Từ nguyên mẫu đến nhân vật

KUMAR NGOÀI ĐỜI VÀO TIỂU THUYẾT "QUYÊN"

Thứ Sáu, 26/10/2012 00:00

. Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ

Từ khi viết văn, tôi sử dụng khá nhiều tư liệu lấy qua đời sống trải nghiệm. Nhiều người tôi gặp, có người tốt và chưa tốt, nhưng khi gây ấn tượng lại hợp với cảnh truyện là bước vào văn chương. Song khó có nguyên mẫu nào trùng gần khít với nhân vật tiểu thuyết như Kumar. Có lẽ chỉ mối tình của anh về đối tượng là Quyên thì khi ở tiểu thuyết được biến thể đi cho phù hợp với tinh thần tư tưởng tôi muốn trao gửi ở tác phẩm, chứ Kumar dường như không khác mấy khi bước vào trang sách.

Kumar là tên một người đang sống ở thành phố Potsdam, thuộc tiểu bang Brandenburg - Đức. Anh sinh ra trong một dòng tộc lớn, giàu có ở Sri Lanka. Cuộc nội chiến tại nước anh đã buộc nhiều gia đình phải li tán và anh bôn ba tới Angeri làm công nhân xây dựng. Từ Angeri sau khi hết việc, anh sang Pháp và tới Đức rồi ở lại Đức tị nạn chiến tranh. Anh sống cùng trại với một cô gái Hà Nội tên thật là Oanh, thường gọi là Kim. Kim là cô gái Hà Nội, nhà ở phố Lý Quốc Sư. Cô cùng chồng sang Nga làm ăn buôn bán và khi bức tường Berlin đổ Kim chạy sang Đức. Gia đình Kim tan vỡ ở Đức, trước những mâu thuẫn lớn và cả những xung đột “chân tay”, Kim nhận được sự che chở từ Kumar. Ban đầu chỉ là mối cảm thông của hai con người cùng trôi dạt, mà Kim lại là người phụ nữ nhỏ bé yếu ớt, song hiền lành dưới con mắt của chàng trai Sri Lanka. Kumar vốn tình cảm và thương người, Kim thì hay ốm đau, bệnh tật. Tình cảm lớn dần lên thành tình yêu. Cách đây hơn 15 năm, một ngày Kim tới làm quen bên quán bán hàng của tôi ở đường phố và ít bữa sau, em dẫn tới chỗ tôi một thanh niên da đen cháy như than. Kumar khi ấy còn trẻ, tóc dài tới ngang vai. Chăm thể thao, Kumar có thân hình đẹp, lực lưỡng, ngực trần nở như hai bát úp. Con người ấy miệng luôn có nụ cười thường trực khoe đôi môi đỏ như son và, anh rất hài hước. Tên đầy đủ là Kumar Sinnatuerrai. Sinnatuerrai là một dòng tộc lớn giàu có ở Sri Lanka. Kumar là con trai trưởng của dòng tộc này. Hầu như tất cả những gì tôi tả trong tiểu thuyết về hình thức lẫn tính nết đều trùng khít với Kumar ngoài đời. Kumar rất hiền và chịu khó lao động. Anh còn một người mẹ già sống ở quê hương và rất thương mẹ, thường xuyên chắt chiu gửi tiền về cho bà. Ngay cả sau này khi mẹ anh sang Anh đoàn tụ với chị gái, Kumar vẫn thường gửi quà, tiền cho mẹ chi dùng. Xem ra, người Sri Lanka với người Việt có nhiều nét khác nhau về phong tục và tập quán, cả những nét không tương đồng trong nhận thức Phật pháp, song lại có một nét rất tương đồng trong văn hóa gia đình, dòng tộc. Phải chăng đó là mấu chốt tạo nên sự gắn bó được xâu chuỗi ở câu chuyện nhân vật Kumar và những người tị nạn Việt?

Người mặc áo trắng trong ảnh là Kumar. Ảnh chụp trước cửa tiệm ăn của vợ chồng anh. (Ảnh do nhà văn cung cấp)


Đồng hương của Kumar trong trại có vài người. Họ cùng tha hương như người Việt, song gắn bó và đoàn kết. Kumar là người chăm chỉ nhất. Luật tị nạn quy định, sau vài năm ở trại, sống có kỉ luật, thì được cấp giấy phép lao động. Kumar đã được ra khỏi trại và tham gia vào đội quân làm thuê với nhiều việc khác nhau ở Teltow, Kleimachno hay Berlin. Sau cùng anh làm cho một cửa hàng ăn Ý nổi tiếng ở thị trấn Kleimachno và tỏ ra rất có khiếu chế biến món ăn, trở thành thợ nhào chế bánh pizza rất giỏi.

Quan hệ giữa Kim và Kumar gắn bó như vợ chồng nhưng do luật tị nạn có vài điểm khúc mắc, khiến họ chưa đăng kí được, song tôi ít thấy ai chăm sóc vợ hay bạn gái hết lòng như Kumar. Kim là một phụ nữ hay ốm yếu. Nói về thể trạng sức khỏe hai người thật vênh nhau, Kumar khỏe, trẻ như một lực sĩ, Kim lại gầy gò, yếu ớt như cây mai. Khi đã rất thân nhau, một lần tâm sự tôi hỏi Kumar: Em khỏe mạnh còn Kim ốm đau nhiều như thế, liệu có hạnh phúc không? Kumar nhìn vào mắt tôi và anh hiểu câu hỏi, trầm ngâm nói: Em yêu Kim song nhiều khi coi Kim như em gái. Nhiều lúc cô ấy ốm đau bệnh tật em bế cô ấy ôm vào lòng như bế một cô em ruột đang ốm. Chơi với anh lâu ngày, tôi nhận thấy Kumar hiển hiện rõ là một con người sống rất tự nhiên, hòa mình với thực tại. Anh chưa khi nào than thân trách phận và sẵn sàng giúp đỡ bè bạn xung quanh, kể cả với gia đình tôi. Lúc anh và Kim gặp khó khăn cũng không than với tôi một lời. Quan sát và nhiều lần nói chuyện tâm tình, dường như ở Kumar, tinh thần bác ái hỉ xả của đạo Phật đã trở thành cái ngã tự nhiên của cá nhân anh. Một ngày Kumar đến tặng tôi bức tượng Phật nhỏ của quê hương Sri Lanka. Bức tượng nhỏ hơn 10 phân, khuôn mặt hiền hòa và chỉ khác vài motip ở đế tượng. Tôi chợt nhận ra rằng, con người ta dân tộc nào cũng vậy, đều có thói quen nếp sống văn hóa riêng, song sống được tử tế như Kumar, vượt qua cả cái bản sắc riêng của văn hóa tộc chủng là cái nền gần gũi với tôn giáo, đó là tình yêu con người, lòng nhân ái, sự vị tha và bao dung. Đêm hôm đó tôi đã tìm thấy chìa khóa để giải quyết những vấn đề cơ bản nhất của tiểu thuyết Quyên và quyết định bê toàn bộ Kumar vào trang sách sau khi xin phép anh bệ cả tên anh và tên dòng họ Sinnatuerrai để tựa vào cảm xúc sống đang cuồn cuộn trong tôi.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ bên poster tiểu thuyết Quyên ở Lễ trao giải tiểu thuyết HNV Việt Nam ngày 21.12 .2010 - (Ảnh: Laodong)


