. Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ
Tôi còn nhớ, đấy là một buổi sáng mùa hè năm 1976. Mấy đứa chúng tôi, lúc ấy tuổi mới mười chín hai mươi, quân hàm binh nhất, hạ sĩ gì đó rủ nhau đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nằm ở thượng nguồn sông Bến Hải tham quan. Lúc bấy giờ, nghĩa trang đang thi công nhiều hạng mục nhưng phần mộ các liệt sỹ cơ bản đã xong. Trong cái nắng chói chang của mùa hè Quảng Trị, hàng nghìn ngôi mộ giống nhau như tạc, san sát nằm kề nhau tạo ra một quang cảnh vô cùng bi tráng. Sự bi tráng trùng điệp này, có lẽ tôi chưa từng gặp, từng thấy ở đâu cả tính đến lúc đó. Tôi lặng lẽ đến khu vực liệt sỹ Bình Trị Thiên với ý định tìm xem có anh chị nào ở quê hương mình không. Như được đưa dẫn, tôi đi đến ngay một ngôi mộ có tấm bia làm tôi sững sờ, nghẹn ngào và òa khóc. Tấm bia đá khắc ghi những dòng chữ: Liệt sĩ Nguyễn Thị Liên.Quê quán:Thanh Trạch,Bố Trạch,Bình Trị Thiên...
Trời ơi, Liên, bạn tôi!
|
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý |
Tối đó, tôi không tài nào ngủ được, hình ảnh Liên sống dậy với những ký ức rưng rưng về tuổi học trò đã xa năm, sáu năm nay rồi. Bài thơ Nhớ về tuổi học trò của một liệt sỹ đã được tôi viết ra trong đêm đó với khúc mở đầu: Giây phút ấy sững sờ/ giây phút ấy thiêng liêng/ khi bắt gặp dòng chữ ghi tên bạn:/ Liệt sỹ/ Nguyễn Thị Liên/ Hy sinh/ Nét chữ đỏ/ trang nghiêm/ tạc vào bia đá/ như tạc vào lòng Đất nước/ bạn ơi!/ Tôi không nói được nên lời/ ngọn gió Trường Sơn nghiêng về tưởng nhớ/ mùi hương bay đâu đó/ như hương lúa chín quê mình/ kết dâng trên đồi bạn nghỉ/ Tôi mang nhành phượng vĩ/ đặt lên-/ nhành hoa mùa hè/ bạn đã làm thơ tặng/ thân yêu mái trường/ lấp lánh tuổi học trò/ kỷ niệm...
*
Tuy là bạn học cấp 1 rồi cấp 2 nhưng Liên hơn tôi vài tuổi. Độ chênh ấy chưa đủ để tôi gọi Liên bằng chị mặc dù khi học lớp 7 (hệ 10 năm) Liên đã là đoàn viên còn tôi vẫn quàng khăn đỏ. Cái thằng tôi lúc ấy, gầy gò mảnh khảnh, da xanh rớt do thiếu ăn nhưng bù lại học khá giỏi đều các môn. Liên, chững chạc hơn tôi nhiều, thiếu nữ tuổi mười sáu, đã có vóc có dáng, khuôn mặt trái xoan phơn phớt hồng. Bạn gái tôi học hành bình thường thôi nhưng tính tình rất hồn nhiên, hòa nhã nên ai cũng mến. Đến bây giờ tôi vẫn không quên được tiếng cười của Liên. Là con gái khá xinh xắn nhưng tôi chưa bao giờ thấy Liên cười chúm chím hay cười mỉm mà bạn tôi khi vui thường phá lên cười, cười thành tiếng, thành chuỗi, giòn tan. Tiếng cười liên thanh của Liên lây rất nhanh ra đám bạn bè xung quanh. Liên chia đều niềm vui cho bạn bè bằng tiếng cười như thế
Cũng lạ. Chiến tranh, bom đạn tơi bời, ăn độn mặc vá, thiếu thốn trăm bề mà sao chúng tôi vẫn hồn nhiên trong trẻo thế. Đám con trai, con gái vẫn bày ra đủ trò để chơi, hay trêu chọc nhau chí chóe. Con trai chơi khăng, đá gà, con gái đánh thẻ…Chiều tối, khi máy bay Mỹ vơi vơi chúng tôi rủ nhau chơi trò ù mọi. Trò chơi này có sẵn trong dân gian và rất giản đơn. Nam và nữ chơi chung với nhau . Người chơi chia làm hai phe, có nam có nữ. Mỗi phe ở một nửa sân, chính giữa kẻ đường ranh giới. Một người của