. Nhà văn NGUYỄN QUỐC TRUNG
Không biết tự bao giờ, thế giới người hoạt động trong nghĩa địa ở Sài Gòn gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Trong đó là một xã hội hoạt động ngầm, có quy ước đàng hoàng. Trong lần đưa tiễn ông Hà Mậu Nhai, thành viên sáng lập và là bí thư chi bộ đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, về nơi an nghỉ cuối cùng, trong lúc chờ làm thủ tục, tôi giáp mặt với mấy người, gọi theo ngôn ngữ dân mai táng là đô tỳ hay đạo tỳ, họ kể cho tôi nghe công việc hàng ngày và cả những luật, những mẹo bất thành văn truyền từ xa xưa đến nay để kiếm sống. Không bày tỏ chính kiến, nhưng tôi bực mình với những kiểu cách có tính chất ba trợn của bọn họ. Cho tới một lần khác, tôi gặp lại một người quen từ ngày còn làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Anh tên là Bưởi, được giao nhiệm vụ chỉ huy đội mai táng ở một nghĩa trang dã chiến, một người tận tụy với nghề. Mấy lần đưa đồng đội về nghĩa trang ấy yên nghỉ, thấy Bưởi và các chiến sỹ vận tải mai táng liệt sỹ, tôi thật sự khâm phục sự chu đáo, tận tụy, các anh tắm cho liệt sỹ, tổ chức khâm liệm theo nghi lễ dân tộc. Các anh kể cho tôi nghe về công việc mai táng liệt sỹ, nhiều đêm cả đội thức trắng. Bây giờ, gặp lại Bưởi, người sắt lại với nước da đen nhẻm, quần áo lôi thôi. Khi tôi hỏi, sau khi ra quân làm gì, anh đáp:
- Công tác ở thành phố những - căn - hộ - độc - thân.
Nhà văn NGUYỄN QUỐC TRUNG
|
Thành phố ấy chính là một nghĩa địa ở Thủ Đức. Tôi mời anh vào quán cà phê gần đó, bằng giọng nói ngắt quãng, Bưởi kể cho tôi nghe anh từng bị án oan. Sau khi ra quân anh vào làm bảo vệ cho một kho chứa nguyên liệu ngành dệt. Thời đó nguyên liệu dệt quí hơn vàng, tay quản lý đã tìm cách ăn cắp vật tư từ lâu, rồi để xóa bằng chứng hắn đốt kho rồi vu cho anh. Ra tòa, anh cố thanh minh, nhưng không nổi, ngày ấy chưa có luật sư bào chữa, anh bị kết án tù hai năm. Sau khi mãn án, anh vào làm phu mai táng ở nghĩa địa.
Cuộc đời của Bưởi khiến tôi day dứt, chẳng lẽ con người ta có số?
Mấy hôm sau, tôi tới thăm gia đình anh là một căn nhà nhỏ tường gạch xây thô chưa có tiền để trát xi và vôi ve. Trước nhà là mảnh vườn nhỏ trồng rau, trong nhà là một cái bàn đóng theo hình cỗ hậu sự, cảnh thật ngộ nghĩnh, tức cười. Anh tiếp tôi trà, bánh trái, cũng là thứ anh đem từ nghĩa địa về, và bằng giọng chậm rãi, nhiều lúc khê đặc, ngắc ngứ, anh thuật lại cuộc đời gian nan của anh sau khi cởi quân phục. Anh nói, tôi im lặng nghe, chẳng biết nói thế nào, cuối cùng an ủi một câu sáo rỗng: “Thôi thì, chúng ta đành chấp nhận số phận. Chỉ mong tiền hung hậu kiết, trong họa có phúc”.
Tôi vừa nói xong, từ ngoài ngõ một người phụ nữ nền nã khệ nệ xách chiếc giỏ nan to bước vào. Trong nắng chiều nhạt, nước da trắng ngần lên trong bộ đồ ba bà đen nháng, chị mỉm cười chào tôi. Anh Bưởi giới thiệu:
-Trong họa có phúc của tôi đó.
Phải, đó là cô Lanh, từng là giáo viên tiếng Anh, thời bấy giờ lương giáo viên không đủ chi tiêu, nên cô phải làm thêm bằng cách bán bắp luộc vào buổi tối ở công viên Lê Thị Riêng. Có lần, mấy mụ đàn bà lân la trò chuyện gợi ý Lanh đi buôn hàng cấm, nhiều tiền, đỡ vất vả, nhưng cô giáo từ chối. Ở đời, đồng tiền không phải là tất cả, nhưng lắm khi không có nó người ta lâm vào cảnh khốn cùng. Với cô giáo Lanh là khi má bị bạo bệnh, đến bệnh viện không đủ viện phí, mua thuốc, cô đành gạt nước mắt đưa mẹ về dùng thuốc bắc. Nhìn mẹ vật vã với những cơn đau, lòng cô thắt lại. Và rồi, sự gợi ý của mấy mụ phe ở công viên Lê Thị Riêng hiện lên. Lanh đã tìm gặp bọn họ và cô đi buôn hàng cấm. Được đâu vài chuyến, cô bị bắt, lãnh án ba năm tù.
