. Nhà văn VĂN CHINH
Câu chuyện bắt đầu từ đám tang ông Tấn Phương, Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo TW và những người bạn của ông, những người cùng ở Ban Tuyên huấn Liên khu 5 thời chống Mỹ. Có một “nguyên mẫu” trong câu chuyện, là khi có một người chết, những người bạn còn sống thường bàn về sự sống, về kiếp sống của con người. Rồi, bạn cứ nhớ lại mà xem, cuối cùng câu chuyện thể nào cũng quay lại với chủ đề muôn thuở là tình yêu, tình dục – nơi bắt đầu của sự sống. Câu chuyện sau đám tang ông Tấn Phương cũng thế, những người bạn ngồi café, ai đó nói: “Thời chiến tranh đói khát thèm đủ thứ thì sống nhăn răng, lại còn bom đạn nữa mà không chết. Bây giờ thịt cá ê hề, thèm khát gì là có ngay, không có dùng tiền mà gọi là có ngay thì lại lăn ra chết. Lại lăn ra chết vào cái lúc bao nhiêu dự định sáng tạo còn đầy ứ trong người.” Nhà văn Nguyễn Khắc Phục bèn kể lại câu chuyện những ngày đói khát, về kỷ niệm với cô giao liên Mộng Huyền - chuyện “kiêng kỵ” tình dục đã trở thành bản ngã từng qua rèn luyện của lính trận khiến ông trở nên ân hận; chuyện ông vì đói chất mà bị bệnh kiết lị nằm ở Bệnh xá Dốc Đót. Nhưng cũng chính ông nói, trong chiến tranh mọi chuyện đều có thể diễn ra, trừ tình dục; nó trở thành sự cấm kỵ mang mầu sắc tâm linh. Nhân đây cũng xin bàn góp để các bạn là bộ đội thực khi thực hiện kỷ luật quân ngũ sẽ “dễ chịu” hơn. Chữ “bại”, “hỏng” (敗) có bộ “nữ” (女), nghĩa chiết tự là đàn bà (trong nghĩa quan hệ) có can hệ trực tiếp đến chiến bại. Trong một bài viết khác, tôi có nói đến tiểu thuyết “Hội thề” tác giả để Thị Lộ theo liền Nguyễn Trãi trong chiến trận, lại hú hý nhau là vi phạm quân kỷ; lại hú hý nhau bên dưới trong khi Bình Định vương cô đơn ở tầng trên vì mới chết vợ, là khi quân phạm thượng. Bậc đại trí như Nguyễn Trãi thì không thể vi phạm quân kỷ và mắc tội khi quân như tác giả bịa ra như thế.
|
Để cái sự thiếu chất sinh ra kiết lị thêm sinh động, tôi mang chuyện xẩy ra với mẹ tôi kể lại. Mẹ tôi thiếu đói suốt tháng giêng hai, bị bệnh kiết lị; thuốc gì cũng không khỏi, bệnh viện giả về bảo cụ thèm ăn cái gì thì người nhà cứ cho ăn. Tôi hỏi, mẹ nói mẹ thèm ăn lòng lợn chấm mắm tôm chanh, tôi đã bán “lúa non” cho ông đội trưởng để mua về và mẹ đã khỏi đúng như trong truyện này. Nó cũng làm “cơ sở” để bệnh kiết lị của Nguyễn Khắc Phục khỏi do ăn chè củ mài nêm đường y tế thêm sức thuyết phục hơn.
Chuyện ông kỹ sư lâm sinh cũng do Nguyễn Khắc Phục kể lại, ông ta chống gậy ra chỗ đào huyệt mình, dùng gậy chỉ trỏ tránh rễ cây tôi nghe mà gai người. Nhưng để nhân vật “sống” đúng như nó, tôi mang chuyện của một nguyên mẫu khác, không có mặt ở căn cứ Ban Tuyên huấn Liên khu 5, mà “đắp điếm” vào. Tôi không thể nói tên người ấy ra, vì ông ta vẫn đang sống nhưng chuyện dùng chính sách ưu tiên dân tộc thiểu số mà đòi ăn cơm nếp, đòi “tảy tiêm bao” nếu phân công công tác ông xa nhà và cả những chi tiết khác như tìm trâu lạc, như việc làm tình xiêu lều đổ chòi thì có thực trăm phần trăm. Chính nó giúp tôi không cần nhiều lời mà nói được cái điều cần nói là sức sống, sức sinh sôi của dân tộc mình vô cùng mãnh liệt và tình yêu là sự mở đầu cũng như mong ước tái lai của người Việt mình và của mọi sắc tộc tiến bộ nhân ái khác trên thế gian.
