. Nhà văn VŨ XUÂN TỬU
Tôi bắt đầu viết tiểu thuyết Chuyện trong làng ngoài xã từ tháng 10/2001 đến tháng 9/2005 thì xong, với 900 trang A4 viết tay. Nhà xuất bản Thanh niên đã xuất bản, in năm 2007, 800 cuốn, mỗi cuốn dày 460 trang. Năm 2011, NXB Thanh niên tái bản, đổi tên là Chuyện làng.
Bảo tàng Hội Nhà văn VN đã đến nhà tôi ở Tuyên Quang, sưu tầm bản thảo viết tay và số bút bi tôi đã dùng để viết tiểu thuyết này.
Trong tiểu thuyết này có 64 nhân vật, trong đó có 8 nhân vật chính.
Bác Nhân là nhân vật chính.
Nguyên mẫu của nhân vật bác Nhân là Trung tướng, giáo sư, tiến sĩ Hoàng Phương (tức Hoàng Đình Tý). Ông Hoàng Phương sinh năm 1924 tại Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng; Trú tại Lý Nam Đế, Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ năm 23 tuổi, năm 46 tuổi làm Phó chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân, 47 tuổi làm Chính ủy Quân chủng, đến 73 tuổi thì nghỉ hưu.
Mẩu "Tin buồn" trên báo Nhân dân đã cho nhà văn Vũ Xuân Tửu những gợi ý đầu tiên về cuốn tiểu thuyết
Thực tế, tôi chưa gặp trung tướng Hoàng Phương, chỉ biết lý lịch qua một bản “Tin buồn” đăng trên báo Nhân dân số 16886, ngày 10/10/2001. Năm ấy tôi cũng về thăm làng Cổ Am, quê ông, viếng đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và đến Bảo tàng Lịch sử quân sự VN, sưu tầm tư liệu và đo vẽ các loại vũ khí, phục vụ cho việc viết cuốn sách.
Về nhân vật bác Nhân:
Bác Nhân là người làng La Đáy (làng kháng chiến của tỉnh Ninh Bình), sinh năm 1912, từng là học trò trường tỉnh, đỗ xéc phi ti ca, đang xin chân ký ga. Năm 1945 ông tham gia cướp chính quyền ở Thanh Hóa rồi hoạt động trong chiến khu Quỳnh Lưu (đổi tên thành Quỳnh Lâm) ở huyện Nho Quan và làng kháng chiến La Đáy (Cầu Gián) tỉnh Ninh Bình. Kháng chiến chống Pháp, ông làm chính ủy, Phó chỉ huy Mặt trận Đồng bằng (Khu Ba). Hòa bình lập lại, ông công tác ở trung ương, phụ trách nông nghiệp. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông làm chính ủy binh chủng Phòng không – Không quân, được phong quân hàm Thiếu tướng. Ông mất năm 1986, vì bệnh huyết áp cao.
Bác Nhân có một người vợ, tôi lấy nguyên mẫu là bà Huyền – Nguyên bí thư thị ủy Tuyên Quang. Vợ chồng bác Nhân có hai người con: Nghĩa và Hậu.
Bối cảnh tiểu thuyết diễn ra ở miền Bắc, trong ba cuộc kháng chiến. Tiểu thuyết viết theo kiểu tự sự, nhưng các nhân vật đồng hiện trong thực tại, cõi chết và ngay trong bào thai. Quá trình viết vận dụng nhiều câu dân ca, ca dao, tục ngữ vùng đồng bằng Bắc bộ và miền núi phía Bắc. Trong tiểu thuyết, tôi sử dụng nhiều nguyên mẫu khác trong gia đình, làng xóm, anh em bạn bè... Quê tôi ở xóm Đáy, làng La Mai, xã Ninh Giang huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình và gia đình tôi thì khai hoang ở vùng đồng bào dân tộc Cao Lan, Quần Trắng xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
V.X.T
Trích tiểu thuyết Chuyện làng
Một hôm, ông tôi bảo thày tôi coi thuyền, rồi lên chợ Nho Quan cất hàng. Khi ông tôi đang lững thững đi tìm hàng, thì gặp một anh người Mường cũng gánh măng vào chợ. Anh ta bước tới gần và hỏi:
- Ông có lấy măng khô? Tôi đổ cho...
Nghe tiếng quen quen, ông tôi dừng lại, anh bán măng giở nón ra làm như vẻ quệt mồ hôi. Ông tôi chợt nhận ra, mừng húm:
- Anh Nhân!
Bác Nhân "suỵt" một tiếng, giơ ngón tay lên, ra hiệu im lặng, rồi nói khẽ:
- Ta xuống thuyền nói chuyện.
