Từ nguyên mẫu đến nhân vật

CÂU CHUYỆN VỀ NGUYỄN KIM DUYỆT VÀ NHỮNG BỨC TRANH

Thứ Ba, 16/10/2012 17:36

. Họa sĩ LÊ TRÍ DŨNG

Cuối chiến dịch Quảng Trị, trên điều tôi làm phóng viên chiến trường tại tất cả các đơn vị xe tăng trên mặt trận tiền tiêu.Vừa trực tiếp chiến đấu, vừa ký họa, chụp ảnh…Gian khổ thật nhưng lại rất hợp với máu phiêu lãng của tôi. Đầu 1973, sau hiệp định Pa-ri, quân hai bên xen kẽ như da báo. Địch tăng cường lấn chiếm vùng giải phóng… Một chiều, khoảng sau trận đấu tăng ở Cửa Việt, tiểu đoàn trưởng Ngô Nhỡ bảo tôi: "Trên vừa điện vào, lệnh cho ông mở một lớp học vẽ cho binh chủng để sau này về đơn vị có thể làm bích báo tăng cường sỹ khí quân ta”.Tôi nghĩ, giữa lúc không biết địch nó thọc vào lưng lúc nào mà lại mở lớp? Nhưng quân lệnh như sơn, chỉ biết chấp hành thôi… Anh Nhỡ bảo : "Mỗi đại đội một người, nhưng do đại đội 4 của anh Thận ở A Sầu xa quá, nên tiểu đoàn bộ ưu tiên hai người…”

Lớp học có bốn người nhưng vẫn có lớp trưởng hẳn hoi . Đó là Nguyễn kim Duyệt, trung sỹ, người Hà Nội, ở 39 Đại La. Dáng mảnh khảnh, rất ít nói, nhưng tỉ mỉ chu đáo như con gái, đặc biệt rất ham học…Ngoài những bài vẽ cơ bản, anh còn đòi tôi vẽ vào sổ tay của anh bông hoa hồng, đóa hoa sen, Lênin, Bác Hồ…để dùng sau này. Đặc biệt Duyệt rất có năng khiếu âm nhạc. Chiều chiều sau buổi học vẽ anh vác đàn chơi cho bọn trẻ con trong xóm nghe. Duyệt bảo: “Hết đánh nhau, em chỉ muốn về học tiếp ngoại ngữ và ghita , là hai thứ em sẽ theo hết đời…không gì hơn”. Lớp học luôn bị gián đoạn bởi những trận chống lấn chiếm , thường về đêm . Những khi lâm trận, Duyệt khác hẳn ngày thường, anh xông xáo dữ dội với một sức mạnh lạ thường, như là có một Duyệt khác vậy. Một đêm, chừng 3 giờ sáng, vì nằm võng đơn không có tấm đắp nên tôi dùng một tấm poncho để chống muỗi, đang ngủ rất say đột nhiên tôi bị một cú huých trời giáng, lăn từ trên võng xuống cùng tấm poncho. Bừng mắt vớ vội khẩu AK đã thấy Duyệt nằm bên cái bao cát bắn xối xả đuổi theo cái xe JEP có hai thằng ngụy lái, chúng vào sâu trận địa ta tới 200 m và đang tăng tốc cố vượt qua đoạn bị cát lấp của con hào chống tăng rộng 3 mét. Thằng ngồi sau quạt AR15 trả lại, cái võng tôi nằm thủng lỗ chỗ. Lúc sau, trung đội trưởng quát ầm lên: “ cảnh giới chó gì mà ngủ như chết”. Duyệt chỉ im lặng, lẩm bẩm: “ Khổ ! Ban ngày đào hầm mệt quá mà”.

Nguyễn Kim Duyệt (thứ 2 từ trái qua), tại Cửa Việt năm 1973


Đêm nằm, võng mắc cạnh nhau, anh kể : Là con thứ 4 trong nhà và giống mẹ nhất nên cũng được bà cưng nhất. Khi anh vào chiến trường bà khóc rất nhiều. Anh an ủi mẹ là anh và đồng đội đã có vỏ thép dày của xe tăng che đạn rồi… anh đùa với bà là khi ‘’chạy’’ cũng rất nhanh vì xe tăng có nhiều bánh…Chiến sự xoay vần, lớp học kết thúc. Tôi cũng kịp chụp một kiểu ảnh bốn học viên thân yêu đã sát cánh cùng thầy sống chết có nhau dù trong thời gian ngắn…Duyệt muốn tôi nếu được ra bắc trước, nhớ rửa ảnh và đem đến tận nhà đưa cho mẹ anh và nhớ nói với bà rằng thằng Duyệt rất khỏe…Tôi đã hứa và thực hiện vài tháng sau đó. Chiến tranh vốn có hàng trăm ngả đường, mỗi người lính chúng tôi không bao giờ được chọn. Thầy trò chúng tôi chia tay nhau sau một bữa liên hoan có canh rau tập tàng tự tay Duyệt nấu…Chiến trường cứ thế lùi dần vào phương Nam.