Nhân thể cần nói thêm, những chuyện nhà văn Nguyễn Khắc Phục kể, tôi đã sử dụng phần lớn vào truyện ngắn này nhưng khi tôi viết lại thì nhân vật xưng “tôi” đã trở thành một người khác, “người kể chuyện”, không còn là chính nhà văn Nguyễn Khắc Phục ngoài đời nữa.
Truyện ngắn BỆNH XÁ DỐC ĐÓT
Chúng tôi tề tựu tại Phùng Hưng để vĩnh biệt người bạn chung vừa ra đi đột ngột vào tuổi năm ba. Vừa hôm kia còn ngồi với nhau, sau mấy vại bia đứa nào cũng bốc đồng, đe sẽ làm một bộ phim, sẽ đỡ đầu cho bộ phim để đời ấy, cho khán giả từ nay về sau đừng có hòng đưa phim lịch sử Trung Quốc ra mà dằn mặt nhau như từ nay về trước nữa. Hôm qua nghe tin đột quỵ, điện thoại réo gọi hẹn nhau đi thăm. Thế rồi cái hẹn đi thăm đã không còn cần nữa, chuyển thành cái hẹn đi viếng. Xe chở di hài đã đi khỏi. Mấy thằng tôi bơ vơ giữa phố nắng, một lúc thì giạt vào quán café bên đường, vừa uống bia vừa cảm thán vụn về cái ngắn ngủi đời người. Mỗi thằng một chuyện minh họa cho câu cảm thán của mình, loanh quanh thế nào rồi cuối cùng lại quay về chuyện thời chiến tranh. Đận ấy Ban Tuyên huấn khu Năm bị đói, đói lưu đói cữu, tôi năm mươi ký còn chưa đầy bốn chục. Lại cuối mùa khô của miền Trung, đến rễ cây cũng đắng. Tôi bị kiết lị, bị đi bị lại dai dẳng hàng mấy tháng trời. Tôi nhớ ngày còn ở quê, mẹ bị kiết lỵ uống thuốc nào cũng không khỏi, người cứ rộc đi. Mẹ gần như đành chịu chết ở tuổi năm ba. Bố tôi bảo mẹ thèm ăn gì cũng cố mua cho mẹ. Mẹ phều phào nói thèm bữa lòng lợn bún mắm tôm. Điềm gở mất rồi, mẹ có bao giờ ăn mắm tôm? Là dân vùng bể, mẹ tôi rất giỏi làm các loại mắm. Mắm tôm của nhà tôi đỏ au, tháng sáu rau muống non chúng tôi hái hàng rổ về, mẹ đánh chanh bát mắm hồng tươi trào bọt, bồng bềnh như nồi chè đậu đỏ bồng sôi. Nhưng mẹ tôi không bao giờ động đũa vào nó. Nguy rồi. Tôi bán non điểm vụ mùa cho ông đội trưởng, được mười ký thóc đem ra chợ Kinh Xuyên mua được thứ mẹ thèm. Mẹ ăn như người sẽ không bao giờ còn được ăn nữa. Cứ hết mắm tôm mẹ sai tôi lấy và bảo: “Để mẹ ăn hết chỗ bún này.” Hết chỗ bún ấy mẹ bảo thêm tý bún kẻo tí mắm tôm này phí phạm. Thế rồi mẹ ăn hết rá bún có ngọn, hết lưng rá lòng sốt. Rồi mẹ khỏi, khỏi tiệt bệnh mà không cần thêm viên thuốc nào nữa. Ba ngày sau mẹ ra đồng lại lam lũ nguây nguẩy nuôi bẩy anh em chúng tôi nên người như các bạn đã biết. Ở chiến trường ác liệt này lấy đâu ra bún mắm tôm lòng lợn? Tôi đành nằm chờ chết. Sau, người chỉ còn hơn ba chục ký thì anh em hốt quá, phải đưa tôi vào nằm bệnh xá. Được hơn một tuần, Mỹ mang bom đến quần đi quần lại, Khu dời cứ, bệnh xá dời theo; để cho gọn, bệnh xá chỉ mang theo những thương binh còn đám bệnh nhân dân sự thì gửi lại một bệnh xá huyện đóng ở dốc Đót. Gọi thế vì trên lưng dốc ấy không có nhà cửa