bên này bước qua sân bên kia, vừa lượn vừa ù bằng miệng. Nếu tay mình chạm vào người của bên kia mà thoát về được sân mình thì người kia bị loại khỏi cuộc chơi, tức là bị chết. Ngược lại, mình bị quân bên kia tóm giữ mà không vùng vẫy thoát ra được hoặc bị đứt ù thì coi như cũng toi. Bên nào, quân chết hết trước coi như thất bại. Đại loại như thế. Liên hay tham gia chơi trò này với chúng tôi. Liên có hơi ù dài và nhanh nhẹn nên ít khi bị đối phương tóm. Chẳng hiểu sao, tôi và Liên ít khi ở cùng phe và tôi thường bị Liên tóm được khi ù. Cách bắt địch của Liên cũng ngộ lắm. Đối phương vè vè trước mặt, nhanh như cắt, cô bạn tôi chạy về phía sau xông vào ôm chặt nó. Rồi cười phá lên. Nhiều đứa trong bọn tôi như bị lây theo, cũng bật lên cười, ha ha hi hi, thế là đứt ù luôn. Có lần tôi bị Liên bắt, càng giãy dụa tìm cách thoát thân thì càng bị ôm chặt. Bầu ngực thiếu nữ nhu nhú của Liên ấn vào lưng tôi tạo cảm giác là lạ. Cái cảm giác thú vị và thật bí ẩn đó tôi không lý giải được ở thời niên thiếu. Chỉ biết, những hôm chơi ù mọi mà vắng Liên tôi thấy không hứng thú nữa. Và hình như có đêm tôi đã mơ thấy Liên chơi ù mọi với tôi. Chỉ hai đứa thôi, trên bãi cỏ rất xanh và có nhiều chuồn chuồn bầu bay…
Không phải lúc nào chúng tôi cũng được vui vẻ như vậy. Chiến tranh chưa chấm dứt. Một buổi chiều, trước giờ vào lớp, chúng tôi cười nói chuyện trò rôm rả. Bỗng, ánh chớp nhoáng nhoàng, khói bụi mù mịt. Theo phản xạ, cả đám học trò lao về cửa hầm. Và, tất cả vón cục lại ở đó. Chẳng có mấy đứa thoát được vào trong. May sao, lớp chúng tôi học trong nhà hầm nên bom bi chủ yếu nổ bên ngoài nên đã hạn chế được thương vong đáng kể. Một người bạn của chúng tôi bị viên bi xuyên qua ngực chết gục ngay trên bàn học. Dực! Thằng bạn hiền lành ít nói nhât lớp tôi bị bom Mỹ sát hại. Một con dế mèn rón rén bò ra từ túi áo bạn tôi. Chỉ còn mấy hôm nữa là nghỉ hè. Hai đứa hẹn nhau, hè này sẽ đi chặt củi cháy về bán lấy tiền mua mấy tập Tam quốc diễn nghĩa ở bà Ròn. Hàng tuần, chúng tôi không cười. Liên cũng vậy. Nhìn chỗ ngồi của Dực bị để trống chúng tôi buồn lắm.
Nỗi buồn chiến tranh thực sự đã đến với chúng tôi từ dạo đó. Nó đầy lên, trào ra những máu và nước mắt khi sau đó một thời gian ngắn mẹ tôi lại bị bom bi của Mỹ trên đường đi chợ chiều về. Đêm cuối cùng của một đời người. Mẹ tôi, máu ri rỉ chảy ra ở mắt cá chân, nằm ngửa trên tấm ván lát ở trong một căn hầm chữ A, vẫn nhận ra tất cả những đứa con của mình đang ngồi xung quanh. Mẹ gọi tên từng đứa một, Quý, Hóa, Liên, Hùng, Hà, năm anh em chúng tôi, không sót một ai. Mẹ nói với cha tôi, em không qua nổi đâu…Mẹ dặn tôi, con là anh lớn phải biết thương các em, thương bé Hà nhiều hơn vì nó sinh thiếu tháng gầy yếu lắm…Gà gáy. Mẹ đi. Mới ngoài ba mươi tuổi.
Tôi thấy Liên trầm hẳn đi. Ít nói và thi thoảng mới cười. Biết tôi buồn, Liên thường hay đến trò chuyện với tôi. Lúc ở lớp, khi đến nhà. Một hôm, Liên đến nhà tôi mang theo một bộ áo quần mới. Liên đưa cho tôi, đây… là của chi đoàn góp tiền lại mua cho Quý. Cầm bộ áo quần Liên đưa, nước măt tôi trào ra. Liên cũng vậy, ngồi bên tôi rưng rức.