Chính ở trại cải tạo, hồi đó nam nữ phạm nhân còn đi sản xuất với nhau, họ đã quen nhau. Trại trưởng là một cán bộ quân đội chuyến sang công an sau giải phóng, rất nhân hậu, lấy bao dung cảm hóa người phạm tội, được nhiều phạm nhân coi như ân nhân, gọi bằng chú, bằng dượng, ông vui lòng đồng ý. Vì với ông, làm sao để họ trở thành người tốt để hòa nhập với cộng đồng xã hội là quan trọng nhất. Ông xem phạm nhân như người thân của mình, chính vì vậy người phục thiện rất nhiều. Sau khi về với cộng đồng, nhiều người còn trở lại thăm ông, gọi ông là ba. Ông Tư hiểu rõ hoàn cảnh của Bưởi và Lanh nên đã vun vén hạnh phúc cho họ.
Khi mãn hạn tù, Bưởi về làm ở nghĩa địa, Lan trở lại dạy học. Rồi đám cưới đơn sơ đã được đội quân đạo tỳ và nhà trường tổ chức.
Cuộc gặp mặt hai người trong ngôi nhà bên nghĩa trang đã cho tôi cảm hứng
viết tiểu thuyết Thành phố độc thân. Khi viết, bao nhiêu ký ức hiện lên trong tôi, với những thăng trầm của nhiều kiếp người tôi đã gặp, những nỗi vui buồn chính tôi đã trải, cùng với chuyện riêng của Bưởi - chính là nhân vật Khế, và Lanh - thành Lan, hiện lên. Hai cái tên đặc biệt đều là cây có loài hoa gợi nên ý tưởng.
Rồi tính cách họ hiện lên trong những chi tiết an táng, cải táng, hỏa táng…những chuyện hài hước, đau buồn. Cuộc sống được thể hiện trong tác phẩm là xã hội Sài Gòn những năm 1980 thế kỷ trước. Cuối truyện, Khế đã biến mất một cách bí ẩn, để nói rằng, con người ấy đang lẫn vào xã hội chúng ta, là chính mảnh đời của mỗi ta đó.
Câu chuyện của Thành phố độc thân chính là: Con người thuở nhỏ sống bầy đàn với bạn bè, trưởng thành với tình yêu đôi lứa và cuối cùng về với hộ độc thân. Vậy thì chúng ta phải sống thế nào đây?
Sài Gòn 11-2012
N.Q.T
Trích tiểu thuyết THÀNH PHỐ ĐỘC THÂN
Ra khỏi cái cổng trụ bê tông, cánh ghép bằng hai tấm thép sơn đen đồ sộ, Khế ném về phía mấy người công an quản giáo vừa làm xong thủ tục mãn hạn tù cho hắn câu chào :
- Tạm biệt !
Thảy mọi người đều bật cười. Qua mấy năm hắn ở trại giam họ đã quen cái tính hay đùa bỡn của tay tội phạm này, chứ không phải hắn ngang ngược thách thức với pháp luật đâu. Thời gian đầu hắn mới nhập trại, nhiều quản giáo tỏ ra khó chịu, họ không hiểu, tại sao cái thằng hành nghề chôn người, sống ở thế giới đưa thi thể về cõi âm ấy lẽ ra nó phải âu sầu mới đúng, đằng này hắn lại hay đùa cợt, coi chuyện ở tù cũng hết sức bình thường. Vậy rồi, qua thời gian sống gần Khế, nhiều cán bộ quản lý trại cũng lây cách nói hài hước của hắn. Ngay Huấn, thường bẳn tính, hay cáu gắt với mọi người cũng đã nhiễm cái tính khôi hài của tay tội phạm anh trực tiếp quản lý này. Huấn buông câu hỏi đùa:
- Bao giờ trở lại ?
Không lưỡng lự, Khế ngoái cái đầu cá trê, tóc húi cua lại, nói :
- Cũng muốn trở lại sớm, không thì nhớ cơm tù lắm. Nhưng phải tùy sức phấn đấu của bản thân.
Trại trưởng Tư Bình từ phía trong nhà chỉ huy bước ra, nắm tay Khế dặn:
- Đi đường cẩn thận, về tới nhà, nhớ thư cho tôi mừng. Cho tôi gửi lời thăm cô Lan. Chừng nào làm lễ kết hôn báo cho tụi này tới uống bia với nghe.
Khế gật đầu:
- hà đâu có mà về, hả anh. Trước mắt tôi giờ là phải lo kiếm việc để sống. Còn yêu đương xem ra xa vời lắm.