Ông tôi đưa bác Nhân xuống thuyền. Thày tôi thấy ông tôi đi với người Mường thì trố mắt nhìn. Ông tôi ý tứ đẩy thuyền ra xa bờ mới bảo:
- Đây là bác Nhân. Người mà thày đã kể cho cu nghe đấy, ân nhân của nhà ta đấy. Cu lậy bác một lậy.
Bác Nhân vội ngăn lại:
- Không nên câu nệ quá như thế.
Ông tôi vẫn khăng khăng:
- Đây là lễ nghĩa phải trọng.
Thày tôi lậy một lậy. bác Nhân rơm rớm nước mắt, đỡ thày tôi dậy và xoa đầu khen ngoan. Ông hài lòng, hỏi bác Nhân:
- Lâu lắm mới gặp anh. CHẳng hay sau cái đận ấy, anh đi đâu? Chỉ vì cái tấm thân vô dụng của tôi mà suýt nữa thì anh mang họa. Tôi cứ lo nghĩ, áy náy mãi, nhỡ anh không may sa vào tay bọn Nhật, thì tôi có chết cũng không nhắm mắt được.
- Có làm sao đâu nào. Chẳng qua ccũng vì căm thù cái sự bất công mà phải ra tay thôi. Xong việc, nghĩ cũng ghê ghê, may mà có ông thày cãi tốt bụng.
Chắc hẳn, đã lâu anh không về làng La?
Đắn đo một lúc, bác Nhân mới nói:
- Tôi đang bị chúng nó lùng, về làng e không tiện.
- Anh theo Việt Minh à?
- Phải, sau cái đận ấy, tôi chạy vào Thanh theo cách mạng, được tham gia cướp chính quyền ở tỉnh Thanh.
Thày tôi bật dậy, hỏi:
- Bắn súng thích lắm bác nhẩy?
Ông tôi đe:
- Chuyện người lớn, không được nói leo.
Bác Nhân tươi cười, quay sang kể hcuyện với thày tôi:
- Bắn súng không thích bằng cưỡi hồ-lô, cắm cờ đỏ sao vàng vào cướp tỉnh, chả kém gì tàu bò.
- Xe tăng chứ.
Bác Nhân cười ha hả, rung cả thuyền, khen thày tôi:
- Giỏi, giỏi... Tàu bay tức là máy bay, tàu bò tức là xe tăng.
Ông tôi vẫn giữ mạch suy nghĩ của mình, liền cắt ngang câu chuyện, hỏi:
- Anh hoạt động trong Quỳnh Lâm à?
Bác Nhân không trả lời vào câu hỏi, lưỡng lự một chốc, mới rủ ông tôi:
- Ta lên bờ, tôi muốn nhờ anh tý việc.
Bác Nhân để lại gánh măng khô, rồi cùng ông tôi lên bờ. Thày tôi thọc tay vào những bó măng, thấy có khẩu súng lục với một bó giấy có viết chữ bằng mực tím. Thày tôi không biết chữ nên không biết cái giấy bảo gì. Vừa hoảng sợ, vừa thích thú, thày tôi vội vã tấp lại gánh măng khô như cũ. một lúc sau, ông tôi vội vã xuống thuyền. Thày tôi hỏi:
- Bác Nhân đâu hả thày?
- Bác ấy đổ hàng cho mình rồi đi luôn. Này, chớ có nói với ai là gặp bác Nhân với gánh hàng của bác ấy nhá. Ai có hỏi thì cứ bảo là mua của ông người Mường.
- Dạ, phải...
Thày tôi thiu thiu ngủ, chợt nghe tiếng ông tôi lệch kệch dừng chèo, tiếng sột soạt, lục khục, có cái gì đó rơi tõm bên mạn thuyền. Thày tôi giật mình, choàng tỉnh dậy, hốt hoảng hỏi:
- Thày vứt của bác Nhân đi rồi à?
- Cái thằng... Thế đã...
Thày tôi im như hến. Ông tôi đe:
- Từ rày chớ có nghịch ngợm. Cấm hé răng nói với ai nửa lời đấy. Nhớ chưa?
Thuyền về gần bốt Hoàn Đan, gặp bọn lính bơi thuyền ra chặn hỏi, lục soát làm tung cả đống chăn chiếu với gánh măng. Chúng lật cả sạp thuyền, móc cả bẹ mo nang lợp mui thuyền ra mà săm soi, cũng không thấy gì. Bỗng một thằng chỉ cái dây nhợ buộc bên mạn thuyền, nghi ngờ hỏi:
- Giòng cái gì đây?