Sau khi tiểu thuyết Quyên ra đời, tôi tặng vợ chồng anh một cuốn sách. Kumar nói tiếng Việt rất thạo, song anh không thể đọc được tiểu thuyết dày những gần 500 trang. Kim kể với tôi rằng, cô đã nhiều đêm đọc và giải thích cho Kumar nghe. Thế rồi họ cũng đọc hết 500 trang sách. Và, Kumar cũng hiểu được tôi đã dành cho anh những tình cảm quý mến và trân trọng như thế nào. Đôi khi chúng tôi gặp nhau, không nói chuyện về cuốn tiểu thuyết, chúng tôi nói về những kỷ niệm của những ngày Kumar cùng Kim và tôi xây dựng nên quán Imbiss đầu tiên cho vợ chồng anh để trở thành người làm chủ chứ không phải ở tư cách làm thuê nữa. Chúng tôi nói về khu vườn mà tôi đã sống cùng với một con chó, anh vẫn nhớ tên nó là Hansi... Một con người biết nhớ một con vật hiếu nghĩa ắt hẳn là người bạn chân chính.


Bây giờ Kumar và Kim đã có một restaurant đàng hoàng ở Potsdam sau bao nhiêu năm lam lũ, vất vả và có những lúc tưởng rằng Kim không qua được vận hạn. Kumar làm bếp trưởng, anh nấu ăn rất khéo. Kim đứng tên làm chủ quán phụ trách quản lý. Họ có một người giúp việc Việt Nam rất khéo tay lên là Huyền. Cả ba biến cửa hàng này thành một địa chỉ quen thuộc cho nhiều khách hàng người Đức, người Việt không phải chỉ bằng những món ăn Việt Nam tinh tế, không phải chỉ bằng những món sushi được trình bày hết sức đẹp mà còn ở đó, người ta nhận được những nụ cười không bao giờ tắt trên đôi môi đỏ chót của Kumar, của Huyền và của bà chủ Kim. Tiểu thuyết Quyên của tôi có hậu, không chỉ là khát vọng của nhà văn mà cuộc sống thực tế cũng luôn dạy tôi rằng nếu sống tử tế và nhân ái trước sau anh sẽ nhận được hạnh phúc. Kumar của tôi, nhân vật chính của tiểu thuyết cũng như Kim, một người đàn bà lưu lạc và cũng từng bất hạnh giờ đây đã có một cuộc sống hạnh phúc. Vậy là cuộc sống cũng vẫn có hậu chứ.


Tôi bây giờ không còn ở Teltow nữa, nhưng thi thoảng rẽ qua Potsdam tôi vẫn đến thăm Kumar, Kim và Huyền. Bao giờ cũng thế, cứ thấy tôi xuất hiện là Kumar hớn hở chạy ra, nói rõ ràng bằng tiếng Việt “Anh Thọ, anh Thọ ơi, anh đến chơi đấy à?” . Và sau đó thể nào anh cũng bắt ăn một món gì đó tự tay anh chế biến. Và cũng như tất cả những câu chuyện có hậu, dù có xa nhau bao nhiêu lâu và bao nhiêu dặm đường Kumar luôn ở trong tôi và tôi cũng tin rằng tôi luôn ở trong trái tim của vợ chồng anh cũng như những nhân vật khác - biết bao nhiêu người lưu lạc ở Đức mà tôi đã lấy một phần của họ xây dựng thành những nhân vật trong tiểu thuyết Quyên. Một nhà văn biết đau nỗi đau của chính mình và đồng loại, viết hết sức thật tấm lòng của mình, yêu và ghét, thì thể nào tác phẩm của họ cũng được nhân dân đón đọc. Đó chính là phần thưởng lớn nhất không có gì cao quý hơn dành cho người cầm bút và tôi tự hào về điều ấy.

Kumar
(Trích chương X - tiểu thuyết Quyên)


Kumar đứng lặng im, bàng hoàng trước cái giường nệm trống. Chẳng còn Quyên nằm tại đó. Thanh Vân còn ở bệnh viện không? Anh nghĩ.


Kumar nhao tới phòng trẻ sơ sinh. Cái giường trẻ sơ sinh trắng muốt, nhỏ bé chỉ còn lại chiếc gối nhỏ. Không còn Thanh Vân nữa! Kumar cúi xuống. Anh như kẻ mất hồn, bần thần sờ tay xuống tấm drap, nơi bé Thanh Vân nằm. ừ, buổi chiều hôm qua, nó còn nằm đây, bàn tay nhỏ xíu hồng hào, cổ tay bụ bẫm, những búp tay cụng cựa, ngo ngoe. Mùi thơm quen thuộc quá! Mùi sữa hoi hoi, vơ vẩn còn sót lại đâu đó, thoang thoảng làm Kumar thốt nhiên buồn nao.


Không bác sĩ và hộ lí nào biết bà mẹ trẻ người Việt kia đã bế đứa con bỏ trốn đi đâu? Kumar cũng không thể lí giải được, vì sao cô ấy lại bỏ đi? Anh quá bất ngờ và không lường trước tình huống này. Cô ấy đi đâu? Cô ấy là người lớn, dù ngoài trời giá rét băng tuyết, bỏ đi cũng không sao, còn đứa trẻ? Nó bé xíu như con thỏ non thế kia. Mùa đông về rồi! Ngoài trời có hôm lạnh dưới âm năm, mười độ. Có đêm âm mười hai độ. Một đứa trẻ nhỏ, thơ bấy, yếu ớt hơn cả mầm cây mới nhú, sao có thể chịu được gió lạnh qua bốn năm giờ, trong đêm đông tuyết giá thế này? Anh buồn bã rời bệnh viện. Chiếc xe mô-tô thùng, có dòng chữ da cam "Pizza tươi", mấy lần nổ máy, rồi lại tắt máy. Anh chần chừ, nửa muốn đi, nửa lại chẳng biết đi đâu. Anh đứng yên tới nửa giờ trước cổng viện. Hai bàn tay đặt lên cần lái, cứ để mặc gió lạnh lùa vào cổ áo, mắt đăm đăm nhìn vào bóng đêm thăm thẳm.


Thuở nhỏ, Kumar được giáo dục rằng, đã là người đàn ông Sri Lanka, không bao giờ được bỏ cuộc. Phải như con hổ đuổi theo con nai trong rừng, như con rắn hổ mang săn con cầy trên cây, như con sấu kiên nhẫn dìm mình trong nước đầy đất đục, hở đôi mắt thao láo nín chờ con hoãng qua sông và, bất chợt chớp đúng thời cơ nhao lên dìm chết con mồi trong khúc sông sâu ngầu bọt. Cũng thời thơ ấu, Kumar từng theo cha suốt mười ba ngày nằm phục, leo qua ba quả núi, chín con suối, theo dấu con hổ dài hơn hai mét, bắn hạ nó, rửa hờn cho đàn cừu của gia đình bị hổ xé thây bảy con trên sườn núi Tisikora.


