Từ nguyên mẫu đến nhân vật

SỐ PHẬN CỦA NGUYÊN MẪU TRONG "CON NUÔI TRUNG ĐOÀN"

Thứ Hai, 05/11/2012 00:00

Vài nét về nhà văn Valentin Petrovich Kataev

Valentin Petrovich Kataev sinh ngày 28 tháng giêng năm 1897 ở Odessa trong một gia đình giáo chức. Các tác phẩm đầu tay của ông xuất hiện trên các tạp chí địa phương từ năm 1910. Năm 1915 ông tình nguyện ra mặt trận khi chưa tốt nghiệp trung học, bị thương 2 lần. Thời kỳ này ông bắt đầu viết các phóng sự mặt trận, các ghi chép về cuộc sống của lính.

Năm 1919 ông gia nhập Hồng Quân, trở thành sĩ quan chỉ huy một đơn vị pháo binh trên mặt trận Sông Đông. Trở lại Ođessa sau chiến tranh, ông tham gia các nhóm sáng tác khác nhau trên văn đàn, kết bạn với các nhà văn nổi tiếng thời đó như Iu.K.Olessa, E.G.Bagritsky và cùng với họ viết các tác phẩm tuyên truyền dùng làm nội dung khẩu hiệu.

Nhà vănValentin Petrovich Kataev

Từ năm 1922 ông chuyển đến sống ở Matxcơva, làm phóng viên cho tờ báo "Tiếng còi", cộng tác viên viết châm biếm và tiểu phẩm hài cho các báo khác nhau. Trong Chiến tranh Vệ quốc ông ra mặt trận, làm phóng viên chiến trường, viết các tiểu phẩm hài, ghi chép, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết. Cuốn truyện vừa "Con nuôi trung đoàn" viết năm 1944, xuất bản năm 1945, được giải thưởng Nhà nước năm 1946 mang lại cho nhà văn sự nổi tiếng. Cuốn truyện được chuyển thể thành kịch bản sân khấu, được dựng thành phim và được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau.

Kataev mất ngày 12 tháng 4 năm 1986 tại Matxcơva.

Truyện vừa “Con nuôi trung đoàn”

Nhà văn Valentin Petrovich Kataev (1897 - 1986) viết cuốn truyện vừa "Сon nuôi trung đoàn" năm 1944, khi cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của người dân Liên Xô chống phát xít Đức sắp bước vào giai đoạn cuối.

Chiến tranh đã mang lại cho đất nước Xô viết nhiều tổn thất nặng nề, nhiều đau khổ và bất hạnh. Nó phá hủy nhiều làng mạc và thành phố, giết chết hàng triệu người dân vô tội, nhiều trẻ em mất cha mẹ, trở thành trẻ mồ côi.

Câu chuyện "Con nuôi trung đoàn" của nhà văn V.Kataev viết về số phận của cậu bé nông thôn Vania Solntsev đã bị chiến tranh tước mất tất cả, cha mẹ và người thân, ngôi nhà và cả tuổi thơ. Lưu lạc trên chiến trường, Vania tình cờ gặp gỡ với những người lính Xô viết Egorov, Еnakiev, Kovalev, Bidenko, cùng với họ cậu sống qua chiến tranh, trở thành một người lính trinh sát dũng cảm, giúp cậu trở thành một người công dân Xô viết với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp nhất. Người đọc nhỏ tuổi có thể thấy chiến công của những người dân Xô viết trong cuộc chiến tranh Vệ quốc không đơn giản chỉ là kết quả của lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mà còn nhờ kỷ luật thép, ý chí kiên cường, tình yêu tổ quốc vô bờ bến và công sức to lớn của hàng triệu người dân Xô viết thời kỳ ấy.

Số phận của nguyên mẫu và nhân vật


Trong câu chuyện của mình nhà văn Kataev đã bỏ qua xuất thân của cậu bé nguyên mẫu. Cậu từ đâu đến và vì sao trở thành trẻ mồ côi. Cậu bé Isaak Solntsev sinh năm 1933, không rõ cha là ai, sau khi mẹ chết đói được những người hảo tâm mang đến trại trẻ mồ côi trên phố Basman ở Matxcơva với một mảnh giấy cài trong tã: "Tên là Isaak, người Do Thái. Xin đừng để nó phải chết...".