Thày tôi vã mồ hôi, cứ nghĩ ông tôi đã lẳng đi rồi, ai dè lại chằng vào mạn thuyền thế này. Thằng lính nhìn bộ dạng thày tôi, sợ hãi, co ro như mo phải nắng, ở mạn thuyền liền lên đạn khẩu súng trường Nga lách cách và gí cái nòng súng vào sát mặt thày tôi. Thày tôi hé mắt, nhìn cái đầu ruồi to thồ lộ, tưởng như nó đang động đậy trong vòng khuyên ở đầu súng, sợ hãi đờ cả người. Thằng lính đưa ngón tay trỏ vào cò súng, dứ dứ như định gẩy cho viên đạn ra chơi với cái đầu ruồi để dọa thày tôi. Ông thấy vậy, vội nói:
- Chớ có làm thế cậu ơi, chả có gì đâu, giộng con cá thôi mà, định làm bữa gỏi. Nhân tiện có các cậu xuống thuyền chơi, xin biếu các cậu, gọi là...
Ông tôi kéo dây nhợ lên, con cá chép to vật, quẫy tung cả sóng nước, bắn lên khoang thuyền. Thằng lính khóac khẩu súng trường Nga lên vai, tóm gọn con cá, nhảy sang thuyền, cùng tụi lính chèo về bốt. Ông tôi thở phào, nhìn cái dây nhợ vẫn còn căng căng, nhẩn nha chèo về làng Đáy.
Thày tôi ra bụi tre cạnh ao canh chừng, hễ có người đến thì lấy sống dao dộng vào gốc tre ba cái.
Ông tôi và bác Nhân lui cui đào một cái hầm bí mật dưới bụi tre. Cửa hàm ếch mở ra dưới mặt ao, đất đào cũng tuồn xuống ao. Lỗ thông hơi chọc qua gốc tre mục. Đào từ xâm xẩm tối hôm trước, đến hồng đông hôm sau thì xong. Bác Nhân vào hầm bí mật ngủ khai trương ngay một giấc đến trưa. Ông tôi thì lội xuống ao, khùa đục ngầu cả bùn đất lên.
Sáng sớm, ông Phác sang xin lửa, thấy thày tôi ngủ lăn ở gốc tre, bên cạnh con gao tông, giật mình tưởng thày tôi bị làm sao, liền hô hóan lên. Ông tôi nhảy bổ lên bờ, bế thốc thày tôi vào nhà, vội nói lấp đi:
- Cu cậu định lấy cái măng đây mà.
Ông Phác lúi húi thổi cái nùi rơm con cúi, lẩm bẩm:
- Bợm nhẩy, ngủ từ ruột ngủ ra. Phù, phù... bố con nhà anh làm gì mà thì thũm sớm thế không biết. Phù, phù... khói toét cả mắt.
- Định kiếm con cá nấu măng ăn, còn ngược cho sớm chợ. Nước này thì đành nhịn suông. CHuyến sau, thông đồng bén giọt, tôi sẽ mua một cái bật lửa, mấy nhà dùng chung cho đỡ khổ. Cái cảnh rấm bếp lúc đậu lúc tắt.
- Vẽ, phù, phù... Ngày nào cũng bật mấy bận thì chả mấy nả mà mất viên đá. Phù, phù... Nhà Hàn có cái bật lửa bằng đồng cơ nhá.
- Người ta dùng, tính ra còn đỡ tốn hơn cái anh diêm. À, mà hôm nay là ngày con nước, nghỉ ở nhà một buổi đã.
- Phải, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Phù, phù...
Thày tôi đã tỉnh ngủ, đang ngồi ở ngưỡng cửa dụi mắt, bỗng nghe tiếng "bủm" một cái ở trong bếp, bèn ngửa cổ lên cười ha ha. Ông Phác ở trong bếp than vãn vọng ra:
- Thổi vãi cả ra mà chả được tý lửa. Ngày con nước độc gớm.
Ông tôi quát thày tôi, có ý đe nẹt:
- Còn ngồi đấy mà cười à? Không vào thổi cho bác. Hư...
Thày tôi cầm cái nùn rơm to như bắp tay, vẩy loạn lên. Ông Phác hỏang hốt giữ tay thày tôi lại:
- Mày làm thế có ngày cháy nhà.
Ngọn lửa âm ỉ đã lâu, vừa lúc đó bùng lên. Thày tôi đắc chí:
- Đấy, đỡ phải thổi.
- Thằng cu thế mà nhọn. Xem dái đã bằng hột lạc chưa mà dám cười người...
Thày tôi đưa cái nùi rơm cho ông Phác và vội dụt người lại, thu hai tay vào háng, chạy biến ra ngòai
Đêm đêm, bác Nhân nhét khẩu súng lục vào cạp quần đi ra, canh tư mới về. Có bận đi mấy ngày liền. Trong vùng nghe đồn có nhiều truyền đơn ở các chợ, ngòai đê gần bốt Hòan Đan cũng có, ngay ở cổng chợ cũng có, cả cổng nhà địa chủ Hàn cũng có.