Phải đi tìm cô ấy. Bằng được!


Kumar chạy lòng vòng qua mấy phố, rồi đến trại tị nạn. Không thấy Quyên! Anh lại lái xe khỏi trại, chạy một vòng nữa khắp thành phố trong đêm lạnh cố tìm Quyên.
Đêm ấy, tới quá nửa đêm, tuyết lại lững thững, chầm chậm rơi. Những đám tuyết tung toé bay, tựa như lão trời già đang ở tít trên cao tung chăn giũ nệm, để bông xốp đầy trời. Tuyết nhẹ như tơ, bông lớn, bông nhỏ đụng vào cửa kính xe tan ngay thành những vệt nước nhoè nhoẹt.


Quyên và đứa trẻ bé bỏng, yếu ớt lắm! Giờ này em ở đâu, hay em đã tan ra, biến mất, như bông tuyết trên mặt kính kia?


Cả tuần liền sau đó, sớm nào Kumar cũng đi tìm mẹ con Quyên. Anh hỏi thăm tất cả các cảnh sát gặp được. Anh hỏi thăm tất cả những khách hàng quen thuộc ở thành phố. Không có một ai trông thấy một người đàn bà Việt Nam nhỏ bé, trên tay có một đứa trẻ sơ sinh đi trong đêm ấy! Mấy lần, anh mừng rỡ đuổi theo sau lưng một phụ nữ nhỏ bé tóc đen nhanh nhánh. Anh vượt lên, rồi thất vọng ngỡ ngàng khi nhận ra người đó không phải Quyên. Trở về, anh bải hoải, thẫn thờ, buồn hơn và lập tức có cảm giác như đánh mất cái gì. Sau hôm ấy, Kumar lại ngồi bên bức tượng Phật và thầm cầu nguyện. Ngay cả trong mơ, anh cũng thấy đứa trẻ và khuôn mặt Quyên hiện lên. Anh đâu có tình yêu với Quyên. Chỉ giản đơn là thương mẹ con cô ấy. Nhưng anh yêu đứa bé, thuộc cả tiếng khóc của nó hơn hai tháng nay. Tình cảm ấy, ai từng trải, tinh đời sẽ nhận thấy khi quan sát đôi mắt của anh, quan sát những lúc anh bế nó trên tay, nhè nhẹ hát lên bằng tiếng mẹ đẻ một điệu hát mà lời ca vu vơ, như từ đâu sâu thẳm trong tiềm thức ùa ra:


Anh đừng nghĩ là anh đã chiếm được nơi này


Hãy lên ngựa phi nước đại nghe gió thổi bên tai


Có thấy không, bình nguyên, những dải rừng trải rộng tận chân trời...


Những đám mây vẫn tự do bay trên đầu và mặt trời lẫn trăng sao còn đó...


Thấy không, mùi cỏ thơm theo gió từ những cánh đồng thổi lại...


Con hổ ở trong rừng. Con nai ở bên suối và những con ong nhởn nhơ trên khắp mặt đất. Không phải của anh...


Suốt hai ba tháng liền sống trong tình trạng như thế, Kumar vẫn không thể nào dứt bỏ được hình ảnh về Quyên và nhất là đứa trẻ mà anh gắn bó, yêu thương, như nó là con của anh vậy.


Hãy thông cảm cho Kumar. ở thành phố hẻo lánh này, không có một ai là đồng bào của anh. Không có bạn thân để chia sẻ. Người thầy dạy tiếng Việt già cùng trại tị nạn, người bạn có thể tâm tình, sau bốn năm làm thuê cho một quầy bán quần áo ngoài trời, do không chịu được giá lạnh và không có kinh nghiệm chống lạnh, đã suy thận cấp tính và mất cách đây không lâu. Những khi buồn, anh chỉ biết tha thẩn trên các đường mòn quanh nơi anh sống và, đôi khi anh trở nên lẩn thẩn, hành động như hồi còn bé xíu, ra trước hiên nhà nói chuyện với một cái cây.


Có một lần, trong đêm, anh mơ thấy Quyên và con cô. Trong giấc mơ anh thấy Quyên ôm con chạy trên một cánh đồng đầy rắn độc. Trước mặt anh, khi đó, khốn nạn thay, lại có một cái vực rất sâu ngăn cản, làm anh không thể nào qua được để tới bên mẹ con Quyên. Anh thét lên. “Quyên, quay lại đây!” Anh nhìn rõ những con rắn trườn tới, vươn cổ lên như muốn mổ vào đôi chân hồng hồng, bụ bẫm của đứa trẻ. Anh thấy bầy rắn nhung nhúc thi nhau quấn chầm chậm vào chân Quyên, rồi quấn chặt cả thân hình kiều diễm của cô. Kumar thét lên: “Quyên!” Tiếng thét làm anh sực tỉnh.


Kumar ngồi dậy. Quanh anh, bóng tối dầy đặc và không gian cực kì im ắng. Mồ hôi anh chảy ra đầm đìa ướt đẫm tóc và trên ngực đầy những giọt mồ hôi tròn vón lại. Anh lấy giấy lau mồ hôi. Không ngủ được, Kumar bước tới cửa sổ.


Đường phố, hai bên là những dãy nhà cao tầng đứng sin sít, phố như một cái ống, để hút những cơn gió hu hú thổi. Tiếng gió dập vào cửa kính, lọt qua cửa sổ hé mở nghe rõ mồn một. Gió cuốn theo cơ man nào tuyết trắng. Những cơn gió tuyết miên man, biến cả dãy phố thành dòng sông trắng toát, mù mịt, cuồn cuộn trôi, miên man chảy, làm anh rùng mình. Trong cơn gió trắng tinh ào ào bay dọc phố ấy, hình ảnh Quyên và con cô cứ chập chờn, chập chờn ẩn hiện.


Kumar quay lại giường nhắm mắt lại. Đã hai giờ đêm mà anh không sao ngủ được tiếp. Anh trằn trọc tới sáng..


Sau đêm mơ ấy, Kumar luôn trong tâm trạng bất an. Buổi trưa đi đưa bánh Pizza giữa trời băng tuyết, lạnh đến âm bảy tám độ, mà anh cứ thấy lòng dạ bồn chồn, chẳng yên như có lửa đốt. Buổi chiều, mấy lần, anh nhầm lẫn khi trả lại tiền thừa cho khách hàng. Anh có linh cảm, Quyên và đứa trẻ đang ở đâu đó rất gần. Lại tưởng tượng, cảm thấy, hình như Quyên và con cô sắp gặp sự gì chẳng lành ở nơi nào đó.