gì, đến cái cây to cũng không có. Đất rừng Quảng Nam vốn đã tàng kiệt bởi gió tây và bão biển day dứt mấy ngàn năm, lại từng bị tàn phá từ hồi chín năm, chỗ nào cũng chỉ thấy cây bụi. Có vùng trắng phớ cờ lau. Chỗ chúng tôi đây toàn một loại cây đót, mùa nắng lá cụp xuống không thể tự che đậy nổi cho tấm thân độn mấy tầng vỏ măng vẫn rất gầy guộc của mình; mùa cuối đông có mẩy hơn một tẹo đã phải chắt mình nuôi hoa để rồi dăm ba tháng sau vui vẻ đem hoa cho người ta làm chổi. Chổi cùn, mục ra lại nuôi đất nuôi đót con và cũng có thể nuôi chính mình trong cái kiếp luân hồi nào. Tôi nghe nói chỗ này còn gọi là dốc Thợ Rèn, nhưng không thấy lò rèn ở đâu, đến mạt sắt dấu than cũng không thấy nữa. Dân làng thì quá xa, trưa nắng gắt đứng trên đỉnh Dốc Đót may ra mới thấy ngôi làng mờ mịt cuối tầm. Tôi nằm khàn chờ lúc ra đi cho thật nhẹ, nhưng khó quá. Thật may là trên đời không có một điều ước có thật như trong cổ tích, vì nếu có thì tôi đã chết ngay từ ngày ấy, chết trong làn khói thuốc Rubiquyn ngào ngạt, trong khi bàn tay người đẹp ôm mặt sụt sùi. Ước chết nhẹ nhàng nhưng tôi vẫn còn tiếc. Tiếc mình chưa biết mùi đời. Hồi còn làm thủy thủ ở Hải Phòng, tôi có một mối tình, nhưng Na (hơn tôi ba tuổi) không chịu thừa nhận nó. Một hôm tôi rủ Thanh Tùng, Thi Hoàng đến cố tả phù hữu bật cho mối tình của tôi. Bà giúp việc ghê lắm, đợi chúng tôi vào hẳn cổng mới thả chó ra sủa. Tả hữu tướng quân của tôi lập tức mất hút, bãi sa trường tình yêu chỉ còn lại tôi với vài thứ lặt vặt. Cái quý nhất là quả tim hừng hực thì trong lúc lâm nguy không kịp móc ra ném chó, nhìn lại chỉ còn đôi dép nhựa Tiền phong mới được mua thưởng tiêu chuẩn giá sáu đồng mốt; nó rất quan trọng với thằng con trai hai mươi thời ấy, nhờ nó mà bữa nay tôi dõng dạc đến nhà nàng. Thôi thì mạng sống trước đã, tình yêu tính sau, tôi vung dép ném chó rồi đi chân đất vào ra mắt Na của tôi. Nàng lấy thuốc Tam đảo bao bạc mời tôi hút rồi nhếch miệng: “Anh nói anh yêu tôi à? Yêu lắm à? Được mấy năm, tôi sẽ già đi, anh sẽ bỏ tôi mà đi trăm năm với em Ngỗng em Nguyệt nào đó ư? Thôi, có thể coi truyện ngắn Hoa cúc biển là cái vé vào đời của anh, nó có thể đưa anh đi xa lắm đấy.” Sáng hôm sau tôi lên Hà Nội. nộp đơn xin đi B ở ủy ban Thống nhất. Tôi có mặt ở đây lúc này là bắt đầu từ đó, từ chị Na của tôi mà cho đến tận hôm nay, cái mùi vị lan tỏa trong đêm chó sủa vẫn còn phảng phất trong lòng làm chứng rằng cái tiết trinh đã bị lung lay lắm. Nó rất giống cái mùi vị quấn lấy tôi đêm gùi gạo về cứ bị lạc, tôi đã gặp cô ta. Nói là đi gùi gạo nhưng thực ra tôi được Tuấn vổ cáng đáng hộ, thằng bạn đồng hương nói: “ Giai cứ đi với ta, kể chuyện cho ta nghe là được, sáu mươi bò gạo chả bõ sức ta, gạo của giai cứ để ta gùi.”Theo hẹn, khi