Địa chủ Hàn được làm lý trưởng làng Đáy. Âu cũng là cái sự áo có tràng, làng có lý trưởng cho đủ lệ bộ. Lý Hàn lọc lõi nhưng phải cái gan sứa. Việc rải truyền đơn chống lập tề ở ngay cổng nhà lý Hàn, thì khác gì chửi vào mặt nó. Bị vỗ mặt như thế, nhưng lý Hàn không tức. Tức với Việt Minh chỉ có dại. Lý Hàn khôn đến độc mọc lông trong bụng, bèn cung kính dâng ngay cái truyền đơn ấy lên cho xếp bốt Hoàn Đan. Xếp bốt là một tay mới ráo máu đầu, tiếng nói rổn rảng bén như dao, mắt lồi ra như hổ vồ mồi, gân cổ căng cứng, hung hăng quát vào mặt lý Hàn:
- Cả vùng này lập tề, riêng làng Đáy nhà ông là chống lại. Truyền đơn lại dán ngay vào mõm... À hà, thông cảm, truyền đơn lại dán ngay vào cổng, thì khác gì...
Xếp bốt thở phì phò như hổ mang, bàn tay khô khẳng đặt lên nắp bao súng, đeo trễ bên hông. Hắn trễ mép xuống mà tính tóan:
- PHải thiêu rụi cái làng này. Phải nhổ cái gai lúc nào cũng lêu lêu trước mắt, có ngày đám dân làng Đáy nhổ bốt như bỡn.
Lý Hàn sợ hãi:
- Nhưng nhà tôi cũng ở trong làng, hà cớ gì mà chèo cùng tát cạn?
- Thì chừa nhà ông ra.
- Thế thì giết nhà tôi không bằng. Dân làng biết ngay là tôi ăn cánh với đồn còn gì. Thân tôi đã vậy, còn vợ con tôi sống với ai?
- Ông lên huyện mà lánh mặt mấy hôm. Chúng tôi đi đánh làng. QUân lệnh như sơn, chớ có bàn dùn. CHúng tôi sẽ đốt cái bếp nhà ông, rồi cho tiền làm sau. Thế là xí xóa, không thằng dân ngu cu đen nào biết được cơ mưu, nhẻ?
Lý Hàn vớt vát:
- Chỉ vì không lập tề mà phá làng là đánh vào lòng người.
Xếp bốt chễm chệ như rể bà góa, cười mũi và lên giọng:
- Ông chỉ được cái chữ nghĩa nho nhe dở dom. Làng ấy có Việt Minh. Một thằng ở làng La về trú, gây dựng du kích rồi mà ông không hay biết gì sao? Mũi ni che tai, kính dâm đeo mắt à?
Lý Hàn tái mặt, nghĩ bụng: nếu thật thế thì chỉ có thằng Nhân làm được việc này. Nhưng chả lẽ nó có chữ nghĩa giỏi giang nhất làng mà lại theo Việt Minh?
- QUả thực, tôi không hay biết gì? CHả lẽ lại là thằng Nhân? Nghe đâu, nó làm nghề hỏa xa hỏa xủng gì ở dưới tỉnh cơ mà.
- Bọn công nhân mới hay làm trò cộng sản. Vậy theo ông, thằng Nhân về làng Đáy nó trú ngụ ở đâu? Dưới gầm Tảng đá ông voi, trong miếu thờ, hay ở nhà thằng nào? Thằng nào là anh em họ hàng gần xa, ân nhân bạn bè của thằng Nhân ở làng Đáy?
Lý Hàn chột dạ, nghe nói cái năm đói, thằng Nhân có cậy thày cãi, biện lý cho cái thằng cha ấy thắng kiện bọn Nhật. Thằng cha ấy còn đến dọa mình, đánh mình trước mặt vợ con. Nó còn lấy súng Tây bắn chết trương tuần, ngõ nó là người của Tây. Xếp bốt gặng:
- Sao nào? Chả gì ông cũng là hạng người ăn của biếu, ngồi chiếu cạp điều rồi, lo chức việc ra sao nào?
- Không nhẽ...
- Lúc nào cũng không nhẽ với có nhẽ. CHức dịch mà như ông thì có mà ăn...
- Tôi tưởng nó là người của quan Tây.
Xếp bốt cười hô hố.
Tinh mơ mờ đất, moóc-chi-ê từ bốt Hòan Đan đã câu dọc chân đê và bờ sông. Cả làng sực tỉnh, tá hỏa chạy ra sông thì đạn đã nổ dưới thuyền, quầy quả ngược vào đồng thì khói đạn đã trùm chân đê. Làng Đáy bị kẹp giữa hai làn đạn.
