nhân dân có đăng bài viết của anh Phạm Nguyên Nhung kể chi tiết về chuyện này.


Cũng xin tranh thủ quảng cáo thêm với bà con. Tôi vừa cho ra lò tiểu thuyết Đỉnh máu. Cũng có thể coi là phần tiếp của Thượng Đức. Sau khi ta chiếm Thương Đức, sư dù tập trung đánh chiếm cao điểm 1062 hòng tái chiếm Thượng Đức…Đỉnh máu có những nguyên mẫu rất nhiều người biết đến. Hy vọng sẽ có dịp trò chuyện thêm với bà con.


Đó là những gì tôi đã nói trong cuộc giao lưu với lãnh đạo và bà con Huyện Đại Lộc Tỉnh Quảng Nam. Xin ghi lại hầu như nguyên vẹn.


N.B


Trích phần 3 - chương 11 tiểu thuyết "Thượng Đức"


Ông Sáu Nam ngồi trầm ngâm nghe Cẩm Linh. Ông biết tính Cẩm Linh, thẳng băng. Và ông cũng biết tình cảm của cô với Thuỷ. Họ hiểu nhau và cùng giống nhau ở chỗ hết lòng vì công việc. Trong công tác chuẩn bị giải phóng Thượng Đức, họ là hai con người đã làm cơ man công việc: Trinh sát nắm tình hình, vận động dân làm đường, đưa đón cán bộ... Đã có lúc ông nghĩ nếu không có họ liệu công việc rồi sẽ ra sao?

Đùng một cái ta tấn công Thượng Đức gặp khó khăn, cơ sở báo ra: việc chuẩn bị của ta địch biết rất tận tường. Nguyên nhân là do Thông, cháu ruột của Thuỷ báo cho địch biết. Sở dĩ Thông biết được cơ mật của phía ta là do Thuỷ viết thư cho Thông. Thư đó hiện nằm trong tay quận trưởng Hùng. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi Bộ chỉ huy Quân khu 5 điện cho đặc khu uỷ Quảng Đà kiểm tra lại tình hình cán bộ. Việc lộ bí mật đã rõ, nhưng ai là người làm lộ? Đặc khu uỷ đã họp xem xét cán bộ. Khi được hỏi, Thuỷ nói ngay:

- Đúng, tôi có viết thư cho cháu Thông. Nhưng dù thư có lọt vào tay thằng Lầu, thằng Hùng cũng không sao cả. Không có chi tiết để quy là lộ bí mật.

- Nhưng thằng địch có thể khai thác cháu Thông? - Một đồng chí trong đặc khu uỷ hỏi.

- Tôi cam đoan cháu Thông là một người tốt. Với lại từ lúc tôi lên núi tới nay không hề tiếp xúc với cháu ngoài một lá thư tôi đã trình bày.

Ai tin Thuỷ đây? Sao lại không tin một người bí thư huyện uỷ tận tuỵ với phong trào như thế, được tin yêu đến thế, từng tâm huyết với cách mạng đến thế? Nhưng mà tin làm sao được đây khi dư luận đang nghi anh là thủ phạm của việc làm lộ bí mật. Tin làm sao đây khi mà bộ đội hành quân chiếm lĩnh bị địch phục, thương binh tử sĩ nằm la liệt ngoài đồng, súng ống rơi ngổn ngang. Tin làm sao đây, khi các mũi , các hướng tấn công của quân ta vào Thượng Đức đều bị địch chặn lại. Bộ đội hi sinh ngoài cửa mở trong hàng rào không lấy được xác. Một cuộc chiến đấu cứ y như địch đã giăng bẫy trước và ta như những kẻ bị chúng lừa... Đang trong tình hình căng thẳng như thế, lại có tin nhà của Thuỷ bị cháy, vợ con chế là do Thuỷ gây ra. Được hỏi về chuyện lén lút về quê dịp hiệp định Pa ri vừa kí kết, Thuỷ trả lời ngay: "Đúng, dạo đó tôi có ghé nhà, nhưng không thành. Tôi có rồ dại đâu mà đốt nhà mình, hại vợ con mình".

Trong một hoàn cảnh như thế có những người trong đặc khu uỷ nghi ngờ Thuỷ là điều dễ hiểu. Phần chủ tịch Sáu Nam, không bao giờ ông có chút vương vấn về ý chí nghị lực của Thuỷ. Không bao giờ ông nghĩ Thuỷ dao động, có những việc làm tổn hại đến lý tưởng cách mạng.

Ông càng không tin chuyện Thuỷ có quan hệ bất chính với Cẩm Linh, đốt nhà sát hại vợ con. Nhưng ông không thể đem niềm tin ấy đặt vào tâm khảm mọi người. Người ta có thể tốt, có thể rất cẩn trọng nhưng vẫn để sơ sảy. Mọi người có quyền tin ở Thuỷ mà vẫn có quyền nghi ngờ. Ông thông cảm và không để bụng những lời dằn dỗi hơi quá mức của Cẩm Linh. Ông lại gần Cẩm Linh, vuốt lên mái tóc dày mượt của cô:

- Chú hiểu con. Nhưng liệu con có chứng minh được rằng trong thư của Thuỷ gửi Thông không có gì lộ bí mật không? Bức thư đó con đâu có được đọc. Đúng vậy không?