Kết thúc chiến tranh đạn bom. Chúng tôi lại tiếp tục chiến đấu trong một cuộc chiến tranh mới. Cuộc chiến với cơm áo thời bao cấp. Chả còn kịp thở để nhìn thấy nhau. Mãi quãng đầu những năm 2000 binh chủng mới tổ chức những cuộc gặp gỡ đồng đội cũ. Sáng 28-4, đang trò chuyện vui vẻ, đại tá Nguyễn khắc Nguyệt đứng dậy: ‘’ Tôi phải đi…’’. Tôi hỏi : " Có gì gấp thế? Nguyệt bảo: ‘’Hôm nay giỗ Duyệt , đồng đội cũ…’’.Tôi giật mình : " Duyệt nào ? Có phải Duyệt chơi đàn và biết vẽ…?" . Đến lượt Nguyệt giật mình : "Sao quê biết Duyệt ?". "Thì tôi dạy vẽ hắn mà…nhà ở Đại la…nhưng hy sinh trong trường hợp nào? - Chuyện dài lắm,để tôi kể quê nghe…

Cuối tháng 3 năm 1975, pháo 2 của xe tôi được điều sang xe khác vì thế phải bổ sung pháo 2 mới. Một chiều , một lính đến nhận nhiệm vụ , balô lép kẹp, cây ghita trên vai, dáng mảnh khảnh thư sinh, hai tay mềm như tay con gái, rất ít nói…Đó là Duyệt. Cả xe hơi thất vọng ! Ai cũng biết lính xe tăng xốc vác , rất cần sức khỏe ,nhất là pháo 2…Đó là vị trí phải bê những quả đạn nặng hơn 30 kg tống vào buồng đạn để bắn với tốc độ ba, bốn phát một phút, khi cần còn phải đội cửa lên tháp pháo dùng 12 ly 7 bắn máy bay, phải dùng Ak đánh bộ binh, ném lựu đạn…Chưa kể đến các công tác bảo dưỡng xe máy nặng nhọc vô cùng. Năm ngoái, pháo thủ số 2 Đạt nạp đến quả đạn thứ 16 thì ngất xỉu…Nhưng ngay chiều hôm đó, qua công tác bảo dưỡng xe bằng những động tác thuần thục, lanh lẹ , chu đáo Duyệt đã làm chúng tôi yên tâm. Nhất là đến bữa cơm chiều ngoài những món thường ngày ứ đến tận cổ Duyệt đã cho chúng tôi bát canh nấu bằng rau tập tàng tranh thủ hái. Những ngày sau, hậu cần của xe được bảo đảm khi Duyệt luôn lo cơm dẻo canh ngọt , nhất là trong xe luôn có nước sôi để uống sữa . Những khi hai đứa tâm sự, Duyệt chỉ ước hết chiến tranh được về học tiếp, ra trường đi làm lấy tiền nuôi mẹ.Ước mơ nhỏ bé xiết bao…


Chiều ngày 27-4-1975 , đại đội xe tăng đến Long khánh. Tối hôm đó, trưởng xe Luông đi họp về, tập trung toàn xe lại phổ biến : “ Trận đánh này rất lớn, mang tên chiến dịch Hồ chí Minh, chúng ta chỉ còn cách Sài gòn chưa đầy 100 km nữa. Đại đội ta có nhiệm vụ thọc sâu, cắm cờ lên nóc Dinh Độc lập…’’.Anh chỉ vào cái bản đồ dã chiến bằng 2 bàn tay : “Nhớ qua cầu Sài gòn , đến ngã tư thứ 7 rẽ trái là đến Dinh Độc lập, dùng cờ cũ cắm lên xe, lá cờ mới cất đi để dành cắm lên nóc Dinh…’’ . Chúng tôi hối hả chuẩn bị, để có chỗ cho cơ số đạn thêm vào, tất cả balô đều phải đưa ra ngoài buộc sau tháp pháo. Riêng Duyệt cứ loay hoay cố nhét cái balô của anh vào sát ngách trong cùng tháp pháo. Vì buồng chiến đấu chật chội, anh phải bê từng viên đạn ra, rồi lại xếp từng viên đạn vào… pháo thủ Thọ vốn nóng tính quát ầm lên : "Lính tráng có cái mẹ gì mà dấu dấu giếm giếm…’’. Trưởng xe Luông cũng lẩm bẩm : "Thằng này làm cái gì mà loay hoay mãi thế nhỉ…?’’ Trong thâm tâm tôi cũng ngờ vực không hiểu sau mỗi trận đánh, vào thành phố Duyệt lấy được những gì mà không nói với tôi…Trước sự cố đó, Duyệt chỉ im lặng… Rồi mọi chuyện cũng qua đi trong nỗi hồi hộp trước mỗi trận đánh.