sắp về cứ, tôi sẽ vác gạo của mình để khỏi bị phê bình không có tính giai cấp. Nhưng bữa ấy Mỹ ném bom, chúng tôi lạc nhau giữa rừng, tôi lang thang vừa đói vừa sợ trách nhiệm, lòng cứ như lửa đốt. Đêm ma trơi trộn tiếng hú gào của rừng đót và của cái đói như quỷ hành tôi khốn đốn. Giữa lúc ấy tôi gặp cô gái giao liên. Cái đám con gái thật giỏi trữ của. Vừa gặp nhau, nhìn thần sắc tôi cô gái đã vội vội vàng vàng xuống suối lấy nước, đun nước sôi pha sữa cho tôi uống rồi lại tất bật nấu thịt hộp cho tôi ăn. Cái đói dỡ dần còn cô ta thì cứ như càng lấn bấn hơn, cứ giục tôi ăn cho đến lúc tôi lử ra vì no quá thì cô lấy bao thuốc Rubiquyn còn nguyên nhưng vỏ bị móp, có lẽ do bị dồn ép trong bòng lâu ngày, đưa cho tôi. Tôi nằm võng hút thuốc, trong khi cô gái tròn như hột mít vẫn tất bật xuống suối. Thì ra cô tắm. Rồi cô hát. Giọng khê nồng, lại sai nhạc nữa, nhưng vẫn cô cố đi cho hết bài Tình ca. Giọng bị nhòe đi bởi nước dội ào ào, lúc tắt lúc vùng quẫy lên như người cố leo đèo, tôi thấy ngồ ngộ bởi bài ca ướt giữa đêm rừng sâu. Tôi không dám ướt theo nó, tôi từng bị kiểm điểm vì tội tán gái nhiều lần. Tôi có tội gì đâu? Giữa chiến tranh ác liệt, những câu chuyện chỉ nhằm làm vợi nhọc nhằn chết chóc, các cô gái thích tôi thì hẳn cũng chỉ vì những cái tôi mang lại. Tôi sức trói gà không nổi, tự nghĩ phải “ẵm em” thay vì “xay lúa” thôi mà; chứ sức đâu mà gái gú? Sao các thủ trưởng của tôi không thấy ra điều đó nhỉ? Ánh mắt các cô sáng lên khi nghe chuyện tôi thì nào tôi có được gì. Sao các thủ trưởng không nghĩ cách gì đó làm mắt họ sáng lên, để thử xem đấy có phải là hủ hóa không? Tôi lơ mơ ngủ sau cái no bội thực, nhưng vẫn mơ hồ cảm thấy mùi vị Na trong cái mùi xà bông Camay, không, mà hương của trinh nguyên lay động thì đúng hơn. Đêm năm canh tôi trằn trọc mất ba bốn, còn cô gái cũng hình như thế. Thỉnh thoảng tôi còn nghe tiếng hát khê nồng, tiếng thở dài duỗi ra như một buông thả hết cứ hoành cứ đêm sâu
|
Minh họa của họa sĩ NGUYỄN ĐĂNG PHÚ |
Sáng dậy, tôi bẽ bàng xuống suối rửa mặt thay quần lót. Tôi chợt nhìn thấy đám bong bóng xà bông lấp lóe cầu vồng dưới nắng. Lạ thật, chúng không tan đi sau một đêm dài đến thế; tôi khẽ thổi, đám bong bóng xà bông lồng bồng méo đi một lát rồi lập tức lồng bồng trở lại. Tôi ứa nước mắt. Tôi nhìn quanh, cô gái đã đi từ lúc nào. Nếu không có cái bếp lửa tàn, không còn vỏ sữa ông thọ hờn dỗi nằm dưới chân thì có lẽ tôi đã coi cuộc gặp đêm qua là một giấc mơ như tôi quả thực có nằm mơ không hay hớm gì với Na của tôi. Nhưng không chỉ có thế. Ngày hôm sau về cứ, tôi nghe cô gái ấy bị bom trên đường về Khu. Những bức thư hậu phương, những mệnh lệnh chan hòa máu cô giao liên Huỳnh Thị Mộng Tuyền-một trinh nữ đi qua tôi như vì sao băng.