Khế mang cái bòng vải đựng quần áo lếch thếch đi ra đường cái. Được một đoạn, hắn sững người, cảm thấy choáng trước khoảng trời xanh đến chói mắt và con đường cái rộng, thời gian ở tù mình ao ước được trở về với cuộc sống bình thường, nay lại thấy sợ, mình sẽ về đâu bây giờ? Nhưng Khế không phải lo lâu, khi thấy đồng nghiệp trong đội mai táng đứng chờ cạnh chiếc xe tang, hắn ngửa cổ cười khoái trá, tiếng cười khanh khách như trước đây trên đường đi chôn người về bất chợt bắt gặp mâm cỗ trên nấm mộ nào đó.
- Thú lắm. các vị định đưa cái xác này đi đâu ?
- Tùy anh?
- Hãy đưa ta về thành phố của những hộ độc thân .
|
Minh họa trong bài của họa sĩ NGÔ XUÂN KHÔI |
Khế cùng mấy thằng nhảy phốc lên thùng xe mau lẹ như ngày nào cả bọn nhặt liệm cái xác vô chủ đưa đi chôn. Khế bắt gặp mùi nhang pha lẫn mùi cồn, mùi tử thi quen thuộc. Hắn đã nao lòng, cảm giác dễ chịu ấy bật lên từ tiềm thức sâu thẳm, cái nghề mai táng người chết đã trở thành nghiệp trỗi dậy, chân tay tự nhiên ngứa ngáy, muốn được hành nghề. Khế nhìn cẳng tay cơ bắp có phần teo lại, lỏng ra, rồi mình lại cầm xẻng, cầm cuốc vùi quan tài, quật mộ để thay áo quan, chả mấy chốc săn chắc như trước. Hắn quay sang hỏi người ngồi bên cạnh :
- Cánh đô tỳ tụi ta hồi này làm ăn khá không, Hoan?
Đô tỳ hay đạo tỳ là để gọi người làm nghề mai táng. Cho tới nay, chưa ai hiểu tường tận tại sao cái nghề chôn người lại được gọi là đạo. Hoan thay Khế làm đội trưởng mai táng từ khi Khế vào tù. Trước kia, Hoan là người trầm lặng, rất kiệm lời, sống cùng Khế một thời gian, hắn cũng đã học được tính thích cà giỡn. Nghe hỏi vậy, Hoan thượt mặt ra:
- Thiên hạ kéo dài tuổi thọ quá, cánh ta thất nghiệp mất .
Thằng Đổng mau miệng đế thêm:
- Lại mọc thêm mấy cái lò hỏa táng, những thằng nướng xác ấy cạnh tranh với bọn mình quyết liệt lắm. Xem ra bọn nó sẽ thắng, thời này người ta ngại chôn, ngại tậu đất xây mồ tốn kém, hằng năm hễ tới dịp giỗ tết lại phải viếng thăm, chi bằng thiêu quách đi, lấy nhúm tro đưa lên chùa cho tiện .
Hoan thở dài:
- Mẹ kiếp, thiên hạ ít người nhập khẩu vào Thành phố những căn hộ độc thân thì bọn mình đói rã họng ra mất. Chưa tìm ra lối thoát nào cả.
Khế lướt mắt nhìn về mấy người bạn, mặt xọp quắt, da dẻ khô sạm, mắt lờ đờ, này là hậu quả của đói ăn, thiếu ngủ. Những năm hành nghề ở nghĩa địa cho Khế hay, mặt đô tỳ, phản ánh rõ nhất tâm trạng và đời sống của họ, bản mặt như vậy là công việc khan hiếm, ăn uống kham khổ lắm. Thông thường, những người lao động chân tay không có việc làm là lao vào những cuộc rượu, đánh bài thâu đêm suốt sáng. Cái nghiệp hành nghề chôn người, bốc mả đâu phải có việc đều, có ngày làm từ mờ sáng tới tận đêm vẫn chưa vùi hết quan tài, có lúc cả tháng chỉ lèo tèo vài đám ma người nghèo, kẻ chết trôi chưa tìm được thân nhân, vấp phải trường hợp thương tâm ấy cầm đồng tiền công của người ta còn áy náy huống gì vòi vĩnh, kiếm chác thêm. Đành phải ngồi nhìn mặt rạc của nhau thở dài, kiếm cách giải khuây bằng cờ bạc, thằng nào thua phải ra quán ký sổ nợ lấy rượu, thức nhắm về cho cả đám nhậu. Rượu vào là điên tiết chọc ghẹo nhau, khích bác nhau, lắm khi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, sứt đầu mẻ trán. Ngày ở nhà, Khế thường làm khâu trung gian hòa giải, anh biết cách nói, nên thuyết phục họ rất nhanh, bao giờ cũng vậy, khi men rượu trong người đã nhạt, họ nhìn nhau ngượng ngùng, rối rít xin lỗi nhau, ai cũng giành khuyết điểm về mình. Có lúc cả đám ôm nhau khóc hu hu. Ai cũng thấy, cuộc sống vốn đã nhếch nhác, đã đủ khổ cực rồi, đã bị người đời gọi bằng cái tên miệt thị là phu chôn người, vậy mình ruồng bỏ nhau làm gì.
