Từ nguyên mẫu đến nhân vật

NGUYÊN MẪU CỦA NHÂN VẬT IKHTIANDR - NGƯỜI CÁ

Thứ Hai, 21/01/2013 00:08

Người cá có thật hay không?

Ý tưởng về người cá, tức là con người có khả năng sống và hô hấp đồng thời trong cả hai môi trường không khí và nước đã có từ khá lâu. Có thể kể đến các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp - thần biển Poseidon và con trai Triton, cùng hàng loạt các nàng tiên cá, các con gái thần sông, thần biển khác. Trong văn học dân gian Nga người ta cũng biết đến các nàng tiên cá, trong bylina (tráng ca) Nga có Sadko, chàng thương gia lãng tử đã từng thăm thuỷ cung của vua Thuỷ tề và chơi đàn gusli cho Vua nghe. Trong các nhật ký của mình nhà thám hiểm nổi tiếng Cristoforo Colombo hồi thế kỷ XV đã mô tả những sinh vật biển có trí tuệ bơi theo đoàn tàu và chào mừng thuỷ thủ đoàn.

Tiểu thuyết nổi tiếng "Người cá" của nhà văn khoa học viễn tưởng Nga Alexander Beliaev (ảnh- 1884 -1942) ra đời vào năm 1928, và trong nhiều thập kỷ từng được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của thể loại khoa học giả tưởng Nga. Ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết đã xuất hiện như thế nào, và nhân vật Ikhtiandr có thể có bao nhiêu nguyên mẫu?

Những nguyên mẫu của nhân vật Ikhtiandr

«Một lần, vào khoảng giữa thập kỷ 20 của thế kỷ trước, - Svetlana Alexandrovna, con gái út của nhà văn Beliaev, kể lại, - cha tôi tình cờ đọc được một mẩu tin về một vụ án xảy ra ở Buenos Aires (Argentina). Bị cáo, giáo sư Salvator, người đã thực hiện một loạt các phẫu thuật trên trẻ nhỏ, có sự đồng ý của cha mẹ chúng, bị buộc tội "can thiệp vào vẻ bề ngoài của con người và làm hỏng các sáng tạo hoàn thiện của Chúa", và bị xử 10 năm tù giam. Chính mẩu tin tình cờ ấy đã khiến cha tôi, nhà văn Alexander Beliaev nảy sinh ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng về "người-cá".

Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, nguyên mẫu nhân vật nam chính trong tiểu thuyết của Alexander Beliaev là tay bơi huyền thoại có biệt danh là Pisce-Kola (Pisce tiếng Italia nghĩa là Cá). Theo truyền thuyết, ông sinh năm 1300 tại thành phố Cattani trên đảo Sicilia, kiếm sống bằng nghề khai thác hải sản, từ thuở ấu thơ đã làm quen với tất cả các loại sinh vật biển như ốc, sò, san hô, bọt biển... Ông sống trên biển hầu như suốt thời gian, ăn cá và sò ốc sống. Sau đó ông trở thành người đưa thư. Đeo túi bưu phẩm bằng da bên mình, hàng ngày, trong mọi điều kiện thời tiết, ông bơi từ đất liền đến các đảo thuộc nhóm đảo Isole Eolie phía Bắc nước Ý, cách đất liền 50 dặm.

Theo thần thoại, Pisce-Kola qua đời chỉ vì Friedrich đệ nhị, hoàng đế Napoli và Sicili thời ấy, muốn được giải trí, đã ném một chiếc cúp vàng xuống đáy biển, và ra lệnh cho Người cá phải lặn vớt lên. Sau lần thứ hai không thành công ông không bao giờ trở lại mặt nước được nữa. Sóng biển đã nuốt mất con người dũng cảm ấy.

