Từ nguyên mẫu đến nhân vật

VỌNG PHU CHƯA HOÁ ĐÁ

Thứ Hai, 04/03/2013 00:19

.Nhà thơ VƯƠNG TRỌNG

Năm 1986, nhân dịp tôi ghé về thăm quê, các anh công tác ở thị trấn Đô Lương mời tôi tham gia viết lịch sử của thị trấn, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Theo hướng dẫn, tôi được gặp một điển hình thời chống Mỹ, chị Bùi Thị Vấn, một trung đội nữ dân quân nổi tiếng gan dạ, bất chấp bom đạn, lãnh đạo một trung đội nữ dân quân trên ba mươi người làm nhiệm vụ tiếp đạn tải thương… và nhiều đêm làm “cọc tiêu sống” cho xe quân sự ra vào qua vùng Đô Lương. Khi chưa gặp, tôi hình dung đây là một người đàn bà to khoẻ, nước da ngăm đen, vẻ mặt kiên quyết…Nhưng khi gặp, hai điều làm tôi ngạc nhiên. Thứ nhất, vể hình thức, chị Bùi Thị Vấn ngược lại những gì tôi đã hình dung: một người đàn bà tầm thước, nước da trắng mịn, nói năng nhỏ nhẹ, ý tứ. Năm đó chị đã 38 tuổi rồi nhưng trong vẫn khá trẻ, mà lại còn…xinh nữa. Điều ngạc nhiên thứ hai là chị sống độc thân trong một căn nhà rộng, trong một khu vườn rộng, nhà của bố mẹ chị để lại. Chị Vấn lục những tấm ảnh chụp hồi chiến tranh để cho tôi có thêm tư liệu. Trong số ảnh này, tôi đặc biệt chú ý tới bức ảnh chị chụp cùng Thiếu tướng Lê Quang Hoà, Tư lệnh Quân khu 4, cùng một số đại biểu về dự Đại hội chiến sĩ thi đua. Trong ảnh đó, chị mặc bộ quần áo đen, làm cho nước da càng thêm trắng nổi bật so với những gương mặt xung quanh. Tôi không giải thích nổi, ở vùng quê gió Lào khắc nghiệt, lại dầm mưa dãi nắng trong bom đạn chiến tranh, mà nước da kia vẫn trắng mịn thế kia? Nội dung chính của câu hỏi phỏng vấn là công việc của trung đội dân quân nữ trong thời kỳ đó…Khi chuyện chung xong rồi, mới sang chuyện đời riêng, tôi tìm hiểu tại sao một con người nhan sắc như chị mà đến nay vẫn sống một mình. Lúc đầu chị còn đùa trêu tôi: “ Tại thời ấy anh không về công tác tại Đô Lương! Giá như ngày ấy anh về gặp em, thì em đâu còn cô đơn như thế này”! Rồi sau đó chị tâm sự hoàn cảnh của mình.Thì ra hồi chiến tranh chị từng yêu một chàng trai cùng quê. Hai người đã hẹn ước, thề thốt với nhau khi anh lên đường nhập ngũ. Và chị chờ đợi. Chờ đợi hết cả cuộc chiến tranh vẫn không có tin tức gì về anh. Chị đợi tiếp hơn chục năm sau khi nước nhà thống nhất mà anh vẫn ‘bặt vô âm tín”. Và chị vẫn đợi, vẫn đợi…

Có một tối tôi đang ngồi nói chuyện với chị trong ngôi nhà trống trải ấy, bỗng nhiên nghe mấy tiếng “Tắc- kè, Tắc- kè”. Thấy tôi ngạc nhiên quay tìm nới phát ta tiếng kêu, chị gải thích: “ Con tắc kè nó đến ở với em đấy mà. Mọi hôm giờ này em thường bắt dán cho nó ăn, nên hôm nay, nó nhắc đấy”! Lời nói của chị làm cho tôi càng thấm thêm nỗi cô đơn và thầm nghĩ: Khi cuộc chiến tranh đi qua, đất nước ta có biết bao người âm thầm gánh chịu nỗi cô đơn như chị Bùi Thị Vấn, nào đâu đã được chờ chồng, mà đằng đẵng đợi chờ người ra đi khi chỉ mới trao nhau một lời hẹn ước!