Khế hỏi nhỏ:
- Anh Hai độ này vẫn khoẻ chứ?
Anh Hai là người chủ nghĩa địa, gọi theo ngôn ngữ dân làm ăn xứ này là cai đầu dài. Nghe Khế hỏi thằng Đổng nhanh nhảo:
- Cai đầu dài đã tán vụn căn nhà ba lầu để xây biệt thự, thay xe hơi cũ bằng chiếc Mercedes đời mới, nơi làm việc là nhà hàng, quán nhậu, còn bồ già, tình non không thể dùng đốt ngón tay để tính nổi đâu.
Hoan búng cái tai chuột của Đổng, nói:
- Này, nói xấu cấp trên coi chừng mất việc đó, không có ổng tụi mình đã trở thành công dân của Thành phố những căn hộ độc thân rồi.
Đổng né người, cười khốn khó:
- Được làm công dân của thành phố ấy đã là phúc, tao sợ tới lúc mình tắt thở tụi nó hắt ra ra nghĩa địa lấp xác vô thường nhận .
- Mày lo quá xa, đã chết rồi vùi đâu mà chả được. Tao ước trưa nay có món gì đãi anh Khế.
Khế nhìn ra đường, người qua lại đông tưởng như tràn lên cả vỉa hè, thấp thoáng những cô gái diện quần áo mới, đã hai năm hắn mới được nhìn lại cái xã hội tự do đông đúc thế này. Hắn ngó vào các hàng quán bên đường, những dãy bàn đầy người ăn uống, đã bao nhiêu lần ở trong trai cải tạo, Khế ao ước ngày ra tù để được ăn bát phở nóng, váng béo nổi nênh, những cọng hành xanh mướt, trái ớt đỏ chín cay xè hay bữa cơm gạo nàng hương với cá rô kho tộ rắc tiêu. Bây giờ hắn đã được hưởng tự do, lòng hắn phấn chấn, bao nhiêu việc của một đời người bấy lâu nay mình không thể làm, bây giờ sẽ thực hiện. Tự do chỉ thực sự quí hơn vàng khi người ta bị đánh mất nó. Nhưng rồi, ý nghĩ khác len đến, thời gian tới, mình sẽ sống ra sao đây với cái tiền án trong lý lịch và hai bàn tay trắng. Chợt Khế thấy dáng người phụ nữ dáng thân quen phóng hon đa lướt qua, hắn ra hiệu người lái xe dừng lại.
Người lái phanh gấp, bánh xe trượt dài trên mặt đường nhựa tưởng tóe lửa, rồi khựng lại đột ngột khiến mọi người chúi đầu về phía trước. Người lái hỏi dồn:
- Gì thế ?
Khế nhảy xuống đất, thét gọi:
- Lan. Lan!
Hình như người phụ nữ không nghe thấy. Khế vác bộ mặt chưng hửng lên xe:
- Con nhỏ độ này điếc rồi sao.
Hoan hỏi :
- Ai vậy, anh ?
- À, bạn tù ấy mà.
Cả bọn trố mắt nhìn nhau. Thằng Hoan reo lên:
- Trong tù mà anh Khế cũng có bồ à? Thú vị quá ta?
Mặt Khế chau lại, hắn đang tưởng tượng cảnh Lan thất vọng ôm bó hoa trở về. Rồi lan sẽ giận mình, cái tính cô nàng chúa hay giận dai. Hôm qua Lan đã hẹn sẽ đưa xe máy tới đón mình, hai đứa sẽ về nhà cô ấy, chỉ vì mình ngại, nhà người ta cao sang, còn mình lếnh thếch cái thân tù ốm gầy, tới đó thật bất tiện, nên mình cách thác đi. Không chừng Lan sẽ bỏ mình luôn. Cùng cảnh ngộ trong trại giam, hai đứa yêu nhau, thề thốt trăm năm có nhau, nhưng ra ngoài đời này Lan sẽ sống trong gia đình giàu có, đầm ấm, mình là thằng lính vừa cởi quân phục đã sa chân vào tù, giờ đây chỉ còn tay trắng, cô ta bỏ mình cũng là dễ hiểu. Còn mình, đến cái thân chưa lo nổi nói gì đến chuyện yêu đương. Nếu như nay mai người ta người ta ngại thằng có tiền án, không cho mình làm ở nghĩa địa ấy, chưa biết thân mình này sẽ dạt tới bến nào?