Tối tối đi làm về, dẫu khuya thế nào anh vẫn dành thời gian để ngồi bên tượng Phật. Đêm nay, anh ngồi lâu hơn mọi tối. Nhắm mắt lại, Kumar tập trung tâm trí, giữ lặng một niệm, cầu Phật Bà ra tay cứu độ.


Trong thâm tâm anh, sự mong ước ấy, như ngọn lửa luôn cháy, trong cả ý thức và vô thức. Dường như nó thuộc về bản năng của anh, một con người luôn hy vọng và tin tưởng điều tốt lành sẽ tới cho người khác. Cái niềm khao khát âm ỉ trong anh dành cho mẹ con Quyên, ở những ngày ấy, khi hoàn cảnh bên anh không có một người thân, hình như xuất phát từ một cái góc thăm thẳm, không chỉ dành cho riêng ai, đã gìn giữ cất giấu lâu lắm trong tâm hồn, nay chỉ là điều mơ ước cụ thể hơn mà thôi. Kumar tâm niệm rằng, những mục tiêu người ta đạt được trong đời sống, vốn chỉ là tương đối. Tất cả những gì mà nỗ lực cá nhân nhằm đạt tới đều là điều bình thường. Nó chỉ giúp người ta tồn tại. ở nó, người ta không thể tìm thấy hạnh phúc bền vững, dài lâu, bởi thế giới luôn bất an, do chiến tranh bất kì, do biết bao thiên tai, dịch bệnh! Theo anh, hạnh phúc thực sự của mỗi kẻ tha hương như anh, chỉ có thể là trạng thái lâu dài, bền vững, khi biết nhận ra, tìm thấy ở trong chính niềm vui, sự may mắn của người khác, của đồng loại. Đó là nguồn vui vô bờ Kumar đã cảm thấy, đã tìm thấy ngày Quyên hồi sinh, tỉnh dậy. Thế mà, không hiểu sao cô ấy bỗng dưng mất tích? Cô ấy đem theo cả đứa trẻ có bàn tay xinh xẻo, bụ bẫm, có đôi mắt đen trong veo và nụ cười làm anh tan hết mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc căng thẳng triền miên.


Buổi tối hôm sau, Kumar đi đưa bánh muộn hơn mọi khi. Chuẩn bị ra về, lại có khách hàng gọi điện tới đặt năm ổ bánh nóng và đồ uống. Giao bánh xong, Kumar gọi điện thoại, báo cho chủ tiệm bánh rằng, anh về nhà luôn, không quay lại tiệm nữa. Chẳng là cuối tháng trước, anh đã thuê được một căn hộ hai phòng, trên tầng hai chung cư Nam thành phố, cách trại cũ chỉ có vài cây số. Đêm đêm, dù về muộn, anh vẫn tranh thủ thu dọn, sơn, dán lại giấy tường nhà, tường bếp và sắp xếp cho căn hộ trở nên gọn gàng, sạch sẽ, ấm áp hơn, không tuềnh toàng như phòng anh khi ở trại. Đêm nay, anh muốn vẽ nốt bức tranh tường trong phòng khách. Kumar vẽ không tồi. Những mảng xanh biểu tả rừng. Dăm con nai đang gặm cỏ và một con hổ. Anh bắt chước các hình ảnh, những con vật từ những bức tranh hay phù điêu ở các đền miếu quê anh. Những hình ảnh ăn sâu vào tâm trí từ khi còn là trẻ thơ, nay được Kumar nhớ lại, vẽ ra trên bức tường lớn nhất của phòng khách. Anh muốn, ai vào căn hộ anh, cũng nhận ra, đó là cánh rừng quê hương anh. Gian phòng này của một người Sri Lanka. Những màu sắc nguyên, tương phản, xanh, đen, đỏ và vàng phân định trên bức tranh nói hộ anh điều ấy.


Trước đây một tháng, ông chủ hiệu bánh đã sắm cho anh chiếc xe VW Gold đã cũ. Có ô-tô, Kumar không phải chịu đựng cái giá buốt hắt thẳng vào mặt trong nhiều đêm đưa bánh. Nó ngấm vào thân thể làm anh đau đớn mỗi khi trở trời.


Đêm nay, nhiệt độ ngoài trời xuống âm mười lăm độ. Mọi vật co quắt lại. Lạnh tới độ, khi cần gạt nước không bật vài tích tắc, đã lập tức xuất hiện trên mặt kính sau, trước ô-tô một lớp băng mỏng. Dầu là ngồi trong xe, anh luôn bật hết cỡ chiếc quạt hơi sưởi thổi khí nóng dẫn lên từ động cơ.


Đường phố về khuya hệt một thành phố chết. Các cửa hàng cà-phê, tiệm ăn, quán Bier đã đóng cửa từ lâu. Không có một âm thanh, quang cảnh thành phố im lìm như tranh vẽ! Đèn chiếu sáng công cộng hắt xuống mặt đường những quầng sáng tròn lành lạnh. ánh sáng của các loại biển hiệu quảng cáo, màu vàng hay da cam hắt ra trên hè phố, trước các cửa hàng, nom cũng nhợt lạnh, ung ủng làm sao.


Kumar chạy ô-tô qua tiệm ăn nhanh Asian. Anh thoáng ngạc nhiên: “Muộn thế này, quá giờ đóng cửa lâu rồi, sao tiệm vẫn sáng đèn?” Kumar bỗng nhìn thấy bóng ai đó từ tiệm ăn vội bước ra, đi như chạy dọc phố.


Dưới những hàng cây lê đã trút hết lá, toàn cành khẳng khiu, trơ khấc, chua chúa vươn hằn trên vòm trời đêm đầy ánh sao, anh nhìn thoáng thấy bóng một người thui thủi đi trong đêm đông dưới hàng cây, nom nhỏ bé, hiu quạnh.


Xe giảm ga. Tới gần hơn, anh nhận ra dáng một người phụ nữ nhỏ nhắn. Anh giật mình, nhíu mày: “Hay là cô ấy?” Cái bóng chợt vấp chân, ngã sấp xuống mặt đất. Anh nhấn ga lướt tới. Kumar mở to mắt trong đêm tối. Người anh tìm kiếm mấy tháng nay, như một giấc mơ hiện ra kia chăng? Anh vội dừng xe, mở cửa, nhảy ngay xuống vỉa hè. “Quyên! Quyên chăng?” Anh bừng lên hy vọng.


Kumar quả là có con mắt tinh như cú trong rừng đêm.


Người đàn bà nhỏ bé ấy chính là Quyên.

Minh họa: Thành Chương

Cô soài ngã, nằm trên mặt đất lạnh ngắt, thở hổn hển. Đôi tay Quyên vẫn ôm ghì lấy đứa con và đứa trẻ chắc cũng bị đau, chợt khóc ré lên.


- Quyên! Có phải Quyên? - Kumar run run, tiến nhanh lại, khe khẽ gọi.


