. Nhà văn LÊ HOÀI NAM
Mùa thu năm 2005, Hội Văn học nghệ thuật Nam Định, nơi tôi tham gia làm quản lý đang gặp những chuyện rất buồn. Buổi tối, trong căn phòng nhỏ ở cơ quan, tôi thường lấy việc nhắn tin cho bạn bè để chia xẻ, giải tỏa tâm trạng nặng nề. Hồi ấy chiếc điện thoại di động còn đang là của hiếm. Cái dịch vụ nhắn tin quả là rất tiện lợi, có thể nói chuyện với bạn bè ở mọi nơi mọi lúc, tạo cho ta những niềm vui sống không nhỏ.
|
Nhà văn Lê Hoài Nam |
Vào thời điểm ấy xuất hiện một người đàn bà nhắn tin cho tôi mà không xưng tên, không tiết lộ một dòng tung tích. Nhưng bằng lời lẽ, tôi nhận ra cô ấy với tôi có quen nhau. Nhiều buổi tối nhắn tin, tôi lại nhận ra cô ấy với tôi có gì đó khá đồng cảm đồng điệu về nhiều phương diện. Có lẽ vì thế mà mỗi lần nhận được tin nhắn của cô ấy, tôi không thể không nhắn lại. Thậm chí ngày nào mà không thấy cô ấy nhắn tin, tôi lại có cảm giác bồn chồn không yên. Tôi cũng biết, cố ấy coi những tin nhắn của tôi là một nguồn lực tinh thần trong cuộc sống của cô ấy.
Tôi và "người đàn bà xa lạ” cứ nhắn tin cho nhau như thế cho đến tận dịp áp tết nguyên đán, khi cô ấy tự lái xe con chở một cây hoa trà đến đặt trước cửa phòng tôi, kèm một tờ thiếp chúc tết cài trên cành hoa, và tối hôm ấy trong tin nhắn cô ấy tiết lộ: “ Anh hãy đếm xem cây trà em tặng có bao nhiêu cái nụ đang e ấp nở thành hoa thì có nghĩa là anh và em đã xa nhau ngần ấy năm”. Tôi đếm, có 23 bông hoa đang hé nở. Ký ức đã giúp tôi nhận ra cô ấy là ai.
Đầu năm 1982, học xong lớp sĩ quan chính trị Hải Quân ở Quảng Châu – Quảng Xương – Thanh Hóa, tôi nhận quyết định trở lại Hải Phòng nhận công tác tại Nhà Văn hóa, Cục Chính trị Hải Quân. Vừa về được ít ngày, Đại tá Ngô Thế Lãng, chủ nhiệm Nhà văn hóa, đã giao cho tôi một nhiệm vụ rất mới mẻ và khá nặng nề: xuống đại đội huấn luyện văn nghệ làm đại đội trưởng! Ông Lãng ra quyết định miệng chứ chẳng có giấy tờ gì cả. Tôi nói rằng, tôi học chính trị mà lại giao làm đại đội trưởng như thế liệu có “lấn sân” của ai đó không! Ông Lãng cười xòa bảo, giao nhiệm vụ này cho cậu là chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng rồi. Cứ làm đi rồi cậu sẽ thấy chúng tôi không nhầm người đâu. Tôi hỏi, vậy cấp phó của tôi là ai? Sếp Lãng bảo: chưa tìm được! Mà chưa chắc đã cần đến phó. Tôi sẽ điều một chiến sĩ xuống làm liên lạc, giúp việc cho cậu. Vậy là ổn chứ?
Thế là tôi và chú liên lạc khoác ba lô hành quân xuống cảng Chùa Vẽ gần cửa sông Cấm. Đại đội mà tôi được giao làm đại đội trưởng có nhiệm vụ chiêu mộ những hạt nhân văn nghệ từ các đơn vị vùng miền, các lữ đoàn, trung đoàn trong toàn quân chủng về đây tập huấn. Chúng tôi chiêu sinh được khoảng 150 người, già nửa là nam, non nửa là nữ, chia làm ba lớp. Lớp 1 học đàn ghi ta, đàn phong cầm. Lớp 2 học thanh nhạc. Lớp 3 học múa. Cả đại đội được bố trí ở nhờ trong những dãy nhà tường xây thô, mái lợp lá gồi của đơn vị Quân cảng. Tôi và chú liên lạc được ưu tiên ở gian giữa một trong những dãy nhà ấy. Hàng ngày các văn nghệ sĩ của Nhà văn hóa quân chủng đạp xe từ trên thành phố xuống dạy các lớp học đàn, học hát, học múa. Còn nhiệm vụ của tôi là chăm lo quán xuyến từ việc đôn đốc học viên học tập cho đến chuyện tác phong, sinh hoạt, miếng cơm, viên thuốc.