Sáng 28-4-1975,trận đánh mở màn lúc tảng sáng. Đến gần trưa ta đã tiêu diệt được nhiều hỏa điểm của địch. Nhưng địch chống cự quyết liệt vì đây là chốt chặn cuối cùng , cánh cửa cuối cùng vào Sài gòn. Tổn thất của ta cũng khá nặng, nhiều xe đã bắn hết đạn phải lui về tuyến sau củng cố. Không khí bỗng dưng im ắng lạ thường, Thấy một bãi đất trũng, trưởng xe Luông lệnh cho tôi lái xuống. Vừa đi được vài mét ,thì ầm một tiếng, tôi ngất đi không còn biết gì nữa. Lúc tỉnh lại, thấy Thọ hổn hển : ‘’Xe trúng đạn rồi ,Luông và Duyệt bị thương nặng lắm…’’.Tôi ngẩng lên, trưởng xe Luông gục đầu bên cái đài thông tin, phía dưới, Duyệt nằm bất tỉnh, suốt từ thái dương xuống nửa người mảnh đạn xé tả tơi, đẫm máu. Hai chúng tôi đưa hai người ra khỏi xe đi cấp cứu. Lúc bấy giờ mới biết một quả đạn pháo cỡ lớn khoan trúng lỗ thông gió, phá tung nắp xe, đánh bay khẩu 12 ly 7 nặng gần 1 tạ cùng toàn bộ quân dụng buộc trên xe…Duyệt đã hứng trọn toàn bộ mảnh vỡ của cánh quạt vào người .Lúc bế Duyệt trên tay, anh thì thào , rất tỉnh táo :’’ Quê ơi, tao đau lắm, chắc không sống được đâu…’’.Tôi vẫn động viên Duyệt: "Vài hôm nữa quê khỏi, lại về xe thôi mà’’. Nhưng kinh nghiệm chiến trường lại làm tôi lo vì sự tỉnh táo của Duyệt. Tôi bón cho Duyệt thìa sữa. Rồi bàn giao cho quân y và nhanh chóng trở về xe thu dọn chuẩn bị đánh tiếp. Lúc dỡ cái balô của Duyệt ra để bàn giao cho quân y, chúng tôi đều ngỡ ngàng, chỉ có một bộ quần áo cũ, một chiếc võng dù, còn lại toàn bộ là sách học tiếng Anh, từ điển Việt- Anh, Anh-Việt. Chúng tôi vô cùng ân hận vội quay lại quân y để xin lỗi Duyệt. Trên cáng thương,Duyệt nằm thiêm thiếp như đang ngủ. Không thể làm gì hơn, chúng tôi đành quay về xe, đợi lệnh trên. Sau này được biết Duyệt đã hy sinh chỉ hai giờ sau khi chia tay chúng tôi…


Tất cả chúng tôi lặng đi , cuối cùng anh Tuân, phụ trách cựu chiến binh nói: "Chúng ta cùng đến thăm Duyệt đi’’. Ba chúng tôi đến 39 Đại la. Mẹ Duyệt đón các con. Bà cụ tóc bạc phơ phơ, mảnh mai …Tôi bỗng thấy Duyệt giống mẹ lạ lùng . Nhìn lên bàn thờ , tôi giật mình thảng thốt…Chính giữa là bức ảnh Nguyễn Kim Duyệt đang ngồi trên tháp pháo đo đạc vẽ chiến trường dưới lá cờ giải phóng. Bức ảnh do chính tay tôi chụp năm 1973 tại chiến trường Cửa Việt . Chắc chắn không phải chỉ có mẹ anh mà tất cả chúng tôi những người của một thời hoa lửa mãi mãi không bao giờ quên anh.Ngày nay, anh đã được an nghỉ tại nghĩa trang anh hùng liệt sỹ Long Thành, Đồng Nai trong tình yêu thương của đồng đội và nhân dân cả nước, và trong cả những tác phẩm hội họa của tôi.

L.T.D

Một số bức tranh họa sĩ LÊ TRÍ DŨNG vẽ đồng đội Nguyễn Kim Duyệt:

Chân dung Nguyễn Kim Duyệt (Kí họa chì than, tháng 4/1973 tại Cửa Việt). Bức tranh đã bị cháy nham nhở sau một trận bom.
Dưới gầm xe tăng (ký họa năm 1973,chì than - thôn Phó Hội - Triệu Phong - Quảng Trị)
Duyệt đang gảy đàn bên các cháu thiếu nhi
Đồng đội (tranh sơn dầu, sáng tác tháng 3/2012)

VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)