Từ nguyên mẫu đến nhân vật

VỀ BÀI THƠ "NẤM MỘ VÀ CÂY TRẦM"

Thứ Tư, 20/02/2013 00:10

. Nhà thơ NGUYỄN ĐỨC MẬU

Mới thế mà bài thơ Nấm mộ và cây trầm tôi viết đã được gần bốn mươi năm. Hồi đó tôi còn rất trẻ: 22 tuổi, là lính ở trung đoàn 165, thuộc sư đoàn 312. Trung đoàn tôi nhận nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, nước Lào. Mới vào thử lửa được mấy tháng, quân số trung đoàn đã bị thương vong khá nhiều. Người chết vì sốt rét, chết vì bom mìn, người chết vì quần nhau với giặc. Tôi có người bạn thân, hy sinh trong trận đánh ở đồi Mâm Xôi (tên đồi do lính trung đoàn tự đặt), nằm cạnh thị xã Xiêng Khoảng.

Tôi còn nhớ vào một đêm mùa đông năm 1969. Ở nghĩa trang biên giới, bọn "giặc trời" thả đèn dù, ném bom. Ánh sáng đèn dù treo lơ lửng, lúc nhập nhoạng lúc bùng lên trên các lùm cây, ngọn đồi. Những cây thông bị cháy chĩa thẳng lên trời như những nén nhang lớn. Dưới ánh sáng đèn dù, dưới tàn lửa của những cây thông, tôi cùng một số người trong tổ vận tải tranh thủ đào huyệt, khâm liệm và chôn xác đồng đội. Từ khung cảnh đầy chất bi tráng đó, tôi có được cái tứ để viết bài thơ Nấm mộ và cây trầm.

Trong bài thơ, cây thông ở nghĩa trang biên giới được thay thế bằng hình tượng cây trầm - một loài cây quý thay cho nén nhang thắp lên mộ bạn mình. Bài thơ được viết ở hang đá rừng Lào, dưới ánh sáng chiếc đèn được làm từ vỏ đồ hộp. Viết sau khi chôn xác bạn trở về, viết trong tâm trạng xa xót, thương tiếc. Có tứ, có cảm xúc nhưng còn bút pháp thể hiện, một khâu rất quan trọng trong sáng tác? Phải nói hồi đó tôi chưa phải là người viết có tay nghề, hay nói đúng hơn tôi còn chập chững những bước đi ban đầu trong sáng tác, thi thoảng may mắn lắm mới có một bài thơ in báo. Nhưng trong sáng tác mọi yếu tố thường bổ sung cho nhau. Có lẽ do tứ bài thơ vững, do cảm xúc mạnh đã tạo đà cho cách diễn đạt liền mạch. Bài thơ được viết nhanh, câu nọ nối câu kia, đoạn này nối đoạn khác. Từ một trường hợp hy sinh của bạn mình, tôi có được những đoạn thơ khái quát về sự hy sinh lớn lao của người chiến sĩ.

Bài thơ NẤM MỘ VÀ CÂY TRẦM

I. Tưởng nhớ

Đất đắp mộ Hùng gom trộn lẫn

Cây trầm cháy dở thay nén nhang

Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm

Hùng ơi, mai gió mùa đông bắc

Võng bạt, canh khuya lại nhớ Hùng

Những đêm hai đứa xong phiên gác

Bao gạo gối đầu chăn đắp chung

Nhớ khi mình ốm giữa rừng

Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi

Quả khế rừng nấu con cá suối

Thương mình Hùng hóa trẻ đi câu

Chúng mình có ở cách xa nhau

Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi?

Một thước đất hóa khoảng trời vời vợi

Từ nay mình thương nhớ Hùng hơn xưa.

II. Hy sinh

Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù

Nhận cái chết cho đồng đội sống

Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng

Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi

"Chết - Hy sinh cho Tổ quốc" Hùng ơi

Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất

Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc

Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng

Hùng nằm trong nôi của đất rộng vô cùng

Khoảng trời biếc hương trầm thơm hơn trước

Những đoàn quân đi đánh giặc

Có hoa rừng mang đến từ xa

Đất Hùng nằm bom đạn đào trơ

Ngày hoa nở, đêm ngời sao tỏ

Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ

Thành bàn tay chỉ hướng quân thù.

