. Nhà văn PHONG ĐIỆP
Năm 2011, lần đầu đến Simacai, tôi đã thực sự bị ấn tượng bởi thị trấn này. Khi đó đang là tháng 2, là mùa của lá non, lộc biếc. Dưới xuôi đã được đón những ngày nắng ấm áp, khô ráo. Nhưng Simacai lúc ấy đón chúng tôi trong trong mưa giăng bời bời và sương mù dày đặc . Cách nhau vài bước chân đã không nhìn rõ mặt. Gặp năm giá lạnh, nên dù đã cuối xuân cây cối ở thị trấn phố núi này vẫn khẳng khiu đứng kiên nhẫn trên những dốc núi xám lạnh. Người đi lại thưa thớt. Quán phở đầu dốc nghi ngút khói, cũng chỉ dăm ba người xì xoạt ngồi ăn. Dọc các con dốc, người và ngựa lững thững bước.
Thị trấn vùng cao dù là buổi sáng, buổi trưa, hay buổi chiều luôn gợi trong tôi cảm giác mình đang đối diện với một người phụ nữ tuổi đã xế tà, ngồi trầm mặc bên hiên cửa trong một buổi chiều mù mịt mưa bụi.
Do thời tiết ẩm ướt nên quần áo luôn trong tình trạng ẩm ướt. Đồn biên phòng nơi chúng tôi đến công tác và nghỉ lại bị mất nước. Buổi sáng chỉ có đúng một ca nước vừa rửa mặt vừa đánh răng. Nước buốt đến nỗi tôi vừa đánh răng, vừa nghe tiếng răng va lập cập vào nhau. Do đầu tóc bết dính vì mưa, không được gội, nên tôi cùng người bạn đồng nghiệp lang thang quanh thị trấn xem may ra có hàng gội đầu để “cải thiện tình hình đầu tóc”. Trong bụng thầm nghĩ: chưa chắc đã tìm đâu ra hàng gội đầu – vốn là thứ rất ê hề dưới xuôi – nhưng lại là “của hiếm” tại thị trấn vùng cao heo hút này. Chúng tôi đi loanh quanh một hồi thì may mắn bắt gặp ở lưng chừng một con dốc, gần khu vực ủy ban mới xây có một cửa hàng cắt tóc gội đầu. Tôi mừng rỡ khôn xiết, bước vào cửa hàng không chút đắn đo. Vừa gội đầu tôi vừa hỏi chuyện.
Hóa ra cô chủ người dưới xuôi, cùng quê Nam Định với tôi. Cửa hàng cắt tóc này chủ yếu phục vụ “cánh ủy ban”. Dân địa phương hầu như ít người vào hàng. Thuộc mặt khách hàng nên khi thấy tôi bước vào, cô gái biết ngay là khách ở xa tới.
Chúng tôi nói chuyện với nhau suốt một giờ đồng hồ. Nhưng đến giờ thú thực tôi không nhớ tên cô gái trẻ, chỉ bị ám ảnh bởi câu chuyện mà cô gái đã kể. Hình như gặp được đồng hương nơi phố núi hiu hắt, khiến cô gái bỗng cởi lòng cởi dạ mà trút bầu tâm sự. Cô gái lên phố núi Simacai này theo tiếng gọi của tình yêu. Yêu mà bỏ nhà bỏ cửa theo bạn trai lên tận đây. Nhưng rồi tình yêu đẹp không có hậu. Chàng trai thì bỏ đi biệt tăm, còn cô gái vẫn ở lại phố núi, sống với cửa hàng cắt tóc gội đầu. Gọi là cửa hàng cho oai, nhưng chỉ là một cái nhà tạm bợ chừng 12 mét vuông, không có khu phụ; nửa ngoài kê bàn gội đầu cho khách, nửa trong là tấm phên kê lên nền đất lạnh, ẩm ướt. Trên tấm phên cập kênh, là chăn chiếu cuốn vội, hẳn là chỗ ngả lưng khi đêm xuống. Góc phòng là dăm bộ quần áo phơi lâu ngày chưa khô.
Nguyên mẫu của nhân vật Sa trong truyện ngắn Phố núi
Một người con gái ngoài hai mươi, sống ở nơi xa lạ, không người thân thích.
Một cô gái ngoài hai mươi mang đầy những đau đớn về chuyện tình, nhưng khi tâm sự với tôi bằng cái giọng nhẹ bẫng. Càng nghe càng đau. Thà người con gái ấy kể bằng cái giọng sụt sùi. Thà nước mắt ứa được ra. Đằng này…
Về đến nhà, tôi viết truyện Phố núi rất nhanh. Chỉ là người kể chuyện thôi, mà cũng thấy tái tê.