Nỗi lo của Khế về công việc sắp tới để sinh sống vơi đi khi thấy tay Hai, cai đầu dài nghĩa địa, đứng đón ở cổng, dáng hắn đẫy đà, bận bộ đồ rộng, thời trang của những đại gia thành đạt, mái tóc nhuộm đen, bềnh lên, ra dáng còn trẻ lắm, nhưng vẫn không dấu được những đường nhăn do tuổi tác trên khuôn mặt nộn những múi thịt. Hắn phác một cử chỉ trìu mến và ôm lấy Khế như gặp người thân đi xa trở về:
- Chú thoát khỏi vòng lao lý, anh tưởng như mình chết sống lại vậy.
Khế mủi lòng trước câu nói ấy. Từ trước tới nay, đám công nhân mai táng vẫn bảo nhau, cai đầu dài vốn là người lạnh lùng, chả bao giờ thân mật với ai trong đám công nhân mai táng. Trong mắt anh ta, đám đô tỳ này là hạng người thất học, chỉ biết sai đâu làm đấy, không đáng trò chuyện. Hắn ta chỉ kết với những đại gia trong các ngành nghề, khi có lợi là xáp vô, thấy chẳng được gì ngãng ra ngay, có khi hôm nay là bầu bạn, chén chú chén anh, ngày mai là kẻ thù, đâm chém nhau đến thân bại danh liệt. Khế đáp lại vòng tay thân ái của cai đầu dài một cách ngượng ngùng. Chú về gánh vác giùm anh một số việc. Hắn thì thầm vào tai Khế vậy. Khế thấy sống mũi cay cay, anh Hai vẫn là người thương mình, tốt với mình, thì có ai lo cho mình đến vậy. Không thương, không thân tình làm sao anh ta áp bộ đồ mới cứng, sặc mùi dầu thơm quấn lấy áo quần tù nhân hoi hoi mùi rệp, mùi mốc của mình.
Cai đầu dài bá vai Khế và khoát tay ra hiệu cho cả bọn vào cái lán của họ ở cất de ở mé nghĩa địa. Thảy mọi người đều vỗ tay reo hò, một mâm cỗ bày sẵn trên bàn giữa nhà. Chiếc bàn hình quan tài này do mấy tay nghề mộc trong đội mai táng tạo dáng như vậy để cho ra vẻ cơ ngơi con nhà hành nghề chôn người. Bữa nay hắn đãi chúng gà nướng lu, heo sữa quay, bánh tráng phơi sương cuốn cá lóc hấp với bún và bia lon, ba thùng bia Sài Gòn xếp một đầu. Ngồi xáp vào đi, các cậu, các em. Hắn nói và tự tay khui một lon bia trao cho Khế và mở lon khác giơ cao, thét to nhưng vẫn giữ thái độ đạo mạo của bậc đàn anh:
- Nào, cơ quan chúng ta mừng bạn Khế đã trở về đội ngũ.
Đội mai táng chưa đến chục người nhưng tay cai đầu dài này gọi bằng cơ quan cho nó sang. Chúng ta rất đáng tự hào là làm cái việc hết sức nhân đức, hết sức đáng trọng của đấng siêu nhiên giao phó, là đưa phần xác con người về cõi bất diệt, con người ta có hai cái mốc thực sự trọng đại, đó là khi lọt lòng mẹ, được bàn tay bà mụ đỡ và lúc từ biệt cõi dương gian, được đạo tỳ đặt xuống cái huyệt rồi đắp đất lên, cai đầu dài thường bảo vậy. Thực ra, hắn ta chả bao giờ cầm cái cuốc, cái xẻng. Chỉ có đám tang thiệt to, anh ta mới tới trước dăm mười phút, đặt hờ tay vào quan tài, thảy vốc đất vào đáy huyệt. Thông thường người ta bỏ đất khi đã cho quan xuống huyệt, nhưng hắn lại rắc xuống khi chưa có áo quan. Thưa quí vị thân chủ, đây là đất trừ tà để linh hồn người quá cố được yên nghỉ, mả phát kết mau chóng để gia đình ta giàu có. Hắn ta nói vậy. Thân nhân người quá cố nghe vậy hỡi dạ lắm. Còn những đám thường thường, hắn chỉ đảo qua khi bọn đàn em chôn cất đã xong, với bộ mặt đưa đám, hắn chậm rãi thảy ra những lời soạn sẵn chia buồn với thân nhân, trao cho họ tấm thiệp in rất đẹp, để khi cần liên hệ, tiện thể kiểm tra số quà biếu, tiền boa của họ cho đội mai táng. Thường ngày, hắn ở thành phố thụt bi da, vờn bóng nỉ, nhưng cái bóng cai đầu dài vẫn trùm lên nghĩa địa. Nhất cử nhất động anh đều tường cả, thằng nào dù láu cá, gan lỳ đến đâu cũng sợ hắn như sợ cọp.