III. Ra đi

Cây trầm thơm từ gốc thơm ra

Như nhắc nhở với người đang sống

Thù riêng lớn, thù chung càng lớn

Hờn căm này nhân tiếp những hờn căm

Thôi mình đi Hùng nhé! Hãy yên nằm

Trận đánh đêm nay vắng Hùng gài bộc phá

Trận đánh trường kỳ vắng Hùng tham dự

Trận đánh cuối cùng chiến thắng phải về ta

Anh trinh sát hy sinh trao lại tấm bản đồ

Anh xung kích hy sinh phất cao cờ chuẩn

Xin Hùng hãy trao cho mình khẩu súng

Trận đánh vẫn còn tiếp diễn, Hùng ơi!...

Quân mình đang pháo kích nơi nơi

Hùng có thấy đất rùng rùng sấm dậy

Mặt trận chuyển vào sâu rồi đấy

Thôi mình đi, Hùng nhé: hãy yên nằm

Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm

Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ

Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị

Thân hy sinh thơm đất, thơm trời.

Mặt trận miền Tây mùa đông 1969

Viết xong bài thơ, tôi có đọc cho một số người nghe. Sau, tôi sửa chữa thêm và chép vào sổ tay. Chừng vài năm, có dịp ra Hà Nội, tôi mới gửi bài thơ in ở Tạp chí Tác phẩm mới. Tôi được in một chùm thơ bốn bài trong đó có bài thơ Nấm mộ và cây trầm. Tôi không ngờ bài thơ của tôi được dư luận khen, được Hội Nhà văn và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao giải thưởng chính thức về đề tài thương binh liệt sĩ.

Từ khi bài thơ Nấm mộ và cây trầm ra đời đến nay đã lâu rồi, thời gian tưởng như xóa nhòa mọi chuyện. Nhiều bài thơ tôi viết, có bài tôi quên cả xuất xứ, cảnh ngộ. Riêng bài thơ Nấm mộ và cây trầm, thường gợi lại cho tôi kỷ niệm nhức nhối khó quên với một người đồng đội đã hy sinh trên chiến trường đất bạn.

Lại nhớ có lần cách đây chừng 20 năm, tôi có về công tác tại Hải Phòng. Nhà thơ Thanh Tùng dẫn tôi đến nhà một bác công nhân già. Qua lời tâm sự, tôi biết bác có người con trai tên là Hùng hy sinh ở mặt trận. Bác còn lưu giữ bài thơ Nấm mộ và cây trầm của tôi, lưu giữ và học thuộc. Bác bảo bác biết nhân vật Hùng trong bài thơ không phải là con trai bác bởi bài thơ tôi viết trước khi con trai bác hy sinh chừng ba, bốn năm. Tuy thế, bác vẫn lưu giữ bài thơ và mong gặp tác giả. Gặp tôi, bác thoáng mừng nhưng lại buồn ngay. Buồn vì đứa con trai của bác đã ra đi vĩnh viễn không về. Ngoài những lời thăm hỏi chung chung, tôi không có cách gì an ủi được bác.

Bài thơ Nấm mộ và cây trầm còn gợi cho tôi những suy nghĩ mông lung về nghề nghiệp. Cách đây bốn mươi năm, tôi mới bước vào nghề, ở độ tuổi trẻ trung sôi nổi, tôi làm thơ để bày tỏ những buồn vui, cảm xúc riêng mình. Còn bây giờ, tay nghề tôi có vững hơn, mọi suy nghĩ về lẽ đời thấu đáo hơn nhưng nếu cằn cỗi, thiếu cảm xúc, đa ngôn tự huyễn hoặc mình, tôi sẽ sa vào ngõ cụt của sự bế tắc.

N.Đ.M

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)