Tôi còn nhớ, khi nói chuyện với nhau, tôi hỏi người con gái ấy: sao vẫn còn chưa về dưới xuôi?
Cô gái ấy chỉ nói: Sẽ về, nhưng chưa phải lúc này. Cô gái không giải thích lý do. Tôi đã tìm ra một lý do cho cô gái ấy, ở trong Phố núi, không biết có đúng không? Chỉ mong rằng, dẫu như thế nào đi chăng nữa, trái tim ấy cũng đã được hồi sinh. Ở tuổi ngoài hai mươi, người ta thường hay vấp ngã lắm. Nhưng quan trọng là sau khi vấp ngã, mình biết tự đứng lên mà sống tiếp. Sống đàng hoàng, tử tế. Sa nhé.
P.Đ
Truyện ngắn PHỐ NÚI
Xứ này, ngày nắng hiếm hơi ngày mưa mù.
Trời lúc nào cũng nhờ nhờ một thứ màn trắng đục, không ra mưa, không ra mù. Lối đi lúc nào cũng lép nhép vừa bùn vừa đất. Quần áo ướt. Tóc ướt. Môi ướt. Tim cũng muốn ứa nước
Trước khi lên đây, Sa chưa từng nghĩ về điều đó. Nói đúng hơn là không ngờ điều đó xảy ra với mình.
Mới chỉ hai năm ba mươi tám ngày chứ mấy.
Ngày ấy Sa hai mươi. Con gái Nam Định. Tóc tém. Mắt to. Bỏ học từ năm lớp 10. Loanh quanh ăn bám bố mẹ chán thì đi học nghề cắt tóc gội đầu. Được hơn một năm thì mở được cái quán nhỏ ở ngã sáu Năng Tĩnh. Hàng Sa lúc nào cũng đông. Vì giá chợ, phục vụ lại tận tình. Sa gãi đầu, mát xoa cho người ta cả tiếng đồng hồ, cũng chỉ lấy mười nghìn đồng, khuyến mãi thêm màn nhổ tóc sâu và đấm lưng. Cửa hàng Sa ép tóc hay nhuộm thời trang đều lấy rẻ hơi nơi khác nên các bà các cô ở chợ cưng Sa lắm. Ra hàng gội đầu, lúc nào cũng sẵn quà dúi cho Sa, khi thì cân táo, lúc vài quả cam, hay phong kẹo lạc ăn chơi lúc vắng khách.
Có một hôm vắng khách thì Dương xuất hiện. Dương nằm khểnh gội đầu rồi hồn nhiên nằm gáy o o trên bàn. Sa gội sạch sẽ xong, để mặc Dương nằm đấy, ra ngồi ăn kẹo lạc, đọc tạp chí thời trang. Đọc nửa chừng, thấy trời đổi gió lạnh, Sa quăng cho Dương tấm chăn mỏng của mình. Rồi lại ngồi nhẩn nha ăn kẹo lạc đọc tạp chí thời trang.
Có mỗi cái chăn mà Dương phải lòng Sa
*
Tranh minh họa của họa sĩ NGÔ XUÂN KHÔI
Bố mẹ Sa vẫn còn lộn ruột khi nhớ lại cái ngày Sa về nhà dẫn bạn trai về nhà. Bạn trai là Dương chứ còn ai. Dương nhấp nhổm đứng phía sau, nghe Sa trình bày. Đại loại là con sẽ theo anh Dương lên Si sống. Bố mẹ có cản cũng không được đâu. Con là con đã quyết rồi.
Nó nói thế khác gì tuyên án tử hình bố mẹ, chẳng cho bố mẹ cơ hội nói lời cuối cùng. Ông bà cứng họng, không tin trước mặt mình là đứa con gái ông bà hằng cưng chiều, xót xa về việc lăn lộn kiếm sống của nó bấy lâu nay nữa. Cái mặt nó câng câng. Cái mắt nó thô lố.
Ông càng nhìn càng điên. Điên đến độ, chỉ trong vài giây, tay ông tự xỉa thẳng tay vào mặt nó, miệng ông tự gào lên như chưa bao giờ được gào:
“Cút mẹ mày đi, con nặc nô”
Bà thì đổ sụp xuống, miệng chỉ hức hức được mấy tiếng “ôi, con ơi là con”.
Chả đuổi thì Sa cũng đi. Đi thẳng. Trên mình chỉ độc bộ quần áo.