Đó là tất cả những gì còn sót lại. Trại trẻ khi làm giấy tờ xác nhận nhân thân cậu bé đã phải tự nghĩ ra cho cậu một cái họ. Một nhũ mẫu khi tắm rửa cho cậu, ngắm nhìn gương mặt tươi sáng lấm tấm tàn nhang đã thốt lên: "Thằng bé sáng rỡ như mặt trời nhỏ vậy". Và thế là cậu được đặt tên là Isaak Solntsev (tiếng Nga Solntse là Mặt trời").

Ông già Isaak Solntsev những năm cuối đời

Chiến tranh bước vào thời kỳ khốc liệt. Trẻ em trong trại cũng tham gia đào giao thông hào và hầm trú ẩn trong rừng, vận chuyển lương thực - bánh mì và khoai tây. Rồi chiến tranh tiến đến gần Matxcơva hơn, trại trẻ được lệnh đi sơ tán. Nhưng hai cậu nhóc Isaak Solntsev 11 tuổi, và Volodka Voznesensky 13 tuổi bỏ trốn ra mặt trận.

Người ta có thể dễ dàng hình dung ra sự ngạc nhiên tột độ của các chiến sĩ khi phát hiện hai kẻ "lạ mặt" trong toa tàu, ngay tại ga cuối cùng trước khi tới mặt trận. Họ đuổi chúng xuống tàu, bắt quay lại hậu phương, nhưng hai đứa bé đi bộ xuyên rừng, tiếp tục hành trình ra mặt trận, và tới ngoại ô thành phố Bobruisk thì gặp một đơn vị pháo binh. Các chiến sĩ đã thông cảm với hoàn cảnh của hai cậu bé, và nhận chúng vào trung đoàn mình. Isaak Solntsev được nhận vào trung đoàn pháo binh, còn Voznesensky vào trung đoàn kỵ binh. Chính các chiến sĩ pháo binh đã đặt cho cậu bé cái tên Nga là Vania.

Cậu bé trinh sát chiến đấu dũng cảm ngoài mặt trận, được tặng thưởng nhiều huân huy chương khác nhau, và đến năm 1944 thì được đưa đi học tại Học viện Quân sự Suvorov. Trong tác phẩm văn học, câu chuyện dừng ở đây. Còn nguyên mẫu, Isaak Solntsev – thực tế đã không chấp hành lệnh đi học. Cậu bé bỏ trốn trở lại mặt trận, và đuổi kịp trung đoàn của mình. Năm 1945, khi chiến tranh kết thúc, cậu bé cùng với trung đoàn ở Tiệp Khắc. Cậu bị thương nặng, và trong bệnh xá dã chiến được một y tá quân y tên là Malania Rakova nhận làm con nuôi, cho cậu mang phụ danh theo tên của người chồng vừa mới hy sinh trước đó chưa lâu. Tên đầy đủ của cậu bé trở thành Isaak Platonovich Rakov-Solntsev. Nhưng số phận không cho cậu bé cuộc sống bên mẹ. Bà Malania Rakova hy sinh ngay sau đó, trên đất Tiệp Khắc khi các vết thương của cậu bé còn chưa lành. Ngay sau khi xuất viện, cậu được điều sang Nhật cùng với trung đoàn của mình.

Chiến tranh kết thúc với thương binh 15 tuổi như thế. Sau chiến tranh, do nhỏ tuổi, Isaak Solntsev chỉ được nhận một nửa phụ cấp. Cậu trở lại Matxcơva, sống lang thang một thời gian dài, làm những công việc vất vả khó nhọc như quét dọn đường phố... Và sau khi người vợ đầu tiên tên là Zoia bỏ ông mà đi, Isaak Solntsev trở nên nát rượu, chỉ đau đáu tìm lại những người bạn cùng trung đoàn cũ.

Trong khi đó, cuốn truyện vừa "Con nuôi trung đoàn" trở nên rất nổi tiếng, thậm chí được dựng thành phim và bộ phim này cũng mang lại những cảm xúc đặc biệt cho người xem. Vì tuyên bố mình là nguyên mẫu của nhân vật Vania Solntsev trong cuốn sách mà Isaak Solntsev bị đưa vào viện tâm thần. Tại đó ông đã trình cho giám đốc bệnh viện những giấy tờ cũ, vốn vẫn được khâu kín trong lần lót áo khoác, và từ đó người ta mới tin những câu chuyện của ông.

Sau nhiều năm lưu lạc khắp nơi, năm 1984 Isaak Solntsev đến Odessa, quê hương của nhà văn Kataev, sống cùng người vợ thứ hai là Klava. Ông mất năm 1986, hai tháng sau một tai nạn giao thông.