Bệnh xá trưởng là ông to to nào đó, nhưng suốt những ngày tôi nằm bệnh không thấy ông có mặt. Người thường xuyên tiếp xúc với chúng tôi là bác sĩ Lưu Thụy Phương, người Hà Nội. Một người Hà Nội trong dáng thanh mảnh, giọng như phát thanh viên Hoàng Yến, trong nét cười hơi buồn và nhất là trong đôi mắt đen to mượt những hàng mi hình như hơi rậm. Chị vào đây sau chồng mấy năm. Anh là giáo sư chuyên nghiên cứu bệnh sốt rét, tên anh ai cũng biết vì nó được dùng làm tên gọi thứ lá chữa sốt rét thay kyninh, nhưng vì lý do mà các bạn sẽ biết sau đây, tôi không muốn nói ra tên chồng chị. Họ vẫn đang sống với nhau ở huyện vùng sâu của đất Quảng, nhân thể cũng nói rằng cái tên Lưu Thụy Phương cũng chỉ là do tôi đặt; tên thực của chị Hà Nội hơn, hợp với người chị hơn. Có những người dù họp đồng ngũ có năm lần bẩy lượt gọi cũng không có mặt, nhưng biết làm sao. Chị vốn được tăng cường cho Đội phẫu thuật tiền phương. Các thương binh qua tay Phương mổ vẫn còn râm ran kể về chị như một huyền thoại hàng năm trời và ở khắp các mặt trận, kể cả khi chị đã bị kỷ luật. Không ít người bị bạn bóc mẽ khi trót dại nói rằng đã được hôn chị Phương khi nằm điều trị ở Đội phẫu thuật tiền phương, có tay bị đấm vỡ hàm khi dám bảo ở đùi non của Phương có nốt ruồi đỏ. Lưu Thụy Phương là mặt trăng chung của mọi người, không ai có quyền nhận làm của riêng, trừ ông giáo sư chồng chị đã lỡ rồi thì thôi. Thế rồi, trong một lần ông giáo sư đi hái thuốc bị cái trực thăng vồ mất. Chúng đánh ông, ép ông phải chiêu hồi rồi thu băng giọng ông kêu gọi “anh em trở về với chính nghĩa quốc gia để được cư xử tốt”, tiên sư cha chúng nó. Khi tôi gặp Phương thì chuyện ấy qua lâu rồi. Hình như vợ chồng cũng chưa gặp nhau được mấy lần từ năm ông giáo sư đi B. ở chung mặt trận, nhưng khác đơn vị. Chồng chiêu hồi, Phương được điều về bệnh viện địa phương, không may cho chị, trong một lần tiêm ven Vitamin C cho một nữ huyện ủy viên, Phương tiêm nhầm thuốc kích hoạt tim, khiến cho chị cán bộ bị sốc. Phương bị điều xuống làm ở bệnh xá Dốc Đót này.
Ở bệnh xá lúc ấy cũng không đông bệnh nhân. Một anh lính tâm thần do bị sức ép bom chùm, một cán bộ cấp tỉnh bị vôi hóa cột sống, một kỹ sư lâm nghiệp bị sơ gan cổ chướng, Tuấn vổ đồng hương tôi và khoảng chục bệnh binh quân địa phương, họ đến khỏi bệnh thì đi. Tại một bệnh xá như thế, thì giờ chả biết để làm gì. Anh lính tâm thần lại là tay thạo việc. Chả mấy hôm hắn không kiếm được một cái gì đấy, củ sắn, củ mài, quả mít quả quéo. Hắn mang về, long trọng ra lệnh cho Phương nổi lửa nướng sắn, tệ cái là hắn chỉ đồng ý cho Phương chế biến cái hắn mang về, kể từ mấy con ngóe còm. Xong, hắn tỉ mỉ ngồi chia đều cho mỗi người; có nhiều hôm hắn chia đi chia lại vì cảm thấy không được công bằng lắm, thành ra củ sắn nát bét dưới bàn tay lưu cữu không rửa. Nhưng tôi để ý, mỗi lần cầm miếng sắn của hắn đưa, Phương lại thở dài. Miếng sắn quả có lớn hơn của chúng tôi. Mỗi lần được cải thiện ngoài tiêu chuẩn như thế, tay kỹ sư lâm nghiệp phấn chấn hẳn. Và thể nào hắn cũng bảo:
-Chị Phương ơi ! Quê chúng ta xa cách, nhưng ít ra là đồng hương miền, tôi chỉ xin đồng hương nhõn việc này thôi. Khi tôi chết, nhớ ghi là tôi bị bom, chứ ghi thật thì tôi còn mặt mũi nào nhìn thấy người vợ xã đội trưởng của mình?
Tuấn vổ nói:
-Rách việc nhà ông lắm. Chết rồi còn sợ gì?