Thực ra, bấy nay Quyên đã quên sự ám ảnh, làm cô hoảng sợ mà chạy trốn khỏi bệnh viện, của tay da đen. Nghe tiếng người gọi, cô quay sang, ngước mắt lên và nhận ngay ra gã da đen hôm nào. Quyên giật thót người. Sao đêm nay cô lại không may tới vậy! Quyên thoáng nghĩ. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa! Vừa thoát khỏi quán ăn nhanh, nơi xảy ra án mạng, Quyên lại gặp ngay kẻ đã làm cô sợ hãi mấy tháng trước. Vẫn bộ mặt đen như than lẫn vào bóng đêm và hàm răng trắng ởn, đôi mắt nhấp nháy đen và trắng như ma hiện hình. Nhưng Quyên chẳng còn hơi sức nào mà chạy tiếp nữa. Mọi việc xảy ra ở nhà Phi và quãng đường hơn trăm mét bế con đi như chạy làm cô không còn hơi sức đâu nữa mà bỏ chạy.


Quyên ngồi dậy. Cô nựng đứa con trong tay. Cô tự nhủ, hãy bình tĩnh lại và cố giữ vẻ mặt bình thản, làm như không để ý tới sự có mặt của gã da đen. Đứa trẻ vẫn khóc vóng lên. Tiếng khóc vỡ ra, tan vào giữa phố đêm thanh vắng, nghe như cấu vào lòng hai người lớn. Kumar bước lại sát bên Quyên. Anh muốn bế lấy đứa trẻ, đỡ cho Quyên. Nhưng Quyên không muốn, cô không buông tay rời con. Không thể trao con cho gã! Quyên nghĩ. Cô hơi nhíu mày và siết thêm đôi tay, như sợ gã da đen cướp cạn đứa con trên tay cô. Cái siết hơi quá tay ấy làm đứa trẻ phản ứng, giãy giụa và khóc to hơn.


- Yên nào, yên nào! Lá là la... lá la...! - Kumar chợt đưa bàn tay vỗ nhẹ vào tấm chăn bọc đứa bé. Anh cúi xuống, nhè nhẹ hát lên bài ru ca quen thuộc ngày nào. Bàn tay anh nhờ nhờ đen, nhưng lòng bàn tay trắng, những ngón tay ấm sờ nhẹ vào má đứa trẻ còn nguyên dăm giọt nước mắt.


Kì lạ thay! Cái giọng dịu dàng, âm âm, âm ấm của gã da đen vừa cất lên, lại làm cho đứa trẻ nín ngay. Nó giương to đôi mắt nhìn Kumar. Hình như nó còn nhận ra cả hơi thở của người quen. Đứa trẻ trên đôi má bầu bĩnh còn long lanh giọt lệ, vừa khóc đây thôi, chợt hé nụ cười.


Sự lạ kì này, có thể tương tự, tựa như trường hợp con người ta trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mê, bỗng tỉnh giấc khi nhận ra, dầu mơ hồ, từ thăm thẳm kí ức ùa về, giọng của một người ruột thịt thân yêu, hay của một người bạn tin cậy.


Đứa trẻ ngưng khóc! Liệu phải chăng, nó đã nhận ra cái hơi quen thuộc xưa của người đã biết bao ngày nâng niu nó, bế ẵm, ve vuốt, hôn hít cái má bầu bầu thơm nức của nó? Có phải chăng, nó cũng nhận ra giọng người quen, trong ba bốn tháng, từ khi nó lọt lòng, đã ở bên nó, vui chơi với nó, hát cho nó nghe những bài ca như gió thảo nguyên thoảng thổi êm êm, mươn man nhè nhẹ. Những âm thanh đầu tiên gõ vào tâm hồn trẻ thơ, làm cho nó cười và đăm đăm nhìn Kumar hát. Điều ấy là sự thật, đã xảy ra nhiều đêm, nhiều ngày, cả những khi nó thức hay khi đã chìm vào giấc ngủ tự nhiên, trong lời ru ca của Kumar...


Quyên hết sức ngạc nhiên khi đứa con cô không khóc nữa. Cô nhìn thấy con cô giương to đôi mắt đen lay láy nhìn Kumar trong đêm tối. Cô ngước lên, thoáng nhìn Kumar và bỗng nhiên bớt đi nỗi sợ hãi vài giây trước đó, lúc Kumar xuất hiện.


Người ta, trong trường hợp của Quyên, nhu cầu tồn tại ở bản năng mạnh mẽ và chính điều ấy thường chỉ ra ngay một lối thoát; khi người ta ở thế cùng, để chọn đúng con đường ít hiểm nguy hơn cả. Cô vừa chạy trốn khỏi nơi xảy ra án mạng. Giờ gặp Kumar bất ngờ như vậy, thực ra cô vẫn sợ. Nhưng có lẽ, nỗi sợ hãi do vụ án mạng nơi Phi gây ra lớn hơn. Rồi việc đứa trẻ nín bặt khi nghe thấy giọng nói của Kumar, phần nào đã trấn an cô. Linh cảm mách bảo cô điều gì đó về sự an lành của con. Có thể vì thế, lúc Kumar nâng cô dậy, Quyên không một phản ứng, ngoan ngoãn đứng lên.


- Em đi đâu đêm hôm thế này? - Kumar đỡ đứa trẻ và hỏi.


Quyên không trả lời. Cô quay lại nhìn về tiệm ăn. Trong cô, dăm tích tắc thôi, loé lên ý định: “Phải nhanh chóng rời khỏi nơi đây!” Thế là cô chủ động kéo tay Kumar:
- Nhanh lên! Hãy cho tôi rời khỏi nơi này, càng nhanh càng tốt!


Kumar hành động như một cái máy. Anh vội vàng mở cửa xe. Vội vàng kéo tay Quyên đưa lên xe và, vội vàng nổ máy, đấm số. Chiếc ô-tô nhỏ của anh êm êm trườn trên đường, phóng vút đi, để lại dọc phố một làn khói mỏng lơ lửng trên mặt đường đen nhanh nhánh. Đèn pha ô-tô chiếu loang loáng, hắt ánh lên muôn vàn tia sáng rọi ngược lại, như ai trong đêm tối đã rắc đầy vụn thuỷ tinh trên mặt đường khi hơi sương tuyết vẫn đang loang chảy ướt đầm phố đêm.

*
* *

Không đầy nửa giờ sau Quyên đã ngồi trong căn hộ của Kumar. Trước đó, trên đường về căn hộ, cả Kumar và Quyên đều trông thấy hai chiếc xe cảnh sát và một xe cứu thương không rú còi. Chúng bật đèn xanh, vàng, đỏ nhoe nhóe, nhấp nháy, chạy như cơn lốc cuốn, ào về hướng tiệm ăn của Phi. Lúc lướt qua dãy xe cảnh sát và cứu thương chạy ngược, Quyên giơ tay ôm chặt lấy ngực. Cô tưởng trái tim cô muốn vỡ tung ra.