NGUYỄN QUỲNH HƯƠNG

Trích đoạn truyện vừa “Con nuôi trung đoàn”

VALENTIN PETROVICH KATAEV


Mụ người Đức nói khẽ, hơi thở ra đằng mũi:

- Nói đi!

- Tôi không nói - Vania nói khẽ hơn.

Ngay lúc đó cậu bé thấy bàn tay của tên sĩ quan, điểm chiếc nhẫn cưới mảnh ở ngón, từ từ hạ xuống để lộ bộ mặt tàn hương, ốm yếu, có cái mũi đỏ và cái cằm thót như của già bà.

Vania không kịp xem mắt của tên sĩ quan như thế nào, chỉ thấy nó nẩy lửa và một cái bạt tai trời giáng đã lăng cậu vào tường.

Gáy Vania đập vào khúc gỗ nhưng chưa kịp ngã thì lập tức lại bị lăng mạnh về phía bàn rồi bị một cái bạt tai thứ hai cũng ghê người như cái thứ nhất. Rồi chúng vẫn không để cậu ngã. Cậu vẫn đứng, nghiên ngả trước cái bàn và bây giờ thì máu mũi của cậu nhỏ giọt xuống quyển sách vỡ lòng, thấm đỏ giòng chữ: “Chúng ta không là nô lệ”.

Trước mắt cậu bé chỉ thấy bay đi bay lại những chấm trắng và chấm đen chói lọi cặp kè nhau. Tai cậu ù lên và có cảm tưởng đứng trong một cái nồi hơi rỗng, bên ngoài có ai lấy búa đập thình thình. Rồi Vania nghe thấy một giọng nói rất khẽ và xa xôi:

- Bây giờ mày nói chứ?

- Bà, đừng đánh nữa! cậu bé hét lên và hoảng sợ lấy tay ôm đầu.

- Bây giờ mày nói chứ? giọng nói xa xôi dịu dàng nhắc lại.

- Tôi không nói - cậu bé khó khăn hé miệng thì thào.

Lại một cái bạt tai nữa quẳng cậu vào tường và sau đó Vania không biết gì nữa. Cậu không biết được là có hai tên lính lôi cậu ra khỏi hầm và con đàn bà Đức hét theo:

- Coi chừng! Mày sẽ phải khai hết sau khi nhịn ăn nhịn uống ba ngày.

Những tiếng nổ ghê gớm rung chuyển mặt đất làm cho Vania tỉnh lại trong bóng tối mù mịt. Cậu bị quẳng đi quẳng lại từ phía tường này đến phía tường khác. Người cậu nghiêng ngả. Cát khô ở trên rơi xuống rào rào, lúc thì chảy thành tia nhỏ, lúc thì sụp xuống từng đống lớn. Vania cảm thấy mình bị cát đè lên. Người cậu đã bị lấp đi một nửa. Cậu hết sức dùng tay để bới cát, đến nỗi móng tay bị bong ra. Cậu không biết mình ngất đi bao lâu. Chắc cũng khá lâu vì cảm thấy đói run lên.

Cậu bị thấm hơi ẩm giá lạnh và nghẹt thở.

Răng cậu đánh vào nhau, ngón tay quắp lại, hầu như không duỗi được. Đầu nhức như búa bổ, nhưng trí óc đã sáng suốt, tỉnh táo.

Vania hiểu rằng mình ở trong chính cái hầm bị nhốt trước khi đưa đi hỏi cung và bom đang nổ xung quanh.

Cậu bò đi tìm cửa, luôn luôn vấp phải thành hầm đang rung rinh. Lâu và khó khăn lắm mới tìm ra. Nhưng cửa bị khóa trái và không phá được.

Bỗng rất gần, ngay trên đầu, có một tiếng nổ lớn đến nỗi cậu bé điếc đặc một lúc. Một vài khúc gỗ rơi xuống, suýt giáng vào đầu cậu.

Cái cửa ván bị long khỏi bản lề, văng ra và vỡ tung. Qua cái trần lợp gỗ, ở khoảng có những khúc gỗ bị bắn tung đi, một làn ánh sáng ban ngày chói lọi đập vào mắt. Tiếng súng liên thanh nổ rền khắp nơi ở rất gần, tựa như đua nhau.