Những người lính có khiếu văn nghệ thường cũng có chút máu lãng mạn, bay bổng. Họ làm quen rồi thân nhau rất nhanh. Họ kết thành từng đôi, từng nhóm, đi đâu cũng có nhau. Có một cặp nam nữ “quá mù ra mưa” mê đắm nhau lúc nào chẳng hay. Một đêm nọ, tổ cảnh vệ đi tuần tra ban đêm bắt được họ đang ở tư thế "nhạy cảm". Đó là chuẩn úy H và trung sĩ T. Ngày ấy mắc vào chuyện như thế trong quan niệm của người đời còn rất nặng nề. Cũng do quan niêm ấy mà tổ cảnh vệ ứng xử với đôi “gian dâm” kia khá thô bạo. Họ yêu cầu T và H vẫn trong tư thế khỏa thân, lập biên bản xong họ mới cho hai người mặc quần áo. Khi nhận được thông tin từ tổ cảnh vệ, tôi đã nhanh chóng giải tán đám đông, ai về phòng nấy. Tôi muốn thu vén sự việc cho nhỏ lại, giải quyết kiểm điểm nội bộ, chẳng hay hớm gì mà làm ồn ào. Thực ra nếu T và H còn “chân son” thì chẳng có gì phải bàn. Đằng này H đã có vợ con ở quê. T đang là thiếu nữ phơi phới tuổi hai mươi. Trong con mắt mọi người, vụ yêu đương này có gì đó nhuốm màu sắc lừa đảo. Rồi lời đồn đại không cánh mà bay lên tận Nhà Văn hóa, Cục Chính trị. Đại tá Ngô Thế Lãng đạp xe xuống đại đội chỉ đạo tôi phải bắt T và H viết bản kiểm điểm, rồi đưa ra toàn đại đội phân tích, xác định kỷ luật sao cho thật thích đáng. Trong đại đội hình thành hai luồng ý kiến. Một là muốn kỷ luật hai người thật nặng, cho thôi học, trả về lữ đoàn, trung đoàn. Mà những trường hợp như thế khi bị trả về lữ đoàn, trung đoàn thường hay bị đẩy xuống đơn vị thu dung để “cải tạo lao động” làm chân tăng gia, trồng rau trồng khoai, nuôi lợn nuôi gà. Một luồng ý kiến khác lại cho rằng quan hệ của T và H chưa để lại hậu quả xấu. Vả lại, H vừa chiến đấu ở mặt trận biên giới tây nam ra, trên thân thể hãy còn những vết thương mới lành da. T thì trong sáng nhưng nhẹ dạ. T coi H là thần tượng nên mới hiến dâng tình yêu “vô tư” như thế. Cả hai người lại tỏ ra là những hạt nhân văn nghệ xuất sắc. Vì thế đại đội nên thể tất “giơ cao đánh khẽ” chứ không nên vùi dập họ.
Tôi bị đặt vào tình huống rất khó xử. Cuối cùng tôi vẫn phải triệu tập toàn đại đội họp kiểm điểm. Anh em phân tích mổ xẻ gần hết buổi chiều. Người đề nghị kỷ luật nặng và người đề nghị “giơ cao đánh khẽ” đều phát biểu rất hăng. Chờ cho ý kiến đã vãn tôi bắt đầu làm nhiệm vụ “kết luận”. Đúng lúc đó, chú liên lạc của đại đội mua từ chợ thành phố về một chậu hoa trà đặt vào phòng họp chuẩn bị cho đại đội chơi tết. Ngắm những bông hoa trà đang chớm nở, tự dưng trong tôi nảy ra một “triết lý” khá lạ lùng về giống hoa trà. Tôi nói với toàn đại đội về triết lý đó. Từ giống hoa trà tôi liên tưởng đến sự mong manh của cái đẹp, về sự không hoàn thiện của kiếp người… vv… Chẳng hiểu lời tôi nói có tác động như thế nào mà cuối cùng không ai còn muốn bỏ phiếu kỷ luật T và H nữa.
Đương nhiên là khi nhận thông tin này, Đại tá Ngô Thế Lãng rất giận dữ. Ông đạp xe vèo vèo xuống đại đội. Việc đầu tiên là ông chỉnh đốn, lên lớp cho tôi một bài:
- Cái “máu nghệ sĩ” của cậu thì chỉ nên dùng vào việc viết văn làm thơ, chứ đem ra áp dụng vào công việc của người chỉ huy thì cậu làm hỏng anh em có ngày. Bây giờ cậu tính sao đây?