Chỉ tới tận khi vào trong căn hộ của Kumar, khi đứa con đã được Kumar vỗ về và đặt trên tấm nệm trắng tinh, thơm phức của anh, Quyên mới bình tĩnh chút ít và chợt nhớ tới việc vừa xảy ra và lo lắng cho Phi.


Không biết cô bỏ chạy như vậy có đúng không? Bỏ một mình Phi ở lại; người đã đùm bọc mẹ con cô bao nhiêu ngày nay, cứu cô khỏi giây phút ê chề nhục nhã; người đã cắt dây trói và nâng cô đứng dậy, giục cô chạy trốn, liệu cô có bất nhẫn quá không? Ngồi một mình trong phòng, khi Kumar nấu vội mì cho bữa ăn muộn, Quyên cứ thấy trong đầu cô hiện lên khuôn mặt dài dại, tái xám của Phi và cả vũng máu sậm đỏ, lênh loang tràn ra trên mặt sàn. Quyên bỗng ôm mặt.


- Ăn đi cho nóng em! Thôi đừng lo lắng buồn gì nữa. Có chuyện gì đã xảy ra vậy? Hãy nói cho tôi nghe! - Kumar đặt hai bát mì lên bàn và đưa cho cô thìa, dĩa nói tiếp:
- Em hãy bình tĩnh lại. Ăn đi đã, rồi kể cho anh nghe chuyện gì đã xảy ra!


Cũng phải vài giây sau đó Quyên mới bình tĩnh lại, đôi vai cô không còn run lên từng chặp nữa.


Cô quay sang nhìn Kumar.


Đôi mắt của gã rất hiền. Cái miệng rõ tươi. Dưới ánh đèn, giờ đây nước da Kumar sáng ra, chứ không đen sì như trong đêm tối. Không hiểu sao, ngày xưa mình lại sợ gã vậy? Cô tự hỏi mình.


Quả thực, xét về các nét trên khuôn mặt Kumar, nếu loại bỏ nước da đen, thì anh rõ ràng nom vừa rất đàn ông lại vừa thanh thoát, chẳng khác gì một người Việt. Tóc Kumar đen. Khuôn mặt trái xoan, cái cằm chẻ. Đôi mắt đen, lông mày cũng như tô than, màu mắt, con ngươi giống như mắt người Việt. Mũi anh cao và thẳng, chứ không tèn tẹt như đa số con trai Việt, lại cũng không cao ngồng, nhọn hoăn hoắt, hay khoằm khoằm như mũi bọn tây. Đôi môi hình trái tim và có sắc hồng, chứ không có những tia máu như cô tưởng tượng.


Con người ta như vậy đấy. Cùng là Kumar thôi, khi trước, lúc cô vừa thoát khỏi cái chết, với sự ám ảnh của những bất hạnh khi vượt biên, hoặc sau những sự chuyện bẽ bàng chua cay, khi gặp người chồng bạc bẽo và tàn nhẫn, cảm giác về Kumar thật khác với cảm giác đối diện trước Kumar bây giờ. Giờ đây, sau sự hốt hoảng khi chạy trốn khỏi tiệm ăn, trong nỗi sợ hãi bị trả thù, nếu Y quay lại - như Phi nói - và cả nỗi lo sợ khi cô rơi vào tay cảnh sát, cô bỗng thấy Kumar không còn đáng sợ như xưa nữa.


Minh họa: Thành Chương

Quyên để nguyên bát mì không đụng tới. Cô không thấy đói. Còn bụng dạ nào để ăn trong hoàn cảnh này? Quyên không nên giấu Kumar làm gì! Nghĩ vậy, cô cắn môi, suy nghĩ một lát rồi thong thả, bình tĩnh kể cho Kumar nghe mọi chuyện đã xảy ra với cô.


Kumar im lặng ngồi nhìn Quyên không chớp, lắng tai nghe không sót một từ trong câu chuyện Quyên kể.


Mọi câu hỏi của Kumar bấy nay lần lượt được giải đáp.


Tất nhiên, cô không nói về nỗi sợ hãi và những cảm giác của cô khi lần đầu gặp Kumar, tưởng tượng anh hung dữ ra sao trong mơ. Cô nói, lí do bỏ viện, vì cô sợ gặp người chồng cũ. Cô kể cho anh nghe về Phi, những tháng ở đó ra sao và không hề che giấu việc cô không kiềm chế được, đáp lại tấm lòng của Phi, như sự trả ơn cho Phi như thế nào.


Kumar đã sống ở Đức quá lâu, lại ở trại với người Việt cũng quá lâu, nên anh hoàn toàn hiểu được tình cảnh của Quyên. Người ta, mà phụ nữ Việt Nam vốn duy tình lắm. Sự thiên về duy cảm của họ, trong cách nghĩ và nếp sống, luôn luôn có hai mặt. ở trong những hoàn cảnh cùng quẫn hay đặc biệt, trái tim họ run rảy, mong manh dễ vỡ và rất dễ lại rơi vào những cạm bẫy hay cảnh ngộ trớ trêu, để bước chân lầm lỡ...

- Khi bà ta nhao tới, chắc định đẩy anh ta ra để chạy trốn, đã lao trúng con dao Phi cầm trong tay. Bà ấy ngã vật xuống. Tôi thấy anh Phi sững sờ vài giây rồi quăng con dao đầy máu xuống và ôm lấy đầu. Con tôi lại khóc. Anh ấy đứng dậy, tới bên tôi. Anh cắt dây trói cho tôi. Tôi thực hoảng sợ vô cùng, vì lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng kinh khủng như thế. Nhìn thấy vũng máu lớn, tôi hoa mắt, choáng váng gần như ngã khuỵu. Nhưng tôi khẳng định, như tôi đã nhìn thấy rõ, Phi là người vô tình, chứ không cố sát. Cái bà ấy tự lao vào dao. Bà ấy tự lao vào dao. - Quyên buồn bã nhắc đi nhắc lại, kể với Kumar như nói với một quan tòa. - Tôi không thể nào làm gì hơn là ôm chặt lấy con tôi mà khóc. Phi cứ đi đi lại lại trong phòng và như chợt tỉnh ra, anh ấy lấy một cái drap trắng trong tủ của tôi phủ lên người chết. Rồi anh ấy đẩy tôi đi xuống thang gác, bảo tôi bế lấy con chạy đi. Thực ra tôi chẳng biết chạy đi đâu cả. Nhưng anh ta bảo, thằng Y có thể quay trở lại bất ngờ và giết tất cả. Tôi vô cùng hoảng sợ. Thế là tôi vơ vội mấy thứ cần thiết và bỏ chạy khỏi nơi đó. Tôi biết chạy đi đâu đây. Nhưng tôi sợ. Sợ lắm!


Quyên ngừng nói. Cô ôm lấy ngực, thở gấp, y như sự kiện vừa mới xảy ra vài giây thôi.


Kumar im lặng. Anh nhìn Quyên không chớp. Rõ ràng cô ta đã rơi vào một trường hợp thật khó mà tìm ra sự xử lí sáng suốt hơn.