Cảnh trong phim Con nuôi trung đoàn

Quả bom ném xuống hầm Vania là quả cuối cùng. Khi bom im tiếng, khắp nơi cậu nghe rõ tiếng nói của bộ máy chiến tranh hoạt động hết công suất. Trong tiếng ồn ào tàn nhẫn của sắt thép, thính giác được phục hồi lại của cậu bé đã phân biệt thấy giọng nói đồng thanh và êm dịu của con người, tựa chừng đang cất tiếng hát ở đâu đây: “a-a-a-a!”.

Vania thầm nhắc lại một câu, đã có lần cậu nghe được ở miệng các chiến sĩ trinh sát: “Hoàng hậu chiến trường đang tấn công”.

Theo bậc đất bị sụt lở, cậu bé lao ra ngoài hầm và nằm sấp xuống đất.

Cậu trông thấy cánh rừng, chính cái cánh rừng mà mới gần đây thôi, cậu bị bọn phát-xít dẫn đến. Lúc đó, cảnh vật trong rừng hoàn toàn ngăn nắp, im ả, tĩnh mịch. Như trong một công viên, chỗ nào cũng đánh đường, trải cát. Qua các hào đều có bắc những chiếc cầu nhỏ, xinh xắn, có lan can làm bằng cành bạch dương trắng. Trên các hầm tham mưu đều có giăng lưới ngụy trang có gài những mảnh vải xanh và quả thông. Dưới những cái ô sơn kẻ có những tên lính quần áo đầy đủ đứng gác. Những dây điện thoại đen và đỏ giăng đi khắp hướng. Những cô gái sách cặp lồng đi đi lại lại. Trong những hầm đặc biệt đào sâu, ngụy trang bằng lá cây có những xe khách của các ban tham mưu và những xe con kiểu “ôpen” đang đỗ.

Lúc này, cánh rừng tham mưu Đức thiết bị tiện nghi đã bị phá hủy đến mức không nhận ra được.

Xung quanh những hố bom màu nâu sẫm còn bốc khói, ngổn ngang những cây thông bật rễ, những xác ô tô nhiều màu, những xác lính Đức nằm chết co quắp trong bộ quân phục đã cháy đen, đang còn bốc khói. Trên cành cây cao, những mảnh lưới ngụy trang đung đưa. Không khí nghẹt mùi thuốc súng.

Những viên đạn bay làm bật vỏ cây và bẻ gẫy cành lá, phát ra những tiếng giống như tiếng huýt gió của những cái roi quất mạnh.

Vania hiểu ngay rằng bọn Đức đã bị quét sạch khỏi rừng nhưng quân ta chưa vào. Đó là khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng lại gây một cảm giác chờ đợi lâu dài mà các khẩu đội pháo binh thường tranh thủ chuyển vị trí, các chiến sĩ súng cối đặt súng lên vai, các chiến sĩ thông tin vừa chạy vừa cuốn dây, các sĩ quan liên lạc phóng xe tg, công binh cầm máy dò mìn vừa đi vừa quét và bộ binh, súng trường cầm một tay vừa chạy vừa tiến chứ không cần nằm trên khu vực, trước đây năm phút còn ở trong tay địch.

Tim đập thình thịch, người dán xuống đất, Vania đợi xem khi nào quân ta mới đến.

Họ xuất hiện đây rồi!

Đi đầu là một anh bộ đội to lớn khoác chiếc áo mưa bẩn, rách và để phanh ra. Anh chạy giữa các thân cây, quỳ xuống, nhanh nhẹn thay đĩa đạn rồi nằm và ngắm bắn.

Vania có cảm tưởng anh ngắm bắn lâu hàng thế kỷ. Thực ra, động tác đó chỉ kéo dài mấy giây. Anh chọn mục tiêu, cuối cùng bấm cò. Súng tiểu liên có đĩa đạn màu đen rung lên vì những loạt đạn ngắm.

Và trong khoảnh khắc đó, Vania nhận ra mặt anh bộ đội. Đó chính là Gorbunov. Nhưng anh đã thay đổi làm sao! Anh vẫn có một thân hình lực sĩ, chắc nịch, to ngang, có khi còn béo nữa nhưng đã biến mất nụ cười cởi mở để hở chiếc răng sún rất đặc biệt của anh. Lúc này, bộ mặt sạm khói súng, có hàng mi trắng, chăm chú, nghiêm trang, đầy vẻ căm thù theo dõi trận đánh và trở nên dữ tợn.