Cả bọn cười nói ồn ào, nốc bia ừng ực, ăn như cuốn, đã sa chân vào nghĩa địa làm thằng chôn người chết, quanh năm chứng kiến cảnh tang thương, ngửi mùi tử thi, giữ lịch sự làm quái gì. Chỉ có Khế là ăn uống từ tốn, anh quan sát người cai đầu dài để tìm xem sự thay đổi sau mấy năm. Nhưng hình như con người này chả có gì khác biệt so với trước, vẫn là bộ mặt căng những múi thịt được đỡ bởi cái nọng phì nộn và cặp mắt lươn ẩn dưới đôi mày rậm. Trong khi đó, thỉnh thoảng cai đầu dài lén quan sát Khế và nghĩ, cái trại cải tù ấy đã làm cho thằng này trầm tính hơn trước, tao biết ra khỏi cổng nhà tù là mày lại về nghĩa địa này, chớ chẳng thể đi đâu nổi. Trước sau mày phải làm công cho tao. Nghĩ vậy, nhưng nét mặt anh ta vẫn thản nhiên, cười nói như kẻ vô tâm. Anh ta chọn cái tỏi gà đặt vào bát Khế, ân cần như một người anh ruột:
- Ăn đi chú mày. Chắc mấy năm an trí ở trại cải tạo ăn uống cực lắm chứ gì ?
Thằng Đổng nói, vẫn cái giọng láu táu vốn có:
- Ăn uống thì kham khổ, chứ khoản bồ bịch là không thiếu đâu.
Cai đầu dài nhướn bộ lông mày sâu róm lên, đôi mắt lươn híp lại:
Vậy sao? Chà, khá quá.
Thằng Hoan buông câu đùa:
- Đàn em anh Hai mà !
Dứt lời nó xo vai, rụt đầu, tưởng sẽ lãnh một đòn của ông chủ đất chôn người, đùa bỡn với hắn ta chẳng khác nào vuốt râu hùm. Nhưng chủ đất vẫn điềm nhiên cười nói. Có phải bữa này đón một đàn em về từ nhà đá, nên hắn không chấp lời nói hỗn hay do tuổi đã cao khiến cai đầu dài trở nên nhân từ ?
Chợt nhớ ra điều gì, Khế ngơ ngác nhìn quanh :
- Bố già đâu?
- Ổng đang ngoài ngôi mộ cô đào Thanh Mỹ.
Khế buộc miệng:
- Chà, độ này bố già tương tư với người dưới suối vàng vầy sao?
Thằng Hoan lại buộc miệng :
- Lính của anh Hai mà !
Cái liếc mắt như dao chém của cai vùi xác chết khiến Hoan run lẩy bẩy. Cặp mắt lươn của thằng người này khi trừng liếc cứ như mắt rắn độc, khiếp lắm. Vừa lúc ấy một người phụ nữ phóng hon đa vào dừng trước cửa. Dáng chị thanh giòn, tuổi chừng ngoài ba mươi, nét mặt sắc lạnh. Chị ôm bó hoa bước nhanh vào, mỉm cười thay lời chào mọi người, nụ cười khiến gương mặt thật trẻ nhưng vẫn toát ra nỗi u uất. Khế đánh rơi chiếc đũa và hỏi theo ngôn ngữ của dân tù:
- Sao mày biết tao ở đây? Hồi nãy tao nhìn thấy xe mày lướt qua.
Cả đám công nhân mai táng trố mắt, chúng là những kẻ ăn nói bạt mạng nhưng chẳng ai xưng hô với phụ nữ như vậy. Không lẽ mấy năm tù đã làm hắn ăn nói thô lỗ với phụ nữ đến thế.
Người đàn bà phụng phịu, trán nhăn lại ra dáng trẻ lắm :
- Ra khỏi trại thiếu gì người, anh còn nhớ tới con này làm gì?
Họ lại kinh ngạc nữa, không ngờ người phụ nữ ăn mặc hết sức mốt, mặt sáng, nhìn mã bên ngoài có vẻ là dân có chữ mà sao đối đáp như hàng tôm hàng cá, khiến dân hành nghề mai táng cũng phải vái chào.
Khế vẫn đáp tỉnh khô:
- Mày đừng nghĩ oan cho tao.
- Sao thấy xe con này chạy qua, anh không ngừng gọi?
Hoan đỡ lời cho Khế :
- Anh Khế gọi rất to nhưng chị không nghe.
Người đàn bà điểm nụ cười dịu dàng. Cũng thuộc người nhẹ dạ. Cai đầu dài nhanh chân bước tới cái đưa tay hết sức ga lăng:
- Cô đến rất đúng lúc. Mời cô dự liên hoan mừng chú Khế thoát khỏi đại nạn!