Tại sao các nhà nghiên cứu lại cho rằng Pisce-Kola là nguyên mẫu của nhân vật Ikhtiandr? Câu trả lời rất đơn giản - trong cuốn tiểu thuyết của mình Beliaev có sử dụng một vài tình huống trong cuộc đời Pisce-Kola. Ikhtiandr dũng cảm đuổi bạch tuộc khổng lồ ra khỏi một hang ngầm, và Pisce-Kola cũng kể cho Hoàng đế nghe mình đã săn bạch tuộc khổng lồ ở Địa Trung Hải như thế.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì liệu đã đủ bằng chứng để khẳng định, rằng Pisce-Kola là nguyên mẫu của nhân vật Ikhtiandr hay chưa? Đúng, rõ ràng anh ta không phải là nguyên mẫu duy nhất của nhân vật này.

Tuy nhiên, hoàn toàn có đủ bằng chứng để khẳng định Pisce-Kola là nguyên mẫu của một nhân vật phụ khác trong tiểu thuyết của Jules Verne - nhân vật người đưa tin trên biển trong tiểu thuyết "Hai vạn dặm dưới đáy biển". Sau đây là trích đoạn đối thoại của Gs Aronắc và Công-xây, người giúp việc của Gs, với Thuyền trưởng Nemo:

"Trong làn nước xuất hiện một người, một người nhái đeo cái túi da bên hông... Đôi lúc anh ta bơi lên mặt nước để thở, rồi lại lặn xuống. Tôi quay lại phía Thuyền trưởng Nemo và thốt lên lo lắng: "Có người chết đuối!"... Thuyền trưởng Nemo đâm bổ đến cửa kính. Người kia bơi lại gần, áp mặt vào kính, nhìn chúng tôi. Trước sự ngạc nhiên quá đỗi của tôi Thuyền trưởng Nemo đưa tay làm dấu, người nhái trả lời khẳng định bằng cách gật đầu... "Xin các ngài đừng lo! - Thuyền trưởng Nemo nói. - Anh Nicola biệt danh là "Cá" ở mũi Matapan đấy mà. Một tay bơi cừ! Nước là môi trường sống của anh ấy..."

Người ta tin rằng người cá Ikhtiandr còn một nguyên mẫu khác nữa, bởi nhiều nhân chứng khẳng định đã nghe Alexandr Belaev nói: "Cuốn sách mới của tôi là một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng trên cơ sở các thành tựu mà bác sĩ quân y Myshkin đã làm được". Nhưng bác sĩ Myshkin là ai?

Bác sĩ quân y Artemi Myshkin

Tháng 2 năm 1903 đại uý bác sĩ Artemi Myshkin đến Gatchina, một thành phố nhỏ ở ngoại ô Sankt-Peterburg. Ông là một bác sĩ ngoại khoa xuất chúng, và rất giỏi về hoá học, được "giải phóng hoàn toàn khỏi nhiệm vụ trong trung đoàn và đưa về đây để thực hiện các nhiệm vụ bí mật do cấp trên giao" Đó là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với sự "giúp đỡ tận tình" từ Bộ quốc phòng.

Nhưng vị bác sĩ không ai biết tới này đã thực hiện nhiệm vụ cụ thể nào? Theo các tài liệu còn sót lại, những gì ông đạt được thật phi thường. Ông thực hiện cấy ghép cho các động vật cao cấp ở cạn (chuột, chó, khỉ...) một phần mang cá mập, và những con vật ấy trở thành động vật lưỡng cư. Tức là chúng có thể chủ động thở được cả trên cạn lẫn dưới nước.

Cảnh trong phim Người cá - chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Alexander Beliaev

Mà bí quyết của ông nằm trong một bài báo của Afanasy Herts đăng trên tạp chí y học nổi tiếng của Anh The Lancet. Qua bài báo ông biết rằng, các tiểu cầu trong máu có thể tự thay đổi theo các tác nhân hoá học được đưa vào cơ thể. Ví dụ, nếu như nó nhận được yêu cầu phải dự trữ cho cơ thể nhiều ôxy hơn khi môi trường thiếu chất này, nó sẽ đáp ứng. Nhà khoa học thiên tài đã thành công trong việc tạo ra một hoạt chất có tác dụng như vậy. Ông nối một nang thuốc chứa hoạt chất bí mật ấy với hệ hô hấp của những con vật đã qua phẫu thuật, bằng cách ấy kích hoạt phổi và mang cấy ghép của chúng.