Thật chẳng giống cái chú Gorbunov mà Vania quen nhìn, mày râu nhẵn nhụi, trắng đỏ, hồn nhiên…

Nhưng chú Gorbunov bình thường chỉ là người tốt bụng thì chú Gorbunov này thật là một người tuyệt vời.

- Chú Gorbunov! - Vania kêu lên bằng một giọng thanh thanh, cố gắng hét to hơn tiếng súng.

Liền đó, hai cặp mắt gặp nhau.

Trên mặt Gorbunov nở ngay một nụ cười vui sướng, cái nụ cười thường ngày, cởi mở, để lộ hàm răng sún.

- Bé chăn bò! Vania! - giọng lực sĩ, đồng thời hơi cao của Gorbunov vang lên khắp rừng.-Thằng quỷ xứ! Thế ra chú mày còn sống! Tớ tưởng bị nguy rồi. Anh bạn thân mến, cừ thật!-anh vừa nói vừa lao tới đứng trước Vania.-Anh bạn làm chúng tớ lo lắng quá!

Anh ôm chặt lấy cậu bé, ghì sát vào người rồi lấy hai bàn tay nóng hổi ôm má Vania và đôi môi cứng nháp của người lính hôn hai lần vào môi cậu bé.

Vania cảm thấy hạnh phúc khôn cùng khi hơi ấm của thân hình to lớn, nhễ nhại mồ hôi trong chiến đấu truyền sang người cậu.

Tất cả những gì xẩy ra, Vania cảm thấy như trong giấc mơ, trong chuyện cổ tích. Cậu muốn ép mình sát hơn vào Gorbunov, ẩn trong chiếc áo mưa của anh và cứ ngồi đến lúc nào cũng được. Nhưng cậu bé sực nhớ mình là bộ đội mà tư cách bộ đội không cho phép có cử chỉ ngu muội như vậy.
............
Trong ba-lô có cái túi dết đựng quyển sách vỡ lòng và cái địa bàn trứ danh. Có một mẩu xà-phòng thơm hảo hạng đựng trong hộp nhựa màu hồng và một bàn chải đánh răng nằm trong bao nhựa đục lỗ. Có xà phòng răng, kim chỉ, bàn chải và thuốc đánh giày. Có một hộp thịt lợn, một gói đường viên, một bao diêm đựng muối và bao khác đựng chè. Có ca, kèn ác-mô-ni-ca, bật lửa chiến lợi phẩm, một vài mảnh đạn nham nhở và hai viên đạn liên thanh Đức cỡ lớn, một đầu đồng và một đầu chì. Có tảng bánh mì và một trăm rúp tiền mặt.

Nhưng quan trọng nhất là bộ quân hàm của đại úy Enakiev được gói cẩn thận trong tờ báo “Tiến công liên tục” rồi lại gói mùi soa bên ngoài. Khi chia tay, đồng chí chỉ huy trung đoàn đã trao bộ quân hàm cho Vania làm kỷ niệm và dặn phải quý nó như con ngươi, giữ gìn nó đến lúc bản thân cậu có thể đeo được.

Khi đưa bộ quân hàm cho Vania, đại tá nói:

- Cháu là con ngoan của cha mẹ đẻ, con ngoan của đơn vị trinh sát và khẩu đội. Cháu là người con xứng đáng của đại úy Enakiev: ngoan ngoãn, dũng cảm và tháo vát. Bây giờ, toàn bộ trung đoàn ta coi cháu là con nuôi. Vậy cháu phải nhớ lấy. Cháu sắp đi học. Bác mong cháu không làm hổ thẹn trung đoàn. Bác tin rằng cháu sẽ trở thành người học viên xuất sắc, người sĩ quan xuất sắc sau này. Nhưng phải nhớ rằng: bất kỳ ở đâu, lúc nào, trước sau cháu phải xứng đáng là đứa con trung thành của bà mẹ Tổ quốc chúng ta. Thôi từ biệt, Vania Solntsev. Khi thành sĩ quan, cháu sẽ về trung đoàn ta. Các chú, các bác chờ đợi cháu và sẽ đón cháu như đứa con của gia đình. Thôi sửa soạn đi.

Vania và Bidenkođi ngang qua suốt thành phố ngổn ngang các đống tuyết rồi dừng lại trước một tòa nhà lớn kiến trúc kiểu triều đại Êcatơrina với những cột, những vòm.