-Không được-ông vôi hóa nói, chết bệnh là chết bệnh. Ghi thế hóa ra ăn gian tiêu chuẩn à? Lời thề trước Đảng kỳ để đâu?
-Tôi không ăn gian tiêu chuẩn. Tôi chưa có con, nhà nước chả mất tiền mất điểm ưu tiên học hành gì, vợ tôi khỏe như ngựa cái, nó cũng không thèm. Đây là tôi lo cho tấm bằng treo có dán ảnh thờ tôi. Tôi chỉ tiếc cho thân tôi-chợt ông ta nấc lên, nước mắt chảy chẳng buồn quệt: mất công đi vào tận đây mà rồi chết vớ chết vẩn. Chị Phương, chị hứa với đồng hương đi, để tôi yên lòng.
Những khi như thế, bao giờ Phương cũng nói:
-Bác lau nước mắt đi đã, tôi mới hứa.
Và thể nào ông xơ gan cũng vội vàng lau nước mắt, vội vàng cười nói như không. Có khi còn cao hứng kể:
-Vợ tôi ấy à, nếu có thua đồng hương đây thì cũng chỉ thua tấm áo manh quần, mà khỏe hết sẩy luôn. Rung nhà sàn nhé, rên tơi tả cả vách đá nhé. Có một đêm tôi mệt, làm ăn chắc là chả bõ bèn gì, thế là nó cứ nằm mà ném tôi vào góc nhà, như ném con nhái bén, ghê chưa? Lại có bận đang làm cỏ sắn trên nương, đá sắc như thế mà nó cứ bắt tôi làm. Xong đứng dậy, lưng áo vợ đầm đìa máu, ghê chưa? nhưng nó vẫn như không cứ vừa đơn ca “không cho chúng nó thoát” vừa dẫy cỏ đến tối mịt, mặc cho tôi nằm khểnh trên lán ngáy pho pho. Chỉ con gà thiến sứt là chết oan buổi tối hôm ấy, ối giời ơi đất ơi!
Tuấn vổ nuốt nước bọt rồi bình luận:
-Quân dã man !
Phương cười độ lượng. Tôi có cảm giác tục tĩu về câu chuyện của ông xơ gan, niềm trắc ẩn trước một người đàn bà thanh nhã khiến tôi đem những câu chuyện mình từng đọc hoặc từng sống, như những chuyện vừa kể lúc nãy cho các ông nghe, hòng xua đi cảm giác bất nhã trước cái tinh tế của người đẹp. Tôi gần như độc diễn toàn bộ Hamlet, Romeo & Juliet; lại có thêm một kẻ bình luận nhảy trong mình ra ở những chỗ diễm tình nhất. Có đêm, bên bếp lửa vạc dần, tôi gần như đọc thuộc lòng truyện Những vì sao của Ansfon D’ Dode. Lẽ ra, khi cô gái mang cơm đã gục vào vai chàng chăn cừu mà ngủ là hết chuyện. Nhưng tôi không thể ngừng, tôi phịa ra:
-Câu chuyện về chàng chăn cừu từ thảo nguyên bao la của nước Pháp đã lan sang châu Mỹ, sang cả Trung Quốc, dội về ấn Độ rồi theo các chàng thủy thủ vượt Đại Tây dương lên Bắc cực. Một chàng thủy thủ xứ lạnh vốn thô kệch, suốt đời chỉ biết có lau chùi máy móc và hạ buồm khi có bão một hôm nghe xong chuyện chàng chăn cừu, bỗng nhiên trở thành thi sĩ. Và đây là thơ của chàng: “Hôm nay xem đám cưới sao/ Đến hôm nào, đến hôm nào cưới ta?”
Trong những khi kể chuyện, tôi hay nhìn vào mắt người nghe, trừ Phương. Lần này, sau một lúc cồn cào không đừng được, tôi khẽ liếc nhìn Phương. Một thoáng bối rối, nhưng ngay sau đó lại nhìn tôi cười cười, cái cười đồng lõa của kẻ bắt quả tang người nói dối, nhưng tha. Phương làm như chợt nhớ, lấy từ trong tủ thuốc ra cho tôi một điếu thuốc Rubiquen. ông kỹ sư lâm nghiệp đã chuyển bệnh, nãy giờ nằm nghe Những vì sao bỗng khóc hu hu:
-Quê tôi không có cừu, chỉ có trâu bò thôi. Cái chuyện anh kể hệt như chuyện của tôi và vợ. Tài thật, cứ như ông người Pháp kia kể về vợ chồng tôi vậy.