Nhưng tai hoạ chính nằm ở chỗ những con vật thí nghiệm được nhà bác học thiên tài giải phẫu và biến thành động vật lưỡng cư đó không sống được lâu. Tất cả chúng đều chết vì cơ thể đào thải mô cấy ghép. Thường thì quá trình đào thải khiến chúng chết sau phẫu thuật từ vài giờ đến vài ngày. Không biết vì lý do gì có một con chó tên là Mukha đã sống được sau phẫu thuật một thời gian dài không thể tưởng tượng nổi - một năm rưỡi. Nó thích sống và ăn trong bể bơi hơn là trên cạn. Tất nhiên, để duy trì sự sống cho nó, cứ sáu tiếng đồng hồ người ta lại phải thay nang thuốc có chứa hoạt chất bí mật mà thành phần chỉ có Myshkin nắm được.

Sau một thời gian thí nghiệm, đại uý bác sĩ được gọi đến Peterburg, nơi ông nhận nhiệm vụ mới từ cấp trên của mình. Cái mà Hải quân Nga cần không phải là những con vật thí nghiệm, mà là những người lính có khả năng sống lâu trong nước, bí mật lặn xuống đáy tàu chiến địch, đặt mìn, phá huỷ hệ thống thông tin liên lạc dưới nước của đối phương. Và trong thời hạn một năm ông phải trả lời câu hỏi liệu ông có thực hiện được nhiệm vụ hay không.

Myshkin lại bắt tay vào việc, thực hiện hàng loạt các cuộc giải phẫu. Đỉnh cao của thành công là con lợn Borka, được thay thế thuỳ phổi phải bằng mang cá mập hổ. Con lợn sống được khá lâu trong đầm nước thuộc lãnh thổ công viên ở Tsarskoselskoe, và nghe nói có lần các thành viên gia đình Sa Hoàng còn cho nó ăn chuối.

Nhưng mục đích cuối cùng của các thí nghiệm vẫn là cấy ghép mang cá mập cho người. Người ta đã tìm kiếm khá lâu, cuối cùng cũng tìm được người tình nguyện trở thành Người cá. Đó là một người lính trẻ tên là Ignati Voropaev, mắc một căn bệnh nghiêm trọng về phổi, và người đương thời đều cho rằng anh ta không còn gì để mất.

Cuộc phẫu thuật cấy ghép thành công rực rỡ. Chẳng bao lâu sau Voropaev đã có thể thở được và cảm thấy khoẻ mạnh không chỉ trong phòng bệnh, mà cả trong đầm nước ấm. Nhưng than ôi, mọi cố gắng của bác sĩ Myshkin đã kết thúc bi thảm, bởi ông không ngăn được quá trình đào thải mô cấy ghép. Ignati Voropaev qua đời. Bộ trưởng quốc phòng đã đệ đơn xin Sa Hoàng cho phép Myshkin được tiếp tục những thử nghiệm đắt đỏ, đầy rủi ro nhưng cũng đầy hứa hẹn thành công. Tuy nhiên, Sa Hoàng Nicolai Đệ Nhị đã hạ bút phê, nội dung nguyên văn như sau: "Việc làm đó có ích, nhưng chống lại Chúa. Và tất cả những gì có ích đều nhiều nguy cơ!".

Tuy nhiên, chỉ với những gì đã làm được thì bác sĩ thiên tài Artemi Myshin cũng đã đi trước thời đại mình khá xa, thậm chí vượt cả thời đại chúng ta. Cho đến nay, kể cả với các thành tựu y dược học hiện đại, vẫn không một ai có thể lặp lại thành công những thí nghiệm mà ông đã thực hiện.

Nhiều bằng chứng cho thấy nhà văn Alexander Beliaev đã biết đến các thí nghiệm của Myshkin. Và người ta có thể kết luận chính xác, người cá Ikhtiandr có một nguyên mẫu nữa, đó là anh lính Nga dũng cảm và bất hạnh Ignati Voropaev.

NGUYỄN QUỲNH HƯƠNG (st và dịch)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)