- Tôi sẽ xin bảo lãnh cho T và H!
- Bảo lãnh thế nào thì viết thành văn bản chứ tôi không quen nói suông!
Tôi lấy tờ giấy, rút cây bút viết: “Tuân thủ đa số ý kiến anh em trong đại đội, trường hợp vi phạm quan hệ nam nữ của H và T chỉ kiểm điểm nhắc nhở chứ không kỷ luật. Tôi xin hứa trước đồng chí Đại tá, chủ nhiệm Nhà văn hóa, sẽ giáo dục, giúp đỡ T và H, không để họ tái phạm sai lầm. Nếu không thực hiện được lời hứa tôi xin nhận kỷ luật thật nặng. Ký tên: Lê Hoài Nam”. Đại tá Ngô Thế Lãng nhận tờ cam đoan tôi viết gấp bỏ vào sắc-cốt, rồi bảo: “Cậu phải giữ lời hứa, kẻo rồi đến lúc tôi không đỡ đòn nổi cho cậu nữa đâu nhé!”.
Sau đấy, quan hệ giữa T và H “từ tình yêu hóa thành thù hận” một thời gian mới nguôi ngoai. Rồi cả hai tập trung vào học tập. Cuối khóa, cả hai đều cầm giấy chứng nhận khá, giỏi trở về lữ đoàn, trung đoàn.
Khoảng mười năm sau, bất ngờ tôi nhận được thư H. Anh có nhắc đến cái vụ yêu đương: “Giá mà hồi ấy, anh kỷ luật em rồi trả về đơn vị, chắc chắn hôm nay sẽ không thể được phong hàm cấp tá và chức trung đoàn phó. Em rất biết ơn anh!” (Đoạn này trong truyện tôi có hư cấu tí chút. Tôi hư cấu ở chỗ tôi gặp H chứ không phải H viết thư). Còn T, tôi không có dịp gặp lại, chỉ nghe nói, cô chuyển ngành về Sở Thương nghiệp của một tỉnh giáp biên giới phía bắc. Hết thời bao cấp, cửa hàng của Sở khó làm ăn, T xin ra ngoài biên chế lên Hà Nội mở công ty riêng, kinh doanh rất khá giả. Nhưng không hiểu sao T lại không lấy chồng?
Hồi ấy tôi cũng đã có một số truyện ngắn, bút ký đăng trên các báo, tạp chí. Tôi có một đặc điểm trong sáng tác: dù thể loại hư cấu, tôi cũng thường phải “cầu viện” tới nguyên mẫu ngoài đời. Viết bằng nhân vật tưởng tượng tôi thường hay bị mắc vào bệnh ám tả, gượng ép, trơn nhẵn. Vậy mà, không hiểu sao hồi ấy tôi không nghĩ đến việc dựa vào nguyên mẫu chuyện giữa T và H để viết một truyện ngắn! Phải tới 23 năm sau, khi tôi nhận ra người đàn bà ẩn danh hay nhắn tin cho tôi, rồi chúc tết tôi bằng một cây hoa trà, chính là trung sĩ T năm xưa, tôi mới nảy ra ý đồ viết một truyện ngắn về họ. Có lẽ bởi khi ấy tôi quá xúc động. Tất cả những kỷ niệm của cái thời tôi và H và T ở trong cùng một đại đội hiện về. Có những chuyện, những sự kiện hồi ấy có vẻ “tẻ nhạt” chẳng có gì đáng nói thì giờ đây nó trở nên ám ảnh, lung linh, huyền nhiệm. Thế là tôi bắt tay vào viết truyện ngắn “Triết luận hoa trà”. Hầu như không phải hư cấu gì đáng kể nên tôi viết rất nhanh, chỉ trong hai đêm là xong.
“Triết luận hoa trà” tôi tự đánh giá chỉ là một truyện ngắn thường thường bậc trung của tôi. Nếu hư cấu thêm, đẩy kịch tính lên, tô vẽ thêm cho nhân vật sắc nét hơn về hình hài, về tâm lý, rất có thể sẽ là một truyện ngắn hay. Tôi biết chắc như thế. Nhưng tôi vẫn muốn giữ nguyên như “sao chép” câu chuyện ngoài đời, để truyện ngắn này có vị thế như là một kỷ vật lưu lại một thời đáng nhớ trong cuộc đời binh nghiệp khá gian nan của tôi.