Bác Nhân vừa lọ mọ đi hoạt động ban đêm trở về, đang đói cồn cào, phải gặm củ khoai lang luộc, định bụng lót dạ xong thì chui xuống hầm. Bỗng nhiên, nghe đạn nổ tứ tung cả, vội chạy ra, hô to:
- Chiến đấu!
Tiếng đạn vừa ngừng nổ, thì đã thấy bọn lính bảo hoàng và lê dương lốc nhốc kéo đến đầu làng. bác Nhân giương súng lục, nhằm thằng xếp bốt cao lêu đêu, bác đưa cái đầu ruồi vào đậu ở cái mụn cứt ruồi ở giữa tinh mũi nó mà bóp cò. Thôi chết, quên chưa lắp đạn. mà thôi, không bắn nữa, mình thân cô thế cô, bắn nó một phát, nó đốt cả làng. Rút!
Cứ tưởng một mình bác Nhân tự khua chiêng thu quân, bảo tòan lực lượng, nhưng kỳ thực bác Nhân không đơn độc, trong bụi duối, thày tôi cũng nghển cổ lên nhìn bác Nhân nhắm bắn. Sợ rách màng nhĩ, thày tôi vội đưa hai tay lên bịt tai, nên không nghe thấy tiếng kim hỏa kêu khan, ngỏanh ra cũng không thấy thằng lính nào giãy chết, trông ra thấy bác Nhân nhảy xuống ao.
Thày tôi ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào đống rơm. Đống rơm tự động đậy, thày tôi kinh hãi lùi lại. Chợt nghe tiếng bà Phác, từ trong đống rơm hỏi vọng ra:
- Tiếng ai hồi nãy hô hoán rộn cả lên thế, không phải tiếng dân Đáy?
- Bác Nhân...
- Nhân nào?
Thày tôi biết là lỡ mồm, bèn nói thác đi:
- Nhân nhẩn nhần nhân...
- CHa tiên sư...
Bọn lính đã kéo đến sân nhà tôi. Chúng dáo dác ngó vào nhà, tay lăm lăm những khẩu súng trường, súng mút-cơ-tông: "Chả thấy gì sất". "Có phải thằng Nhân trú ngụ ở đây không". "Da, phải...". Tiếng ai nghe quen quen thế nhỉ? Thày tôi vén rơm nhìn ra xem ai: "A, thằng Thiêm con nhà lý Hàn". Bác Phác giật tay thày tôi lại. Thế là cả mảng rơm tụt xuống, rõ là cái sự giấu voi đụn rạ.
Hai bác cháu bỗng dưng tơ hơ giữa thanh thiên bạch nhật. Bất chợt bọn lính ngoái nhìn sau, thấy bóng hai người chết lặng bên đống rơm. hcúng nhất loạt chĩa súng hô to: “Việt Minh, giơ tay lên!”. Bà Phác đờ cả người. Thày tôi cũng sợ cứng hàm, không nghe tiếng bà Phác thở bên tai, ngỡ là bà đã chết giấc. Thày tôi vội gọi: “Bác ơi”. “Hẩu...”. Bỗng nghe tiếng súng tằng tằng. Bà Phác kêu ối một tiếng rồi đổ gục xuống. Thày tôi co cẳng chạy thẳng ra cánh đồng, còn vẳng nghe tiếng bọn lính lại kêu thất thanh: “Bờ tre có khói bay lên”. “Có hầm bí mật”. Bọn lính nằm sóng soài ra sân. Có đứa bò như con thằn lằn vào chái nhà, bụi duối. “A-lê, Việt Minh ra mau!”. Không có một tiếng động. Khói vẫn bốc lên từ dưới gốc tre. Xếp bốt khoát tay ra lệnh cho mấy thằng lính trườn sang bờ ao bên kia. Bỗng có tiếng súng nổ đánh đoàng. Một thằng lính lăn xuống ao, bùn ngầu lên, máu đỏ loang ra mặt nước. Lập tức, bọn lính định thần lại và xả súng về phía bờ ao.
Thì ra, bác Nhân nghe thấy bọn lính hỏi nhau, biết mình đã bị lộ, liền chui vào hầm đốt tài liệu, rồi lại chui ra nằm phục ở bờ ao. Khi thấy bọn lính bắn chết bà Phác ở đống rơm và thày tôi từ đống rơm nhảy ra, bác liền nổ súng để kéo địch về phía mình. Thày tôi nấp ngoài bờ ruộng, nghển cổ nhìn thấy đống rơm bốc lửa ngùn ngụt. Nhà ông tôi lửa cũng trùm kín. Tiếng đòn tay luồng nhà ông Phác nổ lốp đốp trong khói lửa. Tro than bay lên cuồn cuộc. Gió từ sống thổi vào, khói lan toả mờ mịt cánh đồng, mang theo mùi khét lẹt và tanh lợm.