Trong năm 1942, thành phố đã bị quân Đức chiếm đóng một thời gian. Trong tòa nhà này, thỉnh thoảng còn thấy vết tích những đám cháy.

Tường hoa bằng gang đen đã phủ tuyết. Một vài cây bạch dương cổ thục mọc xung quanh nhà. Cũng phủ tuyết như tường hoa đám cành trụi lá cùng với những tổ chim sẻ sẫm màu, óng ánh màu lam và đung đưa hình dáng mảnh dẻ trên nền trời êm dịu hồng hồng.

Mặt trời còn tháp, mờ mờ bơi trong đám khói sương giá lạnh, trông tựa lòng đỏ trứng gà và những con sáo đang bay đi bay lại trên cái tháp chữa cháy cổ kính, tường vôi phai nhạt.

Bidenkovà Vania qua trạm gác và tại phòng đợi rộng thênh thang có trần vòm, Bidenko trao Vania và giấy tờ cho sĩ quan trực nhật rồi ngồi xuống một cái ghế gỗ cổ kính, kiên nhân chờ đợi.

Anh đợi khá lâu. Một anh chàng lính kèn trẻ tuổi một vài lần bước ra khỏi gầm thang, nhìn đồng đồ và thổi kèn đồng. Tiếng kèn đồng vang lên nhức óc tại cái phòng đợi thênh thang bao bọc tường đá dày, sàn lát đá. Tiếng kèn lướt lên cái cầu thang bằng đá rộng lớn có tay vịn bằng đồng, dần dần tắt đi, chỉ còn vẳng lại tiếng vang yếu ớt len lỏi qua các hành lang, các lớp học ở đâu phía sâu trong tòa nhà.

Ở đây, mọi việc đều thực hiện theo tiếng kèn đồng. Kèn điều khiển cuộc sống vô hình trong tòa nhà. Kèn bỗng nhiên gây nên tiếng ồn ào lẫn lộn của hàng trăm giọng nói, tiếng đi rầm rập của hàng trăm bước chân. Cũng tiếng kèn đồng bỗng tạo ra một sự yên tĩnh chìm đắm, không tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo dưới cầu thang. Có lần, tiếng kèn ra lệnh tập hợp một đại đội vô hình nào đó và Bidenko nghe thấy đại đội vô hình đó tập hợp ở một nơi trong im lặng, điểm số một, hai, dàn hàng hai, quay, rồi bước nhanh hàng trăm đôi giày dận đều: “Một-hai, một-hai, một-hai…”.

Có một lần, tại mặt bằng thứ hai của cầu thang, thấy hiện ra một cậu bé tóc hung, mặc quân phục đen, quần dài có sọc đỏ. Theo dáng điệu đi đứng thận trọng của cậu bé, có thể đoán được là tiếng kèn không cho phép cậu đến đây lúc này nhưng cậu tự động làm theo ý mình, không xin phép ai.

Tưởng có một mình, cậu bé nằm sấp bám lấy tay vịn và với vẻ khoái trá hiện trên bộ mặt có chiếc mũi hếch đầy tàn hương, cậu tụt xuống. Nhưng nhìn thấy Bidenko, luống cuống hết sức, cậu kéo lại áo và đi đều bước trên đá lát đã mòn, rồi lùi nhanh sau cánh cửa bên cạnh.

Bidenko ngồi uể oải, xoa xoa cái tay bị thương thường hay bị tấy lên vào buổi chiều. Anh buồn vì phải xa Vania. Anh cảm thấy lần này sẽ vĩnh biệt mãi mãi.

Tại mặt bằng thứ nhất cầu thang có treo một cái tranh lớn che hết tường. Trên đó có vẽ một cầu thang trắng giống cái cầu thang ở đây, hình như tiếp vào nó. Hai bên cầu thang thấy vẽ những khẩu đại bác cổ kính, trống, cờ và kèn đồng. Một cậu bé mặc quân phục đen, quân hàm đỏ đang leo. Nguyên soái Suvorov vận áo khoác màu xám, chân đi ủng rộng có đinh thúc ngựa, ngực gắn ngôi sao kim cương, bờm tóc hoa râm dựng trên bộ trán cao xương xẩu đứng bên trên, chìa tay đón.

Bidenko hình dung cậu bé đó là Vania, bé chăn bò của anh giữa hàng kèn đồng và cờ, đang bước lên cầu thang, còn nguyên soái Suvorov thì chìa tay đón cậu.