Tuấn vổ bình luận:
-Thấy sang bắt quàng làm họ lắm nữa.
Ông kỹ sư cố ngước người lên, cãi:
- Đấm thèm vào nhận vơ nhé. Hồi ấy hai đứa tôi mới mười ba mười bốn. Con trâu của nhà vợ tôi bị lạc, nó vừa khóc vừa bắt đến tôi vì trâu cái nhà tôi cứ rủ rê trâu đực nhà nó. Tôi chịu không nổi nước mắt, đành phải cùng nó đi tìm. Dễ thôi, chúng tôi dắt trâu cái nhà tôi vào sâu trong bãi Ma, buộc con nghé ở bãi Trống. Trời nhá nhem trâu cất tiếng nghé ọ gọi con. Mới nghé ọ được vài tiếng, đã thấy con trâu nhà nó hộc tốc lồng về. Chúng tôi mừng như cha chết sống lại, vắt vẻo trên lưng trâu về làng. Trăng non vắt đỉnh núi, rãi vàng trên bãi sim. Tôi những muốn mặc mẹ sự đời, lấy lá cọ làm nhà, lấy lá chuối rừng làm giường ôm nhau ngủ trên nương trăng; nhưng tôi không dám. Sau này thành vợ chồng, tôi nói lại chuyện ngày bé, nó nói: Sao không... bây giờ còn tiếc? Mới đấy mà nay tôi đã sắp chết mất rồi. Bây giờ có tiếc cũng chả nước non gì nữa. Nhưng không có con nhái bén tôi đây, vợ tôi nó sống thế nào hở giời? Đồng hương ơi, hứa đi, đồng hương nhớ ghi cho tôi chết giữa làn đạn quân thù, nhớ đấy.
-Bác lau nước mắt đi rồi tôi hứa!
-Không được, như thế là gian dối !
Ông kỹ sư không còn cãi gì nữa, ông đã teo lại, chỉ cái bụng ngày mỗi to ra kinh khủng. Tuấn vổ cùng mấy người ốm nhẹ mấy hôm nay đã đào sẵn một cái huyệt, đất đá cứng, sức bệnh nhân chả có mấy, mỗi ngày đào một chốc. ông kỹ sư vào lúc gắng được, cố lết ra đồi chỉ huy đám phu huyệt. Chỉ trỏ, nắn hướng, bé chỗ này, to chỗ kia. Gặp cái rễ cây, ông nói:
-Tránh, tránh cho tôi cái rễ kia kẻo mai kia rễ cây ăn mất hoa cái thì chết.
Anh em mệt, bực tức định bỏ. Tôi phải nói mãi, phải kể hết Những người khốn khổ mới xong được cái huyệt nông choèn choèn. Đất khu Năm cứng quá. Tối hôm ấy, khi anh lính tâm thần mang về ba túi mìn đầy khự củ mài, buộc quanh lưng như lính đặc công vô trận, miệng toe toét rõ ra vẻ công thần nặng. Phương không đợi hắn giục, tự giúp hắn gỡ những túi củ mài ra. Nàng cạo gọt tinh tươm rồi nấu một nồi chè. Nàng âm thầm làm, kể cả khi Tuấn vổ tán nhăng tán cuội cũng không thấy cười. Nồi chè ngon tuyệt, đường là mấy gói Gluza quá hạn sử dụng, nhưng mà thật ngon. Phương nhẩn nha cố bón cho ông kỹ sư, vừa bón vừa dỗ, kể cả dọa sẽ không ghi bệnh án như ông đề nghị mới được ba thìa. Chàng trai miền núi vâm váp ngày xưa giờ cổ ngỏng ra, nuốt mấy bận không xuôi nổi thìa chè, lạ thật, cái tạo hóa vu vơ như thế là thế nào nhỉ? Phương ghé tai tôi dặn:
-Tối nay bác ấy sẽ đi. Anh bảo anh em ngồi lại với bác ấy.