Người đàn bà bước lên trao bó hoa cho Khế, những cành lay dơn vàng bắt nắng ngọn oặt lại, tím nẫu, giọng hơi nũng nịu :
- Vì anh lỡ hẹn nên hoa mới héo .
Khế buông câu đùa :
- Đời thằng vừa lột áo tù này hưởng hoa héo mới hợp .
Thằng này đùa không phải lúc rồi, cai đầu dài nghĩ và xua nỗi buồn của người phụ nữ bằng lon bia vừa khui:
- Nào, mời cô cạn ly cùng chúng tôi .
Cả đám nhao lên cụng bia. Người đàn bà uống một hơi cạn ly bia một cách ngon lành. Sau một tuần bia, Khế vỗ tay ra hiệu cho mọi người trật tự, rồi giới thiệu người phụ nữ với giọng đã nhảo vì hơi men:
- Lan xuất thân là dòng dõi trâm anh, ông tổ mười lăm đời đậu Đình Nguyên, ba là nhà giáo ưu tú được phong đợt đầu, đúng chất lượng, chứ không như đại trà sau này. Lan nối nghiệp ba, những mong muốn làm ngôi sao sáng trên bục giảng, nhưng thời thế đã biến đổi, nhà giáo lương không đủ húp cháo, Lan đành chia tay học trò đi xuất khẩu lao động ở một nước Đông Âu, sang bên đó, nhờ thông thạo tiếng nước sở tại và biết giao tiếp như một nhà ngoại giao chính cống, Lan bỏ nhà máy đi buôn hàng chuyến, quen biết cả một số chính khách, ở đâu cũng vậy, hễ có tiền lọt vào cửa nào chẳng được. Chìa khóa tiền rất lợi hại, nó có thể mở được tất cả các cửa. Trở về nước, Lan làm việc ở sở thương nghiệp thành phố. Đâu được hai năm, một lần không kìm được lòng tham, cô đã chiếm dụng tiền của công. Lan liều thân đánh hàng dược liệu quý sang Campuchia lấy tiền bù cho nhà nước. Chẳng may sa lưới pháp luật lãnh án tù giam. Âu đó cũng là do trời xui, để tụi tôi tao ngộ, kết duyên với nhau ở trại cải tạo.
Mọi người vỗ tay rầm rầm. Thằng Hoan nói to:
- Anh Khế giới thiệu thú đấy, nhưng hơi rề rà, thời gian ấy đủ cho chúng ta vùi ba mạng người. Nào anh em, chúng ta cạn ly mừng đôi trai tài gái sắc cơ duyên đến với nhau trong vòng lao lý .
Cả bọn hè nhau, mỗi thằng uống cạn một lon bia. Rồi chúng nói cho Khế nghe tình hình mai táng, bốc mả, sang cát mấy lâu nay. Cánh chôn người tụi ta đang lâm vào cảnh khó khăn, kiếm cơm hàng ngày vất vả lắm. Nói vậy, để anh Khế biết và anh Hai rộng lượng cho bọn đàn em. Thằng Hoan nói. Cai đầu dài khừng mặt, thằng này nói năng không biết giữ ý trước khách lạ. Nhưng hắn vẫn giữ nét mặt bình tĩnh:
- Không kêu ca, không phàn nàn, có trải gian khổ mới luyện được chí trai. Các chú phải noi gương chú Khế. Các chú vất vả, thiếu thốn, anh biết, anh cũng không để các chú chết đói đâu. Các chú phải cùng anh làm sao để người ta mang xác thân nhân tới đây vùi ngày càng nhiều, thành phố hộ độc thân này ngày mở rộng ra, có việc làm, lo chi túng đói.
Lan thấy ghê rợn, đang ăn mà họ nói việc chôn người, chuyện bốc mộ. Nhưng rồi khi men bia ngấm, Lan thấy thú vị, mình từng dự tiệc chiêu đãi ở những khách sạn, nhà hàng lớn sang trọng của thủ đô một số nước Đông Âu với những người ăn diện sang trọng, dáng điệu như chính khách, nói năng với phụ nữ lịch sự, kiểu cách, giờ đây được dự liên hoan giữa nghĩa địa, nơi tận cùng của một đời người, với những người làm nghề mạt hạng của xã hội, họ ăn nói lỗ mãng, bất cần đời.
Nghĩ vậy, Lan suýt bật cười nhưng phải cố giữ nét mặt điềm nhiên vì biết mọi người đang chăm chú nhìn mình.
Bữa tiệc sắp tàn, cai đầu dài ghé vào tai Khế nói nhỏ, nhưng đầy mệnh lệnh :
- Từ ngày không có chú, tụi này làm hỏng hết việc của anh. Từ nay chú giúp anh nắm đội mai táng!
- Anh cho em đói cơm tù đã.