- Đúng là con không được đọc. Nhưng con tin. Anh ấy là một bí thư, kinh nghiệm đầy mình, cảnh giác đầy mình. Làm sao có thể...

- Thôi được. Nhưng vì sao thằng địch biết hết mọi hành động của ta, con chứng minh được không? Nếu con chứng minh được thì mối nghi ngờ về Thuỷ cũng gỡ ra được.

- Dễ ợt mà chú Sáu. Làm sao mình mở đường , bộc phá ầm ầm như thế mà không lộ. Làm sao bộ đội hành quân kìn kìn như thế mà không lộ. Biết bao là dấu vết. Lá nguỵ trang rớt, giấy bọc lương khô rớt, dấu giày, dấu dép,rồi mẩu thuốc lá... Thám báo của chúng trà trộn khắp nơi. Mình ở ngoài nhìn được cả lính trong đồn,làm sao nó không nhìn thấy hoạt động của mình?

- Điều con nói, các chú trong thường vụ có bàn đến. Nhưng việc địch phục kích đúng đường bộ đội hành quân, địch đối phó với ta ở các cửa mở, các hàng rào và rất nhiều việc khác nữa, có cảm giác như ở phía ta có ai đó đã đi khai báo. Và nói cho kì cùng cạn lý, người ta có quyền nghi Thuỷ. Thuỷ có gửi thư cho cháu thật. Cơ sở đã báo ra, nội dung thư có lợi cho sự đề phòng của địch...

Ông chưa nói hết, Cẩm Linh đã hỏi:

- Chú tin như vậy hả chú Sáu?

Người Cẩm Linh như căng ra, hướng về phía Sáu Nam. Có cảm giác câu trả lời cô đang chờ mang tính quyết định mọi quan hệ giữa cô với người đang chỉ huy cô. Sáu Nam không trả lời ngay. Mặt ông buồn rượi. Ông đi lại trong căn hầm, đầu cúi xuống, mắt tư lự. Bất chợt ông quay lại nhìn Cẩm Linh với ánh măt thật trìu mến:

- Con muốn chú trả lời sao đây?

- Chú hỏi chi lạ, chú Sáu?

- Còn chú nói chú tin.

- Thì con không còn niềm tin ở chú nữa

- Nếu chú trả lời là chú không tin thì sao?

- Con sẽ làm bất cứ việc gì chú giao.

Ông Sáu Nam bỗng bật một chuỗi cười giòn tan:

- Con còn trẻ con quá. Con phải khách quan. Phải suy nghĩ,phải tin ở cấp trên chứ không thể hành động theo cảm tính của mình được. Thâm tâm chú không tin nhưng khi chưa chứng minh cho mọi người chịu về nhận định của mình thì đừng vội vã, đừng chủ quan. Thứ nữa, con là một đảng viên không thể vì chú mà con làm tốt nhiệm vụ hay không làm tốt nhiệm vụ . Con phải vì cái chung chứ không thể vì con. Chú có thể sai thậm chí chú có thể hư hỏng. Ủa, có thể xảy ra lắm chớ. Nhưng đó là cá nhân chú. Con phải có bản lĩnh, hành động suy nghĩ vì chân lý, vì cái chung nghe chưa? Chú biết Thuỷ hiện nay rất đau khổ. Không được tham gia giải phóng Thượng Đức khác gì trói chân,trói tay ảnh. Nhưng khi chưa có kết luận rõ ràng thì tổ chức cũng không thể có cách nào khác. Đánh Thượng Đức mấy ngày đầu đã hi sinh hàng trăm người. Tiếp tục đánh nữa phải tính sao chớ? Chả lẽ lại vẫn hi sinh xương máu mà không được gì. Không có Thuỷ, các chú sẽ gặp không ít khó khăn. Nhưng để Thuỷ tiếp tục làm việc sẽ khiến nhiều người không yên tâm. ..

- Ngó bộ để mọi người tin anh Thuỷ chỉ còn cách vào Hà Tân lấy bằng được lá thư anh Thuỷ gửi Thông.

Ông Sáu Nam lại bật cười:

- Đúng là như thế. Nhưng việc đó không thể làm được ngay. Còn việc nhà anh ấy bị đốt, vợ con bị giết nữa kia... Ông dừng lại theo dõi nét mặt của Cẩm Linh. Ông không muốn gieo một nỗi đau, một cơn u uất giận dỗi với Cẩm Linh.

- Con biết. Người ta nghĩ xấu cho ảnh cả chuyện ấy hả chủ? Cẩm Linh ôm mặt khóc nức nở.

- Chiến tranh phải chấp nhận nhiều điều oái oăm như thế đó con ạ. nhiệm vụ của con là phải an ủi ảnh. Chú cũng đang đau đầu nhức óc vì chưa tìm ra được giải pháp gì khả dĩ làm cho anh ấy tạm yên lòng.

- Còn con, con có cách đấy. Lúc nào con sẽ nói với chú.

__________________

(*) Đầu đề do BBT đặt.

Minh họa của họa sĩ XUÂN HẢI

VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)