Truyện ngắn TRIẾT LUẬN HOA TRÀ
Cách đây chưa lâu, trong máy điện thoại di động của tôi có những dòng tin nhắn: "Kỉ niệm ngày sinh nhật của anh, chúc an lành, may mắn". Người nhắn tin không xưng tên. Tôi bấm ngay số máy lạ ấy để cám ơn. Chuông đổ hai lần, người kia bỗng tắt máy. Tôi gọi lần thứ hai vẫn xảy ra hiện tượng tương tự như lần trước. Tôi đành phải nhắn tin: "Xin cám ơn lời chúc. Nhưng bạn là ai mà không xưng danh, không nghe máy?". Người kia nhắn lại: "Một người quen của anh. Có điều bất tiện nếu em xưng danh. Có khi nào anh bị rơi vào cảm giác cô đơn, trống vắng không? Nếu có thì mỗi lần như thế hãy nhắn tin cho em. Rồi dần dần anh sẽ nhận ra em là ai". Gần đây nghe nói đã có những vụ quấy rối tình cảm, khủng bố, tống tiền bằng tin nhắn điện thoại di động. Tôi thấy cần thiết phải cảnh giác với người có số máy điện thoại lạ kia. Tôi nhắn: "Ngoài việc chúc mừng sinh nhật, bạn còn muốn gì ở tôi không?". Người kia đáp trả: "Em có nhu cầu được nhắn tin cho anh, muốn khám phá anh, thế thôi" - "Nhưng bạn biết tôi từ lâu thì có cần phải khám phá nữa không?" - "Thời gian trôi, vật đổi sao dời, con người cũng dễ đổi thay lắm chứ" - "Bạn quen tôi từ ngày xưa, nghĩa là bạn không còn là một cô bé?" - "Em là một phụ nữ đã ở tuổi 43" - "Bạn quen tôi trong trường hợp nào?" - "Bí mật. Anh tự phán đoán nếu anh thấy không tiếc thời gian khi nhắn tin cho em" - "Vậy hôm nay hãy dừng nhắn tin ở đây để tôi có thời gian nhớ lại xem bạn là ai nhé" - "Vâng, tạm biệt".
Mấy ngày sau đó, tôi sống trong tâm trạng phấp phỏng không yên vì người đàn bà bí ẩn nọ. Một buổi tối thư nhàn, tôi chủ động nhắn tin thăm dò: "Công việc của bạn thế nào?" - "Một doanh nhân. Em có một cửa hàng kinh doanh đồ mĩ nghệ, gần một sân bay, cách Thủ đô không xa" - "Những người yêu thích nghề kinh doanh thường là khôn ngoan sắc sảo lắm" - "Theo em thì không hẳn thế. Có người rất ngốc nghếch nhưng làm kinh doanh lại giỏi nhờ có tâm hồn lãng mạn và trí tưởng tượng phong phú" - "Trong hai mẫu doanh nhân đó, bạn thuộc loại nào?" - "Anh hãy tự phán đoán" - "Bạn yêu nghề kinh doanh, hẳn rồi. Ngoài ra bạn còn yêu thích điều gì trong cuộc sống?" - "Đằng sau cửa hàng em có một khu vườn cảnh do chính tay em ươm trồng. Trên giàn có các giò phong lan. Dưới vườn là các loài địa lan, trà cúc, cẩm chướng, lưu ly..." - "Thật là độc đáo. Những doanh nhân thời vi tính này thường không có thời gian để để chơi hoa" - "Thế mà em thì có đấy. Những lúc cửa hàng vắng khách, em lại đáo ra vườn. Hương của các loài hoa làm tâm hồn em thư thái, đỡ mệt mỏi" - "Bạn có sở thích nào nữa?" - "Nghe nhạc đồng quê của Pháp và Nga".
1
Đến đây, tôi nhận thấy mình đang bị người phụ nữ bí ẩn cuốn hút, đưa vào cuộc. Cuộc chơi này mang lại điều tốt lành hay chỉ là trò vô tăm tích, tôi không cần biết nữa. Nhưng vừa lúc này, máy di động của tôi báo hết pin, tôi đành nhắn dòng tạm biệt. Và chỉ ngay tối hôm sau, tôi lại có nhu cầu nhắn tin cho cô ta. Rất tự nhiên, tôi đã xưng “anh” và gọi cô ta là "em": "Em nói rằng em quen anh từ ngày xưa; vậy cái ngày xưa ấy em đã cảm nhận về anh như thế nào?" - "Anh tận tụy và có trách nhiệm với công việc. Nhưng anh cũng ngốc nghếch chẳng khác gì em".