Bác Nhân vòng về phía sau bọn lính, đánh mũi vu hồi. Một mình một súng, thỉnh thoảng lại nổ đòm một phát. Bọn lính đâm hoảng, không biết đâu mà lần, vội vã hò nhau tháo lui.
Tiếng súng nổ thưa dần, hướng qua bên kia sống. Thằng xếp bốt tinh ranh cho đại quân rút đi, nhưng để lại một toán phục kích. Bỗng từ phía miếu thờ có tiếng quát dậy lên:
- Nó thiêu bà Phác rồi.
- Giết, giêt hết chúng nó đi!
Thày tôi ngẩng lên nhìn, thấy ông Phác cầm mã tấu, ông Cượng cầm đòn càn xông về phía đống rơm. bỗng có tiếng súng nổ đoàng. Ông Cượng ngã gục xuống, cái càn cắm phập xuống sân đất. Ông Phác vung mã tấu xả xuống đầu thằng lính vừa bắn ông Cượng. Nó thét lên một tiếng kinh hoàng, buông súng, ôm một miếng tai và má bị lể ra, rơi xuống vai. Máu phun ra đỏ lòm. Bọn lính mật phục hớt hải bỏ chạy.
Cánh dân làng không kịp chạy ra cánh đồng, bị kẹt lại trong bụi chuối, bờ tre xó vườn... bấy giờ mới kịp hoàn hồn. Tiếng trẻ con khóc thét lèn lẹt. Tiếng đàn bà lu loa khóc và oai oái gọi con, gọi chồng.
Ông Phác gạt đống tro ra. Bà Phác nằm chỏng gọng như con bê thui, miêng loe ống nhổ.
Sáng sớm hôm ấy, lúc ông tôi đang xếp hàng xuống thuyền chuẩn bị xuôi chợ tỉnh, thì chợt nghe đạn nổ loạn lên ở mé chân đê, rồi đùng một cái, quả đạn cối rơi trúng thuyền. Ông tôi bị hất nhào xuống nước. Hàng hoá nổi lềnh bềnh trên sống. Ông tôi lóp ngóp cố bơi lội, vớt vát được tý nào hay tý ấy. Những giữa bốn bề đạn nổ, cố mãi mới vớt được hai củ nâu. Đạn vẫn vãi dọc bờ sống, ông tôi không dám bơi vào. Mãi khi nó chuyển làn lại bắn vào chân đê, ông tôi mới lướt thướt bò lên bờ, thì đã thấy bọn lính tràn vào sân nhà. Tiếng súng nổ ở đống rơm. Tiếng súng nổ ở bờ ao. Khói lửa bốc lên từ đống rơm, từ những mái nhà. tiếng ông Cượng hò hét từ phía miếu thờ. Tiếng bước chân hoảng loạng của bọn lính tháo chạy về bốt.
Khi có tiểng trẻ con khóc và tiếng đàn bà ca thán, chứng tỏ cuộc càn đã kết thúc. Ông tôi xách hai củ nâu lững thững vào sân. Khói lửa đã tàn. Xác ông Cượng gục xuống bên cạnh cái đòn càn vẫn cắm giữa sân. Ông Phác đang cời đống rơm đã hoá tro. Bà Phác chết cháy còng queo.
Bác Nhân cũng đã trở về, lượm khẩu mút-cơ-tông của thằng lính bị ông Phác chém đã bỏ lại bên gốc duối. Nhưng khi nhìn thấy tình cảnh trên sân nhà ông Phác như một vườn tượng, bác Nhân vội vứt khẩu súng xuống và khẽ kéo tay ông tôi. Ông tôi sực tỉnh, buông hai củ nâu rơi bịch dưới chân. Bác Nhân chỉ chỉ vào bà Phác. Ông tôi chợt hiểu, vội chạy ra vườn, cắm mấy tàu lá chuối, về phủ lên xác bà Phác. Ông Phác bật khóc hu hu. Bác Nhân lại vẫy tay cho thày tôi cùng đỡ xác ông Cượng xuống, cái đòn càn vẫn cắm giữa sân, một đầu nhọn vẫn chĩa lên trời.
Cánh dân làng chạy thoát được ra cánh đồng đang lục tục trở về. Nhà cháy tan hoang. Thuyền bè tơi bời, trôi phập phều trên sông. Tre pheo, chuối chăn xơ xác. Chum vại, nồi niêu, bát đĩa, chiếu áo... cái bị vỡ, cái bị cháy, cái bị bắn thủng ngổn ngang khắp chốn cùng nơi. Những ngôi nhà thượng rơm hạ bùn đã hoá thành tro bụi. Những cây cột nhà cháy đen nhẻm, khói vẫn bốc lên âm ỉ. Hai đám dân trong làng và ngoài đồng gặp lại nhau cứ rối tinh cả lên, làm như là đã xa mặt cách lòng cả nằm, cả đời không bằng. Anh Chuột xương mũi lộ ra, rõ là hạng người nhát gan, sợ chết, nhưng lại huênh hoang như kẻ to gan lớn mật, khoe tài thiện nghệ:
- Mấy bu con nhà nó đang nấp sau cái nong. Tôi đứng canh chừng bên ngoài. Chợt thấy thằng lính giương khẩu súng trường lên bắn vào phía nhà tôi. Tôi vội cầm cái thuổng lia một phát, viên đạn chạm vào cán thuổng văng ra đánh choang một cái, tóe lửa... Nếu không lanh trí thì chết cả nút.