Với “nguyên mẫu” Bùi Thị Vấn, tôi đã sáng tác hai bài thơ, trong đó có một bài lục bát từng được giải nhất của cuộc thi thơ do bộ Giao thông Vận tải tổ chức cách đây chừng một phần tư thế kỷ.

V.T

Chị

Hẹn một lần, chờ đợi mấy ngàn ngày

Anh đi biệt phương trời không trở lại

Căn nhà rộng, ngày lẻ loi mình chị

Đêm thắp đèn cho bóng nữa thành đôi.

Cũng cơm canh, cũng bếp núc, xoong nồi

Mà vắng vẻ, mà âm thầm lặng lẽ

Nhà hàng xóm thừa ồn ào tiếng trẻ

Chị thiếu từng tiếng bát đũa va nhau.

Bưởi chín vàng rụng xuống hiên sau

Chua lắm vậy, chẳng thể nào ăn được

Chị bóc múi, một mình ngồi đếm hạt

Xâu thành vòng như cái thuở xa xôi.

Con tắc kè thương chị đơn côi

Về chung sống dưới mái nhà tre nứa

Tắc kè ơi đừng kêu lẻ nữa

Nắng mưa chi, cũng kêu chặn, đỡ buồn!

Mùa đông ơi, sao chẳng thấu nguồn cơn

Cứ dằng dặc những đêm dài rét buốt

Đợi le lói chút nắng mềm cuối chạp

Mắt chị nhìn hoa cải vàng hoe

Người đi xa, cuối năm những ai về

Mà lối xóm râm ran lời chào hỏi

Sao chẳng được làm người đón đợi

Cổng mở hoài, chỉ có gió và sân…

Có cách gì cắt ngắn được thời gian

Gói cất kỹ hai mươi năm chờ đợi

Để chị được trở về mười tám tuổi

Để trai làng có nơi hẹn mùa xuân.

1986


Tranh của họa sĩ THÀNH CHƯƠNG


Giá như ngày ấy



Bài lục bát thật vần tặng chị Bùi Thị Vấn và trung đội dân quân thị trấn Đô Lương.


- Giá như ngày ấy anh về

Hẳn là hiểu được người quê hương mình!

Giữa chừng câu chuyện, lặng thinh

Chị nhìn ánh nắng lung linh ngoài trời

Là khi hồi tưởng, chị ơi?

Cái thời đạn xối, cái thời bom rung

Bao đêm bóng tối mịt mùng

Xe đi vang động một vùng quê hương

Ngọn đèn thị trấn Đô Lương

Cùng người thức suốt chặng đường chiến tranh

Ba mươi cô gái hiền lành

Tấm áo gụ, tấm quần xanh dịu dàng

Mà gan dạ, mà hiên ngang

Đội bom đứng giữa mênh mang đêm dài

Dáng người hay dáng tượng đài

Vươn cao, nòng súng nhô vai lặng thầm

Sương đêm mái tóc ướt đầm

Mắt như sao sáng thấu tầm gần xa

Đón quân vào, đợi quân ra

Ngọn đèn - ánh lửa quê ta dõi nhìn.

Tuổi đôi mươi với niềm tin

Qua trăm ác liệt, vượt nghìn khó khăn

Nắm mì luộc, cũng bữa ăn

Ngủ đêm trận địa chiếu chăn cần gì

Bất ngờ gọi dậy là đi

Tiếng cười con gái có khi sáng đường

Sau ca tiếp đạn tải thương

Khoả chân xuống nước sông Lường thảnh thơi!

- Làm sao gặp được chị ơi

Ba mươi cô gái của thời chiến tranh

Người thì con đã trưởng thành

Người thì lỡ bước chưa đành sang ngang?

Ngoài trời nắng vẫn chang chang

Tiếng ve đầu hạ đổ vàng vườn quê

Chị nhìn, ánh mắt say mê:

- Giá như ngày ấy anh về Đô Lương!



Đô Lương, 1986

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)