|
Tranh minh họa của họa sĩ TÔ CHIÊM |
Quả thật, bấy nay tôi thường tự ý thức về mình như thế. Rõ ràng người đàn bà bí ẩn này đã có thời gian sống rất gần tôi. Trong cuốn sổ danh bạ cá nhân, ngoài những người thân, tôi chỉ ghi số điện thoại của những ai liên quan đến công việc và nghề nghiệp của mình; đó là các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo... Tôi rà soát rất kỹ mà chẳng có số điện thoại nào trùng với số điện thoại của người đàn bà bí ẩn kia. Đến một ngày, cô ta lại nhắn tin: "Tuy ở xa nhưng em vẫn có cách theo dõi để biết khái quát cuộc sống của anh. Về sáng tác văn học, anh không gặp trở ngại lắm. Nhưng trong công việc quản lý, anh đang gặp trắc trở. Bọn tiểu nhân, bọn làm văn rởm đang tìm mọi cách để hại anh" - "Em là ai mà cứ như ma xó vậy? Em khuyên anh nên phải thế nào?" - "Nếu sắp tới, anh làm thủ lĩnh thì khỏi phải bàn. Nếu không được như thế mà bề trên của anh là một đấng minh quân thì anh hãy hết lòng cung phụng, còn nếu y lại là một kẻ tiểu nhân mà lại háo danh nữa thì anh hãy tìm cách tránh cho xa. Nên nhớ, loại người ấy không bao giờ dung nạp người như anh. Nó biết cách để di chết anh như một con rệp bất cứ lúc nào...". Đọc đến những dòng này thì người tôi toát mồ hôi hột. Tôi vội nhắn cho cô một dòng cám ơn, hẹn hôm khác nhắn tiếp, rồi tắt máy. Người đàn bà bí ẩn đã nói đúng về cái môi trường tôi đang sống; những điều tôi đang gánh chịu. Tôi thấy mình phải cẩn trọng hơn ngay cả với những người xung quanh.
Chỉ vài ngày nữa là Tết. Tôi đang làm việc dưới huyện thì người đàn bà bí ẩn lại nhắn tin cho tôi: "Món quà em chúc Tết anh hiện đã được đặt trước cửa phòng anh trong cơ quan. Anh hãy vui lòng nhận nhé". Tôi phóng xe về cơ quan. Trước cửa phòng tôi có một chậu trà với những chiếc nụ đang e ấp. Vốn là người thích chơi trà, tôi biết những nụ hoa kia sẽ mở vào đúng dịp ba ngày Tết. Dịp Tết với tôi có thể thiếu nhiều thứ, nhưng không thể thiếu chậu trà. Trong các dòng trà, tôi thích nhất là trà thâm. Tại sao người đàn bà bí ẩn kia lại biết cả ý thích này của tôi?
2
Thấy tôi cứ ngẩn ngơ trước chậu trà, cô tạp vụ cơ quan chạy tới bảo:
- Lúc nãy có một chiếc xe con màu trắng đỗ trước cổng cơ quan. Chủ chiếc xe ấy là một phụ nữ. Chị ấy nhờ cháu khiêng chậu trà này từ trong xe đến trước cửa phòng chú. Cháu hỏi tên, chị ấy không nói, chỉ dặn cháu trao cây trà cho chú.
- Trông chị ấy thế nào? - Tôi hỏi cô tạp vụ.
- Khoảng ngoài bốn mươi tuổi. Cao tầm mét sáu. Gương mặt xinh đẹp. Có vẻ sang trọng...
Tôi vào phòng bấm máy, nhắn tin cám ơn người đàn bà bí ẩn đã tặng tôi chậu trà mà tôi rất ưng ý. Người đàn bà nhắn tin lại: "Anh hãy đếm xem cây trà có bao nhiêu bông đã nở hoa?". Tôi đếm, rồi nhắn: "Hai mươi ba bông. Con số này là ngẫu nhiên hay nó nói lên một điều gì đó?" - "Chúng mình xa nhau đã hai mươi ba năm. Có một buổi chiều, trước toàn đại đội, anh đã nói rất hay về cây hoa trà...". Bây giờ thì tôi có thể khẳng định người đàn bà bí ẩn này chắc chắn là một trong những chiến sĩ của đại đội tôi năm ấy. Nhưng người lính tóc dài này là ai, tên gì thì tôi còn ngờ ngợ. Tôi đề nghị cô tạm dừng nhắn tin để tôi có thời gian lục tìm trong trí nhớ...