Giọng hắn ta chuyển sang thân mật:
- Làm gì mà tù với tội. Lần trước anh chưa kịp tính kế giải thoát cho chú vì anh bận đi du hí nước ngoài với con bồ non mới lượm được, trở về nghe tin dữ chú đã vào ngồi nhà giam rồi. Thực ra lúc đó, nếu anh ra tay vẫn tháo củi sổ lồng cho chú được, nhưng lại nghĩ, thằng con trai muốn làm nên sự nghiệp cũng nên ăn cơm tù một thời gian. Sở dĩ đời anh mày đây nhiều lúc mềm yếu, không bình thiên hạ nổi, cũng là vì thiếu thời gian được luyện trong tù!
Hắn cất tiếng cười khèng khẹc vì đã buông được câu đùa rất đã. Thấy Khế hơi cúi đầu, anh ta nói tiếp, giọng bả lả :
- Phải làm ra tiền. Chú có con người yêu ngon thế mà túi rỗng là khó mà giữ được đấy. Tiền là sợi xích buộc chân người đẹp. Chú nên nhớ rằng, cái thằng bạc tóc trên tình trường này mới rút được câu châm ngôn đó.
Bữa rượu tàn, mọi người nhanh tay dọn dẹp, cứ tống tất cả bát đũa, nồi niêu vào cái thùng lớn rồi dùng vòi nước phun, rửa bằng tay làm gì cho tốn thời gian. Đó là cách rửa bát, truyền từ lớp này sang lớp khác, của những người hành nghề chôn xác ở nghĩa địa này.
Một thằng xé gói trà Bảo Lộc, cho vào cái bình sứ to rồi đổ nước sôi vào. Khi trà đã chín, hắn thảy vô mấy cục nước đá, chế ra những cái chén lớn. Kiểu uống trà của dân nghĩa địa cũng khác người. Làm cái nghề đào huyệt chôn người phải uống vậy mới đã, hơi đâu thưởng trà trong những cái chén hạt mít.
Cai đầu dài vứt cái tăm ra hè, hỏi:
- Ngày mai có mấy đám, Hoan?
- Ba đám, đều vùi cả, anh Hai à!
Thằng Đổng chêm lời:
- Dạo này ít đám quật nhỉ. Tụi ở nghĩa địa Từ Điển nhờ quật mà vớ được khối đồ cổ, lắm thằng còn sắm được cả xe máy đời mới.
Hắn gật đầu xác nhận và lên giọng động viên:
- Cứ cho tụi nó vùi thật nhiều rồi cũng có ngày phải quật. Ba đám ngày mai cứ làm đủ thủ tục anh dặn. Các cậu nhớ quảng cáo dùm cửa hàng anh có đủ quan tài lớn bé, gỗ tốt cả nghe. Bán được hàng, các cậu được hưởng hai mươi phần trăm hoa hồng.
- Lan tròn mắt trước sự làm ăn của dân mai táng. Cai đầu dài quanh sang Lan, giọng nhẹ nhàng:
- Từ nay cô cho phép chúng tôi coi cô như người nhà. Cô hãy động viện chú Khế làm việc thiệt tốt. Chúng ta là người có nghề nghiệp, hăng hái làm việc, đâu sợ nghèo, phải không?
Hắn bá vai Khế dẫn ra phía bên nhà, mở ví rút xấp tiền trao cho Khế. Chú cầm lấy xài tạm, trại cải tạo đâu có thanh toán tiền tù phí cho ai bao giờ, phải không? Chú hãy đưa cô ấy đi uống cà phê, trò chuyện cho bõ những ngày trong lao lý. Nối được vòng tay, những cái hôn từ trong tù ra ngoài đời, thú vị lắm đó. Hắn nói vẻ dí dỏm, khôi hài rồi vụt ra sân, nhảy lên chiếc Mecerdes màu đen láng bóng, phóng đi. Tính Hắn bao giờ cũng thế, đến đột ngột và ra đi với những bước chân dứt khoát. Tụi đàn em đã quen với tính thoắt ẩn, thoắt hiện của gã trùm nghĩa địa này. Nhiều lần vào lúc nửa đêm hắn đến, quát dựng cả bọn dậy, tra hỏi chuyện chôn người ngày trước. Hỏi đột ngột trong khi đang ngái ngủ như vậy buộc phải khai thực số tiền nhận được. Rồi hắn hạ giọng dặn dò mấy điều cũng chẳng có gì quan trọng và bảo mọi người hãy tiếp tục ngủ. Có lúc đang giữa bữa tiệc, hắn buông đũa bỏ đi, chắc là chợt nhớ đến cuộc hẹn với ai. Cũng là sự phán đoán của tụi đàn em vậy thôi, chứ đến trời cũng chẳng hiểu được con người này, đến và đi chẳng cần phải chào tiễn. Tính hắn không ưa sự bịn rịn, rất ghét thứ nước mắt chia tay.
N.Q.T