Quyên lại cất tiếng, buồn bã nói:


- Tôi thật chẳng ra gì, bỏ lại người đã cưu mang tôi bấy nay.


Kể xong câu chuyện, Quyên như kẻ đã trút hết một gánh nặng. Bấy giờ cô mới thấm mệt. Như người bị rút hết cả sinh khí, thân xác cô bỗng mềm oặt và gục đầu, như cái lá héo, rũ xuống. Đôi mắt cô giờ đây không có nổi một giọt nước mắt, khô nhưng vẫn thăm thẳm, buồn đau đớn.


Kumar rời ghế, đứng dậy tới bên Quyên. Người đàn ông khác chủng tộc đặt một bàn tay lên vai cô. Bàn tay anh ấm và nặng. "Có lẽ mình chẳng nên nói gì thì hơn. Cô ta đang hoảng loạn". Anh nghĩ vậy, và rời Quyên, tới ngay tủ bếp, lấy một cốc nước mang lại cho Quyên.


- Bình tĩnh lại chút nào! - Giọng Kumar ấm và ân cần.


Ngoài phố vọng vào tiếng xe chạy gấp, có tiếng phanh rin rít trên đường cua gấp. Hình như có cả tiếng còi hú.


- Em ạ. Mọi việc để ngày mai. Em phải ra trình cảnh sát. Em là nhân chứng thứ hai, rất quan trọng, sau tên bị chém kia. Cảnh sát Đức sẽ tìm ra ngay anh ta. Có làm như thế thì mới cứu được Phi. - Kumar bình tĩnh nói. - Em không có tội! Nếu là anh, khi đó, có lẽ cũng không đủ tỉnh táo và sức mạnh để ở lại và hành động hợp lí hơn. Phi sẽ hiểu...


Họ ngồi yên lặng với nhau hơn nửa giờ. "Khuya rồi. Lạnh đấy. Em đi ngủ đi!" Kumar để Quyên lại trong phòng đặt đứa trẻ. Anh ra phòng khách và ngả mình trên đệm đi-văng. Không hiểu sao khi đó anh lại nhớ tới câu chuyện cổ tích của tuổi thơ kể về nàng Sitamona.


Thuở ấy, trong cuộc nội chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các vùng đất, thủ lĩnh bộ tộc Sinnatuerrai, chồng của nàng Sitamona bị giết. Bộ tộc Sinnatuerrai mất chủ tướng, bị kẻ thù đánh cho tan tác. Sitamona chạy trong đám loạn quân, mang theo đứa con của dòng giống Sinnatuerrai rồi lạc trong một khu rừng. Hai ba ngày trôi đi giữa rừng rậm Anura, nàng đói lả và kiệt sức, không có một giọt sữa cho con bú. Trong cơn tuyệt vọng, nàng nghĩ đến sự bất tử của Đức Phật, nàng quỳ xuống xin Đức Phật. Lời cầu vừa dứt, bên khe suối trước mắt bỗng xuất hiện một con hổ trắng rất lớn. Nó từ từ bước trên đường mòn tiến tới nàng. Sitamona hoảng sợ vô cùng, rút phắt con dao cài ở thắt lưng, dù nàng biết rằng, ngay cả một dũng sĩ với một thanh gươm sắc cũng khó lòng chống lại con hổ to lớn kia. Con hổ dài hơn hai mét, lông dài trắng như tuyết, đường bệ từ từ tiến lại. Cầu xin Đức Phật xong, nàng vẫn thấy con hổ tiến lại, bèn nói: “Này con hổ kia. Ta biết ngươi có sức mạnh vô biên, là chúa tể của rừng Anura. Nhưng ta là mẹ, ta sẽ thề sống chết với sức lực cuối cùng để bảo vệ con ta. Cho dù một dũng sĩ có thể thua ngươi, nhưng ta thề với Đức Phật, ta sẽ không sợ". Nói xong, Sitamona đặt con ra phía sau, trừng mắt, cầm chắc con dao nhỏ trong tay, một hai sống chết nhằm bảo vệ đứa con. Kì lạ thay, con hổ đứng lại, nheo mắt và không tỏ ra hung hãn. Trong chớp mắt sau đó, nó quật đuôi, vọt qua đầu nàng, rồi quắp đứa con tha đi. Sitamona hốt hoảng đuổi theo hổ. Hình như con hổ có ý đứng đợi nàng, nó chẳng hề vội vã, cứ thong thả đi sâu vào cánh rừng đại ngàn Anura. Hổ dẫn nàng tới một con suối nhỏ và vượt qua nó. Bỗng đột ngột hiện ra trước mắt nàng Sitamona một ngôi chùa nhỏ, ẩn mình dưới những tàn lá. Con hổ đặt đứa con của nàng trên tấm thảm rộng màu huyết dụ gầm lên một tiếng rõ lớn. Sitamona ngạc nhiên vô cùng, khi thấy hổ trắng quất đuôi vọt đi như chưa từng xuất hiện.


Nàng Sitamona đi khắp ngôi chùa hoang. Quanh nơi ấy, nàng phát hiện ra rất nhiều hoa trái đủ cho nàng lần hồi sinh sống, có sữa nuôi con khôn lớn. Thi thoảng nàng lại thấy một góc hươu, nai hay một con thú nào đó thịt còn tươi roi rói. Hình như chúa sơn lâm đã bắt các thú vật đem đến cống cho nàng.


Năm tháng trôi đi, đứa trẻ ngày càng lớn khôn và sau này, nó chính là chàng trai kiêu hãnh, tổ tiên của dòng họ Sinnatuerrai nổi tiếng, chinh phục lại toàn bộ các bộ lạc khác trên vùng đất bao la Anura. Sau khi con đã thành chủ soái, Sitamona đi đâu không rõ.


Người kể chuyện nói rằng, nàng trở lại ngôi chùa cũ và tu rồi hoá thân tại đó. Người kể chuyện còn nói, chính Đức Phật đã hoá thân vào con hổ chỉ lối đưa đường cho nàng Sitamona. Nhưng có người lại giải thích khác, cho là, con hổ to lớn ấy chính là một con hổ mẹ, từng mất con, nên hiểu được tấm lòng của nàng Sitamona và cứu nàng. Người kể chuyện này bảo, khi người ta yêu tới cùng chân ngã, sẽ cảm thông được với muôn loài, thậm chí cả vũ trụ. Cuộc sống sẽ hội đủ cơ duyên cho kẻ chân thành, dám liều chết cho tình yêu của mình và tạo được hoàn cảnh cho những mầm thiện hay mầm ác sinh diệt.