Phải rồi, ngày ấy cách đây 23 năm, tốt nghiệp trường sĩ quan, tôi được điều trở lại Cục Chính trị Hải quân. Lúc ấy, Nhà văn hóa Quân chủng đang chiêu tập 150 hạt nhân văn nghệ từ các đơn vị vùng, lữ đoàn, trung đoàn về quân chủng, tập hợp thành một đại đội huấn luyện. Tôi được phân công làm đại đội trưởng cái đại đội đặc biệt ấy. Không có chính trị viên và đại đội phó, tôi kiêm nhiệm cả. Đại đội chia làm ba trung đội. Mỗi trung đội được coi là một lớp: Lớp thanh nhạc, lớp múa và lớp nhạc cụ. Lớp nhạc cụ thì chủ yếu là phong cầm và ghi ta. Đại đội đóng quân trong một khu nhà xây lợp lá cạnh cảng Chùa Vẽ - Hải Phòng. Công việc giảng dạy thì đã có các văn nghệ sĩ của Nhà Văn hóa Quân chủng đảm nhiệm. Đến giờ, họ đạp xe đến giảng bài; hết giờ, họ đạp xe về. Toàn bộ chuyện ăn ở, sinh hoạt, ốm đau của học viên đổ cả lên đầu tôi. Học viên văn nghệ, người nào cũng ít nhiều có tí máu lãng mạn. Đang ở đơn vị cơ sở kỷ luật gò bó khi được về thành phố học hành là có tâm lý muốn "xả hơi". Một lần trong cuộc họp giao ban, Lập "lùn", lớp trưởng lớp thanh nhạc nói với tôi:
- Báo cáo đại đội trưởng, lớp tôi đáng lưu ý nhất là chuyện quan hệ của trung sĩ Phạm Thị Thanh Trầm...
- Cô ấy quan hệ như thế nào? - Tôi hỏi.
- Dạ thưa, chiều hôm qua tôi nhìn thấy trung sĩ Trầm đi tắm ở ngoài biển với chuẩn uý Hưởng ở lớp nhạc cụ.
- Là lính biển mà đi tắm với nhau thì có chuyện gì ghê gớm. - Hồi ấy tôi nhìn cuộc đời cứ đèm đẹp như thế.
- Nhưng mà... nhưng mà… - Lớp trưởng Lập có vẻ khó nói - Tôi trông thấy hai người kì cọ lưng cho nhau.
Đến đây thì tôi không thể đùa được nữa. Phải để ý xem sao. Chủ quan, để xảy ra điều gì trái khoáy là mình xơi kỉ luật như bỡn.
Trung sĩ Phạm Thị Thanh Trầm khoảng 20 tuổi, tạng người "cao giàn", cân đối. Mặt trái xoan. Sống mũi thanh tú. Môi đỏ như son. Mắt đen và ướt. Thiếu nữ mà có cặp mắt như thế là đa sầu, đa cảm lắm. Chuẩn úy Hưởng trông cũng to cao, nam tính. Hưởng và Trầm nếu có mê nhau cũng là điều dễ hiểu. Chỉ kẹt nỗi Hưởng đã có vợ ở quê. Tất cả vấn đề là ở đó. Một buổi chiều, tôi rủ Hưởng đi dạo ngoài bãi biển. Khi đã trở nên gần gũi, tôi bảo:
- Cậu đi tắm với cô Trầm thì cứ việc tắm, nhưng nếu để xảy ra việc gì tai tiếng là tôi không tha cho đâu!
- Ô, em mới từ chiến trường Tây - Nam ra, chơi với Trầm cho đỡ nhớ nhà thôi mà - Hưởng nói.
Mấy ngày sau, vào buổi tối, cả đại đội đang xem văn công Tổng cục Hậu cần biểu diễn dưới cảng thì có một học viên trẻ tên là Nhĩ lách đám đông đến ghé miệng vào tai tôi nói: "Mời thủ trưởng về doanh trại, có việc nghiêm trọng". Tôi theo Nhĩ về tới dãy nhà của lớp thanh nhạc. Trong một gian phòng, dưới ánh điện vàng vọt, Hưởng và Trầm ngồi cạnh nhau, hầu như khỏa thân. Lớp trưởng Lập thì đứng chống hai tay vào hông nhìn đôi tình nhân như nhìn những tù nhân. Thấy tôi, Lập đứng nghiêm, nói:
- Báo cáo đại đội trưởng, hai người này trốn không đi xem văn công, ở nhà ăn nằm với nhau. Chúng tôi bắt được đã lập biên bản. Cậu Hưởng đã kí. Còn cô Trầm thì không chịu kí ạ.
Nhìn Trầm khoả thân, mái tóc xoã ra phủ xuống lưng, tôi thấy ngại cho cô. Không hiểu sao lúc này tôi giận cô thì ít mà lại sôi máu lên khi nhìn cái dáng "ngũ đoản" của lớp trưởng Lập. Tôi liền giật tờ biên bản trên tay Lập xé vụn ra ném xuống nền nhà, nói:
- Cậu Hưởng, cô Trầm mặc quần áo vào, rồi ai về phòng người ấy. Cậu Lập và các cậu ra ngoài. Tôi đề nghị mọi người không nói gì về việc này nữa.