Đúng lúc đó cửa bên mở ra và sĩ quan trực nhật cùng Vania bước vào phòng đợi. Bidenko bật dậy, đứng nghiêm. Bidenko tưởng có thể thấy Vania trong bộ đồng phục trường thiếu sinh quân Suvorov. Nhưng cậu bé vẫn còn mặc quân phục đơn vị, tuy đã cởi áo khoác dài và mớ tóc rủ đã bị cắt đi.

- Học viên Solntsev, đồng chí được phép từ biệt người thân,-sĩ quan trực nhật nói rồi lánh đi chỗ khác.

Vania lại gần Bidenko. Hai người im lặng một lúc, không biết cần phải làm gi.

Trong giây phút đó, toàn bộ cuộc sống của cậu thoáng hiện lên trong trí nhớ. Cậu hiểu rằng một cuộc sống mới, hoàn toàn không giống như xưa đã đến với cậu.

- Từ biệt, bé chăn bò,- cuối cùng Bidenkonói.

- Chúc chú lên đường bình yên,- Vania nói.

Cậu bé muốn ôm choàng lấy Bidenko như cậu đã từng ôm anh bên cạnh khẩu pháo bị phá, trong vùng mục tiêu số tám, ép mặt vào chiếc áo khoác sạm khói súng của anh và khóc. Nhưng cái sức mạnh huyền bí đã từ lâu điều khiển mọi hành động của cậu, lúc này cũng giữ cậu lại.

Bidenko im lặng chìa tay. Lần đầu tiên, cậu bé nắm bàn tay to thô này và cảm thấy toàn bộ sức mạnh và sự dịu dàng của nó. Bidenko không ghìm được mình và cũng như khi trước ở vùng mục tiêu số tám, anh lại lấy bàn tay bị băng bó xoa đầu Vania.

- Chú Bidenko, cháu xin từ biệt chú!- đột nhiên Vania hét to cật lực khi Bidenko mở cánh cửa ra vào nặng nề có lò-xo đồng.

Nhưng người trinh sát viên đã bước ra ngoài, mặt không ngoảnh lại.

Sau đó vài tiếng đồng hồ, nhận và mặc thử xong đồng phục ở kho để vận sớm hôm sau, thực hiện lệnh của kèn đồng, Vania đã nằm ngủ cùng với các học viên khác trong một phòng rộng, ấm, trên một cái giường riêng, đắp một cái chăn dạ mới.

Sáng sớm hôm sau, theo thói quen dậy trước mọi người, sớm hơn giờ dậy một chút, vị tướng già giám đốc trường đi tuần như thường lệ các phòng để xem các chú học viên của mình ngủ nghê ra sao.

Ông dừng lại bên cạnh giường Vania, đứng hồi lâu ngắm nhìn cậu bé. Vania ngủ rất say nhưng không được ngon lành, giạng chân, giạng ray, chăn tung ra. Những giấc mơ thấp thoáng phản ánh trên bộ mặt cậu. Nét mặt luôn luôn thay đổi.

Tâm hồn chìm đắm trong thế giới của giấc mơ đang vút bay cao khỏi thể xác đến nỗi cậu không biết là vị tướng đã đắp chăn và sửa gối cho cậu.

Vị tướng nhìn bộ mặt ngủ say mà đầy cảm xúc của cậu, muốn hiểu sâu tới tận đáy tâm hồn người chiến sĩ bé bỏng, để đọc được những tình cảm thầm kín nhất.

Vị tướng đã biết từng chi tiết trong tiểu sử Vania. Tất nhiên, ông cũng biết tiểu đoàn gọi cậu bé là bé chăn bò. Ông đặc biệt thích thú việc đó. Chính ông cũng xuất thân trừ một gia đình nông dân bình thường. Ông thích thỉnh thoảng nhớ lại ngày còn nhỏ.

Cũng hoàn toàn giống như hạ sĩ Bidenkolần nào đó, giờ đây, nhìn bé chăn bò đang ngủ, ông nhớ lại tuổi thơ ấu của mình: sáng sớm vùng quê, đàn bò, sương mù đọng trắng như sữa trên cánh đồng xanh thẫm, màu sắc muôn vẻ của ánh sương tím, xanh, đỏ, vàng, trong tay một cái sáo nhỏ thổi lên những tiếng nhạc thanh thanh, dịu dàng, đơn điệu mà lại vui vẻ.

Tự nhiên ông nhìn vào bàn tay của cậu bé, để thòi ra khỏi chăn. Những ngón tay nhỏ nhắn cử động trong mơ, tưởng chừng đang bấm lỗ sáo.