Con gái Nam Định không yêu chơi. Sa quyết đi theo Dương vì tiếng gọi tình yêu. Yêu và không mặc cả. Như đàn bà con gái thông thường, khi theo về nhà một người đàn ông, bao giờ cũng phải đặt hàng sẵn: anh cưới em nhé?
Sa không đặt hàng. Vì Sa không phải là món hàng.
Chiều hôm ấy, Sa theo Dương bắt ô tô về Hà Nội rồi nhảy tầu về Si.
*
Bây giờ thì Sa đã biết thế nào là Si.
Phân ngựa rải dọc đường. Mùi phở thơm lừng dốc. Váy Mông xập xoà trong mưa. Và vị rượu ngọt nồng.
Đến Si, Sa bắt đầu tập uống rượu.
Phố núi buồn đến độ, không có rượu Sa không chịu nổi.
Nhiều hôm, nằm khan trên sạp gỗ trong gian nhà trọ, vừa là chỗ ở , vừa là cửa hàng gội đầu, Sa nuốt nước bọt khan vì nhớ rượu.
Sa không nhớ Dương.
Cái gã đàn ông đã bỏ Sa đi sau chưa đầy một năm hai người sống với nhau ở Si.
Cái gì qua thì đã qua. Sa không hờn, không trách người đàn ông, mà vì gã, Sa bỏ nhà bỏ cửa lên cái xứ mù mịt sương giăng này.
Sa biết làm biết chịu. Cái con mắt mình nhìn sai người thì lỗi tại mình chứ đâu phải tại người ta.
Nhưng Sa không bỏ về. Sa ở lại cho bằng được. Sa đủ tiền để mở cửa hàng ở phố núi. Vẫn nghề cũ, cắt tóc gội đầu. Không đong đưa à ơi.
Khách của Sa thường là dân du lịch, khách vãng lai và cán bộ uỷ ban. Khách du lịch Sa cũng cắt tóc gội đầu theo giá uỷ ban. Một cái giá mà người ta rút tiền ra không thấy xót và lại nhớ lần sau quay lại.
Có người khuyên Sa sang Sapa, bên ấy đông khách hơn, dễ kiến tiền hơn. Chứ ở Si, đến nhà trọ chả có, lấy đâu ra khách mà sống. Sang Sapa, có khi còn kiếm được thằng đàn ông tử tế ấy chứ.
Thì Sa vẫn đang sống đấy thôi, có chết được đâu. Tiền kiếm ít kiếm nhiều rồi thì cũng thế. Sa chả bao giờ huyễn tưởng mình trong vai bà chủ, tay xúng xính nhẫn vàng.
Hai hai tuổi Sa bắt đầu thấy sợ đàn ông .
*
Cho đến giờ Sa cũng không lý giải được vì sao Dương bỏ đi.
Giống như sau một tiệc rượu say sưa, chủ nhà tỉnh dậy chỉ còn thấy mỗi mình chỏng chơ bên vò rượu đã cạn tới đáy.
Con gái Nam Định không yêu chơi. Nhưng đàn ông Si thì yêu chơi. Tàn cuộc chán thì bỏ về.
Sa cũng lạ là sao mình không hận.
Hai mươi hai tuổi, Sa thấy mình thực sự là một người đàn bà. Lạnh lẽo.
Có lần bà Vương bán rượu đầu dốc thấy Sa đi lang thang bèn vẫy Sa lại gần. Giọng thì thà thì thụt. Bảo: “cái thằng ấy dạo này nó lại lảng vảng về đây đấy”.
Sa biết “thằng ấy” là thằng nào.
Trước đây, Sa với Dương vẫn ngồi ở quán bà Vương, uống rượu với khoai lang nướng đến tận khuya. Đến lúc bà Vương đứng lên dọn hàng, hai đứa mới chịu lảo đảo đứng lên. Sa rúc vào nách Dương, vừa đi dọc phố vừa hát eo éo. Chó thị trấn xô nhau ra sủa. Ngày nào Sa say cũng hát, ngày nào chó thấy Sa hát cũng sủa. Nghe mãi đâm vui tai.
Nên “thằng ấy” thì bà Vương lạ gì.
*
Rồi thì thằng ấy đến thật. Đến cửa hàng Sa. Không phải để cắt tóc gội đầu. Về để quỳ sụp xuống.
“Anh sai thật rồi, Sa ơi”
Sa bỏ mặc Dương trơ trọi trong quán hàng nồm ẩm và khăn khẳn mùi quần áo lâu ngày không khô. Đi thẳng.
Bây giờ chẳng phải ai bảo, Sa cũng đi.
Sa đợi ngày này lâu lắm rồi.
Hà nội 4- 3- 2011