Bếp lửa bập bùng lúc tắt lúc sáng. Tôi cảm thấy rõ ràng đang có một chuyển động nào đó, thật lớn lao, đang diễn ra. Phương đã vứt ra bàn cả gói thuốc lá dở, (gói thuốc nàng vẫn dùng thay thế thuốc giảm đau cho các vết thương, cơn nghiện của tôi, suy cho cùng cũng là một thứ đau), nhưng tôi vẫn không tài nào kể chuyện được như mọi ngày. Mọi cốt chuyện trong cái kho tiểu thuyết của tôi như bị rứt ra khỏi ký ức. Tôi vừa cố nhớ vừa nghe trong người xem tại đâu. Chợt tôi hiểu ra. Cái bát chè củ mài đã làm tôi nhẹ hẳn cái bụng. Giờ thì nó êm êm nhẹ nhõm. Bát chè củ mài đã phát huy uy lực của nó, như rá bún mắm tôm lòng lợn ngày tôi còn ở nhà. Phấn chấn, tôi bèn bịa ra câu chuyện như sau:
“Ngày xưa, ở một triền núi xa có chú bé chăn trâu...”
Thật bất ngờ, vừa mở đầu như thế, ông kỹ sư đã giơ tay ngăn lại, thì thào:
-Không kịp đâu, kể từ khi tôi chết thôi. Anh bảo sao, mấy chục năm nữa, khi vợ tôi chết, chúng tôi có gặp lại nhau nữa không? Nó còn yêu tôi không, liệu có xin với giời cho nó đừng quá khỏe như thế không?
“Có chứ, bác cứ yên tâm. Vòng luân hồi của kiếp người qua mười hai giống loài sẽ trở lại làm người. Với những người tốt, chết xong lại đầu thai ngay. Và để cho tiện, giời cho đầu thai ngay vào cửa cha cửa mẹ của người chết, dĩ nhiên là làm cháu làm chắt thôi. Còn những kẻ ác nghiệt, phải cho xuống vạc dầu nấu sôi ba vạn năm mới cho hóa kiếp. Tội nhè nhẹ thì bắt leo cầu vồng, leo đến đoạn cầu vồng không nối vào nhau thì rơi xuống địa ngục bị chó ngao xé xác, như thế là chết lần thứ hai. Người tốt như chàng chăn trâu của chúng ta thì giời cho hóa kiếp ngay, có như thế thì mới cân bằng được thiện ác ở đời. Chàng chăn trâu u ơ lớn lên, lại là đứa chăn trâu, lại làm bạn với cô gái hàng xóm nhà bên kia con suối nhỏ; lớn lên cũng sẽ đi học Đại học Lâm sinh ngoài Quảng Ninh. Trường định giữ lại làm cán bộ giảng dạy, chàng bèn đòi chế độ ăn cơm nếp, đòi uống rượu và đêm đêm được đi ngủ tiêm bao ngoài nương như tập quán mường chàng. Nhà trường hãi quá, đánh quyết định cho chàng về tỉnh, tỉnh cho chàng về lâm trường gần nhà. Thế là chàng vội vã cưới cô gái nhà bên kia con suối nhỏ. Chàng trở thành kỹ sư lâm nghiệp cơm nhà ngủ vợ.”
Người hấp hối nhệch miệng cười:
-Cậu kể hay lắm, nhưng chỉ nói sai nhõn một chữ, đã mất hay hẳn. Cánh lâm nghiệp chúng tớ nói thật, nghe hay hơn. Thôi, đồng hương Phương, chả nói dối làm gì. Đồng hương cứ ghi tôi bị xơ gan cổ chướng là được. Tuấn ơi, cậu tốt lắm, thời trẻ tớ cũng in hệt cậu. Lấy cho tớ bộ quần áo tớ mang đi từ nhà, thay cho tớ để vợ tớ nó dễ nhận ra. Chị Phương, chào chị, tôi chỉ mới đi qua Hà Nội, ghét người Hà Nội lắm, họ khác chị.
Mọi người lần lượt lại gần người sắp lìa cõi đời. Tôi lại sau cùng, khi mọi người đã ra hết. Ông kỹ sư thều thào:
-Nhà văn ơi, cô Phương yêu cậu lắm đấy - tôi đỏ mặt cãi “đâu có,”thì ông nói tiếp: Có đấy, nhìn cô ấy nhìn cậu là tôi biết liền.
Sáng hôm sau, khi chôn cất xong người quá cố, Phương đưa cho tôi giấy ra viện và nói:
- Tâm hồn anh tốt lắm, nhưng mà rồi khổ đấy. Nhớ là anh phải sống, phải sống...
- Tôi muốn nghỉ ngơi thêm mấy hôm?
- Không, ở lại lúc này thì anh...Sẽ không còn phép mầu nào nữa đâu. Anh phải đi...Kìa anh, đi đi
V.C