Lớp trưởng Lập và Nhĩ nhìn tôi chưng hửng, khó hiểu.
Ngay đêm ấy, khi cả đại đội đã yên ắng trong giấc ngủ, tôi gọi riêng Trầm và Hưởng lên phòng tôi. Đưa cho họ một tờ giấy, tôi nói:
- Hai người hãy viết vào đây như một lời hứa, hay một lời cam đoan gì đó. Nếu cấp trên có "sờ gáy" tôi thì tôi có cái cớ để bảo vệ mình và cũng là bảo vệ hai người nữa.
Hưởng rút bút viết mấy dòng cam đoan không tái phạm. Trầm viết xong, buông bút nói với tôi: "Xin phép đại đội trưởng cho tôi được thể hiện đòn cảnh cáo gã đàn ông hèn nhát này!". Tôi chưa kịp phản ứng gì, Trầm đã vung tay tát bốp vào mặt Hưởng, rồi nói: "Đồ hèn! Anh để người ta sỉ nhục tôi trước mặt mọi người mà không hề có phản ứng gì, lại còn kí vào biên bản. Vĩnh biệt!". Nói xong, Trầm xin phép tôi, bước thẳng về phòng mình.
Đúng như tôi dự đoán, chỉ ba ngày sau, Đại tá, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân chủng Ngô Thế Lãnh, người trực tiếp quản lí điều hành tôi, gọi tôi lên hỏi:
- Tại sao dưới đại đội xảy ra chuyện quan hệ lăng nhăng mà đồng chí không báo cáo tôi?
Tôi đưa ông tờ giấy có lời cam đoan, hứa hẹn của Hưởng và Trầm. Đại tá xem xong, tủm tỉm cười như chế giễu tôi.
- Cậu ngốc lắm - Ông nói - Cái giống trai gái đã phải lòng nhau thì mọi lời hứa chỉ như tấm bình phong thôi.
- Tôi cũng hiểu như thế - tôi đáp - Nhưng trường hợp này, tôi xin bảo lãnh. Nếu họ tái phạm, tôi xin nhận kỉ luật.
- Cậu nhận mức kỉ luật nào thì kí vào chính tờ giấy này - Đại tá Lãnh chìa tờ giấy có lời cam đoan của Hưởng và Trầm.
Tôi rút bút viết bên dưới: "Nếu chuẩn úy Hưởng và trung sĩ Trầm tiếp tục quan hệ bất chính, tôi - Đại đội trưởng Lê Hoài Nam - xin nhận hình thức kỉ luật cách chức, hạ cấp quân hàm". Đại tá Lãnh gấp tờ giấy rất cẩn thận cho vào cặp.
Giao kèo với cấp trên như thế coi như xong một việc. Nhưng trong đại đội, kể từ hôm ấy những tiếng xì xào to nhỏ về "đôi gian dâm" cứ loang dần ra. Một số người đề nghị phải kỷ luật thật nặng, rồi trả Trầm về Trung đoàn, trả Hưởng về Lữ đoàn. Tôi biết nếu làm thế, về Lữ đoàn, Trung đoàn Hưởng và Trầm sẽ bị mọi người nhìn bằng con mắt khinh miệt, và thường những trường hợp như họ sẽ bị đưa xuống đơn vị thu dung “cải tạo lao động” bằng công việc trồng rau, trồng khoai, nuôi lợn, nuôi gà. Và rất có thể cánh cửa tương lai của hai người sẽ bị khép lại từ đây. Tôi buộc phải triệu tập một cuộc họp toàn đại đội để làm công tác tư tưởng. Hôm ấy là ngày gần Tết, cậu liên lạc biết sở thích của tôi đã ra thành phố mua một chậu hoa trà về đặt trước cửa hội trường. Tôi mượn luôn thân phận cây hoa trà để nói về thân phận con người. Tôi nói rằng, tôi rất thích cây trà thâm mà chú liên lạc vừa mua về. Mọi người hãy ngắm mà coi. Nghe tên có vẻ xấu nhưng trà thâm là giống trà đẹp nhất, sang trọng nhất trong các dòng trà.