- Đạn nó có mắt đâu mà nhằm được cái thuổng hả anh? Chẳng qua, nhà anh rộng bằng cái dạng đái, nó chả bõ bắn thì có.
- Đạn đây, vết còn hằn trên cán thuổng đây.
- Thiếu cha gì đầu đạn với các-tút trong làng.
Thày tôi vừa là cánh trong làng lại vừa là cánh ngoài đồng, chứng kiến tất tần tật, nghe mấy người đôi co cãi lý với anh Chuột, bèn bảo:
- Cứ nghe cái nhà anh Chuột thì đổ thóc giống ra mà ăn.
Khi biết tin bà Phác bị chết cháy, ông Cượng bị chết đứng, cả làng liền bu túm lại. Cánh đàn ông nhìn trân trân. Cánh đàn bà khóc hờ bà Phác: “ối bà ơi, sống nhân đức sao chết thảm chết thương thế này?”. “Ông giời có mắt, rồi cũng có ngày...”. “Ối ông Cượng ơi là ông Cượng ơi”. “Tại cái bọn chó săn đây mà”. “Lý Hàn cũng bị bọn lính đồn đốt cháy cái bếp”. “Thế Lý Hàn đâu?”. “Nó chuồn rồi”. “Đừng nói thế mà phải tội. Hôm qua, ông ấy đánh tiếng lên huyện”.
Cánh đàn ông lấy rượu ở trong miếu, để nắn bóp cho ông Cượng thẳng cẳng ra. Hai cái u vai to nần nẫn, chắc như hai nắm cơm. Hai bắt chân có gân xanh, ngoằn ngoèo như đám rễ si. Mồ hôi muối loang lổ từng đám trên áo nâu. Còn bà Phác thì thịt đã cháy sém, không thể nắn duối ra được nữa. Những giọt nước mắt đùng đục, đo đỏ của ông Phác lăn dài trên gò má hốc hác, như đang đặc quánh lại.
- Tôi thấy thằng Thiêm con nhà lý Hàn, dẫn bọn lính.
Ông tôi gạt hắt đi:
- Mày không khéo lại nhìn gà hoá cuốc. Thằng Thiêm tuy thế, nhưng là người có học, mấy anh em nhà nó cũng có học.
Bác Nhân gặng hỏi:
- Cháu có nhìn rõ không?
Thày tôi đâm cuống. Bác Nhân phải găngj đi gặng lại mấy lần. Ông tôi đấu dịu. Thày tôi mới bình tâm, nói:
- Lúc ở trong đống rơm với bà Phác, tôi nhìn thấy mười mươi là thằng Thiêm. Nó có mắt tròn mắt dẹt, cả làng ai còn lạ.
- Có lẽ cháu nó nói phải đấy. Tôi cũng nghe tiếng chúng nó nhắc đến tên tôi. Bây giờ thì cái hầm của tôi lộ rồi. Tôi cũng nghĩ là có chỉ điểm, có tay trong, nhưng không nghĩ là thằng Thiêm. Ta phải liệu phương cách…
Ông tôi bảo:
- Được, cái đấy ta bàn sau. Bây giờ dựng tạm cái lều lá chuối trú ngụ qua đêm. Ban ngày khói lửa binh đao, ban đêm sương gió độc lắm.
- Ấy, không được, tôi phải đi báo cáo thượng cấp xin chủ trương ngay. Hai bố con cũng lánh đi ít ngày, nghe ngóng tình hình đã. Nó quay trở lại thì nguy đến tính mạng, không phải chuyện bỡn.
Ông tôi nói liều:
- Việc của anh là việc quân cơ, anh cứ đi. Ta cứ tương kế tựu kế. Bọn tôi cứ làm hư hư thực thực theo kế Hoa Dung tiểu lộ của Khổng Minh là chúng không dám mò vào làng Đáy nữa đâu?
- Không liều thế được. Lính nó không mò vào, nhưng đạn moóc- chi- ê nó vẫn mò vào thì sao?
- Một liều ba bảy cũng liều, làng nước đây bỏ đi đâu được, còn ông Phác nữa chứ, phải có người chăm nom hẳn hoi, mà việc ấy là của tôi với thằng cu.