Xong lớp 7, nhà nghèo, ba tôi định cho tôi thôi học. Thầy cô giáo, bà con thấy tôi học giỏi nên đến khuyên nhủ động viên ba cho tôi học tiếp cấp 3. May là tôi cũng vượt qua được khúc ngoặt gian truân này. Ăn sắn, ăn khoai, áo vá chân đất mà học hành cũng tốt.
Liên thôi học từ lớp 7. Một thời gian sau, ở trường cấp 3 tôi nghe tin Liên đã xung phong đi bộ đội. Đi bao giờ và ở đâu, tôi không hề biết. Phải tới bốn năm năm tôi không nhận được tin tức gì của Liên vì gia đình bạn ấy không còn ở nơi sơ tán nữa...
Tôi có ngờ đâu lại gặp Liên ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, gặp nhau khi hai đứa đã hai nẻo âm dương cách biệt. Gặp nhau giữa bạt ngàn mộ chí đồng đội đã hy sinh. Bạn tôi, một trong hai mươi nghìn người lính đã ngã xuống trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Bạn ra đi khi mới mười chín tuổi. Mười chín tuổi, biết nói sao đây, cho cuộc đời ngắn ngủi của một người con gái xinh đẹp hồn nhiên có tiếng cười giòn tan như thế. Mười chín tuổi, hồn đã neo vào cỏ cây hoa lá rừng già. Mười chín tuổi đã tan biến vào hư vô thăm thẳm. Định mệnh hay là gì vậy hỡi trời cao đất dày? Mười chín tuổi, còn gì trẻ hơn thế, đau hơn thế, vọng vang như thế, Liên ơi!
|
Minh họa của họa sĩ NGUYỄN ĐĂNG PHÚ |
Nhớ về tuổi học trò của một liệt sĩ
Giây phút ấy sững sờ
giây phút ấy thiêng liêng
khi bắt gặp dòng chữ ghi tên bạn:
Liệt sĩ
Nguyễn Thị Liên…
Hy sinh…
Nét chữ đỏ
trang nghiêm
tạc vào bia đá
như tạc vào lòng Đất Nước
bạn ơi!
Tôi không nói được nên lời
ngọn gió Trường Sơn nghiêng về tưởng nhớ
mùi hương bay đâu đó
như hương lúa chín quê mình
kết dâng trên đồi bạn nghỉ
Tôi mang nhành phượng vĩ
đặt lên –
nhành hoa mùa hè
bạn đã làm thơ tặng
thân yêu mái trường
lấp lánh tuổi học trò
kỷ niệm
có bàn tay bạn trát vách, đào hầm
có bàn tay chúng tôi xoắn từng múi lạt
có tiếng bạn bè hát
trong từng loạt bom gầm…
Xa nhau
khoảng thời gian chưa một lần gặp mặt
không lá thư đi- về
tôi chẳng quên đâu giọng cười của bạn
giọng cười đem cái thương, cái mến
chia đều cho mỗi chúng tôi.
Bom giặc Mỹ rơi trúng lớp học mình nơi sơ tán
bạn lặng im đi nhặt từng quyển vở
nhặt từng bài giảng văn, đại số
lỗ chỗ vết bom bi
bạn cùng chúng tôi khóc tiễn Dực ra đi
vòng hoa trên mộ người bạn ấy
có mấy nhành phượng đỏ
cháy lên
trước một mùa thi!
Ngày bom Mỹ giết mẹ tôi
sao quên được những lời bạn nói:
Ước chi chia với Quý nỗi đau này một nửa…
Liên ơi!
giấy trắng bạn dành tôi một nửa
cứ nhường nhau chiếc nón chiều mưa
và nhỏ nhoi mảnh vá
đặt ấm lành trên vai
để cho tôi mỗi dặm ngắn dài
nhớ đôi bàn tay ấy…
*
Tuổi học trò ơi về giữa sáng mai nay
một giọng cười, một lời quen sống dậy
trái tim chở bao ước mơ còn đấy
đất nhân từ trổ ngát hương bay
Tôi tìm trong sắc lá hồn cây
những vần thơ như lời đất nhắn gửi
như lòng tôi từ nơi này bay tới
những con đường bạn đã đi qua
Con đường nào tiễn bạn đi xa
trên trọng điểm vừa tròn mười tám tuổi
cái dáng nhỏ nhoi trong mịt mù lửa khói
cũng thân quen như cái dáng học trò
Đất nghĩa trang lên thắm sắc cờ
nắng ban mai vàng thơm vở mới
tên thân thuộc bạn bè thường gọi
mãi tạc vào Đất Nước xanh tươi!