|
Bông trà thâm cấu tạo duyên dáng, ưa nhìn như cô gái đang tuổi trăng tròn. Sắc hoa giống màu bông hồng nhung nhưng tươi tắn và bền chắc hơn. Lá trà không có màu xanh mỡ màng như lá thược dược, không rờn rợn như lá thu hải đường, không khô cứng như lá lan tiêu. Lá trà có vẻ đẹp chín chắn, màu xanh đậm. Cấu trúc và bố cục của lá và hoa trà vừa tương phản tôn vinh nhau vừa biểu cảm sự hài hoà tuyệt diệu của thiên nhiên. Thân cây trà mang một vẻ đẹp tao nhã và cổ kính. Nhu cầu dinh dưỡng của trà rất khiêm nhường nhưng dâng hiến thì lại dai dẳng, hết mình. Có người khuyên tôi không nên chơi trà, vì theo họ, trà đẹp nhưng không tỏa hương. Vâng, chính tôi lại thích cái sự "không hoàn thiện" ấy, bởi trên đời này có gì hoàn thiện đâu. Cứ ngẫm 64 quẻ Kinh Dịch sẽ rút ra được một triết lí sống rất mệnh hệ: Hạnh phúc lớn thì thường đi bên một bất hạnh lớn; thành công to bởi đã từng có thất bại nặng nề; đỏ bạc thì đen tình và ngược lại... Vậy thì, cái cây hoa trà kia mang vẻ đẹp hoàn bích đến thế thì phải thiếu đi một chút nhụy hương cũng là hợp lẽ âm dương, lẽ trời. Làm một con người cũng vậy, xin đừng ai cho mình là hoàn hảo hết mọi đường. Trước những lỗi lầm của người khác, nếu lỗi lầm đó không phương hại lắm đến cuộc sống cộng đồng thì nên có cái nhìn thể tất, lượng thứ...
Khi tôi nói đến đó, tôi thấy cả đại đội hướng cái nhìn về phía Phạm Thị Thanh Trầm. Chính lúc ấy, tôi còn thấy có hai dòng nước mắt lăn xuống hai bên má Trầm. Từ hôm ấy, dư luận về mối quan hệ Hưởng - Trầm lắng dần xuống. Rồi công việc tập luyện và biểu diễn các tiết mục văn nghệ lôi cuốn mọi người, chẳng ai nhắc đến nữa. Hôm chia tay nhau, mỗi người về một đơn vị, tôi biết Hưởng và Trầm không còn giăng mắc cừu hận gì.
Khoảng mười năm sau, tôi có gặp lại Hưởng. Tôi cứ đưa tay sờ sờ vuốt vuốt đôi quân hàm cấp tá trên ve áo Hưởng tỏ ý chúc mừng anh. Còn Hưởng, có vẻ vẫn còn ngượng. Hưởng nói:
- Nếu ngày ấy, anh kỷ luật em rồi trả về Lữ đoàn, chắc chắn sẽ không có đôi quân hàm cấp tá này. Em rất biết ơn anh!
Còn Trầm, tôi không có dịp gặp cô. Nhưng tôi có nghe nói, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trong quân đội, cô chuyển ngành về một cơ quan thương nghiệp. Khi hết thời bao cấp, cơ quan thương nghiệp này làm ăn khó khăn, Trầm xin chuyển ra ngoài lập công ty riêng. Công ty do Trầm làm giám đốc kinh doanh rất phát đạt. Càng lớn tuổi Trầm càng nhuận sắc. Nhưng không hiểu sao Trầm từ chối nhiều người đàn ông tìm đến với cô, để rồi sống độc thân?
Từ bấy đến nay đã 23 năm. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhớ những kỉ niệm về cái đại đội huấn luyện văn nghệ ấy, nhớ nhất cái chuyện Hưởng và Trầm. Nhưng, tôi không sao có được địa chỉ của cô. Hơn nữa, rất có thể sự mặc cảm khiến cô không muốn gặp tôi nữa thì sao?
Và bây giờ, tôi đã mang máng đoán ra người đàn bà bí ẩn bấy nay nhắn tin cho tôi là ai. Tôi bấm máy: "Có phải em là Phạm Thị Thanh Trầm?". Tin nhắn lại: "Anh chỉ cần biết em từng là lính của anh. Khoan hãy cần biết đích danh em là ai" - "Vì sao lại phải như thế?" - "Cái gì còn bí ẩn thì sẽ còn thu hút, kích thích sự ham muốn khám phá. Em muốn, kể từ nay chúng mình sẽ không quên nhắn tin cho nhau mỗi khi có niềm vui cần chia sẻ, có nỗi buồn cần an ủi. Chỉ thế thôi, với em cũng đã là hạnh phúc lắm...". Qua những dòng tin nhắn ấy, tôi biết người phụ nữ từng là lính của tôi hiện tại có thể không thiếu vật chất nhưng đời sống tinh thần thì...
Tôi nhắn lại: "Anh đồng ý. Chúc em vui".
Liễu Đề, cuối năm 2005
L.H.N