- Đã vậy thì anh ở lại, tôi đi, nhưng cho thằng cu cháu cùng đi với tôi.
Đến lượt ông tôi đắn đo. Bác Nhân nói như đinh đóng cột:
- Việc này, chắc anh cũng hiểu tại sao phải làm như vậy? Đưa cháu đi cũng nguy hiểm, nhưng ở lại còn nguy hiểm hơn. Vậy nên… Thế ý cháu thế nào?
Sương đêm ướt lạnh cả Tảng đá ông voi. Thày tôi sợ hãi nhìn ông tôi, rồi lại nhìn bác Nhân, trong lòng rối bời chả biết thế nào cho phải. Dưới ánh trăng hạ tuần lờ mờ, ông tôi run run nắm tay thày tôi, bảo: “Cu theo bác Nhân nhá!”. Đoạn, ông tôi quay sang bác Nhân, giọng thổn thức: “Anh đã cứu tôi một lần, lần này lại cứu núm ruốt của tôi, ơn này không biết lấy gì báo đáp”. Ông tôi sụp lạy trên Tảng đá ông voi. Thày tôi rưng rưng nước mắt. Bác Nhân nghẹn ngào không nói nên lời, vội cúi xướng đỡ ông tôi dậy và nắm tay thày tôi:
Tiếng gà eo óc gáy trong màn đêm. Bác Nhân đưa cho ông tôi khẩu súng mút-cơ-tông có cái đầu ruối to thêu lếu. Thày tôi giật mình khi vô tình chạm tay vào nòng súng bé như cây le, thấm lạnh sương đêm. Ông tôi ôm lấy thầy tôi dặn dò: “Đừng quấy bác, cu nhá”.
Chờ cho bác Nhân đưa thày tôi đi khuất nẻo, ông tôi mới xách súng lững thững về nhà. Đến sân, chợt nhớ ra là chả còn nhà nữa, mà chỉ còn lại đống tro đen đủi. Ngó sang sân nhà ông Phác, ông tôi giật bắn mình, khi thấy ông Phác vẫn đứng như trời trồng giữa sân. Ông Phác như pho tượng câm lặng, lừng lững trong đêm mờ.
Ông tôi vội để khẩu súng xuống cạnh gốc duối, rồi lặng lẽ đến bên. Bỗng “pho tượng” khẽ cất tiếng hỏi:
- Anh đấy à?
- Phải…
Lúc này mới thấy mấy người hàng xóm lò dò từ góc vườn bước ra. Anh Chuột lựa lời thanh minh:
- Chúng tôi ngồi đây từ chập tối mà không dám làm kinh động… Bây giờ ta về bên nhà, gọi là có chỗ che sương, chắn gió.
- Phải đấy bác ạ. Thôi thì cũng chả biết nói thế nào… Làng xóm láng giềng, tắt lửa tối đèn có nhau.
Ông tôi lặng lẽ đỡ tay ông Phác. Tất cả lặng lẽ theo anh Chuột đi về phía cuối xóm. Nơi đó, phía sau bờ chuối, có một căn nhà một gian bé như cái lều vịt. Thấy đoàn người đến gần, chị Chuột từ ngoài hè chạy vội vào nhà, khêu to ngọn đèn chai. Ông tôi đánh tiếng:
- Chị Chuột còn thức à?
- Phải, mời các bác vào nhà.
Anh săm sắn vào nhà trước, kéo cái chõng tre ra giữa nhà. Chi Chuột treo cái đèn chai lên duổn hóp, rồi đần mặt ra mà nhìn ông Phác. Dưới ánh đèn vàng đục, ông Phác già sọm hẳn đi, đầy vẻ khắc khổ và chịu đựng. Anh Chuột giục vợ:
- Bu mày xem có cái gì ăn cho chắc dạ.
Ông tôi gạt đi:
- Ăn làm gì, có diêu nước thì cho mỗi người một bát.
Chị Chuột nhanh nhảu hẳn lên:
- Có sẵn cả đấy.
Bỗng nhiên chị Chuột sụt sịt, rồi vội lấy cánh tay áo dụi mắt và xỉ mũi vào góc nhà, quệt nhanh vào vạt áo, quén lại mớ tóc vào trong khăn vuông thâm, hai tay bê rổ khoai đặt vào giữa chõng: “Mời các bác xơi”. Chị Chuột lại lệch kệch lục rổ bát treo trong cái quang bện mây ở góc nhà, lấy ra mấy cái bát đàn rạn nứt, sứt mẻ như cóc gặm. Chị với tay lấy cái siêu đất, rót nước tồ tồ vào các bát. Anh Chuột khẽ gắt: “Thâm thấp cái tay xuống tý”. Chị Chuột sực tỉnh, cắn môi ngượng ngùng.
V.X.T