Kumar hồi nhỏ không biết tin vào giả định nào trong hai giả thuyết. ở quê anh, người ta thờ cả Phật và hổ, vậy có phải Thần hổ được thờ là con hổ trắng xưa đã cứu nàng Sitamona hay không? Nhưng dù thắc mắc ấy chưa được giải đáp, Kumar luôn tin rằng, có thể Đức Phật là hiện thân tất cả, hiện hữu ở mọi nơi, trong những hình hài khác nhau, tạo nên những cơ duyên để thử thách lòng kiên nhẫn của người và vật, giúp họ nhận ra chính họ mà thoát khỏi các kiếp nạn. Giờ đây Kumar đã bôn ba nhiều, anh luôn cảm thấy điều ấy đúng và anh cố gắng biết bao nhiêu để trồi lên hoàn cảnh, bất cứ khi nào cũng cố gắng làm mọi điều tốt lành, tử tế. Đêm nay anh đã gặp mẹ con Quyên. Cuộc gặp này âu cũng là chuỗi cơ duyên mà Đức Phật bày đặt ra bấy nay chăng?


Cả đêm anh không ngủ. Kumar miên man tính, ngày mai sẽ trình diện cảnh sát và nói gì? Anh cũng nhớ những buổi ban đầu gặp Quyên, cái đêm cô tự vẫn và nhất là khuôn mặt đẹp thiêm thiếp triền miên hai tháng của Quyên trong viện. Lòng anh nhói đau khi nhớ lại những sự việc ấy. Bây giờ mẹ con cô ta lại gặp việc trớ trêu này. Sao người ta lại có những cảnh ngộ oái oăm như thế? Mà sao bao nhiêu điều như vậy lại cứ dồn vào Quyên? Phải giúp cô ấy thôi. Anh nào đã yêu, nhưng thương Quyên quá. Cô ấy hay làm anh nhớ tới người chị vô vàn yêu thương, đã không còn trên cõi đời này nữa của anh. Theo Kumar, thế gian sinh ra đàn ông và đàn bà cho họ gặp nhau, tan và hợp, nhưng đàn bà bao giờ cũng là người khổ nhất. ở đâu cũng khổ! Trong hoàn cảnh nào cũng khổ, nhất là khi chiến tranh hay đói nghèo mà li loạn, thì thân phận họ, đúng là như cái lá nhỏ dạt trôi, trôi mãi, có khi vô định trên mặt suối, trên những con sông, rồi có ngày mủn ra, chìm xuống, rã tan vào bùn cát...


Bên phòng lớn, Quyên cũng trằn trọc mãi. Gần tới sáng, cô nhỏm dậy rón rén tới bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời đêm thăm thẳm và gió cứ hu hú thổi trên các lỗ hở của ống máng, nghe như tiếng tru rất nhỏ, xa xăm của chó sói. Quyên bỗng nhớ tới hàng rào nơi trại tị nạn những ngày đầu cô tới Đức. Trong đầu cô hiện lên những đoá hoa hồng dây thắm đỏ rực rỡ từng chùm trong nắng. Bức tường toàn hoa hồng bao quanh trại. Đóa hồng cô thấy đẹp nhất, to nhất, thắm nhất, nặng trĩu những giọt sương qua đêm bị nhiều ngọn gió dập lên dập xuống, đập vào hàng rào, sớm ra tã tượi, buông hết những cánh hồng mỏng bay tứ tán trên mặt đất.


Quyên, mi là cái gì? Giờ mi về đâu?


Đêm phố xá miền Tây yên tĩnh tới kì lạ. Trên vòm trời thăm thẳm dầy đặc những chòm sao lấp lánh. Cô thấy buồn ghê gớm, nhớ nhà vô cùng. Giá như bây giờ cô được ở Hà Nội, trong ngôi nhà nhỏ ấy và bên mẹ, có lẽ cô sẽ gục đầu vào lòng mẹ khóc thoả thuê cho vơi đi những nỗi ê chề, đau đớn, tủi nhục của một quãng thời gian tha hương, dù chưa nhiều nhặn gì. Cô đi đâu bây giờ? Nếu như cô ở lại đây, liệu có nguy hiểm nào kéo tới như tình huống đã xảy ra khi ở nhà Phi không? Hay là cô tới trại mới? Không được. Thế nào mai cảnh sát cũng biết, cô đã có mặt bấy nay ở nhà Phi. Tới trại ấy, khi họ thẩm tra về vụ án này, tiếng Đức không biết nửa câu, cô không thể giải thích mọi việc. Vả lại, cô làm gì có tiền thuê luật sư. Cô ở lại với Kumar, có lẽ thuận lợi hơn, nhất là thời điểm này. Thời điểm là sớm mai cô sẽ làm như Kumar dặn, trình diện để là nhân chứng, chữa tội cho Phi. Cô không thể bỏ mặc Phi trong lúc này. Nếu vậy, Kumar rành tiếng Đức, có thể giúp cô và Phi qua cơn hoạn nạn. Nhưng ở đây, liệu có xảy ra chuyện gì như đã xảy ra khi cô trú ngụ ở nhà Phi không? Có lẽ không! Ngày trước, cô trốn chạy Kumar, không phải sự chạy trốn một con đực, mà cô bị ám ảnh bởi giấc mơ coi Kumar là ác quỷ, muốn chiếm đoạt đứa trẻ. Nay cô đã cảm thấy, dù mong manh, anh ta yêu thương đứa con cô, chăm sóc nó khi cô hôn mê, lại vô tư bỏ công tìm kiếm cô và nó bấy nay. ừ, mà thân cô thì còn gì nữa để mất?! Cô đâu còn là đoá hoa Đỗ Quyên ngậm sương ban mai, trinh nguyên và sang trọng. Cô chỉ là một kẻ bị hãm hiếp tới có chửa, một người vợ bị chồng khinh bỉ, đã từng tự sát không thành, lại nhục nhã ê chề ở nhà Phi... Với cô, bây giờ chẳng có điều gì giá trị, lớn lao hơn đứa con của cô.


Thôi, cứ liều mình ở lại đây đã. Nghĩ vậy, Quyên thấy nhẹ lòng, nhắm mắt cố ngủ.


Đêm ấy không có chuyện gì xảy ra.


Cô không hề nghe bất kì tiếng động nào, ngoài tiếng gió và gần sáng cô nghe thấy có tiếng động ngoài cửa sổ. Nhìn lên, một con mèo rõ lớn, đôi mắt to xanh biếc nhìn cô không chớp. Cô nhìn rõ đôi mắt vàng như hai hòn bi tròn lóe sáng trong ánh đèn pin Kumar đưa cho cô hồi đêm.


Hồi cô nằm viện, Kumar có lần bảo, anh chỉ thích nuôi chó, không thích mèo lắm. Vậy đây là con mèo hoang. Mà ởTây sao lắm mèo hoang thế? "Đêm lạnh lắm. Sao mày cứ lang thang một mình đêm hôm thế này?" Quyên tự nhiên xót xa, thầm nghĩ.


Con mèo hoang đưa hai chân khẽ cào vuốt vào tấm kính. Quyên nhỏm dậy, đi tới cửa, vặn chốt, mở hé cửa sổ. Con mèo nhảy phắt xuống nền nhà và đường bệ bỏ đi, ung dung bước từng bước một chậm rãi về phía nhà bếp, như thể ngôi nhà Kumar đã quen thuộc vô cùng với nó.


Quyên thở dài!

...

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)