Và vị tướng già đã bao phen sinh tử, người anh hùng nội chiến, đã từng đánh nhau ở Tsaritsyn, Кronshtadt và Oriol, đã từng tham gia chiến trận trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại cũng ở Oriol, cũng ở Tsaritsyn, hồi này mang tên là Stalingrad, con người dũng cảm khắc khổ, đầu hoa râm đã hói, mặt đầy những vết nhăn sâu, đôi mắt kiên cường long lanh, vị tướng đó bỗng cúi đầu, lấy tay xoa bộ râu tóc, hiền hậu mỉm cười.

Đúng lúc đó, tiếng kèn đồng điểm giờ thức giấc vang lên từ cầu thang và lẩn khắp các hành lang, mọi phòng.

Ngay tức thì, Vania nghe thấy tiếng kèn độc đoán, cứng cỏi, kiên quyết nhưng chưa tỉnh ngủ ngay được. Cậu còn nằm một thời gian, mắt nhắm nghiền, không đủ sức vùng ra khỏi giấc mơ đang bám lấy cậu.

Vị tướng bèn cúi xuống, nhẹ nhàng kéo tay cậu bé.

Lúc đó là phút cậu mơ giấc cuối cùng buổi sớm mai. Cậu mơ thấy cái cảnh thực mới xảy ra gần đây.

Vania mơ thấy một con đường dài trắng xóa, có chiếc xe tải trắng chở thi hài đại úy Enakievđang đi. Xung quanh là khu rừng Nga rậm rạp, đẹp một cách kỳ diệu trong bộ trang phục mùa đông. Bốn chiến sĩ cổ đeo tiểu liên đứng bốn góc chiếc quan tài phủ lá cờ trung đoàn. Vania là người thứ năm đứng ở phía đầu.

Trời đang về đêm. Toàn bộ khu rừng, cây cối nứt lách tách vì giá lạnh. Ngọn những cây thông cổ thụ ánh lên má quái dưới ánh sáng sao, lóng lánh và bốc khói tựa như có tráng lân tinh.

Các cây thông, thân lún xuống tuyết trông to cao lạ lùng. So với chúng, các cột điện nhỏ bé như que diêm. Nhưng trên cao nữa có bầu trời dày đặc sao mùa đông. Đằng trước mặt, trên bầu trời đen thẫm như nhung, chỗ tiếp giáp với con đường chạy dài đến chân trời, có những ngôi sao lóng lánh một cách đặc biệt kỳ lạ. Cũng ở đó, một vài trùm sao lớn và sáng tỏ đang rung rinh, óng ả tựa như làm bằng những hạt kim cương đẹp nhất và lớn nhất thế gian.

Những luồng ánh sáng hẹp và giá lạnh của ngọn đèn chiếu thỉnh thoảng lướt trên các vì sao. Nó không đủ sức làm tắt và ngay cả làm mờ sao. Sao càng tỏ, càng đẹp.

Còn xung quanh là cả một sự yên tĩnh mênh mông hình như còn vươn lên cao hơn các cây thông, cao hơn các vì sao, cao hơn cả cái bầu trời đen xẫm không đáy.

Bất thình lình một âm thanh vang lên xa xôi trong rừng thẳm. Vania nhận ra ngay: đó là tiếng kèn cứng cỏi, kiên quyết. Kèn đang gọi cậu bé. Tức thì tất cả đều biến đổi như có phép lạ. Các cây thông đứng ven đường biến thành những áo mưa xám và những áo khoác lông của các vị tướng. Rừng biến thành cái phòng tràn đầy ánh sáng. Còn con đường thì biến thành cái cầu thang rộng lớn lát đá hoa cương, dọc hai bên bày biện nào là súng đại bác, nào trống, nào kèn.

Và Vania chạy trên cầu thang đó.

Cậu vất vả chạy. Nhưng một ông già vận áo khoác màu xám, đi ủng rộng có đinh thúc ngựa, ngực gắn ngôi sao kim cương, bờm tóc hoa râm đứng dựng trên bộ trán xương xẩu tuyệt đẹp, ông già đó chìa tay đón cậu.

Ông cầm tay Vania, dắt cậu đi lên bậc cao hơn và nói:

- Đi đi, bé chăn bò… Dũng cảm bước lên!


Nguồn tác phẩm: vnmilitaryhistory.net




VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)